Chưa bao giờ tôi thấy hai câu thơ trên thấm thía đến tận
xương tủy của mình như những lúc này. Đối
với tôi, một gã đàn ông tuổi đời chỉ
còn vài năm nữa sau một
bữa tiệc Ăn Mừng Thượng Thọ Lục Tuần sẽ được phong chức cụ.
Lỡ dại sau bữa tiệc quá chén bị trúng gió ngã lăn quay, trên bàn Linh sẽ được viết
hai chữ Hưởng Thọ chứ không phải Hưởng Dương.
Nhưng diện mạo tôi hiện nay hoàn toàn trái ngược, chẳng
cân xứng với tuổi tác thực tế. Mái tóc muối tiêu mà phần muối nhiều hơn tiêu, đã được nhuộm màu đen
tuyền hoàn hảo, trang phục được chăm chút chu đáo với những hàng hiệu nổi
tiếng, như phần nào che được nét khắc nghiệt của thời gian đã hằn trên tôi.
Không diện vào cho trẻ, làm sao dám đi cùng người vợ trẻ mới rước
từ Việt Nam sang. Tình yêu
quả không biên giới, không phân biệt tuổi tác, nó khiến bao hormone trong
thân thể già cỗi của tôi bừng bừng trào dâng mãnh liệt, đam mê, như người đang đi trong đường hầm chợt nhìn thấy ánh sáng le lói
tận nơi xa thẳm.
Cảm giác say sưa bên người vợ trẻ,
mãnh liệt đến nỗi,
nó khiến tôi quên đi những câu nói kháy của thiên hạ. Chẳng hạn Già rồi còn đánh trống bỏi,
hay tàn nhẫn hơn Thằng cha già không nên nết, lấy con nhỏ thua cả tuổi con gái
nữa...
Tận trong thâm tâm, tôi vẫn biết những lời phê bình này có lý, nhưng hơi sức đâu
để ý ! Thói đời này Trâu
buộc ghét Trâu ăn mà lị.
Lấy vợ trẻ có nhiều cái lợi , bên cạnh nàng lúc nào ta
cũng thấy sự tươi mát, như sống lại thời trai trẻ hồn nhiên ngày nào. Nhất là
lúc nàng nhõng nhẽo nhún
nhẩy nói câu Em hổng chịu đâu !
Hay những lúc nàng nũng nịu dụi đầu vào ngực tôi bày tỏ
những ước mơ thật nhỏ bé của nàng như được có chung với tôi một đứa con, được
cùng tôi đi du lịch năm châu bốn bể, có một số vốn đứng riêng tên nàng để đề phòng khi tôi không còn hiện hữu để
che chở cho nàng, được giúp đỡ gia đình nàng còn ở Việt Nam , đón cha mẹ già , anh chị em
sang du lịch tại thiên đường Đức quốc, mà tôi chính là người diễm phúc được
sinh ra để chiều chuộng và thực hiện mơ ước của nàng. Tôi vĩ đại làm sao!
Trong vòng
tay nàng tôi là người cao cả, trong ân ái nàng luôn nhắc nhở về những ước mơ
của nàng, và cứ thế tôi đã
trút sạch hầu bao để chiều nàng, trái hẳn với bản tính kẹo mạch nha cố hữu của
tôi.
Cụ Tố Như có câu ví von : Bòn nơi kẻ chợ, đãi nơi quần hồng.
Chắc các bạn cũng biết, đây không phải là lần đầu tiên
tôi lấy vợ, ít nhất đã hai
lần sang ngang, hai lần ván đã đóng thuyền , thế mà ….
Tôi xin đi ngược lại dòng thời gian.
Khoảng hơn ba chục năm, ngày tôi bước chân sang xứ Đức mến yêu , những năm đầu
của thập niên 70, khi cuộc chiến tranh Ý Thức Hệ ở Việt Nam bùng nổ, Bố Mẹ tôi trút hết số tiền dành
dụm để họ khi đau ốm cho tôi đi du học.
Gia đình
tôi đông con, Mẹ tôi chỉ biết chăm lo bữa cơm, giấc ngủ của chồng con,
Bố tôi là người hiền lành, tốt tính, ông tin tưởng tuyệt đối vào người vợ nội
tướng của mình, đã mỉm cười
đồng ý khi Mẹ tôi muốn
gửi tôi đi du học để sau này sẽ trở thành kỹ sư hay bác sĩ, vừa trốn lính an
toàn .
Trong thâm tâm tôi biết tất cả vốn liếng gia đình đã đặt vào tôi, các em
tôi sẽ phải chịu thiệt thòi
vì khoản tiền gửi cho tôi mỗi tháng đã ngốn phần lớn vào đồng lương cố định của Bố tôi. Tôi tự nhủ
sẽ học thật nhanh, gửi tiền về giúp đỡ Bố Mẹ và các em.
Thời ấy trai trẻ kéo nhau ùn ùn sang Đức, toàn là những
mầm non quý giá của đất
nước. Trong khi ấy, con gái sang Đức là loại hàng xa-xỉ phẩm, hiếm hoi, cỡ đẹp
trai hiền lành như tôi còn
không dám mơ tưởng chi nhiều.
Tôi nhớ thời kỳ học Cò-Lết, bọn con trai chúng tôi ở chung trong cư xá sinh viên chỉ toàn đực rựa.
Thèm thấy hình ảnh một mái
tóc thề, một giọng nói dịu dàng khác phái. Thằng bạn thân đi đâu về phao tin :
Tụi bay ơi ! Ngày mai ra
phi trường đón em Huỳnh Thanh Thảo mới qua. Cả bọn nhao nhao đòi đi xem người đẹp. Nhưng hỡi
ôi ! Thanh Thảo lại là một chàng thanh niên.
Mặc dù thuộc lòng câu : Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn
hơn. Nhưng ao nhà ở mãi tận nửa vòng trái đất, giải phóng về
chận hết nẻo đường về quê. Chẳng nhẽ chờ mãi cho thiu người, tôi đành tắm ao người, cưới cô bạn Đức xinh đẹp và
cũng từ đó tôi đắm đuối mê man trong ao người . Những dự định với Bố Mẹ và các
em từ ngày ra đi đã lùi vào
bộ nhớ.
Tôi cảm thấy đã đến bến bờ bình yên bên người vợ da trắng, mỹ miều, trong sự bao bọc
an toàn của nước Đức. Với nàng tôi không còn khó khăn về giấy tờ định cư, tôi khao khát hội nhập
vào đời sống gia đình nàng
như một người đi trong sa mạc thèm ngụm nước mát. Tôi cung kính cha mẹ nàng ,
nâng niu nàng như một vật quý.
Nàng vừa là người tình vừa là người
ân của tôi. Nàng tuyệt diệu làm sao.
Bố Mẹ tôi và đàn em dại như một bức ảnh chụp đã lâu, từ từ biến mất trong cuộc sống ấm áp, ngọt
ngào với nàng.
Từ ngày có vợ, tôi quyết học cho xong bằng kỹ sư cơ khí.
Thời ấy ai cũng bị mê hoặc bởi nhãn hiệu „made
in Germany" nên đa số đều học về kỹ thuật.
Cuộc đời cứ thế êm trôi, ông kỹ sư sáng lái xe đi, tối
lái về. Rồi tôi được làm bố, trai gái đề huề, nhà mới xây xong, tuy không được
bên suối, nhưng cũng róc rách nước bên cái ao xinh xinh trong vườn, bao bọc
những cụm hoa xinh đẹp.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, thấm thoát đã gần ba chục năm trên xứ người, các con
tôi đã trưởng thành,
chúng bỏ đi xây tổ ấm như tôi đã
bỏ Bố Mẹ tôi . Có khác chăng khi tôi ra đi, mang theo vốn liếng gia đình và kỳ vọng của bố mẹ mà
tôi đã không để tâm đáp
ứng.
Các con tôi ra đi để lại ngôi nhà rộng thênh thang cho
hai ông bà già với hai nền văn hóa khác nhau. Lúc này chúng tôi mới cảm nhận Đông
Tây xa nhau vời vợi. Với nàng tôi vẫn là người khách vãng lai trong nếp sống ở đây, với
tôi niềm mong ước được một lần đưa nàng và các con về quê hương gặp lại Bố Mẹ, gia đình vẫn chưa thực hiện
được. Tôi và nàng thật gần nhau và cũng thật xa nhau.
Có lẽ chúng tôi đã Đồng Sàng Dị Mộng.
Có phải tôi quá nhạy cảm chăng ? Chỉ điểm ăn uống thôi,
cũng đủ làm nỗi buồn của tôi lên đến Sầu Vạn Cổ . Ngày nào đi làm về mệt nhọc, thèm
bát cơm nóng , tô canh chua thơm ngọt, như ngày nào mẹ vẫn dọn sẵn ra.
Nhưng than ơi ! Trên bàn chỉ vài lát bánh mì đen, nằm khô khan bên
những khoanh thịt nguội, xen vào mấy miếng dưa leo, cà chua thái mỏng.
Xét về chất bổ dưỡng, quả thật những món trên đã làm cho dân Đức trở thành những
Anh Hùng Lao Động. Nhưng thú thật với dân Mít như tôi, lúc đẻ ra bà mụ lỡ tay
đánh rơi vào thùng Nước Mắm rồi
thì khó mà nuốt nổi ngày
này qua tháng khác.
Tình
trạng này cứ tiếp diễn đều đều, hết năm này qua tháng nọ. Vợ tôi viện cớ, theo phong tục ông bà để
lại, buổi tối chỉ ăn đồ nguội, cái bếp phải nghỉ ngơi. Anh không nhớ câu :
Abendbrot hay sao ?
Thế là tôi á khẩu, phải tự lực cánh sinh tìm con đường sống. Sau những
buổi tan sở, tôi đến thẳng các tiệm thực phẩm Á Châu, tìm cho ra các món cần thiết để trổ tài
nội trợ. Lâu ngày tôi trở thành ông đầu bếp giỏi, từ hiền thê cho đến các cậu
ấm cô chiêu đều ngồi xem TiVi, chờ bố đi làm về nấu cơm cho ăn.
Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy sót xa cho thân phận mình, hình ảnh bố tôi ngày nào
chợt hiện lên trong trí nhớ. Mẹ tôi chỉ cần sơ xẩy để nhiều hay ít nước trong
nồi cơm là được ngay một
bài văn tế của ông. Hôm nào cho ăn thịt gà, ông đòi ăn cá. Bắt ăn rau ông sợ xanh ruột. Ông xoay bà cụ
như chong chóng, kiểu Chồng Chúa Vợ Tôi, thế mà mẹ tôi vẫn một điều vâng dạ.
Thôi cứ xem như thế hệ cũ đã qua rồi, thời đại này làm gì có cảnh đó nữa. Nhưng
nhìn lại chung quanh bạn
bè lấy vợ ta, ít ra trong nhà cũng được một bữa Cơm Dẻo Canh Ngọt, chứ đâu phải
ai oán như tôi. Đã nấu cho nó
ăn, nồi phở húp sùm sụp, thế mà khi cho nước mắm vào nó chê thối inh nhà.
Qua vấn đề ăn uống, bước sang lãnh vực văn hóa, nàng thường có nhu cầu đi
xem hát Oper hay Theater, giống như dân ta ghiền cải lương.
Lúc đầu tôi cũng chiều vợ, diện đồ vía theo nàng, bấm
bụng mua vé cắt cổ vào xem với nàng. Đến hồi hai tôi mệt quá, phần buồn ngủ,
phần chẳng hiểu ất giáp gì
tôi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Nàng mắc cở với vợ chồng ông bà ngồi bên
cạnh, sợ họ chê mình lấy phải
người chồng thuộc giống dân nhược tiểu, không biết văn hóa là gì.
Mặt khác
nàng vùi dập văn hóa của tôi, mỗi lần tôi thắp hương lên bàn thờ ông bà, nàng ho
sặc sụa chê hôi rồi đổ riệt cho tôi cái tội mê tín.
Nhiều lần nàng hạ tôi sát ván, về tội phát âm sai tiếng
Đức, thế hệ dở dang như tôi cho dù ở Đức mãn
kiếp, cũng không thể nói tiếng địa phương như nàng.
Tự ái dân
tộc của tôi nổi lên đùng
đùng, cùng với nỗi buồn cay đắng khi nghe giọng cười khinh mạn của
nàng. Gái đất Việt bốn ngàn năm văn hiến đâu cười trơ trẽn như nàng.
Xoay qua vấn đề giáo
dục con cái, vì đã Có Nếp Có Tẻ
đầy đủ, nên cuộc diện càng thêm phần phong phú. Nhờ thừa hưởng truyền thống ông
bà để lại, tôi nghiệm câu : Hy sinh đời cha, để củng cố đời con.
Cậu con trai duy nhất của tôi, cháu nội đích tôn của cụ
Tham ngày xưa, phải theo dấu chân bố, ít nhất cũng phải tốt nghiệp đại học.
Không ! Đằng này nàng thản nhiên để tự do chọn lựa, cho
con học nghề cho mau, kiếm tiền cho lẹ. Ở xứ Đức này sợ gì chết đói, chỉ giống
dân nhược tiểu như ông mới lo sợ viển vông.
Con trai tôi được đà cười mũi, nói tiếng Đức như bố còn nuôi được gia đình chứ con là người Đức
thì lo gì ?
Tôi lặng người .
Nếu nàng biết được mười năm sau có luật Hart IV, sẽ thay đổi tư tưởng ngay.
Con gái tôi mới nứt mắt ra, nàng đã dẫn đi bác sĩ kiếm
thuốc ngừa thai. Tôi phản đối kịch liệt, cho rằng hành động trên chỉ có tính
cách Nối Giáo Cho Giặc, xúi trẻ thơ làm càn. Nàng kinh ngạc nhìn tôi như một vật thể xa lạ. Nàng cho tôi là tín đồ
cuồng tín.
Ban ngày chuyện sở chuyện nhà cứ rối tinh, tôi chưa bị
Nhồi máu cơ tim là may .
Tối lên
giường, nhìn tấm thân bồ
tượng của nàng mà thở dài ngao ngán. Ước gì kiếp sau xin chớ làm người, làm cục đá đứng giữa trời, để
lúc nào cũng cứng cho nàng thỏa mãn.
Chúng tôi
như hai con đường sắt, song song không thể đồng quy, thỉnh thoảng chúng
tôi cũng gặp nhau tại một sân ga nào đó, nhưng sau đó lại tiếp tục song song.
Cuối cùng chúng tôi chịu đồng quy tại một điểm là ký giấy ly dị . Như thế
tôi và nàng đã cùng một chí
hướng.
Tôi phải nói thêm không các bạn lại chê tôi thuộc loại
Thấy Lê Quên Lựu, Thấy Trăng Quên
Đèn. Muốn tìm người vợ Việt
khác.
Không, nàng đề nghị ly dị trước, với lý do thật đơn giản là
Keine Lust mit Dir ! Tiếng Việt tạm dịch : Ngấy anh đến tận cần cổ !
Còn
ra thể thống gì nữa. Đường
đường là một trang Nam Nhi, đầu đội nón Nike, chân đạp đất,trên răng dưới
dzế... há chịu để cho một con đàn
bà nó leo đầu leo cổ như vậy sao. Tôi bằng lòng ký giấy cả hai tay, của
cải muốn khuân đi đâu tùy
ý, miễn sao đừng để tôi thấy mặt.
Để trả giá cho sự tự do, tôi phải mua bằng tiền bạc.
Lương kỹ sư của tôi bị luật sư cắt ngang một mảng chia cho bà vợ Dị Chủng. Đến
sổ lương hưu cũng bị chia đôi từng điểm. Ngôi nhà bên suối cũng phải chia đôi,
tôi muốn giữ lại để có chỗ trú thân, đành mượn tiền nhà băng trao trả cho nàng. Đoạn trường này ai có
qua cầu mới hay. Một lần chia tay là một lần tay trắng.
Con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà nghiệp báo.
Tôi ở trong tình trạng dở sống dở chết mất một thời gian. Quả thật các cụ
nói đúng : Thời gian là liều thuốc tiên. Thời gian hàn gắn mọi vết thương.
Khi cái lỗ hổng thiếu sót trong người tôi càng lớn, tôi
càng tìm cách trở về nguồn,
liên lạc với cộng đồng người Việt nhiều hơn.
Bước ngoặc lớn trong đời tôi đã diễn ra như thế nào,
mời các bạn đọc tiếp phần 2 của câu chuyện Ảo Ảnh Đời Tui.
Phần 2: Ảo Ảnh Đời Tôi (
Không rỏ tác giả)
Tạo hóa sinh ra con người cũng hay, sống thì phải có đôi có cặp như lẽ Âm Dương
của trời đất. Tôi khát khao đi tìm nửa mảnh còn lại của đời mình. Mặc dù chịu
nhiều đắng cay với nửa mảnh đời phía trước, tôi vẫn không mỏi gối chồn chân. Tự
cho mình mắt bị quáng gà nên chọn lầm đấy thôi !
Lần này rút kinh nghiệm, ắt sẽ thỏa lòng mong ước. Xét cho cùng ngoài điểm tôi
đã đánh mất tuổi thanh xuân, tôi có tất cả những gì một người đàn bà sáng suốt
đang chờ đợi. Công danh sự nghiệp có sẵn từ hơn hai chục năm, một căn nhà nho
nhỏ xinh xinh và một trái tim đang cần được hâm nóng.
Thời buổi này đâu còn cảnh Một túp lều tranh với hai trái tim vàng, nếu
có xẩy ra phải cộng thêm một trái Lựu Đạn để phòng thân. Nhỡ khổ quá,
ta sẽ cho nổ tan xác để hai linh hồn quyện vào nhau như chim liền cánh như cây liền
cành.
Với bầu máu nóng như thế, tôi hiên ngang bước vào ngưỡng cửa của tình yêu một
lần nữa. Rồi tự hứa với lòng, chỉ Một Lần Nữa Thôi.
Do nhân duyên đưa đẩy, tôi gặp Nàng tại một Văn phòng bán vé máy bay. Cậu con
trai thân yêu của bố mẹ tôi, không biết nên liệt vào loại nào, chưa một lần về
thăm cha mẹ. Lúc nào cũng viện cớ, đất nước đã lọt vào tay những kẻ mình không
ưa, không nên làm giàu cho họ.
Hôm nay không hiểu sao dự định một chuyến du hành về thăm đất tổ. Sau chiếc bàn
vuông, người thiếu phụ với gương mặt khả ái, ngước lên nhìn tôi mỉm cười. Nàng
chỉ dẫn thật tận tình, đưa ra đầy đủ giá biểu cao thấp cho tôi lựa chọn. Nếu
bắt phải lựa chọn, có lẽ tôi sẽ chọn nàng. Ý quên ! Chọn hãng hàng không nào.
Tôi lại lẫn thẫn rồi. Mới bị cô đơn có vài tháng sao dở chứng mau
thế.
Tôi liên tưởng đến hai câu thơ của cụ Nguyễn Du, diễn tả đúng tâm trạng mình
trong lúc này :
Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không ? Ai cho tôi là
anh chàng Cả Đẫn chỉ biết học là sai. Tim tôi cũng nhậy cảm đấy chứ !
Tim này có thể ví cùng tim của nhân vật Đoàn Chính Thuần trong Thiên Long Bát
Bộ của Kim Dung, trái tim rất lớn và có nhiều ngăn để chứa nhiều nàng.
Bước đầu đã thuận tiện, tôi tiến bước thứ hai nhờ nàng xin hộ Visa. Nàng ân cần
điền đơn, hỏi han về tên tuổi và tự nhiên biết hết phiếu lý lịch trích ngang
của tôi một cách hồn nhiên.
Nàng biết ngay tình trạng Bóng Lẻ Phòng Không của tôi, bạo dạn hỏi han thêm một
vài chi tiết cần thiết cho nàng như anh được mấy cháu và các cháu học hành ra
sao.
Câu chuyện vui như pháo rang, tôi tận hưởng cảm giác Khách Hàng là Vua trong
quầy hàng bán vé máy bay lịch sự và hiếu khách này. Tôi thật vui khi biết nàng
cũng trong một hội một thuyền như tôi, cả hai đều nằm chờ trong Bến Đợi. Chuyện
tình của nàng đã chìm sâu vào dĩ vãng, có chăng dư âm còn sót lại là đứa con
gái mười tuổi của nàng.
Thế mới biết, cứ Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nếu chung một tần số
ta sẽ dễ tìm đến nhau.
Thỉnh thoảng nàng điện thoại nhờ tôi đến chỉnh lại dàn máy vi tính cho nàng.
Gớm ! Sao dạo này thiên hạ nghịch ngợm bỏ chấy rận vào các hàng mềm nhiều thế,
làm ăn như nàng mà dàn máy nghỉ chơi , có nước đóng cửa tiệm sớm.
Tôi đóng vai người hùng đến Bắt Giun (worms) cho nàng, ấy không phải ! cho máy
vi tính của nàng. Để thưởng công cho tôi, nàng nấu những nồi bún riêu thơm
phưng phức. Nấu ăn ngon cũng là một nghệ thuật giữ người mình thương, đi đâu
người ta cũng nhớ đến hương vị riêng tư của mình.
Khỏi cần phải tả thêm chắc các bạn cũng đoán được, chuyện tình của
chúng tôi chỉ có thể đi lên chứ không thể đi xuống. Nàng là tất cả những gì tôi
mong đợi, nàng phải là nửa mảnh còn lại của tôi. Bên nàng tôi có cảm giác được
che chở, một tuýp phụ nữ mới, biết tự lập, không ăn bám vào chồng.
Chúng tôi đã nếm qua các vị chua cay của cuộc đời, của những lần đổ vỡ. Hứa lần
này sẽ trân quý mối tình các cụ gọi là Rổ Rá Cạp Lại, mang cho nhau những an
bình, hạnh phúc đến cuối cuộc đời.
Nàng rất khéo léo trong vấn đề xử thế với gia đình tôi. Từ ngày gặp nàng tôi có
rất nhiều cơ hội về thăm gia đình. Thỉnh thoảng nàng đưa đề nghị, bảo lãnh cho
một người thân nào đó của tôi sang Đức đi du lịch, một đặc ân hiếm có cho người
nhận. Gia đình tôi rất quí mến nàng, mong sao cho chúng tôi sớm thành
duyên giai lão. Sau lưng nàng có sẵn một Hậu Cần to lớn là gia đình tôi.
Nàng là người đàn bà tài giỏi, rất thành công trên thương trường. Những cơ sở
thương mại của nàng khá phát triển. Nàng đề nghị tôi tham gia vốn vào trong
công ty của nàng.
Tôi chấp thuận vì xét có nhiều điểm lợi, thứ nhất địa vị tôi được nâng lên hàng
ông chủ nho nhỏ, đỡ bị mặc cảm với nàng. Thứ hai về vấn đề tiền bạc, nếu lời
tôi bỏ túi, nếu lỗ sở thuế sẽ trừ bớt thuế trong sổ lương kỹ sư cố định của
tôi.
Một niềm tự hào trào lên trong khoé mắt tôi.
Nhưng tôi quên mất một điều, kinh nghiệm thương trường mình hoàn toàn mù tịt.
Bao hiểu biết chỉ nằm trong sách vở, mỗi lần ra quân tôi như anh lính mới tò te
dưới sự chỉ huy vững chải của nàng.
Vào trong cộng đồng người Việt, nàng lúc nào cũng nổi, cũng lịch thiệp. Tôi chỉ
là cái bóng mờ đứng dựa sau lưng nàng, chờ nàng ra lệnh, đưa chỉ thị để thực
hành. Tôi thất thế thấy rõ các bạn ạ !
Lâu ngày tự ái của một thằng đàn ông nổi lên đùng đùng, tôi không còn dịu dàng
với nàng nữa. Tôi nhìn nàng qua lăng kính của một màn vô minh, ẩn hiện tính Vợ
Chủ Nhân với đầy tinh tướng, nghĩa là thật quá quắt lúc nào cũng muốn chỉ đạo
và kiểm soát. Nàng chờ đợi nơi tôi một sự phục tòng, một sự quan tâm đến nàng
một cách tuyệt đối.
Tính này liên quan rất nhiều đến chữ Ghen của đại đa số phụ nữ. Các bạn cho
phép tôi hơi lạc đề, đi sâu vào chữ Ghen một tí !
Nhắc đến chữ này, ta nhớ ngay câu : Ớt nào là ớt chẳng cay. Gái nào là gái
chẳng hay ghen chồng. Vâng ! Ớt cay có nhiều loại, theo thống kê loại ớt cay
nhất thế giới được tìm thấy ở Mexico. Ai cắn vào loại ớt này, sẽ có cảm giác
như bị chặt đầu, hồn lìa khỏi xác. Vậy nồng độ ghen của người phụ nữ cũng na ná
như độ cay của trái ớt.
Tôi cảm thấy nghẹt thở trong tình yêu của nàng, giẫy dụa trong lưới
tình êm ái nàng đã giăng ra. Tôi là con người chẳng bao giờ bằng lòng với hiện
tại, một hiện tượng Đứng núi này trông núi nọ, chả trách gì đời tôi lúc nào
cũng khổ.
Khi tôi đau khổ, tôi sẽ hành hạ nàng cho đỡ khổ. Tự tay tôi mở cánh cửa Địa
Ngục để nhảy vào, nhiều lúc kéo theo nàng cùng nhảy xuống cho vui.
Ba năm chung sống với nhau, xây biết bao mộng đẹp tưởng sắp bước dần đến ngưỡng
cửa hôn nhân. Tôi quyết định một việc cho mãi đến ngày hôm nay tôi mới thấy
mình dại dột là chia tay với nàng cho cả hai cùng bớt khổ.
Tình yêu là gì ? Tại sao ban đầu nó nồng nàn đam mê và mãnh liệt đến thế. Chúng
ta đã làm gì, để cuối cùng biến thành những bãi chiến trường không phân thắng
bại.
Theo tôi tình yêu được tôn trọng đến mức nó cho người ta sự tự do, và nếu tình
yêu không phải là tự do, đó không phải là tình yêu thực thụ nữa, nó là cái gì
trục lợi.
Sự ra đi của tôi đã để lại trong nàng một mối hận tình khôn nguôi. Nàng sống
nhiều về nội tâm nên không dễ dàng quên được hình bóng tôi. Điều đáng tiếc này
mãi đến thời gian dài về sau tôi mới khám phá ra. Tôi thật có lỗi với nàng,
nhưng vạn ngàn lần xin lỗi cũng chẳng lấp vơi được nỗi khổ của nàng.
Gia đình tôi biết chuyện rất thương cảm cho nàng. Cô em gái tôi hăm ông
anh ba rọi : Anh coi chừng nhé ! Có ngày gặp quả báo nhãn tiền đấy.
Cũng hơi chột dạ, nhưng với Chứng Nào Tật Ấy, tôi vẫn nhởn nhơ làm cánh bướm tự
do đi ve vãn các đóa hoa khác.
Mời các bạn đón đọc phần 3 của Ảo Ảnh Đời Tôi, xem cánh bướm đa tình của chúng
ta sẽ đậu vào bến nào, trong hay đục.
Phần
3: Ảo Ảnh Đời Tôi (Áo Bà Ba xuất khẩu)
Biển khổ mênh mông sóng chập chùng.
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi.
Thuyền ai ngược sóng ai xuôi sóng.
Cũng ở trong cùng biển khổ thôi.
Ái chà ! Không ngờ cụ Vũ Hoàng Chương lại tức cảnh sinh tình cho ra được mấy
vần thơ tuyệt cú như thế. Tôi ngân nga nho nhỏ cho chất thơ quyện vào hồn, hầu
xóa tan nỗi buồn thiếu vợ.
Chỉ còn một tuần nữa tôi sẽ về thăm gia đình ở Việt Nam, bố mẹ và các em tôi
dặn dò : Anh nhớ sửa soạn tinh thần về xem mắt cái Thảo, cả nhà chọn cho anh
đấy ! Cái gì mà khủng khiếp thế, tôi lấy vợ cho tôi hay cho cả nhà.
Sống hơn nửa đời người trên xứ Đức, tôi không còn thuần túy là anh chàng Việt
Nam chính gốc kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nữa. Câu này phải đổi ngược lại
là Con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy thì đúng hơn.
Thôi cứ chiều lòng gia đình, đi lại thăm hỏi Thảo, biết đâu chẳng gặp duyên.
Tôi xuất hiện dưới hình ảnh một người độc thân vui tính, vừa trí thức lại
ga-lăng. Mang nhãn hiệu Việt kiều tại Đức quốc, chỉ thua Việt kiều ở Mỹ và Úc
chút xíu thôi.
Mái tóc muối tiêu của tôi không còn mang mặc cảm dấu vết của thời gian, trái
lại được các nàng nâng lên hàng tuyển chọn. Với mái tóc này, các nàng sẽ được
che chở và bảo bọc từ vật chất đến tinh thần, nếu không suốt đời thì cũng mãn
kiếp. Tôi mặc sức lựa chọn cho bõ những quãng ngày đen tối.
Thói đời kể cũng lạ ! lúc chưa đạt được ta háo hức, đến khi nắm trong tay ta
dửng dưng. Các người đẹp con nhà gia giáo do gia đình tôi lựa chọn, từ từ không
còn là đối tượng nóng bỏng của tôi nữa.
Ai đời ! Về phép có vài tuần, mục tiêu phải đánh nhanh, đánh gục. Các nàng còn
giữ kẽ, con nhà lành không được đi chơi về khuya. Chuyện rủ nàng ra Vũng Tàu
cuối tuần chỉ là trò hư ảo, đi đâu cũng kè kè ít nhất một người nhà của nàng
làm kỳ đà cản mũi. Làm sao tìm hiểu được, khi chỉ được phép nắm tay nàng.
Tôi đã qua rồi thời mong chờ, hiện chỉ còn Một Thời Để Yêu và Một Thời Để
Chết mà thôi.
Tại Sài Gòn nơi hội tụ tất cả những hào nhoáng, quyến rũ đến lịm người như thế.
Chẳng lẽ tôi ngoảnh mặt làm ngơ, đóng vai Anh Hùng Liệt Sĩ. Không ! Cái Gậy
Trường Sơn của tôi tuy có hư hao với tháng năm, nhưng vẫn còn hữu dụng lắm. Nếu
biết sử dụng đúng chỗ, nó có thể ngang dọc vẫy vùng. Một thứ đồ cổ tốt thuộc
loại Tốt gỗ hơn tốt nước sơn các bạn ạ !
Bởi thế khi các bạn bè rủ rê đến những nơi có Ánh Đèn Màu, tôi đều vác gậy đi
theo để có cái giải muộn giải sầu.
Theo lời các cụ nhà Nho xưa, cái vật phía dưới eo phụ nữ chính là cánh cửa sinh
ra ta, cũng là cánh cửa chôn ta.
Nhiều khi tôi có tư tưởng táo bạo, nếu con người ai cũng một lần phải chết, tại
sao không chọn cái chết êm ái và sung sướng nhất trong tư thế Thượng Mã Phong.
Hãy khoan, đừng vội mắng tôi là đồ mắc dịch. Tôi sẽ giải thích cho các bạn nghe
thật khoa học.
Theo các vị Thiền Sư sống trên những rặng núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn, họ ngồi
thiền suốt năm này qua tháng nọ, chỉ mong đạt được trạng thái vô vi, không buồn
không vui, một hình thức của Niết Bàn trong Đạo Phật.
Ngược lại trong thế giới Ta Bà của chúng ta, còn được gọi là Dục giới, ta cũng
đạt được tình trạng tương tự như vậy khi lên đến cao điểm. Cái khác ở đây là
tình trạng ấy quá ngắn ngủi, chỉ kéo dài có vài giây. Để có được vài giây ấy ta
phải đau khổ triền miên, lăn trôi mãi trên các nẻo luân hồi.
Đã biết thế nhưng đại đa số đều tình nguyện làm con Thiêu thân đâm đầu vào lửa,
trước khi chết còn gân cổ lên ngâm câu Thà một phút huy hoàng rồi chợt
tắt. Còn hơn buồn le lói suốt quanh năm của cái ông thi sĩ dở hơi nào
đó.
Người xưa có câu Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Vâng ! Tôi đã gặp một
con ma đáng yêu, nàng chẳng có gì so với những người đã đi qua đời tôi. Một
loại Vô Sản Chuyên Chính thứ thiệt. Nhưng bù lại nàng có sự tươi mát và một
nghệ thuật đã đưa tôi đến tận đỉnh Vu Sơn. Có lẽ nàng đã gãi trúng chỗ ngứa của
tôi thật rồi.
Các bạn giai nào ở vào lứa tuổi như tôi, sẽ dễ dàng cảm thông một điều. Cái Gậy
Trường Sơn đã bị hao mòn từ bề dọc tới bề ngang, gặp những Lá Đa xanh tươi mơn
mởn ta mới điều khiển được như ý muốn mà thôi. Nhiều người cho rằng nàng đã bỏ
bùa chài tôi, tôi nghĩ chính sự tươi trẻ và nghệ thuật gối chăn của nàng đã là
lá bùa làm tôi đắm đuối say mê.
Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Tôi sửa soạn trở về xứ Đức lạnh lẽo, kéo cầy trả món
nợ đời, bỏ lại Sài Gòn với bao luyến tiếc.
Cuộc sống với tôi không còn an bình như ngày xưa, tôi cảm thấy thật cô đơn
trong căn nhà thật lạnh lẽo. Ước gì có một mái ấm gia đình như hàng triệu thằng
đàn ông khác, ước mơ thật nhỏ nhoi nhưng sao tôi không đạt được.
Gia đình tôi ở nhà sợ tôi rơi vào lưới nhện của các nàng Ma Nữ, nên giục tôi
phải tiến tới với Thảo. Tìm cách bảo lãnh cho Thảo sang Đức đi du lịch 3 tháng
cho hai đứa có cơ hội tìm hiểu nhau hơn. Khi tôi thưa chuyện với bố mẹ nàng,
ông bà cụ đưa ra điều kiện phải cưới hỏi đàng hoàng mới được đem đi.
Các bạn nghĩ xem. Làm sao tôi dám đút đầu vào sợi giây thòng lọng khi chưa thử
xem giây bở hay dai. Thời đại này mà xử ép người ta đến thế thì thôi. Không có
gan chơi xả láng làm sao câu nổi Việt Kiều trong đầu có sạn như tôi.
Trong khi ấy, nàng Ma Nữ của tôi sẵn sàng sang chơi vô điều kiện. Tôi chụp lấy
cơ hội ngàn vàng lôi nàng sang phục vụ cho cõi lòng đang trống vắng của tôi.
Thế là tôi từ từ rơi vào lưới tình nàng đã giăng sẵn tự bao giờ.
Trong ba tháng tìm hiểu nhau trên xứ người, chúng tôi cảm thấy thật cần nhau.
Nàng đã cho tôi tất cả những gì mà một thằng đàn ông khi leo lên giường đều
mong muốn. Tôi chỉ việc nằm giãn gân thoải mái cho nàng phục vụ.
Trong truyện Kiều có câu : Vành ngoài bẩy chữ, vành trong tám nghề.
Những người con gái nhà lành như Thảo làm sao chơi kịp với nàng Ma Nữ
của tôi. Đời tôi còn được bao nhiêu nữa, tại sao không hưởng những ân huệ của
trời đất. Dùng nữ sắc như một vị thuốc, trong bụng nghĩ rằng vị thuốc này không
phải là cơm mà sao cứ đắm đuối say mê.
Các bạn đừng cho rằng tôi đang viết dâm thư, đang dẫn dắt các bạn đến bến bờ
trụy lạc. Các bạn phải hiểu, chính sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật ái ân mà
bao nhiêu gia đình phải tan vỡ.
Tôi can đảm viết ra như thế một phần muốn cho gia đình và bạn bè tôi hiểu, lý
do tại sao tôi chọn một Ma Nữ trong Ánh Đèn Màu làm vợ.
Vẫn biết phong tục tập quán của ta là hay là đẹp, người con gái lớn lên trong
gia đình nề nếp được cả nhà giữ gìn như giữ Mả Tổ, xem chữ Trinh đáng giá
ngàn vàng. Nhưng bên phương trời Tây, cái bọn con trai mất nết lại nghĩ ngược
lại. Cho rằng con gái ngoài hai mươi vẫn còn trinh chắc xấu lắm hay có vấn đề
gì đây nên bọn con trai mới chê.
Thế mới biết Ở sao cho vừa lòng người các bạn nhỉ !
Sau nhiều phen qua lại đi về, giấy tờ bảo lãnh phiền phức, tôi đã đem được
người vợ Ma Nữ của tôi sang đoàn tụ.
Nàng tuy xuất thân từ Ánh Đèn Màu nhưng vẫn dở thói màu mè riêu cua, đòi phải
làm đám cưới thật linh đình tại nhà hàng Sinh Đôi cho cha mẹ dưới quê được nở
mày nở mặt. Tôi chiều nàng để cùng được vui lây, và khoe ngầm với thiên hạ rằng
Chú rể thật tốt số, đứng cạnh nàng chú rể có cảm giác trẻ lại tới hơn ba mươi
tuổi. Nàng như một liều thuốc hồi sinh cải lão hoàn đồng.
Đọc đến đây chắc có bạn nổi giận, nhất là các bạn gái đang trong cùng cảnh ngộ.
Cảnh ngộ gì đây ? Còn cảnh gì nữa, cái thằng chồng khỉ gió mắc toi của mình chứ
còn ai nữa. Hắn lấy cớ về thăm mẹ già đau nặng đều đều, phận dâu con đâu dám
cản ngăn chồng làm tròn chữ hiếu. Cho về vài lần là trở thành gã đàn ông trong
chuyện ngay.
Còn phản ứng cái đám bạn giai đồng trang lứa với tôi như thế nào ? Cha nào cũng
muốn nhận vơ câu chuyện là của mình cả, sao mà nó giống thế, nói như đi guốc
trong bụng ấy !
Đấy là nói chuyện phiếm cho vui thôi, chứ các bạn đọc xong phần dưới đây, dám
có người sẽ nhỏ vài giọt Nước mắt cá sấu cho thân phận thảm thương của tôi lắm.
Ngày trả Quả của tôi đã bắt đầu khi vừa đón nàng về ngôi nhà bên suối cạnh cái
ao nước chẩy róc rách. Lúc này là mùa đông, trời lạnh cóng lại mưa rỉ rả, nếu
tuyết rơi phủ đầy cành lá trắng tinh chắc nàng còn cho là rô-man-tích. Đằng này
mưa ướt nhèm nhẹp, bầu trời xám nghét, nàng ngồi co
ro sát bên lò sưởi như con mèo con. Tấm thân ván ép của tôi chỉ có 37 độ C
không đủ cho nàng trốn rét.
Suốt tuần lễ đầu tôi phải đi chợ nấu cơm cho nàng xơi, khổ cho thân phận cậu ấm
suốt đời chỉ đi cung phụng đàn bà. Tôi chạnh lòng chợt nhớ tới mẹ, người đàn bà
đã hy sinh tất cả cho tôi, nhưng chưa bao giờ được ăn một bữa cơm do tôi nấu
dọn bưng lên.
Có phải tôi chiều nàng quá đi không ? Tất cả các câu châm ngôn dạy vợ như Dậy
vợ từ thuở bơ vơ mới về, tôi không dám thực hành, nhỡ thượng cẳng chân hạ cẳng
tay với nàng chưa thấm vào đâu, nàng đã gọi đường giây nóng 110 tôi sẽ bị áp
tải về bóp cảnh sát ngay.
Lúc ở bên nhà nàng là người phụ nữ Việt thuần túy, chiều chồng số một. Nào là
Tam Tòng Tứ Đức hiền dịu nhẫn nhục không thua kém gì ai. Nhưng sang đây mới
uống vài lon bia cola, ăn xúc xích thịt nguội có vài tháng, nàng xem chồng còn
thua cả thân phận một con chó. Mỗi lần mở mồm là chêm câu Lady first nghe đến
rợn người.
Nàng đặt nhiều kỳ vọng nơi tôi quá, thần thánh hóa thiên đường Đức Quốc quá.
Lúc sang chơi ba tháng nàng chỉ hưởng mật ngọt bên ngoài của cái xã hội được
mệnh danh là Bàn Tay Sắt Bọc Nhung này. Bây giờ với số tiền chợ cố định tôi đưa
nàng hàng tháng, không đủ cung ứng cho nhu cầu càng ngày càng gia tăng của
nàng.
Lúc ở nhà chỉ cần một phần ba số tiền thôi, nàng đã có cảm giác lên đến chín
từng mây rồi. Nếu được nương tựa tấm thân bên sổ lương kỹ sư của tôi, nàng xem
như mình đã tu đến bẩy mươi kiếp. Nếu dè cuộc sống bên đây cần nhiều Euro như
thế nàng đã không uổng công thả lưới quăng câu. Bạn bè nàng có đọc cho nàng mấy
câu khẩu hiệu mới : Việt Kiều thua Việt Cộng, Việt Cộng thua Việt Gian, Việt
Gian thua Việt Kiều Đất, thế mà nàng chẳng chịu mở mắt.
Tôi muốn nàng hội nhập vào thế giới bên này, ghi tên cho nàng học tiếng Đức. Nàng
chiều tôi vác sách đi học, nhưng tâm hồn để tận đâu đâu, chỉ mong sao nhanh
chóng tan học ghé shopping center dạo vài vòng rửa mắt phá tiền.
Cho học tiếng Đức chỉ tổ tốn tiền và mất công toi, đi bác sĩ nàng cũng bắt tôi
dẫn đi phiên dịch, ngồi chờ cả tiếng đâm cáu tôi chửi nàng một trận. Nàng thản
nhiên trả lời Cần gì biết tiếng Đức, vào cộng đồng của nhóm Đông Âu chỉ nói
tiếng Việt thôi cũng đủ chán.
Cái nhóm Đông Âu này mới phức tạp, đủ loại hạng người thượng vàng hạ cám không
biết đâu mà lần. Nguy nhất là mấy anh chàng tuổi trẻ sấp xỉ như nàng, mỗi lần
gặp nhau cứ chuyện trò cười tít cả mắt làm tim tôi đau nhói.
Cái ưu việt trên giường của nàng sang đây cũng bị mai một, chắc thiếu động cơ
thúc đẩy. Các mục tiêu khó khăn nàng đã đạt được, tội vạ gì bám theo cái gậy
vừa cũ lại vừa mòn cho nhọc thân. Theo đúng bài bản chỉ dẫn, nàng chỉ cần gài
cho tôi một đứa con là xứ Đức sẽ cưu mang nàng đến trọn kiếp, chẳng cần cây sào
hay cây gậy gì che chở nữa. Lúc ấy nàng sẽ tự do sống theo tuổi trẻ, ngập tràn
lòng xuân phơi phới của nàng.
Nếu tôi lên án nàng cũng có phần khắc khe, làm sao yêu được người chồng hơn cả
tuổi bố mình, đêm nằm hắn ngáy to hơn sấm, không thể nào dỗ được giấc ngủ chập
chờn. Chuyện chăn gối lại còn tệ hại hơn, hắn lúc nào cũng là kẻ chiến bại với
khẩu hiệu Khóc Ngoài Quan Ải ai ơi.
Về trình độ văn hóa chúng tôi cao thấp như đôi đũa lệch so sao cho vừa, học vấn
của nàng chắc chỉ đến lớp ba trường làng rồi chạy lên Sài Gòn kiếm sống. Bắt
nàng phải đàm luận vấn đề kinh tế chính trị chỉ thêm bực mình, chi bằng kéo
nàng lên giường làm một quả, nếu không bổ tỳ thì cũng bổ vị.
Mỗi lần tôi chỉ bảo khuyên giải nàng quay về đường ngay lẽ phải, nàng trả treo
cãi cọ cho tôi tức khí nói nặng nàng. Chỉ chờ dịp đó nàng lấy cớ bị chồng bạc
đãi, mua vé xe lửa đi Đông Âu gặp cộng đồng để giải khuây.
Tôi phải làm sao bây giờ, nỗi lòng biết tỏ cùng ai, kể ra cho thiên hạ nghe
chẳng ai thèm an ủi lại còn tặng thêm một bài Pháp về luật nhân quả cho đáng
đời cái thằng đàn ông hư đốn như tôi.
Nếu nói là trả Nghiệp thì cái nghiệp này do chính tôi gây ra, chẳng oan uổng tí
nào. Thầm nghĩ lại quá khứ, tôi tiếc rẻ người vợ Đức, dù sao nàng cũng đi chung
với tôi trên một quãng đường khá dài, có chung với tôi những đứa con xinh đẹp.
Không có nàng làm sao tôi thành công lớn trên con đường sự nghiệp trên xứ
người. Tôi đã đối xử với nàng như thế nào để nàng phải thốt lên câu Ngấy anh
đến tận cần cổ, rồi phủi áo ra đi.
Tôi tiếc luôn cho mối tình thứ hai, tuy nàng có vài điểm hơi cực đoan làm tôi
không được thoải mái. Nhưng dầu sao nàng vẫn thích nghi với cuộc sống bên xứ
người hơn con vợ Ma Nữ của tôi.
Con người tôi bên ngoài xem hùng hùng hổ hổ như thế chứ bên trong lại mềm như
bún, thuộc loại Già Dái Non Hột như các cụ vẫn thường ví von. Từ thuở bé đóng
vai cậu ấm được cả nhà nuông chiều, nên tôi không chịu được khổ đau, chỉ hơi
một tí khó khăn là giẫy nẩy kiểu Nhà giàu đứt tay như Ăn mày đổ ruột.
Lần này bị mấy cú như trời giáng tôi có hơi thức tỉnh, nhưng có lẽ đã muộn màng
hết cả rồi, khi nàng báo tin mừng tôi sắp được làm cha.
Nên buồn hay vui đây ? Vui vì bằng tuổi này vẫn có một thằng nhóc hay con lõi
tỳ gọi mình bằng Bố, nhỡ sau này có đi ăn mày cũng có một nhóc tỳ xách bị đi
theo. Buồn vì thấy tương lai mình còn đen hơn mõm chó nữa.
Đáng lẽ với tuổi này tôi sẽ đi ngao du sơn thủy, làm bạn với gió trăng, tự do
bay nhảy về Việt nam vờn những đóa hoa hàm tiếu. Ai ngờ, tôi như một Chúa Sơn
Lâm đã chui đầu vào rọ nằm than câu:
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ.
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh Sơn Lâm, bóng cả cây già.
Chúa Sơn Lâm đầu mọc sừng, ngồi ôm con cho vợ sang Đông Âu vui đùa với trai
trẻ.
Chưa đủ nhục hay sao, lũ con lai của tôi lại nhẩy vào đánh hôi nữa. Chúng đem
cháu nội, cháu ngoại của tôi đến nhà cho Bố trông dùm. Vẫn giọng khinh khỉnh cậu
con trai tôi bảo Đằng nào bố cũng trông con nít, thôi để cho cậu cháu nó bò
chơi với nhau cho vui.
Tại sao con người lại sợ chết ? Trong trường hợp của tôi có lẽ cái chết là một
sự giải thoát tốt đẹp nhất. Nhưng chết làm sao được, khi thằng bé khóc đòi ăn,
ị đầy một bịch tã như thế. Tôi phải sống để trả nợ chứ, ai cho phép tôi quịt
nợ.
Tôi nhớ đến câu chuyện ngày xưa mẹ tôi hay kể về cái nợ giữa cha và con như
sau. Hôm đó Diêm Vương đang xử một vụ kiện thật gay cấn, chủ nợ và con nợ khiếu
nại ầm ỹ.
Chủ nợ mặt đỏ tía tai nói : Tâu Diêm Vương ! Thằng cha kia lúc sinh tiền
thiếu nợ con số tiền lớn. Con bắt nó ở đợ trừ tiền, ai dè số nó chết yểu, mong
ngài nghĩ cách cho nó trả đủ cho con.
Diêm Vương vuốt râu gật gù : À ! Ta cho nó đầu thai làm thân trâu
ngựa để kéo cầy trả nợ cho ngươi.
Chủ nợ phản đối : Thưa ngài, thời buổi này người ta dùng máy cày, trâu bò
chỉ làm cảnh bắt con nuôi thêm mệt.
Diêm Vương gãi đầu : Vậy ta cho nó làm đầy tớ phục vụ cho nhà
ngươi, chịu chưa ?
Chủ nợ vẫn lắc đầu ngoay ngoẩy : Dạ bẩm ngài không được, xã hội
chủ nghĩa không cho phép nuôi đầy tớ, cho nó vào sẽ bị đấu tố con sợ lắm.
Diêm Vương vò đầu bứt tai một giây lát rồi vỗ đùi cái đét, reo to : Ta
tìm ra rồi ! Ta sẽ cho nhà ngươi làm Con của nó. Thật tuyệt !
Chủ nợ ú ớ mặt ngẩn tò te chẳng hiểu gì cả.
Diêm Vương ôn tồn giải thích :
Nếu ta cho nó làm thân trâu ngựa trả nợ cho mày thì cũng chỉ năm mười năm
là dứt nợ. Nhưng nó là Bố mày, đẻ ra mày phải nuôi đến bao nhiêu năm cũng chưa
đủ, lại còn phải nuôi cả con cả cháu cho mày nữa. Cho đến lúc chết vẫn chưa
thôi.
Câu chuyện tuy hoang đường giả tưởng, nhưng nói lên đúng tâm trạng của tôi
trong lúc này. Khi ta ở vào Bước Đường Cùng, ta sẽ tìm cách vùng lên cho đời
bớt khổ. Tôi theo chân các bạn bè đến Thiền Đường tham dự những khóa tu, hy
vọng Phật Pháp nhiệm mầu sẽ giúp tôi thoát vòng tục lụy.
Nếu bây giờ tôi dứt sạch lòng trần, muốn xuất gia đầu Phật cũng chẳng Chùa nào
chịu thu nhận những đệ tử quá Đát như tôi. Trên năm mươi đã xem như vô vọng,
còn gần lục tuần như tôi chỉ Viện Dưỡng Lão mới dám đoái hoài.
Để kết thúc câu chuyện thương tâm của đời tôi, xin được dùng lại hai câu thơ
của một vị thiền sư nào đó trong phần mở đầu :
Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng.
Được mất bại thành, bỗng chốc hóa hư không.