Friday, July 31, 2020

VACCINE NGỪA COVID-19 - CHƯƠNG TRÌNH ĐÀI VOA VỚI GS.TS. KHƯƠNG HỮU LỘC (JULY/31/2020)



VOA Tiếng Việt

 

Vaccine ngừa Covid-19: cuộc đua khốc liệt?

Trực tiếp: Câu chuyện kinh tế với GS-TS Khương Hữu Lộc. Chủ đề ngày hôm nay là “Vaccine ngừa Covid-19: cuộc đua khốc liệt?”. Các nước đang trong cuộc đua tìm ra vaccine Covid-19. Mỹ đã đầu tư như thế nào? Liệu họ có về đích trước Trung Quốc hay không và liệu Việt Nam có thể có được vaccine cho hơn 90 triệu dân của mình không?

Xin bấm vào web chữ đỏ để nghe cuộc phỏng vấn:

https://www.facebook.com/VOATiengViet/videos/1215508825459776



Thursday, July 30, 2020

CHUYỆN MA XÓM TÔI (THẦY THÍCH NGUYÊN NGUYỆN)


CHUYỆN MA XÓM TÔI

 

Xóm tôi có một cây Keo to đùng , gốc của nó có thể 3 người ôm không xuể , thân thể nó sần sùi , có những lổ to , lổ nhỏ , đó là vết tích của chiến tranh còn lại , những vỏ đạn , những mảnh sắt từ những trái mìn nổ , vẫn còn ghim trên thân thể nó , nó là chứng tích chiến tranh một thời man dại.

 

Cây Keo ra trái nhiều lắm , trái rất đẹp , nhưng lũ trẻ chúng tôi cũng như những người xóm giềng , không ai dám ăn cả , vì............ trên thân Cây Keo vẫn còn âm hưởng , cái đầu của Ông Xã trưởng bị chặt năm 1968.

 

Đối diện với Cây Keo là cái chợ nhỏ Phú Mỹ , chợ họp vào mỗi buổi chiều và tan khi mặt trời lặn ,

Ngày còn nhỏ lũ chúng tôi chỉ nghe kể rằng , người ta bịt mặt Ông Xã Trưởng bằng một tấm vải đen , dẫn ông ra cây keo , chặt một cái phụp , chiếc đầu rời khỏi thân, lăn long lóc , 3 ngày hôm sau Gia đình Ông mới nhận xác đem chôn , thế nhưng bóng dáng cái đầu vẫn lăn qua lại giữa cái chợ và Cây Keo

Con đường làng vẫn yên ắng sau chiến tranh , là con đường đất , bụi bay mịt mùng mỗi khi có cổ xe ngựa chay qua , hay lũ chúng tôi đùa giỡn , nhưng khi màn đêm là một màu đen thì không ai dám lai vãng đến Cây Keo và Chợ , vì ai cũng sợ

Câu chuyện trở nên ly kỳ hấp dẫn hơn , khi Bà Sáu Sàng đi ngang qua đó vào một đêm trời mưa phùn lất phất không trăng không sao , vợ chồng bà đi mua chuối ở Sơn Long , Sơn Định , nên 1 giờ khuya đã đi rồi , khi đi ngang qua cây Keo , Ông Bảy Sàng chồng bà , thấy rỏ ràng chiếc đầu lâu lăn qua lăn lại, trời tối đen như mực , cái đầu lâu đó sáng rỏ nhất nơi 2 con mắt , nó sáng như 2 vệt sao bang.

 

Thời đó chưa có điện , nên mọi vật trở nên thâm u huyền bí hơn , bà đi trước , ông đi sau , khi nhìn thấy ông chỉ kịp kéo tay bà và xỉu ngay tại chổ , , bà là dân Tây Sơn Bình Định nên bà không sợ bất cứ thứ gì ( con gái Bình Định múa roi đi quyền ), thấy ông ú ớ rồi ngã rật ra một cái , nằm dài trên đường , bà tưởng ông trúng gió , bà giựt lưng quần ông và giựt gió ở màng tang , vì không thấy đường , bà nắm nguyên một chùm tóc mai kiểu xẹt loi boi của Ông , giựt một phát thật mạnh , đau quá, như trời giáng ông tỉnh luôn , đứng dậy , quay về nhà và bịnh luôn từ đó , vết tích giựt gió , khi ông qua đời vẫn còn một màu tím bầm lơ lững.

 

Câu chuyện một đồn mười , mười đồn một trăm , ai nấy cũng sợ hãi, nên cây keo trở nên xa cách hơn với mọi người , bạn của nó là lũ chim sẻ , lũ chim dòng dọc hay lũ chim sắc le , thường làm tổ và ăn trái Keo chín và Ông Trí Khùng , người của thế kỷ không sợ ma chỉ sợ bị mẹ ông dắt đi tắm vì hôi quá

Cây keo trở nên linh hiển hơn , khi có một người làm đường, nghe đâu người Bắc , ông ta tuyên bố dõng dạc : không có ma cỏ gì hết , sáng ngày Ông đem rìu ra chặt, chặt mới mấy nhát , ông đổ mệt , rồi về lán trại để nghĩ , đúng một ngày sau ông ta ngã lăn đùng ra chết không kịp ngáp, nên trong xóm không ai dám nói gì về cây keo , dù cho có nói hành nói tỏi , nói lén nói lút cũng không dám vì sợ.

 

Mẹ thằng Hết bị đau bụng ban đêm , mẹ nó biểu nó ở nhà , để mẹ nó xuống nhà Ông Hai Na chích thuốc , nó sợ ma không dám ở nhà , nó bảo, để nó đi kêu Ông Hai Na lên , nó nghĩ chẳng thà như vậy còn hơn , ở nhà lỡ có con ma nào vô nhà bắt nó , khi mẹ nó không có ở nhà thì biết kêu cứu với ai

Nó lấy cái đèn pin rọi đường đi kêu Ông Y Tá Na , nó nghĩ nếu rọi đèn pin phía trước , con ma bắt nó ở phía sau lưng , cho nên nó nắm ngược cây đèn pin rọi ra phía sau và chạy , Bà Năm nhiều , đi lên che mía , bà gánh một gánh đồ ăn nấu sẵn lên cho những người ép mía và nấu đường , bà cúi đầu mà đi cho nhanh qua cây keo , bổng nhiên trước mắt bà có một ánh sáng , cứ nhảy lên nhảy xuống , bà đi nhanh ,ánh sáng nó đi nhanh , bà đi càng nhanh tiếng rột rột trong con người bà phát ra càng nhiều , bắt đầu bà chạy thì tiếng rột rột càng mạnh hơn , bà cứ tưởng rằng con ma đang rượt theo bà , Thằng Hết nghe tiếng rột rột trong đêm vắng càng mạnh , nó sợ quá chạy nhanh hơn , nó cũng nghĩ ,ma chạy thep bắt nó

Cả nó và bà Năm nhiều không biết rằng , âm thanh đó từ hai ống quần của bà phát ra , loại vải ni long dày , khi ma sát nó vang ra tiếng như vậy

Thằng Hết không thể chạy nữa vì nó mới 14 tuổi , mệt quá xỉu dài trên đường , bà Năm Nhiều gánh một gánh đồ ăn , mắt nhắm mắt mở đi nhanh , bước qua mình Thằng Hết bà dấp té , đồ ăn đổ xuống đất tanh bành , bà ngồi khóc ,thằng Hết tỉnh dậy , cũng ngồi khóc.

 

Xa xa tiếng xe ngựa của Ông Bốn Thọ chở người đi vô ga Chí Thạnh rỏn rẻn càng gần , trời bắt đầu hừng đông , chỉ có con chó của Ông Hùng Giây vô mánh , nó được một bữa miễn phí no nê , lần đầu tiên trong cuộc đời của nó ,có một bữa ăn ngon nhất trong đời : thịt heo và cá hấp ,

Mẹ Thằng Hết chờ con không thấy về , bà đi tìm nó mà quên đau bụng , khi thấy được nó ,bà cũng hết đau bụng luôn , khỏi tốn tiền chích thuốc , đỡ quá chớ không sáng mai sau khi khi chích thuốc bà phải đi bán 3 ký gạo để trả nợ tiền Y Tá.

 

Oklahoma July 21 , 2020

THÍCH NGUYÊN NGUYỆN


NHỚ LẠI MỘT CÂU HỎI (MANG VIÊN LONG)



NHỚ LẠI MỘT CÂU HỎI Tạp Bút:

Trước đây – trong một thư thăm, nhiều bạn văn có hỏi tôi một câu: “ Cuộc đời đã đưa đẩy thế nào để anh đến với cái nghè ” không thể nghĩ ra là ”Sửa Khóa & Làm Chìa” mà anh đã gắn bó gần suốt cuộc đời còn lại?”- tôi đã “phơt lờ” luôn – vì chưa thể tâm tình cùng bạn lúc ấy!

Đã nhiều năm qua – nhiều bạn văn cũng lại có “thắc mắc” vui tương tự vậy mỗi khi gặp nhau bên tách cafe (hay ly rượu khề khà tán gẩu) – nên hôm nay, ngồi “không” mà bổng dưng nhớ lại! Xin đươc có đôi điều chia sẻ cùng anh em – cho vui!
Được trở về quê nhà vào năm 78 - phải rời trường Trung học Tổng hợp Nguyễn Huệ (Tx Tuy hòa – Phú Yên) là nhiệm sở đang công tác - sau khi đã đôi lần “nuối tiếc’ cái nghề cầm phấn & bảng đen ( vì thực ra tôi cũng chưa có một cái nghề “tay trái” nào lúc ấy để có thể kiếm sống qua ngày giữa thời buổi rất lận đận & khó khổ đó cả, lúc trong tay không có chút tài sản náo có thể đổi…cơm áo cho con & bản thân) – nên đành lui tới Ty GD ( chưa thành lập Sở GD) để hỏi han tin tức về chuyện xin dạy trở lại, mà không có chút hứa hẹn nào – tôi biết là đã đến lúc phải “mất dạy” luôn rồi! ( Dạy văn thì “không được” – còn Anh văn thì…cũng “không thể” nốt! - nhà trường lúc bấy giờ chỉ dạy một sinh ngũ Nga văn thôi).


Sau một thời gian xin đi làm “tiểu công” (khuân vác – phụ việc cho thợ xây đó mà) không kham nổi – Tôi quay sang làm “thợ đụng” ( ai có yêu cầu gỉ - thì làm theo họ - từ thợ điện, dọn vườn, phụ việc lặt vặt v v v) không có “thu nhập thường xuyên” - tôi đã quyết định vào Tuy Hòa – đến hoc nghề sửa chữa xe gắn máy với người bạn – anh Lê Tăng Mính ( nguyên là thanh tra Tiểu học vừa chuyễn…ngành sửa xe Honda sau 75) theo lời đề nghị giúp đỡ của anh! Tôi chỉ tốn tiền xe vào ra – còn mọi chi phí khác người bạn lo cho hết! ( anh dạy nghề - ăn ở tại nhà – chu toàn mọi việc). Sau hơn một tháng “khẩn trương” học ngày đêm – tôi về nhà, viết bảng hiệu trên tấm ván nhỏ “ Sửa Chữa Xe Gán Máy” – gắn vào thân cây dừa phía trước. Mấy tháng hành nghề - lèo tèo vài khách hàng, công việc ngày càng vắng vẻ! Trong một hoàn cảnh mà người có xe Honda đang tìm người có xe đạp để đổi – và xăng dầu phải mua theo tiêu chuẩn, tem phiếu ( ưu tiên cho cán bộ công nhân viên chức) – thì có ma nào ”dám” đi xe máy nổ? Tuy là treo bảng “Sửa Xe Honda” nhưng thực ra, sửa xe đạp là chính!
Nghề sửa xe đạp – Honda đòi hỏi các động tác mà căn bệnh thấp khớp mãn của tôi không thể đắp ứng. nên tôi cũng đang suy nghĩ – để “chuyễn nghề” cho phù hợp với khả nang & sức khỏe & “thời đại” (!).


Một lần đi Qui Nhơn thăm ông bà ngoại của các con – tôi đi lang thang dọc đường phổ Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu – các ngã phố Võ Tánh, Gia Long (cũ) – và bổng nhận ra chiếc tủ gỗ nhỏ của cậu em trạc 18 tuổi đặt ở góc đường. Đến gần, xem –hỏi han, chuyện trò cho vui! Cậu ấy rất nhiệt tình trả lời các câu hỏi của tôi –như đã thân nhau. Khi biết rõ hoàn cảnh và ý định của tôi muốn “học nghề” – Cậu đã vui vẻ giới thiệu tôi đến gặp “sư phụ” đang hành nghề “sử khóa & làm chìa” ở đường PBC. Thế là tôi đã mời “sư phụ” lên nhà tôi một ngày – để “truyền nghề” – với sự đãi ngộ xứng đáng! Từ dạo ấy – vừa học, vừa làm ( có ghi chép cẩn thận vào mấy tập vở 100 trang như một “giáo án” ) suốt mấy chục năm qua…Để cho được “đủ ăn”, tôi làm thêm nghề “Bom Quẹt Gas”, cọng với chiếc tủ gổ nhỏ mua lại bên lề đường PBC của mấy gia đình chuẩn bị thu xếp để lên đường đi kinh tế mới với giá rẻ mạt làm tủ “ Sửa Kính Đeo Mắt”. Một người phải làm việc bàng ba – mới có thể sống được trong thời gạo châu củi quế nầy!


Có ai ngờ được rằng cái nghề mình đã đầu tư liên tục từ thưở lên sáu – ròng rã gần 20 năm, mà chỉ nuôi sống nổi mình được 12 năm – trong lúc, một cái “nghề khơi khơi” mà đã gắn bó & nuôi sống mình & giúp đỡ gia đình được hơn 30 năm? Âu đó cũng là một “cái số” ? Cũng vui, trong ngần ấy năm – tôi cũng đã “truyền nghề” cho 10 “đệ tử” trong & ngoài tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, kiếm sống được – và đang chuẩn bị… “về hưu” ở tuổi 70…
Có vài người bạn “nhẹ dạ &đa cảm” gặp tôi hành nghề “Sửa Khóa & Làm Chìa” ở góc phố chợ - mủi lòng, buồn! Họ cho biết không thể ngờ rằng tôi – một thời dạy học – viết văn. lại gặp cảnh ngộ bi đát đến vậy! Tôi chưa hề nghĩ mình “khổ” như lời chia sẻ của bạn – mà nghĩ, điều gì – rồi cũng có thể xảy đến cho tất cả! Hãy an vui & kiên nhẫn đón nhận mọi biến đổi của cõi tạm – để có niềm hy vọng mà sống tiếp. Tôi đã “ứng khẩu’ đọc tặng anh mấy câu ( có phải là thơ không? vì tôi “không biết” làm thơ) như sau:


“Chữ Thơ – chữ Thợ, cũng gần,
Làm Thơ, làm Thợ - ta mần cả hai!
Làm Thợ thì để sinh nhai.
Làm Thơ thì để …lai rai, đỡ buồn!”


Bốn câu thơ ấy thuộc loại “văn chương truyền khẩu” – nhưng, qua bao năm-nó vẫn được bạn bè nhiều nơi thuộc & nhắc nhở, như một kỷ niêm vui!
Tôi vẫn thường tâm sự với vài ban thân: “Trước - làm Thầy, ta vẫn vậy. Nay – làm Thơ, ta cũng chẳng khác!”
Đang vắng khách, tôi “tranh thủ” ghi lại đôi điều chia sẻ “đại khái” với quý bạn văn & bạn đọc thân mến nhé – cho dzui vậy!
Quê Nhà, tháng 8 năm 2012


MANG VIÊN LONG.

CHỈ BIẾT YÊU (DIỆP THẾ HÙNG)



CHỈ BIẾT YÊU
Tuần này tác giả xin chia sẻ với các bạn bài thơ CHỈ BIẾT YÊU diễn tả tâm trạng của hai người gặp nhau và yêu nhau khi tuổi đã cao.  Hầu hết các người yêu trong trường hợp này nuối tiếc là họ không gặp nhau sớm hơn để hạnh phúc sẽ kéo dài hơn. Nhưng họ ít khi nghĩ đến là họ có thể không bao giờ gặp nhau trên cõi đời này nếu không có một cơ hội ngẫu nhiên xảy đến cho họ.  Khi một người gặp tình yêu, dù đi tìm hay không đi tìm, có nghĩa là trong tâm hồn người ấy có một khoảng trống. Cái khoảng trống ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là người ấy thiếu một tình yêu, biết hay không biết.  Khi gặp được người yêu, họ mới hoảng hồn, tự nhủ rằng « Hú hồn, may là gặp người ấy trong đời, nếu không cuộc đời sẽ kết thúc trong nhàm chán » J
Xin mời các bạn đọc lại bài thơ viết ngày này năm ngoái
NGƯỜI TÔI YÊU:
Chúc các bạn an lành.


CHỈ BIẾT YÊU

Anh xin lỗi, anh vạn lần xin lỗi
Anh yêu nhưng ít nói những lời yêu
Trái tim anh rung động biết bao nhiêu
Anh yêu lắm, yêu nhiều hơn em nghĩ

Anh xin lỗi, chắc anh không có lý
Nên làm em nghi kỵ một đôi lần
Anh yêu em, nhưng không được sống gần
Nên có lúc em phân vân tự hỏi

Anh chỉ tiếc trong trần gian vạn lối
Anh đã chờ mòn mỏi một tình yêu
Thời gian qua đã lãng phí rất nhiều
Anh đã sống bao nhiêu ngày buồn tẻ

Đâu rồi những tháng ngày em còn trẻ
Em đã từng chia sẻ với ai không ?
Nợ duyên mình dù chưa phải vợ chồng
Anh hứa giữ trong lòng tình muôn thuở

Vì em đã trải qua nhiều trắc trở
Nên mình vừa gặp gỡ đã yêu nhau
Nếu đời em chẳng khổ chẳng buồn đau
Chắc mình sẽ bạc đầu không quen biết.

Diệp Thế Hùng (July 29, 2020).


Yêu Em Dài Lâu - Elvis Phương

NGỒI GIỮA SA MẠC (THẦY THÍCH NGUYÊN NGUYỆN)



NGỒI GIỮA SA MẠC

 

Ta vóc những hạt cát

Giữa sa mạc mênh mông

Thả rơi những hạt cát

Vào trời mây bềnh bồng

Ngày đang con ngái ngủ

Trong động cát bao la

Ta ngồi giữa ta bà

Bằng cuộc chơi còn mất

Những bước chân hư thực

Lẫm đẫm cuộc mưu sinh

Dấu còn hoài trong nắng

Tàn phai một cuộc nhìn

Ta ngồi giữa sa mạc

Vóc từng nắm cát bay

Cát chạy về lối cát

Miên man  dấu chân này

Ta vóc từng nắm cát

Thả vào ngày không tên

Cát rơi vào vòng xoáy

Sa mạc những lời nguyền

Ta vóc từng nắm cát

Thả hoài dấu chân mây

Bên kia vừng nhật nguyệt

Còn đó những tháng ngày

 

Oklahoma July 22 , 2020

THÍCH NGUYÊN NGUYỆN



TÁI NGỘ TUY HÒA (AN SƠN)



TÁI NGỘ TUY HÒA

 

Đêm xuống núi " Đưa em vào Hạ " *

Khúc ca buồn một thuở quê hương

Em tung tăng mỗi chiều qua phố

Ta ưu tư tuổi trẻ - chiến trường

 

Tuy Hòa phố nửa quen nửa lạ

Ngồi trời Đông nhớ bạn trời Tây

Quẻ Càn Khôn chín ruổi mười may

Muốn gọi thăm nhau khác giờ tý ngọ

 

Cuộc cờ tàn pháo xe dang dở

Con tốt qua sông ngỏng cổ anh hùng

 

AN SƠN

-------

* Tên bài hát của Trầm Tử Thiêng



MẮT NAI (NGUYỄN DUY TẨM)

MẮT NAI

 

Miền Trung mình có hai đèo đáng nhớ

Hải Vân chạm trời Đèo Cả cực đông

Miền Trung hai nhịp cầu để nhớ

Đà Rằng rộng dài Hiền Lương nghẹn chờ mong

 

Miền Trung hút xa bờ biển mặn

Cát trắng nơi nào cũng ghì níu bước chân

Miền Trung cây phong ba bén rễ

Thách thức bão giông cho nương rẫy nẩy mầm

 

Miền Trung mưa dầm nắng lửa

Nhủ lòng người gian khó đợi chờ nhau

Ai về Sông Hương lắng câu hò Huế

Áo tím O tê - nước mắt qua cầu

Chưa đi hết mộ bia thành quách

Phong rêu nào quấn chặt trái tim đau

 

Lạ một điều sông Miền Trung dẫu ngắn

Nhưng trong xanh như một dĩa cau trầu

Một mai cuối nẻo địa cầu

Vẫn hằng thương nhớ cái màu mắt nai

 

NGUYỄN DUY TẨM


NHỚ MỘT NGƯỜI DƯNG (HUY YẾN)



NHỚ MỘT NGƯỜI DƯNG

Thơ: Huy Yến

 

Đêm chập chờn ta nhớ một người dưng

Hình bóng cũ tưởng chừng quên lâu lắm

Vậy mà nay giữa bốn bề quạnh vắng

Cứ ùa về… chết lặng… trái tim côi.

 

Đêm thở dài theo tiếng gió xa xôi

Dòng ký ức bồi hồi như nhắc lại

Ngày xưa ấy đắm chìm yêu mê mải

Có bao giờ… nghĩ phải… cách chia nhau.

 

Đêm trở mình nghe nhoi nhói tim đau

Lời hẹn ước úa màu theo năm tháng

Ai chuốc ta những ngụm tình lãng mạn

Rồi xa rời… quên lãng… mỗi ta say.

 

Đêm ngậm ngùi tay lại nắm bàn tay

Rồi ve vuốt thân gầy trong đêm tối

Lại xa xót một thời xưa nông nổi

Ái ân vùi… rã rợi… bước người qua.

 

Đêm tủi hờn trăng lạnh với riêng ta

Cơn gió khẽ lướt qua vờn mắt lệ

Nghe tim khóc trái ngang lời dâu bể

Phận duyên hèn… đâu thể… sánh vai chung.

Đêm chập chờn… ta nhớ… một người dưng!


ĐÔI MẮT LÀ CƯẢ SỔ CUẢ TÂM HỒN (ĐINH PHẠM)


Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn

Người đời thường nói Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn , đôi mắt được tả như đôi mắt tinh anh , đôi mắt sáng, đôi mắt thông mình... nhưng cũng có đôi mắt gian xảo , đôi mắt láo liên ....Nhưng đôi mắt trong tình yêu là cửa ngõ đi vào con tim , và là nguồn thơ , văn chương , hay âm nhạc nữa. Ngày xưa tui nhớ có vở cải lương Mắt em là bể oan cừu , hay đôi mắt người xưa...Còn nhạc thì lấy cảm hứng từ đôi mắt rất nhiều như Mắt Biếc , Mắt lệ cho người tình , Thu về trong mắt em .... Màu mắt thay đổi theo chủng tộc , nhưng cũng khác nhau trong một chủng tộc , người tây phương có màu mắt rất đẹp từ màu xanh , màu nâu , đen hay màu tím ....người Châu Á thì màu đen hay màu nâu,  . Đôi khi mắt còn được để đoán tương lai nữa, như mắt huyền hay mắt biếc thì cuộc đời tình duyên
lận đận


ch
chẳng hạn .
Hiếm khi một người có hai màu mắt khác nhau . Bắt đầu yêu nhau thì gọi là ánh mắt đầu tiên , ngoài ra còn có ánh mắt yêu thương , giận hờn , vui , buồn, oán trách .... nghĩa là đủ cỡ biến đổi theo mức độ tình yêu , hay theo mùa nhất là mùa Thu ....Nói chung đôi mắt có vị trí quan trọng trong cuộc đời và tình yêu

Ba cô nàng sở hữu màu mắt hiếm với nhan sắc tựa nàng thơ


Hot girl Brazil Duda Reis, nàng mẫu 2 màu mắt Sarah McDaniel và thiếu nữ Ấn Độ Joyeeta Sanyal 'đốn tim' dân mạng với đôi mắt hút hồn và vẻ ngoài nổi bật.
Cô nàng 10X sở hữu thân hình nóng bỏng với số đo 3 vòng chuẩn. Thần thái của Duda Reis khiến nhiều người liên tưởng đến các nữ thần trong truyện Hy Lạp. 

Nàng mẫu sinh năm 2000 còn là beauty blogger được nhiều người hâm mộ. Cô thường chia sẻ những bí quyết trang điểm, cách tập luyện để có cơ thể đẹp và lối sống lành mạnh. Sức hút từ truyền thông giúp cô gái 18 tuổi có nguồn thu nhập lớn từ công việc làm mẫu và quảng cáo.
Sarah McDaniel (sinh năm 1995) nổi tiếng khắp thế giới khi sở hữu đôi mắt hai màu cực hiếm cùng vẻ ngoài xinh đẹp, nóng bỏng. Cô có mắt phải màu xanh dương và mắt trái màu nâu vàng. Mắt của Sarah thuộc loại loạn sắc tố mống mắt toàn phần (tên khoa học là Heterochromia iridium) vì hai màu hoàn toàn khác biệt.
Không chỉ có đôi mắt độc đáo, cô nàng còn sở hữu thân hình bốc lửa, khỏe khoắn. Vẻ đẹp hút hồn của hot girl 9X trở thành niềm cảm hứng của nhiều nhiếp ảnh gia và nhà hội họa. 
Nhiều dân mạng từng nghi ngờ 9X đeo kính áp tròng hoặc photoshop để có màu mắt lạ. Song những người từng làm việc với cô đã lên tiếng phủ nhận tin đồn, bênh vực cho hot girl Mỹ. Hiện cô thu hút hơn 1,2 triệu người theo dõi trên trang cá nhân.
Joyeeta Sanyal Thời gian gần đây, đang là hiện tượng "gây sốt" khắp cộng đồng mạng châu Á nhờ những hình ảnh đẹp xuất thần tại lễ hội truyền thống Holi Festival. Thiếu nữ Ấn Độ sở hữu đôi mắt xanh hổ phách - màu mắt hiếm trên thế giới. 
Chỉ sau một đêm, cô nàng trở thành hiện tượng, được dân mạng truy tìm thông tin. Cô cũng thường xuyên nhận được những bức vẽ chân dung của mình do những người hâm mộ từ nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... gửi tặng.
Sau khi nổi tiếng, Joyeeta có cơ hội đổi đời khi được các nhiếp ảnh gia và nhiều nhãn hàng để mắt, mời quảng cáo. Tuy nổi tiếng, cô không chia sẻ nhiều thông tin cá nhân trên truyền thông hay mạng xã hội.           Đinh Phạm

Mắt biếc > Nhạc: Ngô Thụy Miên - Ca sĩ Sĩ Phú =>>>

NẾU CÓ KIẾP SAU, XIN ĐƯỢC LÀM ĐÀN BÀ (L.G)

Nếu có kiếp sau, xin được làm đàn bà

 

Từ nhỏ tôi đã thấy làm con trai không có gì vinh quang: Con trai khóc nhè là xấu, con trai sợ ma bị chế giễu, con trai phải thế nọ, thế kia.Và nỗi khổ thấm dần cho đến khi là thanh niên, nhưng nỗi ám ảnh thân phận lớn nhất bắt đầu từ khi lấy vợ.

 

Tôi thực sự không biết sống sao cho vừa lòng vợ tôi. Ngày yêu nhau cô ấy nói “Em thật may mắn khi gặp được anh”. Vậy mà càng sống chung, cô ấy càng cố chứng tỏ cho tôi thấy rằng gặp tôi chính là bất hạnh lớn nhất đời của cô ấy.

 

Tôi tiết kiệm thì cô ấy kêu rằng “đàn ông mà ki bo, đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”, đến khi tỏ ra hào phóng thì lại bảo rằng “tiêu xài hoang phí”.

 

Tôi ăn mặc giản dị thì bảo “để người ta cười vào mặt vợ không chăm lo cho chồng”, nhưng hễ trước khi ra đường mà đứng trước gương ngắm vuốt một tý thì y như rằng “hò hẹn với đứa nào mà trau chuốt thế?”.

 

Không đụng tay vào việc nhà thì cô ấy bảo “về nhà như khách trọ” mà mó tay vào việc gì thì hét lên “Hôm nay mặt trời mọc đằng Tây sao?”.

 

Con cái khó bảo, cô ấy đánh con thì được, nhưng tôi mà lăm le doạ nạt con tý thì cô ấy bảo rằng “anh có mang nặng đẻ đau đâu mà xót”.

 

Cô ấy suốt ngày nói xấu mẹ chồng nhưng chồng mà có phản ánh gì về bên ngoại thì ngay lập tức nhảy dựng lên bảo chồng phân biệt, coi thường.

 

Mỗi lần tôi bảo

“em quan tâm đến mẹ chồng một tý, dù em không hài lòng với mẹ thì đó cũng là người đã sinh và nuôi dạy chồng em đấy”.

 

Ngay lập tức cô ấy đáp trả

“có bà mẹ nào không phải sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Chẳng lẽ em tự dưới đất chui lên, tự hít khí trời mà sống à. Sao anh lúc nào cũng chỉ mẹ anh, mẹ anh?”.

 

Mà nào tôi có phân biệt nội ngoại gì đâu, mà hễ nhắc đến vấn đề đó là cô ấy cứ nóng lên như dầu gặp lửa.

Nếu tôi lo kiếm tiền, vợ sẽ nói tôi coi trọng tiền bạc hơn gia đình, vợ con. Nếu tôi dành nhiều thời gian cho vợ con, cô ấy lại bảo tôi dễ bằng lòng, an phận.

Những lúc tôi buồn than thở đôi câu, cô ấy bảo tôi yếu đuối. Cô ấy buồn mà tôi cố làm cho cô ấy vui, cô ấy trách tôi “máu lạnh, vô cảm”.

 

Tôi làm gì mà không hỏi vợ thì cô ấy nói “không tôn trọng vợ”, mà hỏi thì lại bảo “đàn ông không biết chủ động, tự quyết”.

Nếu tôi mua hoa tặng vợ, cô ấy kêu lãng phí. Còn nếu không mua thì bảo rằng khô khan, không lãng mạn.

Nếu nói những lời ngọt ngào, cô ấy nghi ngờ tôi làm gì có lỗi nên nịnh bợ. Nếu không cô ấy bảo tôi ngày càng cộc cằn, thô lỗ, hết yêu cô ấy rồi.

 

Từ ngày có vợ, tôi như biến thành một con người khác, không còn là mình nữa. Tôi còn không phân biệt được thế nào là đúng, thế nào là sai. Vì làm gì vợ cũng bảo không được, làm gì cô ấy cũng chê, làm gì cô ấy cũng tìm được lý do để than phiền chê trách.

 

Có lần vợ bảo tôi:

 “Nếu giờ cho anh một điều ước, anh sẽ ước gì?”,

 

Lúc đó tôi không ngần ngại trả lời

“ước sau khi ngủ dậy mình đã biến thành đàn bà”.

 

 Nghe xong, vợ tôi liền hét lên: “Anh hâm à, làm đàn bà khổ lắm”.

Vâng! Làm đàn bà khổ lắm, còn làm chồng đàn bà thì tận cùng của khổ.

 

L. G