Thursday, November 29, 2018

VIẾT RIÊNG CHO ĐẠI HỘI 9 ALASKA: "ÁO DẠ HỘI" (THUKỲ)


Viết riêng cho ĐH 9 Alaska: “Áo Dạ hội”












Thukỳ hy vọng khi viết bài này đăng lên sẽ không có quý ông nào khiếu nại nữa, vì những chiếc áo đẹp tuyệt trần này chỉ dành cho những người đẹp, uyển chuyển thướt tha nhờ mông và ngực…

Các ông chỉ việc ngồi ngắm hoặc nắm tay nàng dẫn đi 1 vòng là cảm thấy hãnh diện điên lên, vì lâu lắm mới được vênh mặt, khoác tay người đẹp tuyệt trần đi dung dăng, dung dẻ…

Nhiều khi “ngầu” ngắm qua cặp kính lão, tưởng đâu “ngừ” mẫu nào, nhưng nhìn lại thì hóa ra là “dzợ” mình mà hổng hay, vì ở nhà nhìn nàng quen mắt, hôm nay nàng diện zô trông nàng đẹp lộng lẫy quá trời, buột miệng ngâm thơ… Bùi Giáng:

Em ơi, em đẹp vô cùng,
Vì em có cái lạ lùng bên trong…

Quý nàng ơi, kỳ này nhớ mang theo vài cái “áo vía” nhen, vì ngoài mục trình diễn một vòng trên sân khấu, thì tối nào ăn dinner trên tàu mình cũng mặc áo đẹp để phe với những người “ngoại quốc”;  chắc chắn họ sẽ lé mắt nhìn dân “nẫu” mình sang trọng và rất lịch lãm từ cách đi đứng, ngồi thưởng thức những món ăn sang trong trên tàu.  Các anh cũng phải chịu khó dìu các nàng đấy nhé.
Chỉ tưởng tượng thôi là đã thấy đẹp cả bầu trời và các chàng sẽ ngẩn ngơ khiếp vía.






















Thukỳ nhớ kỳ ĐH 6 du thuyền ở Miami, chỉ có 5 ngày 4 đêm, nên thời gian trôi qua thật nhanh.  Đêm cuối bên nhau ở phòng ăn các chị than thở với Thukỳ: “Em ơi, nhanh quá, kỳ sau tổ chức lâu hơn nhen em, chị tưởng như mới hôm qua, đem 1 vali quần áo chưa mặc hết mà phải chia tay…” Hình như đêm đó ai cũng ở trên boong tàu tâm sự suốt đêm và mắt ai cũng cay cay vì không muốn ngày mai chia tay nhau.  Vì thế, khi có dịp gặp nhau là chúng ta vui chơi hết mình, đối với nhau như một đại gia đình, cho nhau tất cả những gì thân thương nhất, để chúng mình khi nhớ lại phải gọi là ĐH tình thương.

Kỳ này phụ nữ chúng ta phải cùng nhau làm những màn đẹp nhất, tuyệt nhất cho các ông nhìn thấy mà “mê ly”  nhớ đem theo nhiều áo dạ hội nhé, vì những đêm ăn tối xong nếu không có chương trình văn nghệ chúng ta thì cũng có show trên tàu, tha hồ mà diện… đặc biệt là những tà áo dài Việt Nam tung bay đủ mầu sắc.

Giờ này thì các nàng cũng bắt đầu mua sắm từ từ để có dịp chọn cho mình những chiếc áo lộng lẫy nhất, xin đừng quên nhé, Thukỳ sẽ thông báo chương trình để biết buổi tối nào mình sẽ mặc áo dạ hội, kỳ này thì các ông tha hồ ngắm miễn phí, chỉ sợ khi về nhà rồi thấy BX đẹp quá lại cứ yêu cầu vô bếp cũng mặc áo dạ hội cho anh ngắm thì khổ đời các nàng tiên mà thôi.


Thukỳ.




ANH HÁT CHO EM NGHE (DIỆP THẾ HÙNG)


ANH HÁT CHO EM NGHE


Tuần này tác giả xin chia sẻ với các bạn bài thơ ANH HÁT CHO EM NGHE viết trên một đề tài mà mọi người yêu nhau đều trải qua: hát cho nhau nghe.  
Khi yêu nhau, người trong cuộc thường mượn tất cả những 
« phương tiện » để làm cho người yêu hiểu cái tình yêu sâu đậm của mình, vì đôi khi những lời nói hàng ngày không chứa đựng đầy đủ cái sâu đậm của tình yêu. Một trong những phương tiện ấy là làm thơ cho nhau. Lời trong thơ là những lời được tìm kiếm hơn là những lời nói chuyện. 
Một phương tiện khác là hát cho nhau. Lời của những bài hát kèm theo âm điệu nhạc làm cho người kia rung động nhiều hơn.  Ngoài ra, những lúc âu yếm và êm đềm như thế sẽ tồn tại trong tâm khảm dài lâu.




ANH HÁT CHO EM NGHE

Anh thích hát những lời ca tình ái *
Cho em nghe để mãi giữ trong tim
Những lời yêu làm hai đứa đắm chìm
Trong nhạc điệu êm đềm ngàn xúc động

Anh thích hát những lời đầy mơ mộng
Để muôn niềm hy vọng kết thành thơ
Hát cho em lời dịu đẹp như tơ
Những yêu dấu mong chờ không tả được

Mượn lời hát anh muốn mình hẹn ước
Mãi yêu nhau, mỗi bước suốt cuộc đời
Mượn bài ca, anh muốn nói những lời
Thật âu yếm, tuyệt vời cho em hiểu

Em có biết những lời trong nhạc điệu
Là những lời tuyệt diệu nói giùm anh
Rằng anh yêu, yêu đến bạc đầu xanh
Em không nỡ, không đành làm anh khổ ?

Diệp Thế Hùng (26 November 2018).

* YÊU EM DàI LÂU (Đức Huy)


TƠ TÌNH (THƠ LƯU HỒNG PHÚC- PHẠM VĨNH SƠN PHỔ NHẠC- THÙY DƯƠNG TRÌNH BÀY)



TƠ TÌNH
Thơ: Lưu Hồng Phúc
NHẠC SĨ: Phạm Vĩnh Sơn
Ca sĩ: Thùy Dương
Xin bầm vào web để thưởng thức nhạc phẩm "Tơ Tình"





Nhà thơ Lưu Hồng Phúc.



CHUYỆN TÌNH CÔ HỌC TRÒ ĐĂNG ĐỨC TUẤN (KỲ LÊ)




 Chuyện tình cô học trò  Đặng Đức Tuấn

Có Người lính trở về từ chiến tuyến
Trên ba lô nhánh mai rừng làm quà tết phương xa
Chiều thứ bảy ga Tuy hòa rộn rả
Bước chân quen phố cũ hàng dương
Cô bé nhỏ đang đứng bên đường
Chờ bố đón sau giờ tan học
Anh lính chiến ngang qua vờ hỏi  : phố cũ
Cô học trò luýnh quýnh , lí nhí trả lời thôi
Kịp nhìn lên thấy 11A3 tên Thùy
À thì thế , mai này bé nhé
Chiều hôm sau bên quán cà phê vỉa hè  
Dốc nguyễn huệ
Người lính chiến trong tay cầm phong thư nhỏ
Chờ cô em học trò lớp 11A3 
Cổng trường Đặng Đức Tuấn đám học trò ùa ra
Và cô bé vẫn đứng nơi gốc nhỏ
Nắm phong thư mà chân bước run run
Đưa cô bé rồi vội vàng bước lẹ
Phía sau lưng bố cô bé đã đến rồi
Ngày hôm sau cũng như thế mà thôi
Phong thư và chân run run bước
 Trở về biên giới mà cứ mông lung
Người lính chiến ngày đêm bâng khuâng nghĩ
KBC mang  thư người em gái
Dòng chữ trên tay còn ấm chút quê nhà
Trang thư xinh bé viết nhiều nhiều lắm
Nhưng trong tim người lính chỉ nhớ 1 điều
Hồi âm và khi về ghé thăm em nhé
Tiếng đạn xa chưa kịp tắt bên đồi
Tay ôm súng canh chừng hỏa tuyến
Người lính kia đã ngủ quên trong mộng mị từ lâu rồi

Kỳ lê   Nov 22, 2018


THƯƠNG EM NGÀY BÃO TỚI (AN SƠN)




THƯƠNG EM NGÀY BÃO TỚI

Cầm tay em anh nói
Em kiêu như hồng hoa
Nhìn anh em khe khẽ
Người Phú Yên thật thà

Rồi mấy mùa hai phía
Nghe niềm nhớ vỡ òa
Anh ngóng về Biên phố
Em ngóng trời xa xa

Ta treo ngày cánh én
Đếm mấy mùa xuân qua
Dăm ba lần gặp lại
Nghe như mình chớm già

Chiều Đá bia mây phủ
Nghe bão ghé Biên Hòa
Thương bờ vai cánh vạc
Ướt giữa trời phong ba

Đêm mù như khói thuốc
Mưa phủ kín Tuy Hòa
Tiếng buồn rơi như tiếng
Còi tàu rời sân ga

AN SƠN

MỘ HOA (NHÀN NGUYỄN)











MỘ HOA

Chiều nao nhất kiến hồng nhan
Chiều nay xác bướm rơi vàng mộ hoa. (Thơ PNL)

-----

Hôm qua con bướm ghé nhà thăm 
Rơi dưới chân tôi duỗi cánh  nằm 
Hình như mỏi lắm , đường bay xoãi
Xin trọ nơi này chốn xa xăm 

Tôi đem cánh bướm gởi cành hoa  
Bướm như hoá xác vướng tay ngà
Nhấc đôi cánh mỏng vương dòng lệ
Ở trọ trần gian  chẳng muốn xa . 

Phù du  ôi! xót cánh phù du 
Sớm có chiều không  tựa sương  mù 
Mong manh làn khói tan trong nắng
Xác bướm tan tành vỡ cánh hoa  

Tôi đem xác bướm xây thành MỘ 
Gởi giấc nghê thường mộng với HOA.

                                      

12/12/16 Nhan Nguyen


NÓI VỚI NGƯỜI YÊU (NGUYỄN ĐÌNH TRÌNH)




NÓI VỚI NGƯỜI YÊU

Tôi giờ chẳng ước gì thêm
Chỉ xin trú ngụ trên thềm nhà cô
Sau khi dừng bước giang hồ
Bắt đầu gầy dựng cơ đồ ở đây

Cho dù khởi nghiệp trắng tay
Nhưng tôi cố gắng ban ngày bỏ công
Ban đêm bỏ sức vun trồng
Nâng niu, chăm sóc bụi hồng luôn tươi

Quyết không trễ nải, chây lười
Hay là lơ đãng với người tôi thương
Để từ nhà đến ngoài đường
Lúc nào hoa cũng ngát hương thơm lừng

Nguyễn Đình Trình

ĐỌC "VÀO ĐÔNG" CỦA TÁC GIẢ DIỆP THẾ HÙNG (PHƯƠNG LAN)


Đọc Vào Đông Của Tác Giả Diệp Thế Hùng

Mùa Đông không biết vì đâu do ai? Mà như một sự mặc định khi vào thơ, theo nhạc luôn mang nỗi buồn man mác cùng cái se lạnh đồng cảm trong lòng với ngoài trời .. Khi viết tình khúc bất hủ  Đêm Đông là lúc một mình nơi đất khách quê người nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã cảm những cơn Gió lạnh với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Gió nghiêng chiều say
Gió lay ngàn cây
Gió nâng thềm mây
Gió gieo sầu nghiêng
Gió đau niềm riêng
Gió than triền miên ( Đêm Đông)

Trong dòng chảy thơ ca hiện đại Mùa Đông nhất là khoảng thời gian đêm về cũng luôn được các tác giả khai thác nỗi niềm triệt để.
Người viết vừa gặp một nỗi niềm khi bước Vào Đông của tác giả, nhà khoa học, soái ca làm thơ Diệp Thế Hùng có lẽ cũng trong một tâm tư không khác Nguyễn Văn Đông là mấy khi viết tác phẩm này!

VÀO ĐÔNG

Đêm nay trời đã ngã vào đông
Tuyết xuống ngoài hiên tuyết ngập lòng
Anh vẫn cô đơn, đêm lạnh quá
Bên chồng, em có biết anh mong?


Anh biết em từ mấy tháng nay
Mình yêu như thuở tuổi thơ ngây
Mỗi ngày khắc khoải chờ tin nhắn
Rồi thức thâu đêm, nỗi nhớ này


Em đẹp vô cùng em biết không ?
Mắt nhung em sưởi trái tim đông
Dáng em yểu điệu, hồn anh đắm
Trong một tình yêu rất mặn nồng

Đã biết rằng yêu phải khổ nhiều
Vui thì chẳng có được bao nhiêu
Nhưng tim đã đắm say màu mắt
Hồn đã đi theo sắc diễm kiều.

(Diệp Thế Hùng)

Hơn một lần sau khi đọc những bài thơ tình của tác giả, người viết đã muốn hỏi anh "cảm xúc bắt nguồn từ đâu ? Nàng thơ có thật ngoài đời hay từ cảm xúc bất chợt anh bắt gặp đây đó để đêm về anh gửi những câu chuyện ấy vào thơ?
Có lẽ tới đây nhiều bạn đọc sẽ hỏi tôi tại sao muốn hỏi tác giả như thế? Xin thưa người viết vẫn chưa hỏi! Chỉ là nhân vật trữ tình của tác giả luôn phải ôm những mối tình trái ngang trắc trở tới ngỡ ngàng.. Nhận định ấy đã có thể chứng minh ngay những câu thơ mở đầu đây thôi

Đêm nay trời đã ngã vào đông
Tuyết xuống ngoài hiên tuyết ngập lòng
Anh vẫn cô đơn đêm lạnh quá
Bên chồng em có biết anh mong?

Ôi! thấp thoáng đâu đây có "Nỗi nhớ em cồn cào như biển" của Đồng Đức Bốn khi ông phải
Em ở gần tôi lại ở xa
Tim vẫn đập về nơi em nhiều nhất
Và tôi tin tình em là có thật
Những lúc buồn tôi mới viết thành thơ (Em Bỏ Chồng Về Ở Với Tôi Không)

Không biết chủ thể Anh của soái ca họ Diệp đã phải "Cô đơn đêm lạnh giá" bao lâu để đến  khi đêm về với cái lạnh âm độ ngoài trời thêm cái lạnh giá băng trong lòng anh mới cảm nhận " Đêm nay trời ngã vào đông"! Trời sang đông đâu có bất ngờ như thơ anh đâu? Vẫn biết  khi yêu "Xa một ngày bằng triệu mùa đông" Một triệu mùa đông kia có lẽ không phải là nguyên nhân trái tim đóng băng, tâm tưởng buốt giá của Anh. Mà  nó được bắt nguồn từ cơn ghen vô lối  "Bên chồng em có biết anh mong"?

Tác giả đặt một dấu hỏi cho câu hỏi của Anh gửi tới Em nhưng cũng đồng thời xuất hiện nhiều câu hỏi không có văn bản ở đây.
Anh cô đơn thì anh đã nói rõ..
Nhưng Em đang bên chồng? Là bên chồng chứ không phải bên người nào khác tại sao lại phải "biết anh mong?"!
Em đồng sàng dị mộng? Hoặc giả Anh đã yêu đơn phương để đêm đêm tự huyễn hoặc mối tình của mình?
Nhiều câu hỏi nhưng xin gửi lại đây vì Đêm Đông của tác giả mới: "Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống" Và có lẽ tâm tư chủ thể trữ tình Anh trong thơ cũng chẳng khác gì "Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời. Cùng mây xám về ngang lưng trời"!
 Vâng tác giả ơi! Anh ơi! và Em ơi! Ta vẫn biết "Lời tình yêu là vô ngôn, tiếng tình yêu là vô thanh trái tim yêu có lý lẽ riêng của nó" người viết đã đọc được ở đâu đó đại ý như thế.

Nhưng trong Vào Đông của tác Giả Diệp Thế Hùng thì quả thật những Danh Ngôn trên có lẽ chưa đủ để diễn tả hết những sự vô lý, những ngạc nhiên, những bất ngờ trong tình yêu của nhân vật trữ tình Anh!

Anh biết em từ mấy tháng nay
Mình yêu như thuở tuổi thơ ngây
Mỗi ngày khắc khoải chờ tin nhắn
Rồi thức thâu đêm, nỗi nhớ này

Bốn câu thơ đã nói đủ nói hết về nguyên nhân cũng như lý giải về cú ngã Vào Đông ở trên của Anh người viêt không thể lạm bàn hơn được nữa. Một thắc mắc bất ngờ ở đây là đại từ  Mình xuất hiện đứng trước "yêu như thủa mới thơ ngây" Chẳng phải anh yêu em, cũng không hẳn Em yêu anh! phải chăng chỉ mới "biết em mấy tháng nay" Mình đã yêu nhau? Còn những gì tác giả gửi ở Vào Đông trong câu thơ này người viết sẽ đợi khi có dịp sẽ hỏi Em hoặc Anh trong thơ của tác giả !

Chỉ thấy mọi ngôn từ đều bất lực khi muốn viết về khổ thơ này! Vẫn biết có thế giới thật mới sinh ra thế giới ảo . Nhưng quả thật với một tình yêu mà "Mỗi ngày khắc khoải chờ tin nhắn. Rồi thức thâu đêm nỗi nhớ này" thì cũng quả đủ để hiểu Anh yêu Em đến thế nào? dẫu mới "biết em từ mấy tháng nay" chứ nào phải  đã yêu em từ mấy tháng nay còn đỡ hơn.

Em đẹp vô cùng em biết không ?
Mắt nhung em sưởi trái tim đông
Dáng em yểu điệu, hồn anh đắm
Trong một tình yêu rất mặn nồng

Vậy là đã rõ nguyên nhân và hệ quả của nó!
Vẫn chỉ là từ phía anh thôi! anh hỏi và anh trả lời. anh cảm nhân và anh suy diễn ..
Tác giả ơi! tới đây khi chủ thể Anh cảm nhận "một tình yêu rất mặn nồng" tác giả có thấy bóng dáng mình hoặc giả bạn bè mình trong đó không? khi mà chỉ biết em mấy tháng.. Khi mà chỉ có mắt nhung...khi chỉ có dáng em yểu điệu..
Có lẽ tất cả cảm nhận này mới chỉ đến qua Thị Giác của chủ thể Anh trong Vào Đông phải không tác giả kính mến!

Đã biết rằng yêu phải khổ nhiều
Vui thì chẳng có được bao nhiêu
Nhưng tim đã đắm say màu mắt
Hồn đã đi theo sắc diễm kiều.


Bốn câu thơ kết đã được tác giả đặt để khép lại một Vào Đông của chủ thể trữ tình Anh trong một tình yêu ngang trái khi trái tim đang run rẩy những nhịp đập xua dòng máu nóng vào mùa đông của đời mình!
Vâng! Có trái tim thanh xuân rạo rực khi yêu thì hà cớ gì "trái tim đông" lại thôi nhịp rộn ràng ấy được. Nhưng lại là chữ nhưng xuất hiện.
Đàn ông yêu bằng mắt có phải là đây không?Bất giác người viết nhớ tới nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã viết
Đêm đông ôi ta nhớ nhung chiều về xa xa
Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương
Đêm đông ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai
Thấu tình cô lữ đêm đông không nhà (Đêm Đông)
Người viết mong mỏi chủ thể Anh của tác giả cũng có một hoàn cảnh tương tự như thế trong Vào Đông, Để sau "Mấy tháng" Chờ đợi tin nhắn hàng đêm thao thức, hoặc giả vì đã "đắm say màu mắt" ấy mà hồn phải "đi theo sắc diễm kiều" vẫn còn chút hy vọng mong manh ở cảm nhận mối tình mặn nồng thì ngày mai khi hừng đông ló rạng rồi bình minh lên, nắng đông dẫu không chói chang như nắng hạ hay đằm thắm như nắng thu nhưng vẫn đủ ấm áp để  sưởi ấm cho "trái tim đông" thôi loạn nhịp trở về thực tại..
Còn nếu điều đó không sảy ra thì nắng ấm ban mai cũng xua đi băng giá trong lòng Anh và ở phía Em cũng "Biết anh mong". Tác giả ơi ! Tới đây người viết muốn gửi cho chủ thể Anh một lời nhắn rằng cho dù kết quả có thế nào đến từ phía Em thì cũng mong Anh hãy can đảm dùng sức mạnh của tình yêu mà cất lên khúc hoan ca "Em bỏ chồng về ở với tôi không"?
Và cũng xin mượn một ý thơ gửi tặng Anh cũng như khơi một dòng chảy khi băng giá ngoài trời tan đi hoặc giả nhờ anh gửi qua tin nhắn tới Em rằng

Nếu như em còn nhớ về bên ấy
Nơi cạn chiều góp nhặt chút mùa thương
Dẫu giá buốt cỏ vẫn xanh mầm dại
Níu chân xa bươn trải mấy cung đường...(Phan Minh Anh)

Vào Đông của tác giả Diệp Thế Hùng với cảm nhận của riêng tôi là như thế! Xin mạo muội viết đôi dòng tản mạn như một lời chia sẻ gửi tới Anh của tác giả cũng như rất nhiều những Anh, những Em trong nhân quần xã hội hôm nay họ đã không có được may mắn trong tình yêu, để được chung một Thuyền Tình xuôi dòng Tình êm ái!

Sài Gòn 26/11/2018

Phương Lan



VIẾT THƯ TÌNH (NGUYÊN NHUNG)


VIẾT THƯ TÌNH
Chuyện bây giờ mới kể
cuả Nguyên Nhung.

Có vài nhỏ bạn cùng lớp năm xưa, sau khi đọc mấy truyện ngắn tôi viết cho Trường, hay đăng trên báo, bèn hỏi tôi sao làm chi cái nghề cầm bút? Nghe bạn hỏi tôi không khỏi tức cười, nếu cầm bút là nghề ngon lành thì chắc tôi đã tập viết văn ngay từ lúc còn đi học, thuở viết thư tình giùm cho mấy nhỏ " xí xọn " trong lớp, để kiếm bánh bò và đá đậu mỗi giờ ra chơi, và kẹt kẹt thì chúng nó cho tôi copy mới đủ điểm lên lớp. Đa phần các anh nhà thơ, nhà văn đều nghèo, có anh chết không có hòm chôn, có anh cuối đời ngồi bán thuốc lá lẻ, có anh không có nhà để ở, hoá cho nên nghề cầm bút là nghề bạc bẽo, may khi " chó ngáp phải ruồi " được một bài hay, thấy người ta khen cứ tưởng bở, viết nữa, hớ hênh là bị chửi, bị chê " viết gì dở ẹt ".

Cho nên câu trả lời cuả tôi cho mấy đứa bạn năm xưa, tôi không hề là nhà văn, nguyên nhân cầm bút để viết chẳng qua vì quen tay, như người hay hát khác với người hát hay là vậy, và cũng tại mấy " con ranh con " bắt đầu những năm học lớp mười, mươì một, mười hai , là đã biết đọc thư cuả mấy " cây si " học trò gửi tới. Đọc thư nhưng bảo đảm chưa biết viết thư, nếu là những đứa chăm học không mê đọc tiểu thuyết, nhưng vẫn thích đọc thư, thì phải trả lời mới có cớ để thư qua, thư lại. Nói nhỏ với các anh bạn trường Phan ngày xưa, hay là các anh Sinh Viên, Chiến sĩ gì cũng vậy, thư cuả các anh ít khi chỉ có một người đọc, đã có cả nhóm đọc chung, và nếu chờ thư hồi âm thì cũng có một đám chờ đọc ké, cho nên các anh đừng tưởng bở " chỉ hai đứa mình thôi nhé, đừng cho trăng nép sau hè...".

Trong đám bạn chơi thân với nhau, có lẽ tôi là đứa khá văn chương hơn cả, cho nên dù học dở nhất bọn, nhưng vẫn được chúng nó tôn làm " sư phụ ". Mỗi lần thảo xong một lá thư, giờ ra chơi tôi có quyền no nê bánh bò, đá đậu, bánh mì thịt v. v . . . . .Đó là những đứa con nhà khá giả, chứ mấy đứa nhà nghèo, sáng cơm rang cơm nguội làm chuẩn, nếu không chịu học hành, sớm vướng vào yêu đương, thì mai sau chỉ có nước ăn cơm rang với cơm nguội mãn đời. Vì phải nhịn cho tôi ăn, đi học chỉ được phát tiền quà đâu có dư mà đãi bạn, cho nên tụi nó mình hạc xương mai, tướng đi yểu điệu trong tà áo dài trắng, các anh nhìn lại càng mê, bởi vậy người ta mới hay nói " yêu quá yếu " là vậy.

Tuổi học trò, nhận lá thư xanh chị nào chị nấy cảm động và bối rối lắm. Lá thư được ép vào tập vở, cho nên khi thấy đương sự lúc nào cũng chúi đầu vào cuốn sách hay tập vở, là phải biết " cô bé " biết yêu rồi đấy, chứ không phải vì siêng học đâu. Tuy thế, ít đứa nào dám " thơ thới hân hoan " đi " sô lô" với bạn trai ngoài đường, dị chết, chẳng may ông bà già bắt được, bị ăn đòn là cái chắc.

* * *

Viết thư tình coi vậy đâu phải dễ như mình đọc ké thư cuả người ta, trước khi viết hồi âm, còn phải " điều nghiên " xem đối tượng thuộc giới nào, học sinh, sinh viên, lính chiến, hay là. . .thầy giáo cũng không chừng ( xin các thầy tha thứ, sống trên đời ai cũng là người, cũng có trái tim bằng thịt) cho nên, trong đám nữ sinh thế nào cũng có người được gọi thầy bằng " anh ".

Không phải đám con gái tụi tôi dở nghề viết lách đâu, mà cũng có những anh trường Phan mới biết yêu, viết thư rất ngố. Có anh sao y bản chính một lá thư tình trong tiểu thuyết, viết toàn chuyện tưởng tượng, dù còn lâu lắm mới được " người đẹp" chiếu cố cho một lần hò hẹn. Theo lá thư anh gửi, hôm ấy là một buổi chiều vàng, có lá thu rơi, có hai người hò hẹn nơi ghế đá công viên . . . Trước khi trả lời, tôi phải điều tra con bạn một chút:
" Ê, như vậy là hai anh chị có ra công viên rồi phải không?"
Con nhỏ lắc đầu quầy quậy:
" Đâu có . . ."
" Vậy mày vứt lá thư này vô sọt rác nghe, ba má mày mà đọc được là ốm đòn nghe con."
Nhỏ mở to đôi mắt nai ngơ ngác:
" Uả, sao kỳ vậy?"
" Chứ không à, mới tý tuổi đầu, học không lo học lại còn hẹn hò nhau ra ghế đá công viên cho lá rớt đầy người. Đây này, đọc kỹ lá thư này đi, tao nhớ nó ở đâu, thôi rồi, trong tiểu thuyết Thứ Tư đây mà."
Con bạn chưng hửng:
" Ừ há, viết gì kỳ quá, cho anh chàng đi chơi chỗ khác."
Thế là chấm dứt một truyện tình, không phải hồi âm hồi iếc gì cả. Sau chuyện đó, tôi mất cơ hội ăn món bò khô mà mình thích, nhưng là kẻ có " lương tâm " , tôi chỉ trả lời giùm bạn bè những lá thư viết đàng hoàng, viết bằng trái tim cuả người gửi, để sau này dẫu có người phát giác ra tôi là tác giả cuả những lá thư tình học trò, cũng không nỡ trách tôi gian dối.

Tôi có con bạn thân, lấy chồng trường Phan, cho nên bây giờ đã có một bầy cháu nội, ngoại cho hai trường Phan và Đoàn, và cũng là thân chủ cuả tôi trong dịch vụ viết thư tình thuở đi học. Người yêu cuả N.V. là anh H., quê Cái Răng, nơi có món nem nướng nổi tiếng, vì nhà anh ở ven sông Cái Răng, cho nên thỉnh thoảng tôi cũng được hân hạnh tháp tùng cô bạn quý vào chơi, lúc về anh đưa hai Kiều nữ qua cầu ăn nem nướng, còn xách về nhà bao nhiêu là sa bô chê và nấm rơm, vì nhà anh ủ rơm trồng nấm. Lần đầu tiên tôi được thấy những ụ rơm nhỏ có bao nhiêu cái nấm xinh xinh mọc chi chít bên dưới, tôi thích lắm, vườn nhà anh xoài, ổi không thiếu, tôi tha hồ " xực " đầy bụng . Sau này, N.V. về với anh, anh mới biết những lá thư tình làm anh mất ngủ nhiều đêm , là do kẻ này cũng mất công bỏ học bỏ hành để viết giùm cho cô bạn, anh càng cảm động , khi tôi nghèo, thỉnh thoảng từ quê ra, hai người vẫn xách cho tôi buồng dừa, bịch gạo.

Chẳng mấy khi mà tình học trò lại nên duyên cầm sắt, chỉ đếm trên đầu ngón tay, bây giờ tôi có thấy vài anh chị yêu nhau thuở học trò mà nên vợ, nên chồng, không biết sao dù nay đầu hai thứ tóc, họ vẫn yêu nhau lắm. Có lẽ trong tim hai người vẫn là hình ảnh cuả họ thời đi học, cho nên vẫn " tương kính như tân " , đáng phục thay.

TH cũng là một người đẹp cuả lớp, cho nên nàng nhận nhiều thư xanh lắm, đặc biệt là một người hùng Không Gian đeo đuổi nàng suốt mấy niên học, những lá thư xanh viết từ KBC, có con tàu cuả chàng vút lên từng mây biếc. Viết những lá thư tình cao cấp đâu phải dễ, nhờ vậy TH chiều tôi lắm, nghiã là sau người yêu cuả nó thì tôi là người được nó nhớ nhiều nhất, vì nó tiết kiệm được bao nhiêu thì giờ nghĩ ngợi để viết thư hồi âm, chỉ việc copy gửi cho chàng, được chàng khen hay, đã đẹp lại văn hay chữ tốt thì dĩ nhiên, bao nhiêu yêu dấu cuả con tim, chàng đâu dám san xẻ cho ai. Sau này hai người cũng nên duyên cầm sắt, tôi cũng được mời đi ăn đám cưới, nhìn hai người tay trong tay, mắt ngời ngời hạnh phúc, trong âm thầm lặng lẽ, tôi cũng cảm thấy cái vui cuả người đã góp phần làm nên hạnh phúc cho bạn bè. Đồng thời cũng nhớ lại vài nhỏ bạn khác, không được cái may mắn đó, cho nên có lúc tôi cũng phải nhức đầu khi viết những lá thư giận hờn, trách móc, chả ăn nhập gì đến mình cả.

Đâu phải các anh trường Phan anh nào cũng chung tình, như MV bạn tôi có anh bồ tên T nhà hàng xóm, hai nhà chỉ cách nhau có giậu mùng tơi, mà cũng bày đặt thư xanh với thư hồng. MV không đẹp, nhưng tính tình thật thà dễ thương, ông già nó là dân nhậu cho nên con nhỏ làm đồ nhậu thiệt khéo, rắn, ruà, lươn gì vào tay nó là hấp dẫn liền. Tuy bạn học không giỏi nhưng theo thiển ý cuả tôi, anh nào lấy được bà xã có khiếu nấu ăn, lại khéo chiều chồng như bạn tôi là số một. Vậy mà anh chàng T không có mắt nhìn người, thư từ qua lại ít lâu, anh T lên Đại Học cho nên bỏ cô bạn nhỏ hàng xóm, quen một cô sinh viên cùng lớp. MV đau khổ đến mất ăn mất ngủ, cho nên nó nài nỉ tôi thảo một lá thư hỏi " người bội bạc " cho ra lẽ. Lá thư kèm theo mấy vần thơ con cóc mà tôi còn nhớ lõm bõm:
" Rồi bỗng dưng một dạo,
Thư hồng anh thôi trao,
Nụ cười thôi đưa đón,
Gặp nhau anh chẳng chào...

Thư không trao, gặp chẳng chào thì đúng là tình đã " chấp cánh bay đi " rồi, có ai ngớ ngẩn như bọn tôi không? Vậy mà tôi cũng è cổ, ngồi chống tay vào trán suy nghĩ, mới đẻ ra một bài thơ để bạn tôi gửi " người bội bạc". Sau này, bạn tôi cũng có chồng là một anh nhà binh vùng sông nước, sản xuất cho anh hai tý nhau, anh được ăn ngon, vợ cưng, bà xã lo lắng tần tảo rất ngoan. Còn anh T " tham vàng bỏ ngãi ", nghe nói sau này anh sa cơ thất thế, mất vợ đẹp, cho nên cái bài học giờ Hán Văn cuả thầy tôi dạy, tôi vẫn nhớ như in :
"Thiện hữu thiện báo,
Ác hữu ác báo,
Nhược bằng bất báo,
Thì thần vị đáo."

Chẳng biết có phải vậy không? Nhưng bạn tôi nhờ nấu nướng khéo, làm chủ một quán phở ở đường Pasteur, vẫn áp dụng câu: " nhất nghệ tinh, nhất thân vinh ", thỉnh thoảng hai đứa gặp nhau, cũng có tô phở đãi bạn. Còn hơn những đứa cùng mài đũng quần năm xưa, nay may mắn thành công trong cuộc đời, gặp bạn cũ lạt như nước ốc, thì với tôi đứa bạn nghèo vẫn quý hơn.

* * *

Dịch vụ " viết thư tình " đang ngon lành, nếu không có cái thư cuả nhà trường gửi về thông báo điểm học tập cuả tôi, thì có lẽ tôi đã thành văn sĩ từ lâu. Kết quả khi anh tôi mở tập vở ra kiểm soát thì cha chả, chỉ toàn thư với thư, bản thảo lưu giữ trong khi thư đã phát hành. Cả nhà đều lạ cho tôi , người ngợm chẳng giống ai, sao một lúc mà lại có nhiều người yêu đến thế. Thư thì gửi cho anh học sinh trường Phan, khi lại anh phi công người hùng cuả thời đại, anh sinh viên năm thứ Ba trường Đại Học Cần Thơ, nào đã hết đâu nếu trong bọn có đứa quen thêm anh chiến sĩ xình lầy, thì mỗi lá thư tôi phải viết một kiểu khác nhau. Tôi bị nghi ngờ là chơi mục " Tìm Bạn Bốn Phương ", không lo học hành nên bị rủa một trận tơi bời, từ đấy cạch luôn nghề viết mướn.

Thật ra tôi vẫn nhớ nghề viết thư tình mướn của mình, nó cũng có cái vui khi được đọc những lá thư cuả người khác, mà cứ ngỡ là mình cũng đang được yêu. Sau tôi mới phát hiện là lũ bạn hại mình quá, đã không học hành được vì đầu óc cứ lởn vởn chuyện tình yêu cuả người khác, mà còn vì một lý do quan trọng hơn, đó là tôi phát tướng tròn quay như hạt mít. Để trả công viết lách cho tôi, như nhà báo trả tiền nhuận bút, chúng nó phải nhịn đểû nhường cho tôi những ổ bánh mì thịt, xôi lạp xưởng, bánh bò, đậu đỏ bánh lọt , công viết mướn những lá thư tình, nhờ thế đứa nào cũng yểu điệu thanh tân, còn tôi đi đứng ục ịch, tròn quay như cái cối xay. Mỗi lần đi học, đứng ngắm nghía trước gương, tôi biết lũ bạn nó hại tôi rồi, tất cả vòng số nào trên người tôi cũng" over " hết. Bây giờ dù rất muốn từ chối những món quà hấp dẫn trước cổng trường, chúng nó cứ nhất định ấn vào tay tôi bắt ăn cho bằng được, hoá ra con người từ lúc còn trẻ đã biết hối lộ cho những việc lặt vặt, trách chi sau này ra đời, tôi thấy chỗ nào người ta cũng hay biếu xén.

Suốt một, hai niên học đệ nhị cấp, tôi chỉ toàn viết thư tình cho thiên hạ, và đi " đỡ đạn " cho bạn bè mỗi lần hò hẹn. Nào là phải đi xin phép cho nhỏ bạn đến nhà ăn Sinh Nhật ( làm gì mà mỗi năm mẹ tôi đẻ tôi đến mấy lần), để làm cái "đuôi" cho hai đứa nó tâm tình với nhau trong Vườn Thầy Cầu, Đàn Tiên, Vườn Ổi gần bến Bắc Cần Thơ ( các anh chị còn nhớ chứ?). Tôi đã xực biết bao nhiêu mận, ổi với muối ớt, uống nước dừa đầy bụng mà "hai đứa chúng nó "ù cứ rủ rỉ rù rì toàn chuyện tào lao mãi chưa chịu chia tay, dường như chúng nó cố tình " ấn" cho tôi ăn để được rảnh rang tâm tình mí nhau, khi những người trẻ tuổi yêu nhau hình như không ai muốn biết thời gian nó ra làm sao. . .

Tôi vừa buồn vưà đau bụng vì xơi nhiều cuả chua, vừa nghĩ đến phận mình, học hành chẳng giống ai, một mảnh tình vắt vai cũng không có, lúc ấy tôi cũng có ý định bỏ luôn nghề viết thư tình mướn, rồi chăm chỉ học hành và bỏ dần " tâm hồn ăn uống ", may ra rồi cũng tìm được người trong mộng.

Nhỏ H có ngưòi yêu là anh Sĩ Quan Bộ Binh , đơn vị trú đóng bên kia bờ sông Hậu, thỉnh thoảng tôi lại phải làm tài xế chở nó qua Bến Bắc Cần Thơ sang Bình Minh ( Cái Vồn) thăm người yêu chiến sĩ. Thực ra vì tôi ăn nhiều, đớp kỹ cho nên có sức khoẻ để chở nhỏ H vượt gió sông Hậu Giang sang thăm người yêu, chứ tôi cũng chả ham gì cái cảnh ngồi chờ người ta tâm tình chuyện thương nhớ nhau. Bởi tôi rất tương tư món bánh xèo ở chợ Cái Vồn, mà mẹ tôi ở nhà lại dặn dò rất kỹ lưỡng: " Con gái không được lê la ăn quà ngoài chợ". Aên bánh xèo mà không ngồi bệt xuống đất, thoải mái bốc bằng tay, cuốn miếng bánh vàng óng, nóng ròn vào lá cải bẹ xanh, ăn với nước mắm chua ngọt có đồ chua kèm theo thì mất thú đi nhiều lắm. Sau buổi hẹn hò, nhỏ H đãi tôi một bữa bánh xèo ở chợ Bình Minh, có lẽ chưa bao giờ tôi thấy cuộc đời đẹp cỡ đó. Tôi ăn ngồm ngoàm, tôi đớp thoải mái, tôi không còn ngán bất cứ ai trên cõi đời này, cũng chả nghĩ gì tới anh SQ xình lầy mà người yêu cuả H, cũng như nó vừa gán ghép cho tôi. Aên là trên hết, là chân lý cuả cuộc đời( chỉ riêng tôi thôi nhé!). Cho nên sau này sống dưới chế độ xã nghĩa, con người được quản lý bằng bao tử, tôi mới thấy sự suy nghĩ cuả tôi thời đi học quả là ưu việt.

May là tôi đã kịp nhận ra rằng, con người không phải "sống để ăn " và để "yêu giùm người khác", cho nên đời không có chi là muộn hết. Tôi bắt đầu tu tỉnh, chăm chỉ học hành, và trời ạ, cũng có một người cảm được tấm thân " bồ tượng " cuả tôi. Khi biết yêu thật tôi cũng từ từ ốm bớt, người thon thả mảnh mai hơn, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ cái thời vàng son trong sự nghiệp văn chương cuả mình. Lúc đó tôi đã phát hiện ra chân lý cuả tình yêu, dẫu có làm ông to bà nhớn gì, sống không có tình yêu thì cũng như chết mà biết thở.

Người đời vốn hay xấu che tốt khoe, cho là mình cái gì cũng ngon lành hết, hôm nay ngồi viết lại chuyện thời đi học, tôi có sao viết vậy. Mấy nhỏ nhờ tôi viết thư tình giùm năm xưa nay có đứa đã ra người thiên cổ, làm bà nội bà ngoại cũng đông, dăm đứa phiêu bạt xứ người, còn một số sống vất vả nơi quê nhà. LT Sù ngồi bán bánh mì kiếm cơm thật vất vả, MV vẫn bán phở và vì xực nhiều phở quá, giờ này béo quay hơn tôi ngày xưa. Bạn bè chung lớp có đứa bác sĩ, giáo sư, có đứa giàu, có đứa nghèo, có đưá goá bụa vì " ông xã" vội bỏ cuộc chơi leo lên bàn thờ ngồi, giờ này không biết chúng nó có đứa nào nhớ đến tôi không nhỉ?

Bao nhiêu tháng năm dài biền biệt trôi đi, đôi khi tôi vẫn hồi tưởng lại những bạn bè học chung lớp năm ấy. Đời quả là một sân khấu lớn và định mệnh cuả từng số phận con người thì hệt như số đo cuả giày dép, mỗi bạn là một cảnh ngộ đầy vui, buồn đến cười ra nước mắt. Khó hình dung được bao nhiêu cô nữ sinh ngồi cùng lớp năm xưa, lại là bấy nhiêu cảnh đời không ai giống ai, nhưng sự may mắn thì thật hiếm hoi đến ngậm ngùi. Thôi thì ít ra trong quãng đời học sinh hoa mộng, đứa nào cũng có một mảnh tình, một trái tim biết yêu đương , biết mộng mơ. Tình yêu thuở học trò đâu có gì tội lỗi, chỉ tội nghiệp cho những đứa bạn năm xưa, giờ này vẫn còn phòng không chiếc bóng.

NGUYÊN NHUNG.




SÀI GÒN NAY CÒN ĐÂU (BÙI MỸ TRANG)


Sài Gòn Nay còn đâu !!!
 Gửi đến các bạn một bài để nhớ về Saigon ngày xa xưa. Trong đó có những vần thơ của thân phụ chúng tôi là Cụ Bảo Vân Bùi Văn Bảo tác giả của nhiều bộ sách giáo khoa bậc tiểu học trước năm 75 ở Saigon.
Thân mến
Bùi Mỹ Trang





CÓ AI ĐOÁN RA NGƯỜI ĐẸP NÀY KHÔNG?





Saigon ơi, we love you forever! Sàigòn một thuở là Hòn Ngọc Viễn Ðông, một Paris lấp lánh khắp cõi Châu Á.

Bây giờ chúng ta cùng trở về Sàigòn từ một ký ức xa tắp mù khơi.  Sàigòn của những thập niên 1950 từ hơn nửa thế kỷ trước. Sàigòn với các hộp đêm, sòng bài Ðại Thế Giới, Chợ Lớn. Tại đây có đủ loại sòng bài và cách chơi khác nhau, lại có chỗ giải trí như xe nhỏ chạy bằng điện húc nhau vui đùa. Con đường Trần Hưng Ðạo, Ðồng Khánh chạy dài từ Sàigòn tới Chợ Lớn dài vun vút… Và trên đường Phan Ðình Phùng quả thật văn nghệ với quán cà phê Gió Nam nổi tiếng vì cô hàng café tuyệt sắc giai nhân.  Nàng có nước da trắng xanh liêu trai với mái tóc thề ngây thơ nữ sinh..  Nhân vật đã đi vào truyện Duyên Anh, qua bao chàng trai say đắm, tranh đua nàng, từ trí thức đến du đãng.  Cũng tại đường Phan Ðình Phùng với quán phở Con Gà Trống thiến cùng hai kiều nữ con chủ quán, nổi danh tài sắc  Yến Vỹ cùng chị, cả hai để mái tóc bồng rối như minh tinh Brigitte Bardot. Bao thực khách đến chẳng phải phở ngon, nhưng vì Yến Vỹ đẹp lại hát hay.  Thì ra ngoài quán café, nhà hàng phở giai nhân cũng khiến một chàng Cử Văn Khoa phải vào nhà thương điên vì tình si.  Phan Ðình Phùng còn thêm café quán Luật Khoa và cơm gà Xing Xing, với những giai nhân lai Pháp, càng làm thêm Sàigòn có một chút Paris.Saigon về đêm, những phòng trà ca nhạc và vũ trường khiến màn đêm Thành Ðô trở nên lung linh ảo huyền, như một ngàn lẻ đêm huyền thoại.  Nổi bật nhất từ cuối thập niên 50 là phòng trà ca nhạc Anh Vũ. Nơi đây khởi đi cho nhiều danh ca sau này.  Thanh Thúy ở tuổi mượt mà thanh xuân đôi tám đã hát từ Anh Vũ, làm mê say bao tao nhân mặc khách.

Người ta mê Thanh Thúy vì có lối trình diễn độc đáo bên giọng ca trầm buồn.
Thanh Thúy vừa hát vừa đưa tay vuốt làn tóc buông rơi, sau đó gây chú ý là tự vuốt đôi chân ngọc tuổi dậy thì, có lúc nàng lại vuốt cây micro nữa, khiến các chàng trai sởn da gà vì sốt nóng lạnh.

Ban CBC thuở Anh Vũ đã là ban nhạc kích động nhỏ nhất thế giới, với tuổi khoảng sáu, bảy mà thôi.

Thảm kịch cũng xảy ra cho phòng trà Kim Ðiệp Sàigòn, khi một chàng Tây lai bị giết vì dám cặp kè với người đẹp Tuyết Không Quân.

Tuyết là một giai nhân nổi tiếng sát phu qua hai đời chồng bị tử nạn trong chiến tranh.
Phòng trà Kim Ðiệp sau vụ ấu đả vì ghen tuông, bị đóng cửa để trở thành Nhà sách.

Quán café trà thất đẹp nhất Sàigòn phải kể là Quán Gió, sau thành Hầm Gió, thiết trí sâu dưới đất, như một hầm rượu bên Âu châu.
Người đẹp ngồi cash, bên một thùng rượu làm thành cái bàn khá ngoạn mục.

Ca sĩ Thanh Lan thường có buổi trình diễn tại đây. Chính những phòng trà đêm Sàigòn đã đưa nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn lên đỉnh cao.
Nhiều ca khúc phản chiến cấm hát ở đài phát thanh nhưng tại phòng trà thì vẫn được trình diễn tự do.
Vũ trường, phòng trà Sàigòn còn ghi lại một thiên tình sử đẫm lệ, khi nữ ca sỹ Diệu Anh kiều diễm hát hay, đã tự tử vì… bị một nam ca sỹ bỏ rơi.

Chàng trai bạc tình sau đó vì buồn và hối hận đã bỏ hát vài năm.
Ðêm Sàigòn trà thất vũ trường còn ghi đậm cây si thường xuyên Mai Thảo và Hồng Dương, để viết thêm những tình sử lâm ly với hai nữ danh ca khác.

Ðêm Sàigòn bạc vàng, bạc triệu với Lệ Thu và Khánh Ly, những tiếng hát vàng ròng cả nghĩa trắng lẫn nghĩa đen, vì lương tháng hai nữ danh ca này lên tới một triệu.
Trong khi đó, lương một Ðốc Sự, Phó Quận Trưởng tới năm 1975 chỉ có 33 ngàn đồng một tháng.

Vũ trường thơ mộng nhất Sàigòn là Mỹ Phụng ngay tại bến Bạch Ðằng.
Thuở đó cuối thập niên 50 đầu 60, người ta thích đi Mỹ Phụng vì ban đêm có gió sông Sàigòn mát dịu lại thêm nữ danh ca Lệ Thanh.

Nàng chuyên hát những tình khúc ướt át, trong điệu slow tắt đèn, mờ ảo như Dang Dở, Nỗi Lòng. Tiếng hát mê đắm Lệ Thanh đã thu hồn một Bác Sĩ rồi trở thành phu quân của nàng.
Ðêm Sàigòn ngọc ngà dĩ vãng khiến người ta khó quên được vì những dạ vũ Bal Famille có khi kéo dài từ đêm suốt sáng..
Ai có ngờ cô bé Mai Đen 16 tuổi, thường đi với bé Phú, sau này lại trở thành ca sỹ Khánh Ly nổi danh cho tới nay.
Phú mệnh danh là Phú Chuột, trắng trẻo, mũm mĩm xinh như thỏ con, thường nhảy cùng Mai với đám bạn trai.
Mai nhảy có khi bỏ cả giày cao gót giữa đêm vui đã gần rạng sáng.

Thuở ấy, người đi dạ vũ phải trầm trồ khen ngợi tài nhảy của Tony Khánh, thường nhảy cặp với vợ.
Mỗi lần Khánh cùng phu nhân ra sàn nhảy, mọi người đều ngừng khiêu vũ để thưởng thức tài nghệ bậc sư biểu diễn. Sau đó là pháo tay nổ ròn như ngày Tết….

Hòn Ngọc Viễn Ðông Sàigòn từ thập niên 50 nay đã trên nửa thế kỷ, Sàigòn đổi tên và Sàigòn ngọc nát châu chìm.
Những cột đèn tuy không biết đi, nhưng đã chắp cánh bay xa.
Và dân Sàigòn năm xưa, những chàng trai hào hoa phong nhã, bao giai nhân ca sĩ lừng danh, nay đã thất thập cổ lai hy, hay gần mấp mé tuổi hạc.

Thế nhưng trái tim chẳng bao giờ già. Bởi vậy nói như Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền: “Ta gọi tên ta, Sàigòn cho đỡ nhớ”.
Hỡi những Ðêm Mầu Hồng, Queen Bee, Arc En Ciel, Mỹ Phụng, Tự Do…

Những đêm vui thắp sáng kỷ niệm, những ngày xuân mãi mãi xanh tươi, để làm thành một Thủ Ðô Sàigòn bất tử, ta yêu lắm và yêu mãi mãi.

Sàigòn trong lời nhạc của Ngô Thụy Miên, thì dù Em của ta có đi khắp thế giới Paris, Vienne, cũng chẳng thể tìm đâu đẹp hơn Sàigòn của ta ngày hôm qua dĩ vãng cũng như Sàigòn mai sau .  
Mưa Sài Gòn, ngày hôm nay, có ai còn nhớ những cơn mưa ngày
xưa không?
Mưa Sài Gòn mưa trong nỗi nhớ. Hình ảnh đó giờ còn đâu.
Mưa Sài Gòn, hình chụp góc Lê Lợi và Công Lý, ngày 12 tháng 6
năm 1968.
 
Mùa mưa ở Sài Gòn khách bộ hành và các xe xích lô lội một con
đường Sài Gòn ngập nước trong một cơn mưa lớn mùa mưa.
Trận mưa theo mùa trút nước trong khoảng một giờ và mực nước
ngầm cao của thành phố đã làm chậm việc thoát nước năm 1968.
Chiều nay ngồi ngắm mưa bay
Chạnh lòng tôi nhớ đến Sàigòn xưa
Niềm đau nói mấy cho vừa
Mưa giăng giăng lối lưa thưa giọt buồn
Đâu còn những buổi hoàng hôn
Cà phê tình tự góc Pôle Nord sầu.


Đường Tự Do về đêm


Tự Do rực rỡ muôn màu  
Maxim dìu bước em vào thiên thai  
Duy Tân bóng mát trải dài  
Queen Bee vang tiếng hát ai dặt dìu.


Nhộn nhịp chợ hoa Nguyễn Huệ năm 1970


Chợ hoa Tết trên đường Nguyễn Huệ


Đường Trần quốc Toản thân yêu  
Trường Hành Chánh trong nắng chiều nghiêng nghiêng  
Bạch Đằng xóa nỗi ưu phiền  
Chợ hoa Nguyễn Huệ ghe thuyền Chương Dương


Con đường này khi đó được đặt tên là Chợ Tết Nguyễn Huệ.
Người ta đến đây không chỉ để mua hoa mà còn là ngắm, thưởng
ngoạn và tận hưởng cái hương vị đặc trưng của chợ hoa Tết.
Những tiếng cười nói, tiếng rao hàng, tiếng mặc cả, rồi cả tiếng
leng keng của những thùng kem dạo đã trở thành âm thanh quen
thuộc gắn bó với người dân Sài Gòn.
Được đi chơi chợ hoa Nguyễn Huệ, được cha mẹ mua cho một
que kem hay một cái kẹo bông bằng đường, rồi tung tăng trong
không khí vui tươi, hớn hở đã là những kỷ niệm thơ ấu rất khó quên
trong ký ức nhiều người…
===
Sài Gòn có bến Chương Dương,
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do
Có Chợ Quán, có Cầu Kho,
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm.
Có Dinh Độc Lập
Có Đường Tự Do


Có Chợ Quán


Có Cầu Kho


Bến xe Lục Tỉnh
Con đò Thủ Thiêm


Có xe hơi, buýt khắp miền,
Vườn chơi có Thảo Cầm Viên, Tao Đàn
Bến Thành đã tiếng tăm vang
Chợ Cầu Ông Lãnh lại càng nên đi.


Vườn chơi có Thảo Cầm Viên,


Bến Thành đã tiếng tăm vang


Chợ Cầu Ông Lãnh lại càng nên đi


Xe đò, xe máy, taxi
Bình Tây, Khánh Hội ngại gì xa xôi
Chánh Hưng, Phú Nhuận đây rồi
Thị Nghè, Tân Định nhiều nơi còn chờ ..


Xe đò, xe máy, taxi
Bình Tây, Khánh Hội, ngại gì xa xôi
Chánh Hưng, Phú Nhuận đây rồi


Thị Nghè, Tân Định nhiều nơi còn chờ
Đường về Gia Định muôn phương
Dừng chân Phú Nhuận nghe thương nhớ nhiều
Đa Kao xe cộ dập dìu
Phố khuya Tân Định hắt hiu dáng gầy.
Đường về Gia Định muôn phương