Wednesday, July 24, 2024

THUYỀN VIỄN XỨ/ MAY 25-2024 ANTIGUA

 THUYỀN VIỄN XỨ - 

MAY 25 ANTIGUA






Kính thưa quý thầy cô & các anh chị,

 

Đại hội Caribbean Thuyền Viễn Xứ 2024 đã qua đi hơn 1 tháng, nhưng dư âm và nỗi nhớ nhung vẫn còn tràn ngập trong tâm hồn của mọi người.  Kỷ niệm đong đầy của những ngày bên nhau, hát cho nhau nghe, kể cho nhau nghe…Những buổi ăn uống bên nhau, chắc không có bút mực nào tả hết những niềm vui dù ngắn ngủi nhưng thật khó quên.

 

Như Thukỳ đã nói khi lên tàu là anh chị Phấn Phương (Trưởng Ban Tổ Chức) sẽ chọn một bãi biển đẹp khi tàu cặp bến để cho các nàng trình diễn áo tắm, các ông thì khoe “bụng to” thuộc dạng tốt bụng, haha.  

 

Rất tiếc khi thông báo trên tàu thì không thể đầy đủ cho được, người thì rời tàu sớm, kẻ ra trễ…Cuối cùng không thể tụ họp đông đủ gần 200 anh chị được, nhưng cũng may mắn nếu đông đủ chắc nước biển hôm đó phải tràn ngập vào nhà dân vì quá đông những nàng tiên cá vẫy vùng.

 

 Antigua có rất nhiều bờ biển đẹp và những xe tour du lịch họ chia vùng để đi, muốn thuê nhiều xe một lúc cũng rất khó khăn.  Cuối cùng nhóm theo anh chị Phấn Phương cùng đến một bờ biển khá thơ mộng, trình diễn thì ít mà hát ca nói cười thì nhiều vang dội cả một vùng biển xanh trong.  Nhìn những ánh mắt, nụ cười vô tư ai cũng quên tưởng như mình còn thuở học trò tha hồ phá phách, đùa giỡn hồn nhiên.  Trông ai cũng trẻ ra như những thiếu nữ đang tuổi “17 bẻ gãy sừng trâu”, các nàng cựu HSPY thì bẻ hết cả sừng trâu lẫn sừng bò…hihi

 

Lúc TK và vài chị muốn uống nước dừa tươi nên vào tiệm gần khách sạn để mua, thì bỗng nhiên có anh chàng security rất đẹp trai chạy ra chào hỏi và anh tò mò muốn biết những tiên nữ xinh đẹp này từ đâu đến… Anh nói anh chưa từng thấy nhóm người nào xinh đẹp trẻ trung vui vẻ đùa giỡn hồn nhiên đến thế làm anh cũng bị “tiếng sét hớp hồn” tim anh đập mạnh và anh cứ muốn đến gần để xem nhưng chưa dám.  TK tui là “nổ” hạng nặng nên sau khi giới thiệu tên, đến tuổi thì trừ rất nhanh mỗi nàng mất đi 30 năm, thế mà anh ta cứ khen trẻ quá, xinh quá…. Lúc chia tay chàng nhìn ngẩn ngơ như bị hớp hồn, các chị cười vang và bảo TK ác quá “Coi chừng cậu bé về ốm tương tư là mang tội nặng đó nhen…” .


Xin mời quý thầy cô & các anh chị xem một số hình ảnh do nhiếp ảnh gia Brian Cao Duoc chụp cảnh các chàng và các nàng đang trình diễn áo tắm.  Xin các anh chị nhớ khen dù là khen lịch sự, xin đừng chê nhé để cho các em “trẻ” vui sẽ còn trình diễn dài dài cho đến khi hơn 90 thì đời đẹp biết bao.  Tuổi chỉ là con số không có gì quan trọng, quan trọng nhất là tâm hồn các nàng vẫn trẻ mãi không già.

 

“Các em đăng hình không phải để thả thính.

Mục đích chính là để các anh thả tim…” hihi.

 

THUKỲ.





















XIN BẤM VÀO WEB ĐỂ XEM THÊM HÌNH ẢNH
DO NHIẾP ẢNH GIA BRIAN CAO DUOC THỰC HIỆN

SẦU VIỄN XỨ (HÀN THIÊN LƯƠNG)






 

BỆNH "TEO CƠ" CỦA NGƯỜI GIÀ (BS. ĐỖ DUY NGỌC)

 


BỆNH "TEO CƠ" CỦA NGƯỜI GIÀ 


   Dễ gặp nhưng cũng dễ phòng tránh
 
Lão hóa sẽ đi kèm với những thay đổi lớn trong cơ thể và ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của nhiều bộ phận trên cơ thể. Người lớn tuổi thường bị giảm dần sức mạnh, khối lượng cơ thậm chí phải đối mặt với bệnh teo cơ hay còn gọi thiều cơ.
 
Bệnh "teo cơ" ở người già là gì ? 

Sự giảm mô cơ vân theo tuổi tác là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm nhiệm vụ của cơ.
 
Bệnh "teo cơ" (thiểu cơ) ở người già còn có tên khoa học là sarcopenia. Bệnh gây mất sức mạnh và khối lượng cơ bắp. Chứng bệnh này thường khởi phát ở tuổi 75 nhưng có thể sớm từ 65 hoặc muộn ở tuổi 80. Đây là yếu tố hàng đầu gây ra tình trạng yếu cơ, dễ gây té ngã và gãy xương ở người lớn tuổi.
 
Tình trạng này tiến triển nhanh hơn ở những người cao tuổi ít vận động thể chất, nằm liệt giường hoặc có chế độ dinh dưỡng kém. "Teo cơ" ở người già là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây tàn tật, thậm chí là giảm tuổi thọ ở người lớn tuổi.
 
Nguyên nhân gây "teo cơ" 


Lão hóa là nguyên nhân thường gặp của bệnh "teo cơ". Bên cạnh đó, chứng teo cơ ở người già còn đến từ các nguyên nhân sau :


Ít vận động
Không thường xuyên vận động, sử dụng cơ là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra chứng suy giảm cơ bắp, dẫn đến tình trạng teo và yếu cơ nhanh hơn. Việc nghỉ ngơi hoặc nằm bất động trên giường sau một chấn thương hoặc bệnh tật dẫn đến teo cơ ở người già.
 
Chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống không cung cấp đủ calo và protein sẽ dẫn đến tình trạng giảm cân và giảm khối lượng cơ. Ngoài ra, do gặp các vấn đề thay đổi về khẩu vị, răng, nướu khó khăn trong việc ăn uống, thưởng thức món ăn, nên người già dễ chán ăn, ăn uống không đầy đủ. Từ đó khiến cơ thể không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ bắp.
 
Béo phì
Việc giảm khối lượng cơ có thể liên quan đến việc tăng lượng mỡ trong cơ thể, do đó mặc dù cân nặng bình thường nhưng cơ vẫn yếu đi rõ rệt. Đây là tình trạng béo phì – một trong những nguyên nhân gây ra suy giảm thể chất và giảm sức mạnh cơ bắp. Ngoài ra, béo phì cũng là nguyên nhân gây nên bệnh xơ vữa động mạch, tiểu đường loại 2 và kháng insulin. Trong đó, kháng insulin có liên quan đến mất cơ do tuổi tác.

Các dấu hiệu của bệnh "teo cơ"

Bệnh "teo cơ" thường có những biểu hiện dễ nhận biết sau: 
Tuy nhiên, các dấu hiệu này cũng có thể xảy ra ở các bệnh lý khác. Do đó, nếu người lớn tuổi xuất hiện một hoặc nhiều trong số các biểu hiện này và không có lý do rõ ràng, hãy gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
 
Phòng ngừa bệnh "teo cơ"
 
Hiện nay không có thuốc đặc trị bệnh "teo cơ" ở người già. Mặc dù vậy, các hoạt động thể chất và dinh dưỡng hợp lý có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa và cải thiện chứng "teo cơ". Tất cả hình thức tập thể dục đều mang lại lợi ích, nhưng rèn luyện sức bền là liệu pháp tốt nhất.
 
Tập luyện, vận động cơ thể
Khi vận động, các sợi cơ căng lên, tạo yếu tố tăng trưởng dẫn đến tăng sức mạnh và làm tăng hoạt động của các hormone thúc đẩy tăng trưởng. Những tín hiệu này làm cho các tế bào cơ phát triển và tự điều chỉnh nhóm cơ hiện có và tạo ra các sợi cơ mới.
Đi bộ và tập luyện cường độ thấp giúp giảm nguy cơ hạn chế vận động. Vì vậy, cách tốt nhất để tránh teo cơ ở người già là giữ cho cơ bắp được hoạt động. Các hoạt động thể chất có thể là thể dục nhịp điệu, tập luyện sức bền (ví dụ đi bộ) hoặc các bài tập thăng bằng, miễn sao phù hợp với tình trạng sức khỏe của người lớn tuổi. Người lớn tuổi nên dành từ 2 – 4 buổi tập trong tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
 
Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống không cung cấp đủ calo và protein sẽ dẫn đến tình trạng giảm cân và giảm khối lượng cơ. Ngoài ra, do gặp các vấn đề thay đổi về khẩu vị, răng, nướu khó khăn trong việc ăn uống, thưởng thức món ăn, nên người già dễ chán ăn, ăn uống không đầy đủ. Từ đó khiến cơ thể không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ bắp

Chất đạm
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn đến sự suy giảm khối lượng cơ và sức mạnh do tuổi tác. Trong đó, protein đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy thành các axit amin và sử dụng để phát triển cơ bắp. Các thực phẩm giàu protein nên được bổ sung trong chế độ ăn của người già bao gồm: thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành…
 
Omega 3
Omega 3 không chỉ giúp cải thiện sức khỏe thị giác, não bộ ở người lớn tuổi mà còn tác động tích cực đến sự phát triển của cơ bắp. Nguồn axit béo omega 3 dồi dào nhất có trong các loại hải sản như: tôm, cua, cá, nghêu, sò…
 
Creatine
Creatine là một loại protein nhỏ được sản sinh tự nhiên trong gan. Để không bị thiếu hụt, bạn có thể bổ sung creatine bằng chế độ ăn uống từ thịt hoặc dưới dạng thực phẩm bổ sung để tăng cường phát triển cơ bắp. Tuy nhiên, creatine sẽ không mang lại hiệu quả nếu bạn không tập thể dục thể thao và thiếu hụt các dưỡng chất khác.
 
"Teo Cơ" là tình trạng phổ biến ở người già và có thể làm giảm tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. Vì vậy, để có hệ cơ bắp khỏe mạnh khi cao tuổi, bạn cần ăn đủ calo và protein chất lượng cao để làm chậm tốc độ mất cơ. Đồng thời, bổ sung các chất dinh dưỡng như omega 3 và creatine để chống lại chứng "teo cơ" ở người già. Đừng quên, tập thể dục, vận động cơ thể vẫn là cách tốt nhất để ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh teo cơ nhé!
 
Nguồn : https://hellobacsi.com/lao-hoa-lanh-manh/co-the-lao-hoa/benh-teo-co-o-nguoi-gia/

Suy giảm thể chất, gặp khó khăn khi cầm nắm, nâng đỡ đồ vật
Phản ứng chậm chạp bất thường, dễ kiệt sức và ít hứng thú với các hoạt động thể chất


*****

Bài viết của bs Đỗ Duy Ngọc

Nhiều  bữa không ngủ được, nằm nghĩ toàn mấy chuyện tào lao. Ví dụ như những  năm sau 1975, cơm không có ăn, toàn bo bo với bột mì, thức ăn toàn cá  ươn và rau héo. Lúc đó chỉ mong có bát cơm trắng, bữa cơm có thịt. Giải  trí thì chỉ quanh quẩn mấy bài ca cách mạng, thể thao thì chỉ loanh  quanh bóng đá, bóng chuyền.

Thời mở cửa,  tiền bạc khá hơn, đời sống được nâng cao, bắt đầu xuất hiện phong trào tennis. Thật ra trước 75 ở miền Nam, tennis cũng là bộ môn có khá người chơi, nhưng toàn tướng tá, nhà giàu, công chức cấp cao vì sân không nhiều mà dụng cụ thì giá rất đắt. Từ cuối thập niên 80, sân tennis mở ra  nhiều, vợt, banh, giày, vớ, áo quần được nhập về, phong trào rầm rộ. Và tennis lúc đó là thú chơi của người có tiền, nhất là cán bộ. Ra đường  mà mặc bộ đồ đánh tennis trắng, giày Adidas, Nike...với vợt Wilson, Head chính hãng là quý tộc rồi. Vẫn biết đó là môn thể thao để mang lại sức khoẻ. Thế nhưng lắm người đến với bộ môn này để khoe khoang. Thời đó là  thú chơi trưởng giả, có level cao trong xã hội. Ngồi đâu cũng nghe bàn về tennis, thể hiện đẳng cấp.

Dần dà, khi phong trào Golf du nhập vào, nhiều sân golf xây lên, 18, 36 lỗ đều có đủ. Người ta lấy luôn đất sân bay làm sân golf. Từ đó tennis thành  trò chơi bình dân, ít vốn, không còn được nhắc nhiều nữa. Từ đấy golf mới là quý tộc, là đẳng cấp, là dân chơi thứ thiệt. Đi vào thế giới của trưởng giả, của trọc phú, của doanh nhân, của cán bộ đều bàn chuyện golf và giá cả của các món đồ phục vụ thú chơi này với giá cao ngất ngưỡng. Tennis xuống giá, golf trồi lên. Giá trị đã thay đổi.

**********

Một  thời người ta mong có miếng thịt mỡ để có chất béo, để rán, để chiên. Mong có miếng thịt nạc để có thêm chất đạm. Đến khi mở cửa, thức ăn  tràn trề, thích gì có đấy, chỉ sợ không có tiền thì lại rộ lên phong trào ăn chay. Doanh nhân bạc tỷ cũng ăn chay, nghệ sĩ, người mẫu cũng ăn chay, tu cũng chay mà không tu cũng chay. Tiệm cơm chay mở ra tràn  ngập, bình dân có, sang chảnh có. Đi đâu cũng nghe bàn chuyện ăn rau cỏ. Vào nhà hàng sang trọng, giá cả trên trời cũng chỉ gọi món rau trộn. Ăn chay trở thành phong trào, trở thành mốt thời thượng.

Ngược với ăn chay lại có một xu hướng kiếm ăn thịt thú rừng. Thú càng quý, càng được săn đuổi. Thưởng thức thịt rừng là một thú vui quý tộc. Ăn những món ăn bình thường là tầm thường, phải tay gấu, óc khỉ, mật rắn, chồn hương, tê tê...rồi sừng tê, mật gấu, cao hổ, nhung hươu mới là dân  chơi thứ thiệt. Cán bộ ta toàn là dân chơi.

**********

Từ  chuyện ăn chay lại dẫn đến chuyện tu hành. Xã hội càng tàn bạo, khát máu, bạo lực, lừa lọc, dối trá, láo toét thì người nói chuyện tu hành, kinh kệ càng nhiều. Chùa chiền mọc lên như nấm. Thằng du đãng giết người  cướp của, bà cho vay nặng lãi, chứa gái, buôn ma tuý, cán bộ tham  nhũng, cướp đất của dân ngày rằm, mồng một, lễ, vọng... đều mang tiền,  dâng hương, vàng mã cúng lạy Phật. Họ cầu chức, cầu tiền, làm ăn phát  đạt. Họ cầu giàu càng giàu thêm, ghế càng cao thêm, chức tước bổng lộc  càng nhiều hơn. Bởi có chức là có tiền, có nhà to, có đô la, hột xoàn, vàng kí.

 

**********

Lại  thêm phong trào từ thiện. Bản chất của việc từ thiện là tốt, là sự sẻ chia. Nhưng làm từ thiện mà khoe khoang cho tất thảy mọi người, mà tự hào xem đó là công trạng thì chưa hiểu hết nghĩa bố thí của nhà Phật. Đó  chỉ là làm cho cái tôi của mình chứ chẳng phải vì tha nhân.

**********
Chơi  lan, chơi bonsai là thú vui tao nhã. Nhưng rồi người ta không dừng lại đó, đưa tới chuyện phá rừng, cưa cây đem về trưng bày trong vườn nhà. Cây trăm năm trong rừng già biến thành chậu bonsai cho lớp người nhà giàu mới. Cây lan biến hoá thành giá cả trăm tỷ đồng. Những thú chơi thanh lịch ngàn năm biến thành những trò cờ bạc, lọc lừa.

**********
Có  một hiện tượng khó mà cắt nghĩa được là hiện nay ở miền Bắc có phong trào mặc quân phục lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng Hoà, hát nhạc lính miền Nam. Họ tụ tập thành hội đoàn rất đông, có tổ chức đàng hoàng dù ngày xưa chửi Mỹ, hô hào đánh cho Mỹ cút, Nguỵ nhào. Nam thanh, nữ tú đủ cả, mỗi lần họ tập họp nhìn như tiểu đoàn quân đội VNCH chuẩn bị hành quân. Nhìn mặt họ hân hoan, sung sướng, tự hào, thoả mãn. Thế là sao nhỉ???

Cũng  một thời, người ta toàn nói chuyện yêu nước thương dân, tình ái quốc, nghĩa đồng bào. Những gia đình vượt biên bị niêm phong với dấu đỏ lòm là phản quốc. Giờ thì ngồi đâu cũng nói chuyện Mỹ, chuyện Pháp, Anh. Người Việt ngày xưa trốn chạy, vượt biên giờ trở thành khúc ruột ngàn dặm. Con cán bộ từ cấp trung đến cấp cao đều du học Mỹ. Nhiều cán bộ chưa về hưu đã có thẻ xanh lận túi, chờ đến giờ là out. Thế mới thấy trên đời  này mọi giá trị chẳng có chi là vĩnh cửu.

**********
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra. Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện, trong điệu đi, cách nói, cách cười. Chẳng phải chơi golf mà sang. Cũng chẳng phải có cây hoa quý đắt tiền mà sang. Cũng chẳng phải tiền muôn, bạc tỷ mà sang. Chẳng phải có chút sắc đẹp, có chút địa vị xã hội, có hột xoàn cả kí, có nhiều người xu nịnh tiền hô hậu ủng mà sang.

**********
Cũng  không phải miệng toàn nói chuyện đạo, chuyện chay tịnh, kể lể, khoe khoang chuyện bỏ tiền làm từ thiện, miệng luôn nam mô mới là người có lòng nhân ái, sống có đạo lý. Chiếc áo không làm nên thầy tu thì những kẻ cứ suốt ngày mô Phật cũng chưa hẳn là người tốt. Phật tại tâm chứ  không phải tại miệng.

ĐỔ DUY NGỌC

NHỚ MẠ (THƠ- TRẦN QUỐC BẢO)

 

            
Nhớ Mạ      
                     Thơ Trần Quốc Bảo

 Inline image

         Nhớ Mạ

 

Bước chân lưu lạc phương trời,

Nhớ cơm Mạ nấu, nhớ lời Mạ ru

Niêu cơm đun củi, vùi tro

Gạo nàng hương chín, thơm tho nức nhà

 

Tôm kho, mắm ruốc, trái cà

Bữa cơm Mạ nấu, rứa mà quá ngon!

Chén cơm Mạ bới cho con

Hương Quê nồng ấm, gói tròn Tình thương

 

           Inline image

 Con đi muôn vạn nẻo đường

Miếng ngon đâu cũng, thiếu hương Quê nhà

Thiếu tôm, thiếu ruốc, thiếu cà

Thiếu ngồi bên Mạ, rứa là thiếu ngon

 

Nhớ xưa, lời Mạ ru con

“ Ầu ơ… con ngủ cho ngoan… con à…

Gió đưa cành trúc la đà (*)

Tiếng chuông Thiên Mụ; canh gà Thọ Xương

 

          Inline image

  

 Thương con, thương quá là thương

Lớn lên, con phải noi gương anh tài

Tình nhà; nợ Nước, hai vai

Làm sao xứng đáng chàng trai Tiên Rồng!”

 

Mạ ơi!... vận Nước long đong

Chữ “Trung”, chữ “Hiếu”… con không trọn rồi!

Giữ Nước, Nước đã buông trôi!

Giữ nhà, nhà cũng bị người cướp luôn!

 

       Inline image

 Lang thang những tháng ngày buồn…

Nhìn về Quê cũ, mây tuôn cuối trời!

Chợt lòng nhớ Mạ bồi hồi…

Nhớ cơm Mạ nấu, nhớ lời Mạ ru!

 

          Trần Quốc Bảo

               Richmond, Virginia

        Địa chỉ điện thư của tác giả:

     quocbao_30@yahoo.com


Monday, July 22, 2024

TƯỞNG NHỚ MỘT TINH LONG (YÊN SƠN)

 

Tưởng Nhớ Một Tinh Long

ngày 1.03.21 

 


Tiễn Biệt Tinh Long Nguyễn Phan Quang Trung
Cựu SVSQKQ/Khoá 69A. Pilot PĐ 821 Tinh Long/KĐ53CT/SĐ5KQ

 

Tinh Long ơi!
Xin trở về ngày cũ
Những sáng bánh mì, xôi nắm đi bay
Đêm đêm về, nghèo kiết xác cũng say
Say với những thằng còn sống
Say cho bạn mình vừa nằm xuống
Tinh Long ơi!
Một đời trai oan uổng
Mộng chưa thành mình đã phải tha hương
Nhớ bạn bè trong tiền kiếp đau thương
Nay bạc tóc
Ở một nơi không là Tổ Quốc

Trung ơi!
Tao đã cố quên
Nhưng không thể nào quên được
Một thời ngang trời…
Chúng mình cùng đi giữ quê hương
Giữ làm sao để có cảnh đoạn trường
Kẻ chết ở trại cải tạo
Người chôn thân trên biển cả
Hàng triệu người chen chân vội vã
Bỏ nước ra đi tản lạc quê người
Nhìn lại quê hương nước mắt ngậm ngùi
Nhớ bè bạn, nhớ Tinh Long xa xót

Trung ơi!
Nay ở quê xa
Chúng tao đến đây tiễn mầy đi… lần chót
Về bên kia thế giới an bình
Về một nơi không còn vướng bận tử sinh
Cũng không phải bận lòng chuyện nước non đã ngoài tầm tay với
Xin hộ trì cho đại gia đình Tinh Long
Cùng với vợ con mầy trong những tháng ngày sắp tới
Được an bình, được nhiều nghị lực để vượt qua
Để còn mong có một lúc không xa
Được thấy quê hương trở mình toả sáng
Và nắm tro tàn của mầy sẽ được cải táng
Trên ruộng trên đồng xứ sở Long An.
Vĩnh biệt Trung

Ngày 27/2/2021

YÊN SƠN

TÔI GÁNH THỊ PHI (TONY PHƯỚC)

 

Tôi Gánh Thị Phi – Proshow: Tony Phước

 


https://www.youtube.com/watch?v=R4lpZd8GyEs&list=PLfu6HhNsXhj3REN4ZEcJRHDQDyeMsN62c&index=2

 


THÁNG BẢY 1954{ 70 NĂM SAU, TỪ KHI ĐẤT NƯỚC CHIA ĐÔI (GIAO CHỈ SAN JOSE)

 

Tháng Bảy 1954: 70 năm sau,

từ khi đất nước chia đôi

Giao Chỉ San Jose


 

                                      

(Viết cho bằng hữu tháng tư 1954. Chúng tôi 300 thanh niên trình diện trại Ngọc Hà động viên vào Đà Lạt cùng hát bài ca Hà Nội ơi, năm 20 tuổi chưa từng biết yêu. Sau 21 năm chinh chiến, tháng tư 75 khóa Cương Quyết hát tiếp. Bao nhiêu mộng đẹp, tan ra thành khói, bay theo mây chiều. 

Ngày nay, tháng 7-2024 vào nursing home thăm bạn cùng khóa. Ba anh bạn đại tá lữ đoàn trưởng mũ xanh mũ đỏ cùng đại đội võ bị ra đánh trận Quảng Trị chỉ còn Ngô Văn Định. Ghé lại bên tai nghe Định hỏi nhỏ:  

- Bên ngoài còn mấy thằng?  

- Còn liên lạc được 4 thằng. Ngoài 90 cả rồi. Tôi báo cáo. Thằng Luyện mới đến thăm. 

- Định nói. Luyện nhảy Bắc 21 năm biệt giam mà còn sống. Hay thật. 

- Tôi nói. Bạn yên tâm. Ngoài này còn thằng nào chơi thằng đó. 

- OK, bạn còn sống lo cho anh em.)

***************

Ngày 20 tháng 7 năm 2014 ghi dấu 60 năm hiệp định Geneve chia đôi đất nước, chúng tôi tổ chức kỷ niệm đêm giã từ Hà Nội. Có các chiến binh Việt Nam trong quân đội Mỹ về tham dự. Ca sĩ Ý Lan trình diễn những bài ca quê hương. Chúng tôi có dịp nhắc lại kỷ niệm từ ngày rất xa, khi còn là thiếu niên trong thời kháng chiến đứng sau cột đình làng Bình Hải, huyện Yên Mô nghe cô Thái Thanh rất nhỏ bé hát bài ca cho chương trình Bình Dân Học vụ. Lời ca thánh thót của thời thơ ấu mà vẫn còn nghe vang vọng tuổi hoa niên. Ai về chợ huyện Thanh Vân, hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa,,,?.Trải qua biết bao dâu bể. Ngày nay vẫn còn may mắn ngồi nghe con gái của cô Thái hát rằng: Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn.

Hôm nay, ngồi đọc lại bài viết cũ về chuyện còn sông Bến Hải đã trở thành câu chuyện 70 năm.

Tuổi cao niên già thêm 10 năm, nhưng lịch sử đất nước chia đôi trên căn bản vẫn không thay đổi. Xin soạn lại gửi đến bằng hữu độc giả như sau.

Viết cho ngày 20 tháng 7-1954

Đất nước bị chia cắt 54 quả thực là thảm họa, nhưng thống nhất 75 là còn khốn nạn hơn. Để hoàn thành công cuộc gọi là "Giải phóng miền Nam", Việt Cộng đang phải trả nợ bằng cả núi sông. Vì câu chuyện thời sự hôm nay, chúng ta cùng nhớ lại chuyện hôm qua. 70 năm trước cũng vào ngày tháng này, người Việt di cư lần thứ nhất.

Tháng 7 năm 2024 có gợi nhớ cho người Việt tỵ nạn chúng ta một chút kỷ niệm nào không? Cách đây 70 năm vào tháng 7 năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Hôm nay, từ hơn nửa thế kỷ và một đại dương xa cách, xin có đôi lời ghi lại. Trước hết là một số sử liệu, nhắc lại một lần vào cuối cuộc đời.
Tháng 9-1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh, Thế chiến thứ II chấm dứt chính thức trên mặt trận Thái Bình Dương. Hồ Chí Minh lãnh đạo đảng cộng sản tuyên bố Việt Nam độc lập. Người Pháp trở lại Đông Dương.
Ngày 19 tháng 12-1946, toàn quốc kháng chiến. Vào những ngày của mùa Thu khói lửa năm xưa, tất cả thanh niên Việt Nam đều đứng lên đáp lời sông núi. Phạm Duy đã viết lời ca như sau: Một mùa Thu năm qua, cách mạng tiến ra đất Việt, cùng ngàn vạn thanh niên vung gươm phá xiềng. Bài ca này miền Nam đã dùng mở đầu cho cuốn phim Chúng tôi muốn sống. Vào những ngày đầu kháng chiến tôi mới hơn 14 tuổi. Tuổi măng non thơ dại và hào hứng biết chừng nào. Vào thời gian này, không ai biết gì về Quốc Cộng. Người ta nói rằng: Khi cách mạng mùa Thu, anh 20 tuổi, anh không theo kháng chiến, anh không phải là người yêu nước. Và tôi là cậu bé con của trường Cửa Bắc, Nam Định tản cư về Yên Mô, Ninh Bình cũng bắt đầu bài học yêu nước nồng nàn.

Sau này mới học được những danh ngôn thần diệu khác. Khi chủ nghĩa cộng sản ra đời, anh 20 tuổi, không theo cộng sản, anh không có trái tim. Hai mươi năm sau, anh chưa bỏ cộng sản. Anh không có khối óc.

Hà Nội và Nam Định tản cư, sinh viên học sinh gia nhập tự vệ thành mang dấu hiệu sao vàng tham dự vào trung đoàn thủ đô. Trong Nam các thanh niên tiền phong Sài Gòn cầm gậy tầm vông hợp đoàn chống Pháp.

Cho đến ngày nay, tất cả các vị cao niên 80 tuổi trở lên chắc hẳn còn nhớ về mùa Thu khói lửa năm xưa của thời kỳ 1946. Rồi tiêu thổ kháng chiến, rồi tản cư, rồi về Tề, còn nhớ biết bao nhiêu ngôn ngữ đặc thù của cả một thời thơ ấu.

Ba năm sau, tháng 3-1949, vua Bảo Đại từ Hương Cảng trở về. Bình minh của phe quốc gia mới bắt đầu nở hoa cay đắng trong vòng tay của quân đội Liên Hiệp Pháp.


1950: Cuộc chiến vẫn tiếp tục trên toàn thể đất nước cho đến năm 1950. Một năm nhiều dữ kiện. Tháng giêng, Trung Cộng công nhận cộng sản Việt Nam. Tháng 2, Hoa Kỳ công nhận Việt Nam Quốc Gia. Tháng 3, Mỹ bắt đầu viện trợ cho Pháp tại Đông Dương. Tháng 6, toán cố vấn Mỹ đầu tiên đến Việt Nam.

Rồi đến năm 1954 định mệnh. Tháng 5-1954, Điện Biên Phủ thất thủ, trong số binh sĩ tham chiến có phân nửa là lính quốc gia Việt Nam cùng chịu chung phần số hy sinh và thân phận tù binh.Trong số này có trung úy mũ đỏ Phạm văn Phú. Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc. Tháng 6-1954, ông Ngô Đình Diệm từ Mỹ về nước nhận chức thủ tướng. Tháng 7-1954, Geneva quyết định chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17, trên con sông Bến Hải giữa nhịp cầu Hiền Lương. Và cái ngày định mệnh của cả dân tộc là ngày 20 tháng 7-1954. Anh, Pháp, Tàu v.v… ký vào hiệp ước cùng với phía cộng sản Việt Nam. Hoa Kỳ và Việt Nam quốc gia không ký. Thủ tướng Pháp đương thời hứa với quốc dân là hiệp định phải ký xong nội ngày 20 tháng 7-1954. Họp bàn đến nửa đêm chưa xong. Đồng hồ phòng nghị hội cho đứng chết lúc 12 giờ khuya. Tiếp tục họp đến sáng hôm sau. Ký xong rồi cho đồng hồ chạy lại. Ngoại trưởng Việt Nam là cụ Trần Văn Đỗ khóc vì đất nước chia đôi ngay tại hội nghị. Lê Duẩn chỉ huy cộng sản tại miền Nam, đang trên đường ra Bắc chợt nghe tin đình chiến bèn quay trở lại để tiếp tục lãnh đạo công cuộc giải phóng về sau. Từ Hà Nội một số sĩ quan Quốc Gia Việt Nam cùng sĩ quan Pháp tham dự hội nghị Trung Giá để quy định việc đình chiến. Các đơn vị Pháp và tiểu đoàn khinh quân Việt Nam âm thầm rút khỏi Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa, Nam Định để lại sự hoảng loạn đau thương cho nhiều giáo khu Việt Nam tự trị.
Tại miền Bắc, Pháp và phe quốc gia có thời hạn tập trung 80 ngày tại Hà Nội, 100 ngày ở Hải Dương và 300 ngày tại Hải Phòng. Tại miền Nam, bộ đội tập kết tại Hàm Tân 80 ngày, Bình Định 100 ngày và Cà Mau 300 ngày.
Ngày nay bao nhiêu người trong chúng ta còn nhớ đến thời kỳ tập kết ở miền Nam và di cư của miền Bắc. Bộ đội miền Nam trước khi ra đi đã phát động chiến dịch gài người ở lại nằm vùng và phong trào lập gia đình ồ ạt để hẹn ngày trở lại hai năm sau hiệp thương và tuyển cử. Trung úy Giao Chỉ tham dự hành quân Tự Do tiếp thu Cà Mau thấy người cộng sản tập kết chào nhau với bàn tay xòe hai ngón hẹn gặp lại sau hai năm, kèm theo khẩu hiệu: Ra đi là chiến thắng, ở lại là vinh quang. Kháng chiến miền Nam ra Bắc để lại những người đàn bà mang bầu trong thôn xóm và súng đạn chôn sau vườn.
Trong khi đó ở miền Bắc cộng sản cố sức cản đường không cho lính quốc gia di tản và ngăn chặn cuộc di cư vĩ đại từ tháng 8-1954. Nhưng phe Quốc Gia vẫn có đủ một triệu người ra đi. Trung úy Vũ Đức Nghiêm, tốt nghiệp khóa 1 Nam Định đã di cư vào Nam cùng đơn vị và gia đình lúc ông hơn 20 tuổi. Từ Phát Diệm, ông đi cùng Tiểu đoàn Khinh quân 711 về Hải Dương rồi rút về miền Nam. Đại úy Lê Kim Ngô di tản trường Công Binh từ Bắc vào Nha Trang và tham dự hành quân tiếp thu Bình Định. Cả hai ông Vũ Đức Nghiêm và Lê Kim Ngô về sau đều có dịp trở về đất Bắc trong lao tù cộng sản trước khi HO qua định cư tại Hoa Kỳ.
Cũng trong đợt di cư theo gia đình công giáo, thanh niên Phạm Huấn 17 tuổi còn nhớ mãi về Hà Nội của tuổi hoa niên. Sau khi ký hiệp ước Paris, thiếu tá VNCH Phạm Huấn có dịp trở về trong phái đoàn chính thức để viết nên tác phẩm “Một ngày tại Hà Nội” vào năm 1973. Sau đó ông Phạm Huấn lại một lần nữa từ biệt Sài Gòn năm 1975. Ngày 7 tháng 7-2004, tôi và đại tá thiết giáp Hà Mai Việt vào thăm Phạm Huấn tại Nursing Home của bác sĩ Ngãi ở khu Tully, San Jose. Sinh năm 1937, người thiếu niên Hà Nội trở thành sĩ quan trẻ trung của Sài Gòn vẫn còn là vị cao niên trẻ nhất của Nursing Home. “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới, đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm.” Phạm Huấn nói rằng nếu có ngày các ông lấy lại được Sài Gòn thì tôi cũng sẽ chơi một chuyến xe lăn về quê cũ. Ông qua đời tại San Jose và chưa một lần trở lại Việt Nam. Nhưng từ tháng 7-1954 cho đến tháng 7-2019 ngày tháng cũng xa rồi mà mộng ước cũng xa rồi. Phạm Huấn và nhà thơ Hoàng Anh Tuấn đều lần lượt ra đi từ San Jose bỏ cả mưa Sài gòn lẫn mưa Hà Nội. 

Cuối tháng 5-2014, Hà Mai Việt trở lại San Jose ra mắt tác phẩm Cội rễ cuộc chiến Việt Nam, khởi sự từ miền Bắc. Chẳng biết còn ai nhớ được nguồn cơn.

Năm 1954, có cô bé 16 tuổi lên máy bay một mình đi theo gia đình người bạn để vào Nam tìm tự do. Mồ côi mẹ, cha ở lại đi tìm con trai rồi kẹt luôn. Cô bé tên là Nguyễn Thị Chinh và sau này chuyến đi đã đem đến cho miền Nam một đệ nhất minh tinh gọi là Kiều Chinh. Chuyến đi của Kiều Chinh 1954 từ biệt Hà Nội đầy nước mắt chia ly trong tình phụ tử. Năm 1975, Kiều Chinh lại một lần nữa từ biệt Sài Gòn trong một chuyến bay trắc trở vòng thế giới giữa lúc thủ đô miền Nam hấp hối.

Và cũng vào năm 1954, một cô bé 9 tuổi Nguyễn Thị Lệ Mai xuống tàu di cư vào Nam. Sau này cô trở thành ca sĩ tiêu biểu của cuộc chiến lầm than, một đời lưu vong trong một kiếp trầm luân. Tên của người ca sĩ 50 năm hát rong trên khắp địa cầu là Khánh Ly. Năm vừa qua cô về hát lần đầu trên sân khấu Hà Nội. Trải qua 50 năm là biểu tượng chống Cộng bằng ca từ hải ngoại, ngày nay cô đứng hát tình ca cho những khán giả chưa từng quen biết nhưng hết mực yêu thương.
Và cùng với Vũ Đức Nghiêm, Lê Kim Ngô, Phạm Huấn, Kiều Chinh, Lệ Mai còn có Bùi Đức Lạc cũng là thành phần Bắc Kỳ di cư đến tạm trú ở khu Phú Thọ Lều để đến 75 thì trở thành người di tản mang màu áo pháo binh Dù.
Năm 1972 trong nước mắt Hạ Lào, Bùi Đức Lạc nghe Khánh Ly nức nở, đã nói rằng trận liệt mất đường về không phải vì Mỹ bỏ mà tại vì nhạc Trịnh Công Sơn.
Một người khác gốc Phát Diệm đã sớm trở thành dân di cư Hố Nai rồi chuyển qua vượt biên với một vợ 9 con tiếp tục bình tĩnh làm báo hàng ngày tại San Jose. Đó là Ký Còm – Vũ Bình Nghi. Tại sao miền Bắc lại di cư tị nạn? Tại sao miền Nam lại di tản vượt biên? Truyền thống của dân Việt là muôn đời sống với lũy tre xanh, với mồ mả tổ tiên, với làng xóm. Vạn bất đắc dĩ phải ra đi mang tiếng tha hương cầu thực nhưng rồi vài năm lại trở về. Quốc văn giáo khoa thư thuở nhỏ đã ghi rằng chỉ có chốn quê hương là đẹp hơn cả.
Trung úy Phan Lạc Tuyên khi tham dự hành quân tiếp thu tại Bình Định đã viết nên bài nhạc bất hủ. Anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới bóng dừa. Nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ. Nhưng chính tại miền quê đơn sơ ở Bồng Sơn này suốt 20 năm chưa bao giờ yên tiếng súng.
Khi người cộng sản nổi dậy với một cuộc chiến toàn diện khốc liệt và quá độ đã triệt tiêu hoàn toàn mọi sự hòa giải trong tình tự dân tộc. Đầu tiên là các dân thành thị, trí thức, tiểu tư sản và tôn giáo phải bỏ Kháng Chiến về thành. Tiếp theo là bỏ miền Bắc di cư vào miền Nam.
Năm 1954, người Bắc vào Nam đã đánh thức con rồng Sài Gòn tỉnh giấc. Qua những khác biệt ban đầu rồi chuyển đến thời gian hòa hợp. Miền Nam bắt đầu khởi sắc từ ẩm thực đến văn chương báo chí. Từ văn nghệ đến kinh doanh. Và sự hòa hợp không hề có biên giới.
Đại úy Lê Công Danh, gốc công tử Cần Thơ đứng đón di cư ở bến nhà Rồng đã bế luôn cô Bắc Kỳ nho nhỏ tóc demi garcon về làm áp trại phu nhân.
Trung úy công binh Nghiêm Kế, dân chơi Hà Nội phải lên tận Biên Hòa xứ Bưởi cưới cô Bé về làm chính thất, sống 20 năm ở các trại gia binh với 8 đứa con lần lượt ra đời.
Trung úy Giao Chỉ đi chiến dịch Đinh Tiên Hoàng phải xuống tận Rạch Giá để rước về người đẹp xứ Kiên Giang. Sau hơn 60 năm tình cũ, chàng mới nhận ra rằng không phải chỉ Đà Lạt mới có hồ than thở, mà ở miền Hậu Giang cũng có khá nhiều.
Những ông sĩ quan trẻ Bắc Kỳ xấp ngửa vào Sài Gòn đều đem về mỗi ông một cái hồ than thở. Qua đến Hoa Kỳ nàng vẫn còn than thở qua Cell Phone…

Sau những đoạn trường 1954, thì tiếp đến câu chuyện tình Bắc duyên Nam trên mọi lãnh vực. Tất cả cùng nhau xây dựng xong 2 nền Cộng Hòa với một đạo quân đẹp đẽ biết chừng nào.
Cho đến năm 1975 và rồi đến tận ngày nay là 2024, người Việt vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi. Từ di tản đến vượt biên, vượt biển, đoàn tụ, HO, con lai.
Tại sao chúng ta lại rời bỏ quê hương?
Một lần đi là một lần vĩnh biệt.
Một lần đi là hết lối quay về.

Năm 1954, khi ra đi dân Bắc Kỳ di cư ít có hy vọng trở về chốn cũ. Bài ca Hướng về Hà Nội được hát nỉ non suốt ngày đêm trên Radio. Cho đến khi chính phủ sốt ruột phải ra lệnh cấm. Những cánh bưu thiếp liên lạc Bắc Nam rời rạc được một vài tháng rồi cắt đứt sau hai năm xa cách.
Qua thập niên 60, Hà Nội mở đường dây Ông Cụ, đưa cán bộ vào Nam xây dựng hạ tầng cơ sở và dựng nên cuộc chiến mà ngày nay chính cựu đảng viên cộng sản Dương Thu Hương cũng nhận xét là một cuộc chiến sai lầm, hy sinh quá nhiều sinh mạng và tiềm lực của cả hai miền đất nước.


Hôm nay, nhân dịp ghi dấu 65 năm cuộc hiệp định Genève chia đôi đất nước, chúng ta cùng suy ngẫm về dòng sinh mệnh đã đưa đẩy người Việt lưu vong. Sẽ không thể có được câu trả lời coi như là chân lý cho một vấn nạn lịch sử.
Trong cuộc sống hàng ngày, biết bao nhiêu là điều bí ẩn không hề có đáp số. Tại sao có người hạnh phúc và có người đau khổ? Tại sao có người bị hy sinh và có người tồn tại? Tại sao có người thành công và có người thất bại? Những ngày tháng lịch sử như 20 tháng 7, như 30 tháng 4 chỉ là những dấu ấn trong dòng sinh mệnh của một dân tộc, của một cộng đồng. Đó là ngày của cay đắng nở hoa.
Mới đây các quốc gia văn minh nhất của nhân loại Tây phương kể cả Nga, Đức, Anh, Pháp, Canada, Úc, Mỹ và nhiều nước khác cùng dự lễ kỷ niệm 70 năm đổ bộ Normandie. Bây giờ chúng ta cũng là công dân của một xứ sở văn minh là Hoa Kỳ, hãy cùng nhau nhớ về ngày lịch sử 20 tháng 7 của 70 năm về trước, ghi dấu lịch sử là một cách hành xử của con người văn minh.
Một lần nữa xin nhắc lại 20 tháng 7-1954, 70 năm về trước hiệp định Genève chia đôi đất nước. Một triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Tại sao người Việt lại rời bỏ quê hương? Câu hỏi đó dành cho quý vị.
Tiếp theo từ 30 tháng 4-1975 cho đến nay, trên hai triệu người Việt lần lượt ra đi. Tại sao người Việt lại rời bỏ quê hương? Câu hỏi đó cũng dành cho quý vị.
Tại sao quý vị lại ra đi?
Tại sao lại trở về? Tại sao lại không trở về? Trở về quê hương. Câu hỏi cho cả đời người. Câu hỏi cho cả một thế hệ. Điều này có đúng với người Việt lưu vong hay không?
Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết:
Quê hương, mỗi người có một
Như là chỉ một mẹ thôi…

Điều này có đúng với người Việt lưu vong hay không?
Hay là như Vũ Hoàng Chương đã than thở:
Chúng ta là đám người đầu thai nhầm thế kỷ
Quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh.
Có thực sự đau thương như vậy không?
Chúng ta ra đi đem theo quê hương, hay là chúng ta ra đi bỏ lại quê hương? Với con đường an cư lạc nghiệp ở xứ này, phải chăng chúng ta đang sống hạnh phúc với quê hương mới?
Giáo sư Elie Wiesel, người Mỹ gốc Do Thái sinh trưởng ở Romania, nạn nhân của nạn diệt chủng Holocaust được cứu sống lúc 16 tuổi. Nhập tịch Hoa Kỳ năm 1963. Đoạt giải Nobel về Hòa Bình năm 1986, Ông đã nói rằng: Nơi nào tôi sống có tự do và hạnh phúc, nơi đó chính là quê hương.

Nhưng ai đã nói rằng chống Cộng không phải là chống cả quê hương. Dù quê hương cũ hay mới. Giao Chỉ.

 

 20 tháng bảy năm 2014 tôi tổ chức 60 năm đêm giã từ Hà Nội có nhạc sĩ Vũ đức Nghiêm và nhiều bạn Hà Nội tham dự. Năm 2019 tôi tổ chức 65 năm ngày Nhớ về Hà Nội. Các bạn Hà Nội chẳng còn bao nhiêu người. Thay vì nhớ thương thành phố cũ ban đêm thứ bảy, chúng tôi tổ chức 11 giờ trưa ngày chủ nhật 21 tháng 7 năm 2019 tại nhà hàng Phú Lâm. Không phải chỉ dành riêng cho dân Bắc Kỳ di cư chẳng còn bao nhiêu. Xin mời bằng hữu Trung Nam Bắc một nhà cùng đến với nhau cả thế hệ thứ hai và thứ ba. Nếu ngày quốc hận 30 tháng tư năm 75 còn nhiều thương đau thì ngày quốc hận 20 tháng 7 năm 54 chỉ còn là những kỷ niệm êm đềm của tình Bắc duyên Nam.. Cùng ôn lại chuyện cũ giữa thế kỷ 20 đem qua thế kỷ 21. Chương trình hết sức đơn giản. Nhưng vô cùng ý nghĩa và chan hòa tình cảm. Chúng ta cùng ôn lại những câu trả lời muôn thuở trên đất Hoa Kỳ. Người Việt là ai, tại sao lại đến đây và đã đến vào thời gian nào. Trên báo San Jose Mercury News tuần qua đăng hình hai ông Nhật già danh tiếng của Hoa Kỳ gặp nhau cũng nhắc lại chuyện hai cậu bé cùng gia đình bị giam vào trại tập trung thời kỳ đệ nhị thế chiến. Về sau một ông trở thành thị trưởng San Jose rồi lên bộ trưởng giao thông thời tổng thống Bush. Một ông trở thành dân biểu liên bang. Để trả lời cho tuổi trẻ của thế hệ tương lai, cả hai ông Nhật đều nói rằng. Làm gì thì làm các bạn phải luôn luôn biết mình là ai? Như vậy là sau bao nhiêu năm tung hoành trên chính trường Hoa Kỳ, lúc về già ông bộ trưởng Mineta và ông dân biểu Honda mới chợt nhớ mình là Nhật Bản. Với 70 năm nhớ về cuộc di cư 1954. Với 49 năm nhớ về cuộc đổi đời 1975. Chúng ta dù đã trở thành người Mỹ nhưng luôn luôn phải nhớ mình thực sự là ai.   

Giao Chỉ San Jose

 

Bài này viết tặng nhà tôi, cô nữ sinh Kiên Giang có đủ can đảm đi theo anh trung úy Bắc Kỳ đồn trú tại Cà Mau và trên khắp chiến trường miền Đông và miền Tây Nam Bộ. 

Thế giới biết bao người mà sao anh chỉ thấy có mình em. Bà già 87 tuổi còn thắp hương tháng Tư và nhỏ lệ tháng 7.

 


Hãy đem đình làng Đình Bảng Hà Nội đến cạnh Việt Museum tại San Jose USA


 

Trung úy Bắc Kỳ di cư gặp cô học sinh Kiên Giang,

nay đã thành phụ nữ thắp hương cho tháng Tư và nhỏ lệ khóc tháng 7 di cư