Wednesday, February 27, 2019

THÔNG BÁO VĂN NGHỆ


THÔNG BÁO VĂN NGHỆ

ĐẠI HỘI 9 CỰU HỌC SINH PHÚ YÊN

“THUYỀN VIỄN XỨ” ALASKA

Kính thưa quý thầy cô và quý anh chị,

Hội Đại Hội 9 Cựu Học Sinh Phú Yên tại Seattle, Canada và Alaska (trong thời gian 10 ngày: từ Thứ Năm, 29 tháng 08 đến Thứ Bảy, 07 tháng 09 năm 2019; xem “THÔNG BÁO SỐ 2”) sẽ rất tưng bừng và náo nhiệt nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình của thầy cô, đồng môn và thân hữu, mà tính cho đến nay đã có hơn 350 người ghi danh tham dự.  




Ngoài những chuyến du ngoạn, trình diễn áo tắm, áo dài, kể chuyện tếu, hát cho nhau nghe, và đi chơi theo nhóm…., chúng ta sẽ có 3 buổi sinh hoạt chung tại hội trường (conference room) trên “Thuyền Viễn Xứ” với 3 chương trình văn nghệ đặc sắc vào 3 ngày:
-Tiền Đại Hội: Thứ Hai (2 tháng 9, 2019),
-Đại Hội: Thứ Ba (3 tháng 9, 2019),
-Hậu Đại Hội: Thứ Năm (5 tháng 9, 2019)

Để 3 buổi sinh hoạt văn nghệ này thêm phần phong phú và đa dạng, kính mời quý thầy cô và các anh chị  hãy tích cực ghi tên tham gia vào các tiết mục thuộc mọi thể loại như ca, vũ, nhạc kịch, hoạt cảnh….

Theo dự trù, chúng ta sẽ có 5 bản hợp ca:
1. Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng (Phạm Đình Chương)
2. Mùa Hợp Tấu (Hùng Lân)
3. Nhạc Rừng Khuya (Lam Phương)
4. Nhà Việt Nam  (Thẩm Oánh)
5. Liên Khúc “Saigon”: gồm Ghé Bến Sài Gòn (Văn Phụng) &

Theo dự trù, anh Nguyễn Minh Hựu và chị Thanh Vân sẽ phụ trách tập dợt tiết mục 3, 4 và 5.  

Mời quý anh chị hãy bấm vào những link mầu đỏ trên để nghe cho quen giọng; rồi sau đó chúng ta sẽ chia nhóm để tập.  
(Sau khi hình thành nhóm đồng ca, chúng ta sẽ setup ngày giờ tập dợt).

Ngoài những bản hợp ca này, chúng ta cũng sẽ có những tiết mục khác như đơn ca, song ca, karaoke..., vậy quý anh chị hãy bấm vào “GHI DANH VĂN NGHỆ” để đóng góp cho 3 đêm sinh hoạt chung của chúng ta thêm phần hấp dẫn.

(Quý anh chị cũng có thể bấm vào "GHI DANH VĂN NGHỆ" ở trang bìa của blog CVNN, bên cạnh THÔNG BÁO SỐ 2 để ghi danh trực tiếp, không cần vào trang "THÔNG BÁO VĂN NGHỆ" này.)

Nếu gặp khó khăn trong ghi danh trực tiếp trên, quý anh chị có thể ghi danh qua điện thoại, hoặc email:
-Trương Thukỳ:  781-929-3995, hoặc thukytruong@gmail.com;
-Dave Trần: 626-374-8516, hoặc davetran@yahoo.com;
-Phạm Đức Hiền: 408-840-3038, hoặc famduchien@gmail.com.

Hy vọng chúng ta sẽ có những giây phút thoải mái trong 10 ngày viễn du, chắc chắn sẽ giữ lại trong lòng chúng ta một chút gì “để nhớ, để thương”.

Trân trọng kính chào quý thầy cô và các anh chị,

San Jose Feb 28, 2019
Phạm Đức Hiền






EM DUY NHẤT (DIỆP THẾ HÙNG)


EM DUY NHẤT


Khi yêu thật sự, ta chỉ yêu một người, bởi lẽ tâm trí ta dồn hết cho người ấy.  Nhưng cũng có người trẻ tuổi nói rằng một người không thể mang lại tất cả những gì người kia chờ đợi trong tình yêu, trong sự chia sẻ những quan tâm, những vấn đề của cuộc sống. Như ta biết, rất ít khi hai người yêu nhau (hay không) có cùng một lối suy nghĩ có cùng những sở thích.  Rất nhiều người tìm những gì thiếu thốn ở một người khác. Đó là quan điểm mà một số người không chia sẻ: họ cho rằng khi yêu nhau ta phải yêu những khác biệt, những điểm tốt và những khuyết điểm. 

Đây là một chủ để tuỳ thuộc vào mỗi người. 

Tuần này tác giả xin chia sẻ với các bạn một bài thơ diễn tả một giấc mơ trong đó người mơ không chạy theo người yêu được vì trong mơ như các bạn biết ta không thể chạy theo ý muốn vì thần kinh thì làm việc nhưng bắp thịt khi ngủ thì không tuân theo lệnh của thần kinh. Khi tỉnh giấc người nằm mơ cảm thấy sung sướng vì người yêu vẫn còn đâu đó, không mất.   

Người trong thơ khẳng định là chỉ yêu một người duy nhất như trong lập trường thứ hai trình bày trên đây.
Chúc các bạn vui.


EM DUY NHẤT

Anh nhớ em, đêm nay mưa tầm tã
Mưa ngoài trời, băng giá thấm vào tim
Tiếng mưa rơi trên vạn vật lặng im
Anh nhè nhẹ đắm chìm trong giấc ngủ

Em đây rồi, với nụ cười quyến rũ
Giữa vườn hoa kết nụ đón xuân sang
Tóc bồng bềnh trong màu nắng chói chang
Em đẹp lắm, dịu dàng, anh run rẩy

Anh gọi em, em không nghe không thấy
Em khuất dần sau mấy đám cây xanh
Anh chạy theo, nhưng cứ chạy loanh quanh,
Anh tỉnh giấc, tim tan tành trong mộng

Anh mỉm cười, ngoài kia trời gió lộng
Mình vẫn yêu, vẫn trông ngóng chờ nhau
Giấc mộng kia chắc tự một lo âu
Trong tiềm thức, ưu sầu mà không biết

Từ khi gặp, ta yêu nhau tha thiết
Anh mang tình yêu ấy viết thành thơ
Em biết không, từ lúc ấy đến giờ
Anh chỉ ước, chỉ mơ em duy nhất.


Diệp Thế Hùng (Feb. 24, 2019).





*** Mời thưởng thức nhạc phẩm “Một Đời Yêu Em” của Trần Thiện Thanh- Tiếng hát Thế Sơn.




CHUYỆN ĐỜI XƯA VÀ NAY - PHẦN 3 (NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT)




Kính thưa quý thầy cô & các anh chị,

Hồi ký của chị Bạch Tuyết (cựu trưởng ban ngân quỹ kiêm thủ quỹ của ngân hàng PTNN tại Tuy Hòa) Thukỳ may mắn vào học tại đây nên quen biết chị, dù thơi gian ngắn ngủi nhưng kỷ niệm tại ngân hàng cũng nhiều và vui buồn lẫn lộn, xin kể 1 câu chuyện thật xảy ra tại đây, chút vui vui của thời xa xưa ấy.

Một hôm Thukỳ đánh máy những đơn xin vay của thân chủ, khi xong thì mang vào văn phòng ông giám đốc ký, TK chờ ông ký xong thì đem ra giao cho ban tài chánh, phòng thủ quỹ để hôm sau phát vay cho họ.  Có một hồ sơ ông ta tên là Hà C..
TK phải đánh cho đúng chính xác tên của họ, nhưng khi ông giám đốc ký mới nghi là TK còn trẻ nghịch hay làm lộn, nhưng ông khg dám hỏi thẳng, mà dùng bút đem ghi vào đơn: “Ông này tên Hà Cập hay Hà C..?”

Thukỳ đọc xong phải ngồi gục xuống ghế mà cười chảy nước mắt.  Các bác chủ sự phòng cũng mắc cười nhưng họ phải cố dằn lại.

Hôm sau ngày phát vay, tất cả các chị trong thủ quỹ không ai dám gọi tên ông, nhìn rồi úp hồ sơ qua một bên, cho đến khi phát tiền hết mọi người, chị Bạch Tuyết thấy còn 1 hồ sơ mới mở ra xem, nhìn hình căn cước và ông bác đó giống nhau, chị cười nhẹ và ngoắt ông lại, tội nghiệp khỏi đọc tên ông vừa thẹn vừa nói chữa: “Hồi nhỏ xấu láy quá cô, sợ khó nuôi nên ba má đặt tên vậy” Tội nhất là chị Bạch Tuyết kể ông kiên nhẩn chờ không khiếu nại hay hỏi han gì cho đến khi chị gọi.

Một cái phong tục xưa mà ba má ở quê nhà tin dị đoan khg muốn đặt tên con hay sợ ông bà bắt chết…Tội cho con phải mang cái tên mà một đời khổ sở, hy vọng ngày nay với sự văn minh thì ai cũng có những cái tên thật đẹp như Bạch Tuyết hay Thu-kỳ chẳng hạn…haha

Xin chia sẻ chút chuyện xưa vui kỷ niệm tại ngân hàng mà hai chị em kể lại còn cười.  Xin đọc tiếp hồi ký phần 3 của chị Bạch Tuyết.

Thukỳ

**********************

Ba tôi đang công tác ở miền Trung trong chiến dịch đấu tố này việt Minh khg còn tin tưởng giai cấp địa chủ nên cho ba tôi về nhà.  Ông đã học tập kỹ ở cơ quan về vấn đề đấu tố này nên ông rất sợ, về nhà ông ở trong phòng khg dám tiếp xúc với ai.  May mắn việc đấu tố hành hạ thân xác địa chủ chưa kịp thi hành thì chiến dịch Ách lăng (Atland) xảy ra.  Quân đội viễn chinh Pháp và quân đội Quốc Gia đổ bộ ra Tuy Hòa, họ đóng quân khoanh từng vùng, như Tuy Hòa và Hòa Thành, xã quê chúng tôi thì còn Việt Minh kiểm soát.

Ba tôi lúc này đã trở lại cơ quan, nhà chỉ còn má tôi, hai bà dì và 3 chị em tôi và người giúp việc (ông ngoại tôi mất 1952, tiếp đến là em gái thứ Ba của tôi, cô em này tôi rất thương yêu vừa xinh đẹp vừa khôn ngoan, em mất lúc lên 5 tuổi!  Tôi thương nhớ em khóc hết nước mắt, cứ mỗi lần cầm đến đồ chơi của em là tôi nhớ, sau đó vài năm bà nội mất, thêm một lần nữa tôi đau buồn, vì từ tấm bé hằng đêm tôi vẫn ngủ chung với nội nghe nội kể chuyện cổ tích, chuyện tông chi họ hàng...Ông ngoại thì nghiêm nên tôi rất sợ, con nít như chúng tôi có ai chịu ngủ trưa chỉ thích rong chơi, đi bắt bươm bướm, chuồn chuồn, nhưng ông ngoại buộc phải ngủ trưa.  Nằm bên ông ngoại sợ quá ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết.  Tôi thuộc những bài thơ của bà Huyện Thanh Quan, những bài thơ yêu nước cũng nhờ từ ông ngoại, tôi đã mất liên tiếp 3 người thân yêu)

Mọi người lập mưu cho 2 bà dì dẫn em trai tôi đi trước, mấy ngày sau má tôi mới nói với ông giúp việc phải đi Hòa Thành để thu lúa, để lại tiền bạc lúc gạo cho ông sống, căn dặn kỹ nên ông hỏi sao cô đi có ít ngày mà dặn kỹ vậy?  Ông có biết đâu đó là lần cuối cùng vĩnh biệt nhau.  Sau đó khg lâu ông bị máy bay Pháp bắn chết, lúc này tôi gần 12 tuổi, má tôi bồng em gái đi với tôi lên nhà bà cô thứ Sáu ở xã Hòa Thành cách xa đồn lính Quốc Gia khoảng 5 cây số ở lại 1 đêm, sáng hôm sau má nói gạt cô là vô Phước Bình tìm coi có ai quen hỏi thăm tin tức gia đình ở Phan Thiết, bà cô chẳng nghi ngờ gì.

Chúng tôi đi đến Phước Bình gặp ngay người quen, vợ chồng chú Trần Bình trọng và cô Thu, chú Trọng quê ở Hòa Hiệp khg biết chú theo lính Quốc Gia từ lúc nào, cũng may nhờ có cô chú mà trong mấy ngáy ngày ở đây được cô Thu lo cơm nước chu đáo, còn bày vẽ làm sao ra được TP Tuy Hòa.  Thuở ấy tuy là con nít nhưng tôi thấy cô chú ấy đẹp đôi và sang trọng, chẳng biết giờ này cô chú ở đâu có còn trên đời này hay khg, con xin tri ân cô chú.

Sau đó chúng tôi theo xe nhà binh đến Phú Lâm, vì xe khg đi thẳng ra Tuy Hòa, nên mẹ con phải đi bộ băng qua cầu Đà rằng, cầu thật dài hơn 1 km, lúc ấy tôi xách cái giỏ mây đựng ít quần áo, tôi lẻo đẻo theo sau, má tôi bồng đứa em đi trước, vừa đến đầu cầu Đà rằng đã gặp ngay người lính viễn chinh da đen đang cầm súng chận lại, má tôi đưa tay bắt tay người lính này và nói Bonjour monsier (chào ông) sau đó bà hỏi ông bằng tiếng Pháp ngả nào đến TP. Tuy Hòa.  Chắc người lính Pháp ngạc nhiên là ở nơi chốn u tịch này mà có 1 người đàn bà nhà quê nói tiếng Pháp trôi chảy, nên ông ta chỉ đường cho đi, nhưng phải đi bộ băng qua Ngọc lãng mới đến Tuy Hòa thay vì đi trên cầu Sông Chùa.

Đến TP chúng tôi tá túc nhà cô Ba Hữu Dụng con của ông bà Hòa Thái người quen biết ba tôi.  Tuy mới tiếp thu Tuy Hòa, nhưng cô Ba Giác đã mở một của hàng tạp hóa, vải vóc mới nhập từ miền Nan ra, là con nít chẳng biết làm gì hằng ngày tôi ra đứng trước cửa hàng chơi, dân và lính tây đến mua tấp nập, tôi nghe cô nói tiếng Pháp dòn tan mà phục lăn, nghe đâu lúc trẻ cô đi học ở Đồng Khánh Huế.  Đây là Gđ thứ 2 mà chúng tôi mang ơn khi mới từ vùng Việt Minh ra.

Mới tiếp thu mà đã thành lập chính quyền có tỉnh trưởng… đầy đủ.  Tôi còn nhớ ông Tỉnh trưởng đến tiệm tạp hóa của cô ba Giác thấy đứa cháu trai con của em cô, và em gái nhỏ của tôi xinh xắn dễ thương ông bồng chụp hình.  Ở Tuy Hòa một thời gian ngắn chúng tôi theo xe nhà binh vô Nha Trang, trong xe GMC này có chở con ngựa đứng giữa, chúng tôi ngồi 2 bên xe, khi xe đến Đèo Cả bị Việt Minh giật mìn cũng may khg ai bị thương tích gì.

Bà ngoại nghe tin các con sắp về Phan Thiết bà ra Nha Trang ở nhờ nhà người cháu họ trước mấy ngày để đón các con các cháu.  Sau 9 năm xa cách mẹ con gặp lại khg còn nỗi vui mừng nào hơn.  Chồng dì sáu tôi bị Tây bắt làm tù binh cũng được thả ra, về đến Phan Thiết bà con làng xóm ai cũng đến thăm viếng, mừng rỡ cho quà cáp, hàng vải để may mặc vì biết chúng tôi thiếu thốn.


Sau đó thì hiệp định Genève ký kết chia đôi đất nước, bà dì thứ Bảy tôi vì chồng còn lại ngoài đó nên tập kết theo chồng ra Bắc.  Ba tôi lúc này đang ở Bình Định, tụ điểm tập kết, ông khg muốn đi định trốn về nhưng sợ họ theo dõi, nên ba tôi viện lý do là về đem thằng con trai ra đi, ba tôi về Phan Thiết và ở lại.  Lúc này mọi việc đã tạm ổn, ba má tôi đưa con đi Sài Gòn viếng thủ đô, ở SG một hôm đi dạo trên đường phố thấy từng đoàn xe chở người Bắc di cư từ bến Bạch Đằng lên, tôi đứng nhìn từng chiếc xe chạy qua, trên xe thấy những ngauời đàn bà chít khăn đen nhìn quanh đường phố vẻ mặt ngỡ ngàng, ngơ ngác.  Lần đầu tiên tôi có mặt trên đường để nhìn thấy những người khách ly hương mới nhập cư vào miền Nam.

NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT

**Xin mời xem tiếp phần 4 vào tuần tới.

NHỚ NGUYỄN TẤN TỂ (NGUYỄN ĐÌNH TRÌNH)




NHỚ NGUYỄN TẤN TỀ

(Cựu HS Nguyễn Huệ - Niên khóa : 66 - 73)

Nguyễn Tấn Tề ơi ! Nguyễn Tấn Tề !
Từ ngày vĩnh biệt vị hiền thê
Hai mươi cái giỗ tuy thanh đạm
Chiến hữu và ta vẫn  nhớ về

Đứng trước bàn thờ lấm láp nhang
Nhìn lên tấm ảnh ố đen vàng
Ta như thấy mặt hồi ngươi sống
Bảy nổi, ba chìm lắm trái ngang

Nhớ thuở đồng môn Nguyễn Huệ trường
Ngươi là chủ lực nhóm văn chương
Nhiều cô thiếu nữ nhìn mê mẩn
Vóc dáng dù cho thấp dị thường

Nhớ thuở Đồng Găng ở trong tù
Ta gầy đốt sống nổi từng u
Ngươi thường gửi rượu và đem thịt
Chén tạc chuyền tay đến chén thù

Nhớ thuở đào vàng tận trên non
Nghe ta hết nước gạo không còn
Ngươi cho tất cả đồ ăn uống
Phó mặc gia đình với vợ con

Nhớ thuở ta về ở Phú Lâm
Ngươi mua thịt lợn nấu măng hầm
Rau dưa Ngọc Lãng, tương Gành Đỏ
Bánh tráng Tuy Hòa đãi một mâm

Nhớ thuở ta vào cảng Vũng Rô
Đào ao nuôi cá, chạy xe thồ
Ngươi gom bạc lẻ từng đồng một
Chắt bóp nhiều ngày mượn gửi vô

Ta còn nhớ lúc sống Bình Tân
Cách trở đò xe chẳng được gần
Vẫn thấy hằng tuần ngươi nhếch nhác
Ra vào Hòn Rớ viếng người thân

Mới đó thôi mà mấy chục năm
Tên ngươi mãi mãi đã yên nằm
Hồn xiêu phách tán trong tro bụi
Cuộc sống thanh nhàn hết tối tăm

Mỗi tội rằng ta chửa nhiệm mầu
Đi tìm lối thoát giữa trời Âu
Đêm đêm nhớ bạn ngồi tâm sự
Với những dòng thơ viết giải sầu

Tấn Tề có nhớ Tấn Tề ơi ???
Hãy cứ luôn luôn nửa miệng cười
Để đón chào ta đang chuẩn bị
Lìa trần tiếp tục cuộc rong chơi

Nguyễn Đình Trình


THÁNG GIÊNG NHÀ TÔI (AN SƠN)



THÁNG GIÊNG NHÀ TÔI

Tôi viết cho em ngày Xuân áo rộng
Gọi gió chiều lên
Quẳng gánh đa đoan
Một đời gian truân
Một đời phấn sáp
Cũng chỉ một đời qua cõi nhân gian
Tôi viết cho tôi gót mòn viễn xứ
Hơn nửa cuộc người thiếu gạo, thừa văn
Bóng Mẹ, quê hương bên lòng canh cánh
Chiều ngồi đầu non nhớ phủ Tuy An
Cha viết cho con dặm trường thân liễu
Chợ đời thực hư lẫn lộn thau , vàng
Bất nghĩa bất giao
Bất chính bất thủ
Chớ đánh đổi mình núp bóng hào quang

AN SƠN


CUỘC ĐỜI TÔI (THUKỲ)



Kính thưa quý thầy cô & các anh chị,

Sau những bài hồi ký của Thukỳ viết với nhiều tựa đề khác nhau, đăng rải rác một thời gian trước đây, ThuKỳ gom lại những bài viết này trên web của ThuKỳ.  Mục đích chính ThuKỳ là viết lại những gì TK đã sống qua, trong một giai đọan của lịch sử Việt Nam mà rất nhiều người trong chúng ta đã trải qua với rất nhiều đau khổ.   Viết lại chuyện chính mình đã sống là một phương tiện để giải tỏa chính mình ra khỏi những gì đè nặng trong tâm khảm. Hơn nữa, con và cháu chúng ta cũng muốn biết về những gì cha mẹ ông bà đã sống.  

Những bạn bè cùng thế hệ sẽ thấy trong những bài viết của ThuKỳ những điểm chung, những đau khổ, chịu đựng mà rất nhiều gia đình đã trải qua trong những năm biến cố sau 1975.


Hồi ký của Thu-kỳ viết rất đơn sơ mộc mạc, nhưng đó là sự thật mà mình đã trải qua, những nhân vật trong hồi ký này có thật, và nhiều người còn trên cõi đời này.

Thukỳ xin cám ơn ông xã đã ủng hộ, hai con trai khuyến khích viết. Lúc qua Mỹ, cậu lớn còn nhỏ nhớ mập mờ, con cậu nhỏ thì sinh ở Mỹ sau hơn 10 năm vợ chồng xa cách. Các cháu muốn có cơ hội biết rõ sự hy sinh, lòng kiên nhẫn, trung thành dù cho bao nhiêu biến chuyển xảy ra cho một người mẹ rất trẻ trong khi người cha ở tù.  


Thu-kỳ dở đủ thứ nhất là văn chương...nên xin các bạn bỏ qua những lỗi chánh tả, câu cú, hay cách hành văn không được gãy gọn, cái quan trọng là sự thật của cuộc đời mình đã đi qua.

Trân trọng,

Thukỳ




THẦY BÓI ĐỊA (4/19/18)
































Thukỳ