![]() |
THANH DƯƠNG |
50
NĂM QUÊ NHÀ QUÊ NGƯỜI.
Chồng nói với tôi :
- 30 tháng tư năm nay tôi đề
nghị bà hãy vui nhé. Tháng Tư nào tôi cũng thấy bà ngậm ngùi khi đọc những bài
báo, khi xem lại những hình ảnh đau thương.
- Tháng Tư là “Ngày Quốc Hận”
là “Tháng Tư Đen” mà anh..
Thấy giọng tôi sắp sửa sụt sùi chồng nói:
- Ý tôi là bà cứ buồn cứ khóc
đi, xong phải mỉm cười thật vui.. Này nhé, bao nhiêu năm qua những
người Việt tị nạn trước sau đã dần dần ổn định cuộc sống mới Tháng
Tư này là 50 năm, là nửa thế kỷ, bên cạnh nỗi đau thương quá khứ, chúng ta hãy
nhìn vào thực tế hiện nay…
Tôi nhanh nhẩu tranh lời chồng:
- Mỗi tháng Tư em nghe anh
nhắc nhở điều này rồi, em biết điều này từ lâu rồi, mấy triệu người dân Việt
sống tại Mỹ và khắp nơi trên thế giới, họ đã gặt hái những thành quả tốt đẹp
nơi quê hương thứ hai thì chúng ta phải hãnh diện và vui chứ gì.
Kể từ 1975 cho đến ngày nay 2025 cộng đồng người Việt
tại Mỹ đã phát triển vững mạnh. Người Việt tị nạn và người Việt đến Mỹ bằng
nhiều cách đã hiện diện khắp mọi nơi, mọi lãnh vực trong cuộc sống, xã hội.
Những tướng tá gốc Việt trong quân đội Mỹ, những dân biểu, nghị viên gốc Việt
trong guồng máy chính quyền. Vào bệnh viện nào cũng thấy hiện diện last name
người Việt là bác sĩ, ý tá, Hai người em tôi làm cho hãng Boeing ở Long Beach
California, ở Seattle WA, và người em họ làm ở Lockheed Martin đều kể rằng
nhiều người Việt làm ở đây từ kỹ sư đến các thợ có tay nghề. Người Việt còn
thành công trong thương mại, sản xuất và nhiều ngành nghề khác. Sắc dân Châu Á
nói chung và người Việt Nam nói riêng được người bản xứ và các cộng đồng khác
mến mộ vì tính cách và những thành công trong cuộc sống.
Chồng hỏi tôi:
- Bà còn nhớ mấy tháng trước
anh Quý Cần Thơ du lịch từ Việt Nam sang Mỹ có đến thăm mình không.?
Vợ chồng anh Quý là bạn của chúng tôi ở Sài Gòn, gốc
người Cần Thơ, anh Quý kể về anh Tám Xê người chèo ghe mướn chở lúa gạo, chở
than củi cho cha anh ở Cần Thơ ngày xưa, nhà nghèo rớt mùng tơi không bám vào
nghề chèo ghe mướn cho cha anh lấy gì nuôi vợ con. Anh Tám Xê được người ta
thuê chèo ghe đưa người ra tàu lớn đi vượt biên, Tám Xê đã mang vợ và 3 đứa con
nhỏ nheo nhóc theo.
Thỉnh thoảng vợ chồng Tám Xê từ Mỹ về Việt Nam, về Cần
Thơ thăm quê, thăm chủ cũ, khoe hai đứa con là bác sĩ khoa giải phẫu thần kinh
gì đó, chòm xóm không ai tin, đồn rằng Tám Xê “nổ” cho oai Việt Kiều. Từ một
gia đình nghèo khó không đủ ăn đủ mặc ở Việt Nam, sang Mỹ tay trắng họ làm cái
giống gì mà đổi đời mau lẹ vậy, cho con đi học không mù chữ là may lắm rồi. Bởi
vậy nhân chuyến du lịch sang Mỹ anh Quý đã tiếp cận vợ chồng Tám Xê, đến nhà
anh Tám Xê ở thủ đô Washington DC Quý mới ngỡ ngàng thấy họ nhà cao cửa rộng,
thấy hai đứa con bác sĩ đàng hoàng còn đứa út đang ở trong quân đội Mỹ.
Sau 1975 cha anh Quý đã mất hết tài sản, vợ chồng Quý
về Cần Thơ làm lại cuộc đời. Hai đứa con trai Quý học đại học xin được công
việc lương mười mấy triệu đồng một tháng anh đã hài lòng. So với nhà Tám Xê anh
Quý thấy mủi lòng con mình còn thua xa con kẻ làm mướn cho nhà mình ngày xưa.
Tôi thông cảm cho anh Quý:
- Anh Quý và xóm làng không
tin có sự đổi đời ngoạn mục của nhà Tám Xê là đúng rồi. Các dư luận viên của
nhà nước Việt Nam vẫn tuyên truyền dè bỉu làm như tất cả đàn ông sang Mỹ đều “
bưng bê” trong nhà hàng, phụ nữ thì “ôm chân” khách Tây làm móng và cuộc sống
vất vả đầu tắt mặt tối hai ba job.
Chồng nói:
- Nghe báo đài nhà nước tuyên
truyền hàng ngày như thế cũng có kẻ tin, hoặc mù quáng hoặc trình độ kém hiểu
biết. Ở Mỹ hay bất cứ nơi đâu ai cũng phải làm việc để sống, công
việc tùy hoàn cảnh, tùy trình độ mỗi người, công việc nào cũng là sắc màu của
cuộc sống, có vất vả có thành quả tốt đẹp ở tương lai. Nước Mỹ là cơ hội là
thiên đàng cho những ai có ý chí tiến thân, biết chăm chỉ học hành, chăm chỉ
làm việc .
- Em biết một chị Việt
Nam làm cashier trong chợ, vợ chồng chị chỉ làm công việc hãng xưởng
bấy lâu, nuôi hai con ăn học, nay hai con đều trình độ đại học đi làm, vợ chồng
chị nhà cửa, tài chính vững vàng chẳng cần nhờ đến con, chị mới về hưu nhưng
còn sức khỏe chị làm part time ở chợ kiếm thêm tiền rủng rỉnh tiêu xài và thỉnh
thoảng gởi giúp người bên Việt Nam. Nếu dư luận viên của Việt Nam mà thấy cảnh
này sẽ có ngay bài viết tội nghiệp “cụ bà” người Việt ở Mỹ, vẫn phải “cực khổ”
đi làm kiếm sống.
Chồng tiếp lời:
- Nhà nước tuyên truyền là
việc của họ. Miền bắc đã chiến thắng, đất nước hết chiến tranh sao người dân
bất kể Bắc Nam vẫn tìm cách ra đi, đến Mỹ dưới nhiều hình thức du học, kết hôn
thật và giả, lao động định cư v..v… nhiều ông bà cán bộ cấp cao cũng
cho con đi Mỹ, ông bà cán bộ nào nếu không đi Mỹ được thì họ “đầu
tư” quốc tịch ở những nước Châu Âu để dành đó, một ngày
nào họ sẽ rời quê nhà sống nơi quê người.
Quê Hương là cội nguồn là bao ràng buộc thân thương đã
ăn sâu vào máu thịt vào trái tim chúng ta, đâu dễ gì ta từ bỏ ra đi.
Tháng tư 1975 bao người dân miền Nam khi bước chân
xuống tàu hay trên chuyến bay di tản vội vàng họ đã bịn rịn khóc thương khi
phải rời bỏ quê hương và người thân..
Những người đi vượt biển may mắn và sung sướng khi đến
bến bờ tự do nhưng có những buổi chiều đứng trên biển đảo tạm dung họ đã rưng
rưng nhìn về góc biển chân trời xa thẳm tìm nơi nào là quê nhà mà nhớ mà
thương..
Và tôi, năm 1991 cùng gia đình xuất cảnh đi Mỹ trong
niềm vui rạo rực, vậy mà khi máy bay cất cánh rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất
tôi đã không cầm được nước mắt thương quê hương bỏ lại, cả khi mấy ngày tạm
dừng chân ở Thái Lan tôi vẫn chưa chịu rời xa, vẫn hướng về Việt Nam và tự an
ủi rằng quê hương vẫn gần mình, chỉ cách mình có mấy giờ bay.
Giờ đây bao nhiêu năm xa cách quê hương Việt Nam, sống
trên đất Mỹ đất nước tự do dân chủ, những đứa con tôi đã học hành và khôn lớn,
những đứa cháu tôi đã được sinh đẻ ở đây, tờ khai sinh của nó ghi thành phố,
tiểu bang của nước Mỹ.
Giờ đây cha tôi đã qua đời và an táng tại Mỹ cùng với
tro cốt của mẹ tôi mang từ Việt Nam sang. Hàng mấy chục năm trước có ai trong
gia đình tôi nghĩ rằng cha mẹ mình sẽ gởi nắm xương tàn nơi quê người, mộ cha
mẹ last name “Nguyễn” nằm cạnh mộ những last name tên người Mỹ xa lạ, bỗng
thành “người bạn hàng xóm” của nhau, cận kề nhau nơi căn nhà cuối cùng này.
Nước Mỹ đã là quê hương thứ hai, đã thấm vào tim tôi
bao tình cảm, bao gắn bó thân thương. Nhà của tôi đây, vùng Dallas Fort Worth
nơi tôi đã sống mấy chục năm cho đến bây giờ.
Thỉnh thoảng tôi đi thăm con ở tiểu bang Utah,
California hay thăm em ở Edmonton Canada, ở lại một hai tuần tôi đã nhớ thành
phố tôi ở, nhớ căn nhà của mình, nhớ sân trước vườn sau, nhớ chợ búa tôi thường
đi. Khi đến ngày trở về, vừa đến phi trường Dallas Fort Worth tôi đã cảm xúc
vui mừng đứa con đi xa được trở về nhà.
Tôi cũng từng mơ thấy mình trở về Việt Nam, chờ đợi tôi
vẫn là cảnh cũ người xưa, vẫn là bao kỷ niệm của trước khi tháng Tư
1975 ập đến, chuyến bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất tôi có cảm
giác sung sướng vui mừng được trở về nhà y như thế này. Nhưng đó chỉ là mơ
thôi.
Thấy tôi bâng khuâng chồng hỏi:
- Bà nghĩ gì mà lặng người ra
thế?
- Quê nhà, quê người. Tháng
Tư vết thương không bao giờ lành. Tháng Tư vẫn mãi là trang sử buồn.
Rồi tôi tỉ tê:
- Chúng ta mấy triệu dân Việt
lưu vong, bất kể người miền Nam thua cuộc hay bên thắng cuộc miền Bắc chắc rằng
ai cũng có câu trả lời vì sao họ phải rời bỏ quê hương…
- Kìa, bà đang khóc đó sao?
Tôi lấy tay lau nước mắt ướt mi và cười thật tươi:
- Em khóc em buồn chứ. Xong
rồi, em đang cười vui đây, 50 năm quê nhà quê người, quá khứ và hiện
tại, mất mát đau buồn và thành quả nhận được. Em yêu hiện tại tốt
đẹp này và ước mong tương lai tươi sáng tốt đẹp nhiều hơn nữa, cộng đồng người
Việt chúng ta, các thế hệ cháu chắt chúng ta ở khắp nơi trên thế
giới sẽ gặt hái được nhiều thành công trên mọi lãnh vực, dù họ mang quốc tịch
gì nhưng cội nguồn vẫn là người Việt Nam sẽ làm thơm danh người Việt Nam.
Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Viết cho Tháng Tư 1975- 2025 )
No comments:
Post a Comment