Wednesday, June 7, 2023

BẾP LẠNH CỦA CHA (NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG)

 


BẾP LẠNH CỦA CHA.

 

Ngày mẹ mất cha bắt đầu làm bếp,

Chăm sóc các con nhỏ dại mồ côi,

Món ăn lúc mặn lúc nhạt cha ơi,

Con ăn món cha tập tành nấu nướng

.

Khi người đàn ông vào bếp. Tội nghiệp !

Củ hành củ tỏi cha bóc chưa quen,

Hạt tiêu cay ướp thịt cá chưa ngon,

Mà  mắt cha đã cay cay nước mắt.!

 

Cha đi làm, bếp nhà mình im vắng,

Không ấm như căn bếp nhà người ta,

Nồi cơm còn, cha nấu từ hôm qua,

Bát cơm nguội con ăn cho đỡ đói..

 

Cha về muộn nên nấu ăn rất vội,

Bát rau luộc, trứng tráng. Thế là xong…

Những món cầu kỳ con chẳng dám mong,

Dù cha đã cố gằng làm người mẹ..

 

Con vẫn lớn  từ  bếp cha quạnh quẽ,

Tưởng như căn bếp không có hơi người,

Tưởng như căn bếp đã quên cha rồi,

Cha ơi, bếp lạnh như không có chủ..

 

Nhưng con biết tình của cha đầy đủ,

Bàn tay cha vất vả lúc đi làm,

Bàn tay cha lúc ở nhà dịu dàng,

Xới cơm chan canh, con ăn ngon miệng..

 

Con vẫn  lớn từ bếp cha nguội lạnh,

Bếp lửa hồng đã được mấy lần vui ?

Cha đi làm về ngoài cửa chiều rơi,

Bóng dáng cha trong bếp buồn hiu hắt.

 

Nhưng con biết tình của cha nồng ấm,

Tình của cha như mắm muối đậm đà,

Trong mỗi món ăn  cha nấu vụng về,

Con cảm nhận được mùi ngon hạnh phúc.

 

Thiếu tình mẹ có tình cha bù đắp,

Bếp vắng bóng mẹ đã có bóng  cha,

Con đỡ thấy buồn đỡ thấy bơ vơ ,

Bếp lạnh của cha sao mà thương qúa.

 

Nguyễn Thị Thanh Dương.

( May, 04, 2016)

SAO LẠI KHÔNG ƯỚC MƠ ? (KIM LOAN)

 


SAO LẠI KHÔNG ƯỚC MƠ ?

 

Thỉnh thoảng, tôi vẫn hồi tưởng lại thời gian hai năm dịch Covid hoành hành, chuyện khẩu trang, cách ly, hand sanitizers, vaccine Pfizer, Astrazeneca... đặng mai mốt còn kể lại cho đám cháu chắt nghe. Chúng sẽ không thể tưởng tượng nổi những cảm xúc mà chúng ta đã trải qua, lo lắng, buồn phiền, âu sầu với những hệ lụy còn kéo dài sau đó. Nhưng hôm nay tôi xin nhớ lại chuyện vui, dẫu sao cũng là chút “điểm sáng vui vẻ” trong những tháng ngày u ám đó.

    Hôm ấy, sáng thứ sáu, như thường ngày tôi xuống dưới nhà pha café, nướng miếng bánh mì rồi vào check mails và xem tin tức qua mạng. Lát sau ông xã tôi cũng xuống pha cafe, mặc áo chemise, thắt caravat chỉnh tề nhưng vẫn là cái quần pyjamas, tôi hỏi:

    – Ủa, anh chuẩn bị đi làm hả, mà quần đâu?

    Ổng chỉ xuống cái quần:

    – Đây chớ đâu!

    – Không, ý em là mặc quần tây chớ, anh quên chưa thay quần à, chưa tới 60 mà lẫn rồi!

    – Em không nhớ thiệt sao, lẽ ra giờ này anh đang ở San Diego bên Mỹ dự Annual Conference, nhưng năm nay vì dịch nên chỉ có virtual conference thôi, chút anh lên lầu “dự” qua Zoom.

    – Ừ hen, mà liên quan gì đến chuyện …không thay quần?

    – Thì qua Zoom chỉ thấy khúc trên thôi mà, nên chỉ cần tập trung ủi cái áo thẳng thớm, chiếc cà vạt rực rỡ đẹp đẽ, còn khúc dưới không cần, có ai thấy đâu mà lo.

    Vậy đó, vì lũ cúm Tàu mà thế giới đình trệ, ở đâu không biết, riêng Mỹ và Canada thì mọi thứ xìu xìu ển ển như bánh bao chiều. Học sinh sinh viên khắp nơi về nhà học online, người đi làm văn phòng thì work from home, ngoại trừ các front–line workers thì các buổi họp hành, thông báo, conference đều là videoconference (skype, Zoom, Meet, Teams, Viber, Facetime). Ông xã tôi cũng thế, hàng năm đều được vi vu qua các thành phố lớn của Mỹ, Canada, có khi qua cả Mexico, Puerto Rico vừa dự conference vừa kết hợp du lịch do Head Office đãi đằng. Còn bữa nay chỉ cần ngồi nhà, vào zoom, gặp gỡ các nhơn vật chủ chốt, nghe lecture, hội thảo, update công việc cũng như information của Pharmacy.

    Các hội đoàn, các nhóm bè bạn người Việt Nam ở hải ngoại cũng mau chóng hoà nhập phong trào “everything is online” , nào là họp ban quản trị online, thi ca hát online, hát cho nhau nghe online, nào là bầu bán, buôn bán online, nói chung là không thiếu món gì.

    Khoảng hai tiếng sau là đến giờ giải lao (virtual conference mà cũng y chang như thiệt, có giải lao, có tặng quà như bình thường, có điều thùng quà đã được gửi đến nhà bằng đường bưu điện mấy ngày trước), ông xã lại xuống lầu tìm café và snacks, tôi nói:

    – Ý kiến của anh hay á!

    – Cái gì hay?

    – Thì cuối tuần này em cũng có hai buổi zoom meeting, một cái với nhóm bạn High School, một cái với mấy chị trong nhóm thân hữu Văn Thơ, em cũng sẽ chỉ chăm chút phần trên, mặt mũi tóc tai và cái áo, và khỏi lo “khúc dưới”.

    – Vậy là có thêm mục “tám online” cho phụ nữ đỡ nhớ “nghề” rồi đây.

    Các anh chị em trong gia đình tôi, kẻ ở California, người Oklahoma, mấy người ở Texas và tôi ở Edmonton Canada cũng rủ nhau họp gia đình kiểu virtual. Thực ra, chẳng cần đợi dịch đến, gia đình chúng tôi vẫn bay qua bay lại gặp nhau mỗi năm, rồi sau đó là gọi phone, email kể chuyện gia đình rất thường xuyên. Nhưng thôi, cứ theo trend cho đúng …kiểu mùa dịch, để nhìn thấy “dung nhan mùa dịch” của nhau, cũng vui vui. Vì là gia đình thân thuộc, nên tôi chẳng quan trong “khúc trên khúc dưới”, mà còn thoải mái để phone ngay bếp, cho mọi người nhìn thấy tôi đang nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và tôi còn mang phone “lia” khắp nhà, theo yêu cầu, để cho các thành viên khác trong gia đình tham gia vào “meeting” dù chỉ là câu “hello”.

    Bà chị Cả ở Texas trong cảm khái, xuýt xoa:

    – Thời đại điện tử có khác, ở xa cũng thành gần, nhìn thấy nhau dễ dàng, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.

    Ông anh Oklahoma lên tiếng đáp lời bà chị:

    – Chị ơi, em còn nhớ khoảng năm 1974 khi em còn học English ở Hội Việt Mỹ, Sài Gòn, chính xác là trong cuốn English For Today 4, có bài đọc nói về điện thoại. Ông Bell là người đầu tiên phát minh ra điện thoại, làm cho mọi người được nghe tiếng nói của nhau, và đó trở thành một phát minh có tính lịch sử của nhân loại. Cũng trong bài đọc đó, người ta còn kết luận bằng một dự đoán, rằng trong tương lai, loài người chúng ta không chỉ gọi nhau nghe tiếng nói mà còn thấy cả hình nhau, sống động như đang xem phim. Lúc ấy, em cứ mỉm cười vì nghĩ đó là câu chuyện … khoa học giả tưởng, mà nếu có xảy ra thì chắc gì em còn sống để mà chứng kiến. Thế mà giờ đây đã thành sự thật rồi đấy, chỉ khoảng hơn 40 năm thôi mà, có ai ngờ…

    Nghe vậy, tôi liền có ngay một ước mơ, sao lại không nhỉ, sẽ có ngày có một loại máy có thể đọc được những ý tưởng thơ văn trong đầu người ta rồi tự động “viết” xuống computer giùm tác giả thì tuyệt vời biết bao. Bởi vì, có nhiều lúc lái xe đi chợ, đi làm, hoặc ngay cả trong khi làm việc nhà như rửa chén, tập thể dục, tưới cây… tôi chợt bắt gặp một ý hay, dự định sẽ đem vào một bài viết nào đó của mình, có khi là một vần thơ ưng ý, nhưng lu bu bận rộn chuyện này chuyện kia, thời gian gấp gáp, rồi quên, cũng tại làm biếng ngồi xuống gõ máy, thế là ý tưởng tiêu tan, không còn nhớ đến nữa.

    Cứ tưởng rằng đó là ước mơ viển vông trong một phút mộng mơ, hoặc ít ra nếu thành sự thật thì  chắc cũng cỡ… 40 năm như “nói chuyện phone thấy mặt nhau” kể từ khi Bell cho người ta nghe tiếng nói của nhau , thế nhưng, chưa đầy hai năm sau, tính đến thời điểm khi tôi đang viết những dòng này năm 2023, thì có vẻ như ước mơ của tôi sắp trở thành hiện thực với sự xuất hiện đầy thú vị không ngờ của Chat GPT (Generative Pre Trained Transformer) khi “nó” được sử dụng trong dịch thuật,  phân loại các văn bản, sáng tạo câu chuyện, trả lời câu hỏi, tìm kiếm thông tin rất mau chóng, tiện lợi.

    Thú thật, tôi thuộc loại “low-tech”, lâu lâu vẫn nhờ con gái, ông xã, hoặc mấy người bạn trong ca đoàn nhà thờ trợ giúp khi gặp trục trặc trong việc sử dụng computer, laptop, iphone nên chẳng dám liều mạng bén mảng tìm hiểu để xài Chat GPT cho thêm rắc rối nhức đầu, nhưng cũng có chút hứng thú tò mò khi đọc những tin tức về “nó”!

    Với khả năng học hỏi và suy nghĩ giống như con người, Chat GPT dùng trí thông minh nhân tạo để tạo ra các ứng dụng thực tế trong y tế, giáo dục, tài chính, buôn bán, quảng cáo và rất nhiều lĩnh vực khác. Nghe nói, “nó” trò chuyện thân thiện gần gũi, ngắn gọn cụ thể, khiến nhiều người thích thú hơn so với Google. Nghe đâu, “nó” còn rành rọt chiếm lĩnh luôn việc giúp con người rất nhiều trong hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh... nữa kìa. Không những thế, “nó” còn có thể sáng tác thơ, văn, viết kịch bản, văn bản đủ các kiểu. Người ta còn đang tính tới chuyện cung cấp cho “nó” một số đặc điểm nhân vật với cá tính, tuổi tác, bối cảnh , rồi “nó” sẽ viết ra một truyện ngắn hoặc cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, và như thế ước mơ của tôi sắp thành hiện thực cũng chẳng ngoa.

    Ủa, dưng mà tôi tự hỏi, liệu “nó” có viết ra như ý tôi mong muốn, với những câu văn “dzui dzẻ”, “tưng tửng” đúng như “phong cách” của tôi không nà!? Nếu “nó” không kham nổi, hoặc cho ra đời bài văn “hổng giống tui” thì thôi vậy, tôi lại vẫn cố làm siêng, ngồi vào bàn, bên ô cửa sổ sau vườn, vừa ngắm tuyết mùa đông, hoa cỏ mùa hè, lá vàng heo may mùa thu mà gõ máy say sưa đến dòng cuối bài, hài lòng ký tên mình, xác nhận một bài viết, bài thơ “chính chủ” một trăm phần trăm, vẫn hơn là nhờ vả “nó” chứ!?

 

– Kim Loan

(Edmonton 18/5/2023)

 

NẮM LẤY TAY NGƯỜI (NHẤT PHƯƠNG)

 

Nắm Lấy Tay Người



*Kính tặng cha Đại Dương

đã đưa con sang bến bờ này.

*Kính tặng các chiến hữu Hải Quân của cha.

 

 

Trong dòng xe xuôi ngược của buổi sáng la đà khói sương mộng, Tiểu Mi vẫn còn cảm giác chếch choáng nửa vời, đầy sóng gió. Trời đất đang độ Xuân thì, trăm hoa đua nở.  Tháng Năm, không gian mờ ảo của Tiểu Mi được điểm tô rộn ràng, lãng mạn bởi rừng hoa Phượng tím. Tháng Năm cũng là tháng cuối cùng để gieo mầm hạt giống nhân hòa.

 

Theo bước đa tình qua bến sông

Hồng nhung ngây ngất nở đầy sân

Lá cây Si thẹn thùng nghiêng bóng

Nắng vàng hanh ướp má Xuân nồng

 

Hơn thế nữa, màu Xuân còn là mùa để Tiểu Mi thưởng thức cái đẹp, cái hoàn hảo, cái … tuyệt đối, mặc dù không có cái gì tuyệt đối ở cuộc đời, ở chung quanh chỗ Tiểu Mi đang ngồi, ngoại trừ Tiểu Mi “tự nguyện” hít thở bầu không khí nhiệm mầu của sự sống với một tách trà thơm trên tay, quên hết những ân oán, những tranh chấp và quên luôn cả những sự phản bội.

Nói một cách giản dị hơn, Tiểu Mi không thể tìm thấy hạnh phúc trong quá khứ, cũng không thể tìm thấy trong tương lai.  Khả năng cảm nhận niềm hạnh phúc của riêng mình là giây phút hiện tại, ngay tức thì, ngay thời điểm Tiểu Mi biết được mình đang sống, đang thưởng thức hương vị của cuộc đời theo phong cách và điều kiện riêng tư.  Vậy phải chăng, hạnh phúc là sự thăng hoa giữa đất trời lồng lộng khi tâm hồn Tiểu Mi thẩm thấu được trạng thái thanh khiết thật tự nhiên của vũ trụ.  Bất chợt, Tiểu Mi lắng lòng tự hỏi, vì đâu trăm hoa thi nhau đua nở, hay duyên cớ nào làm cho hoa rụng rơi? Hoa nở trong mùa Xuân hay chính vì sự mãn khai của ngàn hoa dị thảo đã mang đến màu Xuân  miên viễn ở lòng người?

 

Giữa lúc dật dờ nhất của tâm tư, tiếng chuông điện thoại như dấu ấn nơi dòng sông đời luân lưu, khiến Tiểu Mi vội vàng chắc chiu thực tại, mĩm cười, nói… hello với người đối thoại.

   -Mẹ à, tối nay sinh nhật bạn con, mẹ có cho con đi không mẹ?

   -Là con à, vậy mà mẹ cứ tưởng…

   -Tưởng ai hở mẹ?

   -Tưởng là cha con, bởi cha con và mẹ đang dự tính sẽ đưa các con đi ăn tối.

Một sự im lặng khác thường bên kia đầu giây, Tiểu Mi nhẹ nhàng lên tiếng:

   -Con sao vậy? Con còn đó không con?

   -Con vẫn còn đây thưa mẹ. Nhưng thôi con không dự tiệc sinh nhật nữa, con đi mua quà cho cha. Con bye mẹ nha.

   -Khoan đã con, sao con lại có ý định mua quà cho cha? Chưa đến sinh nhật của cha con mà?

   -Mẹ vừa nhắc đến cha và cơm tối gia đình. Cuối tháng Năm rồi, thưa mẹ. Tháng Sáu, tuần lễ thứ ba là tuần của “những-người-cha”, mẹ quên sao?

   -Mẹ không quên, nhưng mẹ chắc chắn một điều là cha con chẳng khi nào nhớ.  Cha con chưa bao giờ để ý đến những gì dành riêng cho chính mình.

   Tiểu Mi tắt điện thoại sau khi từ giã đứa con gái đang tròn tuổi lớn.  Nàng thật sự cảm động bởi ý nghĩ khá trưởng thành của con.  Dường như trời tạo tháng Năm để làm đầy thêm tình-tự-yêu-thương cho muôn loài.  Dường như trời cũng tạo tháng năm để ướp nồng thêm hương-vị-yêu-thương trong gia đình, trải qua nhiều thế hệ.

 

    Mẫu chuyện nho nhỏ của hai mẹ con thật ngẫu nhiên, xuôi khiến Tiểu Mi chạnh lòng nhớ đến phụ thân, người cha đã hy sinh cả cuộc đời mình cho tổ quốc.  Lời nói của con vẫn còn tràn lan trong gió sớm.  Có phải tháng Sáu là tháng của cha? Phải mà không phải.  Để hội nhập vào môi trường sinh tồn, Tiểu Mi chấp nhận mọi nghi thức đã được truyền tụng trong nhân gian.  Một số tập tục của người ngoại quốc, đôi lúc, để khỏi phiền lòng… những bạn bè, chòm xóm mới, Tiểu Mi miễn cưỡng tuân theo.  Người Việt Nam của Tiểu Mi thật sự rất giàu tình cảm.  Và cũng vì vậy, người Việt Nam của Tiểu Mi luôn luôn bị dằn vặt bởi nội tâm.  Đối với Tiểu Mi, tháng nào cũng là tháng để dành yêu thương cha mẹ.  Mới tròn hai tháng tuổi, Tiểu Mi đã không còn có cha trong cuộc đời.  Bởi cha là người của gió sương, của rừng núi. 

 

Cha đã vĩnh viễn nằm xuống.  Cha nằm xuống cho xanh thêm mầu mạ mới, cho thôn xóm bớt đi vài vòng kẽm gai.  Chỉ có cuộc đời mẹ và Tiểu Mi bị vùi dập thep thân xác dập vùi của cha.  Chiến tranh vẫn tàn nhẫn đến trạng thái bảo hòa.  Tiểu Mi hít thở ngậm ngùi không khí Chiến-Tranh  trên quãng đường đèn sách  để học đánh vần thật gãy gọn hai chữ Hòa-Bình.  Tiểu Mi lớn dần nhờ uống những ngụm nước đục ngầu phù sa tồn đọng trong lòng nón sắt nên chữ viết vẫn gập ghềnh đạn bom.  Quá nửa đời con, cha đang yên nghĩ nơi nào trong ngôi nhà thủy táng?  Tiểu Mi đã thật sự xa rời khung trời có ngôi nhà thủy táng của cha!

 

 

Ru đỉnh sóng chiều phai gió cuốn

Thủy triều ngất ngưởng chín từng không

Bóng cha về lồng lộng khói giăng

Quân phục trắng khăn quàng thủy thủ.

 

Nón nửa vành, nửa đời binh ngũ

Che chưa tròn dáng đứng quê hương

Lệ từ ly nhạt ánh tà dương

Thềm lục địa, thiên đường lính chiến.

 

Cha ve vuốt chùm hoa biển tím

Vương miện chao nghiêng khúc hải hành

Uớp đời cha, non nước thắm xanh

Màu cố quốc, đồng hoang lối cũ.

 

 

Từ đỉnh trời cao nhìn lịch sử

Đường trần ai mộng dữ cha nằm.

Cha nương sóng cả về thăm

Con tim yêu biển ngàn năm nồng nàn!

 

Biển ơi ta nhớ Người. Ta nhớ lắm biển ơi. Đêm về ngoài song cửa, mưa thấp thoáng lưng trời. Trái tim còn bỡ ngỡ, tháng Sáu mưa còn rơi…”.  Trời tháng Năm hoa Tím vẫn còn bay tản mạn khắp phố phường, lòng Tiểu Mi đã vội vàng vời trông tháng Sáu. Tiếng đứa con gái vẫn man mác khôn cùng, “tháng Sáu là tháng của cha, mẹ quên rồi sao?”. Tiểu Mi bỗng cất tiếng cười một mình, cười thật lớn khi nghĩ về… hai người cha cùng một lúc, cha của chính mình và cha của các con.  Nhớ đến phụ thân, Tiểu Mi nhìn thấy bóng hạnh phúc thật dịu dàng trên con đường đang lái xe qua, con đường thênh thang đưa Tiểu Mi về biển.

 

Chiều xám dần,Tiểu Mi dừng xe nơi bờ biển quen.  Sóng vỗ bập bềnh.  Dã tràng đang xe cát.  Lòng Tiểu Mi bỗng trĩu nặng ngậm ngùi khi nhớ về quê hương.  Xa xa, những cánh buồm trắng hững hờ lả lơi cùng trăng gió.

 

Những cánh buồm trắng mạnh mẽ vươn lên từ các du thuyền triệu phú làm Tiểu Mi liên tưởng đến biết bao chuyến hải hành của cha trong quá khứ.  Hơn lúc nào hết, Tiểu Mi ngầm hãnh diện về nguồn gốc Việt-Nam của mình.  Nếu không coi sự tuần hoàn trong thái dương hệ như một quy luật bất di bất dịch cho muôn loài, thì chính những tấm lòng biết yêu thương đã tạo nên mùa Xuân miên viễn.  Tiểu Mi mĩm cười với cha qua màu xanh trùng điệp của biển khơi kiêu hùng.  Đi dài theo mé biển, Tiểu Mi cảm nhận nỗi xót xa của trạng huống ngậm ngùi biệt ly.  Ngồi trên triền cát ẩm, Tiểu Mi thầm gọi cha trở về.  Tiểu Mi tơ tưởng được nắm lại bàn tay cha qua làn nước trong thăm thẳm phiêu bồng.  Một cách cẩn trọng, Tiểu Mi thả nhẹ bài thơ viết gửi cha mình vào lòng đại dương.  Ướp đời cha non nước thắm xanh, màu áo trận, màu “loài-hoa-không-vỡ”.

 

Nhất-Phương

THỤC VŨ (1932 – 1976)-PHẠM VAN DUYỆT

 


THỤC VŨ (1932 – 1976)

Tên thật Vũ Văn Sâm. Trung Tá ngành Tâm Lý Chiến. 1969 tiếp nối Đinh Hùng và Tô Kiều Ngân phụ trách Thi Văn Tao Đàn, đổi thành Thi Nhạc Giao Duyên, phối hợp ngâm thơ với trình bày ca khúc tân nhạc.

Thời gian làm việc ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Ông cho ra đời bản hùng ca Quang Trung Hành Khúc được tân binh thường xuyên hát vang trong những ngày ra thao trường tập luyện.

1975 bị giam trại Tân Hiệp, Biên Hòa. Tại đây Ông sáng tác nhạc phẩm “Suối Máu” với mấy dòng thơ cảm đề:

Em ở Saigon anh ở đây

Đồi pha cát trắng kẽm gai đầy

Ngẩn ngơ dăm chuyến tàu xuôi ngược

Để nhớ nhung về che khuất mây

1976 chuyển ra Sơn La rồi mất tại vùng rừng thiêng nước độc này. Một số bạn hữu kể lại những ngày tù của Ông:

– Nhà văn Văn Quang (Mừng Cho Người Chết Trong Nhà Tù “Cải Tạo”):

Thục Vũ đau gan đến vàng mắt nhưng bệnh xá chỉ nhỏ cho vài giọt nước củ tỏi vào mũi. Bệnh nhân đành nằm chờ chết.

Một buổi sáng Phan Lạc Phúc nước mắt chảy chậm trên mặt nghẹn ngào cất tiếng: thằng Sâm chết ở bệnh xá đêm qua rồi.

Tôi lặng người bởi hôm qua lẻn sang thăm Thục Vũ, Anh đưa cho tôi hai gói thuốc lào nhỏ: “tôi mệt không hút được nữa”.

Sau đó Tô Kiều Ngân nói với tôi lời an ủi: “Mừng cho nó, từ nay nó không còn biết đói rét và không ai hành hạ được nó nữa”.

Buổi chiều chạng vạng nơi núi đồi Sơn La, từ bệnh xá quanh con đường đá nhỏ, vòng theo sườn núi cao vút chập chùng, “đám tang” di chuyển chậm chạp trông thật đau lòng. Hai cai tù vác AK đi đầu, kế đến một anh tù cầm vài nén nhang, 4 người khiêng cổ quan tài mộc. Sau cùng là hai cai tù súng AK. Họ chuyển động như những bóng ma.

Hơn 30 tù nhân đội rau đứng ngẩn ngơ dán mắt theo đám ma thê thảm ấy. Phan Lạc Phúc đứng bên tôi không nói lời nào, quay mặt che giấu nước mắt. Tô Kiều Ngân và mấy bác sĩ tù nhân trẻ nép sau hàng rào kẽm gai cũng xúc động xót xa trông như tượng gỗ dõi theo đám tang dần khuất vào cuối con đường cong phía chân núi.

Một tháng trước khi mất Thục Vũ có bài “Gởi Saigon”:

Viết bài thơ sau cuối

Ý nhạc tàn theo mây

Hồn anh về bên Chúa

Xác anh gửi phương này

– Nhà Thơ Hoàng Ngọc Liên kể lại: sáng 15.11.76 lúc đang phát quang con đường trước trại giam thì “đám tang” Thục Vũ đi qua. Chúng tôi ngã nón cúi đầu chào người bạn vừa đột ngột từ trần. Vài tháng sau trên đường gánh tranh về trại, tôi bất ngờ lạc vào nơi Thục Vũ yên nghỉ. Đó là góc đồi Ban xã Mường Thái với chừng mười nắm đất mới. Năm 1988 tôi được thả về Saigon có nghe Chị Lệ Khánh đã lặn lội ra tận đây đem cốt Chồng vào Nam.

– Nhà Thơ Huy Trâm viết: “Dù bị tù tội, Thục Vũ vẫn say sưa hát. Huy Trâm thuật lại lời Phan Lạc Phúc: một hôm mưa tầm tả, cả đội lo đi hứng nước thì phải chạy trú tạm dưới mái tranh, nhưng Thục Vũ trên vai còn vác bó nứa vẫn đứng hát giữa trời. Mưa xối xả ướt cả áo quần, Anh vẫn mặc. Ta cứ hát. Phúc mới nói to: Thôi đi Vũ ơi! Rồi ốm bệnh cho mà xem! Thục Vũ vẫn nghêu ngao hát xong bài rồi mới vào hàng trú mưa. Hát cho quên sầu…và cũng là lần hát cuối đời. Một tuần sau anh mất”.

Thục Vũ đã có vợ nhưng duyên nợ đưa đẩy Ông yêu thương Nhà Thơ Lệ Khánh. Họ có với nhau một bé trai. Điều đáng nể là Bà Thục Vũ không ghen tuông ồn ào mà lại đích thân vô bệnh viện thăm viếng chăm sóc cho người tình của chồng sinh đứa con đầu lòng.

Vào những năm 1964 – 66, thi đàn miền Nam bỗng dưng xuất hiện nhà thơ nữ gây xôn xao dư luận với 5 Tập Thơ “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” do nhà sách Khai Trí xuất bản lúc mới chừng 20 tuổi.

Lệ Khánh yêu Thục Vũ với những vần thơ diễm tình làm Ông rung động phổ thành bài ca “Tình Người Hậu Tuyến”:

Hôm nay trời vào thu

Dalat lắm sương mù

Cây khô buồn trút lá

Gió ven hồ bay xa

Mây thu lờ lững trôi

Lồng lộng gió lưng đồi

Xin anh đừng giận dỗi

Viết thư về thăm em.

Lệ Khánh để lại hằng trăm bài thơ da diết. Nơi đây chỉ xin trích nửa bài “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” như là tiêu biểu cho vần thơ của thi nhân xứ Huế đa đoan sầu mộng:

Chiều chủ nhật đợi chờ anh mãi mãi

Sao trể giờ cho chua xót anh ơi!

Hẹn hò chi, chừ lỡ dỡ cả rồi

Tình mới chớm đã vội vàng lịm tắt

Tôi yêu anh nhưng hoài hoài thắc mắc

Liệu người ta đáp trả lại hay không

Đến bao giờ dẫm được xác pháo hồng

Áo cưới đỏ cười vui cô dâu mới

Anh hẹn đúng hai giờ anh sẽ tới

Nhưng sao chừ trời đã tối…anh đâu?

Mưa hôm nay êm như tiếng mưa ngâu

Anh lỡ hẹn nên chiều buồn rứa đó

Tôi gục mặt khóc thầm bên cửa sổ

Mà cô đơn trời hỡi vẫn cô đơn

Nơi xa xôi anh có biết tôi buồn

Anh có biết tôi cười mắt ngấn lệ

Anh lỗi hẹn hay là anh đến trể

Cho chiều nay đường phố lạnh mưa thu

Và đêm nay thành thị ướt sương mù

Người con gái gục đầu thương mệnh bạc.

LAU ĐÀN: THI ẢNH VÀ THỦ BÚT Á NGHI

 LAU ĐÀN: thi ảnh và thủ bút Á Nghi