Sunday, February 28, 2021

GIÓ ĐƯA MÀU ÁO SANG XUÂN (HUỲNH LIỄU NGẠN)

 

Gió đưa màu áo sang xuân

 

gió đưa màu áo sang xuân
để cho em ủ bâng khuâng với tình
ngàn cây dỗ lá làm thinh
như run trước bóng đẹp xinh tuyệt vời

 

gió đưa màu áo xuân tươi
làm cành lay nhẹ làn hơi ngõ hồn
em về chiều vàng cô thôn
bóng chao rụng lá sương dồn dập vây

 

đầu nguồn hương lượn lờ bay
mây xa còn vọng đôi tay em chờ
anh nằm mộng thuở trăng tơ
sương lan nẻo bắc anh chờ nẻo đông

 

thì chờ thì đợi hư không
chưa xuân nhưng cứ ngóng trông nẻo đời
của anh và của mây trôi
của em và của mắt môi kiếp nào

 

chào nhau giữa cõi chiêm bao
có tan được bóng có hao được lòng
gió đưa màu áo xuân nồng
anh ôm mộng tưởng phiêu bồng đón xuân.

 

19.11.2020

Huỳnh Liễu Ngạn


ĐỜI NGƯỜI-TẾT XONG-ĐỜI TRÔI (PHAN DIÊM-CAO MỴ NHÂN-MINH THÚY THÀNH NỘI)

 


Đời Người
Đời người khó tránh lẽ vô thường
Có xạ thì mình mới có hương
Chớ cậy mùa nam xài quạt trắng
Đừng khoe tháng bấc đắp mền hường
Coi chừng tiếng hảo tai đành gánh
Cảnh giác danh huyền họa phải vương
Nhắc nhở ai kia nên cải hối
Bùi nô Ngọc vẹm khắp thi trường
Phan Diễm Feb/22/2021

Tết Xong
Tết xong, tất cả lại bình thường
Vốn đã quen rồi những sắc hương
Bếp cũ tưởng mơ hồ khói trắng
Vườn xưa như lộng lẫy hoa hường
Lì xì con cháu cười vui vẻ
Chúc tụng bạn bè tỏ vấn vương
Cứ thế, xuân lai xuân khứ mãi
Bolsa luôn đậm nét thương trường
CAO MỴ NHÂN
 
Đời Trôi 
Xuân đi trở lại mộng bình thường
Mấy cánh sen hồng đã nhạt hương
Trải dọc vườn sau tàn đóa cúc 
Về ngang ngõ trước rụng hoa hường 
Ngày trôi nắng bụi vờn lưu luyến
Phút nhả chim trời lượn vấn vương
Tết Sửu qua dần theo sáng tối 
Rằm trăng sắp tỏa sáng đêm trường 
Minh Thuý Thành Nội 

Tháng 2/21/2021

THOÁT CHẾT VÌ COVID-19, NGƯỜI VIỆT Ở SAN JOSE GIÚP CỘNG ĐỒNG, TRI ÂN CUỘC SỐNG (KN)

 

Thoát chết’ vì COVID-19, người Việt ở San Jose giúp cộng đồng, tri ân cuộc sống

Feb 23, 2021 

 

SAN JOSE, California (NV) – Đại dịch COVID-19, cho đến nay, đã cướp đi sinh mạng của nửa triệu người ở Mỹ. Nhưng trong hơn 28 triệu người bị nhiễm bệnh, cũng đã có gần 19 triệu người được hồi phục nhờ chữa trị. Nhiều bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng người Việt ở San Jose, sau khi lành bệnh đã tìm cách giúp đỡ người khác, cả về vật chất lẫn tinh thần, như một cách để tri ân cuộc sống.

 

Trung Lâm (trái) và bạn hữu chuẩn bị chương trình Covid Care Package. (Hình: FB Ngoc Rachel Nguyen)

“Banh xác” vì “Cô-Vy”

“Sau một lần đi với mấy người bạn về, tôi bị ho và nhức đầu kinh khủng. Đó là Tháng Bảy, 2020, ngay trong đại dịch COVID-19. Tôi đi test, và biết mình đã được ‘nàng Cô-Vy’ ghé thăm,” anh Trung Lâm, cư dân thành phố San Jose, kể.

Là người siêng năng tập luyện thể dục, thể thao, nên khi “dính” bệnh, Trung Lâm rất lo lắng. Anh gọi cho bác sĩ để xem có được cho một loại thuốc đặc trị nào đó. Nhưng anh chỉ nhận được lời khuyên: Cứ ở nhà, ho thì uống thuốc ho, nhức đầu thì uống Tylenol.

Trumg Lâm cho biết sau các triệu chứng như ho, nhức đầu, mấy ngày sau anh cảm thấy khó thở, bị mất vị giác, và nằm li bì, không muốn ăn uống gì. “Chỉ trong vòng hai tuần, tôi xuống 10 pounds. Tôi hoàn toàn không chủ động được thân thể mình,” anh Trung nói.

“Tôi cũng cố gắng gượng dậy để đi bộ, nhưng mới bước chừng 20 foot thì ngã lăn đùng ra bãi cỏ vì không đủ sức để đi tiếp.”

Cảm thấy sức khỏe đi xuống quá nhanh, anh hoảng hốt và muốn vào bệnh viện để được điều trị. Nhưng câu trả lời của bác sĩ vẫn là “Cứ ở nhà, trừ khi thở không được thì mới vào bệnh viện, vì trong đấy họ cũng chỉ cho máy hỗ trợ thở mà thôi!”

Không chấp nhận đầu hàng, anh Trung quyết định tự cứu mình bằng cách hàng ngày cố gắng ăn những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, uống nhiều vitamin C, và cách hiệu quả nhất, theo anh, là xông hơi.

“Tôi bỏ gói xông mà thành phần chính là xả và chanh vào nồi, đun sôi, rồi xông ngày hai lần,” anh Trung kể. “Khi xông, cố gắng hít sâu mùi xả để giúp thanh lọc cơ thể.”

Khi cảm thấy đỡ hơn, anh đi xét nghiệm lại và vui mừng nhận được kết quả âm tính với COVID-19. Tuy vậy, anh vẫn chưa hết các di chứng.

“Thời điểm này, tính ra tôi đã lành bệnh được hơn nửa năm, nhưng sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Mỗi lần tập luyện nặng hay chạy bộ, tôi cảm giác hơi của mình ngắn hơn trước. Hy vọng, tình trạng này chỉ là tạm thời,” anh nói.

 

Anh Trung Lâm, hơn nửa năm sau khi “banh xác” vì COVID-19. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Giờ nhớ lại quãng thời gian muốn ‘banh xác’ vì nó (COVID-19) tôi vẫn còn sợ,” anh Trung Lâm tâm sự với nhật báo Người Việt.

“Trong lúc ‘tơi bời hoa lá’ tôi hoảng loạn lắm. Nghĩ không biết có qua nổi ‘con trăng’ này không, tôi gọi cho bạn bè nói muốn làm di chúc.”

Được gia đình và bạn bè động viên, tinh thần của anh Trung được vực dậy.

“YouTube là người bạn tốt nhất giúp tôi bớt căng thẳng. Tôi xem phim, kịch hài, nghe nhạc, và nghe thuyết pháp vui vẻ của Thầy Pháp Hòa và sư cô Hương Nhũ, nên tinh thần mạnh mẽ hơn.”

Vợ chồng bị nhiễm COVID-19: Kẻ đi, người ở lại

Cùng là bệnh nhân COVID-19, tình cảnh của vợ chồng chị Lê Kim Phượng, cư dân San Jose rất đáng thương.

Ngày 12 Tháng Tám năm ngoái, chồng chị Phượng nhập viện do bị nhiễm COVID-19 và không thở được. Ngay ngày hôm sau, 13 Tháng Tám, đến phiên chị Phượng phải vào nhà thương.

Chị kể: “Họ sắp xếp cho vợ chồng tôi ở chung một phòng trong bệnh viện. Sau một tuần, chồng tôi được chuyển đi. Từ đó tôi không nghe được tin tức gì về bệnh tình của chồng. Do tôi có sẵn bệnh suyễn, nên bị nặng hơn anh.”

Ngày 12 Tháng Chín, khi bác sĩ đã làm hết cách để cứu sống chồng chị Phượng nhưng không thành công, anh được rút ống thở. “Hôm ấy, bác sĩ mở Facetime cho tôi… nhìn mặt chồng lần cuối trước khi họ rút ống,” chị Phượng nói trong đau đớn.

Người quả phụ trẻ chưa bước sang tuổi 40 không thể lo được hậu sự cho chồng vì khi ấy chị vẫn còn đang được điều trị trong bệnh viện. Mãi gần một tuần sau, vào ngày chồng chị được đưa đi hỏa táng, thì chiều tối hôm ấy chị mới được bác sĩ cho về nhà.

Khi kể lại câu chuyện, chị Phượng cứ nói đi nói lại một câu: “Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao chồng tôi lại ra đi. Anh là người khỏe mạnh, đâu có bệnh như tôi. Sao anh lại bỏ tôi sớm như thế chứ!”

 

Cái chết đột ngột của chồng khiến chị Phượng rơi vào trầm uất khi vẫn đang phải chiến đấu với COVID-19. Chị bị stress rất nặng. Mái tóc đen dài của chị ngày trước, giờ chỉ còn vài cọng loe hoe.

Chỉ sau hơn một tháng nằm trong bệnh viện, đôi chân của chị bị teo lại, khiến chị đi không vững. Chị mất 25 pound, nhưng thân trọng có thể lấy lại, còn mất mát không gì bù đắp được, là sự ra đi không bao giờ trở lại của người chồng chị một mực yêu thương – cha của ba đứa con, mà đứa nhỏ nhất mới lên sáu.

Cũng may, chị Phượng còn nhờ được con. Đứa lớn chăm đứa nhỏ. Chị dần bình phục, một phần nhờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt ở thành phố San Jose nơi chị đang sống, đặc biệt là những chia sẻ kinh nghiệm của người từng nhiễm COVID-19 như anh Trung Lâm.

 

Chị Lê Kim Phượng vẫn còn mang nhiều di chứng về thể xác và tâm hồn nhưng sẵn lòng tham gia các chương trình thiện nguyện giúp cộng đồng. Hình chụp lúc chị Phượng tham gia ngày phát quà Tết và thực phẩm cho người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 tại San Jose. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Cuộc đời vô thường, hãy cứ cho đi!

Giấu bệnh, đó là “căn bệnh” khá phổ biến. Nhưng Trung Lâm thì khác, anh không giấu bệnh.

Anh báo cho mọi người mình bị nhiễm COVID-19, và ngay sau khi bình phục, anh chia sẻ trên trang Facebook cá nhân những phương pháp và kinh nghiệm tự chữa trị:

-Uống thuốc Tylenol, thuốc ho và theo liều chỉ định của bác sĩ.

-Rửa mũi và xúc cổ, miệng với nước muối ba lần mỗi ngày.

-Uống vitamin C ba lần mỗi ngày.

-Uống nhiều nước ấm với gừng và mật ong, ăn tỏi đen.

-Cố gắng ăn nhiều chất dinh dưỡng và trái cây.

-Xông hơi nóng với xả.

-Chiến đấu với tinh thần, suy nghĩ lạc quan và làm điều có ý nghĩa.

“Làm điều có ý nghĩa” đối với Trung Lâm trong lúc này, là giúp đỡ bệnh nhân COVID-19.

Anh nói: “Trước đây cộng đồng người Việt ở San Jose có nhiều chương trình thiện nguyện như phát thức ăn cho người vô gia cư, người già, nhưng chưa có chương trình nào phân phát thuốc hay các gói cứu trợ dành cho những người đang bị nhiễm COVID-19. Vì thế, là những người trải qua thời kỳ kinh khủng phải chiến đấu với bệnh tật, chúng tôi biết bệnh nhân COVID cần gì, nên đã kêu gọi các nhà bảo trợ để làm chương trình tặng quà cho bệnh nhân COVID-19. Không cần biết ai giàu ai nghèo thế nào, đã nhiễm bệnh thì ai cũng như ai.”

Dù trong thời làm ăn khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng khi được Trung Lâm kêu gọi, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm đều sẵn lòng tham gia. Và như thế, chương trình “Covid Care Package” tặng quà cho bệnh nhân COVID-19 đã được Trung Lâm thực hiện được vào Tháng Mười Hai năm ngoái. Trong đó có sự đóng góp của Evan Group, Ngoc Rachel Nguyen thuộc VNARP – người cũng vừa chiến thắng COVID-19, và nhà hàng Nam Giao.

100 phần quà được gởi tới bệnh nhân COVID-19 ở San Jose, mỗi phần bao gồm: Vitamin C, Vitamin D, Zinc, Tylenol, nước rửa tay tiệt trùng, khẩu trang vải, tấm che mặt, trà chanh gừng, dược thảo hoặc nước tăng cường đề kháng, mật ong gừng, thảo dược bạc hà tắc mật ong – uống trị ho và thoa mát cổ họng, xả xông hơi, chanh, và hai phần ăn của nhà hàng Nam Giao, và nhiều tặng phẩm của các doanh nghiệp khác.

 

Một trong những vật phẩm trong gói cứu trợ Covid Care Package. (Hình: FB Ngoc Rachel Nguyen)

Những người gởi giấy chứng nhận đang bị COVID-19 trong vòng 10 ngày trở lại, đều được nhận gói cứu trợ này. Người đang điều trị tại nhà được nhóm thiện nguyện đem gói cứu trợ đến đặt trước cửa.

Dù chỉ là những vật phẩm bình thường dùng trong cuộc sống hàng ngày, nhưng gói cứu trợ như liều thuốc làm xoa dịu nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần cho các bệnh nhân.

“Tôi hy vọng qua chương trình Covid Care Package, các nơi khác có điều kiện cũng nên làm tiếp theo giống như vậy,” anh Trung Lâm nói. “Nên quan tâm nhiều hơn những người bị COVID-19. Một khi đã trải qua rồi mới hiểu COVID-19 tàn khốc như thế nào.”

Với chị Kim Phượng, dù sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, trên đầu mới chỉ mọc lại những sợi tóc con, nhưng bất cứ lời kêu gọi nào của Trung Lâm, chị đều tham gia.

“Mình còn sống được thế này, cũng nên giúp đỡ người khác kém may mắn hơn. Cuộc đời vô thường lắm, có thì hãy cứ cho đi,” chị Phượng nói.

Trong mọi trận chiến, cái chết và sự sống chỉ cách nhau gang tấc. Ngay cả trong cuộc chiến chống COVID-19 này cũng vậy. COVID-19 cướp đi sinh mạng của nửa triệu người Mỹ, nhưng nó còn gây ra những “vết thương lòng” của hàng triệu triệu người khác bị mất đi người thương.

Chợt nhớ câu thơ của tác giả Kahlil Gibran: “Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy, Ta có thêm một ngày nữa để yêu thương.” [kn]

Saturday, February 27, 2021

KHEN ĐÁP TRẢ & ĐÙA NHAU (Á NGHI)

 

HUƠNG TÌNH

Em chỉ muốn một nụ hôn đằm thắm

Nhiều nồng nàn, âu yếm nghĩa phu thê,

Thật vẹn toàn một vị ngọt đam mê,

Và thơm ngát hương hoa yêu vừa hái.

Á Nghi**17.6.2008

BÊN ANH MÙA XUÂN (LÊ THỊ NGỌC NỮ)

 

BÊN ANH MÙA XUÂN

 

Nắng mai đậu xuống vai mềm
Mùa Xuân đã chạm trước thềm đầy hoa
Theo anh xuống phố hôm qua
Rộn ràng cứ ngỡ ngày ta xuân thì

 

Nồng nàn tay nắm cùng đi
Tháng Giêng thơm ngát chớp mi nhẹ nhàng
Đào hồng, cúc trắng, mai vàng
Thêm đàn én liệng chao ngang yên lành

 

Trên cành phơi phới lộc xanh
Lời yêu thương rót môi anh ngọt ngào
Bên nhau ánh mắt cùng trao
Hẹn cùng chung bước bên nhau trọn đời.

 

                                           Lê Thị Ngọc Nữ

NGƯỜI MẸ DA TRẮNG DẠY CON (ST)

 

Người mẹ da trắng dạy con 

Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai 6 tuổi ra ngoài, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen

Thằng bé 6 tuổi chưa bao giờ gặp qua người da đen, trong lòng rất là sợ hãi, bèn hỏi mẹ:

“Người này có phải là người xấu không mẹ? Tại sao người đen thui vậy?”

Tài xế người da đen nghe thấy trong lòng rất lấy làm khó chịu.

Lúc này, người phụ nữ liền nói với con trai: 

“Chú tài xế này không phải người xấu, ông ta là một người tốt con à!”

Con trai nhíu mày trầm tư một hồi lại hỏi tiếp :

“Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy chú có phải đã làm điều gì xấu xa, cho nên Thượng Đế mới trừng phạt chú?”

Người da đen ấy nghe xong, mắt ngấn lệ, ông ta rất muốn biết người phụ nữ da trắng ấy sẽ trả lời thế nào.

Người mẹ nói: 

“Ông ta là một người rất là tốt, cũng không làm điều gì xấu xa. Vườn hoa của chúng ta có màu hồng, màu trắng, màu vàng … có phải không?”

“Vâng! Đúng ạ!”

“Vậy hạt của hoa có phải đều là màu đen không?”

Đứa bé nghĩ ngợi một lúc :

“Đúng thế ạ ! Toàn là màu đen hết.”

“Hạt giống màu đen cho nở ra những đóa hoa đầy màu sắc và thơm ngát, tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, đúng thế không?” 

“Vâng!”

Con trai đột nhiên ngộ ra và nói :

“Vậy là chú tài xế ấy không phải là người xấu rồi ! Cám ơn chú tài xế, chú đã tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, con muốn cầu nguyện cho chú ấy.”

Đứa bé thơ ngây đang ngồi cầu nguyện, người tài xế da đen giờ nước mắt đã lăn dài trên má, lòng nghĩ :

“Vì những người da đen bị xem thường không ngoi đầu lên nổi, hôm nay, người phụ nữ da trắng này đã dùng lời lẽ ôn hòa dạy con trai mình, hóa giải nỗi ám ảnh về mình trong lòng con, đã vì mình cầu nguyện và chúc phúc, thật sự phải cảm ơn bà ta rất nhiều! ”

Lúc này, xe đã đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông ta nói :

“Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ tôi cùng một câu hỏi ấy, mẹ nói vì chúng tôi là người da đen, phải chịu thua kém. Nếu khi xưa mẹ tôi nói giống như câu trả lời của bà, hôm nay tôi nhất định sẽ có một thành tựu khác…”. 


Wednesday, February 24, 2021

EM LẠI GHEN (DIỆP THẾ HÙNG)

 


EM LẠI GHEN

 

Tác giả xin chia sẻ với các bạn một bài thơ nửa tếu nửa thật. Trong tình yêu nào cũng có ghen tuông, hờn giận. Lý do của những ghen tuông ấy có rất nhiều. Thí dụ một trong hai người có một cử chỉ hay một lời nói không rõ ràng với một người thứ ba. Nhưng cũng có những cơn ghen với người yêu cũ vì người ghen nghĩ là người cũ đã được yêu nhiều hơn. Đây là trường hợp của bài thơ dưới đây.  Người trong thơ chỉ biết thề là đã quên người cũ, và người kia xiu lòng ngay, mặc dù lời nói không đáng tin chút nào (“chuyện cũ đã quên mấy bữa (kiếp) rồi”).  Nhưng kết cuộc vẫn là một happy end.

Chúc các bạn vui nhiều trong tuần này.

 


EM LẠI GHEN

 

Chiều nay anh thấy em buồn lắm

Không biết tại sao lại thế này

Đôi mắt mỹ miều không sắc thắm

Mắt nhìn vào vách lệ dâng đầy

 

Em nói cho anh tường mọi lẽ

Anh làm gì bậy để em buồn?

Sáng nay anh thấy em vui vẻ

Hay nói đi em hết ngọn nguồn

 

Chắc em nghĩ đến người xưa ấy

Rồi lại ghen tuông với bóng hình

Lại trách anh sao yêu quá vậy

Yêu hơn tình ái giữa hai mình

 

Nếu đó làm em buồn bực tức

Anh thề anh chỉ có em thôi

Người xưa đã xóa trong tiềm thức

Chuyện cũ đã quên mấy bữa (kiếp) rồi

 

Em quay mặt lại hồng hai má

Mắt vẫn còn buồn lệ vẫn rơi

Nhưng miệng mỉm cười xinh xắn quá

Anh ôm em sát, miệng kề môi. 

 

Diệp Thế Hùng (24 February 2021).

 


MƯA XUÂN (NHẤT PHƯƠNG)

 




CHÁU VỀ THĂM NGOẠI ĐÊM BA MƯƠI (DƯ THỊ DIỄM BUỒN)

 

CHÁU VỀ THĂM NGOẠI

ĐÊM BA MƯƠI

 

DTDB

 

Tối Ba Mươi cháu “gọi” về thăm ngoại

Ngoại nghẹn ngào bật khóc ở đầu dây!

Cháu bên nầy cũng bâng khuâng tê tái

Hụt hẫng lời thăm… mắt lệ dâng đầy!

 

Tết đến rồi, ngoại có vui không ngoại?

Ngoại còn nguyện cầu trước bàn Ông Thiên?

Trà sen, thèo lèo, hoa tươi, bánh, trái…

Dáng ngoại trầm ngâm, đôi mắt dịu hiền

 

Huỳnh anh từng chùm hoa nhiều hơn lá

Nắng xuân hồng tươi bông cúc, bông trang

Miễu Thổ Thần trong hàng rào xây đá

Vách bám xanh rêu kế cội mai vàng

 

Hai mươi tảo mộ, trước đưa Ông Táo

Cam, quít, mận, xoài, cây mãn cầu tơ…

Năm tháng mỏi mòn ngóng trông ngoại bảo:
“Chờ đợi người đi tai kém, mắt mờ…”

 

Cháu nhớ mãi thanh âm, hương vị Tết

Cây niêu, dây pháo, đàn én lượn bay…

Thịt kho, cơm rượu… thơm nồng căn bếp

Tự thuở xưa còn bền giữ tới nay

 

Ngoại mặc Tết, áo dài the bông ép

Chuông mỏ chùa rền vọng sáng tinh sương

Bao thiếu nữ diện áo quần, giầy, dép…

Tím, vàng, xanh… là lượt khắp nẻo đường

 

Trước sân đình, ngọn cây cao gió lốc

Lá phướn dài, uốn lượn phấp phới bay

Bà cháu mình giao thừa đi hái lộc

Mong gia đình hạnh phúc trọn năm dài

 

Cháu nhớ ngoại là nhớ về cố quán!

Cứ mỗi lần gió bấc chuyển mùa sang

Nhớ quá ngoại ơi, tuổi hồng Nguyên Đán
“Năm Mới về chúc ngoại được bình an”

 

Nơi xứ lạ cháu là người tị nạn!

Hãnh diện chăng kẻ bỏ nước ra đi?

Về thăm lại? Quê hương còn Cộng sản!

Xuân ơi xuân, xuân đến có vui gì!

 

 

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

 

Email: dtdbuon@hotmail.com

 


TÀN CUỘC KHÔNG (THÍCH NGUYÊN NGUYỆN)

 

TÀN CUỘC KHÔNG

 

1/  Bên ngoài song cửa

Từng bông tuyết rơi

Ly cà phê đen

Sóng sánh  từng giọt

Rớt trên phiến đời

 

2/  Ngồi trong tĩnh mặc

Thời gian chậm trôi

Hơi thở nhè nhẹ

Bềnh bồng mây khói

Ngọc lan đầy vơi

 

3/  Ngồi đây với ta

Trăm năm nhìn lại

Bóng nắng xuyên mành

Một chùm hoa trắng

Thử hóa thinh không

 

4/  Bên ngoài song cửa

Bầy chim tìm mồi

Người tìm mấy cuộc

Khôn dại nào hay

Nắng hòa trong tuyết

 

5/ Ngồi đây một mình

Một mình ngồi đây

Cuộc chơi ta đẩy

Cuộc đời ta vây

Mình không hóa trống

 

6/ Ta hóa hư không

Về đâu mấy bận

Bạc trắng cầu vòng

Đếm không trả lại

Không đầy hư không

 

Oklahoma Febuary 17.2021

THÍCH NGUYÊN NGUYỆN


NGỌT NGÀO & LÌ XÌ NHAU MỘT CHỮ "THƯƠNG" (Á NGHI)

 

LÌ XÌ NHAU

MỘT CHỮ “THƯƠNG”

Từ từ anh hỏi: -Thương không?

Trả lời chầm chậm, Tây, Đông dài dòng

Lửng lơ thỏ thẻ lòng vòng

Để anh lắp bắp, chữ cong cả… làng

Bên bao hoa bướm bộn bàng

Môi em từng chữ dịu dàng, mênh mang

 

-Chữ THƯƠNG quá đỗi gọn gàng

Sao em không nói giỏi giang, nhẹ nhàng?

 

Bầy ong lui tới ngó ngàng

Tay em mười ngón mịn màng đuổi xua

Anh đành rủ Nhỏ chạy đua

Rời thôn, khuất xóm, lên chùa ngắm… Xuân

 

Lẹ làng sau tiếng chuông ngân

Anh lì xì Nhỏ, phàm trần nụ hôn

Tạ ơn Phật độ duyên tròn

Chữ THƯƠNG em gói lộc non… lì xì.

💕

-Hân hoan, rạng rỡ ai bì

Ra Giêng con sẽ quy y theo… nàng!

Á Nghi, 23.1.2019


100 BỘ TRANG PHỤC DÂN TỘC CỦA BA EM BÉ CANADA.

 

100 bộ trang phục dân tộc Việt của ba em bé Canada



Chị Hồng Phước, 41 tuổi, hiện sống ở Canada với chồng và 3 nhóc tỳ đáng yêu là Xuân Uyên (7 tuổi), Uyên Khanh (5 tuổi) và Khanh Nguyên (3 tuổi).




Cả gia đình đều ở nước ngoài nhưng chị Phước vẫn quan tâm đến dạy con về mảnh đất hình chữ S, ngôn ngữ và văn hóa Việt. Đến nay, các con chị đều nói sõi tiếng quê mẹ. Đặc biệt, các bé thích Tết và rất háo hức đến lễ hội được cộng đồng người Việt tại Canada tổ chức.




Mỗi lần đi dự lễ hội, chị Phước đều chuẩn bị cho các con những bộ trang phục dân tộc đặc sắc. Nhờ quần áo đẹp, vẻ ngoài dạn dĩ và lễ phép của các bé đã được rất nhiều "fan" từ những buổi giao lưu này. Từ đó, chị Phước hình thành sở thích sưu tầm trang phục dân tộc cho con.




"Ban đầu mẹ tôi về nước mua sang cho Xuân Uyên một bộ áo dài mặc lúc 11 tháng và được lên trang bìa báo Tết của một tờ báo địa phương. Từ đó, tôi hay nhờ người thân từ Sài Gòn gửi sang. Hoặc tôi sẽ lên mạng săn tìm những bộ trang phục đặc biệt, sau đó đặt mua", chị Phước chia sẻ.




Mỗi năm, chị chuẩn bị cho ba con mỗi bé một bộ áo dài và thêm một trang phục đặc biệt khác như áo bà ba, dân tộc Mông, trang phục Văn Lang, tứ thân… cùng các phụ kiện thích hợp. Ba bé nhà chị Phước có một phòng riêng trưng bày hơn 100 bộ trang phục dân tộc. Và thường trong tủ đã có sẵn bộ đồ cho Tết năm sau.




Sống tại thị trấn High Prairie, để lên được thành phố Edmonton đón Tết, gia đình chị Phước phải đi 800 km cả đi lẫn về. Năm nay, bão tuyết quá, chồng chị sợ nguy hiểm nên không để vợ lái xe chở các con đi. "Ba đứa thi nhau kể đến đó nhiều trò chơi thích lắm, mỗi năm chỉ được đi một lần, nếu không được thì phải đợi năm sau. Chồng tôi thấy các con buồn nên quyết định nghỉ việc để chở 4 mẹ con đi chơi", chị cười kể.




Tết năm nay ba bé mặc bộ trang phục Văn Lang, bên cạnh áo dài. Dù không ghi ten chương trình với ban tổ chức và cũng không tập trước nhưng ba bé nhà chị vẫn xung phong lên sân khấu chúc Tết mọi người và hát tặng một bài.




Sống tại thị trấn High Prairie, để lên được thành phố Edmonton đón Tết, gia đình chị Phước phải đi 800 km cả đi lẫn về. Năm nay, bão tuyết quá, chồng chị sợ nguy hiểm nên không để vợ lái xe chở các con đi. "Ba đứa thi nhau kể đến đó nhiều trò chơi thích lắm, mỗi năm chỉ được đi một lần, nếu không được thì phải đợi năm sau. Chồng tôi thấy các con buồn nên quyết định nghỉ việc để chở 4 mẹ con đi chơi", chị cười kể.




Ngày Tết, chị Phước thường làm mứt dừa, mứt rau câu, mứt tắc, bánh chưng và mua thêm một số món ăn ở chợ Việt. Các con chị rất thích phụ mẹ gói bánh chưng và trang trí cây mai, dù chỉ là hoa giả.




Trong cách nuôi dạy con, chị Phước trân trọng những giá trị của người Việt. Chị dạy các con gặp người lớn phải khoanh tay cúi đầu chào và khi nói chuyện, phải có "dạ, vâng".




Chị cũng hay kể con nghe những câu chuyện tuổi thơ hồi nhỏ, trồng rau trái Việt, nấu món ăn Việt. Các bé rất thích ăn phở, xôi lá cẩm mẹ nấu, đặc biệt ăn trứng vịt lộn phải kèm rau dăm và còn thích gặm xương, móng giò.




Ba chị em hay cùng nhau chơi các đồng dao như rồng rắn lên mây, chi chi chành chành, úp lá khoai, ô ăn quan… "Thi thoảng các con chơi với nhau có tranh cãi là tôi ngay lập tức nhảy vào nói cho các con hiểu và để các con ôm nhau giảng hòa. Nguyên tắc của tôi là các con phải yêu thương nhau và cảm thấy may mắn đã có nhau", chị Phước bộc bạch.




Nhờ vậy ba bé nhà chị rất thân nhau. Mỗi khi mẹ chụp ảnh, không cần mẹ nói, các bé cũng tự phối hợp với nhau ăn ý.




Phan Dương

Ảnh: NVCC