Thương Tiếc ĐKG. Nguyễn Thanh Thu
Thơ Trần Quốc Bảo
Thương Tiếc Điêu Khắc Gia
Nguyễn Thanh Thu
Anh đã ra đi, nhưng anh không chết
Như bức tượng Thương Tiếc, mãi vẫn còn
Dù ngoại hình theo vận Nước hao mòn
Hồn vẫn trường sinh trong Quân Sử Việt
Nguyễn Thanh Thu điêu khắc gia trác tuyệt
Pho “Thương Tiếc” mang Hồn Lính oai hùng
Dáng ngồi như núi! Trầm tĩnh ung dung
Như pho tượng lừng danh, tên “Ngày Về”
Hình người chiến sĩ trở lại đồng quê
Biểu tượng hòa bình, niềm vui chất ngất
Tượng ấy đoạt giải Văn Chương Nghệ Thuật
Của Tổng Thống Diệm, Đệ Nhất Cộng Hòa
Nguyễn Thanh Thu sống bình dị, xuề xòa
Song đích thực một tài năng siêu việt
ĐKG Nguyễn Thanh Thu (2024)
Tượng “Chiến Sĩ Vô Danh”, tượng “Trung Liệt”
Đặt trong nghĩa trang “Quân Đội Cộng Hòa”
Tại quận Gò Vấp, nơi anh sinh ra
Cả hai tượng đều mang Hồn Tử Sĩ
Đặc biệt tượng “An Dương Vương” hùng vĩ
Tọa lạc ngã sáu Chợ Lớn nguy nga
Ghi tích Vua Nam Việt đánh Triệu Đà
Dùng nỏ thần Kim Quy, đuổi giặc
Nguyễn Thanh Thu chỉ miệt mài điêu khắc
Thế mà sau Quốc Hận cũng vô tù
Trong tù, quyết không khắc tượng cáo Hồ
Cam chịu tám năm khổ sai ác liệt
Nay, Nguyễn Thanh Thu về miền Tịnh Viễn
Dâng hương trầm, tôi tiễn Bạn tri âm
Với những dòng thơ xuất tự thâm tâm
Ngậm ngùi Thương Tiếc, thay lời tống biệt.
Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia
Địa chỉ điện thư của tác giả:
~~~~~~~~~~~~~o~~~~~~~~~~~~~
Kính mời đọc thêm về cố Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu
Tác giả pho tượng Thương Tiếc
Điêu Khắc Gia Đại Úy Nguyễn Thanh Thu
Cục Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH
Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu
Tác giả pho tượng Thương Tiếc
đã từ trần tại Sài Gòn hôm nay lúc 14:30 6/5/2025 (ngày giờ Việt Nam)
Thành kính phân ưu cùng tang quyến.
Nguyện cầu Hương Linh Ông sớm về Cõi Vĩnh Hằng.
+++
TIỂU SỬ VÀ BINH NGHIỆP.
Ông Nguyễn Thanh Thu sanh năm 1934, tại xã Bình Hòa, quận Gò Vấp,
tỉnh Gia Định (nay thuộc TP.HCM). Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ
thuật Gia Định và sau đó nhập ngũ, phục vụ trong ngành Quân nhu, đạt
cấp bậc Đại úy tại Cục Chiến tranh Chính trị của Quân lực Việt Nam Cộng
Hòa .  
Trong sự nghiệp nghệ thuật, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm điêu khắc nổi
bật, bao gồm:
• Ngày về (1963): Được trao giải thưởng văn học nghệ thuật của chính phủ
Ngô Đình Diệm. 
• Chiến sĩ vô danh (1966): Đặt tại Nghĩa trang Quân đội VNCH, Gò Vấp. 
• Trung Liệt (1966): Đặt tại Nghĩa trang Quân đội Gò Vấp.
• An Dương Vương (1966): Đặt tại ngã sáu Chợ Lớn. 
• Thương Tiếc (1966): Đặt tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa . 
⸻
TƯỢNG ĐÀI “THƯƠNG TIẾC
Tượng đài “Thương Tiếc” được hoàn thành năm 1966, khắc họa hình ảnh
một người lính trẻ ngồi trên tảng đá, với súng đặt trên đùi, ánh mắt trầm tư,
biểu hiện nỗi đau thương trước sự hy sinh của đồng đội. Ý tưởng cho tác
phẩm này đến từ một lần ông bắt gặp hình ảnh một hạ sĩ Nhảy Dù ngồi
uống bia một mình với hai ly, tượng trưng cho người bạn đã hy sinh .  
Ban đầu, tượng được làm bằng bê tông cốt thép, sau đó được đúc bằng
đồng vào năm 1970. Tác phẩm này được đánh giá cao và được Đại tá
William P. Jones – Chủ tịch Ủy ban Đài tưởng niệm chiến tranh Huê Kỳ –
so sánh với bức ảnh nổi tiếng “Raising The Flag on Iwo Jima” ở Arlington.
Thương tiếc tiễn đưa một phiến tài tình
Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu
Nguyễn Tuấn Khoa
Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh ngày
29 tháng 01 năm 1934, tức ngày 15 tháng 12 âm lịch năm Quý Dậu, tại Gia
Định. Ông là sĩ quan Quân Nhu, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH),
cấp bậc Đại Úy. Ông cũng là giáo sư Hội Họa trường trung học Võ Trường
Toản đồng thời là giáo sư Điêu Khắc trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật
Gia Định.
Ông Thu nói rằng : “Điêu khắc là nghề do thân sinh chọn, nghiệp giáo do
tôi chọn còn binh nghiệp do tổ quốc đã chọn cho tôi. Tôi đã sống trọn cuộc
đời cùng Nghề và Nghiệp với lý tưởng TỔ QUỐC-DANH DỰ-TRÁCH
NHIỆM”.
Nghề điêu khắc và nghiệp giáo chức
Ông Thu có năng khiếu hội họa đặc biệt khi còn nhỏ nên được cha hướng
theo nghệ thuật. Năm 1949 học hết lớp Đệ Tứ (lớp 9), ông thi đậu trường
Mỹ Nghệ Thực Hành Gia Định (Ecole des Arts appliqués de Gia Đinh). Đây
là ngôi trường danh giá, thành lập từ 1913, do các họa sĩ Pháp giảng dạy
nên ông có cơ hội tiếp xúc ngay với mỹ thuật Phương Tây. Suốt 4 năm
học, các thầy Pháp ngạc nhiên trước tài năng của học trò nên khuyên ông
theo con đường mỹ thuật cho đến trọn đời.
Năm 1953 ông đậu vào trường MTGĐ, học cùng lúc 2 ngành Mỹ Thuật và
Giáo Khoa Hội Họa trong 6 năm, mất gấp đôi thời gian. Họa sĩ Lê Văn Đệ,
Giám Đốc Trường, hướng ông theo lĩnh vực điêu khắc. Ông nói trong sự
nghiệp sáng tác của mình có dấu ấn của thầy Đệ.
Tốt nghiệp năm 1958, Ông được bộ Quốc Gia Giáo Dục bổ nhiệm dạy tại 2
trường : trung học VTT và MTGĐ. Nghiệp giáo chức được 4 năm thì bị
gián đoạn trong 7 năm do binh nghiệp. Năm 1969, ông được Biệt Phái
Ngoại Ngạch, trở lại dạy tại hai trường trên cho đến cuối tháng 4 năm
1975. Ông có nhiều tác phẩm được lưu giữ tại trường MTGĐ nhưng tất cả
đều biến mất sau ngày Sài Gòn sụp đổ.
Nghề điêu khắc và binh nghiệp
Ngày 17 tháng 02 năm 1962, ông nhập ngũ theo lệnh Tổng Động Viên.
Ông học khóa 13 trường Võ Khoa Thủ Đức, thuộc lực lượng Sĩ Quan Trừ
Bị. Tốt nghiệp tháng 12/1962, ông được bổ nhiệm tại “Trung Tâm Khảo Sát
Kỹ Thuật Quân Nhu” với chức vụ Chuyên viên Đài Án Nghĩa Trang Quân
Đội Biên Hòa và Bốn Vùng Chiến Thuật.
Bảy năm trong quân ngũ, Ông dành phần lớn thời gian để sáng tác đề tài
người lính VNCH, tất cả là những tuyệt tác của nền điêu khắc quốc gia
đang vào thời cực thịnh. Đó là tượng Ngày Về (giải thưởng Văn Học Nghệ
Thuật Ngô Đình Điệm), tượng Quyết Thắng, tượng Chiến Sĩ Vô Danh
(bùng binh Tổng Đốc Phương), tượng Trung Liệt (Nghĩa Trang Quân Đội
Gò Vấp) … Trong đó bức tượng Thương Tiếc đặt tại Nghĩa Trang Quân
Đội Biên Hòa là một kiệt tác nghệ thuật mà người đời sau sẽ còn nhắc mãi.
Các đồng nghiệp nước ngoài đánh giá ông Thu là điêu khắc gia xuất sắc
nhất ở Việt Nam. Đại tá H.G. Fuller- Bộ Chỉ huy Lục Quân Hoa Kỳ ở Việt
Nam (USARV) đã viết : “… xét về đề tài tượng đài chiến tranh, tôi trân
trọng đặt tượng Thương Tiếc và các tác phẩm khác của ông ngang hàng
với bức ảnh nổi tiếng “Raising The Flag on Iwo Jima” (Dựng Cờ Trên Đảo
Iwo Jima) ở Arlington”- sau này được dựng thành tượng ”Thủy Quân Lục
Chiến Hoa Kỳ”.
Cuộc bể dâu chấm dứt nghề điêu khắc
Sau khi Sài Gòn sụp đổ, ngày 16/05/1975 một nhóm người đột nhập vào
nhà ông Thu lúc 2 giờ đêm bắt ông đi. Ông bị giam, đánh đập tàn nhẫn gần
chết rồi thả ra sau 7 ngày. Hành động này chỉ là một sự trả thù của nhóm
người bên thắng cuộc chứ không nhằm điều tra gì cả. Hai tuần sau đó, một
nhóm người hung hãn đã xông vào nhà ông đập nát các bức tượng bức
cao 4 mét về người lính VNCH, đó là bức Quyết Thắng và bức Thương
Tiếc (bằng bê-tông là khuôn đúc của bức Thương Tiếc bằng đồng). Bức
Ngày Về nằm khuất sau những cây dây leo nên đã thoát hiểm.
Không chứng kiến cảnh đập phá này vì một tuần trước đó, ngày
23/06/1975, ông đã nhập trại tập trung để bắt đầu một cuộc tù đày giống
như bao sĩ quan VNCH phải chịu sau ngày chiến tranh kết thúc. Những
ngày đầu tại trại Hàm Tân, biết ông là tác giả tượng Thương Tiếc, những
người cai ngục đã dùng nhục hình làm cho thính lực của ông mất hoàn
toàn. Tiếp theo là 7 tháng cùm chân rồi hai năm biệt giam trong conex.
Để khuất phục ông, những người quản lý trại giam đã bắt ông tạc tượng
ông Hồ Chí Minh để đánh đổi việc thoát khỏi biệt giam trong conex. Sau 2
tháng hoàn tất, ông đã cho ra đời tượng cao 4 mét… tượng ông Nguyễn
Văn Thiệu, tổng thống VNCH ! Ngày 02/09/1977, trại giam Hàm Tân không
có tượng Hồ Chí Minh để làm lễ, mà thay bằng sự ồn ào từ các tù nhân và
sự nổi giận của các giám thị, rồi biến thành trận đòn thù dã man giáng lên
tác giả của bức tượng.
Với hành động bất khuất này, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã tạo nên
một tiếng vang lan truyền ra khỏi biên giới quốc gia đang bị thế giới cô lập
và mãi mãi trở thành “một pho tượng” người lính VNCH bất tử.
Đào thoát
Ngày 24/06/1983 ông được trở về với gia đình sau 8 năm tù và bị giam
lỏng tiếp tại nhà trong 4 năm. Ông đã sử dụng thời gian này để hồi phục
sức khỏe, dạy điêu khắc để chờ ngày đào thoát. Hết hạn quản chế, ông đã
đào thoát qua ngã Kompongsom. Sau hai ngày lênh đênh trên biển, ngày
28/12/1987 ông đã đặt chân lên đảo Ko Kut (Thái Lan) cùng với bức tượng
mẫu Thương Tiếc bằng thạch cao, cao 50 cm đã được tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu duyệt.
Ông lần lượt qua các trại tị nạn Leam Ngob, Panat Nikhom. Tại Panat ông
đã tạc bức Phật Bà Quan Âm, cao 4m theo yêu cầu của Hoàng Gia Thái
Lan và cũng để tạ ơn Người đã giúp ông thoát nạn. Cùng với bức tượng
trong trại tù Hàm Tân kể trên, đây là tác phẩm thứ hai sau ngày
30/04/1975, và cũng là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác ngắn
ngủi của ông. Những ngày sau đó ông chỉ tạc những bức tượng theo yêu
cầu của bạn bè.
Sau 2 năm ở đảo ông được định cư tại Hoa Kỳ.
Với thính lực gần bằng không, ông thấy ngày càng bế tắc trong việc mưu
sinh nơi xứ người. Mười lăm năm ở Mỹ, ông hy vọng từng ngày cộng đồng
giúp ông phục dựng lại bức tượng Thương Tiếc nhưng điều đó đã không
bao giờ đến. Không sống được bằng nghề điêu khắc, ông không biết làm
gì khác. Ông không tìm thấy niềm vui ở chốn này và lặng lẽ trở về Việt
Nam, bỏ lại cảnh cô độc cùng sự ngưỡng mộ của muôn vạn người đồng
hương tị nạn.
Trở về mái nhà xưa
Giống ngày trở về từ trại tù Hàm Tân 21 năm trước, với tâm trạng u uất
Ông lặng lẽ đến thăm từng bức tượng trong sân nhà để trải lòng :
“Ta về như bóng ma hờn tủi.
Lục lại thời gian kiếm chính mình.”
(Tô Thùy Yên)
Ông linh cảm rằng những linh hồn đang lẩn khuất quanh đây nay lại nhập
vào tượng đá để đón mừng cố nhân. Kể từ hôm đó ông sống kín đáo, cô
độc trong một căn phòng nhỏ, ở cuối mảnh đất rộng bằng một nửa sân
bóng đá. Ông may mắn có sự quan tâm của người cháu gái và một vài học
trò cũ Võ Trường Toản lớp 6/5 khóa 1971. Tụi nó giúp ông những thiếu
thốn trong sinh hoạt và sửa lại căn phòng khang trang với những tiện nghi
tối thiểu.
Ngày ông đào thoát khỏi Việt Nam, và cả sau này, bà giáo dặn ông luôn
niệm để được Phật Bà phù hộ lúc sinh-tử. Bà cũng luôn nhắc ông buông
bỏ hận thù để tâm được an.
Trong ba năm cuối đời, sức khỏe ông suy dần để rồi ông đã ra đi vĩnh viễn
vào ngày 6 tháng 5 năm 2025 tại tư gia, cũng là xưởng sáng tác năm xưa
ở Gò Vấp. Giờ đây ông nằm xuống và đã cởi bỏ oán thù.
Thương Tiếc ông, một Tượng Đài bất khuất !
Học trò Võ Trường Toản sẽ luôn nhớ đến ông và tìm thấy hình ảnh ông
qua bức tượng Đức Hiệu Tổ Võ Trường Toản mà ông đã tạc năm 1974,
hiện vẫn còn đặt tại ngôi trường xưa.
Nguyễn Tuấn Khoa
(Võ Trường Toản 1971)
No comments:
Post a Comment