Mao Zedong (Mao Trạch Đông) mất năm
1976. Từ đó đến nay Trung Hoa lục địa có các khuôn mặt lãnh đạo lớn như Deng
Xiaoping (Đặng Tiểu Bình), Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào).
Ngày 13-03-2013 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa có tân lãnh tụ: Xi Jinping (Tập Cận
Bình). Đó là những lãnh tụ vừa nắm quyền độc đảng cầm quyền vừa là Chủ Tịch Nhà
Nước để có đủ thẩm quyền quyết định để ngoại giao với các nước không Cộng Sản
trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Từ năm 1959 Mao Zedong chỉ giữ chức
Chủ Tịch đảng Cộng Sản. Ông mất chức vụ Chủ Tịch Nhà Nước vào tay Liu
Shaoqi (Lưu Thiếu Kỳ) sau khi thất bại trong Bước Tiến Nhảy Vọt. Với tư cách
người lãnh đạo đảng, ông và người vợ thứ tư, Jiangqing (Giang Thanh) đã gây
sóng gió trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa kéo dài từ năm 1966 cho đến khi ông mất
năm 1976.
37 năm kể từ ngày Mao Zedong mất,
Trung Hoa lục địa có một người lãnh đạo có nhiều đặc điểm giống như ông, vừa
lãnh đạo đảng vừa lãnh đạo một quốc gia có nền kinh tế và lực lượng quân sự
quan trọng trên thế giới với một khối dân đ̣ông đảo nhất trên thế giới: 1,5 tỷ
người. Đó là Xi Jinping. Ông lãnh đạo lục địa Trung Hoa khi phần đất nầy có một
vị trí cực kỳ quan trọng trên thế giới về kinh tế lẫn quân sự khả dĩ đẩy quốc
gia nầy vào tư thế của một đế quốc hoàng chủng trên thế giới.
NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG GIỮA MAO ZEDONG VÀ XI JINPING
Theo tiểu sử của Xi Jinping, ông là con của Xi Zhong Xun (Tập Trọng Huân), một
phó thủ tướng của Zhou Enlai (Châu Ân Lai) và là một nạn nhân của Mao Zedong
trong cuộc cách mạng Văn Hóa. Vậy giữa Xi Jinping và Mao Zedong có những tương
đồng gì?
1. Tướng mạo:
Mao Zedong và Xi Jinping đều cao lớn
dềnh dàng đúng theo nhận xét của người bình dân Việt Nam về người ‘tai to mặt
bự’ và có ‘số làm lớn’. Người có hình vóc to lớn đương nhiên có lòng tự tin và
xa hơn là óc tự tôn và lòng tự hào. Cả hai ông Mao Zedong và Xin Jinping đều là
những nam nhân không có râu, khác với Lenin, Stalin. Đó cũng là một đặc biệt
của các lãnh tụ Cộng Sản Trung Hoa. Mao Zedong, Deng Xiaoping, Jiang Zemin, Hu
Jintao, Xi Jinping đều không có râu. Ở Liên Sô và Việt Nam chỉ có Lenin,
Stalin, Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng có râu. Các ông Malenkov, Khrushchev,
Brezhnev, Andropov, Chernenko, Gorbachev của Liên Sô, Trường Chinh, Lê Duẩn,
Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng của
Cộng Sản Việt Nam đều không có râu. Râu là biểu tượng của dương tính, uy quyền
và tuổi tác. Người không râu tiềm ẩn nhiều âm tính, khó đoán khó lường. Người
ta thấy vẻ đẹp của người nữ nhưng người ta không thể hình dung nổi sự sâu hiểm
của người đàn ông có nữ tính bên ngoài nếu đó là người có quyền hành.
2. Tuổi:
Mao Zedong sinh năm 1893 tức là năm
Quí Tỵ. Xi Jinping sinh năm 1953, cũng năm Quí Tỵ nhưng nhỏ hơn Mao Zedong đúng
60 tuổi. Năm Tỵ là năm Âm (-). Quí là can Âm (-) hợp với nữ (Nam Nhâm, Nữ Quí).
Mao Zedong nắm chánh quyền vào năm 1949 sau khi đánh bại quân Quốc Dân Đảng của
Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch). Một cuộc di tản vĩ đại của người Trung Hoa
không muốn sống dưới chế độ Cộng Sản diễn ra. Một số chạy xuống Hong Kong. Một
số chạy sang bán đảo Triều Tiên. Một số chạy xuống Miến Điện. Những người thuộc
chánh quyền Quốc Dân Đảng chạy ra đảo Đài Loan. Mao Zedong nắm chánh quyền vào
năm Tam Hợp (Tỵ-Dậu-Sửu).
Khi Xi Jinping chào đời, Trung Hoa
Cộng Sản thi hành kế hoạch Ngũ Niên đầu tiên (1953-1957). Năm 2003 khi Hu
Jintao cầm quyền trên lục địa Trung Hoa, nước nầy bị dịch SARS. Năm 2013 khi Xi
Jinping cầm quyền, có hàng chục ngàn xác heo liệng xuống sông Huangpu (Hoàng
Phố), sông cung cấp nước cho dân chúng Shanghai (Thượng Hải). Không ai biết vì
lý do gì heo bị chết hàng loạt như vậy. Nhưng nhà cầm quyền đảm bảo nước sông
Huangpu không bị nhiễm trùng. Vài người Trung Hoa lục địa chết vì bệnh cúm gà
lây từ thú sang người.
3. Vợ Đẹp:
Mao Zedong có 04 đời vợ chánh thức.
Người vợ đầu tiên là Luo Yixiu (1889-1910) do gia đình sắp xếp khi ông 13 tuổi
và Luo Yixiu 17 tuổi. Thực tế ông không ăn ở với người vợ nầy. Bà thua buồn và
mất năm 1910.
Người vợ thứ hai là con gái của thầy
ông, người giới thiệu cho ông làm phụ tá quản thủ thư viện cho Li Dazhao (Lý
Đại Triều) tại đại học Beijing. Bà vợ nầy bị quân Quốc Dân Đảng của Chiang
Kaishek xử bắn trước mặt con trai bà vì không lên tiếng buộc tội chồng mình.
Mao chung sống với người vợ thứ ba,
He Zizhen (Hà Tử Thực) năm 1928 khi bà vợ thứ nhì Yang Kaihui (Dương Khải Huy
1901-1930) còn sống và có 3 con trai với ông. Bà He Zizhen (1910-1984) có 06
con với Mao. Nhưng người thì chết khi mới sinh; người bị thất lạc, mất tích hay
bị Quốc Dân Đảng giết trong thời kỳ Cộng Hòa Sô Viết Jiangxi (Giang Tây) bị
quân Quốc Dân Đảng tấn công ráo riết khiến Mao phải mở cuộc Vạn Lý Trường Chinh
(1934-1935). Chỉ còn một người con gái Lin Min (Lý Dân) sinh năm 1936 còn sống.
Bà nầy mang họ Li (Lý) vì khi sinh bà Mao Zedong trốn tránh sự theo dõi của
Quốc Dân Đảng nên đổi tên là Li Desheng (Lý Đức Sinh).
Người vợ thứ tư là một mỹ nữ, một
ngôi sao điện ảnh ở Shanghai: Jiangqing (Giang Thanh). Mao Zedong bỏ He Zizhen
và cưới Jiangqing năm 1938 tại Chiến Khu Yenan (Diên An). Không biết vì lý do
gì các đảng viên Cộng Sản bên cạnh Mao đố kỵ với Jiangqing nhưng Mao cương
quyết cưới bà làm vợ vì bà là người đẹp, thông minh, có nếp sống ‘thành thị’ và
quí phái hơn người lãnh tụ Cộng Sản gốc ở tỉnh Hunan (Hồ Nam) nghèo khổ. Có thể
các đồng chí của Mao Zedong ngờ vực Jiangqing về mặt chánh trị hơn là chuyện
song hôn, ngoại tình hay bỏ người vợ chiến đấu của lãnh đạo của họ vì Karl
Marx, Lenin, Stalin đều có ngoại tình hay đa thê mặc dù họ là người Tây Phương
tiếp xúc với đạo Christ khi còn trẻ.
Xi Jinping có hai đời vợ. Ông cưới
người vợ đầu tiên là Ke Lingling (Kha Linh Linh), ái nữ của đại sứ CHNDTQ ở
London, Ke Hua (Kha Hoa), vào đầu thập niên 1980. Hai người sớm ly dị vì bà Ke
Lingling muốn sang Anh để tiếp tục học. Đến năm 1987 ông cưới Peng Liyuan (Bành
Lệ Viện), một ca sĩ quân đội nổi tiếng mang quân hàm thiếu tướng. Bà có Cao Học
về âm nhạc cổ truyền.
Sự tương đồng ngộ nghĩnh giữa Mao Zedong và Xi Jinping là:
- Mao Zedong và Xi Jinping đều sinh
năm Quí Tỵ (tuổi Âm).
Xi Jinping, sinh năm 1962 (Nhâm Dần).
Cả hai đệ nhất phu nhân của Trung Hoa Cộng Sản đều sinh vào năm Dần (năm Dương
+) với hai can Giáp và Nhâm rất tốt cho nam nhân vì gia tăng nhiều dương tính.
Dưới mắt các thầy xem tuổi Đông Phương thì tuổi Dần và Tỵ xung phá nhau dữ dội.- Bà Jiangqing, vợ Mao Zedong, sinh
năm 1914 (Giáp Dần) . Bà Peng Liyuan, vợ
- Cả hai đệ nhất phu nhân Cộng Sản
Jiang và Peng đều là nghệ sĩ xuất thân từ gia đình bình dân nghèo khổ. Bà Jiang
có học đại học Qingdao (Thanh Đảo) và là ngôi sao màn bạc của Trung Hoa được cả
nước biết đến qua các phim ảnh trước khi trở thành đệ nhất phu nhân. Bà Peng là
ca sĩ. Cả hai đều đẹp và có tiếng khắp cả nước trước khi lên địa vị đệ nhất phu
nhân. Ngay từ năm 1950 Jiangqing đã chỉ trích Liu Shaoqi, phó Chủ Tịch Nhà
Nước! Bà có vai trò năng nổ trong Cách Mạng Văn Hóa, triệt hạ những người khả
dĩ thay thế Mao khi ông mất, nghĩa là bà nhắm vào ghế lãnh đạo lục địa Trung
Hoa thay cho Mao sau khi ông nầy nhắm mắt. Liu Shaoqi, Peng Dehuai (Bành Đức
Hoài), He Lung (Hà Long), Lin Biao (Lâm Bưu), Deng Xiaoping (Đặng Tiểu
Bình)...đều bị loại ra khỏi sân khấu chánh trị. Chỉ có Zhou Enlai (Châu Ân Lai)
được xem là người khéo léo vượt qua mọi sóng gió. Nhiều người gọi Zhou là ‘Bất
Đảo Ông’. Vậy mà cuối cùng Zhou cũng bị tấn công bằng chiến dịch chống Khổng Tử
(Confucius) và Tống Giang (Song Jiang). Zhou Enlai chết vì bạo bịnh nhưng không
có lịnh chữa! Ông bị thiêu xác. Tro của ông được một chiếc phi cơ xịt thuốc rầy
cũ kỹ chở đi rải ở nơi nào không ai rõ vì dân chúng bị cấm không được tập họp
để tiếc thươg họ Zhou.
Năm 1985 bà Peng xuất hiện 20 ngày
ngoài biên giới Việt-Hoa để cổ võ quân sĩ Cộng Sản Trung Hoa đánh nhau với quân
Cộng Sản Việt Nam. Năm 1989 bà hát vang động ở Tian Anmen (Thiên An Môn) sau
khi sinh viên bị quân đội Cộng Sản Trung Hoa đàn áp đẫm máu. Năm 2007 bà hát
những bài hát của quân Cộng Sản Trung Hoa xâm lăng Tây Tạng năm 1959. Thực tế
bà nổi tiếng và được nhiều người Trung Hoa biết đến hơn Xi Jinping. Bà xuất thân
từ một gia đình nghèo không được đi học vì mẹ của bà có bà con thân thuộc ở
Taiwan (Đài Loan). Cha của bà bị buộc tội giáo dục phong kiến. Mẹ bị buộc tội
gián điệp. Gia đình Xi Jinping là gia đình có quyền thế trong xã hội Cộng Sản
trong khi gia đình Peng Liyuan là gia đình nghèo vì bị chánh quyền theo dõi.
Nhưng cả hai gia đình đều bị tai vạ trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Bà Peng
vươn lên nhờ thanh sắc để trở thành một thiếu tướng dù chưa hề cầm súng ngày
nào. Khi trở thành đệ nhất phu nhân của lãnh tụ Cộng Sản, bà nổi tiếng là ăn
mặc sang trọng nhất thế giới!
- Jiangqing và Peng Liyuan đều là
người tỉnh Shandong (Sơn Đông). Mao Zedong gốc người Hunan (Hồ Nam); Xi Jinping
sinh ở Shanxi (Thiểm Tây) nhưng quê gốc là Dengzhou (Đằng Châu), tỉnh Henan (Hà
Nam). Bà Jiangqing có một người con gái với Mao Zedong: Li Na (Lý Na sinh năm
1940 vì thời ấy Mao mang bí danh Li Desheng (Lý Đức Sinh) ). Bà Peng Liyuan và
ông Xi Jinping có một con gái: Xi Minze (Tập Minh Tự-1990) hiện học ở đại học
Harvard.
4. Bất Kính Tiền Bối & Triệt Hạ Đối Thủ:
Mao Zedong không phải là người thành
lập đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ông học chủ nghĩa Cộng Sản qua Giáo Sư và Quản Thủ
Thư Viện Đại Học Beijing, Li Dazhao (Lý Đại Triều). Sau vụ đàn áp Cộng Sản của
Quốc Dân Đảng năm 1927 nhắm vào đảng Cộng Sản Trung Hoa ở Shanghai (Thượng
Hải), Guangzhou (Quảng Châu), Mao tỏ ra bất phục những người có công sáng lập
đảng Cộng Sản Trung Hoa như Chen Duxiu (Trần Độc Tú), Li Dazhao (Lý Đại Triều)
và những người Cộng Sản được Liên Sô đào tạo như Zhang Guotao (Trương Quốc
Đào), Wang Ming (Vương Minh) v.v… Vào thập niên năm 1960 ông triệt hạ tất cả
những đồng chí từng chiến đấu với ông trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, chiến
tranh kháng Nhật và chống Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek.
Trước khi Xi Jinping nắm chức vụ
lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa, Bo Xilai (Bạc Hi Lai), bí thơ Chongqing (Trùng
Khánh), bị giáng chức. Cha của Bo Xilai là Bo Yibo (Bạc Nghi Ba, 1908-2007) là
cựu tổng trưởng bộ Tài Chánh bị tù trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa vì bị buộc
tội ‘hữu khuynh’. Năm 1979 ông được phục chức và làm phó thủ tướng. Ông ủng hộ
Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) lên thay Deng Xiaoping. Vậy Bo Xilai được xem như
thuộc nhóm Jiang Zemin tức nhóm Shanghai (Thượng Hải). Người vợ thứ hai của ông
là Gu Kailai (Cốc Khai Lai), một luật sư trẻ, đẹp và nhà kinh doanh nổi tiếng
được ví với Jacqueline, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ thời Kennedy. Hu Jintao và Wen
Jiabao không thích Bo Xilai vì ông có nhiều dấu hiệu chống đối lại Hu và Wen
khi những điệu nhạc thời Hồng Vệ Binh vang rền ở Chongqing. Mộng vào Bộ Chánh
Trị của Bo tan biến. Vợ ông bị đưa ra tòa vì buộc tội giết một người kinh doanh
Anh. Sự triệt hạ Bo Xilai giúp cho việc nắm quyền của Xi Jinping được trơn tru
hơn. Địa vị ‘Jacqueline’ Trung Hoa của Gu Kailai bị mất trước sự vươn lên của
Peng Liyuan.
Jiang Zemin là cựu Chủ Tịch những
vẫn giữ danh tước trong Quân Ủy và có ảnh hưởng lớn trong việc phân bố nhân sự
trong đảng và hội đồng chánh phủ. Jiang ủng hộ Liu Yun Shan (Lưu Vân Sơn) và
muốn loại Li Yuan Chao (Lý Nguyên Triều) ra khỏi Bộ Chánh Trị. Nhưng khi Xi
Jinping nắm quyền ông chọn Li Yuan Chao làm phó Chủ Tịch Nhà Nước. Người giữ
chức vụ nầy phải là một ủy viên của Bộ Chánh Trị.
5. Bang giao với Nga, nước Đồng Minh Không Ưa Thích:
Năm 1949 Mao Zedong sang Moscow sau
khi đánh bại quân Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek với tư cách là đại diện một
quốc gia rộng lớn và đông dân nhất thế giới vừa mới gia nhập vào khối Cộng Sản.
Mao Zedong thừa biết Stalin không ưa ông. Bản thân ông cũng không thích nước
Nga, một nước láng giềng từng chiếm hàng triệu cây số vuông đất đai ở phía bắc
sông Hei Longjiang để sáp nhập vào Tây Bá Lợi Á. Vừa mới nắm chánh quyền, Mao
phải tỏ ra hàng phục Stalin để nhận viện trợ. Stalin bắt ông chờ đợi cả tháng
mà không tiếp ông. Ông chỉ được tiếp sau khi tức giận và đòi trở về Beijing
(Bắc Kinh). Zhou Enlai kiên nhẫn hơn nên một hiệp ước Hữu Nghị và Tương Trợ Hỗ
Tương Sô-Trung được ký kết năm 1950.
Cuộc thăm viếng Moscow của Xi
Jinping lần nầy có khác chút ít vì CHNDTQ bây giờ là một cường quốc kinh tế số
2 trên thế giới và là một cường quốc quân sự số 1 ở Đông Á. Xi Jingping đến
Moscow với người vợ đẹp ăn mặc lộng lẫy như nói lên sự tư bản hóa và quí
tộc hóa của vị tân lãnh đạo Trung Hoa lục địa. Trung Hoa Cộng Sản bây giờ
không cần bất cứ loại viện trợ nào từ phía Nga. Putin không thể đóng vai Stalin
năm 1949 mặc dù ông là người ngưỡng mộ Stalin vì ông nội ông nấu cơm cho nhà
độc tài nầy. Ông không đủ uy tín và bản lãnh của Stalin sau đệ nhị thế chiến.
Hiện nay Trung Hoa Cộng Sản cần sự liên minh với Nga hay ít ra cần sự trung lập
của nước này vì Trung Hoa Cộng Sản phải đối phó với Nhật về quần đảo Senkaku và
có thể với cả Hoa Kỳ về tham vọng chiếm ¾ Biển Đông cùng các hải đảo trong vùng
được gọi là Lưỡi Bò. Beijing muốn biến Nga thành đồng minh của mình vì Nga cũng
có tranh chấp với Nhật về quần đảo Kurils ở phía bắc đảo Hokkaido (Nhật) và nam
bán đảo Kamchatka (Nga). Nga chiếm quần đảo nầy sau khi Nhật bại trận trong đệ
nhị thế chiến. Nga bực mình vì NATO gây ảnh hưởng ở các cựu Cộng Hòa Sô Viết
của Liên Sô ven Hắc Hải như Ukraine, Georgia. Putin là người đa nghi và dè dặt.
Ông dè dặt trong việc bán phi cơ và các loại võ khí tối tân cho Trung Hoa Cộng
Sản vì sợ nước nầy ăn cắp kỹ thuật như họ đã làm. Nga và Trung Hoa Cộng Sản
hiện cùng chung mẫu số chánh trị ở Syria và Iran.
6. Không che giấu được thái độ hiếu chiến:
Mao Zedong ôm ấp mộng bành trướng
Ðại Hán ngay sau khi nắm chánh quyền trên lục địa. Việc viện trợ cho Hồ Chí
Minh chống Pháp và xua quân vào bán đảo Triều Tiên không ngoài mục đích tái lập
ảnh hưởng ở hai quốc gia lệ thuộc và triều cống Trung Hoa. Chiến tranh Việt Nam
và Triều Tiên đã đưa Trung Hoa lên hàng cường quốc quyết định các vấn đề quốc
tế. Đại diện CHNDTQ dự hội nghị Panmunjom (Bàn Môn Điếm) năm 1953 và hội nghị
Geneva năm 1954 với đại diện Hoa Kỳ. Zhou Enlai rất quan trọng trong hội nghị
Bandung 1955. Dưới sự lãnh đạo của Mao Zedong có lối 75 triệu người Trung Hoa
bị chết vì cải cách ruộng đất, lao động cải tạo, Bước Tiến Nhảy Vọt, chiến
tranh Triều Tiên, chiến tranh xâm lăng Tây Tạng, chiến tranh biên giới với Ấn
Độ, với Liên Sô, Cách Mạng Văn Hóa để đổi lấy danh dự: Trung Hoa là cường quốc
có bom nguyên tử, có vệ tinh nhân tạo, lãnh thổ được bành trướng v.v…
Xi Jinping thừa hưởng thành quả của
Bốn Hiện Đại Hóa của Deng Xiaoping. Ông cầm quyền khi Trung Hoa lục địa là
cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Hoa Kỳ không còn giữ địa vị độc tôn
như đã có sau đệ nhị thế chiến. Vừa nắm quyền Xi Jinping chứng minh sự phục
hưng của Trung Hoa bằng cách cho tàu chiến và hàng không mẫu hạm xuất hiện ở
Biển Đông và vùng biển quanh đảo Senkaku. Tàu chiến Trung Hoa Cộng Sản xác định
chủ quyền trên vùng Lưỡi Bò chiếm gần 3 triệu km2 trên Biển Đông, đe dọa các
nước trong vùng nhất là Phi Luật Tân và Việt Nam xuống tận Mã Lai và Brunei. Họ
tập trận và bắn đạn thật trên Biển Đông, ra lệnh khám xét tàu bè ‘xâm phạm’
lãnh hải Lưỡi Bò do họ vẽ ra, kêu gọi Phi Luật Tân đưa dân chúng ra khỏi những
đảo mà họ tự nhận chủ quyền! Tân ngoại trưởng Yang Yi (Vương Nghị) vận động các
thành viên trong khối ASEAN như Indonesia, Thái Lan hưởng ứng lập trường của
Beijing về vấn đề Biển Đông vì Indonesia, một quốc gia Hồi Giáo rộng lớn và
đông dân nhất trong khối, và Thái Lan không có quyền lợi ở Biển Đông. Mặt khác
họ bắt đầu cho du khách đến Nansha (Nam Sa), đơn vị hành chánh tân lập bao gồm
quần đảo Hoàng Sa mà họ chiếm của VNCH năm 1974 và một phần quần đảo Trường Sa
mà họ đánh chiếm của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1988. Trên lục địa,
Ấn Độ tố cáo quân đội Trung Hoa Cộng Sản tiến sâu vào đường biên giới Ấn-Hoa
19km. Như vậy Trung Hoa Cộng Sản đang tìm cách khiêu chiến ở Đông Bắc Á với
Nhật, Đông Nam Á với Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và trên lục địa với
Ấn Độ. Khiêu chiến hay thăm dò phản ứng và lực lượng của các quốc gia liên hệ?
Và của Hoa Kỳ? Dù nhằm mục đích gì, cách đe dọa và điều động tàu bè cùng quân
sĩ như trên cũng là một hành động hiếu chiến của một tân lãnh tụ với tư tưởng
đế quốc cổ điển của thời phong kiến.
CHÚT DỊ BIỆT NGƯỢC TRUYỀN THỐNG
Không ai chỉ trích đối phương bằng
những lời lẽ thô bỉ gay gắt hơn người Cộng Sản. Đệ tam giai cấp (Tiers Etats)
của Pháp vào thế kỷ XVIII không ngớt nguyền rủa hoàng hậu Marie Antoinette, một
hoàng hậu gốc Áo đẹp lộng lẫy và dĩ nhiên ăn mặc sang trọng và xa xỉ hơn người.
Họ không ngần ngại đưa bà lên máy chém và đổ tất cả tội ác lên bà và vua Louis
XVI, chồng bà. Lenin và các đảng viên Bolsheviks của ông đã sát hại Nga hoàng
Nicholas II, hoàng hậu Alexandra Feodorovna và toàn gia đình họ chỉ vì ganh tỵ
với sắc đẹp, sự xa hoa và nếp sống vương giả của hoàng gia. Vì vậy các lãnh tụ
Cộng Sản Liên Sô không dẫn vợ công du như các nhà lãnh tụ các nước dân chủ Tây
Phương vì đó không phải là phong thái của người đại diện vô sản và vì họ đã
dùng hết lời đả kích phép xã giao và lịch sự tư sản. Ông Gorbachev là lãnh tụ
Cộng Sản Liên Sô đã phá vỡ truyền thống ngoại giao vô sản nầy của các lãnh tụ
trước ông. Ông trở thành người lãnh đạo cuối cùng của chế độ Cộng Sản ở Liên
Sô.
Ông Xi Jinping là người lãnh tụ cộng
Sản Trung Hoa đầu tiên cùng phu nhân công du và được truyền thông CHNDTQ ca
ngợi sắc đẹp tuyệt trần của bà Peng Liyuan trong chiếc áo đắt tiền và hợp thời
trang hơn cả áo của đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama, như một niềm tự hào
dân tộc. Mao Zedong là nhà độc tài đầy quyền uy. Nhưng khi cưới Jiangqing ông
phải hứa với các đồng chí của ông không cho bà Jiangqing xuất hiện ngoài sân
khấu chánh trị trong 30 năm. Ông tôn trọng lời hứa nầy đến năm thứ 28 thì Cách
Mạng Văn Hóa bùng nổ. Jiangqing xuất hiện như là một nhân vật chánh của cuộc
Cách Mạng đẫm máu, đẫm lệ và khủng khiếp nầy. Truyền thống Khổng Giáo Trung Hoa
không khuyến khích các vua để cho các hoàng hậu can dự vào chánh sự. Dù xuất
phát từ những nguyên nhân khác nhau, các lãnh tụ Cộng sản tiên phong cũng không
khuyến khích sự phô diễn sắc đẹp và thời trang của các phu nhân theo phong cách
tư sản phương Tây mà họ đấu tranh để triệt hạ.
Bảo Đại là vị vua nhà Nguyễn thấm nhuần văn hóa Tây Phương. Khi thực sự chấp
chánh, ông phá vỡ nguyên tắc Tam Bất Lập do vua Gia Long, vị vua khai
sáng ra nhà Nguyễn, đặt ra. Đó là không lập: tể tướng, trạng nguyên và hoàng
hậu. Năm 1934 vua Bảo Đại cưới Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan và phong bà
làm hoàng hậu: Nam Phương Hoàng Hậu. Năm 1945 ông chọn Trần Trọng Kim làm thủ
tướng (tể tướng). Ít lâu sau ông trở thành vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.