Friday, March 31, 2023

RIP: LÊ ANH TÙNG (CON TRAI CỦA CHỊ NGUYỄN THỊ ĐỂ)

 

 

CVNN vừa được chị Đặng Thị Nga cho biết tin buồn là:

Con Trai của chị Nguyễn Thị Để là

 

Đã qua đời ngày 10 Tháng 3 năm 2023

Tại San Jose, California, USA,

 

HƯỞNG DƯƠNG 43 TUỔI.

 

Xin chia buồn cùng Chị “Sáu” Để và Tang Quyến; nguyện cầu linh hồn Lê Anh Tùng được nghỉ yên trong Chúa.

 

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU. 

CỰU HỌC SINH PHÚ YÊN &

CHIM VỀ NÚI NHẠN




  • XIN XEM CÁO PHÓ 



Thursday, March 30, 2023

RIP: ĐẶNG MỸ DUNG (YUNG KRALL)



THÀNH KÍNH CHIA BUỒN 

 

Chúng tôi vừa được tin buồn 

Cựu học sinh Trung học 

Phan Thanh Giản Đoàn Thị Điểm. Cần Thơ 

 

Đồng môn 

Đặng Mỹ Dung (Yung Krall) 

 

Tác giả “Ngàn Giọt Lệ Rơi" phát hành việt ngữ và ngoại ngữ, 

Đã vĩnh viễn rời xa gia đình, độc giả, bạn bè và đồng  môn 

Lúc 7 giờ chiều, ngày 23 tháng 3 năm 2023. 

 

Hưởng Thọ 

77 tuổi 

 

Thành kính chia buồn cùng Đặng Minh Tâm và tang quyến. 

Cầu nguyên hương linh người quá cố sớm về cõi vĩnh hằng. 

 

Thành Kính Phân Ưu 

 

Thầy Lưu Khôn, Triệu Huỳnh Võ, Trần Thanh Điền, 

Đại Võ, Bích Đinh, Kim Vân, Lộc Lâm, Việt Bùi, Hồng Sử

Thuky, Tùy Anh, cô Bích Thủy, anh Hai, Lê Hữu Uy, 

Mạc Phương Đình, Trần Văn Sách, Nguyễn Thị Huệ, Cúc Lý, 

Ngọc Nhung, Cữu Hồ, Đời Trần, Chị Nhàn, Châu Minh Hoàng, 

Dương Lê, Sơn Bùi, Lâm Hào Sáng, Tân Nguyễn

Lương Trùng Hưng, Phượng Trắng, Bình tâm Nhân,

Huỳnh mai Hoa, Hoàng Dũng, Ý Nga, Bê Nguyễn, Bền Lê 

Hồng Cúc, Lệ Thu, Dư thị Diễm Buồn 

Wednesday, March 29, 2023

GHEN GIÙM (KIM LOAN)

 

KIM LOAN

GHEN GIÙM

Hồi mới vượt biên vào trại tỵ nạn Thailand, tôi làm thiện nguyện tại văn phòng bưu điện của trại. Cuối giờ trưa hôm ấy vắng khách, nhìn qua cửa sổ thấy chị Ngao và mấy chị cùng lô nhà tôi, đang tụm lại nói chuyện gì đó rất nghiêm trọng, rồi lại nhìn vào phòng bưu điện như có ý chờ đợi ai. Tôi bước ra ngoài, chị Ngao liền tiến tới:

- May quá, em rảnh không, chị nhờ chút chuyện?

- Dạ chị cứ nói, nếu trong khả năng em làm liền à.

Chị Ngao lưỡng lự:

- Không biết em có chịu giúp hay không nữa?

- Thì chị nói ra em mới biết chớ.

- Vậy em có thấy con Liễu không? Cái con bận bộ đồ hồng mới lãnh thư bưu điện cách đây mấy phút.

- À, chị đó em biết, vì hầu như tháng nào chỉ cũng lên lãnh thư bảo đảm, thân nhân gửi tiền đều đặn lắm.

- Chồng nó bên Mỹ đó, nó qua đây với thằng con tên Tí, 7 tuổi.

- Vậy à? Mà chị tính nhờ em chuyện gì?

- Thủng thẳng cái đã, để chị nói cho có đầu có đũa đàng hoàng, em có biết ông Sỹ không? Cái ông không đi lính ngày nào nhưng khoái bận quần rằn ri và nổ banh cái nhà lồng, là đại uý Việt Nam Cộng Hoà đó.

Tôi liền ngắt lời:

- Khoan khoan, sao chị biết người ta không đi lính mà nói chắc như bắp vậy?

Chị Ngao trề môi:

- Xời ơi, trại tỵ nạn mà, đừng tưởng dễ qua mắt thiên hạ. Quá khứ ở Việt Nam ra sao cũng có người này người kia biết hết trơn.

Tôi đùa:

- Chị hay thiệt. Bao nhiêu chuyện đời thập phương tứ phía là phải qua cái “đài phát thanh quán chè”của nhà chị hen?

Chị Ngao nheo mắt:

- Còn nhiều bí mật động trời của nhiều người nữa, bữa nào rảnh chị kể cho em nghe. Mà nãy giờ mình nói tới đâu rồi?

- Tới chỗ ông Sỹ khoái mặc quần rằn ri, mà có liên quan gì tới chị Liễu hả chị?

- Có chớ sao không, họ cặp bồ với nhau, nên bây giờ mới có chuyện cần em giúp nè.

Rồi chị Ngao mỉm cười, bí hiểm:

- Chỉ có em mới giúp được thôi nhe. Lần tới con Liễu lên lãnh thư, em ráng chép lại cái địa chỉ thằng chồng nó cho chị, được hôn?

- Trời đất! Em không dám đâu. Mà chị cần để làm gì?

- Vì chị muốn viết thư cho thằng chồng, cho nó biết nó đang bị con vợ nó cắm sừng!

- Mà chị có bà con gì với họ không? Chị lấy tư cách gì mà viết thư?

Chị Ngao ú ớ:

- Ờ… tư cách người chung trại!

- Theo em nghĩ, mình là người ngoài cuộc, nào biết bên trong thực sự ông Sỹ và chị Liễu ra sao?

Chị Ngao hậm hực:

- Nhưng ngứa mắt lắm, lần nào lãnh tiền cũng nấu nướng ăn uống rộn ràng, thấy ghét!

 

Tôi nhận thấy trong lời nói là sự ganh ghét của phụ nữ thường tình. Chị Ngao qua đây với chồng và hai đứa con, không có thân nhân nước ngoài viện trợ nên mở quán chè trong trại buôn bán qua ngày, thành ra thấy chị Liễu lãnh tiền đều đều nên… không vui.

Tôi tiếp:

- Chị nghĩ xem, chị qua đây có chồng lo các việc nặng nhọc, còn chị Liễu một thân một mình, con thì nhỏ, nên đôi lúc cần người giúp các việc chân tay.

Chị Ngao có vẻ hơi cảm động, tôi cười cười:

- Em bảo đảm nếu chị đi vượt biên một mình, với bản tính vui vẻ tốt bụng, chắc chắn cũng có mấy ông bám theo, biết đâu chị cũng xiêu lòng rồi á. Nói nhỏ nhe, em thấy ông Thừa lô đối diện hay ngắm chị đứng múc chè cho khách lắm đó, hèn chi ổng đến quán chị hoài.

Chị Ngao mắc cở, đấm vai tôi:

- Quỷ sứ! Vậy mà cũng giỡn được hà…

- Thiệt chứ giỡn gì. Tóm lại mình không cổ vũ chuyện tình ngoài vợ ngoài chồng, nhưng trại tỵ nạn phức tạp quá. Hơn nữa, nếu chị nhúng tay vào, biết đâu gia đình chị Liễu sẽ tan nát, mà chị là Phật tử đi chùa mỗi ngày, ai lại gây nghiệp xấu như vậy, đúng hôn?

Chị Ngao coi vậy mà dễ dụ, liền gật gù rồi vẫy mấy chị kia lại:

- Thôi về bay ơi, bỏ luôn “plan B” nha.

Tôi thắc mắc:

- Plan B là gì nữa đây?

Chị Ngao thú nhận:

- Chẳng dấu gì em, tụi chị tính nếu em không giúp thì tụi chị sẽ rình buổi tối, lúc con Liễu dẫn thằng Tí đi chùa, tụi chị sẽ đột nhập vô nhà nó ăn cắp thư.

- Cái đó càng không được nghen! Chị Liễu bắt gặp, thưa lên Cộng Đồng là coi như mấy chị vào ăn cơm tù.

Rồi trại có biến động, biểu tình, thời gian sau đó là chuyển trại lên Sikiew. Một buổi chiều, tôi gặp lại chị Ngao. Hai chị em mừng rỡ kể nhau nghe tình hình chuẩn bị thanh lọc. Tôi chợt nhớ chị Liễu và hỏi thăm, chị Ngao lắc đầu:

- Kết cục buồn lắm em ơi.

- Có chuyện gì xảy ra hở chị?

Chị Ngao thở dài:

- Vợ ông Sỹ ở Việt Nam bị xe đụng chết, ổng chưa có kết quả thanh lọc nhưng vẫn quyết định ghi danh hồi hương về Việt Nam an ủi và chăm sóc mấy đứa con mồ côi.

- Em cũng thấy tội cho ông Sỹ, và mừng vì ổng là một người cha có tình thương với con cái. Còn chị Liễu, đã sẵn sàng giấy tờ thanh lọc chờ ngày đoàn tụ chồng chưa?

Chị Ngao xua tay, lắc đầu:

- Nếu được vậy thì nói làm chi nữa.

- Chị nói vậy là sao? Có gì chị nói ra hết một lần cho em nghe, chớ đừng nhỏ giọt úp úp mở mở, nóng ruột bắt mệt.

- Thì em cứ nhảy vào họng chị liền liền, có cho chị nói đâu nà! Mới tuần trước, chồng con Liễu gửi thư qua thú tội, hồi mới đến Mỹ, cũng vì cô đơn xứ người mà có người đàn bà khác, có một thằng con trai với nhau rồi. Khi con Liễu và thằng Tí tới trại, ổng âm thầm làm giấy bảo lãnh, gửi thư gửi tiền hàng tháng. Nào ngờ con mụ kia mới phát hiện ra, ghen ngược, không cho liên lạc và huỷ luôn giấy tờ bảo lãnh.

- Có chuyện đó nữa à?

- Thì bởi! Con Liễu khóc hết nước mắt, rầu thúi ruột. Tiền bạc không có thì cơm Cao Uỷ nuôi cũng đủ no, nhưng cái vụ giấy tờ gãy gánh, sợ nó bị rớt thanh lọc, u ám lắm.

- Chị về khuyên chị Liễu đừng thất vọng. Khi đi thanh lọc, cứ mang hết hôn thú, thơ từ hình ảnh gia đình, giấy bảo lãnh, cũng như lá thư cuối cùng thú tội, nói chung là “có sao khai vậy người ơi”, em tin rằng chị Liễu sẽ đậu thanh lọc vì chính sách nhân đạo.

Chị Ngao mừng rỡ:

- Em nghĩ là có hy vọng sao?

- Đúng vậy, dù gì thì còn thằng con, nó phải đoàn tụ ba nó, người ta nhân đạo mà chị.

- Ừ, để chị lựa lời an ủi cho con Liễu lên tinh thần.

Tôi tính bước đi, chị Ngao bỗng níu tay tôi:

- Kỳ này dứt khoát chị phải kêu con Liễu đưa địa chỉ chồng nó cho chị đó nghen.

Tôi nhăn mặt:

- Chi nữa?

Chị Ngao mỉm cười, đắc thắng:

- Để chị viết thư chửi cái con đờn bà cướp chồng kia một trận, em đừng có cản nha!

.......

Thời gian trôi qua thật mau, mới đây đã gần ba mươi năm. Tôi vừa liên lạc được với chị Ngao trên Facebook, và bất ngờ hơn là chị đang ở chung thành phố Everett tiểu bang Washington với chị Liễu. Chị mở màn cuộc nói phone với giọng hồ hởi:

- Vui lắm em ơi! Thực ra hồi đó thằng chồng con Liễu sau khi gửi lá thư thú tội, đã kiên quyết tranh đấu với vợ mới, tiếp tục gửi tiền tiếp tế và giấy cam kết bảo trợ thằng Tí, nên hai mẹ con nó được đậu thanh lọc qua Mỹ. Rồi ổng ra điều kiện với vợ mới, là ổng phải có trách nhiệm lo cho thằng Tí ăn học thành tài, nên kêu con Liễu dọn về Everett này, cách nhà ổng bên Seattle nửa tiếng lái xe. Còn gia đình chị ban đầu qua định cư ở Arizona, rồi con Liễu kéo lên đây cùng mở tiệm Nails cho tới giờ.

- Vậy thì quá vui rồi, còn chị Liễu thì sao, có lập gia đình khác không?

- Thì cũng phải có chớ. Chồng mới của Liễu hiền lành, làm công nhân trong hãng máy bay Boeing cũng khá, hai vợ chồng có đứa con gái, đang học lớp 12. Còn thằng Tí, giờ đã trên ba mươi, sau khi ra trường nghành Tâm Lý, đang làm cho nhà thương quân đội chính phủ liên bang Mỹ, sắp cưới vợ.

- Đúng là một kết thúc có hậu, như trong phim.

- Chị chưa nói xong thân bài mà em đã kết luận là sao?

- Ủa, còn nữa hở chị?

- Sao không?! Vài tháng trước, ông chồng cũ của con Liễu bất ngờ bị stroke khi bà vợ đi Việt Nam lo tang cha chưa kịp về, một tay con Liễu chăm lo cho ổng ở bệnh viện, cũng may là ổng mau chóng bình phục. Khi bà vợ về tới, ổng họp mặt “gia đình”, đầy đủ vợ cũ vợ mới, con trước con sau, một lần nữa dốc hết tâm tư ruột gan. Rằng vì hoàn cảnh đất nước, chúng ta chạy trốn cộng sản liều thân vượt biển tìm đất mới tự do. Từ đó xảy ra chia lìa, cách ngăn, và ổng đã yếu lòng mà làm tổn thương hai người phụ nữ và hai đứa con máu mủ. Nhờ ơn trên, nhờ nước Mỹ cưu mang, mọi người đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, có những thành công cũng như lòng bao dung như ngày nay. Ổng đã bàn bạc với vợ, để di chúc chia đều cho thằng Tí và thằng em cùng cha khác mẹ của nó số tiền trong 401K của ông hơn tám trăm ngàn dollars (tiền ổng dành dụm mấy chục năm làm kỹ sư hãng Microsoft). Căn duplex ở Everett đang cho thuê, cũng chia cho hai thằng con. Hai vợ chồng ổng chỉ giữ lại căn nhà đang ở tại Seattle, khi về hưu dưỡng già cùng một số tiền khác trong ngân hàng.

- Wow!! Chị cho em kết luận được chưa nà? Ba thằng Tí thiệt là người đàn ông có lương tâm đạo đức, thương con hết mình và đoạn kết câu chuyện đẹp hơn mơ ước. Coi như bấy lâu nay chị thất nghiệp hen?

Chị Ngao thắc mắc:

- Em nói gì chị không hiểu? Gia đình chị từ trại qua đây chỉ ăn welfare và food stamps một hai năm đầu, rồi cùng Liễu mở tiệm nails, bây giờ tách ra riêng, mỗi người làm chủ hai tiệm, chưa bao giờ ế khách, ngoại trừ thời gian tránh dịch Covid, sao gọi là thất nghiệp?

Tôi cười lớn:

- Ý của em là hai gia đình cũ, mới của chị Liễu đều hạnh phúc ấm êm, không xào xáo, nên chị mất cái job “ghen giùm” như hồi ở trại á.

Chị Ngao hiểu ra, trước khi cúp phone còn kịp quở tôi:

- Quỷ sứ! Lúc nào cũng giỡn được à!!

 

KIM LOAN

MỘT THUỞ HỌC TRÒ (THÁI QUANG ĐÁNG)

 

     

Một thuở học trò.


Chủ đề của bài viết này là những hồi ức học trò ngày xưa của một người bước vào tuổi 70. Thuở học trò này rất xa và rất khác với thời đại @ ngày nay, khi mà các tiện nghi vật chất phong phú hơn, phương tiện giải trí đa dạng hơn và quan niệm về giáo dục cũng khác hơn.


Những nét khác nhau là hậu quả của hoàn cảnh xã hội và chính trị, cụ thể hơn là chính sách giáo dục và chế độ chính trị qua nhiều thời kỳ, từ thời Pháp thuộc đến giai đoạn 30 năm chiến tranh tương tàn.


Thuở học trò của chúng tôi chỉ có một mục đích duy nhất là… học, nhưng đôi khi cũng pha lẫn những chuyện tình cảm theo kiểu mà người Mỹ gọi là “tình chó con” (puppy love).


Ngày nay, ngoài việc học còn có những tác động, xấu cũng như tốt, từ Internet, phim ảnh, báo chí cho đến những ảnh hưởng của người lớn như các bậc phụ huynh trong gia đình và sự tác động của xã hội bên ngoài.


Học trò ngày xưa là mảng đề tài được khai thác rất “kỹ” qua văn chương, âm nhạc, hội họa. 


Vào thập niên 70, bản nhạc “Ngày Xưa Hoàng Thị” [1] của Phạm Duy, phổ thơ Phạm Thiên Thư trở thành nổi tiếng với một mối “tình học trò”. 



Bài hát dẫn người thưởng ngoạn đến chuyện một cô nữ sinh tên Hoàng Thị Ngọ lúc tan trường, ôm nghiêng cặp, đi trong một cơn mưa phùn và phía sau cô… lẽo đẽo một “cây si” di động:



“Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay

Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ

Chim non lề đường, nằm im dấu mỏ

Anh theo Ngọ về gót giầy lặng lẽ đường quê...”

 

Đó chưa phải là tình yêu theo đúng nghĩa. Chỉ là… “thích trộm, nhớ thầm” của một “cây si”. Và chỉ cần lẽo đẽo theo một tà áo dài trắng cũng đủ thỏa lòng, dù bước chân có “nặng nề”, dù trong lòng “nức nở” để hôm sau vào lớp sẽ còn “ngẩn ngơ”:




“Em tan trường về

Anh theo Ngọ về

Chân anh nặng nề

Lòng anh nức nở

Mai vào lớp học

Anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ…” 


“Ngày Xưa Hoàng Thị” là một kết hợp tuyệt vời giữa thơ Phạm Thiên Thư và nhạc Phạm Duy nhưng lại có một đoạn kết buồn cho… “mối tình câm”. 

 

Ở đoạn kết đưa ra hai hình ảnh của “ngày xưa” và “ngày nay” với câu kết “Ai mang bụi đỏ đi rồi…” khiến tôi nghĩ ngay đến Ban Mê Thuột, thị trấn đã từng gắn bó từ tuổi học trò. Chả là BMT vẫn nổi tiếng là vùng đất đỏ bazan, nắng thì BMT (Bụi Mù Trời) còn mưa thì… bùn đỏ ngập bước chân:

“Xưa theo Ngọ về

Mái tóc Ngọ dài

Hôm nay đường này

Cây cao hàng gầy

Đi quanh tìm hoài

Ai mang bụi đỏ đi rồi…”



Trong một cuộc phỏng vấn của Đỗ Văn với Phạm Duy, nhạc sĩ cho biết trong số những bài hát cho tuổi trẻ, ông thích nhất là bài “Tuổi Ngọc”…” bài hát này ông viết cho con gái mới lớn Thái Hiền khi bước chân vào trung học. “Tuổi Ngọc” viết theo nhịp điệu nhí nhảnh với những câu được lập đi lập lại “Xin cho em…”. Những thứ cô xin là một chiếc áo dài, một mớ tóc dài và một chiếc xe đạp .


Đó là tất cả hành trang của một cô gái khi bước vào trung học.
Chiếc áo dài “thơm dáng tuổi thơ”, mớ tóc nồng “êm như nhung” và, cuối cùng:



“Xin cho em còn một xe đạp
Xe xinh xinh, để em đi học

Từng vòng, từng vòng xe Là vòng đời nhỏ bé

Đạp bằng bàn chân gót đỏ hoe”

Chắc nhà gần trường nên những học trò như cô Ngọ của Phạm Thiên Thư mới cuốc bộ để “cây si” có dịp lẽo đẽo theo sau. Nếu nhà ở xa thì chắc phải đến trường bằng xe đạp. 



Hình ảnh nữ sinh trên chiếc xe đạp sẽ khó có thể nào quên trong kỷ niệm, nhất là đối với những người nay đã xa xứ, không còn cơ hội nhìn thấy cảnh này.


Hồi xưa nữ sinh còn đội nón lá đến trường, ít có những kiểu mũ “mô đen” như ngày nay. Mỗi lúc tan học là cả một đàn bướm trắng bay ra rồi tỏa đi khắp các con đường. Nhà gần thì ôm cặp đi bộ để các anh như Phạm Thiên Thư đưa vào thơ. Nhà xa thì đạp xe theo từng nhóm .


Gia đình khá giả thì có thể tậu một chiếc Velo Solex chạy bằng xăng, có cần khởi động máy ở phía trước và khi hết xăng có thể đạp như một chiếc xe đạp. Nhà thơ Nguyên Sa trong bài thơ "Tám phố Sài Gòn " có một đoạn viết về chiếc Solex và cô học trò như sau:



“Sài Gòn phóng solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants

Có nghe hơi thở cài vương miện

Lên tóc đen mềm nhung rất nhung”.



Ngày xưa, đã có nhiều nhà văn, nhà thơ không tiếc lời ca tụng hình ảnh nữ sinh trên chiếc Solex hoặc xe đạp.


Ngày nay, họa hoằn lắm mới gặp những lời có cánh về những chiếc xe “tay ga” phóng vù vù trên đường… Ôi, thời thơ mộng của tuổi học trò nay còn đâu!


Thuở học trò của tôi cũng có một chuyện tình thuộc loại “puppy love” như trong bài thơ của Phạm Thiên Thư. Tôi không có ý “thấy người sang bắt quàng làm họ” nhưng quả thật cả hai đều có nhiều điểm rất giống nhau


Thứ nhất, tên “người trong mộng” của nhà thơ Phạm Thiên Thư là Hoàng Thị Ngọ, một cái tên không được đẹp cho lắm, còn người tôi “mê” lại có một cái tên “không thể xấu hơn”:Phan Thị Lụng. Cả hai cô Ngọ và cô Lụng tuy có xấu tên nhưng ngược lại, hai cô lại là những nữ sinh rất xinh.


Thứ nhì, Phạm Thiên Thư tả cô Ngọ “vai nhỏ tóc dài” còn cô Lụng “của tôi” thì tóc cũng dài nhưng lại cột theo kiểu “đuôi gà” mà người Pháp gọi là “queu de cheval”, tức… “đuôi ngựa”.


Ở đây có thêm một sự trùng hợp, “ngựa” còn được gọi bằng cái tên “ngọ”!


Trong thơ Phạm Thiên Thư có cảnh nên thơ giữa hai học trò “trao vội chùm hoa, ép vào cuốn vở” còn tôi thì chơi trội hơn, viết luôn một cánh thiệp hồng báo hỷ bằng tiếng Pháp. Tôi không giỏi Pháp văn đến độ viết được thiệp hồng mà chỉ copy từ cuốn “Cours de Langue et de Civilisation Française” của Mauger đang học.


“Thiệp báo hỉ” mang tên Nguyễn Ngọc Chính và Phan Thị Lụng được để trên yên xe đạp của Lụng trong giờ ra chơi vì không đủ can đảm đưa tận tay nàng. Cho dù có đủ can đảm nhưng chắc cũng không dám đưa vì cái lối “tỏ tình” quá đường đột này.


Chắc chắn nàng đã đọc, không những thế, ngoài hai đứa còn có người thứ ba cũng đã đọc, đó là thầy tổng giám thị. Ông “tế nhị” gặp riêng tôi và cảnh cáo cần phải chấm dứt trò chơi “nguy hiểm” này, nếu tái phạm tôi sẽ bị “cấm túc” và thông báo về gia đình.


Thế là bao mộng đẹp bỗng tan thành mây khói, mái tóc “đuôi ngựa” mà trước đây tôi chết mê chết mệt bỗng nhiên biến mất khỏi tâm hồn tôi, còn tụi bạn trong lớp đã sửa một câu ca dao quen thuộc thành:


“Muốn người ta mà người ta không muốn,
Xách… ‘thiệp hồng’ chạy xuống chạy lên!”
 



Thuở học trò ngày xưa của tôi là thế đấy. Học cũng nhiều và “nghịch tinh nghịch ngầm” cũng không ít. Chẳng thế mà người ta thường nói:


“Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”.


Đã mấy chục năm nay tôi chưa một lần gặp lại Phan Thị Lụng kể từ hồi học Đệ Ngũ.


Giờ này chắc nàng đã trở thành bà nội, bà ngoại… còn tôi thì đã là một ông già móm mén bên con đàn cháu đống. Ước gì cô học trò năm xưa đọc được những dòng chữ này để cùng cười cái thuở học trò "rắn mắt" ngày nào tại xứ Buồn Muôn Thuở…


Nguyễn Ngọc Chính ( Tác giả "

PS :



Qua bài " Một thuở học trò " làm TQĐ nhớ tới cô học trò cùng lớp ở trường Les Lauriers - Tân Định , nhà cổ ở đường Hiền Vương / Bà Huyện Thanh Quan .
  ***** Bỏ Quên *****



Trong sân trường buổi chiều năm đó
Gió rất lớn và mưa nặng hạt

Tay ôm sách , tay giữ tà áo

Em ái ngại đứng nép gốc sân



Anh vội vã dầm mưa lấy xe
Đem đưa em và nói bâng quơ

Cứ về đi , có gì mà sợ

Mưa tháng sáu đâu phải mưa ngâu

 

Em nhìn anh ánh mắt lạ kỳ

Thằng bạn gọi , anh vội nổ máy

Chạy trong mưa . Ối ! Sao kỳ thú !

Và bỏ quên ánh mắt sau lưng



Cuối tháng sáu liên hoan bãi trường
Em hát tặng anh bài " Hoa Biển "

Anh đâu thích sông hồ biển cả

Mà chỉ thích bầu trời bao la

 

Đã một lần bỏ quên ánh mắt

Và lần này bỏ quên tấm lòng

Anh khờ khạo ngu ngơ em hả !

Vì anh vốn khờ khạo mà em



Qua năm tháng em là Dược sĩ

Thì anh đã là tay Không quân

Anh và em như hai con đường

Đường em vui hay đường anh vui



 

Montreal , Jan . 17 , 2006

Thadée Thái Quang Đáng

BÊN BỜ ĐẠI DƯƠNG (NHẤT PHƯƠNG)

 


Bên Bờ Đại Dương

 

Ôm đôi nạng em thẫn thờ ngó biển

ngắm Trùng Dương hay mong dáng Mẹ hiền?

Hái trong mây vài vệt nắng thần tiên

đan lên tóc, dấu niềm riêng mất nước.

 

Nơi em đứng, hàng dừa nghiêng lả lướt

lá vờn bay khơi gợi chuyến hải hành

bốn mươi mùa, quá khứ mãi còn xanh

đêm dĩ vãng, xứng danh thời vượt sóng.

 

Áo em mặc, ẩn hình hoa tang trắng

khóc Quê Hương cay đắng mất bao người

Tổ Quốc mình thống khổ quá Mẹ ơi

Đàn con mãi rã rời nơi xứ lạ.

 

Chí mạnh mẽ sao đời mong manh quá

phải vì em mang nhiễm sắc da vàng?

Lưng mỏi mòn đâu thể gánh trần gian

cùng vận nước thoát lầm than khốn khó.

 

Em vẫn đứng giữa trời chiều lộng gió

góp mười phương thành một hướng quê nhà

Tuổi mười lăm, dòng nhạc đủ thiết tha

gom tiếng hát gởi Sơn Hà dấu ái.

 

California, nơi em dừng lại

vẫn màu xanh thăm thẳm giống…quê mình

“Sóng thì thào trình tấu vạn lời kinh,

ru em ngủ yên bình trong bể khổ”.

 

Chào phiến đá màu Tự Do rực rỡ

Em buông tay, nước mắt chảy ngược dòng

Việt-Nam chờ, mừng đón buổi hừng đông

Dũng khí tỏa sáng muôn lòng tuổi trẻ.

 

Nhất-Phương