Monday, October 31, 2016

ĐÊM SÂU (Đặng Kim Côn)




Đêm Sâu
                           
 
Người đàn ông quay lưng lại nhìn theo tay một nhân viên soát vé ở cổng vào võ đài, cách đó chừng năm, bảy mét, giữa đám khán giả chờ vào cổng, hoặc đang mua vé, hoặc đang đứng tốp năm tốp ba nói chuyện. Một thiếu nữ đứng khoanh tay dán mắt vào người giữ cổng và ông.
Người đàn ông trên dưới bốn mươi, mặc bộ Âu phục màu trắng - sắc phục trọng tài trên võ đài - tiến về phía cô gái:
-Xin lỗi, có phải tôi là người cô định tìm không?
Cô gái chừng hai ba, hai bốn tuổi, mở to đôi mắt nhìn người đàn ông, chừng như để xác định là đúng người nàng muốn tìm, rồi dè dặt lên tiếng:
-Chú không nhận ra cháu?
Người đàn ông khựng lại mấy giây, khuôn mặt khả ái ấy, nụ cười xa xôi ấy, và nhất là đôi mắt biết nói, mà ai gặp qua một lần thì thật khó mà không nằm mộng:
-Ồ, mấy tháng trước trên xe đò? Cô ở đây?
-Chú đâu cần vào sớm làm gì phải không? Ði uống nước với cháu nhé. Không phải là mấy tháng trước mà là hơn 3 tháng rồi, cháu cứ nghĩ không gặp chú nữa. Cô quay lưng, ông bước theo. Cô nói tiếp:
-Tình cờ đọc tên chú trên mấy tấm bích chương quảng cáo võ đài, cháu chợt hiểu ra tại sao hôm nọ chú khéo léo thế.
Một chút tự hào, nhưng cũng không khỏi lúng túng, người đàn ông ra vẻ khiêm tốn:
-Khéo gì đâu - may mắn thôi đó mà. Không ấy mình có thể đứng chơi ở đây nói chuyện, khỏi vào quán nước đi, nhạc nhiếc ồn ào lắm.
Cô gái có vẻ như bước nhanh hơn:
-Ở đây người ta cũng đông đảo vậy, hay là mình dạo một lát đi, còn sớm mà phải không chú?
Người đàn ông không trả lời câu hỏi, đôi chân cũng nhanh theo cô gái:
-Cô cũng sẽ vào xem đấu chứ?
-Cháu có định vào tìm chú nếu không gặp ở đây, bây giờ thì không biết. Ðánh lộn ghê quá.
-Chú muốn cô xem, lâu lâu đánh lộn có công an canh gác bảo vệ, bỏ qua cũng uổng.
Dường như cô gái thấy không có nhiều thời gian, nên không muốn bỏ trống một giây phút yên lặng nào:
-Dạ, tính sau, nhưng mà, chút xíu nữa quên, chú bảo hôm nọ may mắn, cháu không nghĩ vậy đâu, cái gì cũng nhịp nhàng hết, chú đỡ cho cháu mấy cú đấm, lách qua lách lại có chút xíu mà thằng ăn cắp ngã xuống sàn xe, đồng bọn của nó cũng bị hành khách tóm giao công an, bây giờ cháu mới hiểu mấy hành khách đó là đệ tử của chú.
Cái không khí nhộn nhịp ồn ào của trước cổng võ đài đã ở khá xa sau lưng họ. Con đường xâm xẫm tối, yên ả như hai chiếc bóng quấn quít dưới chân, trăng rất sáng trên đầu mấy ngọn tre xa xa như cố dẫn hai chiếc bóng đi xa hơn vào bóng đêm yên ả.
Ông giải thích:
-Cái may mắn thứ nhất là thói quen cảnh giác trong quân đội của chú ngày trước, ngay khi bọn chúng bước lên xe với những lời lẽ giang hồ chú đã cảm thấy bất ổn. Khi chúng xưng là bộ đội từng vào sinh ra tử hết chiến trường B đến chiến trường K chú đã xác quyết thêm một phần. Cái may mắn thứ hai là thời học sinh chú đã từng lăn lóc với mấy đám bụi đời, chú khá rành mấy môn chơi của họ, trong đó có môn bài ba lá mà cô đã thấy, chúng dùng để dụ những hành khách tham lam nhẹ dạ trên xe, mà cũng lại thu hút sự chú ý của những người khác, khiến cho họ chểnh mảng mất cảnh giác cho đồng bọn của chúng ra tay. Chú giả vờ thích thú với mấy con bài, cô thấy là có nhiều người nín thở lo lắng cho chú khi thấy chúng bám lấy chú…
Cô gái ngắt lời :
-Ý chú là dụ cho họ không còn cơ hội lừa gạt người khác?
-Cám ơn đã hiểu đúng.
     Cô gái vẫn thắc mắc:
-Thế thì còn thời gian đâu mà chú thấy kịp cái túi xách của cháu bị chúng lấy cắp?
-Chú đã bảo là cái tên bài ba lá gây sự chú ý cho mọi người, tạo sự mất đề phòng để đồng bọn của chúng dễ thao túng. Nếu cái đôi mắt ngơ ngác ngây thơ của cô trở thành mục tiêu của chúng, thì những cặp mắt láo liên của chúng cũng không thoát ra khỏi sự canh chừng của chú; may nữa là xe chạy nhanh, chúng chưa kịp phóng xuống xe thì chú đã kịp gọi cô.
-Cháu sợ đến muốn ngất xỉu, cháu chẳng biết làm gì khác hơn là nhoài theo chụp áo hắn; may chú không kịp đứng dậy, hắn đục cháu phù mặt. Cho cháu nghe tiếp nghe tiếp, chú!
-Thì chú cũng đang muốn cô tin những may mắn đã xảy ra, như ngay lúc nó đấm cô, thì chú là người thứ ba giống như trọng tài bên ngoài hai võ sĩ, chú chỉ cần xô nhẹ cánh tay nó qua bên kia là cô thoát khỏi quả đấm của nó, và khi nó đang chúi về phía trước, bình thường chỉ cần vấp cái chân của cô nó cũng ngã, đằng này chú đã tạt mạnh vào chân nó ra phía sau thì nó không ngã mới là không bình thường, vả lại chú cũng dựa hơi mấy đứa học trò, vừa thấy chú nhổm dậy, năm đứa nó đã bám cứng cái đám lưu manh ấy rồi.
Cô gái nói nhỏ, cứ như là câu chuyện mới vừa xảy ra:
-Tạ ơn Trời Phật đã cho cháu gặp chú.
Ông đưa tay choàng qua lưng cô, bóp cánh tay nàng nhè nhẹ:
-Ðừng nói quá chú quê.
Một thoáng bối rối, nhưng cô gái kịp trấn tỉnh. Một cảm giác yên bình trong vòng tay che chở của người đàn ông có võ, đứng tuổi,
-Cháu nói thật mà, cháu thường đi chùa, cháu tin là Trời Phật đã giúp cháu.
-Cô được phù hộ những gì rồi?
-Thì không bị mất cái túi tiền là một.
-Có một nghĩa là có hai?
-Dạ, chú đoán thử.
-Không bị thằng ăn cắp đục phù mặt.
Cô ấp úng:
-Ư, ư ...Không phải đâu.
-Chịu.
-Cháu cầu được gặp lại chú.
Vẻ thành thật và hiền lành của cô gái làm ông không lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn hỏi như một lời trách yêu:
-Làm gì? Quan trọng đến vậy sao?
-Dạ, nói một lời cám ơn.
-Khổ quá, cô làm chú áy náy. À, mà sao cô biết tên chú?
-Thì hôm nọ ở công an lập biên bản ấy, có tên chú là nhân chứng mà. Chú đi rồi thì cháu cũng gặp rắc rối ở công an. Họ khó dễ, tiền đâu lắm thế, cháu nói đi nói lại là tiền thuế của trạm công tác cháu chuyển về phòng, họ cũng không chịu. Mấy tên ăn cắp thì có vẻ “phe ta” với họ lắm. Mình là nạn nhân thì ngược lại họ coi như tội phạm. Giấy tờ chứng từ gì cũng không giá trị đối với họ. Cuối cùng cháu phải nhắn cơ quan ra nhận về.
Ông pha trò, một cách nửa đùa nửa thật:
-Biết đâu thu nhập chính của họ là lương bọn kia trả? May cô là cán bộ thuế, cô có đọc “Tiếng kêu con chim gõ kiến” không? Chính họ viết đấy. Cái cô gái đi buôn bán bị vào công an một đêm... sáng ra chỉ còn là cái xác, bị đổ thừa tự tử...
Ông siết nhẹ vai cô, họ cùng nhau ngồi xuống thành cầu của một con mương nhỏ, nhìn dòng nước lấp lánh dưới vầng trăng.
-Cám ơn Trời Phật. May có chú, chứ không, không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong bóng tối của những phòng giam.
-Ðủ rồi, cô cứ đưa chú lên tận cung trăng.
Hình như con đường từ cổng võ đài đến con mương này là đủ kết thúc một đoạn đường ngập ngừng xa lạ, cái mong mỏi nhiệt thành từ người này đã thấm đẫm qua người kia, họ thấy không còn khoảng cách nào giữa họ, cả hai cũng trở nên dạn dĩ, cô gái chợt thấy mình lớn lên:
-Không dám đâu, trên đó có chị Hằng, nguy hiểm!
-Vậy thôi mình trở xuống đi. Mà dưới này thì cũng có một chị Hằng, có nguy hiểm không?
-Chị Hằng này ăn chay tháng bốn ngày mà. Chị Hằng đang thèm nghe nói chuyện. Mấy giờ bắt đầu đấu vậy chú?
-Sớm nhất cũng phải 8 giờ rưỡi.
-Chú có phải đưa học trò vào võ đài không?
-Mấy đứa nó có giấy vào cổng. Chúng đi đấu cốt yếu là đi chơi, mỗi nơi có thêm một vài quen biết, kỷ niệm. Ðể cho chúng tự nhiên vui hơn, đi đâu dắt tụi nó theo đó thì cũng ra vẻ ông thầy, nhưng mà sẽ không ai thoải mái hết.
-Chú tâm lý quá, với lại ông thầy cũng có mục của ông thầy, phải không?
-Làm ơn, đừng giàu tưởng tượng quá.
-Phải hay không thôi mà?
-Phải thì sao mà không thì sao?
-Sao tính sau, còn bây giờ, phải hay không?
-Bây giờ thì phải, còn cách đây 30 phút thì không.
-Không dám đâu.
-Nếu phải, thì sao chú đã vào sàn đài chi sớm vậy?
-Biết đâu lại chẳng có mục gì trong đó. Chú học võ từ bao giờ mà trở thành võ sư vậy?
-Chú không có học võ. Bố Chú là võ sư có nhiều học trò. Chú từ bé đến lớn ốm yếu èo uột, lại phải vào lính, xa nhà nên không được bố truyền nghề. Ði tù về buồn quá, gặp lúc võ đài đang ăn khách, nhà nước thường tổ chức võ đài gây quĩ, chú tập bậy bạ cho mấy đứa cháu tham gia, sẵn tên tuổi của bố chú, sẵn có chút vốn liếng từ bé, quen thấy bố dạy đệ tử, chú đọc thêm sách vở, vậy là ra một cái võ đường.
-Ông bố chú?
-Ông cụ mất ngay những ngày đầu 75.
-Sao thế chú?
-Bị “cách mạng” xử tử.
Cô gần như dựa hẳn vào người ông.
-Ồ, cháu xin lỗi đã nhắc chuyện buồn. Họ không làm khó dễ chú sao?
-Lúc đầu chú cũng sợ. Tên chú đã nằm trong tất cả các hồ sơ đen của công an, chính quyền họ theo dõi chú từng ngày, có khi cả ban đêm, chú bỗng nảy ra sáng kiến, quần chúng hóa cái tên của chú, nghĩa là trở nên một nghệ sĩ của sân khấu giống như mình chui thẳng vào trung tâm bão để tránh bão.
-Không trở ngại gì hết?
-Có, chú đi làm ruộng ở một điểm kinh tế mới của xã chú, cách đó gần hai chục cây số, nơi đó điểm trưởng, an ninh đều là người của chế độ cũ, chú dạy mỗi ngày một tiếng đồng hồ trong nhà ông điểm trưởng bà con nhà chú, sau một tháng, được tin có võ đài ở một thành phố lớn, chú vào đó gặp một số võ sư trong ban tổ chức là bạn của bố chú ngày trước, xin tham gia không đòi hỏi tiền thù lao gì cả, họ rất mừng vì có được một võ đường ở xa, mà lại được bỏ túi các tiêu chuẩn đáng lẽ phải trả cho chú, vậy là họ cho chú một hợp đồng đóng dấu thể dục thể thao tỉnh đàng hoàng. Và cũng nhờ giấy này mà nửa tháng sau đó, công an huyện đột xuất  lên kiểm tra điểm, nghe báo cáo sao đó, đã xộc thẳng đến nhà ông điểm trưởng bắt chú còng tay dẫn ra ủy ban xã. Suốt một đêm, họ bắt chú nằm ngửa trên một cái băng dài, thòng chân tay xuống dưới đất trói chụm tay chân lại, và dặn dò đám du kích xã “canh phòng cẩn thận, nó là võ sư, trung úy ngụy, nó tháo dây được là nó giựt súng bắn chết hết đó” Cô không tưởng tượng được đêm đó chú bị đau nhức ra sao. Sáng hôm sau lấy lời khai, họ buộc tội chú lập tổ chức chống phá chính quyền. chú đưa tờ giấy cho họ xem, và trình bày võ thuật đang là một phong trào rất được chính quyền quan tâm, đem lại doanh thu rất lớn cho nhà nước. Mấy tay công an trẻ măng, gọi chú bằng mày, “mày thần thánh gì dám nói dạy con người ta hai tháng đi đấu đài? Giết người à?” Chú chứng minh tôi mới từ trại “cải tạo” về chưa quá hai tháng, và làm ruộng ở đây chưa quá tháng rưỡi, sẽ cũng chính những đứa học trò này, hai tuần nữa đi thi đấu. Rất may họ là những công an mới, hung hăng nhưng dốt nát, thấy con dấu đỏ lòm là giật mình, sợ đụng chạm cấp trên, nhất là cơ quan đó thuộc tỉnh. Họ bắt chú làm thủ tục, tự khai, kiểm điểm, cam đoan rồi thả.
Cô nghiêng đầu lên vai ông, hai tay cô ôm lấy cánh tay ông:
-Dạy có khó không chú?
-Dạy đánh lộn thôi ấy mà, hồi trước bố chú dạy võ ta, bài bản, quyền thảo, thập bát ban võ nghệ thì khó, còn võ tự do hiện nay - người ta vẫn bắt gọi là võ dân tộc cổ truyền, người ta muốn tránh hai chữ tự do, chứ nó chẳng còn chút cổ truyền nào - thì chủ yếu là đánh, cho tới nay thì nhiều võ sư vẫn dạy một hai năm mới cho học trò lên đài, học trò chú chỉ trên dưới hai tháng là có thể cho lên đài,  dĩ nhiên mới ra trận thì mình cũng dè dặt lựa đối thủ vừa sức chúng.
-Làm sao biết hết được
-Trong nghề, lại gặp nhau hoài phải biết thôi cô, đôi khi cũng lầm, nhưng ít. Được cái là học trò chú không được phép từ chối bất kỳ cao thủ nào khi Ông Thầy bảo chúng bắt tay nhận lời xếp cặp của ban tổ chức.
-Giết người.
-Còn không mau Mô Phật?
-Cháu sẽ cầu nguyện cho chú. Ồ quên, chú chưa nói kết quả các trận đấu đầu tiên sau lần bị công an bắt.
-Một thắng, hai thua, một hòa, quan trọng là chú không tránh né bất kỳ võ sĩ nào cùng hạng cân, mà ban tổ chức muốn xếp cặp với võ sĩ của chú, nhờ lì vậy mà nhiều năm liền sau đó tên tuổi võ đường chú rất được các ban tổ chức trong và ngoài tỉnh thích mời tham dự, chú tổ chức phòng tập ngay tại nhà chú, môn sinh mỗi ngày một đông, tên chú thay vì để theo dõi đã trở thành tên của đám đông, của sự ngưỡng mộ.
-Và đi đến đâu cũng được các em săn đón?
-Không có em đâu, cháu gái thì có.
Chỉ cần nghiêng mặt nhẹ một chút là mũi ông đụng phải đầu cô, ông hôn nhẹ lên mái tóc thoang thoảng mùi thơm dầu gội, tay ôm vai cô vỗ nhè nhẹ.
-Mấy cháu có làm phiền chú không?
-Không có “mấy”, một thôi.
-Có không?
-Có đây.
-…
-Buồn hay vui?
        -Run.
        -Mình trở lại đi, xa quá rồi.
        Nàng mơ màng:
        -Trở lại đâu, từ đầu? hôm qua? ba tháng trước?
        -Trở lại đài, kẻo trễ.
        Họ quay trở ra con đường nhựa dẫn đến võ đài, đường chợt sáng chợt tối bởi những chiếc xe thỉnh thoảng vụt qua. Vầng trăng như mờ dần đi và người trên đường càng lúc càng nhộn nhịp hơn, vầng trăng mà dường như chỉ sáng khi chỉ có hai người, còn bây giờ ánh đèn điện trong sân võ đài và tiếng ồn ào của khán giả đã bắt họ phải để vầng trăng tiếc nuối của họ bơ vơ sóng sánh dưới con mương .
        Sắp đến giờ thi đấu nhưng khán giả bên ngoài vẫn còn khá đông, khi họ sắp bước vào cổng, một người đàn bà đứng ở đó tự bao giờ. Cô bé lính quýnh không kịp buông tay ông ra:
        -Mẹ, mẹ cũng xem võ đài?
        Người mẹ, đẹp, chừng ba lăm ba sáu gì đó, mở to đôi mắt nhìn ông thật nhanh rồi không kịp giấu vẻ hốt hoảng giận dữ, chỉ tay về phía chiếc gắn máy dựng cạnh đó:
        -Về nhà mẹ có chuyện nói với con.
        Bà vội vã lên xe rồ máy, cô bé bước đến bên mẹ:
        -Mẹ về trước, con lấy xe về ngay.
        Người mẹ vùng vằng dậm số, chiếc xe vọt ra đường. Như chưa kịp sang số, đột nhiên chiếc xe lăn quay ra, tiếng máy rú mạnh lên rồi im bặt. Cô bé và ông chạy ùa tới, ông vội vã đỡ chiếc xe đang nằm đè lên người đàn bà, giao xe cho cô bé hối:
        -Nổ máy đi
        May là máy xe vẫn còn nổ được, ông đỡ người bà mềm èo ngồi lên xe, bảo cô bé lái xe đi bệnh viện cách đó chừng 500 mét, đủ để máu từ người bà thấm ướt một bên áo quần ông, sau khi đưa bà vào phòng cấp cứu, bác sĩ khám qua, thấy bà đã tỉnh táo trả lời được các câu hỏi của bác sĩ, ông bảo cô bé:
        -Chú có mấy độ phải làm trọng tài và giám định, chú cần báo cáo ban tổ chức để họ bố trí người khác, chú sẽ trở ra ngay, cô trông nom mẹ.
        -Dạ, chú lấy xe  mẹ cháu đi đi.
 
[]
 
        Bà mẹ của cô gái nằm quay mặt vào vách khóc rưng rức. Ông rón rén đến đứng khoanh tay bên giường. Không lẽ cứ như vậy mãi, ông tìm lời cắt đứt cái không khí im lặng nặng nề:
        -Sao không nằm bệnh viện mà lại đòi về?
        Bà chống tay ngồi dậy, ông vội vàng giữ cho bà nằm yên.
        -Nằm nghỉ đi, không được khỏe mà, đau lắm không?
       -Ðau, đau lắm, chắc chưa bao giờ đau đến vậy. Tôi đâu có nợ gì với ông phải không? Chốt hộ tôi cánh cửa phòng.
        Ông riu ríu quay lại kéo chốt cửa rồi từ từ bước lại ngồi xuống giường bà:
        -Ðỡ chút nào không? sao mà rủi quá vậy?
        -Rủi? Có thật là ông không biết suýt nữa ông đã giết chết tôi sao? xe thì lao mạnh, mà đầu óc mắt mũi đột ngột tối sầm lại, chắc là vấp phải cục đá, bác sĩ họ muốn theo dõi sọ não, nhưng tôi biết ông sẽ tới, ở bệnh viện không tiện, ông và con nhỏ quan hệ thế nào?
        -Mới hôm nay, một khán giả ái mộ, như bà ngày xưa, cứ đọc lén nhựt ký người ta rồi bóng gió vẩn vơ.
        -Lạc đề rồi, ông không thấy nó hiền lành tội nghiệp lắm sao. Như một nữ tu, cứ bảo là tiền căn tiền kiếp gì ấy muốn xuất gia. Ông có tin hậu quả cũng từ ông không?
        -Vớ vẩn.
        -Người chẳng biết tình yêu là gì thì sao hiểu được.
        -Nói rõ đi.
        -Cũng vô ích thôi, mấy chục năm sau cái đầu vẫn còn lãng đãng như người cõi trên. Không phải tại ông thì tôi đâu phải lấy một người chồng mà tôi đã sớm biết sẽ không kéo dài được bao lâu, không phải tại ông thì thằng chồng đã không ăn chơi sa đọa, nghiện ngập rồi đổ thừa tại ghen tuông, đưa ra tòa ly dị để cho con bé ôm cái mặc cảm tủi hổ, đơn độc. Có thật là ông cũng không biết tôi đến sân vận động tìm ông không? Ồ, quần áo ông bẩn quá không thay cho tôi nhờ, bộ muốn làm khổ nhục kế?
        -Làm ơn. Nói như phim Hồng Kông. Sao lại ở nơi này?
        -Ði kinh tế mới, lén lút đi buôn chuyến, đỡ đỡ chạy về mua nhà ở đây.
        Bà thở dài, nói tiếp:
        -Sau 75, có còn ai biết ai ở đâu nữa. Ði cải tạo, chết, về quê, đi kinh tế mới, vượt biên, tan tác hết. Mấy địa chỉ, mấy ngôi nhà quen, mới mấy tuần trước mình còn lui tới, đột nhiên có những cái bảng đỏ tổ bố trước nhà, thành cơ quan, thành trụ sở gì gì đó, mà gia chủ thì đi đâu, ở đâu chẳng ai biết, có khi cũng chẳng dám biết. Phải vật lộn với 21 kí gạo trả công mỗi tháng,  21 kí gạo cho tất cả mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, ông ở trong trại ông không hiểu đâu. Không làm thì không thể mua được gạo. Suốt mấy năm trời, ai còn  sức đâu mà đi tìm một cách vô vọng, một người mà ngay cả trước 75, người ta chỉ biết có đơn vị.
        -Tôi có đòi hỏi gì đâu, bà nghĩ ở tù sướng lắm sao?
        -Cùng lắm thì cũng là ở tù. Ði làm, rồi ăn, có đói một chút cũng còn có miếng ăn, ở ngoài nhiều người muốn làm cũng chẳng có gì làm, chết đói, chết bệnh, chết lạnh, la lết xin ăn nhan nhản ngoài đường, lúc khác hẵng cãi đến chuyện đó, bây giờ tôi hỏi ông, ông có tin là con bé hiền lành nhút nhát tội nghiệp lắm không?
        -Còn yếu đuối nữa, tôi nghĩ là phải có người hiểu cô ấy, an ủi cô.
        -Làm ơn, ông thấy tôi chưa đủ khổ sao? Một gia đình thế ấy, con bé khoanh mình trong vỏ ốc mặc cảm, buồn chán.
        -Tôi đã thấy nhỏ vui.
        -Vui như con thỏ nhảy nhót trước ánh đèn của một gã thợ săn.
        -Nói nghe kinh quá, ở đâu có mấy câu cải lương đó vậy?
        -Học được từ nhật ký của một gã người yêu ba xạo .
        -Dấm dẳng kiểu đó bảo nó không xạo
        -Chịu là xạo rồi phải không?
        -Mệt bà quá, nhưng tôi chỉ nghĩ tôi sẽ giúp con thỏ tươi tắn yêu đời, trở lại với khu rừng cỏ xanh non bình yên.
        -Trở lại hay loanh quanh chết lạc trong rừng? Tôi van ông, tôi đã biết cái rừng cỏ xanh non ấy rồi. Không cần biết mục đích, ý nghĩa gì hết, nếu nó đã có gì trong lòng, nó sẽ buồn một chút rồi thôi, hơn là nó cứ đi hoài không tới cái rừng cỏ xanh non mà nó nghĩ là nó đã thấy.
        -Bà không nghĩ tôi tệ quá vậy chứ? nhất khi bà lấy chồng tôi cũng còn bơ vơ mà, phải không?
        -Hay quá nhỉ? Ông đừng làm điên tiết tôi lên, tại sao thì ông đã hiểu rồi, không phải ông đã hả hê lắm khi thấy con rối trong tay ông hoàn thành cái vai của nó?
        Ông đặt bàn tay lên vai bà, vỗ nhẹ, vừa tưới nước vừa châm dầu:
        -Hạ hỏa đi, đừng hung dữ nữa, chúng ta đã không còn là mình của ngày xưa nữa, một thế giới khác, một hoàn cảnh khác, cứ trách nhau thì biết bao giờ mới hết chuyện để trách. Tóm lại bà muốn sao thì sao đi, đừng được ăn được nói đổ tội cho tôi, được không? Nếu chúng tay gặp lại nhau sớm ...
        Bà gỡ bàn tay ông ra khỏi vai, nhưng cánh tay ông thì lại nằm yên trong hai bàn tay của bà, với mấy giọt nước mắt ngập ngừng trên má, bà nhỏ giọng:
        -Em chết mất. Em muốn điên lên nữa quá, em mà hung dữ được với ông thì ông đâu có quay em như con quay thế này.
        Ông bối rối hỏi một câu ngớ ngẩn:
        -Bà định tìm tôi có việc gì không?
        -Việc gì lúc đó quên rồi, có nhớ thì bây giờ cũng khác. Bây giờ thì chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nữa, đúng không?
        Một chút im lặng và ông gật đầu.
        Nước mắt bà trào ra giàn giụa, ôm chặt cánh tay ông đưa lên miệng cắn nhẹ.
        -Ðau không?
        Ông lắc đầu, bà lại cắn mạnh hơn, thật mạnh. Ông ráng chịu:
        -Nữa đi. Ăn thịt luôn cũng được.
        -Em cũng muốn vậy. Ông ác quá. Ông còn ở đây bao lâu?
        -Tôi không muốn ở lại đây nữa đâu, lát nữa trở lại đài giải quyết mấy đồng bạc xong là tôi ra đón xe về.
        -Con nhỏ có biết em với ông thế nào không?
        -Tôi đã không nói gì, còn bà đã bảo với nó thế nào thì tôi không hiểu.
        -Em chỉ nói là mẹ cần nói chuyện với chú, nó nghĩ là em sẽ phiền trách chuyện ông quen nó và yêu cầu ông nên xa nó.
        -Bà nghĩ có hậu quả gì không?
        -Em đã nói là nếu có gì trong lòng nó, nó sẽ buồn, sẽ oán trách em, rồi sẽ hiểu, rồi sẽ quên. Nhưng như vậy  tốt hơn. Ông nhận là đã có gì rồi phải không?
        -Không .
        -Ông đi đi
        Nhưng hai tay của bà vẫn chưa rời cánh tay ông
 
   Đặng Kim Côn              
                         1988



Friday, October 28, 2016

BIỂN TÌNH (Thukỳ)

Ôi những áo dài quá nên thơ
Thi nhân mặc khách phải ngẩn ngơ
Chắp cánh, đàn “chim về Núi Nhạn”
"Biển Tình” hội ngộ thỏa ước mơ. 

Những tà áo dài Việt Nam tung bay trên vùng biển Caribbean đã làm tăng thêm ý nghĩa của chiếc du thuyền mang tên “Biển Tình” (“Enchantment of the Sea”) nơi hơn 350 “cánh chim hải âu phi xứ” Phú Yên đã hội tụ để tổ chức Đại Hội 6 mang chủ đề “Chim Về Núi Nhạn 2”.


Mặc dù có những lời đồn ác ý là chuyến viễn hành bị hủy bỏ vì trận bão Matthew ngoài khơi Florida gây tử vong cho hơn 1,000 người ở Haiti (nghe tin có người còn mời thầy pháp cầu nguyện cho tàu bị gặp nạn); nhưng vì “ham zui” (chứ không ham chức), thầy trò đất Phú vẫn háo hức tụ tập về khách sạn Hilton Miami Airport để thực hiện một cuộc hội ngộ trong vòng 1 tuần lễ được mô tả là “thành công ngoài sức tưởng tưởng”.  Sau đây là diễn tiến của “tuần trăng mật”:

I. TIỀN ĐẠI HỘI:
1.     Tại Khách Sạn: (Thứ Bảy, 15 tháng 10) Các du khách tại khách sạn nói rằng họ chưa bao giờ chứng kiến một nhóm du khách nào đông như “Phuyen Reunion Group”.  Họ vô cùng ngạc nhiên khi biết có những chàng “nam sinh” trên 70 tuổi vẫn còn hãnh diện đi bên những cô “nữ sinh” duyên dáng, nở những nụ cười thật tươi khi họ được gặp nhau sau hơn…40 năm xa cách.
Khi mới hình thành, những anh chị em Ban Tổ Chức Đại Hội 6 cũng chỉ mong quy tụ được khoảng 100 người, vì họ biết đây là một công việc vô cùng khó khăn, nhất là ở thành phố đông đúc và phức tạp như Miami; nhưng không ngờ, hơn 300 “lão sinh” đã gom góp tiền hưu, tiền già, tiền “heo đất”…để mua vé tàu tận hưởng “tuần trăng mật” bên nhau; thật đúng câu “già mà ham zui” (xem Phóng Sự tếu  “Yamahazui” của Thukỳ).
Ngày hội tụ tại khách sạn Hilton không “như ý” lắm, vì buổi tối Thứ Bảy (15 tháng 10) trời mưa tầm tã; có một số anh chị em đã phải chờ khá lâu tại phi trường Miami, vì Hilton shuttles bị kẹt trong giờ cao điểm (rush hour); Trong lúc loay hoay vì trời tối, Thukỳ đã làm rớt máy hình và bị bể, nên không chụp được hình ảnh của ngày đầu tiên.

Cuối cùng mọi
người cũng đã tươi cười, tay bắt mặt mừng, khi họ đến khách sạn lãnh mũ “thuyền trưởng” và áo “đại hội” mầu xanh dương (có huy hiệu CVNN) để chuẩn bị cho chuyến du ngoạn vào ngày hôm sau (16 tháng 10).
2.     Du ngoạn: (Chủ Nhật, 16 tháng 10)























·        Bus Tour: Cô Jennifer Winter,  Manager của Hilton, nói rằng, chưa bao giờ khách sạn của cô được chứng kiến một đoàn du khách mặc đồng phục đông như nhóm của Phú Yên, đến nỗi những du khách khác phải vào phòng, nhường chỗ cho cho nhóm “lão sinh” ngồi chật lobby, tràn ra trước khách sạn.   Cô Michelle, chủ nhân “Miami Bus Tour Company”, cũng vô cùng ngạc nhiên thích thú được nhìn thấy mọi người trong bộ đồng phục tươi mát leo lên 5 chiếc xe bus chở đoàn người viếng thăm thành phố lớn nhất của Florida, mà hướng dẫn viên du lịch nói rằng “Miami” theo thổ ngữ của dân Da Đỏ là “sweet water”, hoặc đôi khi người ngoại quốc đọc trại sang tiếng Tây là “mon ami” hay “mon amour” (my friend, my love).  Đoàn bus tour đi qua những thị trấn yên tĩnh cỏ non xanh mướt, mà luật ở địa phương phạt những chủ nhà nào để cỏ mọc quá 2 inches (tức khoảng 5 cm).  Chúng tôi cũng đi qua một thị trấn mà tên đường được đặt ở dưới lề đường, với chủ ý là mọi người phải bầy tỏ sự kính trọng đối với thị trấn này bằng cách cúi đầu xuống để đọc.   
·        Boat Tour: Sau bus tour qua những danh lam thắng cảnh của Miami, đoàn người xếp hàng lên một chiếc du thuyền (tour yatch) để thực hiện chuyến "boat tour", chạy dọc theo bãi biển có những cấu trúc tráng lệ, phô trương sự giầu có của thành phố này, mà hướng dẫn viên du lịch nói rằng có những “căn hộ” (condo) trị giá nhiều triệu mỹ kim; còn tư gia thì lên đến hằng trăm triệu mỹ kim, trong đó có những biệt thự, lâu đài của danh nhân và yếu nhân Hoa Kỳ, thu hút sự chú ý của du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Vì ngoài trời gió lớn, nên đoàn “lữ khách” Phú Yên đã vào trong khoang tầu thực hiện một chương trình văn nghệ “đột xuất”, qua đó anh chị em đã nhảy múa, kể chuyện tếu và hát cho nhau nghe.  Dù không chuẩn bị trước, nhưng những “nghệ nhân” đất Phú, đặc biệt là nhóm Đức Trí, đã ngẫu hứng một chương trình văn nghệ vô cùng ngoạn mục, làm anh chàng tour guide phải chào thua, nhường microphone cho nhóm Phú Yên quậy “tới bến”, vang vọng tiếng cười và tiếng vỗ tay trong suốt cuộc hải trình.



3.     Shopping: Sau boat tour, xe bus chở chúng tôi đến Dolphin Mall, một trong những khu vực mua sắm nổi tiếng ở Florida, với nhiều cửa hàng “brand-name” như Versace, Louis Vuitton.. và food-court rộng lớn, tha hồ lựa kiểu cọ và chọn những món ăn ngon miệng, trong đó có món cơm chiên “cu-ba” lần đầu tiên Thukỳ được thưởng thức, ngon tận…mang tai!
Sau khi shopping đầy “bị” và ăn uống đầy “diều”, đoàn “du mục” Phú Yên trở về khách sạn để tập dợt văn nghệ trong phòng hội rộng rãi và khang trang.  Nhưng vì lội bộ khá dài, nên ai cũng mệt nhừ, đành phải đi ngủ sớm để chuẩn bị cuộc hành trình kế tiếp vào ngày hôm sau.  Số còn lại thì ngồi ca hát cho đến tận khuya mới chịu về phòng ngủ.
Trong lúc mọi người lên phòng ngủ thì bỗng nhiên ông xã Thukỳ đi xuống báo cáo là anh bị… “bí đái”. phải gọi 911 chở vào bệnh viện… (Đón đọc “Buồn Vui Đại Hội” sẽ đăng sau).

 4.     Lên Du Thuyền “Biển Tình” (Thứ Hai, 17 tháng 10):
Từ 6 giờ sáng hôm sau, lobby của khách sạn vang vọng giọng “nẫu” líu lo khi mọi người xuống cafeteria để ăn breakfast.  “Trầu” ơi, Thukỳ có cảm tưởng như mình được trở về quê cha đất tổ ở La Hai; mấy chục năm rầu mới được nghe giọng ríu rít, ngọt ngào, qua đó có cả cô “di cư bắc kỳ” Kim Duyên (bà xã anh Bùi Hiện) cũng “luyện” lại “giọng nẫu” để phụ họa với giọng nguyên thủy (original) của Mỹ Lệ và Thị Bình, zui ơi là zui! 
Ăn sáng xong, nhóm hơn 300 “đệ tử Cái Bang” lại mang theo hành trang, trong đó nhiều “trưởng lão” đeo tới 4, 5 “túi” leo lên những chiếc xe bus trực chỉ bến cảng để lên con thuyền mang tên “Biển Tình” (Enchantmen of the Sea). 

Tại bến tàu, đoàn lữ hành gặp thêm những nhóm “du mục” khác đến trễ, trong đó có nhóm Houston và Dallas của anh Vũ Đình Tùng và chị Lưu Hồng Phúc, cùng những người ở địa phương trong nhóm của anh Lê Chí Hiếu, nhóm Đức Trí của Kathy Bành và Tuyết Hương….

Nhân đây, thay mặt BTC, Thukỳ xin cám ơn các anh chị đã tiếp tay với các nhóm trưởng Hàng Tuyết Hương (Nhóm 1),  Lương Văn Sĩ (Nhóm 2), Cathy Bành (Nhóm 3), Lê Chí Hiếu (Nhóm 4), Lê Văn Thọ (Nhóm 5) và Phạm Đức Hiền (Nhóm 6) trong việc lên xe rất trật tự và tôn trọng lẫn nhau, khiến cho tiến trình lên tàu không gặp bất cứ trở ngại nào, không ai quên giấy tờ tùy thân như thông hành, thẻ xanh, căn cước… và đặc biệt là không ai bị…lạc.

Hành lý cũng vậy, ngoại trừ chị Hồng Hải bị mất “name tag” phải lên phòng dịch vụ để “chuộc” (claim), còn tất cả baggages đều được mang đầy đủ đến tận phòng của mỗi người. Mọi việc đều theo đúng lịch trình một cách hoàn hảo.


Dinner: Khoảng 6 giờ tối, phái đoàn Phú Yên ăn mặc chỉnh tề tụ tập tại tầng 4 của du thuyền để vào phòng “My Fair Lady” thưởng thức buổi cơm chiều đầu tiên trên du thuyền.

Ngồi quanh những chiếc bàn sang trọng, nhóm Phú Yên chiếm hơn nửa phòng ăn, ngồi làm “thượng khách”, thưởng thức món khai vị (starter), order rượu, và món ăn chính (main course).  Có lẽ vì mệt và đói, nên mọi người đã tận hưởng hương vị của những món ăn và thức uống ngon miệng dưới sự phục vụ tận tình của toán đầu bếp và toán phụ bàn đông ơi là đông.  Những nhiếp ảnh gia của du thuyền cũng đến tận bàn để chụp hình cho từng người hoặc từng nhóm.  Mọi người nâng ly chúc mừng nhau khi con tàu lênh đênh giữa đại dương vào mùa trăng rằm tháng 9 âm lịch nên thơ và lãng mạn.


 
 Thukỳ, Ông xã, chị Mai Phương anh Sắc Võ và anh Phạm Đức Hiền


Ăn xong, mọi người kéo nhau sang hội trường “Spotlight Club” khang trang, rộng lớn, có ghế salon ngồi thoải, để sinh hoạt văn nghệ.  Tại đây, chúng tôi đã tâm tình, ca hát, vui đùa với nhau; một số anh chị em thì vào sòng bài tìm vận hên, một số thì đến “Dancing Center” ở giữa du thuyền để ca hát, khiêu vũ, hoặc đến rạp hát để xem show; một số khác đói bụng thì tìm về phòng ăn; một số mệt mỏi thì lăn trên giường nệm có những con thú làm bằng khăn tắm trắng muốt để thả hồn theo giấc mộng đại dương, lâng lâng trên con tàu “Biển Tình”…

5.     Du Thuyền ngày thứ nhì (Thứ Ba, 18 tháng 10)
Breakfast: Mới 6 giờ sáng hôm sau (18 tháng 10) thì mọi người đã “ới” nhau lên lầu 9 vừa uống cà phê, vừa ăn sáng vừa ngắm mặt trời mọc vào lúc bình minh để thấy hồn phiêu diêu theo sóng biển, trước khi về phòng chuẩn bị hành trang du ngoạn thành phố Nassau, khi du thuyền ghé thủ đô của Bahamas. 



Ngoạn Cảnh: Sau khi du thuyền ghé vào Nassau, chúng tôi xuống tàu tôi chia ra từng nhóm nhỏ, thuê xe hơi, xe ngựa, hoặc thuyền… đi ngoạn cảnh, vào sòng bài, hoặc tắm biển, chụp hình…trong vòng 5 tiếng đồng hồ, trước khi trở về du thuyền.  Những nhóm “nhất quỷ nhì ma” đã kể nhau nghe những chuyện tếu (cả chay lẫn mặn) để làm sống lại tuổi học trò qua tiếng cười vô tư và thân ái.
Sau đó mọi người về du thuyền ăn cơm chiều và tổ chức lễ hấp hôn cho 5 cặp:
·        Võ MinhVinh-Hiền
·        Võ Đình Tùng-Thiệt
·        Nguyễn Cần-Lisa
·        Trần Hòa-My Lê
·        Đặc biệt có cặp 50 năm (Gold Anniversary) Nguyễn Bức-Long.
Sau đó mọi người tụ tập tại hội trường để chụp hình những cặp tình nhân, bắt họ hôn nhau, và thề nguyện sẽ không được léng phéng với ai khác.  Hình như có một cặp nói rằng: "Kỳ quá, xin lẫu anh, em hổng biết núc lữ!"

6.     Vì ngày Thứ Tư biển động, nên du thuyền đã không thể ghé đảo Cococay theo lịch trình, nên chúng tôo đã dùng thời giờ để chuẩn bị cho lễ khai mạc Đại Hội 6 Cựu Học Sinh Phú Yên vào lúc 12 giờ trưa ngày 19 tháng 10 năm 2016


II. KHAI MẠC ĐẠI HỘI:
Mở đầu cho lễ khai mạc, anh Lương Văn Sĩ mời Ban Tổ Chức gồm các anh chị:
·        Trưởng Ban Võ Thế Sắc
·        Tổng Thư Ký Phạm Đức Hiền
·        Phó Nội Vụ Lê Kim Đạm,
·        Phó Ngoại Vụ Lê Văn Hòa,
·        Thủ Quỹ Quách Mai Phương,
·        Trưởng Ban Văn Nghệ Lê Văn Thọ,
·        “Thưký” Thukỳ, và
·        Các nhóm trưởng cùng ban hành lễ "liên trường" lên sân khấu để khai mạc “Đại Hội 6 Cựu Học Sinh Phú Yên”.

Dưới sự điều khiển của anh Lê Văn Thọ, hội trường đã khai mạc Đại Hội 6 bằng lễ chào cờ Hoa Kỳ, cờ VNCH và phút mặc niệm tưởng nhớ đến tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.  Anh Thọ cũng không quên những đồng môn và đồng hương Phú Yên đã bỏ mình trên con đường tìm tự do.

Trong lời chào mừng, anh Trưởng Ban Tổ Chức Võ Thái Sắc nói rằng nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của quý thầy cô và các anh chị mà Đại Hội 6 đã tổ chức lần đầu tiên trên du thuyền với trên 300 người tham dự.  Đây là khích lệ lớn lao cho BTC.  Hy vọng quý thầy cô và các anh chị được hưởng những ngày hạnh phúc bên nhau trên vùng biển Caribbean. 

Sau phần nghi thức trang nghiêm, anh TTK Phạm Đức Hiền đã tạo không khí thân mật bằng cách nói rằng, anh mặc bộ đồ vest với áo thun của đại hội nhằm trút bỏ hình thức “lễ nghi” rườm rà, để mọi người hòa đồng với nhau trong tình huynh đệ, không phân biệt thầy-trò, tuổi tác, chức vụ; qua đó có cựu Giáo Sư Hoàng Thế Hào đã trở thành nghệ sĩ “đờn-ca-sáo-thẩu”; Cựu Phó Quận Trưởng Sơn Hòa, và Trưởng Ty Nội An Nguyễn Thế Sáng đã trở thành “Sáng-bí-đái”….

Anh Hiền nói thêm rằng trong lúc 2 ứng cử viên tổng thống chuẩn bị buổi tranh luận cuối cùng, thì cựu học sinh Phú Yên đã tạm quên đi chính trị để hòa mình với nhau trong tinh thần đồng môn, đồng hương, đồng hội và đồng thuyền, nơi mọi người vui cười thoải mái trong buổi hội ngộ mà anh hứa hẹn sẽ vui vẻ, trẻ trung nhất so với các đại hội trước.

Nhờ lời tuyên bố của anh Hiền mà Thukỳ cảm thấy tự tin hơn khi bước lên sân khấu bắt đầu một chương trình “tự phát” với những mẩu chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt, trong đó có chiện kể rằng:
Cô giáo mới nhận lớp, muốn làm quen với học sinh, nên hỏi tên từng em. Đến một học sinh nhất định không chịu xưng tên, cô hỏi:
- Tên em là gì?
- Tên em xấu lắm!
- Có gì mà ngại, em cứ nói đi!
- Không tên em xấu lắm…
- Không sao đâu mà, đằng nào cô chả biết, em cứ nói đi.
- Tên em xấu thật mà;  tên em là cái mà cô thích cầm đó.
- À cô biết rồi…Em tên là “Cu” phải không?
- Dạ không, em tên là Phấn, Ngô Phấn!
(Anh Hiền tiết lộ thêm: cô giáo đó sau này chính là… Hồng Tố Phương, bà xã của anh Ngô Phấn).

Dưới sự điều hợp của 2 emcees Đức Hiền và Thukỳ, Đại Hội “Chim Về Núi Nhạn 2” đã vang vọng tiếng cười và tiếng vỗ tay vang khắp hội trường khi các nghệ sĩ “cây nhà lá vườn” như Văn Thọ, Xuân Thanh, Kim Thanh…  trình diễn những bản tình ca quen thuộc, xen kẽ là mục trình diễn thời trang qua những cặp nam nữ đi bên nhau trong áo quần bảnh bao và lượt là. 
Tiết mục chính của phần văn nghệ là vở hài kịch “Chuyện Tình Lan và Điệp” với:
Michelle Lan, Đặng Lâm, Xuân Thanh, Trương Phong và Nicô Kỳ
·        Bs. Trương Phong trong vai Điệp,
·        Michelle Lan trong vai Lan,
·        Lâm “Bụng Bự” trong vai Phú Hộ,
·        Xuân Thanh “Béo” trong vai Thúy Liễu, và
·        Thukỳ “Ròm” trong vai “ni cô thất tình”: cắt dây chuông chùa và cắt luôn cả “iPhone 7” đã làm khán giả cười nghiêng ngả. 

Thứ Năm 20 tháng 10, tàu cặp bến Key West của Florida, đẹp làm sao với một mũi dài chạy ra biển, những căn nhà cổ kính nhưng vô cùng cao giá, khách du lịch tấp nập mọi nơi, nhiều tour để đi khắp đảo có cả bus, xe ngựa, tàu lửa… Những shopping với bao nhiêu tặng phẩn souvenir quá thơ mộng.

Trước khi xuống tàu, anh Võ Ngọc Trác, cùng chị Trương Thị Thanh Lý đã đến bàn ăn của Thukỳ để nói những lời tâm huyết bầy tỏ sự cảm ơn BTC đã tạo cơ hôi cho gia đình anh, đồng môn và đồng hương Georgia được tham dự một đại hội mà anh mô tả là “tình thương bao la”, thể hiện tình yêu “Núi Nhạn Sông Đà”.  Anh cũng ước mơ đại hội năm tới sẽ được tổ chức tại Atlanta là nơi gia đình anh đang sinh sống.

III. HẬU ĐẠI HỘI: 
Sáng thứ Sáu 21 tháng 10 tàu về lại Miami, sau khi ăn sáng và chuẩn bị chia tay, mọi người đều tiếc nuối vì ngày vui qua quá nhanh tưởng chừng như mới hôm qua… sự luyến lưu bịn rịn thật buồn, có nhiều anh chị đã xin ghi danh cho năm tới, làm cho BTC vô cùng cảm kích và xúc động.


Một số đi thẳng ra phi trường, số đông còn lại về khách sạn…Một vài nhóm đã thuê xe đi xem cá sấu, vườn trái cây, một nhóm đi dạo biển, ăn tôm hùm và càng cua… một số tụ nhau trong phòng họp khách sạn hát cho nhau nghe, ăn pizza và uống champaign đến quá khuya mà chẳng ai muốn chia tay…

Quá súc động, chị Hàn Ái Liên đã đại diện cho anh chi em từ Los Angeles bầy tỏ sự biết ơn ban tổ chức đã bỏ công sức để mọi người được gặp nhau trong 7 ngày đầy tình thương nhân ái.

Đáp lời, anh Phạm Đức Hiền đã đại diện BTC gởi lời cảm ơn chị Ái Liên nói riêng, mà mọi người nói chung, đã tiếp tay với BTC thực hiện được Đại Hội tươi trẻ.  Anh nói nếu không được sự hưởng ứng của quý anh chị thì BTC dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể nào thực hiện được cuộc hội ngộ đông vui như vây; trong đó cảm động nhất là được thấy anh Hàn Tài Nguyên đến tham dự đại hội trên xe lăn.  Vì thấy BTC quá tận tâm, anh Nguyên cũng đã ủng hộ cho BTC một số tiền hậu hĩnh.

(Nhân tiện đây, BTC xin thành thật cám ơn những "mạnh thường quân" đã ủng hộ tinh thần và tài chánh để BTC có ngân quỹ chi trả cho đại hội, như anh Ngô Khôn Liêm đã mang theo một túi tiền lớn do anh Ngô Khôn Chính (dù không tham dự được) tặng cho ĐH 6. BTC vô cùng cảm động.  Chúng tôi sẽ công bố danh sách mới cũng như báo cáo tài chánh sau này.  Xin ngàn lời đa tạ những tấm lòng vàng).

Gặp nhau đây, rồi chia tay,
Ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây,
Niềm hăng say, còn chưa phai,
Đường trường sông núi hẹn mai ta xum vầy…
(Bài Ca Tạm Biệt)

Thay mặt Ban Tổ Chức, Thukỳ xin chân thành cảm ơn quý thầy cô và các anh chị đã khích lệ, gởi thư, chúc mừng để Đại Hội “Chim Về Núi Nhạn” được thành công; đặc biệt là bài thơ đầy ý nghĩa của anh Nguyễn Đình Trình mang tựa đề LÁ THƯ PHÚ YÊN” (Xin bấm vào những chữ đỏ bên để đọc).

Một lần nữa xin thân ái cảm ơn quý anh chị, ước mong mọi người giữ lại những kỷ niệm êm đẹp trong 7 ngày bên nhau.  
Hẹn ngày tái ngộ thật gần. 

Navarre Oct 27, 2016.
Nhớ «nẫu» nhiều, nhiều.
Thukỳ.

Xin bấm vào 2 links dưới đây để xem 2 tập photo albums do anh Phạm Đức Hiền chụp (bằng cellphone):
  1.  BIỂN TÌNH
  2.  DU NGOẠN