Ông Việt Nam bị ICE tạm giam chờ trục xuất sắp được tự do
Sep 27, 2020
Cát Linh/Người Việt
SAN BERNARDINO, California (NV) –
Ông Tín Nguyễn, người tù gốc Việt bị cảnh sát di trú (ICE) bắt giam chờ ngày trục
xuất về Việt Nam, sẽ được trả tự do vào Thứ Hai, 28 Tháng Chín, theo gia đình
và bạn bè của ông nói với phóng viên nhật báo Người Việt sáng Thứ Bảy, 26 Tháng
Chín.
Ông Tín Nguyễn và mẹ là bà Lê Thị Cúc tại lễ tốt nghiệp chương
trình huấn luyện chó làm liệu pháp chữa bệnh năm 2018. (Hình: VietRise)
Ông Tín từng bị tù chung thân, nhưng
đêm Giáng Sinh năm 2018, Thống Ðốc Jerry Brown (Dân Chủ) của California giảm án
cho ông. Một năm sau, ông Tín được thả ra khỏi nhà tù ở Lancaster, California.
Tuy nhiên, ngay lúc đó, ông bị ICE chở
thẳng đến trại tạm giam Adelanto ICE Processing Center, San Bernardino, chờ
ngày làm thủ tục.
Từ trại giam Adelanto đến đại học Cal
State Los Angeles
“Anh Tín sẽ được ra khỏi trại tạm giam
vào ngày Thứ Hai, 28 Tháng Chín và ở tại Cavanagh Hall, gần đại học Cal State
Los Angeles, để tiếp tục hoàn thành bằng cử nhân của anh ấy,” từ Arizona, cô
Thúy Nguyễn, em gái của ông Tín, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.
Ông Daniel Whitlow, người sẽ là bạn
cùng phòng với ông Tín cũng xác nhận điều này với nhật báo Người Việt qua điện
thoại.
“Tôi nhận được tin từ một nhóm những
người bạn tù đã được tự do. Thêm nữa, Giáo Sư Taffany Lim của Cal State Los
Angeles và là giám đốc của Cavanagh Hall, cho tôi biết chuyện này. Bà cho biết
Tín sẽ là bạn cùng phòng với tôi. Tôi cũng như Tín, tôi từng ngồi tù 20 năm.
Tôi rất xúc động khi giờ đây, tôi và Tín sẽ là sinh viên cùng khóa học, bạn
cùng phòng ở Cavanagh Hall.”
“Trái tim tôi như vỡ ra khi nghe tin
này từ những người bạn tù,” ông Irv Relova, người bạn thân duy nhất của ông Tín
Nguyễn trong thời gian 20 năm tù ở Lancaster, nói với nhật báo Người Việt.
Theo lời cô Thúy Nguyễn, anh trai của
cô sẽ ở tại Cavanagh Hall trong khoảng chín tháng để vừa học, vừa làm. Mỗi tuần,
ông Tín sẽ được về nhà hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật.
“Cavanagh Hall sát cạnh của Cal State
Los Angeles. Anh Tín có thể đi xe đạp hoặc đi bộ đến trường. Gia đình tôi vô
cùng hạnh phúc, vui nhất là mẹ của chúng tôi. Bà đã chờ 20 năm rồi,” cô Thúy
nói.
Ông Tín Nguyễn và mẹ trong thời gian mới qua Mỹ. (Hình: Gia đình
cung cấp)
Những tháng ngày bị bắt nạt và… 20 năm
tù
“Tín ngồi tù 20 năm rồi. Tín không có
ai bên Việt Nam. Tín không biết đọc, không biết viết tiếng Việt. Tín sẽ không
có việc làm, không có gì bên đó. Xin đừng trục xuất Tín về Việt Nam, hãy cho
Tín một cơ hội được về với gia đình, với cộng đồng,” ông Tín Nguyễn nói với
phóng viên nhật báo Người Việt, qua điện thoại gọi từ trại tạm giam ra ngoài
vài ngày trước.
Ông nói tiếp: “Tín muốn được tiếp tục
hoàn thành khóa học nuôi dạy chó, muốn được bên cạnh người thân, muốn làm nhiều
việc có ích.”
Ông Tín diễn đạt thật nhanh qua điện
thoại, bằng hai thứ ngôn ngữ Anh-Việt “trộn lẫn vào nhau,” để rồi sau đó ông phải
nói thêm: “Tín xin lỗi vì tiếng Việt của Tín không giỏi.”
Gia đình ông Tín Nguyễn là những thuyền
nhân đến Mỹ năm 1979, khi ông mới 6 tuổi.
Những năm kế tiếp ở thành phố Pomona,
ông và các anh chị em trong nhà phải hòa nhập vào cuộc sống Mỹ, nền giáo dục Mỹ.
Tiếng Anh chưa rành, tiếng Việt cũng
không chuẩn làm cho cho cậu học sinh gốc Việt duy nhất trong lớp trở thành “tầm
ngắm” của bạn bè.
Điều đó tạo ra một bức tường lạnh
lùng, vô hình giữa ông và những người bạn trong lớp, ngăn cản cả con đường vào
thế giới thiếu niên vốn có nhiều mơ ước.
Cô Thúy Nguyễn kể lại: “Lúc đó tôi
cũng còn nhỏ lắm, tôi cũng bị như anh Tín, bị chọc, bị ăn hiếp, bị kỳ thị. Tôi
là con gái nên yếu ớt, chỉ biết về nhà khóc. Anh Tín mạnh mẽ hơn, anh phản ứng
lại. Ai ăn hiếp, có thái độ kỳ thị là anh chống trả lại.”
Bị ăn hiếp, bị kỳ thị chỉ là một lý do
để từ một cậu học sinh trung học hiền lành, dễ gần gũi, Tín Nguyễn “gia nhập”
các băng đảng gốc Việt, một ở Ponoma và một ở Los Angeles sau đó.
Ông Tín Nguyễn và em trai những ngày mới đến Mỹ. (Hình: Gia đình
cung cấp)
Cô Thúy Nguyễn kể tiếp về “ngã rẽ cuộc
đời” của anh trai mình: “Gia đình lúc đó rất nghèo. Ba mẹ lo đi làm. Anh Tín
khi đi học thì bị ăn hiếp, bị kỳ thị. Tôi có hai anh trai khác lúc đó cũng ham
đi chơi nên về nhà luôn bị ba tôi la mắng.”
“Thời gian đó, đến trường thì vậy, về
nhà thì vậy, nên khi gặp những người bạn không tốt, anh Tín dễ dàng đi theo họ.
Những băng đảng đó làm cho anh Tín thấy rằng anh trở nên mạnh mẽ hơn, tự bảo vệ
được mình,” cô Thúy kể tiếp về con đường lầm lỡ của người anh mà cô vô cùng
thương yêu, lớn hơn cô chỉ một tuổi.
Mong muốn “mạnh mẽ để tự bảo vệ mình”
đó đã đưa Tín Nguyễn đến sai lầm chết người.
Năm 1996, ông tham gia một vụ cướp của
giết người, trở thành tội phạm nhận án tù chung thân không có cơ hội xét tha sớm.
Thuật lại những lời của anh mình khi kể
ở trong tù, cô Thúy cho biết: “Sự việc lúc đó, theo lời anh Tín, diễn ra rất
nhanh. Anh Tín và những thành viên băng đảng rất hoảng sợ lúc đó, họ không tự
chủ được chính họ. Có nhiều người cùng cầm cây súng đó và cuối cùng không biết
ai là người bóp cò. Nhưng sự thật là anh Tín có cầm cây súng ấy. Anh chấp nhận
hình phạt.”
Ngày nghe phán quyết của tòaà, lần cuối
cùng trước khi bị đưa ra khỏi phòng xử, ông Tín chỉ quay lại nhìn ba mẹ, anh chị
em ngồi bên dưới, lắc đầu và bước đi.
Những ngày tháng trả giá cho sai lầm bắt
đầu từ đó. Nhưng, nó cũng chính là khoảng thời gian ông Tín Nguyễn tìm được câu
trả lời “Tôi là ai?”
Ông Tín Nguyễn hồi mới sang Mỹ. (Hình: Gia đình cung cấp)
Tìm lại được chính mình nhờ con chó
“điên”
Đối với ông Irv Relova ông Tín Nguyễn
là một người có “trái tim ấm áp.”
Trong thời gian ở Lancaster, ông Tín kể
cho ông Relova nghe về tuổi thơ của mình, về những ngày mình bị bắt nạt, bị kỳ
thị, về sai lầm chết người mà ông đang trả giá.
“Thời gian đầu tiên biết Tín, những
câu chuyện của anh ấy cho tôi thấy Tín luôn bị câu hỏi ‘Mình là ai?’ dằn vặt.
Anh ấy kể về thời gian lớn lên trong môi trường không biết diễn đạt bằng tiếng
Việt và cũng không nói được tiếng Anh. Anh ấy nói ‘họ cười tôi, chọc ghẹo, rượt
đuổi tôi.’ Những lúc đó, tôi nhìn thấy một ‘trận chiến lớn’ trong ký ức của
Tín,” ông Relova nói.
Có một câu hỏi mà Tín Nguyễn luôn hỏi
ông Relova: “Anh có tin là tôi sẽ chết ở trong tù không?”
Câu trả lời của ông Relova là: “Tôi
không muốn nghĩ gì hết, và tôi cũng không muốn anh như thế. Hãy sống đúng cuộc
sống hiện tại, với lời hứa danh dự sẽ sống đàng hoàng.”
Thế rồi, nhiều năm sau đó, ông Tín
Nguyễn tìm được câu trả lời cho mình.
Người cho ông câu trả lời là một… con
chó “điên” nhất trong một bầy chó.
San Bernadino có một chương trình huấn
luyện chó cho các tù nhân nào muốn ghi danh. Và cuộc đời của ông Tín Nguyễn
thay đổi từ chương trình đó.
Cô Thúy Nguyễn kể lại câu chuyện kỳ lạ
này.
“Anh Tín kể hôm đó, anh và nhiều tù
nhân khác đứng xếp hàng. Nhà tù dẫn ra một đàn chó để họ chọn. Có một con chó
được coi là hung dữ nhất và ‘điên’ nhất, nó nhìn anh Tín, anh Tín nhìn lại đó, bỗng
nhiên ánh mắt của nó trở nên hiền hẳn. Nó tự đi đến bên cạnh anh Tín,” cô Thúy
kể.
Không biết đó là thông điệp gì, ngôn
ngữ gì, chỉ biết rằng từ khoảnh khắc đó, ông Tín Nguyễn biết “mình phải làm
gì.”
“Anh nói con chó đó đã thay đổi anh,”
cô Thúy nói.
Ông Irv Relova cũng không tìm được câu
trả lời cho sự thay đổi của người bạn mình.
Ông chỉ biết rằng, sau này, Tín không
bao giờ hỏi ông câu “anh có tin là tôi sẽ chết trong tù không?” lần nào nữa.
“Anh ấy thay đổi hoàn toàn. Không bao
lâu nữa anh ấy sẽ tốt nghiệp cử nhân, làm công việc anh ấy mơ ước. Tín đã tìm
được chính mình,” ông Relova nói với giọng xúc động.
Ông Irv Relova (phải), người bạn thân duy nhất của ông Tín Nguyễn
trong thời gian 20 năm tù ở Lancaster. (Hình: Facebook Irv Relova)
Vận động của cộng đồng và các dân cử
Hôm Thứ Tư, 16 Tháng Chín, một ngày
sau khi luật sư nộp đơn lên tòa án liên bang kêu gọi trả tự do cho ông Tín, gia
đình và người ủng hộ ông, trong đó có Nghị Viên Vicente Sarmiento của Santa Ana
và đại diện hai dân cử liên bang, biểu tình bên ngoài văn phòng Sở Di Trú ở
Santa Ana để gây chú ý cho hoàn cảnh ông Tín. Họ cho rằng việc ông Tín bị giam
giữ vừa vi hiến vừa vi phạm thỏa thuận giữa Việt Nam với Hoa Kỳ được ký kết hồi
năm 2008, theo đó, những công dân Việt Nam sang Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy,
1995, ngày mà hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
Hai dân cử liên bang ủng hộ trả tự do
cho ông Tín là Dân Biểu Lou Correa (Dân Chủ-Địa Hạt 46) và Dân Biểu Alan
Lowenthal (Dân Chủ-Địa Hạt 47).
“Chúng tôi kêu gọi các giới chức dân cử,
người dân nói chung và người Mỹ gốc Việt ở Orange County nói riêng, hãy hành động
để một người tị nạn gốc Việt không bị trục xuất,” bà Allison Võ, đại diện
VietRise, tổ chức đấu tranh vì công bằng xã hội ở Orange County, cho hay.
Khi được hỏi về những mong muốn sẽ thực
hiện nếu được trả tự do và không bị trục xuất về Việt Nam, ông Tín nói: “Tín muốn
được nói chuyện với những người trẻ để họ đừng sai lầm như Tín. Tín sẽ trở
thành người huấn luyện chó giỏi.”
Sáng Thứ Hai này, gia đình ông Tín
Nguyễn sẽ đón ông ở trại tạm giam và đưa ông về Cavanagh Hall.
Tại đây, ông sẽ tiếp tục hoàn thành mơ
ước của mình.
Hơn thế nữa, một thế giới mới, một cuộc
đời mới đang chờ ông phía trước. [đ.d.]