Wednesday, December 30, 2015

LÀM "RỂ" HAY MỌC "RỄ"?

“Rễ” Hiếm
Trong lễ cưới, chú rể quay về phía bố mẹ zợ khấu đầu thưa:
-Con lạy bố mẹ 3 lạy vì đã có công nuôi dưỡng zợ của con nên người trong suốt 20 năm qua.
Hành lễ xong, chú rể khấu đầu trước cô dâu:
-Anh xin lạy zợ yêu 9 lạy.
Bố zợ thấy lạ mới hỏi thì chú rể trả lời:
-Về với con, zợ con sẽ tiếp tục nuôi con 60 năm, gấp 3 thời gian bố mẹ nuôi zợ con. Nên con phải lạy zợ 9 lạy.

“Rễ” Phụ
Bố zợ đằng hắng hỏi chàng rể tương lai:
-Vậy chớ lâu nay con làm nghề gì?
-Thưa bố, con thất nghiệp, lâu nay chỉ nằm nhà uống rượu làm thơ thôi ạ!
Thấy bố trợn mắt nhìn chàng rể tương lai, cô con gái xen vào:
-Thưa bố, đừng lo! Chồng con sẽ không làm gì cả. Con chỉ cần chồng con lo việc chợ búa, bếp núc, giặt giũ, lau nhà, giữ con.........Nếu còn sức thì anh ấy tha hồ uống rượu ngâm thơ ạ!
Ông Bố zợ quay lại nhìn chàng rể lầm bầm:
-Tao tưởng chỉ có mỗi mình tao khổ; bây giờ có mày!

“Rễ” Mọc Bậy
Một chàng trai trẻ bước vào hiệu thuốc và nói: "Cho tôi một cái bao cao su. Hôm nay tôi đi gặp bạn gái. À mà không, cho tôi 2 cái: nàng có em gái. Thôi, cho 3 cái luôn, mẹ cô ấy trông cũng rất xinh xắn". Mua xong, chàng đến nhà nàng. Cả gia đình mời chàng ngồi cùng mâm. Suốt bữa chàng không nói được lời nào, ngồi im thin thít, chẳng ăn uống được gì. Sau bữa ăn, nàng hỏi:
- Lúc ăn anh bị làm sao thế? Anh không thích đồ ăn à?
- Không, đồ ăn rất tuyệt... Nhưng anh không thể ngờ được bố em lại là người bán ở hiệu thuốc.

“Rễ” Láu Cá
Một ông bố hỏi chàng rể tương lai: “Nếu bác và con gái bác rớt xuống sông nhưng chỉ cứu được một người thì cháu sẽ cứu ai?” Anh chàng láu cá không do dự trả lời: “Cháu sẽ cứu bác sau đó nhảy xuống sông chết cùng con gái bác để trọn tình.”

Hai bác sẽ không bao giờ mất đứa con gái này;
cổ sẽ trở về nhà 2 bac ngay sau khi màn ảo thuật kết thúc.
“Rễ” Đạo Đức
Một anh chàng đến nhà bạn gái chơi. Bố của nàng ra tiếp chuyện chàng. Sau một hồi hàn huyên, ông bố “trắc nghiệm” rể tương lai:
-Nếu bây giờ có 1 túi tiền và 1 túi đạo đức rơi trên đường thì cậu nhặt túi nào?
- Dạ, cháu nhặt túi tiền - chàng trai nhanh nhảu trả lời.
Với vẻ mặt thất vọng, bố cô gái nói: Tôi biết ngay mà, các cậu bây giờ coi tiền là trên hết, ngay cả đạo đức cũng chẳng coi vào đâu. Nếu là tôi thì tôi sẽ nhặt túi đạo đức.
Chàng trai vớt vát để lấy lòng bố nàng:
-Dạ, cháu nghĩ ai thiếu cái gì thì nhặt cái đó...

“Rễ” Tòng Phạm
Một bà nọ có 3 thằng rể, và để thử xem thằng nào tốt nhất, bả giả bộ rớt xuống sông.  Trên đường về nhà có một cây cầu bắc qua con sông, khi thằng rể thứ nhất đi làm về, bà chờ sẵn bên cầu và nhảy đại xuống nước. Chú rể nhanh nhẹn lao xuống dòng sông vớt mẹ zợ lên. Bố zợ thưởng cho chú một chiếc tivi.
Đến lượt thằng rể thứ hai mẹ zợ cũng làm như vậy và bố zợ thưởng cho chú mọt chiếc xe máy.
Đến lượt thằng rể thứ ba, khi thấy mẹ zợ nhảy xuông sông, hắn dừng lại xem cho đến khi bà ta chìm hẳn rồi mới về nhà nói với bố zợ là mẹ đã chết đuối.
Bố zợ thưởng cho chú một chiếc Mercedes đời mới nhất.

“Rễ” Chời Đánh
Mẹ zợ: Sao cậu đóng cái đinh lớn zậy?
-Dạ, con sợ hình của mẹ rớt xuống!
Hai bà mẹ zợ ngồi đón xe. Bà Hai lên tiếng khoe:
- Tôi có thằng con rể trời đánh, nó mê đánh bài đến nỗi nhẫn cưới của zợ nó cũng đem bán.
Bà Ba trợn mắt:
- Ch
ời, không bù cho thằng con rể tôi không biết tí gì về cờ bạc hết.

Bà Hai cắt ngang:
- Nó không biết đánh cờ bạc mà bà c
òn than cái nỗi gì nữa.

Bà Ba:
- Không biết đánh mà nó cứ đi đánh mới chết chứ!..
Bà Hai:???!!!!.........

“Rễ” Khiêm Nhường
Bố zợ và chàng rể:
-Thế là con gái tôi đã đồng ý làm zợ anh. Anh định ngày nào sẽ cưới?
- Cháu đã dành quyền quyết định đó cho cô ấy
.
- Anh định làm lễ cưới ở nhà thờ hay ở nhà?
- Điều đó bác gái 
sẽ quyết định.
- Thế anh và zợ định sống bằng cái gì?
- Vấn đề này thì cháu hoàn toàn giao phó cho bác trai
!

Zợ: Anh phải lập tức treo cái bảng chào đón lên ngay;
Mẹ đang trên đường đến đó.
“Rễ” Tào Tháo
Quan hệ giữa cậu và ông bố zợ ra sao?
- Rất tốt! Chúng tôi hợp nhau, trừ một lần duy nhất, tôi không hiểu ý ông ấy.
- Lần nào vậy?
- Lúc tôi xin cưới, ông ấy quyết định ngăn cản, vì nói rất thương tôi.  Thế mà tôi đã không tin ông ta.

“Rễ” Kiên Cường
Bố zợ nằm trên bàn phẫu thuật, còn bác sĩ là con rể ông ta.
Khi con rể chuẩn bị tiêm thuốc mê thì ông bố zợ cố ngóc đầu dậy:
- Con trai, bố có chuyện muốn nói với con.
- Chuyện gì vậy bố?
- Điều quan trọng nhất là con hãy nhớ rằng, nếu như ta có chuyện gì thì mẹ zợ của con sẽ đến sống với các con đó; mà con thì đã biết vì ai mà ta ra nông nỗi này rồi!
- Dạ! Con biết, con sẽ cố hết sức.
-!?

“Rễ” Chí Hiếu
Có một anh mới tí tuổi đã đi làm rể. Lần nào đến nhà bố zợ, cha cũng phải đi cùng. Một hôm nhà bố zợ có giỗ, cho người mời cả hai cha con. Trên đường đi, cha dặn:
- Hôm nay đến ăn cỗ, mày đừng liếm đĩa nhé! Liếm đĩa, bên nhà zợ người ta cười cho đấy.
Sở dĩ cha phải dặn như thế là vì con còn dại, ở nhà mỗi khi ăn cơm thường hay liếm đĩa.
Mâm cỗ nhà bố zợ hôm ấy có bốn người: hai cha con, bố zợ và ông khách. Ăn cơm uống rượu xong, mọi người đứng dậy thì chàng rể chạy lại bên cha, nắm lấy tay và nói to:
-Hôm nay con không liếm đĩa nhé. Có đĩa cá rán ngon lắm, cha liếm đi!

Zợ: Mẹ gởi lời thăm "thằng đần độn!"
“Rễ” Thông Minh
Ông bố cô gái bảo chàng rể tương lai:
- Tôi chỉ gả con gái tôi cho người nào mưu lược, thông minh và làm ăn giỏi. Anh hãy chứng minh khả năng làm chủ gia đình đi.
- Thưa bác, cần gì phải chứng minh nữa ạ? Nếu lấy con gái bác mà không có lợi to, thì chẳng bao giờ cháu ngó ngàng tới ạ!
- Hả?!

“Rễ” Tháu Cáy
 Bố Zợ Và Con rể Đi lên huyện. Tới Bờ Sông, ông bố nhìn thấy một con chó đang bơi, ổng hỏi:
- Con có biêt bơi không?
- Dạ! Không ạ!
Bố Zợ: Chời, mày không bằng một con chó!
Con rể: Thế bố biêt bơi không ạ?
Bố Zợ: Có Chứ!
Con rể: Chắc khi bơi nhìn bố giống hệt con chó, phải không ạ?

Cậu thật sự muốn cưới con gái tôi à?
Tôi có thể tạo điều kiện tốt hơn, nếu cậu muốn cưới zợ tôi!
“Rễ” Kiên Nhẫn
- Alô! Con chim nhỏ của anh đấy à?
- Không! chim bố đây.
- Ấy chết! Cháu xin lỗi bác! Bác có khỏe không ạ?
- Khỏe để đánh nhau với ai?
- Dạ … cho cháu hỏi Trang có nhà không ạ?
- Nó không có nhà thì là dân vô gia cư à?
- Dạ, dạ … ý cháu là Trang có “ở” nhà không ạ?
- Nếu không thì sao?
- Thế … Trang đi đâu ạ?
- Đi làm rồi.
- Bác cho cháu số điện thoại của Trang được không ạ?
- Nó có nhiều số lắm!
- Bác cho cháu xin một số thôi ạ! 
- 8…
- 8 rồi… mấy nữa ạ?
- Thì cậu bảo chỉ cần một số thôi mà …..
- Dạ bác cho cháu xin nốt mấy số còn lại luôn ạ
- 5 7 3 6 8 2, còn sắp xếp sao thì tùy cậu.

“Rễ” Du Đãng
Con gái dắt bạn trai về nhà. Chàng trai lần đầu gặp bố cô gái, mở đầu câu chuyện:
- Bác có hút thuốc lá không, cho cháu xin một điếu.
- Anh hút thuốc hả? Bố cô gái hơi ngạc nhiên.
- Dạ, cũng ít! Chỉ khi nào uống rượu, nhậu nhẹt thôi ạ.
- Uống rượu, nhậu nhẹt?
- Dạ, nhiều khi đánh bài bạc, thua cháy túi nên uống rượu giải sầu vậy.
- Lại còn bài bạc?
- Dạ! Thì ở tù biết làm gì hơn đâu bác.
- Tại sao vô tù?
- Tại lần trước, người yêu cũ cháu dắt cháu về nhà chơi mà ba cô ấy không đồng ý.


Được rồi, được rồi, nếu em muốn "mẹ" cho bữa cơm chiều thì phải
"nướng" bả cho thật chín!
“Rễ” Trạng Sư
Cô gái mời bạn trai về nhà mình để giới thiệu với bố mẹ.
Sau khi chào hỏi bố mẹ cô gái, anh ta huyênh hoang: 
- Cháu hiện đang là sinh viên trường Luật, sau này hai bác có ly dị thì cứ nhờ cháu giải quyết cho.
Vừa ngồi xuống ghế, anh ta liền nhìn quanh và nói:
- Chà, nhà mình làm toàn bằng gỗ tốt bác nhỉ, lúc cháy là phải to lắm đây.
Trong lúc trò chuyện, ông bố gởi gấm gái mình sau khi thành zợ chồng. Anh ta đáp:
- Bác cứ yên tâm, sau khi lấy cô ấy về, cháu sẽ cho cô ấy ăn suốt ngày, ăn cho đến khi vỡ bụng mà chết mới thôi.
Trong bữa cơm thân mật với gia đình nàng, thấy chàng uống nhiều rượu quá, ông bố cô gái khuyên giải, anh ta liền bảo:
- Bác cứ yên tâm, riêng rượu thì bác cứ phải gọi cháu bằng 'cụ'.
Trên đường về nhà, nhớ ra là để quên mũ, anh ta liền quay lại nhà cô gái. Vào nhà, nhìn thấy cái mũ, anh ta reo lên:
- May quá! Thế mà mình cứ tưởng mất.
Khi ông bố nhã nhặn nói “đâu cần phải lấy gấp, bữa khác cũng được mà”, thì anh chàng trả lời tỉnh queo:
-Thời buổi này, không thể tin ai được bác ạ!
Lúc ra đến cửa, anh ta bị con chó nhảy xổ ra chực cắn, liền vung mũ và quát:
-Tao thách cả nhà mày cắn tao đấy!

“Rễ” Thù “Giặc”
Ngồi nói chuyện trong vườn từ chiều tới xẩm tối, bố zợ đứng dậy bảo con rể:
- Thôi chúng ta mang ghế vào nhà uống nước, trời tối nhanh quá. Tối như mắt thằng mù ấy.
Chàng rể chột mắt nghĩ ông bố zợ chơi xỏ mình, tức lắm nhưng nín lặng.
Một buổi sáng trăng, chàng rể sang thăm bố zợ và bày đồ nhắm nhâm nhi bên bàn đặt trong vườn. Trăng lên rất sáng vì là mùa thu. Câu chuyện văn chương, thế sự đang mặn nồng thì chàng rể đứng lên nói với ông bố zợ đầu trọc lóc như sư cụ:
- Cũng khuya rồi. Trăng đã lên cao và sáng quá, mà sáng cứ lấp lánh như cái đầu hói vậy. Con xin phép về nhà ngủ, chúc bố ngủ ngon!

NGU THÌ RÁNG TU CON Ạ

Đám cưới xong, thằng con trai chuyển ra nhà riêng để sống cùng zợ. Sau ngày đầu tiên, thằng con nhắn tin về cho bố:
“Bố ơi! Có zợ thật tuyệt vời! Chúng con suốt ngày quấn lấy nhau không rời. Cô ấy ngoan ngoãn và dịu dàng như một con mèo, khiến con ngỡ mình như một con mãnh hổ đang dang vòng tay ra che chở. Những lúc nghỉ giải lao giữa hiệp, con và zợ lại mở cửa sổ phòng ngủ ra ngắm đất trời bao la, ngắm những chú bướm đùa giỡn cùng những cánh hoa! Thích lắm bố ạ!”.
Bố nhắn lại: “Ờ! Mừng cho con!”

Hai hôm sau, thằng con lại nhắn cho bố: “Bố ơi! Con thấy hơi mệt! Tại mấy hôm nay hoạt động quá sức mà lại toàn phải ăn mì ly. Zợ hỏi con “ăn mì ly có nóng ruột không”. Con đành phải trả lời: “Không! Chỉ cần được ở bên zợ thì ăn gì cũng ngon.”
Bố nhắn lại: “Ờ! Mừng cho con!”


Vài hôm sau, thằng con lại nhắn cho bố: “Con ăn mì ly cả tuần rồi bố ơi! Từ hôm cưới đến nay chưa được miếng cơm nào vào bụng. Zợ con nó hiện nguyên hình rồi! Nó bảo nó không biết nấu cơm, ai thích ăn thì đi mà nấu. Giờ những lúc nghỉ giải lao giữa hiệp, con cũng không được ngồi trên giường ngắm bướm, ngắm hoa nữa mà phải đi lau nhà, giặt quần áo, cọ bồn cầu. Nó còn vào điện thoại của con, thấy số nào có tên phụ nữ là nó xóa hết. Nó bảo thà xóa nhầm còn hơn bỏ sót, có zợ rồi, đừng hòng mà đú đởn. Thẻ ngân hàng của con nó cũng cầm. Giờ muốn ăn gì, mua gì thì phải xin ý kiến nó, nó nghe thấy hợp lí thì mới cho tiền. Con giờ như "thằng ở" rồi! Khổ quá bố ơi!”.
Bố nhắn lại: “Ờ! Mừng cho con!”
Thằng con lập tức trách bố vô tâm; thấy con khổ mà không an ủi được một câu.

Ông bố gởi mail cho thằng con:
An ủi à? Thế bao nhiêu năm nay, tao cũng làm "thằng ở" cho mẹ mày, cũng khổ như mày, mày có an ủi tao được câu nào chưa? Tao mừng cho mày vì cuối cùng thì mày cũng đã nhận ra được cái điều mà lẽ ra mày phải nhận ra từ lâu rồi! Mày có một tấm gương lù lù trước mặt là bố mày đây, sao mày không soi vào, sao mày không rút được kinh nghiệm nào? Đời mày rồi cũng khổ như đời bố mày thôi! Ngu thì ráng… “tu” con ạ! Tu "thân" không được thì tu...chai!

Half-dead Dad.



CON BƯỚM ĐEN (Nguyễn Quang Thành)




Anh Nguyễn Quang Thành kính,
Em tên là Thukỳ làm cho Blog "Chim Về Núi Nhạn" thuộc cựu Học Sinh Tỉnh Phú Yên.
Tình cờ một anh Không quân cho đọc bài: "Con Bướm Đen" của anh viết, em quá xúc động, vì bản thân chồng em QGHC cũng đi cải tạo ngoài Bắc gần 10 năm, nhưng may mắn là anh trở về, và hai con em một sinh được 1 tháng bố vào tù, cháu thứ nhì sinh tại Mỹ cả hai trai cách nhau 11 tuổi cho hai đoạn đường tình cách trở.
Em muốn xin phép anh có thể cho em đăng hồi ký của anh trên Blog của em, vì em đọc thấy quá hay, quá xúc động thế thôi, và em ngưỡng mộ người lính VNCH.
Nếu không có gì phiền anh cho em biết nhé, nhưng nếu trở ngại thì em rất cảm thông cho anh.  Kính chúc anh và gia đình Mùa Noel vui vẻ, Năm Mới an bình, hạnh phúc anh nhé.
Kính,
Thukỳ Trương.


Kính gửi chị ThuKy Truong,
Nhận được email của chị, tôi rất mừng vì bút ký của tôi lại được nhân rộng, được nhiều người biết thêm, và tất nhiên việc tìm kiếm ra phần mộ của anh tôi có nhiều cơ may hơn.
Chính tôi mới là người cảm ơn chị.
Xin chị cho đăng CON BƯỚM ĐEN trên Blog của quí anh chị.
Kính chúc anh chị và các cháu một năm mới tràn đầy hạnh phúc và mọi sự an lành trên quê hương thứ hai.
Trân trọng
NGUYỄN QUANG THÀNH



Lời người viết:
-Bài viết này là nén nhang thắp lên để tưởng nhớ anh tôi là Nguyễn quang Khóa, nguyên Trung tá phi công phản lực, Trưởng phòng kế hoạch Không đoàn 41 Chiến thuật, xuất thân khóa 61A SVSQKQ đã chết tại trại tù số 3 Kỳ sơn, Tam kỳ, tỉnh Quảng nam.
-Chân thành cảm ơn anh Phan Trừng, và anh Dan Hoài Bửu, nguyên Trung tá phi công phản lực, bạn học cùng khóa của anh tôi, đã giúp tôi hoàn thành bút ký này.
-Quý vị nào là bằng hữu, chiến hữu hoặc cựu tù binh biết về cái chết và mộ phần của anh tôi, xin liên lạc với tôi qua địa chỉ email: nguyenpierre24@yahoo.com. Xin đa tạ.


Gia đình tôi ít anh em. Không phải do ba mẹ tôi hiếm muộn mà do thời gian ba tôi ở Pháp khá lâu. Hơn mười năm từ khi mẹ tôi sinh ra anh, hai ông bà mới gặp lại nhau, nên tôi kém anh tôi đúng một con giáp.
Mặc dù khoảng cách tuổi tác sai biệt khá nhiều, nhưng anh em tôi đều có điểm tương đồng là yêu thích toán học và ôm mộng viễn du. Vì thế chúng tôi đều học ban khoa học Toán và tình nguyện gia nhập quân đội sau khi đậu tú tài toàn phần:

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai, nam bắc đông tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.


Mùa Hè 1960, anh tôi nhập học khóa 61A SVSQKQ. Khoảng tháng sau lại có giấy báo nhập học ban Toán của trường Đại H
ọc Sư Phạm gửi về nhà, ba tôi mở ra, đọc đi đọc lại nhiều lần, mặt đăm chiêu, ra chiều nghĩ ngợi nhiều lắm.

Mười năm sau, tôi cũng vừa thi vào đại học sư phạm, đồng thời làm đơn xin gia nhập trường Võ Bị Đà Lạt để được sống và học tập trong khung cảnh hào hùng và thơ mộng của vùng đất cao nguyên, mà tôi đã bị quyến rũ trước đây qua bài "Ai Lên Xứ Hoa Đào" của nhạc sĩ Hoàng Nguyên và một số hình ảnh của người sinh viên sĩ quan Đà Lạt trong đoạn phim giới thiệu về trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, đã chiếu tại trường vào dịp cuối năm lớp Đệ nhất (lớp 12) tại trường Quốc học, Huế.

Tôi đã trúng tuyển vào trường đại học sư phạm nhưng không thấy giấy báo nhập học trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt gửi về nhà. Vì thế, sau này tôi đã trở thành một giáo sư khoa học tại một trường nữ trung học đúng theo ý nguyện của ba mẹ tôi, nhưng tôi không bao giờ quên được hình ảnh hào hùng và lịch lãm của người trai thế hệ mà mình mơ ước.

Sau khi học đại học sư phạm được vài tháng, nhân một buổi ăn tối của gia đình, ba tôi mới ôn tồn cho tôi biết là ông đã nhận được giấy báo của trường 
Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt gửi về nhà, nhưng ông không cho tôi biết, vì anh tôi đã là pilote de guerre vào sinh ra tử trên bốn vùng chiến thuật (ba tôi có thói quen nói nửa Việt nửa Pháp, như ông thường viết các toa thuốc cho bệnh nhân).

Anh tôi du học tại Hoa kỳ năm 1961. Gia đình tôi đều đặn nhận được thư từ và hình ảnh của anh tôi, chụp tại các trường huấn luyện phi công, luôn luôn kèm bên chiếc phi cơ đã bay, hoặc các hình ảnh chụp tại các tiểu bang đã đi qua nhân dịp cuối tuần hoặc các dịp lễ lạc. Tôi ước mơ một ngày nào đó mình cũng được như vậy.

Ngoài thư từ gửi cho gia đình, anh tôi còn gửi cho chị M.T., sinh viên trường CSYT, con gái của một người bạn của ba tôi, mà ba tôi đã chấm theo tiêu chuẩn: Công-Dung-Ngôn-Hạnh cho anh tôi, trong lúc hai người chưa một lần gặp gỡ.

Nhiều lần tôi cảm thấy xót xa cho chị, khi chị đưa lá thư anh gửi cho tôi xem với hai câu thơ mở đầu:


Người 
đâu, gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không

Năm 1963 anh về nước. Hai câu thơ trên trích trong tập "Truyện Kiều" của cụ Nguyễn Du mà anh đã lồng vào trong bức thư, gửi cho chị M.T. như một định mệnh đã an bài.

Ba tôi đã phải nói lời xin lỗi với cha mẹ chị, vì việc đi hỏi chị là do ba tôi đơn phương quyết định.

Một lần nữa, ba tôi lại đăm chiêu, suy nghĩ nhiều lắm.

Dĩ nhiên, anh tôi từ đó không về nhà, cứ ở mãi Sài gòn. Lúc đầu, anh ở Liên Phi 
Đoàn 33 Vận Tải tại căn cứ Tân Sơn Nhất, sau đó chuyển qua Phi Đoàn 518 Khu Trục tại căn cứ Biên Hòa.


Thỉnh thoảng anh gửi thư cho ba mẹ tôi nói rằng anh quen một người con gái gốc Bắc, con của một sĩ quan cấp tá, bạn của cậu tôi. Chị là sinh viên trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn và cũng là bạn cùng học tại ĐHLK với anh tôi (sau khi ở Hoa kỳ về, anh lại ghi danh học ĐHLK).
Chị có tên rất ấn tượng: Phạm Chất L.

Thư từ giữa hai anh chị chất đầy như núi. Một lần vào cư xá thăm anh, tôi tò mò đọc được một lá thư của chị gửi cho anh, với bài thơ mà tôi chỉ nhớ được hai câu:

Đời phi công có mấy người chung thủy
Mỗi đường bay thay một cánh hoa yêu.


Hay một lá thư khác:

Oublie, c’est le nom d’une fleur
N’oubliez pas, c’est le vœux de mon cœur.
(Xin người giữ lấy hoa quên
Và đừng quên nhé lời nguyền trong tâm.)
Hình Minh Hoa
 

Chị cũng không quên ép vào những trang thư tình màu tím một con bướm đen đậu trên nhánh hoa "forget-me-not".  Điều này làm tôi liên tưởng đến sự trùng hợp màu sắc một cách ngẫu nhiên: Bộ áo bay của anh tôi màu đen với khăn quàng cổ màu tím, tôi thường thấy anh tôi mặc trong những phi vụ đặc biệt.

Đời phi công thật hào hùng và bay bướm. Trong tủ sách anh tôi để lại cho tôi học, tôi thích thú khi đọc cuốn "
Đời Phi Công" của Toàn Phong, "Chuyến Bay Đêm (Vol de Nuit ), "Cõi Người Ta" (Terre des Hommes) của nhà văn phi công Saint Exupery. Càng thích thú hơn, khi biết Toàn Phong là bút hiệu của Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, tác giả cuốn "Hình Học Không Gian" không thua kém gì các cuốn "Géométrie dans l’Espace" của Le Bosse hoặc của Caronner mà anh em tôi xem như là quyển Tự điển Toán Hình học Không gian.


Suy cho cùng, toán học và văn chương tuy thuộc hai phạm trù khác nhau nhưng luôn luôn có sự tương quan logic. Toán học tuy khô khan, nhưng nhà toán học lại là người rất nhạy cảm. Sự nhạy cảm là khởi đầu cho bao đề tài lãng mạn trong văn chương.

Thời gian dần trôi, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, anh tôi được điều động ra căn cứ Đà nẵng. Ác liệt nhất là trận đánh Tết Mậu Thân 1968 và sau đó là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Phi vụ oanh tạc, giải tỏa cố đô Huế dịp Tết Mậu Thân, chiếc Khu trục cơ Skyraider AD6 do anh tôi lái bị bắn với chi chít lỗ đạn phòng không của Bắc quân, đặc biệt là bánh đáp bị bắn gãy nhưng anh tôi đã đáp bụng an toàn.

Phi vụ oanh tạc, giải tỏa cổ thành Quảng Trị, chiếc phản lực cơ A 37 của anh tôi bị bắn rơi trên bầu trời cổ thành, anh đã nhảy dù thoát hiểm và may mắn được một trực thăng cứu thoát, đưa về căn cứ Đà nẵng an toàn.

Năm đó, tôi đang học năm thứ hai. Vừa ra khỏi giảng đường, một con bướm đen to bằng bàn tay, bay lởn vởn và đậu trên vai tôi vài tích tắc rồi biến mất. Sau đó tôi gặp một viên thiếu úy phi công trực thăng đến trường tìm một người bạn, vô tình kể lại chuyên anh ta vừa cứu thoát một thiếu tá phi công phản lực A 37 bị bắn rơi tại Quảng Trị, tôi nghe chuyện và hỏi tên người phi công lâm nạn, thì ra người phi công phản lực đó chính là anh tôi.

Sau này, trong tập san "Lý Tưởng" của binh chủng Không Quân có đăng bài "Cánh Thiên Thần Trên Bầu Trời Cổ Thành Quảng Trị" của ký giả L.R. viết về anh lúc cánh dù bung ra từ chiếc phản lực cơ lâm nạn trên vùng trời lửa đạn.

Bạn bè cùng khóa 61A SVSQKQ và các khóa sau đã có nhiều người ra đi không bao giờ trở lại như tráng sĩ Kinh Kha qua Sông Dịch không hẹn ngày về. Chiến tranh đồng nghĩa với mất mát, đau thương, cô đơn và giá lạnh:

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
...
...
Chinh phu, tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn


Biến cố khó quên đối với gia đình tôi xảy ra vào ngày 29/3/1975 sau khi tôi nhận bằng tốt nghiệp và sự vụ lệnh bổ nhiệm làm giáo sư tại trường trung học được vài tháng.  Đà nẵng đang trong cơn hấp hối. Tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng.

Anh tôi một mình lái xe jeep ra nhà, hối hả chở cha mẹ tôi vào phi trường Đà nẵng, còn tôi không liên lạc được phải chạy một mình ra cảng Tiên sa mong thoát thân bằng đường biển.

Vừa đến cảng thì bị pháo kích dồn dập, tôi chỉ kịp nằm bẹp xuống một mương nước, và chiếc vali trong tay tôi rơi lúc nào cũng không hề hay biết. Một quả đạn pháo kích rơi ngay trước mặt tôi chừng mươi thước, đúng lúc một chiếc xe jeep trờ tới, mọi người trên xe bị hất tung lên và trở thành tro bụi trong phút chốc.

Quá hoảng sợ, tôi chạy lùi theo một số người tìm đường ra biển Sơn trà.
Lúc này có một vài chiếc phi cơ bay vút qua, hướng ra biển Đông. Tôi ngửa mặt lên trời, ước gì ở trên cao có anh tôi thấy để cứu vớt tôi. Thế nhưng, tất cả đều đã bay xa cho đến khi chỉ còn là vài chấm đen trên nền trời ảm đạm.

Lúc này tôi đã ra đến bờ biển Sơn trà, gặp được một chiếc tàu đánh cá đang đậu cách bờ chừng vài trăm thước. Mừng quá, tôi cởi vội quần áo và lao nhanh xuống biển. Lúc tay tôi chạm vào mạn tàu cũng là lúc trên bờ xuất hiện vài người có vũ khí cầm tay, ra hiệu cho tàu vào bờ. Một số người trên tàu vội vã kéo tôi lên đồng thời tàu nổ máy chạy thẳng ra khơi.
Nhóm người võ trang nhắm thẳng vào tàu bắn liên tục nhưng chỉ làm bị thương một người trên tàu, còn lại đều vô sự.

Một tiếng sau, tàu này được tàu H
ải Quân Việt Nam Cộng Hòa cứu vớt và chuyển lên một chiến hạm của hải quân Hoa kỳ.


Trên boong tàu, tôi đưa mắt nhìn vào phía đất liền. Mịt mù trùng khơi. Biển vây kín biển cả. Tiếng sóng vỗ ào ào. Tàu lắc lư chao đảo. Tôi ngửa mặt lên trời, tự nhủ: Có phải đây là giờ phút vĩnh biệt của anh em tôi?  Đột nhiên bầu trời trở nên u ám, vài hạt mưa đã rơi nhanh xuống sàn tàu.

Sau này, qua một người quen cho biết: Khuya 29/3/1975 anh tôi đã lên và lái một chiếc phản lực cơ A 37 ra phi đạo nhưng không thể cất cánh được vì đã bị hư hại. Vì thế anh tôi đã trở thành tù binh tại trại tù số 3 Kỳ sơn, Tam kỳ, tỉnh Quảng nam.


Hơn một năm sau, trong lúc gia đình đang ăn cơm trưa, bỗng nhiên có một con bướm đen to bằng bàn tay, bay vòng vòng trong phòng và đậu trên vai từng người rồi cuối cùng đậu ngay chính giữa bàn thờ gia đình. Năm phút sau, nhận được tin báo là anh tôi đã chết, nằm trong một bụi cây bên ngoài trại tù chừng 800 mét. Mọi người đều sửng sốt, bàng hoàng nhưng không dám bật thành tiếng khóc.

Đến khi bình tĩnh lại, nhìn về phía bàn thờ, con bướm đen cũng đã vỗ cánh bay ra khỏi nhà. 

Đêm hôm đó, tôi nằm mơ thấy anh tôi mặc bộ áo bay màu đen với khăn quàng cổ màu tím, đang lái chiếc xe jeep về nhà nhưng máu đã đẫm ướt phi bào.

Sáng dậy, nhớ lại giấc mơ đêm qua, tôi cảm thấy một vị đắng, chua cay tràn ngập cổ họng. Tôi nghe như đâu đây phảng phất tiếng hát .của một nữ ca sĩ nỗi tiếng một thời:

Ngày xưa khi anh vừa khóc chào đời
Mẹ yêu theo gương người trước ch
ọn lời
...
...
Người phi công giữa khung trời
Vẫn ph
ải mang số phận con người

Bất giác hai dòng nước mắt tuôn trào lúc nào không hay.

Hai mươi năm sau, một mình tôi trở lại vùng rừng thiêng nước độc, nơi anh tôi đã bị lưu đày, khổ nhục. Trại tù giờ đây chỉ là một vùng lau lách đầy cỏ dại, rất khó xác định.

Nghĩ mình đã vượt núi, băng rừng, lội suối trong mùa nước lũ, chẳng lẽ bó tay trở về.

Trời đã nhá nhem tối, tôi thì thầm khấn nguyện anh tôi. Bỗng từ đâu một con bướm đen to bằng bàn tay bay đến trước mặt tôi, như có ý dẫn đường. Tôi tiếp tục khấn nguyện. Con bướm đen bay vòng vòng, tôi chạy theo và bị té sấp vào một bờ đất.

Sau phút hoảng hốt, tôi lồm cồm bò dậy và nhận ra một số nấm mộ nho nhỏ nằm khuất dưới đám cỏ dại. Tất cả gồm 12 nấm mộ vô chủ. 

Người dân địa phương cho biết đó là mộ của tù binh tại trại 3 Kỳ sơn. Tôi vội vàng hốt 12 nắm đất bỏ vào 12 bao nylon nhỏ và đánh dấu theo số thứ tự, rồi đến nhà dân xin ngủ tạm qua đêm.

Sáng hôm sau về lại Tam Kỳ, tìm đến nhà một thầy ngoại cảm. Thầy cho biết anh tôi nằm ở ngôi mộ số 3.


Tuy nhiên tôi vẫn mong trong tương lai, khi bài viết này của tôi được nhiều người biết đến, tôi có thể có nhiều tin tức hữu ích và cụ thể để xác định chính xác mộ phần của anh tôi. 


Bút ký của Nguyễn quang Thành
Nguyên Giáo sư trường Nữ trung học Đà nẵng


PS:
Kính gửi HQPD
Trước hết cho tôi xin gửi lời tri ân chân thành nhất của tôi đến HQPD đã cho đăng bút ký CON BƯỚM ĐEN trên trang web của quí anh. Đây cũng là sự thể hiện tấm lòng KHÔNG BỎ ANH EM, KHÔNG BỎ BẠN BÈ của binh chủng KQ, đồng thời giúp cho tôi có cơ may tìm được phần mộ chính xác của anh tôi khi bút ký này được phổ biến rộng rãi. Đã hơn 40 năm trôi qua, cái chết và phần mộ của anh tôi vẫn còn là những ẩn số. Gần đây, tôi đọc được bút ký NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG TẠI PHI TRƯỜNG ĐÀ NẴNG NĂM 1975 của anh LÊ PHIẾU, nguyên Trung úy phi công phản lực phi đoàn 538 tại Đà nẵng đăng trên trang web của HQPD. Phần hai của bút ký này có đoạn viết "Hèn hạ và ác độc nhất của quân CSBV là những vụ thủ tiêu trong bóng tối như trường hợp Trung tá Khóa KQ, Bs Giang TQLC..." Như vậy, chắc chắn anh LÊ PHIẾU có biết cái chết và có thể biết được phần mộ của anh tôi.
Một lần nữa xin làm phiền quý anh, giúp cho tôi biết được số phone hoặc email của anh LÊ PHIẾU để liên lạc may ra giải mã được vấn đề trên, nhất là để đưa nắm tro tàn của anh tôi đến bến bờ tự do, nhân bản sau 40 năm biệt vô âm tín.

Kính chúc quý anh và quý quyến hưởng trọn vẹn một Mùa Giáng sinh và Năm mới 2016 đầy vui tươi và hạnh phúc.
NGUYỄN QUANG THÀNH

HAI ĐẦU NỖI NHỚ (Hiện Café)



NỖI BUỒN GIÁNG SINH




Tạp ghi Huy Phương
Bây giờ những gói quà đã được mở ra, ánh đèn trên cây Giáng Sinh đã tắt, trẻ em không còn nô nức chờ đợi và chúng ta đã trở lại với những ngày bình thường tất bật.

Hai mươi lăm năm trôi qua trên đất Mỹ, tôi cảm nhận Giáng Sinh mỗi ngày mỗi buồn, không biết lý do có phải vì mỗi năm càng thấy mình mỗi già, thân không còn nhanh nhẹn, ý không còn lăng xăng. Đối với tất cả người già, như tuổi đời mệt mỏi, đứng lại bên lề đường hay lề đời, nhìn dòng xe hay dòng đời trôi qua.

Hai mươi lăm năm trước, khi tôi mới đặt chân đến Mỹ, dù chỉ với một gia đình gói gọn trong vòng năm bảy người, tuy không phải là người theo đạo Chúa, cũng như nhiều gia đình khác trong xóm, cả người ở lâu hay người mới đến, năm nào nhà cũng dựng cây Giáng Sinh, dưới gốc cây sáng ánh đèn, năm nào cũng đầy những gói quà cho nhau, được gói kỹ lưỡng với những tờ giấy gói trang trí đầy màu sắc.
Những ngày đó mỗi năm, tôi còn cắm cúi viết những lời chúc tụng trên những tấm thiếp mừng Giáng Sinh và năm mới, trình bày nghệ thuật, lúc nào cũng lấp lánh ánh ngân nhũ, mô tả những nóc nhà thờ đầy tuyết trắng, nhưng ông già Noel râu tóc bạc phơ trên chiếc xe tuyết do đàn tuần lộc, kéo chạy băng băng, từ trên bầu trời sáng đầy ánh sao.

Gần ngày Giáng Sinh, trên đường phố, tôi thường bắt gặp những chiếc xe chở những cây thông tươi nặng trĩu, và tôi có cảm tưởng rằng tất cả mọi nhà, đều có cây Giáng Sinh, có chăng đèn, kết hoa, có những gói quà cho người lớn và lũ trẻ, có bữa ăn “reveillon dinner” theo phong cách Âu Châu.

Những thương xá luôn đầy người mua sắm, không ngại tốn tiền mà ngại phải xếp hàng rồng rắn để đợi đến phiên mình trả tiền. Và những ngày cuối Tháng Mười Hai, đường về hình như kẹt xe nhiều hơn, trời thường tối sớm, cho chúng ta có cảm tưởng như bữa ăn tối thường dọn trễ hơn mọi ngày.

Có lẽ đối với trẻ em Giáng Sinh là một giấc mơ, một cơ hội tuyệt vời, nhưng đối với cả người lớn, chúng ta thử tưởng tưởng ra, một năm không có ngày Giáng Sinh, như con đường không có trạm nghỉ, dòng sông dài miên man không có một bến đỗ. Khéo cho ai đã đặt ra tuần, ra tháng, ra năm, để cho con người trên thế gian, có được cơ hội đếm thời gian, có chờ đợi, hẹn hò và cũng có hồi tưởng, để nhớ lại những ngày, những tháng, những năm...

Mãi lực mua sắm hàng năm của người Mỹ quả là có lên có xuống, nhưng là những món mua sắm cho bản thân mình. Những món quà Giáng Sinh mỗi năm cho bạn bè và người thân mỗi năm mỗi vắng. Trên đường đi, ít thấy cảnh những chiếc xe chở cây thông tươi về nhà. Trong thùng thư bưu điện họa hoằn lắm mới có tấm thiệp của người ở xa với những nét chữ quen thuộc, nhưng trong e-mail, có quá nhiều tấm thiệp vô hồn của một người gửi cho cả trăm người. Mấy năm rồi không hang đá, mà cũng chẳng buồn cây thông, con cháu lớn rồi, mỗi người một ngả, còn đâu phút sum họp mà mở quà.

Mấy năm nay không còn cái thú đi xem nhà thiên hạ giăng đèn rực rỡ đêm Noel, mà cũng chẳng còn mấy nơi chịu khó giăng đèn, chỉ còn những cây Giáng Sinh ở những khu thương mãi. Sở Vệ Sinh nước Mỹ càng ngày càng nhẹ gánh đỡ nhọc công đi đổ rác sau ngày Giáng Sinh khi thùng rác đầy giấy gói quà, thùng carton và những cây thông bắt đầu héo lá.

Cách đây 10 năm trong khu phố này, mỗi đêm Halloween có hàng chục em gõ cửa “trick and treat” năm nay chỉ có một lần với hai em, tôi bật đèn ngoài đến khuya, và rổ kẹo vẫn còn đầy. Phải chăng em không còn tuổi thơ hay ngoài đường không còn là nơi yên ổn cho em? Và phong tục, lễ tết càng ngày càng tàn lụi theo thời gian.

Rồi đây, các em sẽ biết rõ không có ông già Noel, không bao giờ có những chiếc xe tuần lộc chở nặng những gói quà, và tuổi thơ sẽ không còn mơ đến những câu chuyện huyền thoại của một thời như lúc chúng ta còn nhỏ. Nếu đời sống trần trụi, đơn điệu và mỗi đời người không có một giai đoạn gọi là tuổi thơ thì quả địa cầu này buồn biết mấy!

Thế giới hôm nay không còn “bình an dưới thế cho người thiện tâm,” thiên tai và nhân tai luôn luôn đe dọa rình rập loài người, không mang súng đạn cũng chết vì súng đạn, không là người ác cũng chịu chết như kẻ ác. Hãng thông tấn Sputnik cho biết, ở Mỹ hiện nay, súng là một món quà Giáng Sinh phổ biến và những khẩu súng làm quà tặng thì không cần kiểm tra lý lịch.

Chỉ nội cái ý nghĩ năm nay nhận được một khẩu súng lục trong gói quà Noel không biết chúng ta vui thích hay cảm thấy lạnh người, khi trên đất Mỹ, số người chết vì súng đã cao hơn số người chết vì tai nạn giao thông.

Trường học nhiều nơi, nhân viên và giáo viên đã được mang súng đến trường. Dù chưa có phép, ông già Noel cũng đã bắt đầu giấu súng trong chiếc áo bông dày cộm của ông, vì đám đông, dù là đám đông trẻ thơ tụ tập nhận quà, vẫn là mục tiêu tàn sát của bọn khủng bố.


Con người không mơ giàu có, không ước tiếng tăm, nếu được một ngày không phải lo âu, một đêm có giấc ngủ bình an, vui cứ cười, buồn cứ khóc, và mau quên những điều phiền muộn như trẻ thơ, thì thế giới hạnh phúc biết bao nhiêu!
Đó là lời cầu bình an!

Bình an dưới thế cho người thiện tâm!


LỆ THANH "NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN" (Lê Hữu)


         
Chiều nay thấy hoa cười chợt... nhớ một người

Câu hát ấy từ lâu nay cứ theo tôi, theo tôi mãi.
Tại sao lại câu hát ấy mà không phải là câu hát nào khác? “Hoa cười”, có lẽ vì hai tiếng ấy gợi nhớ câu thơ cũ, “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Chàng trai trẻ trong câu chuyện tình xa xưa ấy cũng “thấy hoa cười” mà thẫn thờ “nhớ một người”.
Có ai trong đời mình lại chẳng có những phút như thế, những phút ngắm nhìn những cánh hoa rung rinh lay động trong nắng sớm, trong gió chiều mà lòng bâng khuâng... “nhớ một người”.
Câu hát làm cho người ta phải bâng khuâng ấy ở trong bài hát “Nhớ một chiều xuân”.
Giọng hát làm cho người ta phải bâng khuâng ấy là giọng Lệ Thanh, vào cái “thuở ban đầu” của bài hát ấy.

Thuở ban đầu của những khúc nhạc xuân

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả “Nhớ Một Chiều Xuân” (1962), Lệ Thanh là ca sĩ đầu tiên hát bài ấy.
“Nhớ Một Chiều Xuân” là một trong hai bài nhạc xuân quen thuộc và rất được yêu chuộng của Nguyễn Văn Đông (bài kia là “Phiên gác đêm xuân”) ở miền Nam trước năm 1975.
Bài nhạc xuân này có vẻ hơi “lạ” so với những bài xuân ca khác. Lạ, vì “chiều xuân” trong bài hát ấy không phải là xuân chốn quê nhà mà là xuân nơi quê người. Lạ, vì nỗi nhớ nhung trong bài hát ấy không phải là nỗi buồn nhớ quê hương (như là “Xuân Tha Hương”, một bài nhạc xuân của Phạm Đình Chương) mà là những niềm thương nỗi nhớ của người ở phương này gửi về người ở phương kia.

Người nơi xa xăm phương trời ấy 
người còn buồn, còn thương, còn nhớ
Nắng phai rồi em ơi!...
“Nắng phai rồi, em ơi!” thì không phải là nhạc xuân vui tươi rồi, nhưng cũng không hẳn là buồn bã, nếu có buồn chỉ là cái buồn phơn phớt, nhè nhẹ như làn mưa phùn ngày xuân. Bài hát kể về một chuyện tình; nói đúng hơn, một chuyện “tình viễn xứ”.
Người về còn nhớ khúc hát 
người yêu dấu bên bờ thành Vienne...

“Khúc hát” ấy là bản đàn “A Beautiful Vienna” mà chàng nghệ sĩ tài hoa đã dạo lên trên bờ biển vắng Hạ Uy Di bằng thanh âm réo rắt, du dương từ chiếc đàn Hạ uy cầm yêu quý của chàng một chiều xuân nào, làm xao xuyến trái tim cô gái bản xứ xinh tươi mang dòng máu Franco-Indo. Chuyến du học kết thúc, chàng trở về nước mang theo câu chuyện tình thơ mộng như những hàng dừa thơ mộng nằm nghiêng bóng bên bờ biển xanh cát trắng để viết nên khúc nhạc tình gửi về “người nơi xa xăm phương trời ấy”.
“Khúc nhạc tình” ấy, bài nhạc xuân ấy, được cất lên lần đầu tiên qua tiếng hát Lệ Thanh, một trong những giọng hát rất quen thuộc vào đầu thập niên 1960’s, là một giọng khá đặc biệt:
Thứ nhất, giọng ấy nghe nghèn nghẹn, rưng rưng mà nhiều người vẫn quen gọi là “giọng mũi”, nghe tựa giọng người bị... cảm (khiến nhiều người phải “cảm” lây). Giọng mũi tự nhiên và nhiều nữ tính ấy vừa mềm mại dịu dàng vừa có một vẻ gì hờn trách, nũng nịu.
Thứ hai, giọng ấy có lối luyến láy “ngẫu hứng” thật ngọt ngào, và khá lạ vào thời ấy.
Chiều nay thấy hoa cười... chợt nhơ... ớ... một người
Những nốt láy ở chữ “nhớ” ấy vẽ lên một nét nhạc đẹp, nghe như một nỗi nhớ da diết.
Chạnh lòng tôi khơi bao niềm nhơ... ớ...
Lại một nét láy khác, rơi vào chữ “nhớ” khác. Bài hát có đến... năm chữ “nhớ”, bao nhiêu “nhớ” là bấy nhiêu... nét láy. Cái khéo là người hát chọn “láy” vào những chữ nào, nốt nhạc nào làm gợn lên những cảm xúc dạt dào.
Người nơi xa xăm phương trời â... ấ... y...
Nét láy lượn ở cuối những câu hát gợi một cảm giác mênh mang, vời vợi.
Chiều nay hoa xuân bay nhiều qu... a... á...!
Nghe chuỗi láy ấy tưởng thấy được bao nhiêu là cánh hoa tản mác bay trong gió chiều. “Hoa xuân bay nhiều quá”... cho lòng nhớ nhung, cho tình vấn vương. Nhìn cánh hoa bay xuân này, nhớ mùa xuân nào viễn xứ.

Người yêu dâ... ấu… bên bờ thành Vienne
Nét uốn lượn mềm mại ở “yêu dấu” ấy làm dậy lên một tình cảm... dấu yêu.
Chiều xuân có một người ngơ ng… ác đi tìm
Cái nhấn giọng ở “ngơ ngác” ấy nghe sao mà... ngơ ngác, mà thẫn thờ.
Lối nhấn nhá một nốt nhạc ấy cũng tô đậm thêm tình cảm trong câu hát.
Giọng mũi “trời cho” ấy, lối nhấn nhá và láy lượn những nốt nhạc ấy đã làm nên tiếng hát Lệ Thanh, và cũng là cái duyên trong giọng hát chị mà dẫu ai có muốn bắt chước cũng không dễ chút nào. Khi người ta cố ý làm duyên thì… không còn là “duyên” nữa.
“Chị là một trong những ca sĩ đầu tiên đã hát với giọng luyến láy ‘gây mê’ ấy,” tôi nói với chị Lệ Thanh, “để cho các ca sĩ về sau này cũng... luyến láy theo.”
Tôi không rõ là tác giả các bài nhạc có nhăn mặt, nhíu mày khi nghe cô ca sĩ luyến láy những nốt nhạc không phải là những… nốt láy trong bài? Hỏi nhạc sĩ Tuấn Khanh (tác giả nhiều ca khúc từng được thể hiện qua tiếng hát Lệ Thanh như “Dưới giàn hoa cũ”, “Hoa soan bên thềm cũ”, “Đồi sim”, “Chiều biên khu”, “Đêm này nghỉ đỡ chân”…), ông nói, “Tiếng hát Lệ Thanh rất ‘ăn khách’ vào thời ấy với giọng thật lạ và cách luyến láy cũng lạ nữa. Những nốt láy lượn kết thành một chuỗi âm thanh rập rờn mà óng ả chứ không ‘lơi lả’ như là các kiểu láy về sau này. Tôi không thấy nhạc sĩ nào tỏ dấu phiền hà về lối luyến láy ấy, hơn thế nữa cứ giọng hát nào chinh phục được trái tim người nghe là giọng hát ấy được cả thính giả lẫn tác giả bài hát yêu thích.”
Thường thì người nhạc sĩ sáng tác sẽ chọn giọng hát nào đó phù hợp để “gửi gấm” một sáng tác mới của mình với sự tin tưởng rằng giọng hát ấy thể hiện được tình cảm của bài nhạc, và người nghe sẽ yêu thích bài hát qua giọng hát ấy. Tại sao lại Lệ Thanh mà không phải là ca sĩ nào khác cho “Nhớ một chiều xuân”?
Hỏi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, ông nói, “Cấu trúc bài nhạc ‘Nhớ một chiều xuân’ bắt nguồn từ kỹ thuật ‘đánh chập dây Arpèze’ của đàn Hạ uy cầm, khi thì chận tiếng, lúc thì vuốt dây lả lướt, tựa như từng đợt sóng nhỏ vỗ vào bờ cát trắng Waikiki của quần đảo Hawaii, nơi tôi từng hòa nhạc cùng các nhạc sĩ đường phố Honolulu năm nào (1957). Những nốt nhạc Hạ uy cầm láy lượn trong ‘Nhớ một chiều xuân’ rất phù hợp với giọng luyến láy đặc biệt của Lệ Thanh, ca sĩ đầu tiên hát bài này trong ban nhạc Tiếng Thời Gian của Đài phát thanh Saigon, như một sự trao gửi có chọn lọc của tôi dành cho cô ca sĩ này. Dòng suối nhạc mênh mang từ miền địa đàng trần thế Hawaii quyện trong tiếng đàn Hạ uy cầm du dương hòa cùng giọng hát gợi cảm của Lệ Thanh và lời chào lạ lùng ‘Aloha! Aloha!’ vọng lên từ xứ sở thần tiên rì rào tiếng sóng. Tất cả, hợp thành một tấu khúc mùa xuân tuyệt diệu.”


Dòng hồi ức và mạch cảm xúc tràn bờ của tác giả “Nhớ một chiều xuân” cho thấy giọng luyến láy của cô ca sĩ được xem là cách thể hiện mang tính thẩm mỹ tình cảm của bài nhạc.
Bao nhiêu mùa xuân đã đi qua kể từ khi khúc nhạc xuân kia được cất lên từ giọng hát ấy. Bao nhiêu ca sĩ trong nước, ngoài nước đã hát về câu chuyện tình viễn xứ làm xao xuyến những trái tim ấy. Đã có ít nhất hai thế hệ ca sĩ hát “Nhớ một chiều xuân”.
Không chỉ “Nhớ một chiều xuân” thôi, nhiều bài nhạc xuân khác của các nhạc sĩ khác cũng được gửi đến người yêu nhạc lần đầu tiên qua tiếng hát Lệ Thanh.
“Anh cho em mùa xuân” (Nguyễn Hiền & Kim Tuấn) chẳng hạn, được thu âm vào dĩa nhạc của hãng dĩa Việt Nam (1962) với tiếng hát Lệ Thanh và hòa âm của Ban nhạc Nghiêm Phú Phi cũng vào “thuở ban đầu” của bài nhạc ấy.
Xuân của “Anh cho em mùa xuân” là xuân của đất trời phút giao mùa, là xuân mới của “lộc non vừa trẩy lá”, của “nhạc, thơ tràn muôn lối”. Trong cái nắng sớm của ngày đầu xuân có chút se se lạnh của chiều cuối đông còn rớt lại, có chút hơi hướng của đông tàn, xuân mới vừa sang.
Người ta yêu bài nhạc ấy không chỉ ở giai điệu và lời nhạc đẹp tựa lời thơ mà còn ở giọng hát và nét láy mềm mại ở trong những câu hát, như những nét duyên dáng của mùa xuân.


Anh cho em mùa xuân / Nụ hoa vàng mới nở / Chiều đông nào nhung nhơ... ớ...
Nét láy mỏng ở chữ “nhớ” ấy nghe như một nỗi vấn vương. 
Ngoài đê diều căng gió / thoảng câu hò đôi lứa... 
Trăng sáng soi liếp dừa / Con sông dài mấy nhánh / Cát trắng bờ quê xưa
Nghe tiếng hát Lệ Thanh, người ta “nghe” được tình yêu đôi lứa quyện lấy tình yêu quê hương, đất nước.
“Ai lên xứ hoa đào” (Hoàng Nguyên) chẳng hạn, bài hát vẫn được xem là “gắn liền” với tiếng hát Lệ Thanh. Cứ nghe đến tên bài hát ấy là người ta lại nhớ đến giọng hát ấy. Bài hát mang một khí hậu rất Đà Lạt.
Thông reo bên suối vắng / lời dìu dặt như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc / lòng dạt dào nên ý thơ…
Người ta yêu bài nhạc ấy không chỉ ở giai điệu “dìu dặt như tiếng tơ” hay ở lời nhạc thi vị và trữ tình mà còn ở giọng hát chan chứa những thương yêu ngọt ngào về “thành phố hoa đào” ấy.
Ôi, mầu hoa đào / mầu hoa đào chiều xuân nào
Ôi, mầu hoa đào / như môi hồng người mình yêu
Cũng một “chiều xuân nào”, cũng nhìn cánh hoa xuân mà chạnh “nhớ một người”. Đà Lạt như cô gái xuân thì xinh tươi và mơ mộng, e ấp gọi mời. Và tiếng hát Lệ Thanh, dào dạt mà lâng lâng, mênh mang mà sâu lắng, như quyện lấy chân người “lữ khách lắng hồn thơ” đang chầm chậm “bước lần theo đường hoa”.

Hoa bay đến bên người / ngại ngần / rồi hoa theo chân ai…
Nghe tiếng hát Lệ Thanh, người ta nghe mùa xuân về dưới những cành đào. Đà Lạt mùa xuân đẹp như bức tranh thủy mạc.
Đường trần nhìn hoa bướm / rồi lòng trần mơ bướm hoa 
Lâng lâng trong sương khói / rồi bàng hoàng theo khói sương
Tôi nhớ, trong lần tiếp xúc với tác giả “Ai lên xứ hoa đào” ở… “xứ hoa đào” năm 1971 (ông tham dự khóa học trung cấp tại trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà Lạt), ai đó nhắc đến bài “Ai lên xứ hoa đào” và nói rằng thành phố Đà Lạt đẹp hơn, đáng yêu hơn nhờ bài hát ấy. “Không hẳn là vậy”, nhạc sĩ Hoàng Nguyên nói. “Đúng ra là nhờ giọng hát ấy, giọng hát Lệ Thanh.”
Không chỉ những bài nhạc xuân vừa kể, người ta còn nghe được Lệ Thanh qua những “Hoa xuân” (Phạm Duy), “Cánh hoa xuân” (Nguyễn Hữu Thiết), “Gái xuân” (Từ Vũ & Nguyễn Bính), “Phiên gác đêm xuân” (Nguyễn Văn Đông), “Bài thơ hoa đào” (Hoàng Nguyên”), “Cánh thiệp đầu xuân”, “Hạnh phúc đầu xuân” (Minh Kỳ & Lê Dinh)... Tiếng hát ấy đủ mang về một mùa xuân.

“Chiều nay hoa xuân bay nhiều quá!...”
Tạp chí Maclean’s (Canada), số đầu tháng 2/1976, đăng một bài tường thuật về cái Tết của cộng đồng người Việt ở Montreal vào mùa xuân tha hương đầu tiên của những người bỏ nước ra đi sau tháng Tư năm 1975. Trong chương trình ca nhạc sau đó, người ta giới thiệu một nữ ca sĩ tên tuổi ngày trước trình bày bài hát “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương. Giọng hát rưng rưng cảm xúc.


Đêm đông / xa trông cố hương buồn lòng chinh phu…
Đêm đông / ta mơ giấc mơ… gia đình yêu thương…
Giọng hát như nghẹn lại. Tiếng hát đổi thành tiếng nấc… Cô ca sĩ không hát tiếp được, ngập ngừng nói lời xin lỗi khán giả, lau vội ngấn nước mắt, bước vội vào hậu trường. Bên dưới, mọi người cũng lặng đi một lúc vì cùng chung một nỗi đau, một nỗi mất mát, ngậm ngùi. Nhiều người hôm ấy nghe giọng hát quen thuộc nhận ra được cô ca sĩ ấy là ai. Đó là lần “trình diễn” đầu tiên của Lệ Thanh ở hải ngoại.     
Nỗi thương quê nhớ nhà trào ra thành những giọt nước mắt. Lệ Thanh là vậy, là dạt dào tình cảm, là rưng rưng nỗi niềm, như giọng hát rưng rưng của chị.
Giọng hát ấy, tôi nhớ, cũng từng được đặt tên.
“Bây giờ chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu giọng ca trìu mến của Lệ Thanh trong một nhạc phẩm của Phạm Mạnh Cương, ‘Nỗi buồn ngày tháng cũ’.” Những lời ấy nghe được trong một băng nhạc Tú Quỳnh (nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện) rất được yêu chuộng ngày trước. “Giọng ca trìu mến”, Như Hảo, người giới thiệu chương trình, đã gọi Lệ Thanh như thế. Tôi thích cách gọi ấy, và cũng khó mà tìm được tên gọi nào đúng hơn để nói về một giọng hát thật mềm mại, thật dịu dàng, và cũng thật... trìu mến.     
Giọng “trìu mến” ấy có khi là giọng dào dạt, êm đềm trong “Lòng mẹ” (Y Vân) hay “Tiếng hát học trò” (Nguyễn Hiền & Minh Kỳ), có khi là giọng ngọt ngào, nũng nịu trong “Nếu vắng anh” (Anh Bằng) hay “Anh nhớ về thăm em” (Trần Thiện Thanh), có khi là giọng tha thiết, đắm say trong “Gợi giấc mơ xưa” (Lê Hoàng Long) hay “Tà áo xanh” (Đoàn Chuẩn-Từ Linh)…
Có vẻ những người yêu thích tiếng hát Lệ Thanh đều giữ riêng cho mình bài hát nào đó với giọng hát của chị. Đến nay nhiều người vẫn nhắc tới những bài “Tiễn em” của Phạm Duy & Cung Trầm Tưởng, “Người em nhỏ” của Nguyễn Hiền & Thiệu Giang, “Chiều bên giáo đường” của Lê Trọng Nguyễn, “Bài thơ hoa đào” của Hoàng Nguyên, “Hoa soan bên thềm cũ” của Tuấn Khanh, “Mấy dặm sơn khê” của Nguyễn Văn Đông, “Người đi chưa về” của Hoàng Trọng (Mộc Lan, Kim Tước, Mai Hương, Anh Ngọc hát phụ họa), “Đêm nay ai đưa em về” của Nhật Ngân (Hồng Phúc, Thanh Sơn hát phụ họa)... Có không ít bài hát được Lệ Thanh “ký tên” từ ngày ấy, và mãi đến nay vẫn chưa có giọng hát nào thay thế.
Thường thì người hát giọng mũi khó lên được những nốt cao, thế nhưng cái khó ấy không thấy ở giọng Lệ Thanh. “Tiễn em” (Phạm Duy & Cung Trầm Tưởng), bài hát có những nốt khá cao, nghe được qua những giọng khác nhau của ba cô ca sĩ cùng thời mà tên đều có chữ “Thanh” và đều là những tiếng hát rất được yêu chuộng. Mỗi giọng có cách thể hiện riêng. Giọng Thanh Thúy não nùng như tiếng nấc nghẹn của cuộc chia ly “một trăm ngày xa cách”, giọng Thái Thanh sướt mướt như nỗi giá băng của “tuyết rơi phủ con tầu”. Giọng Lệ Thanh ở giữa hai giọng ấy, không trầm đục như giọng Thanh Thúy, không lảnh lót như giọng Thái Thanh, chỉ rưng rưng một nỗi buồn sân ga tựa như “tuyết rơi mỏng manh buồn”.
Lên xe tiễn em đi / chưa bao giờ buồn thê… ế…
Nơi em có trăng soi / anh một mình thương nhơ... ớ...  
Trời mùa đông Paris / suốt đời thèm trăng soi
Nét uốn lượn ở cuối những câu hát nghe như một nỗi nhớ mênh mang. Giọng hát vừa đủ chạm vào trái tim, vừa đủ “cho ấm mộng đêm nay”.
Bài hát ấy, giọng hát ấy cất lên từ một phòng trà nhỏ ấm cúng ở số 43 đường Bùi Viện, Saigon, vào những năm đầu thập niên 60’s. Quán Anh Vũ, tên gọi của “phòng trà ca vũ nhạc” ấy, là “nơi gặp gỡ của các văn nhân tài tử thủ đô” (cách gọi vào thuở ấy), và cũng là nơi đêm đêm người ta vẫn tìm đến để được nghe những bài hát thật hay và những giọng hát thật hay. Giọng hát ấy cũng cất lên đêm đêm ở các phòng trà ca nhạc khác, ở các sân khấu “đại nhạc hội”, trên các làn sóng Đài phát thanh Saigon và Quân Đội, và trong các dĩa nhạc (Sóng Nhạc, Việt Nam, Tân Thanh...) một thời nào.
Giọng Lệ Thanh không được kể là làn hơi phong phú, kỹ thuật ngân, rung... không được kể là điêu luyện. Những người yêu giọng hát chị có vẻ không trông đợi ở chị những cách “tạo dáng” ấy. Người ta nghe một bài hát là lắng nghe những cảm xúc đến từ một giọng hát hơn là nghe những phô diễn kỹ thuật. Một giọng hát hay là giọng hát “bắt” được và thể hiện được những tình ý của bài nhạc và truyền được những rung cảm đến người nghe. Một giọng hát hay, trong một nghĩa nào đó, còn là giọng hát tạo được mối dây tình cảm gần gũi giữa người hát và người nghe.
Giọng Lệ Thanh là giọng hát như thế. Tôi hiểu được vì sao nhiều người thích nghe chị, chính là vì cảm giác gần gũi và ấm áp chị mang đến cho người nghe, chính là vì những tình cảm trìu mến chị gửi theo tiếng hát. Điều này cũng khiến người ta không chỉ yêu giọng hát chị mà còn yêu cả bài hát được chị thể hiện. Nghe Lệ Thanh, người ta có cảm tưởng chị hát thật dễ dàng, thật tự nhiên mà óng chuốt, mà sang cả, như một vẻ đẹp thầm lặng mà quyến rũ, mà mê hoặc, như một nỗi hẹn hò lửng lơ mà làm dậy lên những khát khao mơ hồ.
Tiếp xúc, chuyện trò với chị Lệ Thanh dễ có cảm giác tương tự, một cảm giác thật dễ chịu. Chị có giọng nói êm dịu và từ giọng nói, tiếng cười chị toát lên một vẻ tự nhiên và giản dị như tính cách bình dị, đơn sơ của chị.
Thời của Lệ Thanh là thời của những giọng hát thực sự là giọng hát, là thời người ta “nghe” hát hơn là “xem” hát, và người ta yêu thích một giọng hát mà có khi chỉ biết tên, chưa hề biết mặt.
Không chỉ đặc biệt ở giọng hát thôi, còn phải kể thêm một cái “đặc biệt” nữa ở Lệ Thanh: đang lúc giọng hát của chị rất là “ăn khách”, đang lúc sự nghiệp ca hát của chị lên đến “tột đỉnh danh vọng” (theo cách nói thuở ấy), chị bất ngờ... biến mất, bất ngờ quay lưng với “ánh đèn màu” lung linh để đổi lấy hạnh phúc êm đềm dưới một mái ấm gia đình, như câu hát quen thuộc người ta từng nghe chị hát.  
Từ khi sánh vai lên đôi bạn hiền 
đêm về nghe con khóc vui triền miên
...  (“Ngày hạnh phúc”, Lam Phương)

                                                  *    *    *
Lệ Thanh, chị đã bỏ đi lặng lẽ. Chị đã bỏ lại sau lưng chiếc bóng im lìm của ánh đèn spotlight hắt lên sân khấu, hắt lên chỗ chị vẫn đứng đó hằng đêm, vẫn cất tiếng hát hằng đêm, và ở bên dưới, khách mộ điệu vẫn cứ mong đợi hằng đêm, hằng đêm người ca sĩ không bao giờ trở lại.
Lệ Thanh, chị xem chuyện “đời ca hát ngày tháng” ấy chỉ như cuộc vui chơi ngắn ngủi. Chị đã sớm “bỏ cuộc chơi” không chút vấn vương, luyến tiếc, nhưng đã để lại bao nỗi luyến tiếc, vấn vương cho bao người yêu tiếng hát chị.     
Với những ai từng có một thời yêu thích giọng hát ấy, bất chợt nghe được tiếng hát Lệ Thanh cất lên từ một dĩa nhạc cũ kỹ nào còn giữ lại được, bất chợt gặp lại những thoáng xao xuyến, rung động của một mùa nào đã vắng xa. Giọng hát xa xăm mà gần gũi ấy, giọng hát dịu dàng mà tha thiết ấy như đánh thức bao kỷ niệm ấm áp về những ngày vui mơ hồ của một thời để yêu, để nhớ, và của những giấc mơ ngọt ngào không bao giờ tắt hẳn.
Từ khi chọn cho mình cuộc sống khép kín, bình lặng, giọng hát ấy hầu như cũng lặng tiếng, im hơi, thảng hoặc còn nghe cất lên đâu đó trong những cuộc họp mặt bằng hữu thân tình. Giọng hát vẫn nghe trìu mến, vẫn như mùa xuân chẳng bao giờ già.

“Hát đi chị Lệ Thanh!” tôi nói. “Mùa xuân đang đến, hát cho vui một bài nhạc xuân hay bài nào vui vui, một vài câu cũng được. Nhiều người đang muốn nghe chị hát.”
“Giọng ca trìu mến” nở nụ cười thật hiền, cất tiếng hát, khe khẽ.
Chiều nay hoa xuân bay nhiều qu... a... á....!...

Lê Hữu

  1. “Nhớ một chiều xuân” (Nguyễn Văn Đông), Lệ Thanh hát: http://cothommagazine.com/nhac1/NguyenVanDong/NhoMotChieuXuan-NVD-LeThanh.mp3.
  2. “Người em nhỏ” (Nguyễn Hiền), Lệ Thanh hát:   http://cothommagazine.com/nhac1/CasiLeThanh/LeThanh-NguoiEmNho.mp3.
  3. Chương trình phát thanh “Một thoáng hương xưa”, Bích Huyền phụ trách, về tiếng hát Lệ Thanh:   http://cothommagazine.com/nhac1/CasiLeThanh/TiengHatLeThanh-MotThoangHuongXua.mp3