ANH TÔI, người huấn luyện viên quân trường hạ sĩ quan Ðồng Ðế
(Ðỗ vũ kỷ Hà)
Mẹ tôi bảo: lúc nhỏ, anh tôi khổ cực lắm, đi tản cư, mẹ gánh 1 bên chi tôi, 1 bên lỉnh kỉnh đồ đạc, anh tôi chạy sau ôm túi gạo và muối để dọc đường dừng lại nấu ăn, 1 anh nữa đeo lưng nồi chảo....tôi hỏi: thế con đâu hả mẹ, mẹ tôi cười: con còn trong...bụi tre.
Tản cư. Nhiều gia đình đùm dúm chia sẻ trong 1 căn nhà hoang, tuỳ theo mùa, 2 anh tôi đi nhặt lá bàng, bán kem ( cà rem) lượm rác....sáng sớm, mẹ tôi nấu vội nồi xôi, chia từng gói cho chị tôi đi bán, còn tôi bò thơ thẩn chờ chị về lượm nhũng hạt xôi dính lại trong rổ. Anh tôi bảo có nhiêu khi 2,3 đứa trẻ cùng lượm được 1 chiếc lá bàng rơi, nhưng chẳng bao giờ tranh dành, cãi nhau, chỉ chia chiếc lá ra làm 3, ...xâu lá vào 1 sợi dây đem bán, khi học bài nhặt lá bàng của Thạch Lam tôi ứa nước mắt nghĩ cảnh các anh tôi, các em bé lúc bấy giờ mà thương, tôi hỏi: mẹ ơi, con tưởng lá bàng bán để gói xôi mà chia nhỏ ra thế thì sao gói được, mẹ tôi giải thích, lá bàng ấy là để bán cho thợ nhuộm, quần áo nhuộm lá bàng sẽ ra màu nâu nâu, vàng vàng loang lổ, mặc đỡ dơ và vải trở nên dày, cứng, đỡ bị rách.....a, thì ra thế. Thương quá....
Khi đi tản cư, ba mẹ tôi có 4 người con, anh cả tôi là anh Trung, rồi chị Hai, anh Ba và út là tôi. Những ngày kiếm không được đồng nào, anh Trung tôi bảo em: mày đứùng canh, anh vào ghè lấy ít sắt. Vì có 1 ngôi biệt thự Pháp bị dội bom đổ sập, có nhiều sắt của các cửa sổ, nhưng người ta bảo có ma nên không ai dám vào, anh Ba tôi run run đứng khóc bên ngoài, anh Trung tôi chặp sau vác được mấy cây sắt vụn ...2 anh em vội đem bán lấy tiền về đưa mẹ, tối hôm ấy, anh cả tôi lên cơn đau bụng dữ dội, gào khóc không ra hơi, mẹ tôi sợ quá, dỗ dành hỏi hôm nay tiền ở đâu ra, nghe anh tôi kể xong, mẹ tôi tất tả chạy mua bó nhang, đem đến trước căn nhà hoang khấn xin....hèn gì, căn nhà ấy còn nhiều sắt lắm mà không ai dám đến lấy.
Nhũng chuyện ấy tôi chỉ nghe kể lại.
Anh Trung tôi học trễ hơn những người cùng lứa tuổi. Từ Bắc, bố mẹ tôi bỏ lại hết nhà cửa, ruộng vườn...theo tàu há mồm di cư vào Nam. Ở trại định cư, dọn nhà ở nhũng con hẻm...sau bố mẹ đưa anh em chúng tôi về ở 1 lớp học trong trường Cù lao bố tôi làm hiệu trưởng. Buổi sáng, 2 anh tôi dậy thật sớm, ăn bát cơm nguội hoặc cháo rồi đi bộ xuông Nha trang học ở trường Võ Tánh, có hôm anh kể bám được sau xe ngựa, gặp người hiền họ để kệ cho đi, lâu lâu gặp ông hung, ổng vụt roi ngựa quất ra sau, trúng người đau quá phải buông tay nhảy xuống.
Chị tôi mỗi sáng thuòng dạy sớm leo tận núi Cù lao lượm củi, tôi lúp súp chân đất đầu trần theo sau, cũng ôm về được bó cành khô. Tôi nhớ có ông đục đá trên núi, ông nói: chưng nào ổng đục đến bên kia chân núi thì sẽ về lại Bắc. Ông dạy chị em chúng tôi rao kẹo kéo
“ kẹo kéo ...vừa dẻo vừa dai, càng nhai càng ngọt, chạy tọt về nhà, xin bà 1 xu ra mua kẹo kéo...đây....” có khi thì “ kẹo kéo này già ăn trẻ lại, gái ăn đắt chồng, nạ dòng ăn thọ thai, con trai ăn làm lý trưởng....đây....” không hiểu sao, tận giờ tôi vẫn nhớ...
Ba tôi mua 1 con dê nhỏ, sáng chiều tôi dắt dê đi quanh núi rừng ăn lá duối, tôi cột dê vào gốc cây rồi tìm 1 tán lá bằng phẳng nằm dài nhìn trời mây, tưởng tượng nhũng đám mây đủ hình thù....khi là đàn cá bơi lội dưới giòng nước, khi là nàng Bạch Tuyết, khi là ông tiên....và tôi cũng lang thang trên đó...bay lượn thoải mái. Mùa hè năm ấy anh tôi được lãnh phần thưởng , những quyển sách vở côt bằng sơi ruy băng đỏ, lại bao ngoài bằng giấy bóng kính, anh cho tôi sơi dây, tôi quý lắm và cột trên cổ con dê dắt đi khoe khắp nơi ( sau này, tôi có kể với 1 anh bạn từ xa về, mà lâu ngày nên tôi quên mặt, anh nói : khi gặp em, anh sẽ làm con dê, cổ đeo nơ đỏ em sẽ nhận ra anh ngay. Ở phi trường, tôi nhận ra ngay ông đeo chiếc cà vạt đỏ tòong teng....)
....Rổi anh tôi vào ngành sư phạm, mẹ tôi bảo: mả ông tổ nhà mình đặt trên cái bút, cái nghiên nên ai cũng làm nghê dạy học...chẳng biết có đúng không mà tôi vốn chẳng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là nhà giáo, thế mà rồi cũng “gõ đầu trẻ”, sau 75 thì đành ngậm ngùi ...ngâm nga
“Tối 30, thầy giáo tháo giầy, xé giáo án dán áo ra chợ tết
Sáng mồng 1 thầy cô thồ cây, giáo chức dứt cháo đón mùa xuân” và “ phấn trắng giấy trắng bàn tay trắng, bảng đen, mực đen, cuộc đời đen” chẳng biết là may hay rủi, chỉ 1 thời gian ngắn, chúng tống tôi ra khỏi ngành này.
Rồi có lệnh tổng động viên. Anh tôi vào linh. Ngày thăm anh nơi quân trường Thủ Ðức tôi ngỡ ngàng thấy anh đen và khác hẳn, không hiếu sao, tôi cứ nhớ mãi 1 chi tiết nhỏ, 1 đoá hoa phượng tươi nguyên rơi ngay bên tôi, tôi nhặt lên ngắt cánh hoa màu trắng có nổi lên những gân hồng đưa anh và nói như tuổi thơ 2 anh em vẫn làm :”em cho anh này, chua chua ngọt ngọt ngon ngon....” không ngờ, anh tôi cầm ngay lấy bỏ vào miêng ăn ngon lành như ngày nào...và, tôi sung sướng như tìm lại anh tôi ngày xưa...lúc ấy, cái gì cũng thèm, ngay cả cái cánh hoa phượng ăn chua chua, nói gì đến quả khế, quả ổi...
Ra trường. Anh tôi về làm huấn luyện viên quân trường hạ sĩ quan Ðồng Ðế, anh hay kể tôi nghe về môn anh dạy là mưu sinh thoát hiểm....và cho đến tận giờ phút này, khi anh đã vĩnh viễn ra đi, tôi vẫn còn thấy như in trước mắt, mỗi khi tôi phụng phịu giận anh, anh lại cầm lấy bàn tay tôi vừa lúc lắc qua lại, vừa hát “...Ðây phù hiệu trường hạ sĩ quan...lò luyện thép tân tiến nhất Việt Nam...thanh kiếm bạc dưới mặt trời là phù hiệu trường hạ sĩ quan....( nếu tôi quên chút xin lượng thứ...)
Anh kể nhiều lần về 1 câu chuyện, mà sau này, khi trên giường bệnh, anh quên nhiều thứ, nhưng mỗi lần muốn khơi dậy trí nhớ của anh, tôi gợi cho anh kể, anh vẫn nhớ và kể hăng say - buổi chiều, anh dẫn tiểu đội đi canh gác ở chân cầu Xóm Bóng, dưới tháp Bà, không biết sao người giữ máy truyền tin tìm không thấy máy...loay hoay mất cả 15 phút, khi có máy và dẫn quân đi bộ được nửa đường thì nghe tin vc đặt mìn, toan tính giết cả tiểu đội. Anh nói: rất nhiều người tin rằng bà đỡ, vì nếu không thì sao sau này người giữ truyền tin tìm thấy máy ngay dưới chân gường. Bà đã cố khiến tiểu đội bị trễ để thoát nạn.
Khi anh tôi biệt phái về đi dạy học lại thì 75 ập đến...anh tôi nổi trôi theo vận nước, chịu cảnh trình diện, “hoc tập”, tù đầy....anh vốn trầm lặng giờ như 1 chiếc bóng...gặp ai anh cũng thường hỏi câu “có bất cứ việc gì làm không?” Thương ôi, đạp xich lô? Ba gác, bán cà rem, đi củi, đốt than...?...những người lính cũ bị chúng nó đầy đoạ đến tận cùng....
Ðâu dễ có chiếc xích lô mà đạp? Chiếc ba gác mà chở đồ? Em tôi, cũng là lính ngày trước vẫn còn nói đùa được: em sẽ làm...nghề cõng, khỏi vốn.
Bị ngăn chặn hết mọi đường kiếm sống, hàng quán buôn bán nhỏ lẻ đều bị coi là...tư bản, bị tịch thu và đóng cửa, chỉ còn cửa hàng quốc doanh. Các cô “ mậu dịch” mặt vác lên trời, ban phát cho mua gì được nấy, anh tôi thường rủ tôi dậy từ 4g sáng trong giá rét căm căm đi xếp hàng mua thịt, đặt 1 cục gạch thế chỗ đứng, 2 anh em ráng kiễng chân nhìn đoán xem đến lần mình sẽ còn miếng thịt nào....
Nghĩ lại còn ứa nước mắt thương con tôi, những đứa trẻ bé bỏng thiếu ăn, mua được miếng thịt bạc nhạc kho lõng bõng nước, tới bữa các con hau háu nhìn miếng thịt, tôi chan nước thịt vào cơm, xúc 1 muỗng, để miếng thịt sau, con tôi há to mồm như con chim cố đớp tới thì tôi nhanh tay gạt miếng thịt xuống. Tận cuối chén cơm mới được ăn…”thịt thật “. Vậy mà tôi vẫn ráng đùa: “kia là miếng thịt, nhìn theo tay ta sẽ thấy, nhưng miếng thịt không phải là…ngón tay ta” thương ơi… biết bao gia đình còn nghèo đói, túng quẫn hơn.
Bác tôi nấu nồi bún, nhà sâu trong hẻm, ai quen biết, hàng xóm...mới ghé ăn vậy mà nó cũng moi ra. Tôi cười: chắc giờ bác phải đi ra đường, rao “ai ăn bún không?”, ai ăn, bác ngoắc đi theo về nhà, anh tôi nói : như vậy cũng không được, bây giờ, tốt nhất là ai muốn ăn gì cứ đi đường rao lên :”tôi ăn bún....đây, hay tôi ăn bánh căng đây….tôi ăn bánh xèo ….đây... ( chẳng lẽ...bắt người đi ăn) thế là ngoài đường đầy người …rao ăn. Người bán gọi vào ăn. Tôi cười, vậy em sẽ phải đi rao “tôi...dạy học đây.....”
Anh em chúng tôi vẫn cố đùa vui như vậy mà quên đi cái bụng lép kẹp.
Anh tôi trèo lên mái tôn sửa lại chỗ dột, bất ngờ té xuống...nằm mê man hơn tháng trời, tưởng anh ra đi lúc cả miền Nam biến thành biển khổ, tôi thường ngồi trên ghế dá bệnh viện chờ đến giờ được vào thăm bệnh nhân...tôi hoà vào với bao người cùng cảnh ngộ: quần áo nhầu nát, cũ rách, lôi thôi, đôi mắt thất thần, mặt loang lổ nước mắt hoà với bụi đất, không ai nở nổi 1 nụ cười...tôi nghĩ đến cảnh bác tôi mất, mấy anh tôi phải gỡ cánh cửa nhà xuống đóng thành quan tài....chao ơi...nói sao cho hết. Ai đó nói rằng phải bao dung, phải quên chuyện đã qua mà “ hoà hợp hoà giải” tôi, tôi sẽ không bao giờ quên. Không. Và nỗi oán thù đó sẽ mãi chất ngất trong lòng cho đến khi tôi nhắm mắt xuôi tay....làm sao tôi quên cho được. Tôi có viết mấy câu thơ:
Em sẽ không như nàng Tô Thị
Ôm con hoá đá mong chờ
Em sẽ biến mình thành ngọn lửa
Rực đất trời thiêu cháy bọn cộng nô
Một anh bạn thân của tôi là bác sĩ quân y kể lại: khi đi tù, bọn nó lên án bọn anh dữ lắm: nó bảo tội bọn anh còn nặng hơn mấy tên cầm súng vì đã cứu chữa bọn “lính nguỵ” để tụi nó cấm súng bắn giết bộ đội ta. Sau thiếu bs quá, vả lại,
toàn bs rừng từ y tá lên nên nó đành “tha” cho về và về trình diện ở bệnh viên Bình Dân, Sg. Lên phường trình diện được nó phê vào lý lịch “có nợ máøu với nhân dân” anh tưởng là xong đời rồi, ai dè về bệnh viện, chẳng ai coi cái lý lịch nữa mà được nhận vào làm ngay ngày hôm sau
Bác bạn thân với ba tôi trước 75 làm ở ty giáo dục, nghĩ rằng dù sao thì cũng chỉ là nhà giáo, chẳng phải quân đội nên không “nợ máu nhân dân, “ vả lại, bác tôi cũng sắp về hưu chắc không sao, sau khi bị bắt lên bắt xuống, hăm doạ đủ điều...bác về dạy thêm mấy đứa học trò vẫn không yên thân, nó kiểm tra, hoạnh hoẹ ...bác gái xoay qua đủ nghề, làm mắm tép, muối dua cà, làm bún tàu....nhưng không sao đủ sống, nhà bác có 5 cô con gái, cô nào cũng đẹp, mẹ tôi thường gọi ngũ long công chúa, bác ở sát vách nhà tôi, khi phải chuyển qua làm bánh cuốn bán 5 cô con gái xinh đẹp phải vừa tráng bánh, vừa làm....bồi bàn , anh tôi bên này hay hát vọng sang “mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông..nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng....”....những ngày đầy khó khăn thiếu thốn vất vả ấy bác gái ra đi. Ôi...sẽ không bao giờ tôi quên. Không bao giờ. Cầm giấy báo tử mới mua đươc đồ tang, 2 cây đèn cầy và vài gói thuốc lá đãi khách viếng, nhưng quan tài? Trong cái nắng chói chang gay gắt, anh tôi chở tôi trên chiếc xe đạp vừa đi vừa tuột sên, khắp các tiệm bán quan tài trong thành phố không đâu có, 2 anh em mồ hôi mồ kê nhễ nhại đạp xe lên tận Thành, nhìn thầy có 2 chiếc bày ở cửa đã mừng run, nhưng sau khi đưa giấy báo tử người chủ tiệm nói
- Tôi còn có 2 chiếc, 1 chiếc nhỏ lắm, người thật nhỏ con mới vừa, không thì phải...( ông lựa từ để dùng) gập chân lại. Nghe đến đây tôi nước mắt ròng ròng muốn khóc thét lên nghĩ cảnh bác tôi bị bẻ gãy chân để vừa quan tài.
Ông nói tiếp, cũng ngập ngừng như có lỗi
- Chiếc này thì lớn, nhưng nứt toác nhiều chỗ nên mới còn đây
Hai anh em lấy tay sờ quanh chiếc áo quan, như vuốt ve thân người sẽ nằm trong. Người bán hàng cũng ngậm ngùi
- không đâu còn nữa đâu, - ông nói buồn bã, thông cảm- không đâu có đâu...
Anh tôi ký giấy, trả tiền. Người bán hàng xúc cho tôi 1 bao mạt cưa, dặn dò:
- nhớ lấy cáÙi này trộn với cơm nguội giã nhuyễn trét vào chỗ nứt..
Bỏ cơm nguội vào cái mũ sắt lính, anh tôi giã và tôi múc từng vốc mạt cưa bỏ vào, trộn với nước mắt của cả 2 anh em lặng lẽ nhỏ xuống. Tôi kêu thầm “bác ơi...có bao giờ tưởng tượng ra cảnh thê lương này...”. Và cũng có ai nghĩ được cảnh thế này....
Anh tôi không phải là người khéo xoay sở, bương chải, ai thuê gì làm nấy, nhưng đâu còn sức khoẻ nữa sau lần té ngã tưởng đã ra đi...anh lang thang, thả hồn theo những giấc mơ xưa không bao giờ trở lại. Tận sau này, khi các cháu đã di làm lo được cho anh , không còn đói khổ thiếu thốn như xưa , anh vẫn bị ám ảnh của nhũng ngày ăn khoai, rau, củ, thèm chút nước mắm pha tí đường ngọt không có..anh chậm rải đi bộ trên những con đường xưa, cầm theo cái bị ni lông, lượm nhũng trái bàng rụng, những cái bánh men xanh đỏ, những chiếc bỏng cốm, những chiếc kẹo nhỏ đủ màu, củ khoai lang, khoai mì luộc..... người ta cúng các bác rải ven đường về chất đầy ngăn tủ. Tôi nhớ 1 chuyện của J. London: 1 anh chàng bị đói giữa sa mạc, khi đến được bờ biển và được tàu vớt lên, anh ta luôn lén vào bếp, lấy trộm thức ăn nhét khắp phòng, nhét cả dưới nệm, dưới gối. Anh ta sợ đói.
Anh ơi, có phải tận đáy lòng anh vẫn nhớ những ngày đói khổ sau khi dược “giải phóng” nên lượm đồ người ta bỏ đi mà cất giấu không anh? Thương anh biết là bao nhiêu….Anh đã chẳng bao giờ trả lời em nữa. Anh chẳng bao giờ nói nữa. Nhưng tôi vẫn mãi khắc ghi câu hát anh dỗ dành tôi, câu hát còn vang mãi đâu đây “....đây phù hiệu truòng hạ sĩ quan...lò luyện thép tân tiến nhất Việt Nam....thanh kiếm bạc dưới mặt trời....”
ÐỖ VŨ KỶ HÀ. (Gia đình tôi),
No comments:
Post a Comment