Lấy tiền từ tài sản Nga bị đóng băng cho Ukraine có thỏa đáng?
Tài sản Nga đã bị đóng băng nên không thể sinh lời cho Nga và phương Tây có thể lấy số tiền lời này để hỗ trợ cho Ukraine, một chuyên gia nói với VOA, nhưng cũng lưu ý rằng hành động này có thể tác động đến lòng tin vào hệ thống tài chính phương Tây.
Hồi giữa tháng 6, lãnh đạo các nước G7 nhóm họp ở Ý đã đồng ý cho Ukraine vay 50 tỷ đô la trên cơ sở sử dụng tiền lời từ tài sản Nga bị đóng băng làm tài sản đảm bảo.
Số tiền 50 tỷ đô la cho Ukraine vay sẽ do các thành viên G7 – Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Canada và Nhật – và Liên minh châu Âu gánh vác.
Lấy tiền lời trả nợ
Khoảng 260 tỷ euro (tức 281 tỷ đô la) tiền dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị đóng băng theo các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine hồi tháng 2 năm 2022.
Khoảng 190 tỷ euro trong số này được giữ tại Euroclear, trung tâm lưu ký chứng khoán trung ương đặt tại Bỉ. Điều này khiến EU trở thành nhân tố chủ chốt trong bất kỳ kế hoạch nào sử dụng tài sản của Nga. Mỹ nắm giữ khoảng 5 tỷ đô la tài sản của Nga.
Giới chức phương Tây ước tính số tài sản Nga bị đóng băng này sẽ sinh lãi từ 2,5 tỷ đến 3,5 tỷ euro mỗi năm và Ukraine sẽ lấy số tiền lãi này để trả nợ cho phương Tây.
Thỏa thuận này đã kết thúc nhiều tháng đàm phán căng thẳng của các nước phương Tây, do nỗ lực của Washington lúc đầu muốn tịch thu luôn tài sản của Nga đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước châu Âu.
Trước đó, EU đã thông qua kế hoạch trích lợi nhuận từ các tài sản này của Nga để viện trợ vũ khí và các khoản khác cho Ukraine. Tuy nhiên, Washington đã thúc đẩy việc cho Ukraine vay luôn một số tiền lớn ngay lúc này.
Các quan chức cho biết các lãnh đạo EU đồng ý với ý tưởng này một phần vì nó làm giảm khả năng Ukraine bị hụt ngân quỹ nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng hay Quốc hội Mỹ ghim lại các gói tài trợ như trước đây.
Tuy nhiên, việc đóng băng tài sản Nga cần được gia hạn mỗi sáu tháng và việc này cần phải được tất cả 27 thành viên EU chuẩn thuận. Do đó, chỉ duy nhất một nước, chẳng hạn Hungary, vốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow, có thể vào lúc nào đó sẽ không chịu gia hạn và đòi dỡ bỏ lệnh đóng băng đối với tài sản Nga.
Các quan chức EU cho biết họ đang nghiên cứu các lựa chọn để giảm thiểu rủi ro này, chẳng hạn như gia hạn với tần suất ít hơn hoặc đưa ra đạo luật dự phòng ở Bỉ để giữ cho tài sản Nga vẫn bị đóng băng.
Còn trong trường hợp Ukraine và Nga đạt được thỏa thuận hòa bình, các quan chức phương Tây dự đoán các tài sản bị đóng băng này có thể được dùng để bồi thường cho Ukraine và Ukraine có thể lấy nó để trả nợ cho phương Tây.
“Nếu Nga-Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình, hoặc là tài sản Nga vẫn bị đóng băng và tiếp tục sinh lời để trả nợ, hoặc Nga phải bồi thường thiệt hại mà họ gây ra. Dù cách nào đi nữa, vẫn có nguồn để trả nợ,” một quan chức cấp cao của Mỹ được Reuters dẫn lời cho biết.
Phương Tây ‘ăn cắp’?
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/6 đã gọi việc phương Tây tịch thu tài sản của Moscow là ‘ăn cắp’ và nói rằng phương Tây không tránh khỏi bị Nga trừng phạt. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết sự trả đũa của Moscow sẽ khiến EU ‘rất đau đớn’.
Tuy nhiên, EU tuyên bố rằng tiền lời có được từ các tài sản bị đóng băng này là tiền ‘từ trên trời rơi xuống’ vốn không thuộc về Nga.
“Gọi đó là ‘trộm cắp’ là vô lý. Các tài sản của Nga vẫn còn được giữ ở đó. Nó đã bị thu giữ,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phản bác trên chương trình ‘This Week’ của đài ABC. “Các khoản đầu tư của Nga đã đáo hạn. Vì vậy, các khoản đầu tư của Nga đang có tiền lời, nhưng chúng tạo ra thu nhập mà Nga không có quyền đòi.”
“Phần lớn trong số tiền đó, khoảng 200 tỷ đô la, đang nằm trong trong một cơ quan tài chính của Bỉ, và ở đó nó đang tạo ra lợi tức không thuộc về Nga mà tích lũy cho cơ quan tài chính đó,” bà Yellen nói.
“Không có vấn đề pháp lý nào ở đây,” bà Yellen nói. “Và các đồng minh của chúng tôi, các đối tác của chúng tôi, G7 sẽ cung cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ đô la, và sẽ được hoàn trả theo thời gian từ lợi tức thu được. Và tôi muốn nói rằng các nhà lãnh đạo G7 đã nói rõ rằng họ sẽ không giải phóng những tài sản này cho đến khi Nga bồi thường cho những thiệt hại mà họ gây cho Ukraine.”
‘Đền cho Ukraine’
Trao đổi với VOA từ Fort Worth, Texas, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, hiện đang giảng dạy ngành Quản trị Kinh doanh tại trường Keller Graduate School of Management, nhận định rằng với nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, Ukraine hiện giờ không có khả năng trả nợ, nên nếu phương Tây cho nước này vay thì cần phải có tài sản đảm bảo để trả nợ.
Về việc đóng băng tài sản của Nga, ông dẫn ra việc nếu một người nào đó, chẳng hạn như trùm đường dây ma túy (drug cartel), bị kết án thì tất cả tài sản của người đó sẽ bị đóng băng để chờ phân xử. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin của Nga đã bị Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt vì họ cho rằng ông phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.
“Mặc dù số tài sản bị đóng băng đó không phải của ông Putin mà là tài sản quốc gia của Nga, tức là tài sản của người dân Nga, nhưng người dân Nga bầu cho ông Putin để ông xâm lược Ukraine nên họ cũng chịu trách nhiệm,” ông lý giải.
“Một khi tài sản của anh đã bị đóng băng rồi thì nó không thể đầu tư để sinh lợi cho anh được,” ông giải thích vì sao tiền lãi từ số tiền bị đóng băng của Nga không thuộc về Nga như lập luận của các nước phương Tây.
“Riêng tiền gốc vẫn là của Nga, chỉ có tòa án mới có thể phán quyết xử lý số tiền này như thế nào,” ông nói thêm.
Nếu sau này Tòa án có phán quyết buộc Nga phải bồi thường cho Ukraine mà nếu Nga không chịu đền thì lúc đó họ mới lấy số tiền gốc này đền cho Ukraine, cũng theo lời Giáo sư Khương Hữu Lộc.
Ông dẫn ra một trường hợp trước đây là khi Iraq tấn công Kuwait, Mỹ đã dùng toàn bộ tài sản Iraq bị đóng băng để bồi thường cho các nạn nhân ở Kuwait sau khi có phán quyết của tòa án Mỹ.
Khi được hỏi việc làm này có ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống tài chính phương Tây hay không, ông nhìn nhận là có và dẫn ra chiều hướng phi đô la hóa trong khối các quốc gia BRICS do Trung Quốc và Nga đứng đầu.
“Nó làm người ta bớt tin tưởng vào đồng đô la và đồng euro,” ông nói nhưng khẳng định rằng khó mà lật đổ vị thế các đồng tiền này vì chúng thống trị giao thương thế giới.
Riêng Nga hiện giờ không để tiền trong các ngân hàng ở châu Âu hay Mỹ nữa mà dùng đồng nhân dân tệ và hệ thống ngân hàng của Trung Quốc để giao thương.
Về phương tiện để Moscow trả đũa phương Tây, ông Lộc nói Nga hiện nắm 33 tỷ đô la giá trị tài sản của các nước phương Tây đã đầu tư vào Nga và họ có thể ‘quốc hữu hóa’ để đáp trả.
“Những công ty nào của phương Tây vẫn còn sản xuất, kinh doanh ở Nga, có lợi cho kinh tế Nga thì họ để yên, còn những công ty nào đã rút ra rồi thì họ sẽ quốc hữu hóa,” ông cho biết nhưng cũng cảnh báo rằng biện pháp này sẽ để lại hậu quả lâu dài cho niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nước Nga.