Thursday, January 30, 2020

HÌNH ẢNH & SLIDESHOWS CỦA ĐẠI HỘI ALASKA "THUYỀN VIỄN XỨ"











Thukỳ xin đăng lại vài hình ảnh của ĐH Alaska “Thuyền Viễn Xứ” vừa qua để nhắc nhở một kỷ niệm thật đẹp và khó quên của tình nghĩa thầy trò, bạn hữu…BTC Đại Hội Alaska xin thành thật cám ơn anh “phó nhòm” Nguyễn An đã bỏ thời gian chụp những tấm ảnh thật đẹp, và còn làm những slideshows quá tuyệt vời. Thukỳ sẽ tiếp tục đăng hằng tuần cho đến hết.
Anh chị Nguyễn An (phó nhòm)

Xin bấm vào link để xem và có thể copy để giữ làm kỷ niệm. Chân thành cám ơn.


#2: https://youtu.be/vSIfCnIEie4





HÌNH ẢNH CHÙA VIÊN GIÁC TẠI OKLAHOMA



Kính mời xem vài hình ảnh chùa VIÊN GIÁC, tại Oklahoma vào những ngày TẾT nơi thầy Thích Nguyên Nguyện đang trù trì.




















THÔI THẾ THÌ THÔI (DIỆP THẾ HÙNG)




THÔI THẾ THÌ THÔI

Tác giả xin chia sẻ với các bạn một bài thơ diễn tả một đối thoại xảy ra thường xuyên giữa hai người yêu nhau : giận hờn, nói lẫy,…
Một vấn đề quan trọng cần thiết trong đời sống lứa đôi là sự cảm thông. Không phải lúc nào hai người cùng ở trong một tâm trạng : một người có thể là trong một tâm trạng đang cần người khia xác nhận tình yêu, người kia có thể lúc ấy có nhiều việc phải lo nghĩ (công việc, …). Thế là mất kiên nhẫn vì hai người không « trên cùng một làn sóng ».   Nhưng các bạn phải nhớ là lúc ấy cái mà ta cần nhất là sự cảm thông. Người kia có yêu mới có ghen tuông, phàn nàn: tình yêu cần được xác nhận bởi người nọ. Người nọ có những vấn để phải lo nghĩ cần chia sẻ với người kia.
Tác giả diễn tả sự mất kiên nhẫn trong bài thơ dưới đây. Nhưng kết luận mà ta có thể đoán ra là hai người giải hòa, và yêu nhau hơn bao giờ hết.


THÔI THẾ THÌ THÔI

EM:
Em nói anh không biết dỗ dành
Mỗi khi em giận bởi vì anh
Anh không để ý em buồn bã
Suốt buổi không nghe tiếng ngọt lành

Em trách anh về trễ tối nay
Em chờ từng phút ngóng từng giây
Để em khắc khoải trong nhung nhớ
Và nghĩ rằng anh đã đổi thay

ANH:
Không phải thời gian tỉ lệ yêu
Yêu nhiều không phải với nhau nhiều
Yêu nhau có nghĩa nhìn chung hướng
Không phải nhìn nhau tối sáng chiều

Em biết anh yêu em lắm không?
Tình em anh vẫn giữ trong lòng
Sao em dằn vặt anh mỗi bữa?
Sao cứ giày vò không cảm thông?

Thôi thế thì thôi, tiếc nuối gì
Tình yêu đứt đoạn chẳng còn chi
Mỗi người một nẻo không cùng hướng
Để mặc dòng đời lôi cuốn đi

Yêu dấu giờ đây đã hết rồi
Đường trần anh bước một mình thôi
Tình yêu, kỷ niệm, bao hình ảnh
Đem đốt thành tro rải núi đồi

Giận em anh nói thế cho đau
Anh vẫn yêu em đến bạc đầu
Tình thắm nồng nàn không biến đổi
Yêu anh đôi lúc phải “càu nhàu”.

Diệp Thế Hùng (January 29, 2020).

NÂNG LY (QUANG THỦY- TX.)



Nâng Ly

Nâng ly rượu ta đón chào năm mới
Nở nụ cười thay tiếng pháo đầu xuân
Gặp nhau đây, tay bắt mặt mừng
Kể chuyện vui, quên chuyện buồn năm cũ

Nâng ly rượu chúc vài câu năm mới
Chúc cháu con ... tấn tới việc học hành
Chúc gia đình ... được mạnh khỏe suốt năm
Chúc mọi việc ... gặp nhiều điều như ý

Nâng ly rượu mong về quê hương cũ
Mong đồng bào bớt khổ sở lầm than
Mong làm sao cho đất nước mở mang
Mong chế độ ... hãy đổi đường thay lối

Nâng ly rượu cảm ơn nơi đang ở
Cảm ơn người đã che chở đến đây
Cảm ơn ai! ta có việc hàng ngày
Cảm ơn  lắm, ơn này đang đền đáp

Nâng ly các bạn cùng tôi
Cạn ly cất tiếng, "An Khang năm này “

Xuân Canh Tý

Quang Thuỷ

Anh chị Quang Thủy ở ĐH Alaska.

KỶ NIỆM VỚI THẦY NGUYỄN VĂN ĐÀNG & CÔ NGUYỄN THỊ SONG HÀ (THẦY THÍCH NGUYÊN NGUYỆN)



THẦY NGUYỄN VĂN ĐÀNG CÔ NGUYỄN THỊ SONG HÀ

Thầy , Cô trở về Việt Nam , Sông Cầu – Phú Yên sau một thời gian thật dài kể từ khi Thầy Cô định cư ở Mỹ , tôi cứ nghĩ rằng Thầy Cô sẻ không bao giờ quay lại Việt Nam , vì có những cái bất đồng mà không thể nói nên lời , nơi Thầy dạy học . cái thời cơ hội lên ngôi , cái thời lý lịch được trưng dụng , cái thời không học tập cổ nhân ,chỉ noi gương theo đạo đức của kẻ cả .

Thầy dạy sinh , Cô dạy văn lớp E chúng tôi , Thầy cũng là Thầy chủ nhiệm của chúng tôi , tôi cảm thấy hạnh phúc được nhiều Thầy Cô thương như Thầy Phúc , Cô Duyên Hồng , Cô Trương Hồng ,và có lẻ trong số học trò lớp E , Thầy Đàng thương tôi nhất, ngày cuối cùng thi tốt nghiệp cấp III .Thầy , Tôi , Trần Thơm và lớp trưởng Nguyễn Văn Đoàn ngồi suốt đêm trên bệ đá, đỉnh đèo Thị nói chuyện thế gian , khi đó tôi cảm nhận rằng Thầy không phù hợp với xã hội cũng như cuộc sống thời đó ,chính vì lẻ đó nên năm tôi học lớp 11 ,Thầy Cô cũng đã 1 lần đi vượt biên mà không thành , Chiến học lớp 10 nhưng lớn tuổi hơn tôi , Chiến tổ chức vượt biên , chỉ có Thầy Anh là đi được , còn Thầy Đàng và Cô Song Hà ở lại vì lúc đó bé Mi đứa con gái đầu của Thầy Cô quá nhỏ nên không thể đi được , chuyến đi đó Chiến đã định cư tại phần Lan ,Thầy Anh định cư ở nước Anh, Chiến và tôi khá thân .

Cô quê Quảng Ngãi nên Cô biết làm đường phèn và kẹo mạch nha , lúc đó ở trường, ngoài công việc giảng dạy , Cô làm kinh tế phụ bằng cách nấu kẹo mạch nha đễ bán , nhưng không thành công , tôi là đứa học trò duy nhất được ăn kẹo mạch nha của Thầy Cô làm.

Một kỷ niệm với Thầy, không bao giờ tôi quên được , tôi rất ghiền đọc truyện , thuở đó mượn được một quyển truyện của nền văn hóa trước 1975 rất khó khăn , cho nên khi mượn được bất cứ một tác phẩm truyện dài nào , dù đó là truyện tình cảm hay truyện kiếm hiệp , là phải đọc thật nhanh và chuyển lại cho những người bạn học cùng chung sở thích , hôm đó Nguyễn Văn Bình cho mượn được quyển MÙA XUÂN KHÔNG ĐẾN (tôi quên tên tác giả ) ,Bình cũng mượn ở đâu xa lắm , Bình giao hẹn ngày hôm sau phải trả lúc 11g trưa ,sau khi tan học , đêm đó tôi tranh thủ đọc và dĩ nhiên bài vở của ngày hôm sau , tôi không thể nào ghé mắt vô được :Sáng hôm sau đến lớp , vào giờ sinh , Thầy bảo làm kiểm tra 15 phút , tôi không thể nào thuộc bài , nên phải lật vở , đây là cái bịnh của học trò , nhưng tôi chỉ một lần duy nhất mà thôi , tôi làm bài gần xong ,chừng khoảng 1 hay 2 câu gì đó nữa , Thầy ra đứng sau hồi nào tôi không biết , Thầy nói rất nhẹ nhàng : “lật nữa đi em”.

Tôi quay lại , lúc đó hồn vía bay lên mây , mắc cở muốn độn thổ luôn , tôi lẻn bẽn lên nộp bài mà không dám nhìn Thầy , Thầy không nói gì ...........Thầy nhìn tôi vô cùng nghiêm khắc , trước đó và sau này Thầy không nhìn tôi như vậy.

Tuần sau thầy trả bài , tôi được 9 điểm nhưng lời phê của Thầy tôi vẫn nhớ :cảm ơn em đã lật vở

Ngày tôi tái xuất gia năm 1989 , Thầy chuyển về trường Phan Đình Phùng - Thị Xã Sông Cầu dạy , tôi ra thăm Thầy , ngủ lại nhà Thầy một đêm , hai Thầy trò đi uống cà phê, quán cà phê trong lòng phố thị , đêm mùa thu , thi thoảng một vài người khách đến rồi đi , tôi với Thầy ngồi lại gần 10 khuya, mưa xứ nẫu buồn quá , vài con dế nỉ non , róc rách tiếng mưa rơi trên thềm vắng , cái lạnh len lõi đủ làm cho tôi chùn cổ , Thầy không nói gì , Thầy nhìn xa xăm và nói : thôi em cố gắng đi , xã hội bây giờ................. Thầy thở dài.

Sau đó Thầy đi Mỹ , từ đó tôi không còn liên lạc với Thầy , tôi chỉ liên lạc với Thầy Phong dạy lý.

Trước khi đi Mỹ tôi xin địa chỉ của Thầy từ Thầy Phong , đến Mỹ đúng 1 tuần lễ sau là tôi đi thăm Thầy tại Sacramento thủ phủ của tiểu bang Cali, từ đó tôi liên lạc với các ban lớp E . nối kết tình Thầy trò sau bao nhiêu năm xa cách.

Thầy về Việt Nam , học trò lớp E ra Sông Cầu thăm Thầy, Cô , tấm hình trên là Thầy , Cô và Lê Thị Mỹ Long , học lớp với chúng tôi.

Trong tôi lúc nào cũng nhớ : NHẤT TỰ VI SƯ , BÁN TỰ VI SƯ.

Oklahoma January 27, 2002
THÍCH NGUYÊN NGUYỆN

CÓ MỘT NGƯỜI (NGUYỄN LIÊN)



CÓ MỘT NGƯỜI

Có một người ta không thể bên nhau
Nhưng nhớ thương vấn vương hoài mãi mãi
Đem yêu thương giấu hoài trong ngực trái
Để đêm về khắc khoải gọi thầm thôi.
Có một người đã biết chẳng chung đôi
Nhưng sâu thẳm vẫn nhớ hoài nhau mãi
Lời yêu thương chất chồng lên vách trái
Tỉ tê buồn thầm gọi mãi tên nhau.
Có một người cứ nghĩ tới nhói đau
Không chung đường nhưng thường chung suy nghĩ
Lối ta bước có gập ghềnh mộng mị
Vẫn dõi nhìn ngơ ngẩn cả chiều đông.

NGUYỄN LIÊN
Sông Hinh, ngày 17/1/2020


XUÂN NÀY CHÁU VẪN CHƯA VỀ (DƯ THỊ DIÊM BUỒN)




XUÂN NẦY

CHÁU VẪN CHƯA VỀ


                     
DTDB

Thư ngoại gởi: “...Cháu có về ăn Tết?”

Khi xóm làng tràn ngập cảnh đau thương

Giặc rót pháo rơi sát vách giáo đường
Đang lúc ấy bầy con chiên hành lễ

Tối hôm qua, giặc giật cầu Cái Khế
Nhà gần cầu đành hóa kiếp thành tro
Kẻ không nhà về tá túc bến đò
Người lối xóm gom góp tiền giúp đỡ

Bác Hai Ròm từ bao năm quét chợ
Chạng vạng ra đìa dở cá giăng câu
Sáng dân làng phát giác chết trên cầu
Cổ bị cắt, tay còn cầm xâu cá!

Bóng thần chết về trong đêm lạnh giá
Dân phập phồng gặp phải những tin hung
Tai nạn ai cũng là nỗi buồn chung
Không ruột thịt cũng tình người thôn xóm

Sống với ngoại, lúc cháu còn để chỏm
Đi học xa, ngày lễ mới về thăm
Cuối mùa đông vào trước Tết mỗi năm
Hoa nỡ rộ, én phương xa trở lại

Ngoại để dành trái cây cho cháu hái
Chờ cháu về cắt mấy nhánh mai vàng
Bình pha lê cắm bông điệp, bông trang
Quét dọn lại ngôi miếu thờ Thổ Địa

Cây bùm sụm uốn rồng chờ cháu tỉa
Mấy đứa ở nhà vốn chẳng khéo tay
Cuối gốc sân hoa đơm trắng khóm lài
Chờ cháu hái để ép vào trang giấy

Bánh phồng nếp nướng lửa rơm vàng cháy
Mứt gừng cay, bánh tráng cuốn chuối ngào
Nến chập chờn ánh lửa dưới trời sao
Nhang cháy đỏ, hương lan trong gió lốc

Cháu thương ngoại, thương vòm trời tuổi ngọc
Đôi guốc sơn, quần áo lụa mới may
Nón vải xanh có nơ bướm bông cài
Làm quà Tết, đẹp lòng cô cháu nhỏ

Cháu vô tư như hoa đồng, bướm cỏ
Lớn khôn dần trong nhịp sống thôn quê
Niềm vui riêng mỗi độ đón Xuân về
Được thư ngoại, lòng ơi buồn biết mấy!

Lâu lắm rồi... vẫn nhớ xuân thuở ấy
Dù bây giờ cháu ở quá xa xôi...
Nỗi xót xa khắc khoải cả kiếp đời
Và sắc diện phôi pha theo ngày tháng
  
Cháu bôn đào... từ quê hương Cộng sản
Chưa một lần, trở lại xóm làng xưa!
Vẫn nhớ thương khắc khoải... nói sao vừa
Xuân quê ngoại... tròn đời trong hồi ức!

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

AI NÓI RẰNG VÔ BỆNH VIỆN Ở VN THÌ KHÔNG VUI??



Mời quý bạn đọc một bài tả chân thực trạng của một bịnh nhân đi mổ tại một bịnh viện ở quê hương siêu việt Việt ...Đọc xong, xin các bạn đừng than trời trách đất, các bạn chỉ cần quỳ gối xuống cám ơn Trời, Phật, Chúa đã cho bạn hưởng được phước đức hôm nay...

           
Ai nói rằng vô bịnh viện thì không vui?

Hôm trước Tết tui vô cổng cấp cứu của một bịnh viện lớn ở Saigon. Trong khi chờ được chăm sóc, tui thấy cô kia bị thương ở chưn, phải đi cà nhắc đau đớn từng bước ráng lê vô, hai cô y tá ngồi đó ngó mà không có phản ứng thích hợp nào.
Sau đó đến phiên tui cà nhắc đi theo bà y-lao (vì tui không biết bà này là y tá hay lao công) từ cổng sau ra cổng trước, cách đó hơn trăm mét. 

Vui hông ?

Được người-trong-cuộc khuyên nhủ trước, tui đăng ký nằm phòng dịch vụ, đơn giá 450k một ngày, mắc gấp hai lần phòng khách sạn. Sở dĩ phải đóng tiền giá cao như vậy là vì vô phòng, bạn được nằm nguyên một cái giường riêng mình, không phải chia chác gì với cái ông nằm giường bên cạnh. Giường này có nệm, có drap, nhưng không có gối hay mền gì ráo. Muốn có, bạn phải mướn (có thế chấp). Muốn sử dụng cái dờ-mốt tivi, bạn cũng phải thế chấp. À quên: nếu trường hợp cái giường bạn nằm bị trục trặc chỗ cây chống đầu giường lên cho cao, nghĩa là không chống lên được, thì bạn cứ thoải mái báo với y tá trực. Y tá trực sẽ ân cần vui vẻ trả lời rằng bạn yên tâm đợi khi nào có bịnh nhân xuất viện, thì họ sẽ đổi giường cho bạn. 
Vui hông ?

Ngoài việc nằm phòng giá dịch vụ 450k/ ngày, tui cũng đăng ký mổ dịch vụ, bởi vì nghe bác sĩ nói rằng mổ dịch vụ sẽ được dụng cụ giai phẫu tốt hơn, những thiết bị khác tốt cho sức khoẻ hơn là so với mổ theo diện bảo hiểm y tế. Khác nhau như thế nào thì chỉ có bác sĩ biết, chứ mình đâu có cách để so sánh và kiểm chứng? Chỉ biết rằng với giá phòng và giá mổ dịch vụ, thì trước khi lên lầu để giai phẫu , bịnh nhơn phải xuống căng-tin mua dao cạo để tự cạo chỗ nào sắp mổ. Hình nhu trong gói dịch vụ mổ không bao gồm dao cạo lông..

Vui hông ?

Ờ mà quên, hồi mới nhập … lầu, tui được cô y tá dễ thương xin tí máu (chớ không phải là xin tí huyết nha mấy huynh!) để xét nghiệm. Độ chừng vài tiếng sau, cô dễ thương lại xuất hiện (làm tui tưởng lầm là do mình đẹp trai), cổ lại xin tí máu lần nữa, lý do là vì trong thao tác trước đó có lầm lẫn chi đó.

Vui hông ? 

Bác sĩ đã dặn trước khi nhập viện không được ăn uống, để thử máu. Lấy máu xong, cô y tá dặn mình nhịn đói tiếp để chờ CT scan, khi nào scan xong mới được ăn. Mình hỏi khi nào scan, cổ nói hỏng biết, chờ chừng nào scanner rảnh. Và mình bèn nhịn đói chờ từ sáng sớm cho tới hơn 13h thì scanner tạm rảnh. Ôm cái bụng đói meo meo, ngồi trước phòng scanner chờ tới phiên, nghe âm thanh ột ột trong bao tử cùng vần với Trư Bát Giới. Cuối cùng, cánh cửa phòng cũng được mở ra với thông báo “Scanner hư, bịnh nhân vui lòng trở về phòng, khi nào sửa chữa xong sẽ thông báo!”. Thiệt là vui cái lòng trở về phòng. Đói quá đói, tui bèn ăn đại, bởi vì đâu biết lúc nào “con scanner sẽ vui trở lại”?

Vui hông ?

Gặm khúc bánh mì cùng lúc những người khác chuẩn bị cơm chiều.
Hay ở chỗ là gặm xong một thoáng sau thì y tá biểu trở xuống phòng CT-scanner. Vì hạnh phúc của bịnh nhơn và thu nhập của bịnh viện, scanner đã được sửa tốc hành trong vòng vài giờ đồng hồ.

Vui hông ?

Bác sĩ hẹn 9h sáng hôm sau mổ, nhưng lụi đụi cũng phải qua tới buổi chiều.
Cũng giống như cái thực đơn được soạn bởi những đầu bếp chuyên nghiệp, nghĩa là cái gì ngon nhứt phải để dành lại sau, thì ở bịnh viện cũng vậy: tới đây mới bắt đầu những gì vui nhứt.
Đầu tiên là bước qua cánh cửa của phòng vô trùng. Ổ khóa của cánh cửa này không phải là thứ tầm thường à ngheng, mà nguyên cả ổ mã số bấm bấm gì đó, giống như trong phim đột nhập tổng hành dinh CIA của Mỹ: chỉ có thành phần tuyển chọn mới được vô. Thắc mắc không hiểu thành phần đó là ai, trong khi chờ gần 30 phút chưa thấy bác sĩ, tui lại thấy người giao cơm hộp, thợ điện, và những bằng hữu khác bấm số 83817 là vô tuốt. 

Vui hông ?

Khi y công đẩy băng-ca của mình đi dọc hành lang để vào phòng mổ phía cuối, tui thấy vải phòng đang phẫu thuật mà không có đóng kín cửa, thiên hạ ra vô tùm lum, giày dép búa xua. Cảm thấy bất an nhưng tự an ủi biết đâu phòng của mình sẽ ngăn nắp sạch sẽ hơn. Hóa ra hổng phải như vậy.
Băng-ca của tui đã được đẩy tới cái đèn không hắt bóng rồi, mà cửa phòng vẫn mở, nguyên bầy lao-tá tám chuyện rào rào, nào là chuyện giá cả, chuyện con cái, chuyện thưởng tết, chuyện hốt hụi, hẹn hò đi du lịch, kêu gọi í ới. 

Vui hông ?

Phần đông chúng ta đều đã đọc sách hoặc xem phim về ngành y của Việt Nam Cộng Hòa hoặc các quốc gia tiên tiến, nên chúng ta đều mường tượng cảnh bác sĩ rất “ăn rơ” với ê-kíp mổ: ca phẫu thuật tiến hành trong im lặng, bác sĩ chỉ cần giơ tay ra là trợ lý biết phải đặt vào tay bác dụng cụ nào (kéo, kẹp, dao, v.v.), liên tục lớp lang như vậy cho đến khi ca mổ chấm dứt.

Lầm rồi nghe bà con! Có nằm trên bàn mổ mới thấy… vui ghê (phần ghê nhiều hơn phần vui): ông bác sĩ chính thức thì tui đã biết mặt rồi, mấy ông còn lại là ai, có phải là sinh viên thực tập hay không, tui không hề biết bởi vì đã mang khẩu trang. Trong khi mổ, tui nghe bác sĩ nói đại loại như “Ê, không phải không phải cắt chỗ đó, em cắt chỗ này nè, làm lại đi!”

Trong khi em kia đang “làm lại đi” thì bất giác tui nhìn thấy hai ba cái bọt bóng trong ống truyền dịch từ phía trên cao đang từ từ sắp tiến vào tĩnh mạch mình. Thấy ghê quá, tui báo bác sĩ, bác sĩ quay ra phía cái đám bà tám hô to “Em XYZ gì đó ơi, bệnh nhân báo có bọt bóng trong dây truyền dịch kìa!”

Như có phép mầu, em XYZ bay vào rút vội dây truyền ra để thay thế bằng cái khác. Thật đáng ngưỡng mộ!

Cuối cùng thì vụ mổ xẻ đã xong, đến phần khâu lại. Bác sĩ hỏi ai đó (tui không thấy vì đã có tấm màn nhỏ che tầm mắt) rằng chỉ khâu để chỗ nào. Có tiếng trả lời là em ABC giữ chìa khóa đã ra ngoài ăn trưa chưa vào. Bác sĩ liền lệnh mấy bà tám đi tìm em đó gấp.

Lại như có phép mầu, không lâu sau, chỉ khâu đã xuất hiện. Lần này tui nghe bác sĩ nói với anh bạn khẩu trang “không phải, em phải khâu bên này mới đúng, làm lại đi!”. Sau khi em đó làm lại, và làm xong, bác sĩ gọi chị nào đó ngoài kia, để xin cây kéo cắt chỉ. Im lặng vài chục giây. Lại nghe tiếng bác sĩ nói “không phải kéo này, loại kéo để cắt chỉ đó chị!” Sau đó bác sĩ toại nguyện vì được cung cấp đúng loại kéo.

Thiết nghĩ, tui có quyền liên tưởng rằng trước đó, cái kéo đang ở “vòng ngoài”, tức là chưa được vô trùng. 

Vui hông ?

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang thì tui được đẩy ra khỏi phòng mổ để trở xuống trại giam, xí lộn, trại dưỡng với cái giường trị giá 450k/ ngày trong căn phòng mà cửa toilet bị hư, phòng toilet không có vòi xịt, không có giấy vệ sinh, và không có móc quần áo.

Y tá đẩy băng-ca hậu phẫu vào tận giường, rồi yêu cầu tui tự leo qua giường, với lời nhắn nhủ hết sức ân cần rằng “ráng leo qua cho khéo, không thôi đứt chỉ vết thương mới mổ đó nghe!” Sự ân cần này khiến tui cảm động vô bờ 

Vui hông ?

Qua hôm sau, tất cả bịnh nhơn ở lầu 2 (trong đó có tui) được lịnh dồn lên lầu 3. Lý do được đưa ra là để tập trung cho dễ quản lý. Phải nói nhơn đạo như vậy, chớ ai đành đoạn mà bảo rằng gần Tết tới nơi, phải thu gom như vậy để lao-tá-sĩ lo lắng việc nghỉ lễ mà không phải trực rải rác nhiều tầng lầu. Đêm đó là đêm vui cuối cùng nơi bịnh viện.

Sáng hôm sau chuẩn bị trả phòng cao cấp để ra về. Bác trai ở giường bên cạnh bị dãn nở phế nang, có lẽ vào giai đoạn cuối nên phải luôn đeo ống oxygen mà vẫn khò khè vật vã. Mấy đêm liên tiếp, bác không thể nằm, mà phải ngồi cúp lưng xuống thì mới có thể thở được. Bác yếu đến nỗi không thể từ giường tự bước xuống xe lăn được. Khi cả phòng chuẩn bị về đón Tết, vị bác sĩ đặc trách trường hợp bác trai ấy hân hoan bước vào phòng, vỗ vai bác dặn dò nhiều lần “Bác nhớ nghỉ ngơi nhé, nghỉ ngơi cho nhiều vào, không được làm gì nặng nhé. Nhớ nghỉ ngơi nhé!” 

Vâng, đồng chí hãy yên lòng mà nghỉ ngơi nhé.
Riêng tui, tần ngần ra phía ngoài, chỗ ban-công để xem tập thể lao-tá-sĩ thi kéo co ở dưới sân bịnh viện, với những đợt reo hò động viên của khán giả, mang lại không khí vui tươi năng động. Nhờ đó, bịnh viện mới mất đi cái yên tĩnh êm ru bà rù buồn như chấu cắn.

Xe taxi đang tới, tui lần lần xuống lầu. Văng vẳng đâu đó ở lầu dưới là tiếng tập hát xôn xao, tiếng hẹn hò thăm viếng, tiếng rủ rê đi du lịch xa, thiệt là vui như phiên chợ Viềng!

Ai dám nói là vô bịnh viện thì không vui?

QUA VỚI BẬU (NGUYỄN THỊ CỎ MAY)





Qua với Bậu
Hôm qua, qua hứa qua qua ....

Nguyễn thị Cỏ May


Nhơn ngày Tết, ông Nguyễn văn Tương (*) tới thăm và mừng tuổi Cụ Trần văn Hương tại tư thất của Cụ . Bắt tay khách, Cụ Trần văn Hương vui vẻ nói :

-Em còn trẻ quá, chắc em không có học với qua . Mà nay, qua không còn làm việc chánh quyền nữa, được em tới thăm  như vầy, thật cảm động . Qua mời em ở lại ăn cơm với qua . An cơm cá kho, canh chua, …(*)

Chữ « qua » còn được thông dụng với Cụ Trần văn Hương, người gốc Nam kỳ ở lớp tuổi 60, năm 1965 tại Sài gòn .
Cụ Trần văn Hương xưng « qua » nhưng lại gọi ông Nguyễn văn Tương bằng « em » chớ không phải « bậu » như trong ngôn ngữ giao tiếp rất phô thông ở Nam kỳ trước kia . 

Hai chữ «qua» và «bậu» được người có địa vị cao và có học trong xã hội dùng trong sanh hoạt hằng ngày chớ không riêng gì chỉ giới bình dân . Nhưng có lẽ tới thời Cụ Trần văn Hương, người ta không dùng « bậu » nữa mà dùng tiếng «em» để chỉ người đối thoại nhỏ tuổi hơn .
Chữ "bậu" có nghĩa là "bạn, là em" cả khi nói với người con trai, và cũng có nghĩa "em" trong nghĩa "vợ", trong quan hệ vợ chồng .
Như trong Truyện Lục Vân Tiên, Lý Thông nói với Thạch Sanh khi gặp nhau lần đầu tiên, thấy Thạch Sanh trẻ tuổi hơn mình :
            
             "Chẳng hay chú bậu (chú em) ở đâu,
               Áo quần chẳng có dãi dầu khá thương ? 

Thường thì người ta vẫn hiểu lầm là tiếng bậu chỉ dùng để chỉ người con gái, người phụ nữ . Như trong bài hát dân gian châm biếm, trêu chọc người con gái lớn tuổi mà còn ế chồng :
               
                Ống tre khô người ta còn chuộng
                Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
                Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
                Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
               Giấy trôi sông người ta còn vớt
               Bậu lỡ thời như ớt chín cây 
             ......
             Bậu lỡ thời như muốn người ta
             Muốn người ta người ta không muốn
             Xách cây dù đi xuống đi lên .

Ghi chú thêm - Theo  Gíao sư Âm nhạc học Trần văn Khê, bài hát trên đây là bài "rap", một thể loại hát dân gian ở Việt nam xưa, như một cách nói chuyện nhanh, lời tiếp nối nhau nên không có chấm câu, ngụ ý chọc ghẹo một đối tượng nào đó trong xóm, trong làng . Rất dễ hát nên trẻ con nghe qua là có thể hát theo . Nhờ đó, dễ phổ biến rộng rải và chỉ trong thời gian ngắn, đối tượng có thể nghe được . Ngày nay, "rap", thanh niên phi châu thường hát, nhứt là hát để khiêu khích cảnh sát .

Cũng tiếng  «bậu » còn lưu hành ngày nay nhưng chỉ trong thi ca (Luân Hoán và Phan NiTấn, Phải lòng người con gái Bến Tre  ) :

«Bậu sang phà Rạch Miễu, ngoe nguẩy xuống Bến Tre
Về Cái Mơn, Lương Hòa hay là, Về Sơn Đốc, Ba Tri ?
Guốc bậu rụng tiếng lá (ơ hơ), thoang thoảng mùi làm duyên
Thoáng mùi thương quá đỗi; mùi tình Lục Vân Tiên » .

« Qua» và «Bậu»
Theo Giáo sư Hán nôm Nguyễn văn Sâm (Đại Học Văn Khoa Sài gòn), chữ qua  là tiếng biến âm từ tiếng quá (hóa) giọng Triều Châu của chữ ngã (tôi). Dùng tiếng «tôi, anh» bình thường, người ta thấy không sang, không thân mật, và quan trọng nhứt là hơi mất tự nhiên nên người ta dùng tiếng qua.  Chuyện nầy cũng tương tợ như người Việt Nam thời còn nặng mùi Tây hay dùng toi, moi (tutoyer) khi nói với bạn hay với cả người mình yêu khi mới bắt đầu tấn công ái tình . Ngày nay, ở Mỹ, tuổi trẻ Việt Nam  có một chút học vấn khi bắt đầu tán tỉnh cũng thích dùng hai từ me, you hơn là anh em, em anh vì quá quen thuộc .
Chữ qua với nghĩa tôi, anh thân mật cũng thấy trong văn chương thế kỷ 19, như Lý Thông nói chuyện với Thạch Sanh (Truyện Thạch Sanh Lý Thông) . :.                
         
          « Lý Thông thấy nói, sầu bi :
‘            Qua xin kết nghĩa vậy thì đệ huynh »
        
        …Qua thời vốn có một mình, 
             Mẹ thời già cả kết chưng bạn mày» .

Điều đáng để ý, qua lời của Lý Thông nói với Thạch Sanh, người ta hiểu tiếng qua của Lý Thông dùng có nghĩa là anh, là ta, là kẻ lớn hơn, vai vế là bực đàn anh của Thạch Sanh và tiếp theo, đã không ngại gọi Thạch Sanh bằng mày .
Cũng theo Giáo sư Nguyễn văn Sâm, chữ bậu có nghĩa là em, dùng trong cách nói thân mật . Người Nùng có tiếng bậu nghĩa là em.. Người Thái có tiếng phậu cũng có nghĩa tương tợ (Tự điển Nguồn Gốc Tiếng Việt của BS Nguyễn Hy Vọng) .  
Người Nam kỳ nói bậu bạn, trong cách nói thân mật. Nên khi nói nó «làm bạn với…» có nghĩa là cưới vợ lấy chồng. Văn thơ Nam Kỳ dùng chữ bậu chỉ người mình thương khi nói trực diện . 
Bậu nói với qua bậu không bẻ mận hái đào,
Mận đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay ?

Nguồn gốc qua và bậu
Theo Giáo sư Nguyyễn văn Sâm, như trên đây, hai tiếng qua và bậu có nguồn gốc từ tiếng Triều châu và Nùng, Thái, Miên . Có người lại quả quyết một cách chắc nịch hai tiếng qua và bậu hoàn toàn là sản phẩm trong ngôn ngữ đặc sệt của dân Nam kỳ Lục tỉnh và cà cách sử dụng hai tiếng đó trong nói chuyện hằng ngày .

Nhưng có người khác (Trang « Ngày Ngày viết văn », internet) lại dẩn chứng Từ điển Lê Ngọc Trụ để tìm về nguồn gốc của chữ qua và bậu và cho rằng cách lý giải của Học giả Lê Ngọc Trụ là dễ hiểu, logic, có cơ sở hơn hết . Theo đó, xin trích : 

- Qua là cách phát âm của người Triều Châu của chữ "ngã" mà âm đọc phổ thông là “wǒ". Người Triều Châu đọc chữ này là "wá". Người ta giải thích thêm là khi xưa, ở miền Nam, nhất là khu vực Bạc Liêu, người Triều Châu di dân đến sanh sống rất đông. Cái tên Bạc Liêu cũng được cho là từ gốc Triều Châu mà ra.

- Tuy Từ điển Lê Ngọc Trụ không giải thích chữ "bậu" nhưng nếu "qua" là gốc Triều Châu thì cũng có thể suy ra "bậu" cũng từ gốc ấy mà ra. Người Triều Châu gọi vợ hay em bằng "pau", "bấu" hoặc "bô" tùy theo từng vùng. 
Nếu đúng "qua" và "bậu" đều là gốc Triều Châu, thì người ta có thể nghĩ rằng trong ngôn ngữ gốc, hai tiếng này không nặng tính chất tình cảm, không có ý nghĩa thân mật chi hết, cũng bình thường như tôi với anh hay như tao với mày vậy thôi . Trái lại trong tiếng việt, 2 tiếng ấy lại chứa chan tình cảm mỗi khi nghe nói, tuy ngày nay không còn dùng trong giao tiếp, chỉ còn thấy trong thơ ca, trong văn chương mà thôi . Hai tiếng qua và bậu luôn thắm đượm nghĩa tình. Có ai mà không cảm thấy thắt lòng khi đọc những câu ca dao này:

« Trách mẹ với cha chứ qua không trách bậu,
   Cha mẹ ham giàu gả bậu đi xa »

“Bậu có chồng chưa, bậu thưa cho thiệt,
  Kẻo anh lầm tội nghiệp cho anh”

Hay đau khổ, trách hờn người yêu:

“Trách lòng bậu cứ đẩy đưa,
Gạt anh dãi nắng, dầm mưa nhọc nhằn”

Hoặc thể hiện nỗi da diết, nhớ mong:

“Bướm xa hoa, bướm dật, bướm dờ,
 Anh đây xa bậu, đêm chờ ngày trông”

Và có đứt ruột không khi xa nhà, bổng nghe văng vẳng tiếng hát “Ầu ơ ….” ( không phài giọng “À ơi …” của Bắc kỳ) :

….” Chim chiều lẻ bạn ngoài song
       Em còn mong đợi người dưng.
       Qua không thương bậu, bậu còn buồn ai!” .

Có người (trên báo Tuổi Trẻ gần đây) giải thích một cách quả quyết: “Nhiều người lầm tưởng “qua” là một từ mới nhưng thật ra đây là một từ địa phương Nam Bộ giàu sắc thái biểu cảm, đã hình thành từ thời người dân nước Việt đi xuống phương Nam mở cõi”. 

Có thật đó “là một từ địa phương Nam Bộ”? 
Năm 1602, Nguyễn Hoàng  sai lập dinh trấn, xây kho tàng chứa lương thực, vũ khí rồi sai con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên (sau là Chúa Sãi) trấn giữ. Ban đầu dinh trấn được dựng ở Cần Húc, huyện Duy Xuyên, ít lâu sau dời sang Thanh Chiêm, rồi năm 1833, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở Quảng Nam qua làng La Qua,Điện Bàn. Từ đó, ca dao địa phương có câu: 

“Tỉnh thành đóng tại La Qua, 
  Hội An tòa sứ vốn là việc quan”.

Và La Qua đã đi vào câu đối với cách chơi chữ tuyệt vời, lấy chữ qua với chữ đồng âm: 

“Con gái La Qua, 
qua hôn, 
qua hít, 
qua vít, 
qua véo, 
qua chọc, 
qua ghẹo, 
qua biểu em đừng có la qua” (la nghĩa là rầy mắn, qua là anh, tôi).

Có câu đối lại cũng sát sàn sạt về chữ nghĩa, ý tứ: 
“Đàn bà Phước Chỉ, 
chỉ xấu, 
chỉ xa, chỉ lười, 
chỉ nhác, 
chỉ bài, 
chỉ bạc, 
chỉ có chồng là may phước chỉ”
(chỉ là chị ấy) 

Không riêng gì Quảng Nam, vượt qua đèo Hải Vân ngược ra Bắc, nếu dừng chân tại Quảng Bình, người ta còn nghe câu hát huê tình đầy tiếng qua: 

“Răng chừ đá nổi lắc lư 
  Lạch Ròn kia cạn, qua mới từ nghĩa em”.
(Theo Lê Minh Quốc)

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi từ Quảng Nam đi xuôi về phương Nam, người ta sẽ nghe nói thường hơn 2 tiếng qua và bậu : 

“Xa xôi chưa kịp nói năng 
  Từ qua với bậu như trăng xế chiều” 

Và khi tới xứ Nam kỳ Lục tỉnh, 2 tiếng qua và bậu dường như cũng dừng bước và đóng đô luôn ở miền đất lành chim đậu này : 

« Bảng treo tại chợ Mỹ Lồng:
  Chữ đề tên bậu, không chồng có con »


Khi qua và bậu đã bén rể ở đất Nam kỳ, thì cách nói năng cũng bộc trực, nghĩ sao, nói vậy như dân Nam kỳ :

«Bậu đừng lên xuống đèo bồng
Chồng con hay đặng sanh lòng nghi nan » .

Nguồn gốc qua, bậu là Nam kỳ, là từ tiếng Triều châu, tiếng Nùng, Thái… ?
Nói 2 tiếng qua và bậu là tiếng của địa phương xứ Nam kỳ hay do bắt chước theo cách phát âm của tiếng triều châu vì người triều châu sanh sống ở vùng đất mới này khá đông đảo, lẩn lộn với người việt nam nên ảnh hưởng qua lại là bình thường.
Nhưng người ta bắt gặp rất phổ biến 2 tiếng qua và bậu trong nói chuyện, trong câu hát của người dân miền Trung, từ Quảng Nam trở ra tới Quảng Bình và từ thời Chúa Nguyễn (1602), nghĩa là trước khi người Triều châu từ bên Tàu qua và xuống Bạc liêu lập nghiệp, làm rẩy, « dưới sông cá chốt, trên bờ Triều châu » . Như câu ca dao sau đây mang rất đậm nét địa phương và thời điểm :

« Ngó lên hòn Kẽm, đá Dừng 
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi...  
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng ! »

Hòn Kẽm, đá Dừng là hai địa danh đèo heo, hút gió tận thượng nguồn sông Thu Bồn của Quảng Nam. Ngày trước, để ngược dòng lên đây, từ Hội An là nơi đô thị trên bến, dưới thuyền, nếu đi thuyền, người ta phải mất cả tháng trời chèo chống . Và người Quảng Nam có lẽ ít có ai mà không biết vùng đất hẻo lánh kia cùng câu ca dao buồn tênh này (Theo Lê Minh Quốc) .

Như vậy, nếu nói 2 tiếng qua và bậu là 2 tiếng địa phương của Nam kỳ Lục tỉnh có thể đúng trong sự chấp nhận 2 tiếng đó từ Miền Trung đi theo người Miền Trung vào đất Nam kỳ . Trong trường hợp này thì 2 tiếng qua và bậu hoàn toàn không có liên hệ họ hàng xa gần gì với chú ba triều châu hết cả .
Còn do ảnh hưởng tiếng nùng, thái, miên ? Người ta có thể hiểu được cũng từ miền Cao nguyên theo bước di dân mà vào Nam và ở lại trở thành tiếng địa phương chăng ?

Nhưng theo cách diển giải, suy diển thế nào đi nữa thì 2 tiếng qua và bậu, tuy xưa, nhưng khi thốt lên, vẫn dễ làm rung động lòng người vì sức nặng ý nghĩa thân thương, đạc tính nam kỳ của nó :

    «Hôm qua qua hứa qua qua mà qua không qua .
Nay qua không nói qua qua mà qua qua !»

(*) Hồi ký của Nguyễn văn Tương, Paris . Ông Nguyễn văn Tương làm Tổng Thư ký Văn phòng Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giáo sư Công pháp Trường Luật và Học Viện Quốc gia Hành chánh . Tỵ nạn ở Pháp, ông dạy ô Đại học Brest, Poitiers, …Nay huu trí, ở ngoại ô Paris .

Nguyễn thị Cỏ May