Saturday, December 31, 2022

TRIỂN VỌNG KINH TẾ 2023 (VOA - GSTS. KHƯƠNG HỮU LỘC)

 



TRIỂN VỌNG KINH TẾ 2023

 

Câu chuyện Kinh tế với GS-TS Khương Hữu Lộc. Chủ đề hôm nay là “Triển vọng kinh tế 2023 ”. Nền kinh tế của thế giới, Mỹ và Việt Nam sẽ ra sao trong năm 2023, mời quý vị cùng xem những dự báo từ các tổ chức khác nhau và những bình luận của Giáo sư Tiến sỹ Khương Hữu Lộc với VOA

https://www.youtube.com/watch?v=NfkWJro32QQ


KINH TẾ TÀI CHÁNH VỚI GSTS. KHƯƠNG HỮU LỘC 31/12/2022 (SAIGON DALLAS RADIO)

  KINH TẾ TÀI CHÁNH VỚI GSTS. KHƯƠNG HỮU LỘC 31/12/2022

 



Saigon Radio Houston Dallas - Tóm lược Kinh Tế toàn cầu và dự tính Kinh Tế năm 2023 (click download audio, then click on Play icon) https://www.saigondallasradio.com/?q=content%2Fkinh-t%E1%BA%BF-tai-chanh-v%E1%BB%9Bi-gs-kh%C6%B0%C6%A1ng-h%E1%BB%AFu-l%E1%BB%99c-31122022&fbclid=IwAR3mmcoH7O3l3L_1VW2NGEvo8I2-R4gySRcsNLM7F05u4XXNix9_yrPjhQo

Friday, December 30, 2022

CUNG ĐÀN XƯA (HÀN THIÊN LƯƠNG)

 


Cung Đàn Xưa

 

Cung đàn xưa lỗi nhịp mấy trường canh

Nên thơ chết giữa dòng sầu đẫm lệ

Đời thanh xuân phai tàn trong dâu bể

Người xa người héo úa trọn ngày xanh!

 

Đêm thức giấc bùi ngùi nghe mưa đổ

Biết phương nào gởi nỗi nhớ niềm thương

Ôi xa lắm !- mịt mù xa tít tắp

Phía chăn trời hay mé núi mờ sương !

 

Nhớ từng đêm thềm xưa trăng rải ánh

Bản tình ca em hát quyện lời thơ

Mĩnh ngây ngất hồn say vào cõi mộng

-Rồi thuyền xưa cứ mãi mãi xa bờ!

 

Đâu hạnh phúc đâu thuyền trăng huyền ảo

Nàng tiên xa,- xa khuất cõi vô cùng

Vẳng tiếng nhạc dư âm sầu đọng lại

Cuộc tương phùng chừng vạn thuở mông lung!

 

Em xa khuất phương trời sầu …viễn mộng

Dõi mắt tìm chỉ thấy núi rừng xanh

Ngoài biển xa chập cùng cơn sóng dữ

Trên bến đời hạnh phúc thật mong manh!

 

Anh vẫn viết những dòng thơ thương nhớ

Theo gió chiều thơ chấp cánh bay xa

Mong gặp lại cung đàn xưa tri kỷ

Bản tình ca dạo lại!...-kiếp nào đây! ?

 

28-12-2022

Hàn Thiên Lương

 

 


CÂU CHUYỆN ĐÊM GIÁNG SINH.

 


Câu chuyện đêm Giáng sinh.

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành phố New York để trở về nhà.

Tất cả các anh chị em của cô đều hẹn là sẽ về nhà trước 7 giờ tối để đoàn tụ trong buổi cơm chiều thân mật cùng cha mẹ theo truyền thống của gia đình họ

Bỗng Wendy để ý đến một cặp nam nữ đứng cách cô vài bước, họ đang ra dấu bằng tay để “nói chuyện” với nhau. Wendy hiểu được thuật ngữ ra dấu bằng tay, vì trong những năm đầu đại học cô đã tình nguyện làm việc trong trường tiểu học dành cho người khuyết tật, nên cô đã học được cách ra dấu tay để trò truyện với những người câm điếc.

Vốn tính ham học hỏi, Wendy đã khá thông thạo thuật ngữ này. Nhìn vào cách ra dấu của hai người khuyết tật ở trạm subway, Wendy đã "nghe lóm" được câu chuyện của hai người. Thì ra, cô gái câm hỏi thăm đường đến một nơi nào đó, nhưng chàng thanh niên câm thì "trả lời" là anh không biết nơi chốn đó.

Wendy rất thông thạo đường xá trong khu vực nầy nên cô mạnh dạn đứng ra chỉ dẫn cho cô gái. Dĩ nhiên cả ba đều dùng cách ra dấu bằng tay để "nói" trong câu chuyện của họ. Khi xe lửa đến trạm thì Wendy và hai người bạn mới quen đã kịp thời trao đổi emails cho nhau.

Những ngày sau đó, ba người tiếp tục trò chuyện dùng phương tiện nhắn tin của mobile phone rồi dần dà họ trở thành bạn thần giao cách cảm với nhau. Chàng trai kia tên là Jack và cô gái tên là Debbie. Jack cho biết anh đang làm việc cho một hãng xuất nhập khẩu và ở cách nhà Wendy không xa lắm.

Từ những tin nhắn, emails thăm hỏi xã giao lúc đầu, cả hai trở thành bạn thân lúc nào không hay. Đôi khi Jack đến trường đón và mời cô đi ăn. Cả hai thích khung cảnh êm đềm trong Central Park nên thường yên lặng đi bên nhau trong những giờ phút nghĩ ngơi. Tuy phải ra dấu để trò chuyện nhưng Wendy không cảm thấy bất tiện mà cô lại có dịp trau dồi "thủ thuật" để nghệ thuật ra dấu của cô càng lúc càng tinh xảo hơn.

Đến mùa thu năm đó thì hai người đã thân thiết như một cặp tình nhân. Wendy đã quên hẳn Jack là một người khuyết tật, cho nên lần đầu tiên khi Jack ra dấu "I Love You" thì Wendy đã nhẹ nhàng ngả đầu vào vai anh.

Sau những giờ học, thỉnh thoảng Wendy cũng vào chatroom đấu láo với bạn bè, mỗi khi Wendy đặt câu hỏi

"Bạn có thể fall in love với một người câm điếc hay không?" thì hình như không có bạn bè nào của cô có được câu trả lời dứt khoát. Điều này đã khiến cho Wendy bị dày vò không ít.

Vào dịp lễ Thanksgiving năm đó, Jack tặng cho Wendy một bó hoa hồng kèm theo câu ra dấu:

 "Wendy có chịu làm girl friend của mình không?"

Wendy vừa vui mừng vừa kinh ngạc nhưng sau đó là những sự mâu thuẫn khổ sở trong nội tâm. Wendy biết rõ là cô sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người thân.

Quả nhiên cha mẹ cô khi biết rõ sự việc đã dùng đủ mọi phương thức để mong lôi kéo đứa con gái "lầm đường lạc lối" trở về. Thôi thì hết chú bác, cô dì, lại đến các anh chị em, bạn học, được cha mẹ có vận động tới để làm thuyết khách.

Đứng trước áp lực này, Wendy chỉ có thể phân trần với gia đình về nhân cách cao cả của Jack, cô còn cho mọi người biết là thái độ lạc quan, đầu óc thực tế, tích cực của anh đã khiến cô cảm thấy gần gũi hơn những bạn trai mà cô đã từng quen biết trước đây.

Gia đình sau khi nghe cô giải bày đã không còn quá khắt khe phê bình, mọi người dự định là sẽ gặp mặt Jack trước rồi mới có thể đánh giá cuộc tình của hai người. Cả nhà đồng ý là sẽ gặp mặt Jack vào trưa ngày 25 tháng 12 sau khi mọi người đã hưởng một “đêm yên bình” cho tâm tư lắng đọng.

Wendy đã có quyết định trong đầu, nếu như cha mẹ, anh chị của cô có những cử chỉ, hành động khinh miệt Jack thì cô và Jack sẽ đi đến nhà thờ để nhờ sự gia ơn và chúc lành của Thiên chúa.

Trên đường dẫn Jack đến nhà, tâm trạng hồi hộp của của Wendy đã không thoát khỏi cặp mắt quan sát của Jack, anh mỉm cười ra dấu cho cô:

- Wendy yên tâm, bảo đảm với em là cha mẹ em sẽ hài lòng. Anh cho họ biết là anh sẽ thương yêu em, chăm sóc em suốt đời.

Đó là lần đầu tiên trong đời cô sinh viên trường thuốc rơi rớt những giọt lệ cảm động.

Vừa vào đến nhà, Wendy nắm tay Jack đi đến trước mặt cha mẹ, cô nói:

- Thưa ba má, đây là Jack, bạn trai mà còn thường nhắc đến.

Câu nói của cô vừa thốt ra thì tất cả những hộp kẹo bánh, hoa tươi trên tay Jack tức thời lộp độp rơi xuống đất, anh nhào tới ôm lấy cô vào vòng tay khỏe mạnh của anh.

Một điều mà Wendy không thể ngờ được là cô bổng nghe một giọng nói thảng thốt phát ra từ cửa miệng của Jack:

- Trời đất, em biết nói à?

Đó cũng chính là câu mà Wendy muốn hỏi Jack.

Mọi người ngoại cuộc đều ngẩn ngơ ngạc nhiên trong khi hai người trong cuộc thì ôm nhau cười, nói, la, hét, nhảy nhót như điên dại. Thì ra Jack cứ ngỡ Wendy là một cô gái câm thế mà anh vẫn sinh lòng quyến luyến mà còn muốn tiếp tục đi đến hôn nhân. Wendy cũng tự hào có quyết định sáng suốt vì đã chọn được người tình trong mộng tuyệt vời nhất thế gian.

Thượng Đế của chúng ta đang ngự ở trên cao, hình như ngài cũng đang che miệng cười cho trò đùa mà ngài đã đạo diễn suốt một năm qua.

CHUYỆN CÓ THẬT CỦA MỘT BÀ GIÁO VỀ HƯU

 


Chuyện ngắn đọc vào lễ Vu Lan


Chuyện có thật của một bà giáo về hưu?
Đọc mà buồn cho tuổi già quá!


Tôi là bà giáo già 62 tuổi về hưu. Hiện tại tôi đang sống một mình trong căn nhà 4 tầng gần Hoàn Kiếm. Nói về của ăn của để thì tôi chẳng có nhiều, tuy nhiên tôi cũng không thiếu thốn đến mức phải ngửa tay xin các con. Tôi luôn nghĩ vợ chồng chúng nó tự lập được không phải phiền đến mình là tốt lắm rồi. Giới trẻ ngày nay thật giỏi.

Ông nhà tôi mất cách đây 3 năm. Con cả ở rể bên ngoại, còn trai thứ 2 ở cùng tôi. Nhưng sau khi bố mất vợ chồng nó cũng xin ra ngoài ở riêng. Mấy lần dâu út về nói riêng với tôi bảo bán nhà đi, dọn qua ở cùng vợ chồng nó nhưng tôi không nghe. Cũng từ đó thái đội của vợ chồng nó đối với tôi khác hẳn.

Hàng tháng có lương tôi đều gửi vào tài khoản của 2 con trai mỗi đứa 1 triệu gọi là thêm tiền bỉm sữa cho các cháu. Chả biết chúng nó có nói với vợ không mà thỉnh thoảng tôi vẫn nghe con dâu bảo “chẳng được nhờ vả gì”.

Cả con trai và con dâu của tôi đều có công ăn việc làm ổn định. Đứa thì ngân hàng, đứa thì bác sĩ, giáo viên, công an đủ cả. Biết là bận rộn với công việc nhưng con tôi vô tâm đến lạ, hình như chúng nó quên vẫn còn một bà mẹ sống ở trên đời.

Lâu lắm rồi 2 đứa không về thăm mẹ, tôi gọi thì chúng toàn bảo bận với về bên ngoại rồi. Con trai mình còn như vậy thì cớ gì mà trách con dâu phải không mọi người.

Hiện thực đau lòng vậy nên tôi luôn động viên mình, ngày nào còn sống khỏe thì tự chăm sóc bản thân. Đến lúc mắt mờ chân chậm thì tự biết thân biết phận vào viện dưỡng lão mà ở, mong chờ gì ở các con?

Từ đầu năm nay sức khỏe của tôi vẫn bình thường nhưng mắt lại mờ đi thấy rõ. Lúc đầu tôi chủ quan nên cũng chỉ ra hiệu thuốc mua ít thuốc nhỏ mắt nhưng tình trạng không được cải thiện mà ngày càng nặng hơn. Đến khi mờ quá tôi đành đi khám bác sĩ thì mới biết bị đục thủy tinh thể cần phẫu thuật gấp để tránh mù lòa.

Ở viện về, tôi gọi cho các con báo tình hình thì đứa nào cũng viện cớ không về được khiến tôi phát cáu:

“Mẹ chết các con có bận nữa không?” thì tối ấy 2 cặp mới rồng rắn kéo nhau về.

Tôi vẫn có một khoản riêng cho bản thân, bữa ăn này chỉ để xem thái độ và trách nhiệm của các con tới đâu. Vậy mà giữa bữa ăn, 2 thằng con trai tôi đùn đẩy cho nhau việc chia tiền mổ mắt cho mẹ trong khi chưa biết chính xác con số là bao nhiêu.

Thằng cả thì bảo lâu nay nó ở rể, không nhờ vả gì được bên nội nên thằng út phải lo nhiều hơn. Còn thằng út lại bảo con trưởng trong bất cứ việc gì cũng phải có trách nhiệm gánh vác đầu tiên. Nói qua nói lại, 2 thằng con tôi đứng bật dậy định đánh nhau trước mặt tôi.

Bực quá, tôi đập bàn: “Im hết, vậy là tôi đủ hiểu các anh đối với tôi thế nào rồi. Tôi có 2 sổ tiết kiệm trị giá 600 triệu định để dành cho con cháu, nhưng giờ thì không có chuyện ấy nữa. Về cả đi và đừng bao giờ xuất hiện trước mặt tôi nữa, coi như tôi chết rồi đi. Tôi tự lo cho mình được, có tiền mua tiên cũng được mà, phải không?”.

Nói xong tôi bỏ lên phòng đóng chặt cửa, bỏ mặc 4 đứa con ngơ ngác nhìn nhau. Có thể chúng đang tiếc số tiền mà tôi định cho chúng đấy mà.

 

Wednesday, December 28, 2022

NHỮNG NGÀY TRỜI TRỞ GIÓ (NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG)

 


NHỮNG  NGÀY  TRỜI  TRỞ  GIÓ.

 

Mấy ngày nay trời bắt đầu trở gió,

Hàng cây run trong cái lạnh bất ngờ,

Có lẽ đêm này tôi sẽ ngủ mơ,

Thấy chiếc lá vàng cuối mùa thoi thóp.

          Chiếc lá ấy chắc không hề biết trước?

           Cơn gió nào sẽ cuốn lá bay đi?

           Tôi cũng nghi ngờ tự hỏi (đôi khi),

           Tình anh yêu tôi sẽ còn hay mất?

Những ngày trở gió tôi buốn muốn khóc,

Mùa Thu đi như kẻ bị phụ tình,

Phố phường vào Đông màu sắc đẹp xinh,

Ngày tháng cuối năm rộn ràng lễ Tết.

            Tôi lại đón chờ những niềm vui đến,

             Hồn mơ theo cánh thiệp chúc Giáng Sinh,

             Gởi đến mọi người trong đó có anh,

             Lòng sẽ ấm khi mùa Đông lạnh giá.

Tôi cũng nghĩ đến những người xa lạ,

Có kẻ cô đơn, có kẻ không nhà,

Có người thân yêu còn ở nơi xa,

Mùa từng mùa mong chờ ngày tái ngộ.

              Những ngày cuối năm trời thường trở gió,

              Bất chợt vui buồn đâu chỉ mình tôi?

             Khi trái tim cảm xúc với đất trời,

             Trái tim ấy biết yêu người tha thiết.

 

                      Nguyễn thị Thanh Dương

CỨ MỖI LẦN XUÂN ....(NHẤT PHƯƠNG)

 

    Cứ mỗi lần Xuân…

Nhất Phương

 


Trời mưa dai dẳng bên ngoài khung cửa bếp.  Mưa tầm tả lê thê.  Không biết ông Trời đang giận bà trời hay bất mãn với ái khanh mà dốc tâm trút nước dạt dào lên tàng hoa Bleeding Heart, làm lòng người bất chợt liên tưởng đến ngàn giọt lệ tuy trắng ngần, đẹp tựa kim cương, nhưng không kém phần xót xa, đoài đoạn long đong nhỏ xuống cuộc đời bi ai đồng khổ.

Thương thay nhánh lá rơi vì gió

Ngơ ngác, đường mưa lây lất bay

Dấu vết thời gian mòn mỏi đó

Suốt mùa Xuân cũ đến hôm nay

 

Xuân về thật nhanh, dường như không còn nhiều tấm lòng háo hức đợi chờ, từ khi cơn đại dịch bất ngờ ập đến.  Hội chợ Tết Xuân Nhân Dần đã chính thức khai mạc (14 tháng Giêng-2022), vào ngày 12 tháng Chạp ta.  “Nó” rất đường hoàng, tự nhiên chiếm ngự nơi đó, trước cửa Thương Xá Phước Lộc Thọ đã nhiều lần nhiều trong quá khứ… Từng năm, từng năm… Tôi thường đếm chuỗi Xuân phai quanh chỗ ngồi không nhất thiết phải giống nhau, và vì vậy, tâm trạng mừng Xuân cũng ray rức dật dờ bay vào khoảng không gian bất định.

 

Đi chợ Tết hàng năm để tìm lại không khí đầu Xuân của những ngày xưa cũ tại quê nhà, nhưng nơi đây, đâu có gì hơn ngoài các gian hàng màu sắc chói chan nhang đèn đỏ vàng chen chúc đong đưa lấp lánh bao lì xì cũng vàng đỏ “cung hỉ phát xồi!”, phần còn lại là cây cảnh, hoa mai rừng và trái cây, làm nhớ nhiều, nhớ hoài đến ngàn hoa tươi sắc thắm trên đại lộ Nguyễn Huệ, tưng bừng rộn ràng thời Xuân cũ.   Nhớ hoài vì đó là Xuân của tuổi thơ, tuổi hoa, tuổi ngọc, tuổi học trò, tuổi mới chớm bắt đầu nhận biết về nét đẹp tuyệt vời của quê hương, tuổi từng tung tăng theo màu thảm nắng rực vàng chiếu rọi lên miền Nam trù phú, tràn ngập yêu thương và đậm đà lòng yêu nước của muôn người bên bờ Nam Vĩ Tuyến.  Những mùa Xuân đó, tuy là Xuân trong chiến tranh, là những mùa kết nối “anh tiền tuyến, em hậu phương”, nhưng rất có hồn, có thiệp vẽ hoa Mai, hoa Đào, hoa Vạn Thọ.  Mà nghĩ cũng  ngộ (không biết các bạn tôi có đồng tình?), bởi miền Nam ngập tràn hoa Vạn Thọ, nhưng sinh mạng người dân thật mong manh, bất ngờ chết yểu, nhất là lứa tuổi đẫm đầy bao nhiệt huyết, chào Xuân ở chiến trường, lấy hỏa châu làm đèn, lấy đạn thù làm pháo.  Những mùa Xuân lấp lánh vàng tươi hoa “Vạn Thọ” ngập mùi thuốc súng, và một “mùi” tôi chưa biết nên đặt tên gì cho đúng, đó là mùi Góa Phụ có được không?!. “Ngày mai đi nhận xác chồng…”, bất kể ngày mai ấy là ngày đưa ông Táo, ngày ba mươi trước Tết rước ông bà , ngay đêm Giao Thừa “em đến thăm anh đêm 30”, hay đúng ngày đầu một năm mới?  Những trường hợp này, có ai trong các nạn nhân đáng thương đáng xót của chúng ta đi coi bói toán, lấy ngày tốt để xuất hành, để làm những việc không thể nào tệ hại hơn thế nữa!?

 

Hôm qua đi chợ (trước Tết Nhâm Dần), may mắn cầm đúng tờ báo cuối năm tràn ngập các mẫu quảng cáo thương hiệu phồn thịnh ở Bolsa, lật tới lật lui, mắt sáng rỡ khi bắt gặp một bài hấp dẫn như miếng mức mãng cầu rim đường bọc giấy kiếng trắng phao đầy quyến rũ.  Gía trị ở chỗ những hình ảnh này tuy xưa cũ, te tua, rách mất nhiều phần, lem luốt màu thời gian…, nhưng đó là gia tài trân quý của người miền Nam nói chung, người Sài-Gòn nói riêng.  Đó là thành phố của tất cả người mình đã từng sống thảnh thơi, tươi vui “một thời hoa mộng” trong suốt các mùa Xuân còn “giặc tràn qua biên giới”. 

Nhìn thật lâu vào các tấm ảnh để cảm nhận một Saigon quá dễ thương, khơi nguồn từ cảnh đèn đuốc sáng choang trong các sạp bánh mức của ngôi chợ lâu đời, là Logo, là Signature của quá thời Saigon nhộn nhịp, lồng lộng nhạc “Xuân này con không về”, … Mẹ ơi, hoa Cúc, hoa Mai nở rồi…  Nhưng giờ này con ở đâu, hỡi những người con yêu của đất Mẹ?

 

Chợ Tết Phước-Lộc-Thọ là chợ mừng Xuân hàng năm của đoàn người lớn mạnh tại Hải Ngoại, bất đồng chính kiến với nhà nước đoạt quyền đương thời quái dị ở quê nhà.  Hằng năm đến ngày Tết, tuy náo nức, nhưng tôi luôn bị ám ảnh bởi những đổ vỡ xảy ra đúng ngày Tết năm 1968, nên nhìn đâu cũng thấy một màu tang ảm đạm thê lương của thời ly loạn:

 

Trăng Tổ Quốc cố trườn qua bóng tối

Trăng “riêng tôi” đâu dám sáng một mình

 

Nguyên thủy của hai câu thơ này là “trăng tổ quốc cố trườn qua bóng tối, trăng Bến Tre đâu dám sáng một mình”, vì năm 1968, những mảnh trăng trên “Quê Hương Đồng Khổ” của Bến-Tre và cũng của trái tim tôi bị cày xéo tan hoang…, te tua hơn “những ánh trăng tuy cũng đã tàn trên phố phường tự do” trước đó.

 

Đất nước là gia sản chung của toàn dân Việt, nhưng người ta cố tình dành lấy để dễ bề lũng đoạn, bán buôn, cắt xén chia chác, mặc kệ “Mai có úa màu, Hoa có lạc tận” hay không!!!.

Những bó tiền lấy từ sinh mạng người dân cứ ngang nhiên nhởn nhơ bay qua biển Thái Bình, hèn gì dân chúng chẳng đảo điên, nghèo đói, lạc hậu!?

 

Có chốn nào sang hơn nước tôi?

Tiền chia từng bó giữa đêm vui

Mặc cho sông núi âm thầm khóc

Mất cả giang sơn, đất mẹ rồi.

 

Tết nơi đây có gì vui không?

“Ăn Tết” là truyền thống tốt đẹp, luôn được trân trọng của người Việt mình, có cây nêu, có dây pháo, có bánh tét bánh chưng, có “bầu cua cá cọp”, và đặc biệt nhất không thể thiếu phong bao đỏ đựng tiền may mắn đầu năm, theo cổ tục…tiền vô như nước.

Nhưng bây giờ ở hải ngoại, lớp tuổi tay còn cầm vững những phong bao đỏ để tặng cho con cháu, tiếp nối miền quá khứ huy hoàng (như khi mới vừa đặt chân lên miền đất Bolsa), dường như sắp sửa lẫn khuất, nhập tâm vào mấy cội Mai già, cuối đầu ôn dĩ vãng.  Ngồi nhìn thời gian trôi cũng cùng nghĩa với ngồi đếm chuỗi đời mình rụng bớt.  Khoảng giữa từng không là tiếng nói, tiếng hát đậm đà một âm sắc, một khua động tâm tư, ngôn ngữ cùng đất mẹ, nhưng liệu có thể hòa quyện cùng tầng số của nhịp đập trái tim?  Điều này đâu dễ gì kiểm chứng bằng sự nhởn nhơ nhìn ngắm, được thể hiện trên từng nét mặt của mỗi người khi đi chợ Tết, chợ hoa hay thực tế hơn là chợ “ăn vặt”.  Bao giờ cũng vậy, đi chợ Tết đối với tôi là cố đi tìm lại sắc màu quá khứ đã nhiều thập niên bị gián đoạn, nên năm nào gần đến Tết, tôi cũng xuyến xao lần mò bấm số điện thoại, mời gọi mấy người bạn đã cùng tôi tham dự hội chợ Xuân hàng năm, rủ rê anh chị A:

-Anh chị đi chợ Tết chưa dzậy?  Nếu chưa, cuối tuần này mình có muốn cùng nhau thăm chợ không?

Câu trả lời lạ lẫm buông suôi:

-Bà ơi, từ lúc hội chợ khai mạc, tui cũng tính rủ ông bà để đi với nhau cho đở nhớ Việt-Nam, nhưng ông xã tui năm nay dở hơn năm rồi nhiều, mệt mỏi quá, lại thêm bị lãng tai nên không chịu đến đám đông nữa bà ơi…

Xem chừng năm nay, mới “ra quân” đã lãng đãng sắc màu tiêu cực, tôi hơi chán, nhưng suy nghĩ…còn nước còn tát, tiếp tục lần mò gọi đến anh chị B, lập lại “điệp khúc”:

--Anh chị đi chợ Tết chưa dzậy?  Nếu chưa, cuối tuần này mình có muốn cùng nhau thăm chợ không?

-Bà chưa biết chớ anh xã tui mới lái xe cọ quẹt tùm lum.  Mắt anh ấy bị tăng độ.  Trời vừa sụp tối không còn nhìn thấy rõ nữa.  Nói chung, anh ấy đang tự chán con đời u ám của chính mình…  Chắc năm nay tụi tui bỏ một lần thăm chợ quá bà ơi.

 

Nỗi buồn lo chán nản của hai người bạn thân quen đã nhanh chóng lây sang tôi rồi trời ạ.  Tôi thẩn thờ buông chiếc điện thoại xuống, nhìn ra vuông cửa bếp.  Hoa lá vẫn xanh tươi, bươm bướm đủ màu tung tăng lượn cánh, trời dịu nắng và con mèo Hoàng Kim mập ú bên hàng xóm đang thảnh thơi ngồi rửa mặt, kiên nhẫn đợi chờ vài hạt mưa Xuân.  Đường đời dường như đẹp hơn mỗi lúc Xuân về, nhưng sao các bạn tôi ủ dột đến vậy?  Bao lâu nữa sẽ đến lượt tôi đây?  Hay đã đến rồi nhưng tôi không nhận biết, vì tôi còn hy vọng vào nhiều thứ khác hơn là bệnh tật.  Và cũng bởi tính tôi ham vui, ham thêm mấy từ…còn nước còn tát nữa.

 

Đang thất mùa tình…bạn, bỗng có tiếng chuông thánh thót gỏ liên hồi kéo tôi về thực tại, cắt đứt dòng suy nghĩ miên man buồn hắt hiu.  Cửa mở, nụ cười tươi rói của đứa cháu gái ngang hông nhà làm tôi giựt mình:

-Ái da, đi đâu đây?  Sao không gọi trước lỡ dì đi vắng…

-Gần Tết rồi, con muốn thử vận may mà dì.

Tôi tròn mắt nhìn đứa nhỏ mới 11 tuổi, nói tiếng Việt y như… người Việt.

-Ai dạy mà con biết gần Tết nên thử vận may?

-Con “leo” lên Google để đọc về ngày Tết của mình.  Con sợ sẽ bị vài bạn giỏi tiếng Việt chọc quê nếu trả lời ấm ớ các câu đố của chúng nó.  Con cũng ráng nghe chương trình Đố Vui Để Học trên TV, tập cho đúng giọng Việt Nam nữa đó dì ơi.

Tôi lặng nhìn đứa nhỏ một lần nữa, thật lâu, thật ấm áp, thật hài lòng:

-Vậy bây giờ qua thăm dì hay lại muốn thử thời gì đây nữa?

-Mẹ con bận quá nên con muốn…rủ dì đi chợ Hoa Phước Lộc Thọ, dì có rảnh để đi với tụi con không dì?

 

Chỉ trong một phần ngàn tỷ thời lượng, hình bóng mẹ tôi lúc còn tại thế bỗng lồng lộng tươi cười đứng cạnh bên tôi, với từng lời tuy nhỏ nhẹ nhưng thật rõ ràng: tre già, măng sẽ mọc, chớ lo lắng nhiều, nhớ mãi nghen con.

 

Gió Xuân phơi phới từ lúc nào đã len lén lùa qua song cửa, ngào ngạt hương tuổi thơ, tuổi ngọc, tuổi chồi tươi mới nhú trên khuôn mặt phảng phất mùi hoa Ngọc Lan của đứa cháu, quá bất ngờ, hơn cả hy vọng còn nước còn tát của tôi nữa, tạo thành rừng Mai năm cánh tươi non, rừng rực Xuân Thì đang đâm chồi thắm xinh nơi hải ngoại, tiếp nối từ bao mùa Xuân cũ ở quê nhà, tràn lan tươi tắn mãi hoài đến tận ngàn sau.

 

Nhất-Phương

CON NỢ NGÀI (BẰNG SƠN)

 

Con Nợ Ngài

 


🙏🙏🙏🙏🙏🙏🙏🙏🙏🙏

 

 

Con nợ Ngài tình yêu và sự sống

Từ sơ sinh cho tới tuổi bạc đầu

Máng cỏ nghèo người đến chịu nỗi đau

Vì nhân loại khổ hình trên thập giá

 

Tình yêu Chúa ôi bao la cao cả

Con chỉ là tạo vật chốn trần gian

Lòng thẹn thùng nhận ân sũng Ngài ban

Đời tội lỗi chưa thật tâm sám hối

 

Gần sự chết được ơn lành cứu rỗi

Một góc trời nhìn thấy ánh hào quang

Chúa nhân từ ngự trị chốn cao sang

Vòng tay ấm dìu con qua khổ nạn

 

Bàn tiệc Chúa con nào đâu xứng đáng

Cúi xin Ngài thương xót rũ hồng ân

Để con chiên xưa lạc lối bao lần

Giờ trở lại phục quỳ bên nhan thánh

 

🙏🙏🙏🙏🙏🙏🙏

 

Con nợ Ngài

Bằng Sơn