NHỮNG CHUYỆN
“TÌNH” BUỒN…(THUKỲ)
Nếu phải kể những
chuyện khổ đau vào thời gian đầu ở Mỹ thì bao giờ mới hết.
Chắc ai cũng có
thể tưởng tượng một cô gái ngoài 20 tuổi tay dắt đứa con thơ, bơ vơ
nơi xứ lạ quê người, không cùng ngôn ngữ phong tục, tập quán, và
không một người thân:
“Chém lút
vào quá khứ
Một trái
tim dại khờ
Chém sâu
vào ký ức
Một nỗi
buồn như thơ..
Tương lai em
mờ mịt
Một thân
mình bơ vơ.”
Sau khoảng gần 1
năm dài chịu đựng những sự tán tỉnh “rẻ tiền” của đủ hạng đàn
ông thuộc dạng “nhân tài”, Thukỳ thấy tủi nhục ê chề: vừa sợ, vừa lo
chạm tự ái….
Tuy nhan sắc cũng
thuộc loại bình thường, nhưng “giấy rách phải giữ lấy lề”; nhất là
chồng còn trong tù, không thể phản bội người ngã ngựa. Ngoài
ra, dù gì chăng nữa thì chồng Thukỳ cũng phó quận, trưởng ty; không lẽ
vì một cái gì đó mà làm tủi nhục chồng con với những tâm hồn không
xứng đáng!! Còn đàn bà thì cũng tìm cách xa lánh Thukỳ, có lẽ họ không
muốn đối đầu với một người còn quá trẻ so với họ.
Nhờ chịu khó làm
việc có được ít tiền, Thukỳ liền nhờ bác Ân tìm thuê dùm chỗ khác;
Thukỳ nói với bác là cho dù có ở chung với người Miên có lẽ đỡ hơn, vì
theo Thukỳ nghĩ là họ không biết tiếng Việt sẽ bớt được tình trạng tán
tỉnh; nhưng bác nói “rắc rối lắm chị ơi!”
Một thời gian sau
đó bác tìm cho Thukỳ một căn nhà 3 tầng lầu ở Cambridge cũ kỹ và
mục nát, nhưng khu vực này có “rent control” nên giá thuê rẻ hơn các nơi
khác, đặc biệt là ở gần 2 trường đại học nổi tiếng Harvard và MIT.
Thukỳ mừng rỡ và
xin dọn ngay, dù tiền share phòng lúc đó khoảng từ 120 đô là một tháng
gồm cả điện, nước, gas; còn thuê nhà này thì Thukỳ phải trả 220 đô la, chưa
kể những phụ phí khác về điện, gas, rác… đủ thứ đang nghèo cũng lo,
nhưng còn hơn là chung đụng quá nhiều “nhân vật quan trọng”
May mắn sau này
có 2 cậu em họ từ tiểu bang khác đến xin ở chung với mẹ con Thukỳ.
Vì thiếu tiền nên Thukỳ chấp nhận ở chung, chứ thật ra căn nhà
này không có phòng riêng, hay cửa nẻo gì cả, vì nó dự trù chỉ cho vợ
chồng độc thân thuê; vì vậy, khi muốn xuống nhà bếp hay phòng vệ sinh
thì hai cậu này phải đi ngang qua giường ngủ của mẹ con Thukỳ.
Tuy vậy nhờ có hai em mà đỡ đi những tán tỉnh của những người
đàn ông “nhân tài xuất chúng”.
Vì không rành tiếng
Anh, nên mỗi khi đi đâu Thukỳ nhờ 1 cậu em ở nhà cũ thông dịch dùm.
Có một lần, để thực tập khả năng Anh ngữ của mình với một người bản xứ,
Thukỳ liền giới thiệu: “This is my boy friend” làm cậu ta đỏ mặt.
Sau đó, khi ra ngoài cậu nói: “Chị ơi đừng giới thiệu em
là “boy friend” nhé.”
Thắc mắc, Thukỳ liền
chỉnh cậu ta: “Thì em là con trai chị nói là boy friend, còn con
gái là girl friend.” Bây giờ mỗi lần gặp hai chị
em cứ ôm nhau cười và vẫn trêu là “boy friend” của tui.
Vì Somerville quá
xa, nên Thukỳ không còn nhận thêm hàng điện tử về làm cuối tuần
nữa, nhưng may mắn có bạn học giới thiệu vào hãng làm white-out, là
một chất đặc mầu trắng (correction fluid), dùng để quẹt lên những chữ đánh
máy bị sai. Công việc này khá nhẹ nhàng, chỉ ngồi bên máy chờ
cái lọ chạy ngang qua thì chụp cái nắp vào lọ, thế là xong. Thukỳ xin làm 2 ngày cuối tuần, còn
những ngày khác thì đi học và ban đêm làm nhà hàng.
Tưởng đời êm như
mơ, nhưng đâu ngờ cái số dù xấu cũng “đào bông”, vì ông chủ hãng
người Anh, độc thân, vui tính và nhân hậu. Khi biết hoàn cảnh
của Thukỳ, ông động lòng thương và muốn cho 2 mẹ con về ở trọ nhà
ông không lấy tiền. Sẵn có máu
“tham tiền”, khỏi trả tiền nhà là mừng chết luôn. Nhưng sau khi Thukỳ hỏi ý kiến Bác Tôn Thất
Ân (người bảo trợ), và sau khi tiếp xúc với người đàn ông này, bác Ân bảo là không được “phiền lắm
chị ơi”! Lúc đó Thukỳ giận bác
lắm, không hiểu chữ “phiền” vì Thukỳ thấy ông ta rất tốt, nhà thì
đẹp sang, được ở “chùa” thì sướng như...trúng số. May là bác không
cho nếu không giờ này cũng làm bà chủ hãng!! Và hát tặng cho ông
chồng bản “Lỡ Bước Sang Ngang”.
Hoàn cảnh mẹ con
Thukỳ khá ly kỳ nên được hội giới thiệu cho báo Boston Globe, rất
nổi tiếng lúc bấy giờ, đến phỏng vấn. Khi báo đăng lên thì
ông ký giả cũng ngẩn ngơ, liên tiếp gọi phone cho Thukỳ, khiến Thukỳ
sợ quá phải gọi cho bác Ân can thiệp. Cuối cùng, chàng đành tự
ý bỏ mối tình đơn phương.
Ngày nọ dẫn con
cùng cậu em đi chợ, gặp 1 ông Mỹ lại làm quen, lúc đó tiếng Anh
Thukỳ cũng “cao thủ” lắm, nên hiểu là ông muốn đưa về nhà cho đồ
đạc. Chưa dứt được máu tham, nên Thukỳ leo lên xe về nhà ông, và mẹ
con sung sướng được tặng đồ “thừa”.
Sau đó, ngày nào ông cũng
đến nhà với một bài thơ. Hihi, cho
dù ngày nay có đọc những bài thơ đó chưa chắc Thukỳ đã hiểu, chứ đừng nói chi
ngày đó, hên lắm thì cũng hiểu được 3 chữ “I love you”. Sợ quá trốn
luôn, giờ này nhớ lại ông thi sĩ lòng vẫn rộn ràng.
Xin gởi mấy câu
thơ cho những chàng ngày ấy:
“Em có biết
anh yêu em nhiều lắm,
Ngay buổi
đầu mà mình mới gặp nhau
Thương làm
sao, hỡi có biết đâu
Yêu chị lạ
một tâm hồn có chủ..”
Chuyện dài thế
kỷ kể sơ sơ chuyện tình cảm “lăng nhăng” của con nhỏ VN mũi tẹt da
vàng, cũng gây khá nhiều bão tố, chắc mấy anh chàng mắt xanh mũi
lõ vẫn thích vì nó gầy giơ xương, chứ chẳng có gì hấp dẫn...Xin
cám ơn những anh chàng “hào kiệt” VN, cám ơn mấy anh chàng Mỹ to
con, giờ nghĩ lại lòng thật bâng khuâng khó tả, lúc ấy thì sợ
phát sốt kinh niên, thời cơ chỉ đến một lần, bây giờ Thukỳ già
rồi, có muốn cũng chẳng chàng nào ra tay “nghĩa hiệp” để cứu mỹ
nhân già ra khỏi tay ông chồng đầy nghĩa tình hơn 40 năm sóng gió.
“Đời gập
ghềng để em đứng đợi,
Ngóng trông
hoài một bóng hình ai
Sao cứ nhạt
nhòa người xa vời vợi
Biết đến
bao giờ kỷ niệm phôi phai…”
Thukỳ.
|
No comments:
Post a Comment