Wednesday, April 28, 2021

ĐỜI TÔI: THỜI TRUNG HỌC (DIỆP THẾ HÙNG)

 

ĐỜI TÔI: THỜI TRUNG HỌC

 


Tuần này tôi viết những điểm chính yếu về thời Trung Học của tôi. Thời kỳ này là thời kỳ quan trọng nhất của đời tôi. Tò mò, học hỏi, chuẩn bị cho tương lai, sửa đổi những khuyết điểm cá nhân, tập ăn nói, tập phong cách, … Cứ mỗi cuối năm, tôi được phần thưởng với nhiều sách vở cho năm học sau. Tôi tự học trước chương trình của năm sau, làm tất cả bài tập. Lúc tựu trường tôi đã học qua một mình chương trình của cả năm. Ở lớp Đệ Tứ và Đệ Tam, tôi đã đọc tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn (Nhất Linh, Khái Hưng,...), và thơ của những nhà thơ của Phòng Trào Thơ Mới (Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, …). Thời ấy, mùa hè tôi ngồi đọc sách suốt ngày ở nhà cho thuê sách của chú Diệp Bão Hòa, cạnh Ngã Năm. Tôi đọc những báo cũ Phổ Thông, Thời Nay, … của anh Thái (ở Phường Tư) cho mượn. Tôi học luật làm thơ và bắt đầu tập làm thơ.  Tôi học vẽ bằng cách quan sát họa sĩ Lê Sanh làm việc mỗi ngày ở studio của ông (kế bên rạp hát Đại Nam, sau này là nhà của ông Bùi Phương).  Tôi vẽ giỏi, trường Nguyễn Huệ đôi khi nhờ vẽ khẩu hiệu treo trong lớp, và vẽ phong cảnh sân khấu để làm văn nghệ (tôi và Trần Văn Đại vẽ chung nhiều lần). Tôi học ngoại ngữ bằng từ điển, mỗi ngày bao nhiêu chữ. Tôi đọc văn phạm rất kỹ. Tôi rất tự hào đã làm một việc thật ích lợi cho tôi. Khi từ Nhật sang Pháp, chỉ ba tháng sau là tôi đã giảng bài ở Đại Học, viết bài học để phát cho sinh viên. Tiếng Anh cũng thế, tôi viết bài nghiên cứu rất nhanh nhờ cái máu văn chương trong huyết quản. Tôi làm thơ tiếng Pháp và tiếng Anh khi có chút thì giờ. Nhưng gần đây, ngoài việc nghiên cứu, phần lớn tôi làm thơ tiếng Việt, một bài mỗi tuần (trung bình phải 2 giờ như bài thơ dưới đây viết sáng nay). 

Cái yếu tố quan trọng nhất để thành công là tự học, tự làm một mình. Tôi học một mình những vấn đề mới, lúc Trung Học, ở Đaị Học, và khi ra nước ngoài. Hầu hết kiến thức của tôi là do tôi tự học.

Tôi sẽ kể thời gian đam mê khoa học của tôi ở Đaị Học, ở Nhật, và ở Paris, trong tuần tới.

Tôi chân thành cảm ơn tất cả các bạn đã đông đảo đọc bài thơ của tôi tuần qua. Cảm ơn các bạn đã like, và các bạn đã viết những comments rất cảm động. Chúc các bạn vui nhiều trong tuần này.

 

ĐỜI TÔI: THỜI TRUNG HỌC

 

Tuổi Trung Học tôi học hành chăm chỉ

Phần thì lo chuẩn bị để đi cao

Phần muốn mang cho Mẹ chút tự hào

Tôi mỗi tháng được trao bằng danh dự

 

Không có Cha không có người khuyên nhủ

Mọi vấn đề tôi tự nghĩ một mình

Sống nội tâm, tôi đọc sách linh tinh

Ngoài bài vở chương trình trong năm học

 

Tôi còn nhớ mỗi mùa hè nắng bốc

Tôi say mê tìm đọc những tuần san

Suốt ngày ngồi thư viện đọc miên man

Rồi làm toán sẵn sàng cho năm tới

 

Tôi đã muốn là một người thật giỏi

Giỏi mọi bề thì mới gọi thành danh

Học vẽ thì nhìn Họa Sĩ Lê Sanh (*)

Rồi mỗi tối thực hành pha màu sắc

 

Tôi rất thích văn chương và nghệ thuật

Lớp Đệ Tam học luật để làm thơ

Học rồi hành tôi tập viết vu vơ

Những xúc cảm không chờ không đợi tuổi

 

Tôi thiết nghĩ mình phải rèn ăn nói

Phải chú tâm học hỏi ở trường đời

Mặc thời trang, và cũng học đi chơi

Không ai nói tôi chỉ ngồi học gạo

 

Thời gian ấy tôi vẫn còn khờ khạo

Chưa biết yêu không mạo hiểm trong tình

Đường còn dài nên tôi phải nín thinh

Khi ai nói với mình lời yêu dấu.

 

(còn tiếp)

 

Diệp Thế Hùng (April 28, 2021).

(*) Xem bài giới thiệu trên đây

 

Lúc học Đệ Tam, hình chụp trong vườn nhà tôi

 với anh Lê Văn Bộ, con Dì Ba.

CUỘC DI CƯ NĂM 1954 (NGUYỄN VĂN LỤC) & DI TẢN NĂM 1975

 


Cuộc di cư năm 1954 và di tản năm 1975

 

Xin gửi đến quý bạn những hình ảnh đau buồn về cuộc Di cư năm 1954 và những hình ảnh bi thảm của cuộc Di tản năm 1975 của người dân Việt Nam. Chúng tôi rất cảm ơn các tác giả  những bức hình cùng với những bản nhạc, nhờ quý bạn mà Lịch sử của chúng ta sẽ còn mãi và được ghi đậm vào tâm hồn của mỗi người con dân Việt.

 Nhìn lại cuộc di cư 1954-1955

Nguyễn Văn Lục


Một vài chứng từ của những người đã di cư vào miền Nam
Kiều Chinh, tháng 8, 2004

 

“Là con út trong ba anh chị em, tôi được bố thương nhất. Suốt thời niên thiếu, tôi chi biết có bố. Bố tôi quyết định vào Nam. Nhưng đêm trước ngày ra đi, anh tôi bỏ nhà trốn ra khu theo phong trào thanh niên cứu quốc. Anh Lân là con trai duy nhất của bố, năm đó mới 20 tuổi. Sáng hôm sau, chỉ còn hai bố con ra phi trường Bạch Mai, Hà Nội. Hàng ngàn người già trẻ lớn bé nằm ngồi la liệt dưới nắng cháy, chờ đợi đển được lên máy bay di cư vào Nam. Mãi tới cuối ngày mới tới lượt bố con tôi. Bố đẩy tôi lên máy bay rồi bất ngờ nói: con vào Nam trước, bố ở lại tìm anh Lân rồi sẽ vào sau. Tôi la khóc cố nhào ra với bố, nhưng bị đám đông xô lấn đẩy lui. Cửa máy bay đóng xập xuống. Đó là lần cuối, tôi được nhìn thấy bố. Lần đầu xa bố, lần đầu xa nhà, lần đầu đi máy bay. Tôi ngồi co rúm trên sàn máy bay vận tải nhà binh Pháp, suốt chuyến bay nôn oẹ khóc sướt mướt giữa đám người chen chúc ngột ngạt... Tôi chờ bố từng giờ. Hy vọng mỏng dần...Tôi đếm từng ngày cho tới buổi phát thanh cuối cùng của đài Pháp Á loan tin thời hạn 300 ngày đã hết...Tôi òa khóc. Bức màn tre đã sập xuống, chia đôi đất nước ngăn cách bố con tôi. Năm mươi năm sau cuộc di cư đã qua. Bố tôi đã chết. Anh tôi đã chết. Nhiều người di cư thời năm mươi năm trước đã ra đi vĩnh viễn.Thế hệ tôi cũng sắp ra đi. Xin thắp một nén nhang cho những người quá cố. (Trích 50 năm Bắc Kỳ di cư 1954-2004, trang 82-83)
 

Nguyễn Duy Chính


 

Nguyễn Duy Chính
Nguồn: imageshack.us


“Cho đến giờ phút này tôi vẫn không sao hiểu được tại sao gia đình tôi lại di cư vào miền Nam. Mà nào có phải ra đi một cách thoải mái, dễ dàng gì, trải qua chín chết, một sống, ba bốn đợt mới dắt díu nhau xuống Hải Phòng… hôm đó, cha tôi chở hai anh em trên xe đạp từ làng lên Thạch Thất nói dối là đưa chúng tôi sang làng Nủa ăn giỗ. Mẹ tôi và đứa em út phải ở lại để cho người ta tin rằng chúng tôi không có âm mưu trốn đi. Lên Sơn Tây, chúng tôi lên xe về Hà Nội, có chú tôi chờ sẵn, đợi những đợt sau ra được để thu xếp cho gia đình xuống Hải Dương. Đầu năm 1955, một ít ngày trước khi thời hạn di cư chấm dứt thì mẹ tôi ôm đứa em trai đi thoát. Gia đình tôi phải đi làm nhiều đợt nên mới lâu như thế.

Chúng tôi lại bồng bế nhau xuống tầu há mồm đưa ra tầu lớn đậu xa xa ngoài khơi. Chiếc tầu đó là của nhà binh Pháp đi từ bến Hải Phòng đến bến Sài Gòn mất cả thảy 3 ngày, hai đêm, sau đó có xe cam nhông chở vào trại di cư Phú Thọ cạnh trường đua, xế trường Bách Khoa ngày nay…

Quả thực những người như gia đình tôi không đủ trí tuệ và kiến thức để bảo rằng ra đi nhằm mục đích tìm tư do, hay chọn lựa một chính nghĩa theo lằn ranh Quốc Cộng. Chúng tôi quyết định hoàn toàn do bản năng, theo linh tính như những con thú đánh hơi thấy hiểm nguy, đằng trước là sự sống, đằng sau là sự chết. Hình ảnh đó tôi lại thấy trên khuôn mặt những người dân hoảng hốt di tản năm 1975. (Trích 50 năm Bắc Kỳ di cư, trang 69-70)
 

Đời tỵ nạn của N.N.T
 

Cha tôi bị Việt Minh giết. Vâng, bị Việt Minh giết. Anh tôi, vì là người phòng vệ Giám mục Phạm Ngọc Chi nên tính mạng luôn bị đe dọa. Thời gian đình chiến, Việt Minh công khai hoạt động. Chúng lùng bắt người quốc gia gán cho tội theo Tây theo Pháp hay theo Ki tô giáo. Chúng gọi những thành phần này là phản động. Có những lần chúng đem theo giáo mác, súng ống, gậy gộc, xiên nhọn, đi từng nhà lùng bắt, chúng lục lạo từ nhà trên nhà dưới, bụi tre, đống rơm để tìm kiếm. Vào một buổi chiều, đại gia đình tôi gồm 9 người chuẩn bị rời nhà. Từ nhà đến địa điểm của thuyền chờ đợi cách xa chừng bốn cây số. Không ai nói với ai, cứ đi theo người đi trước mình... Thuyền được rời bến ngay sau đó. Chừng hơn 30 thuyền lênh đênh trên sông Hồng. Người thuyền trưởng cho biết đọan đường nguy hiểm đã qua. Nghe thế, mọi nguời trên thuyền đều mừng rỡ. Xa xa, có nhiều ánh sáng như thiên đàng chờ đón ngươòi tỵ nạn chúng tôi. Càng chạy tới thì ánh sáng càng tỏ hiện. Nhiều tầu chiến, nhiều tầu há mồm, ánh sáng tỏa ra như một thành phố trước mặt. Đối với tôi, đó là một thiên đường… (Trích Đời Tỵ nạn, trong 50 năm Bắc Kỳ di cư, trang 64)

Một Ngày 54 Một Ngày 75 trình bày Elvis Phương

https://www.youtube.com/watch?v=Dl8DbJGyB5o


BÀI HÀNH THÁNG TƯ (HUY VĂN)

 

BÀI HÀNH THÁNG TƯ

 

Nước mắt xót thương đời oan trái
Nụ cười không mang trọn niềm vui
Cứ thế lưu vong qua thời đại
sống tha hương trầm, bổng phận người.

Nếu thuở xưa nặng sầu quốc biến
thì ngày nay gặm nỗi đau thầm
Càng nhớ lúc dọc ngang, chinh chiến
càng buồn thêm mối hận chung thân.

Đất cằn in dấu chân lưu biệt
Tình khô theo năm tháng long đong
Một lần xa cách là vĩnh quyết
Nước tang thương, người cũng xuôi dòng!

Xưa can qua tưởng đời phận bạc
Nay thiên di mới hiểu lụy trầm
Chẳng phải lục bình sao trôi dạt!?
Nước xa nguồn. Biền biệt... trăm năm!

Ngày qua ngày nghe hồn sỏi đá
đếm thời gian qua tiếng thở dài
Bốn mùa tiếp nối, Xuân rồi Hạ
chưa Thu, Đông đã thấy tàn phai!

Tháng năm điểm tóc sương viễn xứ
Mỗi ngày mang một kỷ niệm buồn
Tình lưu khách theo chân lữ thứ
quay quắt tìm một lối hồi hương.

Lối hồi hương còn ngoài vạn dặm
mà đã mờ nhân ảnh quan san
Xưa tháng Tư trời Xuân đang thắm
sao vội chi nát đá, tan vàng!?

Cũng vì đời vô thường, vạn lối
nên lòng người cũng lắm đổi thay!
Đã bao năm bảy chìm, ba nổi
hồn nặng mang ngàn nỗi u hoài!

Thắp nén hương lòng trong đêm vắng
Chiêu hồn Tử sĩ vượt ngàn khơi
Ngậm ngùi tưởng tiếc bên chén đắng
Nâng chung thiên cổ uống cạn đời!

 

HUY VĂN

 

TIỄN ĐƯA (XUÂN TÂM)

 


Tiễn Đưa

 

Tác giả: Xuân Tâm

 

Những chiếc khăn tay với giữa trời
Những lời âu yếm chết trên môi
Những luồng ý tưởng trao chưa biết
Những lệ không lau lặng lẽ rơi


Chẳng hiểu con tàu vụt cách xa
Người còn theo dõi kẻ trông ra
Sau làn khói xám đang lưu luyến
Hình ảnh thân yêu lớp lớp mờ


Hạnh phúc hôm qua xót lại gì
Bạn đi và đã gói mang đi
Tưởng chừng lâu lắm không chung sống
Vẫn nhớ vẫn buồn vẫn biệt ly


Rồi đến bao giờ mới gặp nhau
Ngày mai có phải của ta đâu
Đêm nay trông thấy giường bên vắng
Có kẻ cô đơn khẻ gục đầu


THƯƠNG TIẾC (BẰNG SƠN)

 

THẦY PHAN VĂN CHẠY
(kính dâng linh hồn thầy Phan Văn Chạy - cựu GS. Nguyễn Huệ, Tuy Hòa, PY)

 


Thương Tiếc

 

Dường như ánh sao đêm vừa chợt tắt

Một linh hồn chào giã biệt trần gian

Chợt trong ta niềm thương nhớ ngỡ ngàng

Còn hay mất bao người thân yêu nữa ????


Bầu  rượu ấm đã vơi gần hơn nửa

Tìm men say để quên tiễn người đi

Lệ không rơi trước giờ phút phân kỳ

Lòng cũng chẳng khóc thầm theo tiếng mõ


Trời sao nỡ bắt người theo cơn gió

Phải xa rời mái ấm vạn tình thương

Đi về miền lạnh giá chốn mù sương

Vương nổi nhớ cho những ai còn lại


Dẫu có buồn ngàn  thu sẽ vẫn mãi

Làm lá vàng héo úa rụng trên sân

Lỡ kiếp người lòng nào chẳng phân vân

Thôi đành vậy xuôi theo dòng định mệnh


        Bằng Sơn

DẤU YÊU (BẰNG SƠN)

 

Dấu yêu.

Em vẫn mãi là dấu yêu thuở ấy
Nét dịu dàng tóc xoả chấm bờ vai
Nghiêng nắng chiều dáng ngọc bước khoan thai
Tà áo trắng nhè nhẹ bay trong gió

Em vẫn mãi là cành hồng bé nhỏ
Môi thắm màu son đỏ tuổi mộng mơ
Để anh ngồi ngớ ngẩn viết vu vơ
Nhờ chim hót phổ vần thơ thành nhạc

Em vẫn mãi là bức tranh tuyệt tác
Để riêng mình anh ngắm buổi giao bôi
Chuyện tình mình như mây chẳng ngừng trôi
Dù gặp phải bao lần cơn gió chướng

Em vẫn mãi là sợi tơ anh vướng
 Kiếp phong trần rồi cũng phải dừng chân
Giờ chỉ thèm nghe tiếng hót chim ngân
Vần thơ ấy dấu yêu em mãi mãi........

                  Dấu yêu ❤️🧡💚💙
               Tặng Mình Hiếu 30/4


SÀI GÒN BAO NỖI NHỚ (BẰNG SƠN)

 

SÀI GÒN BAO NỖI NHỚ

 

Sài Gòn ơi xa rồi sao vẫn nhớ
Những con đường từng hò hẹn bên nhau
Bao chiều mưa thương xá nhỏ ôm sầu
Chờ em đến trong căn phòng cô quạnh

Sài Gòn hỡi ta giờ nơi giá lạnh
Biết người xưa có còn đợi chính nhân
Hay lãng quên theo ngày tháng phai dần
Vầng trăng khuyết mang nổi buồn dĩ vãng

Men rượu đắng thả hồn vào quên lãng
Nhớ Sài Gòn từ dạo bước chân đi
Phút biệt ly bàn tay nắm môi ghì
Người ở lại mắt lệ nhoà giã biệt

Sài Gòn hỡi những tháng ngày nuối tiếc
Sóng trùng dương còn sủi bọt căm hờn
Khúc nhạc buồn người di tản cô đơn
Từ nay mãi là bài ca viễn xứ

          Sài Gòn bao nỗi nhớ 
              Bằng Sơn 2020

NGÀY EM LÀM NI CÔ (TVU)

 

NGÀY EM LÀM NI CÔ

 

ngày em thề xuống tóc
khoác áo làm ni cô
con chim nào bật khóc
trên đỉnh tháp chuông chùa

 

em quỳ trên chánh điện
dáng từ, tâm Quan Âm
anh náu thân thiền viện
mong nhận chút ơn thầm

 

lòng đại dương bát ngát
em yêu hết muôn loài
anh nhỏ nhoi hạt cát
chỉ yêu một người thôi

 

em niệm hương quán tưởng
cầu nguyện muôn sanh linh
anh dâng hoa chiêm ngưỡng
khấn vái một chút tình

 

em hành thâm Bát nhã
thấy năm uẩn đều không
anh tâm còn chấp ngã
tụng kinh thấy bóng hồng…

 

em chuông vàng, khánh ngọc
một đời trọn hạnh ni
anh hồn gai tâm góc
sa đọa ngục A tỳ

 

ngày em thề xuống tóc
nhập tự làm ni cô
anh đêm ngày trằn trọc
tín đồ, ôi, tội đồ…

 

tvu (12/02/03)

 


THÁNG TƯ MẤT NƯỚC (THƠ NGƯ SĨ- TRÌNH BÀY BÍCH BILL)

 



TÔI VIẾT CHO ANH NGƯỜI TÙ CẢI TẠO (DƯ T DIỄM BUỒN) & LÍNH NGHĨ GÌ (LÊ TẤN DƯƠNG)

 

Bài thơ “Tôi Viết Cho Anh Người Tù Cải Tạo”

đi trên thi tập “Những Ngày Xưa Thân Ái” phát hành năm 1998. Được phổ biến rộng rãi trên các Diễn Đàn Internet, trên các Web... Báo giấy nguyệt san, tuần san... gần như từ Âu, Mỹ, Anh sang Á...

Tôi hy vọng và đợi chờ trong hồi họp, nghĩ rằng: “Một ngày nào đây sẽ có một người đồng cảm, một đồng điệu hay một cựu quân nhân ở vào thuở đó. Cái thuở có tôi và bao nữ sinh miền Nam nước Việt... còn miệt mày đèn sách, mà gần như toàn thể thanh niên, sinh viên, học sinh... ở cái thời “Đất nước lâm nguy/ Thất phu hữu trách” xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, để gia đình được an lành và giữ gìn lãnh thổ lãnh hải miền Nam nước Việt... Đã khắc ghi vào tâm hồn chúng tôi vô cùng kính ngưỡng và thán phục.

Cho nên khi bài đi vào năm 1998, tôi âm thầm chờ đợi, chờ đợi đến mõi mòn, và sự mong chờ đó gần như vô vọng vì đã qua thời gian khá dài, rất dài và quá dài... Cho mãi đến mùa xuân năm 2019, đã tròn 21 năm, tôi nhận được từ một tác giả mà tôi chưa hề quen biết (ngoài thưởng thức tác phảm của anh trên các Diễn Đàn) đã viết bài “Lính Nghĩ Gì”.

 

Trích trong tuyển tập văn, thơ “Bóng Thời Gian” (Đã phát hành đầu xuân 2021)

 

TÔI VIẾT CHO ANH

NGƯỜI TÙ CẢI TẠO

 

DTDB

Anh đến đây nơi xứ người lạnh giá!
Từ lưng trời màn tuyết trắng giăng giăng
Bên đường phố cây khẳng khiu trụi lá
Mây cũng buồn, vì đông rét căm căm

Đất cỏ khô vùi dưới mồ tuyết lịm
Nỗi trầm tư nhè nhẹ thoáng qua hồn
Tôi chợt nhớ về ngày xanh mực tím
Yêu mây trời bát ngát buổi hoàng hôn

Bạn bè đã thưa dần trong lớp học
Người Bộ binh, kẻ lính Thủy, Quân Y…
Đứa Nhảy Dù… gĩa từ thời tuổi ngọc
Thuở đao binh, bao thảm cảnh phân kỳ!


Trai thời loạn sa trường say thép súng
Những vòng hoa tình em gái hậu phương
Choàng lên cổ người chiến binh anh dũng
Đây tấc lòng yêu đất nước, quê hương…

Nay anh đến, với hình hài héo hắt!
Cuộc đổi đời đã xóa tuổi thay tên
Nỗi u uất chói ngời trong ánh mắt
Ánh kiêu hùng và bất khuất vươn lên

Ôi thời gian có gì không thay đổi?
Chí làm trai như sắt đá trơ trơ
Bọn cường bạo hủy diệt làm sao nổi
Dạ sắt son lòng dũng cảm vô bờ!

Nơi xứ người, đông về lạnh lẽo lắm!
Còn tình người, anh thấy lạnh hay không?
Cựu chiến binh vốn ngại chi mưa nắng
Chỉ lo âu kẻ đổi dạ thay lòng!

“Ngày xưa tôi choàng vòng hoa cho lính
Cho người hùng chiến đấu giữ quê hương
Nay tôi viết cho người tù đáng kính
Cho những ai, mãi bất khuất kiên cường!”

 

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

 

Họa Bài

 

“Tôi Viết cho Anh Người Tù Cải Tạo”

 

của tác giả Dư Thị Diễm Buồn

 

LÍNH NGHĨ GÌ

LTD

               

Tôi đến đây cuối mùa Đông lạnh giá,
Đêm xứ người, tuyết trắng phủ giăng giăng
Vùng Tây Bắc cuối năm cây trụi lá
Thông vẫn xanh ngạo nghễ giữa lạnh căm.

Lính tha hương là hai lần chết lịm,
Một lần đi là nát cả tâm hồn.
Súng ngựa yên cương – Rừng chiều hoa tím
Bóng quê nhà lẩn khuất nẻo hoàng hôn.

Lửa chiến tranh đã len vào lớp học,
Sách vở buồn, lặng ngắm bóng chinh y.
Thôi giã từ những chuỗi ngày vàng ngọc,
Kiếp chinh nhân, ai biết chuyện phân kỳ!

Quên sao được, những ngày vang tiếng súng,
Đêm tiền đồn nghe tiếng hát hậu phương
Bài học dưới cờ - Trí, Nhân, Thành, Dũng.
Chống bạo cường để gìn giữ quê hương

 

Ngày quốc biến, nhìn miền Nam hiu hắt,
Sài Gòn thân yêu, em đã thay tên.
Bao nỗi nhục vinh, chìm trong ánh mắt,
Chí quật cường thành bão tố vùng lên.

Triệu lòng người đang khát khao thay đổi,
Thì bạo quyền không thể cứ trơ trơ.
Trăm ngọn gió sẽ thành cơn bão nổi,
Thổi tan đi những ác chướng xa bờ.

Cảm ơn người - Những vần thơ đẹp lắm.
Kỷ niệm một thời với lính còn không?
Chút muộn phiền, như mây trôi vạt nắng
Xin hãy yêu thương với cả tấm lòng.

Xin cảm ơn, những ân tình cho lính,
Quên tuổi thanh xuân, gìn giữ quê hương
Sống hiên ngang giữa lòng dân thương kính.
Mơ một ngày mai, đất nước phú cường.

Lê Tấn Dương

(Xin cảm ơn tác giả Dư Thị Diễm Buồn
và bài thơ “Tôi viết cho anh - Người tù cải tạo”)



 Anh đã về - Thơ Dư Thị Diễm Buồn - Diễn ngâm Bích Thuận - YouTube

Anh đã về Thơ : Dư Thị Diễm Buồn Diễn ngâm : Bích Thuận


https://www.youtube.com/watch?v=Un1onuOMXhA
 

 


TƯỞNG CHỪNG ĐÃ QUÊN (KIỀU NGUYỄN)

 

Tưởng chừng đã quên

KIỀU NGUYỄN

Đã lâu rồi sao lòng vẫn nhói đau mỗi khi tháng Tư về, tưởng như chỉ trái tim tôi bị xé ra từng mảnh nhỏ. Thì ra nỗi buồn tưởng như rất riêng của tôi lại là nỗi buồn chung của nhiều người, khi có ai đó đã hỏi rằng: những ngày tháng Tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, bạn ở đâu và làm gì?…

Khoảnh khắc ấy như những thước phim ngày cũ hiện về – là nỗi kinh hoàng trong tôi – là khoảng thời gian vô cùng dễ sợ đối với tôi, một cô giáo trẻ đi dạy xa nhà. Một sự hụt hẫng tột cùng. Tôi như con chim non lạc đàn, bơ vơ lạc lõng, không kịp buồn với một cuộc tình vừa kết thúc. Sau khi nghe tin Ban Mê Thuột thất thủ, cục diện nơi thành phố nhỏ tôi đang ở sôi động hẳn lên. Mọi người vội vàng tất bật. Nơi tôi dạy hàng ngày đều nhìn thấy cảnh chiến tranh và pháo kích. Vậy mà Tòa hành chánh và các ty sở đều ra lệnh công chức không được rời nhiệm sở. Ngoài đường tôi thấy ai nấy đều lo chuẩn bị. Tôi cũng chuẩn bị nhưng chuẩn bị gì đây? Tin chiến sự xảy ra từng ngày rồi từng giờ. Chần chờ nữa rồi cũng phải tìm đường về nhà…

 

Tôi vội vàng liên lạc với tổng đài Mê Linh để xin gọi về nhà nhưng không đường dây nào liên lạc được. Nhân viên tổng đài nhìn tôi bằng cái nhìn lo lắng và lắc đầu tuyệt vọng. Nước mắt tôi tuôn trào và tim tôi như ngưng đập. Đầu óc choáng váng. Tôi lại càng hoảng sợ khi các con đường từ Đà Nẵng, Quảng Tín vào Quảng Ngãi đều bị pháo kích và không còn một chiếc xe đò nào từ Bình Sơn vào Quảng Ngãi nữa. Bến xe Quảng Ngãi vắng tanh không một chiếc xe. Mọi người chắc cũng đã đi tản. Không biết họ đi bằng đường nào. Tôi tìm mọi cách để về Qui Nhơn vì các chị tôi đang ở đó nhưng đường bộ thì hoàn toàn bị cô lập. Còn đang lang thang trên đường thì có tiếng gọi: Cô ơi! Cô ơi! Thì ra một em học sinh kỹ thuật đang chạy tới chỗ chúng tôi. Em vừa thở vừa nói: Các cô đi đâu đây? Bây giờ không có xe đò và cũng không còn chiếc tàu nào nữa. Chỉ còn chiếc tàu cuối cùng của nhà em thôi, các cô theo em cho kịp.

Chúng tôi đến Phú Thọ thì tàu đã chật kín. Nhìn những gương mặt buồn hiu thảng thốt, tôi chợt thấy nhớ nhà vô tả. Nhớ má tôi vô cùng. Chắc giờ này má đang lo lắng cho chị em chúng tôi, nhất là tôi, một mình ở rất xa gia đình. Nước mắt tôi lại chảy dài. Tôi mang những giọt nước mắt đau buồn lẫn lo sợ chìm vào giấc ngủ. Nói là ngủ thật ra tôi bị say sóng. Lúc đầu thì thấy khó chịu đầu óc quay cuồng. Tôi lịm dần vào cơn mê. Trong cơn mê man, tôi như nghe thấy có nhiều chiếc tàu đi ngang qua và họ đã thảy thức ăn qua tàu chúng tôi.

 

Tôi không biết con tàu này đi về đâu, đã đi qua những chặng đường nào và được bao lâu rồi. Tôi vật vờ trong cơn mê, cho đến khi chị bạn đánh thức gọi tôi lên bờ. Tôi giật mình, nhìn ra thì trời đã tối. Tôi vội hỏi: đây là đâu? Chị bạn trả lời: Nha Trang. Tôi hốt hoảng: mình không quen ai ở đây hết, làm sao bây giờ? Còn đang lo lắng thì tôi nghe giọng nói quen thuộc của Hoa Lê: Không sao đâu, về tạm nhà mình rồi tìm đường về Sài gòn sau cũng được. Tôi mừng quá. Muốn cảm ơn em học sinh kỹ thuật nhưng tàu nhà em đã đi rồi. Tôi bước chân lên đất liền mà như vẫn còn say sóng. Hoa Lê ơi, cũng may con có bạn.

Nhà Hoa Lê có quán cà phê. Buổi sáng, khi ngồi ở quán cà phê cho tỉnh táo, tôi thấy có hai chàng phi công nhìn về phía tôi. Có lẽ tôi là một khuôn mặt mới chăng? Rồi tôi chợt nhớ ra mình cũng có người nhà là phi công mà. Em rể tôi đang làm huấn luyện viên của Trường phi hành Nha Trang. Lập tức tôi nhờ Hoa Lê chở đến trại Phi Long. Ở trại Phi Long, tôi gặp người lính trực và nhờ nhắn là có người nhà của đại úy LKN muốn gặp. Khoảng 15 phút sau, một anh chàng đại úy lái chiếc Vespa chạy ra. Thấy chúng tôi đứng đó mà cứ lượn qua lượn lại cả chục vòng. Người lính trực thắc mắc: Đại úy tìm ai em chỉ cho. Tôi tìm “bà già” của đại úy Nam mà không thấy. Người lính trực cười: không phải bà già mà là hai người đẹp này đây. Sau khi hỏi ra thì được biết em rể tôi đang huấn luyện ở trường phi hành Phan Rang.

 

Tôi vội vàng đi Phan Rang dù trời sắp tối. Phan Rang đón tôi bằng một trận pháo kích kinh hồn. Cũng may Nam kịp thời đón chúng tôi vào trại. Chị em tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi nhưng ngày mai Châu lại về Sài Gòn trước. Tôi và người bạn ở lại hai hôm sau mới có chuyến bay về Sài Gòn. Tôi trở về Sài Gòn mà đầu óc trống rỗng, như một cái xác vô hồn. Lo lắng. Hoảng sợ. Lúc được lên máy bay, lòng mừng vô hạn, nhưng mãi đến bây giờ tôi không hiểu tại sao mọi người lại phải dẫm đạp chen lấn để lên máy bay trong khi trong tay ai cũng có thẻ lên tàu. Tôi thật sự rất may mắn vì là người ở xa nhất trong gia đình lại được trở về sớm nhất. Cả nhà mừng rỡ khi gặp lại tôi. Nhưng má tôi lại lo lắng cho gia đình hai chị còn ở lại Qui Nhơn.

 

Lúc bấy giờ Sài Gòn chưa thất thủ. Báo chí, truyền thanh, truyền hình liên tục đăng tải tin tức miền Trung khốc liệt, Hàng hàng lớp lớp người dân di tản. Gia đình ly tán. Cửa nhà mất mát. Cảnh giết người cướp của hoành hành ngay trước mắt. Những đại lộ kinh hoàng đẫm máu đầy xác người. Những bước đi trong tiếng đạn pháo kích. Càng đau lòng nhìn thấy tin tức khi có người mẹ ôm con trên đường lánh nạn chỉ còn là cái xác trẻ thơ, hay những đứa bé con khóc hãi hùng bên xác người mẹ xấu số…

 

Mỗi lần nghe tin tức là má tôi rơi nước mắt, lo cho gia đình hai chị, nhất là hôm nhìn thấy trên báo hình ảnh một cô gái mặc áo ba ba với mái tóc dài bay trong gió. Má tôi nước mắt như mưa, không ăn không ngủ, ngày đêm cầu nguyện. Bây giờ tôi là chị gái lớn nhất trong mấy chị em. Ngày nào má tôi cũng nhắc đi tìm các chị. Phải là người trong cuộc mới thấy được cái cảnh mỏi mắt đợi chờ người thân thất lạc. Có đến các bến tàu, bến xe, phi trường, mới thấy được những cảnh tượng đoạn trường đau lòng, trùng phùng mà rơi nước mắt. Ngày nào cũng vậy, mấy chị em chúng tôi hết lên xe buýt rồi lại xuống xe buýt, hết phi trường lại đến bến xe, bến tàu… Nhưng các chị vẫn bặt tăm. Các em nhỏ mỏi mệt hỏi tìm hoài sao không thấy chị? Không biết trả lời sao, tôi chỉ ngậm ngùi lau nước mắt. Trải qua những ngày tháng đợi chờ tin tức của gia đình hai chị sao mà dài đăng đẵng. Cả nhà tôi không còn ồn ào rộn rã tiếng cười như xưa. Những bữa cơm lặng lẽ kéo dài không ai dám lên tiếng…

 

Một hôm chị Nguyệt của tôi bỗng xuất hiện như một phép lạ. Trước mắt chúng tôi là chị và bốn đứa con, đứa nhỏ nhất vẫn còn ẵm trên tay của Đẹp. Anh rể tôi thì ở lại để giữ trại. Nghe kể lại cuộc hành trình của chị mà cả nhà rơi nước mắt. Tay dắt bốn đứa con thơ tìm đường lánh nạn mà không biết chồng mình ở lại ra sao! Trước đó, chị cương quyết không để anh lại một mình nhưng anh khuyên nhủ mãi cuối cùng chị mới chấp nhận mang con ra đi mà lòng rối bời canh cánh. Những chặng đường Sông Cầu – Tuy Hòa – Nha Trang đầy dẫy hiểm nguy, sự sống trên cái chết. Hình ảnh chị tôi, người phụ nữ hiền lành yếu đuối tay đắt bốn con thơ trên chặng đường lưu lạc, cứ làm nước mắt tôi chảy dài.

 

Mấy mẹ con đến được Phan Rang trăm bề gian khổ. Vậy mà chờ hoài chẳng có chuyến bay về Sài Gòn. Viết đến đây tôi vô cùng biết ơn LKN – người em rể đã hết lòng hết sức giúp đỡ chúng tôi chống đỡ làn sóng người ồ ạt chen lấn dẫm đạp để chúng tôi có thể lên được máy bay an toàn. Nếu không có Nam giúp đỡ, tôi không hiểu những chặng đường tiếp theo của tôi và gia đình chị tôi sẽ thê thảm như thế nào. Và rồi chúng tôi lại tiếp tục chờ đợi vợ chồng chị Nga. Rất lâu và rất lâu…, hai vợ chồng chị lưu lạc theo tàu đánh cá Phú Quốc mới về được đến Sài Gòn…

 

Buổi sáng ngày 30 tháng Tư, máy bay vần vũ trên Dinh Độc Lập. Tình hình bên ngoài thật nhiễu nhương. Lòng dân hỗn loạn. Nhìn thấy những chiếc xe tăng tiến vào thành phố mà lòng mọi người đau như cắt. Có những kẻ lợi dụng cơ hội này đi đập phá, hôi của ở nhà cửa, hãng xưởng hoặc building ngoại quốc. Nỗi lo sợ vẫn tiếp tục kéo dài khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Má tôi hối hả bắt chúng tôi cột tóc lại, mặc áo màu sẫm và phát mỗi đứa một cái quần đen. Má bắt mấy đứa con gái phải đeo nhẫn vào tay hết. Những chuyện buồn cười và bất thường như vậy dễ dầu gì chị em chúng tôi nghe theo nhưng lần này không hiểu sao chúng tôi lại răm rắp thi hành. Chị dâu tôi bối rối không tìm ra chai nước rửa móng tay vội lấy dao lam cạo đi lớp sơn trên móng.

 

Chúng tôi đã mất Qui Nhơn. Mất Ban Mê Thuột. Mất Huế. Mất hết. Tim vẫn còn rướm lệ. Bây giờ Sài Gòn cũng mất, vào một ngày tháng Tư buồn. Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt.