Wednesday, March 31, 2021

MẤT ĐÀ NẴNG 29/03/1975 (BS. TỐNG VIẾT MINH)

 

MẤT ĐÀ NẴNG 

(trích từ Một Thời Để Nhớ xuất bản 15-5-2011 tại Little Saigon, California.)

 

                                    Bác Sĩ Tống Viết Minh

                                   Quân Y Hiện Dịch Khóa 19


Tình hình quân sự ngày càng có nhiều biến chuyển sau tết Ất Mão (1975). Trong khi Đà Nẵng cũng như mặt trận vùng hỏa tuyến vẫn không có triệu chứng gì xấu đi cả, tin thất thủ Ban Mê Thuột cùng với việc triệt thoái các lực lượng quân sự theo Tỉnh Lộ 7B nối liền các tỉnh cao nguyên trung phần Việt Nam: Pleiku, Kontum với Phú Yên đã đem đến cho người dân bao nhiêu bàng hoàng sửng sốt.

 

Cuộc triệt thoái không được phối hợp chặt chẽ và điều nghiên kỹ càng của cả một quân đoàn đi qua một tỉnh lộ bỏ hoang từ nhiều năm được báo chí, các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước tường thuật như là một sự thất bại nặng nề. Không những bao nhiêu lực lượng quân sự, mà còn cả đoàn dân chúng chạy nạn kéo theo sau đoàn quân đã làm cho cuộc triệt thoái rơi vào một tình trạng hỗn loạn gần như không người chỉ huy.

 

Thay vì chỉ kết thúc an toàn trong vài ngày nhờ vào yếu tố bất ngờ, cuộc triệt thoái đã phải đương đầu với bao khó khăn chồng chất trên một con đường hai trăm năm mươi cây số xuyên qua núi rừng hiểm trở, trái với dự liệu đã kéo dài trong nhiều ngày. Binh sĩ ngày càng quá mệt mỏi, mất hết tinh thần chiến đấu. Thêm vào đó, sự bất mãn và sợ hãi đã tạo nên rối loạn ngay trong hàng ngũ của chính mình, làm cho đoàn di tản trở thành miếng mồi ngon cho đối phương trong các cuộc tập kích. Cộng quân đã phối hợp lực lượng kịp thời để nắm lấy thời cơ thuận tiện gây tử vong nặng nề cho lực lượng triệt thoái, đến nỗi nhiều đơn vị khi đến được Phú Yên đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bổ sung quân số trước khi có thể hoạt động trở lại.

 

Minh vẫn ngày hai buổi lái xe đến làm việc tại Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm. Tình hình quân sự ở vùng địa đầu giới tuyến không thấy có gì thay đổi theo sự hiểu biết của Minh. Tuy vậy trên đường lái xe đi làm hoặc về, Minh nhận thấy chuyển biến mỗi ngày mỗi khác.

 

Từ hạ tuần tháng ba trở đi, xe cộ ngày càng tấp nập và lượng lưu thông ngày càng tăng. Hình như dân chúng ở các tỉnh lân cận đã nhận thấy có một cái gì bất ổn; quá lo lắng, sợ hãi, họ đã tìm về Đà Nẵng, nơi mà họ nghĩ sẽ được an toàn hơn. Mỗi ngày Minh càng mỗi thấy tăng không những về số lượng hành khách, xe cộ mà còn cả vận tốc nữa. Ai ai cũng như hối hả, sợ sệt chờ đợi một biến chuyển không lường trước được sẽ xảy đến.

 

Dầu cố gắng giữ bình tĩnh cách mấy, Minh cũng không sao ngồi yên với những gì chứng kiến hằng ngày. Để an toàn cho gia đình, khỏi phải vướng mắc trong công việc, Minh quyết định sẽ lo vé máy bay cho Hường và các con di chuyển về Sàigòn trong khi Minh tiếp tục ở lại chiến đấu. Phương tiện di chuyển duy nhất nối liền Đà Nẵng – Sàigòn vẫn là đường hàng không. Phòng bán vé hàng không Việt Nam tại Đà Nẵng chen chân không lọt. Ai ai cũng hốt hoảng tìm cách rời xa thành phố đang có nhiều biến động.

 

Sau một ngày dài mệt mỏi chầu chực với ước vọng kiếm được cho Hường và các con mấy cái vé máy bay về Sài gòn trôi qua không một kết quả, chiều của ngày thứ hai, khi Minh cùng mọi người đang chen chúc trước các quày vé. Hàng không Việt Nam thông báo cho biết thủ tướng Trần Thiện Khiêm ra lệnh ngưng bán các chuyến bay ra khỏi Đà Nẳng, thay vào đó Hàng không Việt Nam sẽ được chính phủ trưng dụng vào một chiến dịch di tản dân chúng ra khỏi Đà Nẳng trong thời hạn ba mươi ngày.

 

Chính quyền không đề cập gì đến một chiến dịch di tản cụ thể, trong khi người dân từ các tỉnh kế cận vẫn tuôn về ngày càng đông, tạo nên một tình trạng bất ổn làm cho người dân càng hoang mang hơn. Thông cáo di tản dân chúng đã không đem lại một chút nào tin tưởng, an tâm trái lại còn làm cho mọi người nghĩ đến cảnh rồi đây Đà Nẵng cũng sẽ bị bỏ rơi như các thành phố khác, thông cáo chỉ là kế hoãn binh để chính quyền dùng phương tiện hàng không Việt Nam di chuyển thân nhân và người nhà ra khỏi Đà Nẵng.

 

Rời phòng bán vé cùng Hường trở về nhà, Minh đang phân vân không biết phải tính toán như thế nào thì một chiếc xe Jeep cảnh sát vội vã trờ tới đậu trước nhà. Một vài giây thắc mắc và nhận định trôi qua, Minh đã nhanh chóng nhận ra người chị họ cùng chồng trên xe. Anh phụ trách một chi khu cảnh sát ở Huế. Minh bàng hoàng với những gì mắt mình chứng kiến: Mười tám người lần lượt từ xe bước xuống! Làm sao ngần ấy người, trẻ con và người lớn, từ ba bốn gia đình khác nhau có thể chen chúc trong chỉ một chiếc xe như vậy! Trên khuôn mặt của mỗi người hiện rõ nét hốt hoảng, sợ hãi và mệt mỏi.

 

Họ cho biết Huế đã mất và đã may mắn nhanh chân thoát được. Dừng chân nghỉ ngơi trong chốc lát, kiếm một chút gì lót bụng, tất cả lại cùng nhau lục đục lên đường. Họ lại ra đi, không biết sẽ đi về đâu, có lẽ đi về con đường mà định mệnh đã an bài cho họ. Bực tức và buồn chán đến cùng cực, Minh cũng không buồn hỏi!

 

Mệt mỏi sau bao ngày chầu chực không hiệu quả, bị cuốn hút vào trong cơn lốc lo âu, sợ hãi trước tình trạng không những dân chúng mà ngay cả các quân nhân từ các tỉnh kế cận xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố. Tình hình xoay chiều quá nhanh, bao nhiêu biến chuyển dồn dập xảy đến, tâm trí Minh rối loạn không còn biết phải xử trí như thế nào!

 

Nếu một mình, chỉ việc nhảy vào phi trường, thế nào Minh cũng có cơ hội rời khỏi Đà Nẵng, nhưng với cả một gia đình sáu người thì quả là hết sức khó khăn, nhất là các con của Minh hẳn còn quá nhỏ dại, tuy Anh Tuấn bảy, Bích Huyền sáu, nhưng Mộng Điệp chỉ ba và Anh Bình vừa mới lên hai!

 

Những người lính chiến đổ xô về từ các tỉnh thất thủ, y phục xốc xếch, tinh thần sa sút, uất ức, mặt mũi hốc hác, bàng hoàng, họ không biết phải làm gì trước tình thế, lại nữa không người chỉ huy, đi lê thê lếch thếch trên đường phố trông thật não lòng.

 

Đài phát thanh tiếng nói Hoa kỳ và BBC tiếp tục đưa những tin tức ngày càng xấu làm nản lòng mọi người: Sau Ban Mê Thuột đến Quảng Trị rồi đến Huế, Quảng Ngãi, Chu Lai, Quảng Tín lần lượt rơi vào tay cộng quân.

 

Từ ngày ra Đà Nẵng đến nay, gia đình Minh vẫn sống với người cậu vợ, vốn là một Linh mục cai quản một họ đạo công giáo trong thành phố từ nhiều năm qua, gia đình Minh rất quí mến ông, tuy vậy cuối cùng Minh quyết định cùng gia đình ra đi sau khi những cố gắng thuyết phục ông rời Đà Nẵng bị thất bại. Ông cương quyết không bỏ rơi giáo dân, đi tìm tự do và an thân cho chính mình, mặc dầu ngoài việc coi sóc một giáo xứ, ông còn là tuyên úy trung đoàn 56, sư đoàn 3 bộ binh, một đối tượng có tầm cỡ của đối phương.

 

Trưa ngày thứ sáu 28 tháng 3, nhờ ông chở cả gia đình xuống Thanh- Đức (Thanh Bồ - Đức Lợi) một họ đạo nằm trên bờ tây sông Hàn, từ đó Minh thuê một chiếc thuyền máy đưa gia đình ra khơi với hy vọng tìm phương tiện thoát thân bằng đường biển. Khi thuyền rời bến, Minh nhìn thấy binh sĩ mang sắc phục nhiều binh chủng khác nhau với súng ống đầy đủ ngồi trên các ghềnh đá dọc bờ sông. Sau nầy nhiều người cho biết họ là những cán binh Việt Cộng đội lốt quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa để thực hiện những công tác đặc biệt giao phó.

 

Trên đường tiến đến gần cửa biển, thuyền gặp hai ba chiếc xà lan thật lớn đang thả neo trên sông. Xà lan nào cũng chứa đầy người. Xa hơn về phía cửa biển, một đoàn ba, bốn chiếc tàu hải quân đang đậu ở đó. Người lái thuyền đưa cả gia đình Minh đến một chiếc đầu tàu dùng để kéo xà lan đang đậu, có lẽ vì boong tàu không cao dễ dàng hơn trong việc chuyển người. Trên tàu dày đặc những người và người: đàn ông, đàn bà, trẻ em và có cả quân nhân.

 

Sau khi trả tiền thù lao cho người chủ thuyền, Minh nhảy vội lên tàu. Mặc dầu tàu chật như nêm, nhờ sự tiếp tay của một vài người tốt bụng, Minh đã nhận được qua tay người chủ thuyền và đem được lên tàu lần lượt từ Anh Tuấn, Bích Huyền đến Mộng Điệp. Khi người chủ thuyền trao Anh Bình, Minh chưa kịp ẵm thì đột nhiên chiếc đầu tàu kéo nổ máy. Sức quay của chân vịt tạo thành những lớp sóng thật lớn. Chiếc thuyền bị chao đảo và chồng chành thật mạnh vì nằm ngay vị trí chân vịt. Người chủ thuyền, rất bình tĩnh, một tay giữ chặt Anh Bình, tay kia đẩy mạnh chiếc thuyền ra xa và đã cứu được chiếc thuyền khỏi bị nạn, Anh Bình khỏi bị rơi tỏm xuống nước. Hường vẫn còn ở trên thuyền, hoảng hốt chứng kiến những gì đang xảy ra, mà cũng chẳng có một phản ứng gì được để cứu vãn tình thế!

 

Thật là một phen hú vía! Thấy tình hình trên đầu tàu kéo quá xô bồ, không một chút an toàn. Hơn thế nữa, Minh lại không chuẩn bị bất cứ một thức ăn hay uống gì cả. Sự hiện diện của các tàu hải quân ở cửa biển làm Minh nảy sinh một ý định khác: trở lại thông báo cho người cậu vợ linh mục, cho giáo dân và những người quen biết để cùng tìm cách rời khỏi Đà Nẵng bằng các tàu hải quân Việt Nam đang thả neo ở cửa biển. Thế là chàng cùng Hường và các con trở lại bờ.

 

Người cậu vợ rất ngạc nhiên thấy gia đình Minh về lại. Càng ngạc nhiên hơn khi ông được biết tất cả giáo dân đã bỏ ông chỉ còn lại vỏn vẹn có hai gia đình mà thôi!

 

Hôm ấy là ngày thứ sáu tuần thánh. Sau khi cố gắng hoàn tất nghi thức ngày lễ một cách vắn tắt, hoàng hôn bắt đầu buông xuống, gia đình Minh lần này chuẩn bị đầy đủ hơn, cùng người cậu và hai gia đình còn lại lên xe, một của Minh, một của người cậu trở lại Thanh Đức, với dự định sẽ cùng nhau thuê thuyền ra khơi tìm các tàu hải quân để trốn khỏi thành phố.

 

Không an toàn khi phải di chuyển vào lúc trời tối nhất là trên sông, trên biển, vả lại cũng đã quá mệt mỏi, Minh và tất cả đã quyết định ngủ qua đêm tại nhà một người quen ở cạnh bờ sông Hàn, sáng hôm sau sẽ dậy sớm để thực hiện chương trình như dự tính.

 

Đêm hôm đó, khi bóng tối đã hoàn toàn bao phủ xuống thành phố, máy bay trực thăng bay vần vũ trên bầu trời loan báo việc đặt quân trấn và thị xã Đà Nẵng dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan cao cấp một binh chủng nổi tiếng trong quân lực. Tiếng loa phóng thanh từ chiếc máy bay trong nỗ lực cuối cùng, nhằm đem lại niềm tin và trật tự cho dân chúng, không làm sao át được tiếng nổ chát chúa của hàng loạt đạn pháo kích cộng quân đang trút như mưa xuống phi trường Đà Nẵng.

 

Những trái hỏa tiễn rơi trong đêm trường thanh vắng nghe thật rợn người làm Minh xót xa nghĩ đến thân phận Đà Nẵng, bao nhiêu chiến sĩ, công nhân viên chức và người dân trong đó có Minh, gia đình cùng với bao người thân yêu đang bị bỏ rơi lại trên thành phố đang giẫy chết này. Sáng hôm sau khi thức dậy, bóng dáng những chiếc xà lan, đầu tàu kéo cũng như các tàu hải quân cũng đã biến mất khỏi cửa biển Đà Nẵng đem theo bao nhiêu kỳ vọng không những của Minh mà còn của biết bao người!

 

Nhìn cửa biển trống vắng lòng Minh tan nát! Minh, gia đình và bao nhiêu người đã bị bỏ rơi lại đằng sau! Minh không tin, nhưng đó là sự thật. Thế là bao nhiêu hy vọng thoát khỏi Đà Nẵng đã tiêu tan thành mây thành khói! Trong một nỗ lực cuối cùng, Minh chở hai gia đình tháp tùng và người cậu chở gia đình Minh. Tất cả cùng cố gắng đi về hướng Nam vượt qua cầu “De Lattre” để qua bãi biển Mỹ Khê hay Sơn Trà, tìm cách rời xa thành phố đang trong cơn hấp hối.

 

Thật đau lòng khi nhìn thấy bao cảnh vật xé nát tim gan lúc Minh lái xe đi qua những con đường chính của thành phố. Chiếc tàu Trường Thành, mới chiều hôm trước vẫn thả neo ở ngay cạnh bờ sông cũng đã rời xa thành phố từ bao giờ! Khói đen đang bốc lên từ tòa lãnh sự Mỹ. Dọc đường nón sắt, quần áo, quân cụ, giày cao cổ của quân nhân xen lẫn với mũ nón, túi xách, vali, guốc dép của người dân chạy loạn vương vãi khắp nơi.

 

Đường phố thật vắng. Không còn bóng dáng người thường dân. Các thương bệnh binh không thuốc men, không ai coi sóc chăm nom, nhận thức được thực trạng phủ phàng đã cố gắng tự cứu lấy mình, kẻ chống nạng, người xe lăn, những người khác trong nỗ lực “người mù cõng người què” họ kéo nhau đi từng đoàn, nơi này hai, chỗ khác ba, áo quần lôi thôi lếch thếch, hốt hoảng, tuyệt vọng; họ lê lết trên các đường phố dọc theo bờ sông Hàn, không biết đi về đâu!

 

Trước hãng Bia Larue, một số người mang quân phục biệt động quân và thường dân đang tranh dành khuân những thùng bia ra khỏi hãng. Họ hành động không khác gì trong cơn điên loạn! Vỏ chai và thùng nằm la liệt khắp nơi, trên đường, vỉa hè, lối đi. Nhìn thấy cảnh hỗn loạn, Minh không những ngậm ngùi xót thương, mà còn sợ cho sự an toàn của chính bản thân và toàn thể gia đình, mặc dầu vẫn mang bộ quân phục với vỏ khí đạn dược đầy đủ.

 

Con đường đi qua cầu “De Lattre” bị phong tỏa. Minh và người cậu phải lái xe trở về lại Thanh- Đức (Thanh Bồ - Đức Lợi). Không còn biết giúp gì được cho hai gia đình tháp tùng, Minh và người cậu vợ quyết định để cho họ tự xoay xở, rồi cùng lấy thuyền vượt sông Hàn đến Nhượng Nghiã, một xứ đạo nằm bên bờ sông của sông Hàn, hy vọng sẽ tiếp tục kiếm được phương tiện rời thành phố. Khi tất cả lên đến được trên bờ phía đông, ngoảnh mặt nhìn lại, chính mắt Minh chứng kiến cảnh chiếc máy bay phản lực cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng, khoảng trưa ngày 29 tháng Ba năm 1975. Chiếc máy bay cất cánh một cách khác thường! Nhìn chiếc phi cơ rời thành phố mà lòng Minh thấy xót xa, nuối tiếc!

 

Tối hôm đó cùng với tin thành phố Đà Nẵng thất thủ đài BBC cho biết những chi tiết thật đau lòng về chuyến bay: Trong cơn hỗn loạn, không giữ được trật tự, số người ùa lên quá đông, không những quá trọng tải, mà máy bay còn không thể đóng cửa được. Vì an toàn của cả chuyến bay, người phi công đã phải dùng những chuyển động ít khi sử dụng, cố tình làm cho số người thặng dư trên máy bay, đeo ở cánh hoặc cửa bị sức gió cuốn hút ra ngoài. Số người rơi từ phi cơ xuống đất khá nhiều trước khi phi công có thể đóng được cửa, để lái chiếc phi cơ về đến Sài gòn an toàn. Quả là một chuyện thật đau lòng ngoài sức tưởng tượng của con người!

 

Một người giáo dân quen biết trong vùng hứa sẽ giúp tìm thuyền để thuê chở cả gia đình Minh và người cậu về Cam Ranh hay Sài gòn, đem lại một tia hy vọng cho Minh đang mò mẫm trong con đường hầm đầy tăm tối và không lối thoát.

 

Đêm 29 tháng Ba, nhằm ngày thứ Bảy Tuần Thánh, khá yên tĩnh. Không tiếng pháo kích. Trong đêm trường vắng lặng, Minh có thể nghe thấy nhịp tim mình đập và hơi thở mình phập phồng trông ngóng. Mãi đến sáng hôm sau, người nhận sứ mệnh giao phó mới trở lại cùng với tin làm bao nhiêu hy vọng cuối cùng vỡ tan thành từng mãnh: Không tìm kiếm được bất cứ một ghe thuyền nào! Tất cả mọi cố gắng để được rời thành phố đều trở thành tuyệt vọng. Minh thở dài não nuột!

 

Sau khi vứt đi những gì liên quan đến binh nghiệp, thận trọng đào hố chôn khẩu súng Colt 45 trong tiếc nuối, tìm một chỗ để cất dấu khẩu P38 bé xíu, quà tặng người anh cả trong xót xa, Minh mặc vào người bộ áo quần dân sự trong rã rời, đắng cay và chua xót!

 

Nghĩ đến số phận dành sẵn cho người chiến bại, sợ rằng sẽ bị hành quyết, vì là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Minh tâm sự và giao phó mọi việc trong gia đình nhờ người cậu trông coi, nếu lỡ có chuyện gì xảy ra cho bản thân, vì nghĩ rằng không ai lại hãm hại một người chân tu như người cậu vợ. Minh cũng dặn dò Hường, ôm hôn các con và gửi đến những lời tâm huyết, ít nhất là cho Anh Tuấn và Bích Huyền. Thế rồi cùng người cậu, gia đình Minh lại lên thuyền vượt sông Hàn trở về lại Đà Nẵng, đối diện với một tương lai không biết đi về đâu đang chờ đón!

 

Hôm ấy là ngày Chúa Nhật Lễ Phục Sinh, 30 tháng Ba năm 1975.

 

  Bác sĩ Tống Viết Min 

(Trích “Một Thời Để Nhớ”)

 

BS. TỐNG VIẾT MINH (BS. TRẦN XUÂN DŨNG)

Hình minh họa

 

BS. Tống Viết  Minh

 

Tống Viết Minh sinh tại Quảng Bình 1946. Ông di cư vào  Nam, năm 1954 rồi định cư  tại Cam Ranh. Tốt nghiệp Y khoa bác sĩ năm  1972. Ông thuộc vào khóa 19, Quân Y hiện dịch.

 Gia đình ông theo Thiên chúa giáo. Thân phụ ông mong ông trở thành một linh mục. Do  đó năm 1958 ông vào học tiểu chủng viện Sao biển ở Thanh Hải, Nha Trang. Ông học rất giỏi.

Trong những dịp nghỉ hè thường được về quê nhà. Nhưng chính vì được về quê và vì mình có nhãn hiệu “con nhà giầu đẹp trai học giỏi”, nên nhiều thiếu nữ có cảm tình với ông. Có lần các cô đã dám mon men đến chủng viện thăm chàng. Thế rồi thư qua   thư  lại. Kết quả bất ngờ là Minh đã rời  chủng  viện năm 1963. Thân phụ ông rất bất bình. Thân mẫu ông khuyên ông nên đi tới nhà một người chị để tránh sự đổ vỡ trong tình phụ tử. Ông vào  Qui Nhơn.

 Năm 1965, ông bắt đầu vào học y khoa. Ông tốt nghiệp bác sĩ tại Y khoa Đại học đường Sài Gòn 1972.

 Ông đã  xuất bản  một cuốn sách nhan đề  “Một thời để nhớ”.

 Ông viết rất hay. Cách viết của ông, không nhằm mục đích để người đọc, xem rồi phê bình mức độ cao thấp có tính cách hàn lâm của  một  chữ hay của mỗi câu. Cũng không nêu lên  một tư tưởng triết học trong một đoạn nào. Tất cả chỉ là những kỷ niệm, những cảm xúc của chính tác giả, cũng như những  hình ảnh, từ  thanh bình, đến thảm khốc, của   quê hương.

 

Thưở nhỏ đi học:

 

 …  “Nhớ những ngày mưa buồn giá lạnh, hai đứa phải cuốc bộ cắp   sách  đến trường.  Càng đi  bùn đất càng dính cứng vào đế guốc. Đôi guốc càng lúc càng dầy và nặng nề hơn, làm cho đôi chân bé nhỏ bước nặng nhọc hơn. Đường lầy lội trơn trượt. Lắm lần lỡ chân hay vô ý hai đứa lại trượt té. Quần áo lấm hết. Thế nhưng cũng phải tiếp tục đi.

 

Ông tả mối xúc động khi cầm tay  một cô gái:

 

… “Nhớ trong một dịp dự sinh hoạt chung tại Nha Trang, Minh có  dịp nắm tay

nàng. Chỉ một cái nắm tay ấy cũng làm cho chàng   rung  động   đến từng thớ  thịt và cái cảm giác lâng lâng  ấy  ở mãi  trong tâm trí chàng   nhiều ngày.” 

 

Khi đọc đến đoạn này trong sách của Bác sĩ  Tống Viết Minh, tôi thấy Ông bạo gan quá, và nhờ thế  có được cái may mắn hơn Nhạc sĩ Lê trạch Lựu  rất nhiều. Người nhạc sĩ tài ba này chưa dám  cầm tay người yêu để có  được  nỗi sung sướng  :

Tôi bàng hoàng như tỉnh một giấc mơ, chờ đợi từ bao nhiêu ngày. Thế là hai hôm sau, tôi đi bộ từ Hà Nội qua làng tôi, tới  làng tạm trú của gia đình nàng. Chúng tôi đi chơi dọc dòng sông Nhuệ. Đi chơi cùng nhau, hết cả buổi chiều, thế mà tôi không hề dám cầm tay Phượng, điều này làm tôi ân hận tới bây giờ…

(Trích  Tơ lòng trên phim nhạc,Hồng Phong&Phi Anh.)

 

Mặc dầu  đã  may mắn hơn nhạc sĩ Lê trạch Lựu nhưng Ông Minh  vẫn còn thua, chưa được hưởng nỗi  sung sướng tuyệt vời  tay trong tay cùng truyền cảm,  mà nhạc sĩ Tô Vũ đã đạt được khi ông đang bị đau trong một ngày trời mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều, được em đến thăm anh một chiều mưa để rồi hai người mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu. Lời nghẹn ngào hồn anh như say như ngây vì đâu.


Quê hương Ông, Bác sĩ Minh  đã vẽ lại thật  thái bình:

… “Trước  hồ cá là những hàng cau với thân cao vút. Hoa cau khi nở trắng xóa, thu hút không biết bao nhiều ong bướm từ đâu kéo về tạo nên một cảnh sinh hoạt nhộn nhịp khác thường trông thật vui mắt. Cành lá cau khi tách thân rơi xuống đất được dùng vào nhiều việc. Mo cau để bới cơm. Cơm đùm trong mo được nén khi còn nóng, hạt dính vào nhau, dẫu nguội ăn vẫn rất ngon. Thỉnh thoảng năn nỉ lắm, Minh mới được người giúp việc cho một miếng cơm đùm đặc biệt đó, chấm với mè đường hay muối ớt, hoặc ăn với cá kho mặn, thôi thì không gì ngon bằng. Cành cau phơi khô để lợp nhà hay làm củi đốt. Vì nhà ở xa rừng, nên rơm rạ cũng như tất cả những gì có thể đốt cháy vẫn được tận dụng như những nguồn năng lượng chính trong việc bếp núc. Những giây trầu mang đầy lá xanh mướt quấn quanh  những cọc  gỗ thấp lè tè, khiêm nhường và chấp  nhận chen chúc nhau bên những thân cau  cao nghều nghệu, kênh kiệu và kiêu xa.”

 

 Khi Ông tám tuổi, 1954 hiệp định Genève  chia đôi đất nước. Song thân ông biết không thể  nào ở lại quê nhà vì phần đất  này nằm trong lãnh thổ  đã được chia cho Việt Minh.

 

Ông đã kể lại tình trạng của gia đình lúc lo chạy.

… “Trong lúc ba phải bận bịu với công việc lo di tản những người dân trong vùng, mẹ xuống Đồng Hới liên lạc với  những người quen biết xem xét tình hình để tính liệu. Khi đi mẹ đem Minh đi theo.

Gia đình đã thu xếp thuê xe  di chuyển cùng đem theo một   ít tài sản  từ quê vào Huế… Quãng đường không xa, chỉ hai,ba  chục cây số  vượt cầu Hiền lương, đường ranh phân chia hai miền  Nam Bắc để đến được vùng tự do .

 Dọ hỏi tình hình như thế nào không biết, mẹ đã có quyết định mới . Không thể chần chờ gì được nữa, mẹ và Minh  đã đi bộ từ Đồng Hới về nhà…

Về đến nơi mẹ đã ghé vội vào nhà cũ loan tin dự tính mới, trước khi tiếp tục cùng Minh đến căn nhà ba mẹ vừa xây xong cạnh bờ sông, nằm gần đồn Mỹ Trung để thông báo với  ba những gì đã chứng kiến, rồi cùng đi đến  quyết định chung: Không mang theo bất cứ một vật gì ngoài đồ tùy thân và hủy bỏ dự định  di chuyển bằng xe .Gia đình sau đó được ba dàn xếp xe quân đội  đến chở xuống  Đồng Hới, để bằng những phương tiện khác nhau, người máy bay, kẻ tàu thuỷ lìa bỏ quê hương đến vùng tự do.

Thật hết sức may mắn, mãi cho đến nhiều năm sau, ba mẹ mới  được biết người tài xế chủ nhân chiếc xe gia đình thuê di chuyển đã thông đồng bán đứng cả gia đình trên đường trốn vào Nam cho đối phương. Cán bộ Việt Minh về họp nhiều lần nơi người hàng xóm cách nhà Minh trong kế hoạch trên.”

 

Sống ở trong Nam, sự học của Ông tiến triển đều vì Ông vốn học rất giỏi.

Năm 1965 Ông vào học Y khoa Đại học đường Sài Gòn. Năm 1972, Ông ra trường. Và được mang cấp bậc Y sĩ Trung uý  và bắt đầu đi ra đơn vị.

Khi đọc quyển sách Một thời để nhớ của Bác sĩ Tống Viết Minh , tôi đặc biệt  để ý đến giai đoạn này.

Ngay khi bước chân vào con đường đi phục vụ đất nước, Ông đã  kể cho chúng ta một sự tương phản .

Thông thường ai cũng nghĩ rằng, những người ở trong quân đội, từ những cấp chỉ huy cho đến lính,   đều thường có thái độ của những kẻ bị gọi là  võ biền. Còn những kẻ đi học, hoặc là những người có bằng cấp cao, bao giờ cũng được xem như có cách cư xử của  văn nhân , nói nôm là nhẹ nhàng.

Thế nhưng đôi khi sự thật lại trái ngược. Xin đọc những phần viết dưới đây của Bác sĩ Minh.

 

…  

…“Sau khi dùng điểm tâm, người cậu  vợ chở chàng đến Bộ Chỉ Huy liên đoàn 71 Quân Y như đã dự tính. Tại đây mình gặp lại Thiện. Hai đứa cùng cảnh ngộ gặp nhau tại đơn vị mới, khuôn mặt anh nào cũng ngơ ngác không khác gì  “nai tơ trong rừng vắng” hoặc “gái mới về nhà chồng”. Sau khi trình sự vụ lệnh cho phòng nhân viên, Minh cùng bạn được mời ngồi ở phòng khách chờ trình diện bác sĩ liên đoàn phó. Bác sĩ liên đoàn trưởng không có mặt ở đó vì bận công vụ.

Chờ mãi một lúc khá lâu Minh và Thiện mới được mời vào gặp. Khi đến lượt mình, Minh đã theo đúng binh thư, đứng theo tư thế nghiêm  trình diện, chào lớn tiếng:

 “Y sĩ Trung uý Tống viết Minh số quân 67/807-684 trình diện Y sĩ Thiếu tá Liên đoàn phó.”

Hình ảnh người đàn anh ra trường trước bọn Minh có lẽ trên dưới 10 năm không bao giờ xoá mờ  trong tâm trí Minh: một người đàn ông khoảng 40 tuổi với khuôn mặt phì nộn.

Ông ta ngồi dựa trên chiếc ghế sắt bọc da, nhìn hai người với đôi mắt cú vọ. Im lặng hoàn toàn bao phủ căn phòng. Một thứ im lặng làm Minh cảm thấy khó chịu. Sau khi gác hai chân  bó gọn trong đôi giày trận hẳn lên trên bàn, ông ta vừa đu đưa qua lại trên chiếc ghế, vừa tiếp nhận đàn em và cũng là đồng nghiệp mình. Ông nhìn từ Thiện đến Minh rồi hằn giọng:

“Mấy toa làm gì mà đến hôm nay mới ra  trình diện? Nếu hôm nay không thấy mấy toa nữa là moa cho báo cáo đào ngũ rồi đó!” .Giọng Huế phát ra từ khuôn mặt béo phì nghe thật khó thương!

Cả Minh lẫn Thiện không ai mở miệng. Mỗi đứa theo đuổi một tư tưởng riêng. Minh tự nhủ không hiểu sáng nay phòng mạch vắng khách hay mới bị bà xã xài xể , lại đổ bao bực dọc lên đầu hai đứa đàn em vô tội này đây.

Sự đón tiếp chẳng mấy thiện cảm, mất lịch sự và đầy hách dịch của người đàn anh đã làm bọn Minh trở thành như tượng đá…

 

Bác sĩ Minh  được gửi đi tới trình diện một lữ đoàn thiết giáp.

 … “Đại tá Vũ quốc Gia, tư lệnh lữ đoàn, trạc hơn 40 tuổi, đầu tóc húi cao, khuôn mặt cương nghị gọn ghẽ trong bộ quân phục kaki vàng thay vì bộ đồ tác chiến, đã hết sức niềm  nở  đón tiếp hai người bác sĩ trong văn phòng của ông. Sau khi bảo người cần vụ pha một bình trà ngon đãi khách, vị tư lệnh ân cần hỏi han người bác sĩ trẻ vừa mới được tăng phái đến phục vụ đơn vị. Bình trà nóng được mang ra, chính  tay ông đích thân rót  từng tách một  mời khách. Sau khi uống một hớp trà ngon, với giọng Bắc  trầm, ông ôn tồn trình bày một cách vắn tắt nhưng mạch lạ cơ cấu tổ chức của lữ đoàn, cũng như những gì lữ đoàn mong  đợi từ toán quân y tăng phái…

 

Quả thật Minh không ngờ một người chỉ huy, trong tay có bao nhiêu quân lính, cùng với hàng trăm chiếc xe, từ những chiếc xe bọc sắt đã không còn mấy hữu hiệu với tình hình chiến trường hiện nay, cho đến những thiết vận xa có khả năng di chuyển qua các vùng sình lầy, kinh lạch sông ngòi,  hoặc các chiến xa hiện đại nhất, lại có tư cách thật  phong nhã của một kẻ sĩ hơn là một nhà chỉ huy quân sự như thế.

 

Ông không hề ngại khi nhắc đến cái giọng Huế thật khó thương  của một đàn anh. Minh là một quân y sĩ nhưng ông cũng không sợ khi phải nói ra thái độ hách dịch đáng khinh của một Bác Sĩ. Ông không bị ràng buộc bởi cái quan niệm  “xấu chàng hổ ai” , nên mới tường thuật được như thế.

Rồi Ông  trình diện một vị Đại Tá Thiết Giáp, người Bắc ,có  cách cư xử  khác hẳn. Minh chẳng quen,không biết gì vị Đại Tá,  nhưng đã viết ra cung cách thật đáng trọng của cấp chỉ huy này.

Tôi hiểu ông Minh,trong  thời gian ở Tiểu Chủng Viện Sao Biển, đã thấm nhuần  được Giáo lý Thiên Chúa Giáo. Và như  một câu trong Thánh Kinh, Ông đã trở thành:

“Là con   người mà bước đường họ đi không có gì  để chê trách, họ làm  điều gì phải,  họ nói sự thật từ trái tim của họ; lưỡi của họ không nói lời vu khống, họ không làm  điều gì trái đối với người hàng xóm,và không ném ra lời chửi rủa nào tới những kẻ khác.”

                                                                                                                         (Psalm 15:2-3)

 

Đọc đoạn văn trên của Bác sĩ Minh, người ta có thể gạt bỏ cái quan niệm về  võ biền hay văn nhã, hoặc trọng văn khinh võ đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt và  cả người Trung Hoa nữa .

 

Đoạn văn nói về Huế của Tống Viết Minh rất  thê lương:

… “Huế  đã mất cái nét kiều diễm, kiêu sa và  thơ mộng được nhắc đến  trong văn chương để khoác lên mình một bộ mặt mới. Các con đò vẫn ngược xuôi. Sông Hương vẫn lững lờ trôi. Những cây phượng vẫn trải thảm hoa đỏ rực bên chân cầu Trường Tiền. Con đường Lê Lợi vẫn còn đây. Đồng Khánh, Quốc học vẫn còn đó, thế nhưng Huế thay đổi thật nhiều.

 Huế đã lột xác để biến thành một thành phố lính, một thành phố quân sự. Đi đâu cũng gặp lính và những gì thuộc về lính. Gần như không thiếu một binh chủng nào, từ Nhảy Dù, Thủy quân lục chiến, Biệt động quân, Sư đoàn 1, cho đến Thiết giáp, Pháo binh, Công Binh, Địa phương quân, Không quân, Hải quân, Biệt Kích Nhảy Dù. Người ta có thể thấy đủ mọi loại xe nhà binh, từ những chiếc xe Jeep,xe GMC, xe trọng tải có bàn tiếp  hậu còn được gọi là xe lô bồi ,cho đến cả các khẩu đại bác , các chiến xa di chuyển trên đường ra chiến trường, hay đang nằm án  ngữ  ở một vị trí chiến lược nào đó trong thành phố.

 Dáng dấp yêu kiều của các nữ sĩ trong những chiếc áo dài bay trong gió, lượt là trong con đường Lê Lợi hãy thướt tha trên cầu Tràng Tiền, cầu Bạch Hổ, những cô gái Huế nổi tiếng duyên dáng được nhắc  đến qua hai câu  thơ :

     Học trò trong Quảng ra thi

     Thấy cô gái Huế bước đi không đành.

                              (Ca dao dân gian Việt Nam.)

đã biến mất nhường chỗ cho các ông bà cụ già không buồn rời xa cái thành phố này vì đã quá già yếu hay không biết chạy đi đâu để lánh nạn,  và nào lính và lính. Có thể nói Huế đã trở thành một thành phố không có bóng dáng đàn bà, ngay cả đội ngũ những cô gái giang hồ sinh sống trên sông Hương, trên những chiếc đò  ngược xuôi, họ cũng đã rời xa dòng sông đi lánh nạn  ở các thành phố khác

Huế  đã bước vào mùa mưa. Nhiều hôm trời mưa không dứt kéo dài từ ngày này sang ngày nọ…

…Các chuyến bay bị hủy ảnh hưởng đến không những người sống mà  còn cho cả người đã khuất…

Các tử sĩ nằm xếp lớp khắc khoải chờ đợi chuyến bay ngày này qua ngày nọ ở sân bay Phú Bài . Vết thương do bom đạn cướp mất đời trai trẻ đã khô từ lâu . Họ đã chảy những giọt máu cuối cùng cho đất Mẹ, nay không có lại một giọt nào nữa để chảy. Thời tiết khắc nghiệt làm cho thân xác họ, sau nhiều ngày chờ đợi nay  đã bắt đầu ung rữa. Dầu các cỗ áo quan có bọc kẽm và Mẹ Việt Nam có cố gắng ôm những người con yêu của mình vào lòng để gọi trọn trong Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, vẫn không ngăn được mùi hôi thoát ra từ  thân xác những người con yêu.

Khi mưa bắt đầu thưa, gió ngừng, bầu trời quang đãng trở lại, vận chuyển bằng đường hàng không đã có thể tái lập.

Minh may mắn được phi công trưởng một trong những chuyến bay vận chuyển các quan tài các tử sĩ đồng ý cho quá giang về Sài Gòn. Chuyến bay trên chiếc C119 cũ kỹ và già nua từ thời Thế chiến thứ II còn sót lại, với hình dáng ngộ nghĩnh không khác gì chiếc bừa của người nông dân, đã để lại cho Minh một kỷ niệm không bao giờ quên.

Ngoài hai ghế dành cho phi công ngồi ở buồng lái, tất cả các hàng ghế ở thân phi cơ đã được xếp lại. Những  chiếc quan tài phủ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ được xếp từng hàng rất ngay ngắn và kính cẩn buộc chặt vào  trên những tấm vỉ nhôm, sau đó được đặt nằm trong lòng phi cơ. Có lẽ Minh là người bác sĩ quân y người duy nhất được hân hạnh đáp một trong những chuyến bay chở những người con yêu tổ quốc về quê Mẹ trong chiến cuộc Việt Nam nói trên.

Khi máy bay lên cao, áp suất không khí làm cho những  thân xác đang thối rữa tiết ra một mùi hôi rất khó chịu. Vì không chuẩn bị từ trước, nên dù cố gắng di chuyển hết vị thế này đến vị thế khác, Minh vẫn không sao tìm được một chỗ nào trên phi cơ có thể bớt  được mùi vị nồng nặc đó được, và mặc dầu sau bao nhiêu năm học, rất quen với đủ thứ mùi, ngay cả  đến những gì hôi thối nhất, cố gắng lắm Minh mới ngăn mình khỏi nôn.

Chuyến bay đáng ghi ấy đưa Minh về được thành phố đúng với những gì đã tính. Tuy chịu đựng mấy giờ, nhưng kỷ niệm có một không hai  trong đời này đã làm cho Minh rất thán phục các phi công không quân Việt Nam, hết chuyến này đến chuyến nọ, ngày này qua ngày khác, vượt qua bao khó khăn trong sứ mạng xem ra nhẹ nhàng, nhưng đòi hòi một sự hy sinh lớn lao mà có lẽ ít người biết được.

 

 Mặc dầu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã quyết tâm chiến đấu hết sức , và đã hy sinh tối đa, trước cuộc xâm lăng của Bắc Việt, nhưng miền Nam cuối cùng vẫn bị bức tử.

Thuở Minh  còn nhỏ, song thân ông đã đưa được gia đình chạy khỏi vùng Việt Cộng. Đến năm 1975, khi  29 tuổi, chính ông lại một  phen tìm cách đưa gia đình thoát khỏi vùng sắp bị Cộng sản Bắc Việt chiếm.

 

                                                                                 

   Bác sĩ Trần Xuân Dũng

                                                                                

  (Trích Văn Học Quân Đội)

 

CAY ĐẮNG, NGẬM NGÙI (MỘT THƯƠNG BINH)

 

Bài Thơ Của Một Anh Thương Binh...

Cay Đắng, Ngậm Ngùi!

 

Tao bị thương hai chân,

Cưa ngang đầu gối !

Vết thương còn nhức nhối.

Da non kéo chưa kịp lành...

Ngày " Giải phóng Miền nam "

Vợ tao " Ẵm " tao như một đứa trẻ sơ sanh...!

Ngậm ngùi rời " Quân-Y-Viện "

Trong lòng tao chết điếng,

Thấy người lính Miền bắc mang khẩu súng AK !

Súng " Trung cộng " hay súng của " Nga " ?

Lúc này tao đâu cần chi để biết.

Tao chiến đấu trên mảnh đất tự do Miền nam

-Nước Việt,

 

Mang chữ " NGỤY " thương binh.

Nên " Người anh, em phía bên kia..."

Đối xử với tao không một chút thân tình...!

Mày biết không !

Tao tìm đường về quê nhìn không thấy ánh bình minh.

Vợ tao: Như " Thiên thần" từ trên trời rơi xuống...

Nhìn hai đứa con ngồi trong căn chòi gió cuốn,

Bụi đất đỏ mù bay !

Tao thương vợ tao yếu đuối chỉ có hai tay,

Làm sao " Ôm " nổi bốn con người trong cơn gíó lốc.

Cái hay là: Vợ tao giấu đi đâu tiếng khóc.

Còn an ủi cho tao, một thằng lính què !

Tao đóng hai cái ghế thấp, nhỏ bằng tre,

Làm "Đôi chân" ngày ngày đi lại

Tao quét nhà; nấu ăn; giặt quần; giặt áo...

Cho heo ăn thật là "Thoải mái" !

Lê lết ra vườn: Nhổ cỏ, bón phân

Đám bắp vợ chồng tao trồng xanh tươi

Bông trổ trắng ngần !

Lên liếp trồng rau, thân tàn tao làm nốt.

Phụ vợ đào ao sau vườn, rồi thả nuôi cá chốt.

Đời lính gian nan sá gì chuyện gíó sương...

Xưa, nơi chiến trường

Một thời ngang dọc.

Cụt hai chân. Vợ tao hay tin nhưng không "Buồn khóc"!

Vậy mà bây giờ...

Nhìn tao...nuớc mắt bả....rưng rưng !

Lâu lắm, tao nhớ mầy qúa chừng.

Kể từ ngày, mày "Được đi Cải tạo"!

Hàng thần lơ láo - Xa xót cảnh đời...

Có giúp được gì cho nhau đâu khi:

Tất cả đều tả tơi !

 

Rồi đến mùa "H.O"

Mầy đi tuốt tuột một hơi.

Hơn mười mấy năm trời...

Không thèm quay trở lại

Kỷ niệm đời Chiến binh

Một thời xa ngái.

Những buổi chiều ngồi hóng gió nhớ...buồn hiu !

Mai mốt mầy có về thăm lại Việt nam

Mầy sẽ là "Việt kiều"!

Còn "Yêu nước" hay không - Mặc kệ mầy.

Tao đếch biết !

Về, ghé nhà tao.Tao vớt cá chốt lên chưng với tương...

Còn rượu đế tự tay tao nấu

Cứ thế, hai thằng mình uống cho đến...điếc !

 

Trang Y Hạ


NHỚ TRƯỜNG XƯA (THƠ HỒNG VÂN VÀ 16 BÀI THƠ HỌA)

 

NHỚ TRƯỜNG XƯA -Thơ Hồng Vân và Thơ Họa

 

NHỚ TRƯỜNG XƯA

 

Xuân đã đi rồi, hạ đến chưa?

Trên cành lá đổ, phượng đong đưa

Ve ru gợi lại ngày mưa sớm

Sáo hót khơi về buổi nắng trưa

Ký ức, mơ hồ...thương bạn cũ

Dòng đời...vời vợi...nhớ trường xưa

Ngây thơ thuở ấy còn đâu nữa?

Lặng lẽ thời gian...ngọn gió đùa...!

 

Bạc Liêu/24/3/2021

Hồng Vân

 

Thơ Họa:

 

TÌNH NHỎ NGÀY XƯA

 

Tình nhỏ ngày xưa....em nhớ chưa ?

Chúng ta thường gặp để nô đùa

Thư xanh anh viết trao ban sáng

Mực tím em đề trả buổi trưa

Vời vợi trông về trường lớp cũ

Mơ màng nghĩ đến bóng người xưa

Bao năm xa cách còn lưu luyến

Thương mãi bao chiều đã đón đưa

 

Songquang

20210325

 

HỒN XƯA CHỐN CŨ

 

Xa rồi, xa lắm, tấc lòng chưa…

Hoài nuối  nơi này, vẫn mắt đưa

Bước ngẩn  ôn nhay ngày tháng cũ

Tìm quanh mơ hão bóng người xưa

Mơ gì giữa sắc bao tà áo?

Ngóng ngọ tan trường những giấc trưa!

Phượng đỏ đơm cành đà mấy hạ

Vô duyên, tro khói khéo dai …đùa…

 

CAO BỒI GIÀ

25-03-2021

 

MỐI TÌNH ĐẦU

 

Em đã đọc thư tôi gởi chưa ?

Hồi âm sao mãi chẳng hề đưa ?

Ngồi mong đứng đợi bên hiên cửa

Vào ngóng ra chờ suốt sớm trưa

Vụng dại cho nên lời lúng túng

Thật tâm nào phải chuyện trêu đùa

Tình đầu tha thiết mong người nhận

Để chúng mình như bố mẹ xưa.

 

Sông Thu

( 26/03/2021 )

 

TIẾC XƯA...

 

Vẫn tiếc thương hoài kỷ niệm xưa

Của thời thơ ấu, thủa nô đùa

Theo anh đuổi bướm, leo bờ dậu

Rủ bạn trèo cây, trốn giấc trưa

Mười một ngang tàng...em giỏi cãi

Trăng rằm bẽn lẽn ...mộng thầm đưa

Hoàng Dung ngày ấy ngông nghênh lắm

Quách Tĩnh bây giờ đã hiểu chưa?

 

Thy Lệ Trang

 

GỬI EM

 

Gửi em vạt nắng của trường xưa

Áo trắng tung bay mỗi buổi trưa

Tàng phượng xòe che đầu khét nắng

Ngọn me in bóng bước chân đưa

Nhường cho bài giảng vang tri thức

Tặng lại giờ chơi vẳng tiếng đùa

Tất cả trao em, xin giữ lấy

Em ơi, đã hiểu biệt ly chưa?

 

Thúy M

3/26/21

 

BUỒN DÁNG XƯA

 

Xa nhau em đã thỏa lòng chưa

Anh gởi phiến sầu theo gió đưa

Vừa mới chia tay vào lúc tối

Đã rồi cay mắt giữa ban trưa

Dở dang nào có vui cung nguyệt

Tan tác chỉ làm buồn dáng xưa

Một kiếp phù sinh hoa lá rụng

Từ nay đành mất tiếng vui đùa./.

 

Toronto 26/3/2021

Nguyên Trần

 

HẠ NHỚ

 

Nung trời lửa phượng,cháy lòng chưa ?

Rả rích ve sầu,mắt nhớ đưa…

Vắng lặng tầng không vừa nắng xế

Oi nồng ký ức vẫn ban trưa

Dòng sông soi bóng quanh bờ cũ

Đỉnh núi đứng hình giữa chốn xưa

Thoảng gió mơ hồ lay ngõ mộng

Làm sao trở lại ấu thơ đùa ?!

 

Lý Đức Quỳnh

26/3/2021

 

TUỔI TRÒN TRĂNG

 

Tròn trăng ta đã biết yêu chưa?

Vở cuộn kèm thư...luống cuống đưa

Chiều chậm vẩn vơ chờ bóng xế

Sáng mờ thơ thẩn đợi mưa trưa

Gió đưa duyên thắm xây bao mộng

Mây chở tình bay hút lối xưa

Mỗi độ mai tàn nhìn phượng nở

Nhớ ơi là nhớ...thuở vui đùa

 

Kiều Mộng Hà

March26-2021

 

VỀ TRƯỜNG CŨ

-/-

Đã mấy khi về trường cũ chưa?

Nhớ bao ngày tháng đón cùng đưa

Làn môi se lạnh vì sương sớm

Mái tóc hoe vàng bởi nắng trưa

Thấp thoáng chân mềm trên lối cũ

Mơ màng áo trắng giữa đường xưa

Một thời thơ dại nhiều lưu luyến

Quá khứ hồi lai, vơ vẩn đùa

 

Thanh Trương

 

LƯU LUYẾN

 

Hoa đỏ sân trường , lá phượng đưa

Ve sầu rền rĩ nắng hè trưa

Chuyền tay cuốn sổ ghi lưu niệm

Trao đổi vui buồn trường lớp xưa

Nhớ tiếc Thầy , Cô , bạn hữu cũ

Thương niên học tới , gặp nhau chưa ?

Dòng đời vẫn mãi là di chuyển

Lưu luyến chia tay , hết muốn đùa ...!

 

Chung Văn

 

GIAO MÙA

 

Xuân qua ấm áp hạ nồng chưa !

Phượng vỹ còn xanh lá gió đưa

Sáo thổi vi vu trời xế bóng

Ve kêu văng vẳng nắng ban trưa

Nhớ hồi nhập ngũ quân phong cũ

Thương lúc công thành lớp khóa xưa

Thoáng chốc dòng đời trôi lặng lẽ

Bâng khuâng trường cũ bạn vui đùa

 

Mai Xuân Thanh

Ngày 26/03/2021

 

ĐÂY MÙA XUÂN MỚI

 

Đông vừa cất gói lạnh đi  chưa

Hoa lá đầy vườn gió đẩy đưa

Chim biếc vui mừng trong nắng trễ

Bướm vàng  cười cợt giữa trời trưa

Xuân sang chạnh nhớ người năm  cũ

Tuổi lão u trầm chuyện  thuở   xưa

Cứ thế ngồi mơ thời trẻ dại

Ngoài hiên mưa giọt nhẹ như  đùa ../.

 

Paris, 27/03/2021

TRỊNH CƠ

 

BẠN ĐÃ VỀ CHƯA

 

Rộn rã trong sân bọn trẻ đùa

Nay nhìn trường lớp học thời xưa

Hết rồi phòng vẹo nơi ngồi miết

Còn lại phượng già chốn nghỉ trưa

Lầu đẹp khang trang cơ sở mạnh

Trò hiền thông tuệ tiếng tăm đưa

Tự hào ta vốn từ đây dậy

Bạn có lần nào trở lại chưa.

 

Trần Như Tùng

 

CHỢT ĐẾN ,

 

Năm cũ vừa đi ,mới tới chưa ?

Dư hương quyến luyến ,gió chao đưa

Không gian rộng mở , bầu trời nắng

Tiếng nhạc êm đềm,giấc ngủ trưa

Bóng tối lờ mờ treo gác trọ

Đêm trăng huyền ảo gợi ngày xưa

Bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu

Chợt đến bên ta để cợt đùa

 

PHƯỢNG HỒNG

 

NHỚ TUỔI HỌC TRÒ

 

Xa xứ tìm về thỏa nhớ chưa?

Kìa nhìn tím xóa giữa giờ trưa

Sân trường vạt áo mờ nhân ảnh

Hàng phượng lá cành rũ bóng đưa

Ký ức tuổi hồng còn sống động

Phai mờ ngày tháng thuở nào xưa

Bao nhiêu mộng đẹp... thời gian hỡi!

Đừng quá phủ phàng... với giỡn đùa?

 

Hải Rừng

26/3/2021

 

DƯỚI MÁI TRƯỜNG XƯA

 

Bao năm xa cách đã quên chưa?

Tiếng vọng bên tai nhẹ khẽ đưa

Này gốc bàng to ngày chống nắng

Đây tàn me cổ chỗ ve trưa

Thước phim thời trước dần quay lại

Hình bóng lần qua gợi nhớ xưa

Thương lắm thầy cô bè bạn cũ

Thì thào lá rụng... ngỡ ai đùa...!

 

Chu Hà