Cứ mỗi lần Xuân…
Nhất
Phương
Trời mưa
dai dẳng bên ngoài khung cửa bếp. Mưa tầm
tả lê thê. Không biết ông Trời đang giận
bà trời hay bất mãn với ái khanh mà dốc tâm trút nước dạt dào lên tàng hoa
Bleeding Heart, làm lòng người bất chợt liên tưởng đến ngàn giọt lệ tuy trắng
ngần, đẹp tựa kim cương, nhưng không kém phần xót xa, đoài đoạn long đong nhỏ
xuống cuộc đời bi ai đồng khổ.
Thương
thay nhánh lá rơi vì gió
Ngơ
ngác, đường mưa lây lất bay
Dấu
vết thời gian mòn mỏi đó
Suốt
mùa Xuân cũ đến hôm nay
Xuân về thật
nhanh, dường như không còn nhiều tấm lòng háo hức đợi chờ, từ khi cơn đại dịch
bất ngờ ập đến. Hội chợ Tết Xuân Nhân Dần
đã chính thức khai mạc (14 tháng Giêng-2022), vào ngày 12 tháng Chạp ta. “Nó” rất đường hoàng, tự nhiên chiếm ngự nơi
đó, trước cửa Thương Xá Phước Lộc Thọ đã nhiều lần nhiều trong quá khứ… Từng
năm, từng năm… Tôi thường đếm chuỗi Xuân phai quanh chỗ ngồi không nhất thiết
phải giống nhau, và vì vậy, tâm trạng mừng Xuân cũng ray rức dật dờ bay vào khoảng
không gian bất định.
Đi chợ Tết
hàng năm để tìm lại không khí đầu Xuân của những ngày xưa cũ tại quê nhà, nhưng
nơi đây, đâu có gì hơn ngoài các gian hàng màu sắc chói chan nhang đèn đỏ vàng
chen chúc đong đưa lấp lánh bao lì xì cũng vàng đỏ “cung hỉ phát xồi!”, phần
còn lại là cây cảnh, hoa mai rừng và trái cây, làm nhớ nhiều, nhớ hoài đến ngàn
hoa tươi sắc thắm trên đại lộ Nguyễn Huệ, tưng bừng rộn ràng thời Xuân cũ. Nhớ hoài vì đó là Xuân của tuổi thơ, tuổi
hoa, tuổi ngọc, tuổi học trò, tuổi mới chớm bắt đầu nhận biết về nét đẹp tuyệt
vời của quê hương, tuổi từng tung tăng theo màu thảm nắng rực vàng chiếu rọi
lên miền Nam trù phú, tràn ngập yêu thương và đậm đà lòng yêu nước của muôn người
bên bờ Nam Vĩ Tuyến. Những mùa Xuân đó,
tuy là Xuân trong chiến tranh, là những mùa kết nối “anh tiền tuyến, em hậu
phương”, nhưng rất có hồn, có thiệp vẽ hoa Mai, hoa Đào, hoa Vạn Thọ. Mà nghĩ cũng
ngộ (không biết các bạn tôi có đồng
tình?), bởi miền Nam ngập tràn hoa Vạn Thọ, nhưng sinh mạng người dân thật
mong manh, bất ngờ chết yểu, nhất là lứa tuổi đẫm đầy bao nhiệt huyết, chào
Xuân ở chiến trường, lấy hỏa châu làm đèn, lấy đạn thù làm pháo. Những mùa Xuân lấp lánh vàng tươi hoa “Vạn Thọ”
ngập mùi thuốc súng, và một “mùi” tôi chưa biết nên đặt tên gì cho đúng, đó là
mùi Góa Phụ có được không?!. “Ngày mai đi nhận xác chồng…”, bất kể ngày mai ấy là ngày đưa ông Táo, ngày ba
mươi trước Tết rước ông bà , ngay đêm Giao Thừa “em đến thăm anh đêm 30”, hay
đúng ngày đầu một năm mới? Những trường
hợp này, có ai trong các nạn nhân đáng thương đáng xót của chúng ta đi coi bói
toán, lấy ngày tốt để xuất hành, để làm những việc không thể nào tệ hại hơn thế
nữa!?
Hôm qua đi
chợ (trước Tết Nhâm Dần), may mắn cầm
đúng tờ báo cuối năm tràn ngập các mẫu quảng cáo thương hiệu phồn thịnh ở
Bolsa, lật tới lật lui, mắt sáng rỡ khi bắt gặp một bài hấp dẫn như miếng mức
mãng cầu rim đường bọc giấy kiếng trắng phao đầy quyến rũ. Gía trị ở chỗ những hình ảnh này tuy xưa cũ,
te tua, rách mất nhiều phần, lem luốt màu thời gian…, nhưng đó là gia tài trân
quý của người miền Nam nói chung, người Sài-Gòn nói riêng. Đó là thành phố của tất cả người mình đã từng
sống thảnh thơi, tươi vui “một thời hoa mộng” trong suốt các mùa Xuân còn “giặc
tràn qua biên giới”.
Nhìn thật
lâu vào các tấm ảnh để cảm nhận một Saigon quá dễ thương, khơi nguồn từ cảnh
đèn đuốc sáng choang trong các sạp bánh mức của ngôi chợ lâu đời, là Logo, là
Signature của quá thời Saigon nhộn nhịp, lồng lộng nhạc “Xuân này con không về”,
… Mẹ ơi, hoa Cúc, hoa Mai nở rồi… Nhưng
giờ này con ở đâu, hỡi những người con yêu của đất Mẹ?
Chợ Tết Phước-Lộc-Thọ
là chợ mừng Xuân hàng năm của đoàn người lớn mạnh tại Hải Ngoại, bất đồng chính
kiến với nhà nước đoạt quyền đương thời quái dị ở quê nhà. Hằng năm đến ngày Tết, tuy náo nức, nhưng tôi
luôn bị ám ảnh bởi những đổ vỡ xảy ra đúng ngày Tết năm 1968, nên nhìn đâu cũng
thấy một màu tang ảm đạm thê lương của thời ly loạn:
Trăng
Tổ Quốc cố trườn qua bóng tối
Trăng
“riêng tôi” đâu dám sáng một mình
Nguyên thủy của hai câu thơ
này là “trăng tổ quốc cố trườn qua bóng tối, trăng Bến Tre đâu dám sáng một
mình”, vì năm 1968, những mảnh trăng trên “Quê Hương Đồng Khổ” của Bến-Tre và
cũng của trái tim tôi bị cày xéo tan hoang…, te tua hơn “những ánh trăng tuy
cũng đã tàn trên phố phường tự do” trước đó.
Đất
nước là gia sản chung của toàn dân Việt, nhưng người ta cố tình dành lấy để dễ
bề lũng đoạn, bán buôn, cắt xén chia chác, mặc kệ “Mai có úa màu, Hoa có lạc tận”
hay không!!!.
Những
bó tiền lấy từ sinh mạng người dân cứ ngang nhiên nhởn nhơ bay qua biển Thái Bình,
hèn gì dân chúng chẳng đảo điên, nghèo đói, lạc hậu!?
Có
chốn nào sang hơn nước tôi?
Tiền
chia từng bó giữa đêm vui
Mặc
cho sông núi âm thầm khóc
Mất
cả giang sơn, đất mẹ rồi.
Tết
nơi đây có gì vui không?
“Ăn
Tết” là truyền thống tốt đẹp, luôn được trân trọng của người Việt mình, có cây
nêu, có dây pháo, có bánh tét bánh chưng, có “bầu cua cá cọp”, và đặc biệt nhất
không thể thiếu phong bao đỏ đựng tiền may mắn đầu năm, theo cổ tục…tiền vô như
nước.
Nhưng
bây giờ ở hải ngoại, lớp tuổi tay còn cầm vững những phong bao đỏ để tặng cho
con cháu, tiếp nối miền quá khứ huy hoàng (như
khi mới vừa đặt chân lên miền đất Bolsa), dường như sắp sửa lẫn khuất, nhập
tâm vào mấy cội Mai già, cuối đầu ôn dĩ vãng.
Ngồi nhìn thời gian trôi cũng cùng nghĩa với ngồi đếm chuỗi đời mình rụng
bớt. Khoảng giữa từng không là tiếng
nói, tiếng hát đậm đà một âm sắc, một khua động tâm tư, ngôn ngữ cùng đất mẹ,
nhưng liệu có thể hòa quyện cùng tầng số của nhịp đập trái tim? Điều này đâu dễ gì kiểm chứng bằng sự nhởn
nhơ nhìn ngắm, được thể hiện trên từng nét mặt của mỗi người khi đi chợ Tết, chợ
hoa hay thực tế hơn là chợ “ăn vặt”. Bao
giờ cũng vậy, đi chợ Tết đối với tôi là cố đi tìm lại sắc màu quá khứ đã nhiều
thập niên bị gián đoạn, nên năm nào gần đến Tết, tôi cũng xuyến xao lần mò bấm
số điện thoại, mời gọi mấy người bạn đã cùng tôi tham dự hội chợ Xuân hàng năm,
rủ rê anh chị A:
-Anh chị đi chợ Tết chưa dzậy? Nếu chưa, cuối tuần này mình có muốn cùng
nhau thăm chợ không?
Câu
trả lời lạ lẫm buông suôi:
-Bà
ơi, từ lúc hội chợ khai mạc, tui cũng tính rủ ông bà để đi với nhau cho đở nhớ
Việt-Nam, nhưng ông xã tui năm nay dở hơn năm rồi nhiều, mệt mỏi quá, lại thêm
bị lãng tai nên không chịu đến đám đông nữa bà ơi…
Xem
chừng năm nay, mới “ra quân” đã lãng đãng sắc màu tiêu cực, tôi hơi chán, nhưng
suy nghĩ…còn nước còn tát, tiếp tục lần mò gọi đến anh chị B, lập lại “điệp
khúc”:
--Anh chị đi chợ Tết chưa dzậy? Nếu chưa, cuối tuần này mình có muốn cùng
nhau thăm chợ không?
-Bà
chưa biết chớ anh xã tui mới lái xe cọ quẹt tùm lum. Mắt anh ấy bị tăng độ. Trời vừa sụp tối không còn nhìn thấy rõ nữa. Nói chung, anh ấy đang tự chán con đời u ám của
chính mình… Chắc năm nay tụi tui bỏ một
lần thăm chợ quá bà ơi.
Nỗi
buồn lo chán nản của hai người bạn thân quen đã nhanh chóng lây sang tôi rồi trời
ạ. Tôi thẩn thờ buông chiếc điện thoại
xuống, nhìn ra vuông cửa bếp. Hoa lá vẫn
xanh tươi, bươm bướm đủ màu tung tăng lượn cánh, trời dịu nắng và con mèo Hoàng
Kim mập ú bên hàng xóm đang thảnh thơi ngồi rửa mặt, kiên nhẫn đợi chờ vài hạt
mưa Xuân. Đường đời dường như đẹp hơn mỗi
lúc Xuân về, nhưng sao các bạn tôi ủ dột đến vậy? Bao lâu nữa sẽ đến lượt tôi đây? Hay đã đến rồi nhưng tôi không nhận biết, vì
tôi còn hy vọng vào nhiều thứ khác hơn là bệnh tật. Và cũng bởi tính tôi ham vui, ham thêm mấy từ…còn
nước còn tát nữa.
Đang
thất mùa tình…bạn, bỗng có tiếng chuông thánh thót gỏ liên hồi kéo tôi về thực
tại, cắt đứt dòng suy nghĩ miên man buồn hắt hiu. Cửa mở, nụ cười tươi rói của đứa cháu gái
ngang hông nhà làm tôi giựt mình:
-Ái
da, đi đâu đây? Sao không gọi trước lỡ
dì đi vắng…
-Gần
Tết rồi, con muốn thử vận may mà dì.
Tôi
tròn mắt nhìn đứa nhỏ mới 11 tuổi, nói tiếng Việt y như… người Việt.
-Ai
dạy mà con biết gần Tết nên thử vận may?
-Con
“leo” lên Google để đọc về ngày Tết của mình.
Con sợ sẽ bị vài bạn giỏi tiếng Việt chọc quê nếu trả lời ấm ớ các câu đố
của chúng nó. Con cũng ráng nghe chương
trình Đố Vui Để Học trên TV, tập cho đúng giọng Việt Nam nữa đó dì ơi.
Tôi
lặng nhìn đứa nhỏ một lần nữa, thật lâu, thật ấm áp, thật hài lòng:
-Vậy
bây giờ qua thăm dì hay lại muốn thử thời gì đây nữa?
-Mẹ con bận quá nên con muốn…rủ dì đi chợ
Hoa Phước Lộc Thọ, dì có rảnh để đi với tụi con không dì?
Chỉ
trong một phần ngàn tỷ thời lượng, hình bóng mẹ tôi lúc còn tại thế bỗng lồng lộng
tươi cười đứng cạnh bên tôi, với từng lời tuy nhỏ nhẹ nhưng thật rõ ràng: tre già, măng sẽ mọc, chớ lo lắng nhiều, nhớ
mãi nghen con.
Gió
Xuân phơi phới từ lúc nào đã len lén lùa qua song cửa, ngào ngạt hương tuổi
thơ, tuổi ngọc, tuổi chồi tươi mới nhú trên khuôn mặt phảng phất mùi hoa Ngọc
Lan của đứa cháu, quá bất ngờ, hơn cả hy vọng còn nước còn tát của tôi nữa, tạo thành rừng Mai năm cánh tươi non,
rừng rực Xuân Thì đang đâm chồi thắm xinh nơi hải ngoại, tiếp nối từ bao mùa
Xuân cũ ở quê nhà, tràn lan tươi tắn mãi hoài đến tận ngàn sau.
Nhất-Phương