Thursday, March 31, 2016

CHUYỆN GÌ RỒI CŨNG XONG (Cựu HSPY Võ Dự)




Kính thưa quý Thầy Cô & các anh chị,

Mục đích chính của CVNN là tạo sự liên lạc, đoàn kết và cung cấp tin tức để thầy trò, đồng môn và đồng hương trên khắp thế giới có dịp gần gũi nhau hơn.
Tình cờ nhận được bài viết “Chuyện Gì Rồi Cũng Xong” cùng với lá thư của chị Trần thị Bạch Lan, cựu Đốc Sự Hành Chánh (Khóa 16) và cũng là em ruột của Cố Ca Sĩ Hà Thanh.  Từ Nam Cali, chị Bạch Lan đã đọc bài này; và khi biết nhân vật trong bài viết là người Phú yên, nên chị đã chuyển cho Thukỳ kèm với lời viết:

“Đọc cái meo dưới đây mà thương quá, Thu-kỳ liên lạc giúp đỡ Ông ni nghe. Tìm ra rồi Bạch Lan sẽ xin đóng góp $100 đôla. Hy vọng bạn quen nhiều ở Phú yên liên lạc thăm hỏi thử có đúng không? Cám ơn, trên đời hiếm thấy người chồng tốt như ông ni gốc Phú Yên. -Bạch Lan.”

Thukỳ có gọi điện thoại về trực tiếp nói chuyện với anh và được biết tên thật của anh là VÕ DỰ, cựu học sinh Đặng Đức Tuấn và Nguyễn Huệ.  Xin kính chuyển đến quý Thầy Cô và các anh chị bài viết về gia cảnh hiện tại của anh cùng những hình ảnh, có thể trong số các anh chị nhận diện ra bạn học cũ của mình.

Thukỳ xin thay mặt cho tất cả, ngàn lời cám ơn chị Bạch Lan, một tâm hồn có trái tim từ ái.

Thukỳ kính chuyển bài viết này để quý anh chị, có thể liên lạc thẳng vời anh qua số phone và địa chỉ dưới đây.  (Vì ở quê hẻo lánh không có số nhà; nhưng anh nói ai cũng biết anh khi đến xã Hòa Thắng).

Điện thoại của anh Võ Dự (Dựng): 012-2249-1109; Hoặc đến trực tiếp nhà anh tại Thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

Hay có thể liên lạc với Thukỳ Phone: (781)-929-3995
Địa chỉ : Thuky Truong
               1702 Brooke Beach Dr.
                Navarre, FL. 32566
Email: thukytruong@gmail.com

Trân trọng,
Thukỳ.

**********************

"Chuyện gì rồi cũng xong..." - Người đàn ông 15 năm nuôi vợ liệt, con tâm thần với niềm lạc quan như thế
Năm 2001, bà Nỉ bị tai nạn giao thông dẫn đến bại liệt toàn thân. Ông Dựng mang vợ từ bệnh viện về, dọn lại chiếc giường ngủ của hai vợ chồng cho tươm tất, rồi đặt bà Nỉ nằm đó, ngay cạnh ông, để ông tiện chăm sóc. Thấm thoát, 15 năm đã qua...

Phú Yên - Vùng đất của hoa vàng và cỏ xanh ngoài những cảnh đẹp lãng mạn mà mọi người vẫn thường thấy trên phim ảnh, thì phía sau đó là những cảnh đời cùng cực, những con người đang cầm cự để sống qua ngày đoạn tháng, những đứa trẻ mồ côi bỏ học mưu sinh, những ông bà lão già cỗi vẫn phải gồng mình nuôi những đứa con đau yếu, bệnh tật, thậm chí bị tâm thần nặng… khiến người ta không khỏi đau xót.

Chúng tôi có dịp về vùng quê xứ Nẫu để thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn để giúp đỡ họ phần nào. Trong số những gia đình mà chúng tôi đến thăm, tôi đặc biệt nhớ mãi nụ cười của ông Võ Dựng, 65 tuổi, ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Nụ cười lạc quan nhưng vẫn khắc khoải và hằn lên nỗi vất vả mà ông đã chịu đựng chừng ấy năm qua...

 Ngôi nhà của ông Võ Dựng cùng người vợ bại liệt và con trai bị bệnh tâm thần của mình.

15 năm ôm người vợ bại liệt để…. ngủ
Ông Dựng có 4 người con, người con trai đầu tiên của ông là anh Võ Hữu Tòng, 38 tuổi, mắc bệnh tâm thần bẩm sinh. Có một lần anh Tòng lên cơn đập phá, đe dọa chém giết hàng xóm nên ông Dựng và vợ cắn răng dùng dây xích sắt để trói anh lại trong một phòng riêng.
Con trai thứ kế của ông sau khi lấy vợ cũng đã chuyển ra nơi khác ở, hai cô con gái song sinh thì tốt nghiệp Đại học, lấy chồng, cũng đã theo về nhà chồng. Ngôi nhà ông Dựng giờ chỉ còn ông và vợ cùng đứa con trai hàng ngày vẫn rên âm ỉ, thỉnh thoảng lại kêu la thảm thiết.


Ông Võ Dựng trước sân nhà mình.

Năm 2001, sau một vụ tai nạn trên đường về nhà, vợ ông – Bà Bùi Thị Hoài Nỉ, 63 tuổi, bị té dập não, phải nằm viện suốt 3 tháng trời ở Sài Gòn, sau đó chuyển về Phú Yên tiếp tục điều trị thêm 1 tháng nữa. Bác sĩ khi ấy tạm thời chữa trị thành công cho bà Nỉ qua cơn nguy kịch nhưng cũng tiên lượng về những di chứng để lại sau này. Ông Dựng lúc ấy cũng đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất, ông đón vợ về nhà, chăm sóc cho bà từng li từng tí.

Ngày bà Nỉ xuất viện, bà vẫn còn minh mẫn nhưng chỉ sau một thời gian, bà bắt đầu bị liệt nửa người, rồi liệt đến toàn thân, ý thức cũng không còn được như trước. Sau này bà cũng như người điên, chỉ ú ú ớ ớ, thỉnh thoảng kêu la, toàn thân thì bất động.

Giờ đây, ông Dựng một mình nuôi vợ liệt và người con tâm thần đang bị xích chân trong phòng riêng.


Mọi gánh nặng đè lên đôi vai ông Dựng nhưng không vì thế mà ông bỏ cuộc. Mọi sinh hoạt, chuyện vệ sinh của vợ và con, một tay ông Dựng lo hết. Ông nói, mỗi lần cậu con trai đi vệ sinh xong, ông phải vào lau dọn ngay nếu không con mình sẽ nghịch bẩn hết ra nhà, hoặc có khi anh ném phân đi tứ tung, lau dọn còn vất vả hơn rất nhiều.

Buổi sáng, ông để vợ nằm đó, ông dọn dẹp nhà, nấu cơm nước cho con và vợ, khi bà kêu la, ông vào vỗ về, lấy tay mát- xa đầu cho vợ dễ chịu, trò chuyện cùng bà, rồi lại tiếp tục công việc. Ông nói: "Sáng thì để bả nằm vậy được, chứ tối ngủ là phải ôm bả vô, bả mới ngủ ngon được".

 
Dù vợ đã nằm liệt giường 15 năm qua, cũng đã mất hết ý thức nhưng ông Dựng vẫn một lòng yêu thương và bên cạnh bà từng giờ từng phút.

"Cũng qua ngày qua tháng, rồi cũng xong…"
Trò chuyện với ông Dựng mới thấy, ông có lẽ là một người đáng để phục vì vẫn giữ vững được niềm tin, lạc quan trước những biến cố cuộc đời mình như thế. Kể chuyện đến đâu, ông cũng cười, nói chuyện với vợ, với con, dù không ai hiểu, dù đáp lại ông chỉ là những tiếng rên rỉ và những câu từ ơ a, nhưng ông cũng cười.

Nói chuyện với ai, ông cũng cười, kể về hành trình vất vả của mình, ông luôn nói: "Chuyện gì cũng qua ngày qua tháng, rồi cũng xong...".

Từ lúc vợ sinh bệnh, ông Dựng phải bán mảnh đất sau nhà, được 70 triệu, ông sửa sang lại nhà cửa cho vợ con. Khi đó hai cô con gái song sinh chưa lấy chồng, ông xây hẳn phòng riêng để các con có không gian sinh hoạt, học tập được yên tĩnh, sau ông xây thêm một phòng nhỏ, chẳng có gì, chỉ có mỗi cái bục cao tầm mười mấy phân, để anh Hữu Tòng ngả lưng ngủ với một bên chân bị xích lại. Phòng của anh Tòng thông qua phòng của vợ chồng ông Dựng. Căn phòng chật chội với chiếc giường gỗ, bên trên căng mùng để tránh muỗi. Đến tối, ông lại lên giường, ôm vợ ngủ đến sáng.
"Nhiều người hỏi tôi, một mình nuôi con tâm thần và vợ liệt thế này thì có nản không, tôi nói thẳng là không. Con mình, vợ mình, mình làm chồng làm cha thì phải có trách nhiệm, chứ chuyện như này đâu ai mong muốn. 15 năm qua tôi chăm sóc bả, nhìn bả đau đớn, tôi càng thuơng, có người kêu tôi đi tìm hạnh phúc mới đi, tôi bảo không, tôi biết cách để mình hạnh phúc và lạc quan, ngay chính ngôi nhà của mình, chẳng cần đi đâu hết", ông Dựng cười, chia sẻ.

Ông mát-xa đầu để bà Nỉ cảm thấy dễ chịu hơn.

Với nhiều người, hoàn cảnh gia đình như ông Dựng có thể như một bi kịch đau đớn nhưng với ông, tất cả chỉ là những thử thách. "Nhiều lúc tự hỏi sao ông trời ổng thử thách mình dữ vậy, chớ như người khác là bỏ cuộc rồi đó!", ông nói, rồi cười hà hà.

Điều ông Dựng tự hào nhất đó là thành công của hai cô con gái song sinh của mình. Ông kể từ những ngày làm nương làm rẫy nuôi con ăn học, đến khi hai người con thi đậu vào Đại học, ông thấy công lao mình bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Rồi hai người con ra trường, làm Giảng viên, lấy chồng, ổn định cuộc sống, ông đỡ được những gánh nặng phần nào.

Thỉnh thoảng anh Tòng lại kêu la bắt ông Dựng tháo xích, nhưng ông không dám.

Một ngày của ông Dựng chỉ quẩn quanh bên vợ và người con trai tâm thần, nhưng ông lại xem đó là điều bình thuờng và vẫn vui vẻ tận hưởng thời gian bên nhau của ba người.

Ông Dựng dường như không thích than vãn, hoặc là vì ông thấy cuộc sống của mình cũng chẳng có gì khó khăn vất vả, mọi công việc ông làm như một thói quen gắn với nếp sống của mình hàng chục năm qua. Ông Dựng cho biết chi phí thuốc men cho con và vợ rất cao, ông lại không thể đi làm thêm công việc gì khác mà bỏ vợ con ở nhà, nên tất cả chỉ trông mong vào sự giúp đỡ của xã hội.
"Vợ và con tôi được trợ cấp từ chính quyền, tôi cũng rất may mắn khi được nhiều đồng hương, các bạn trẻ đến giúp đỡ, cho quà bánh, nếu không có mọi người, chắc ba người chúng tôi chết từ lâu rồi...", ông tâm sự, rồi lại cười, nụ cười giúp ông quên đi những đắng cay của đời mình.

Bạn đọc muốn giúp đỡ ông Võ Dựng có thể liên hệ theo số điện thoại của ông: 012-2249-1109
Hoặc đến trực tiếp nhà ông tại Thôn Phú Lộc,  xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.