Thursday, March 29, 2018

MƯA CUỐI ĐÔNG (Diệp Thế Hùng)



MƯA CUỐI ĐÔNG
Trong một tình yêu mãnh liệt, những gì xảy ra giữa hai người đều
rất mãnh liệt : yêu nhau mãnh liệt, dằn vặt nhau mãnh liệt, ghen
tuông mãnh liệt, … Nhiều khi một chút gì đó cũng gây ra bão tố.
Những bão tố ấy chỉ là những bão tố trong một chén nước, như
người Pháp nói (tempête dans un verre d’eau). Đôi khi một bất
đồng xảy ra mãnh liệt đến độ hai người nghĩ là tình yêu đã tan vỡ.
Nhưng chỉ vài giờ sau là họ lại yêu nhau đắm đuối, âu yếm nhau,
làm tất cả những gì mà hai người yêu nhau làm.
Bài thơ dưới đây diễn tả nỗi tuyệt vọng lúc tình yêu tưởng như là
đã tan vỡ. Bài thơ này là một tấm ảnh chụp cái cảm giác của lúc
tuyệt vọng ấy. Mặc dù chỉ vài giờ sau, tình yêu trở lại còn mãnh
liệt hơn, nhưng tấm ảnh đã chụp rồi, không thể làm photoshop
được.  Xin chia sẻ với các bạn cái photo ấy.

MƯA CUỐI ĐÔNG


Mưa cuối đông, mưa dầm sau cơn bão
Tiếng mưa rơi làm xao động lòng tôi
Nghe chăng em, từ xứ ấy xa xôi
Tiếng gào thét liên hồi niềm nhung nhớ?


Tôi nhớ em những khi trời mưa gió
Mưa ngoài trời, mưa nhỏ giọt vào tim
Mưa vẫn rơi, nhìn vạn vật đắm chìm
Trong màu trắng tôi tìm em tuyệt vọng
Thôi còn đâu mùa xuân đầy mơ mộng
Thôi hết rồi mùa hạ ngóng chờ em
Tình mùa thu như lá rụng bên thềm
Rồi đông đến, một đêm tình tan vỡ
Mưa cuối đông khóc cuộc tình lỡ dở
Em đi rồi, nhung nhớ vẫn còn đây
Thôi xuân ơi, xin đừng đến năm này
Đừng gợi lại phút giây đầu gặp gỡ.
Diệp Thế Hùng (23/03/2018).

DÒNG SÔNG THƠ TRẺ (Nguyên Đạt)

 Dòng Sông Thơ Trẻ  
                                                       Tự Truyện-Nguyên Đạt



   Quãng đời ấu thơ và tuổi lớn của tôi đã trải qua ở một làng chài nằm dọc theo bờ phá Tam Giang. Đó là một ngôi làng nhỏ, rất nhỏ, nếu đi bộ từ đầu làng tới cuối làng cũng chưa đầy mươi phút. Nguyên thủy nó gồm có hai ấp: An Cư và An Lạc, sau gộp chung lại thành một cái lên làng: Cư Lạc.

“An cư, lạc nghiệp” là ước muốn muôn đời của tất thảy mọi người nói chung, riêng đối với làng tôi thì đó lại là một ước muốn thiết thân, bởi lẽ hầu hết nơi đây toàn là dân ngụ cư từ nhiều phương rất xa tụ đến. Ngay như dòng họ nhà tôi gốc gác cũng đâu tận vùng Đất Đỏ xa xôi ngoài Quảng Trị du cư vào khoảng mấy chục năm nay. Cũng vì sinh sau đẻ muộn, lại gặp thời buổi loạn ly nên làng tôi là làng duy nhất trong toàn xã chưa được nhà Vua công nhận sắc phong.

Cha mẹ tôi phần lớn thời gian theo nước sông hồ đi buôn bán khắp nơi ở những phiên chợ định kỳ nên tôi được ông bà nội lãnh phần nuôi dạy. Cứ thế, tôi lớn dần lên với năm tháng bên cạnh bàn tay chăm sóc từ ái của hai ông bà. Thông qua nội, những tên đất, tên người, tên làng, tên nước, tôi đã thuộc nằm lòng trước khi làm quen với bài học đầu tiên để biết đọc, biết viết những cái tên đó trong các tập Sử ký, Địa lý... Mãi tới giờ, trong ký ức tôi vẫn còn đọng lại đậm nét những câu ca dao thấm hoài nỗi nhớ:

Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ 
Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…

Khi đọc tới đây, nội bỗng nhiên bảo tôi dừng lại, rồi hỏi:      
-Này! Cháu của ông có biết phá Tam Giang nằm ở mô không?
-Dạ... Thưa ông. Chắc là xa lắm nội hí?
-Không xa mô cháu ạ. Đó là cái Rào mà cháu và bạn bè thường hay tắm táp, nô đùa trững giỡn hằng ngày ấy mà.
-“Ô! Té ra”... Tôi reo lên ngạc nhiên. Bấy giờ mới biết cái Rào còn có một tên gọi khác. Nhưng rồi thắc mắc:
-Ông à! Cháu thấy cái Rào cạn xợt, có nguy hiểm chi mô mà người ta sợ dữ rứa?
-Ngày trước nó khác lắm cháu à. Ông nội nói: -Hồi đó thường có những con thuồng luồng quậy phá, đánh chìm ghe thuyền cướp đi sinh mạng, tài sản của rất nhiều người và...
Vậy là tôi được ông kể cho nghe câu chuyện cổ tích về cuộc chiến đấu gian khổ của ông bà tổ tiên để diệt trừ cái mầm họa chung; nhờ thế, con cháu sau này mới được an tâm đánh bắt cá tôm, không còn e ngại gió to sóng cả nữa.

Kho tàng cổ tích của nội nhiều vô kể, cứ như ông để sẵn đâu đó trong túi, gặp lúc cần là lấy ra ngay. Từ những câu chuyện cổ tích đó, ông thường liên hệ với thực tại, dạy cho tôi biết cần phải ăn ở sao cho phải đạo làm người. Đó là con người sống ở đời phải có nghĩa, có nhân, có lễ, có tín…v v…và…vv… 
Một lần, gặp lúc thấy ông vui, tôi thủ thỉ hỏi:
-Nội ơi! Nội kiếm mô ra lắm chuyện cổ tích rứa?
Ông chăm chú nhìn tôi một đỗi, hiền từ mỉm cười có phần đắc ý rồi lập tức kéo tôi trèo lên căn gác lửng mà lâu nay chỉ mình ông độc chiếm, lui cui lấy ở tủ ra những tập sách dày cộm, lật từng trang, chỉ vào đó và bảo:
-Tất cả ở trong ni nì. Cháu muốn biết không?
-Nhưng... Cháu... Cháu đâu biết đọc được như ông? Tôi phụng phịu nói, và nội từ tốn giải thích:
-Muốn biết đọc phải học chữ. Khi biết chữ rồi thì cháu tha hồ mà tìm hiểu, sẽ biết vô khối chuyện cho mà coi. Nào. Bây giờ ông cháu mình cùng học nhé!

Tôi bắt đầu làm quen với mẫu tự A, B, C như thế đấy. Hồi đó, trường Huyện quá xa, nội được tiếng có chút chữ nghĩa trong làng nên bà con nhân đó gởi con cháu tới nhờ ông dạy bảo luôn. Tôi nhớ, vốn liếng của nội độc chỉ có quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư để dạy lũ trẻ tập đọc-tập chép, còn làm toán và tập viết thì ông cứ tùy nghi phóng bút vào vở học trò; vậy mà khi đủ tuổi nhập vào lớp Ba trường huyện, cả bọn học hành cũng giỏi dang chẳng kém cạnh chi ai.

Nội vốn rất mê truyện Tàu, ông thường kè kè một quyển sách bên mình, hễ có dịp rổi rãi là cắm cúi mở ra đọc, nhằm đến hồi cao hứng, ông vuốt râu, dững mày đi một đường “Hành Vân Tẫu Mã” gọn bân, mặc cho lũ đệ tử đang chúi mũi chúi lái ê a học bài ngưng cả lại, há hốc mồm nhìn ông kinh ngạc.

… Vào một buổi trưa hè, nội đang nằm lơ mơ trên tấm phản gỗ, bỗng như chợt nhớ ra chuyện gì, liền nhỏm dậy, bước tới chỗ chiếc tráp kê ở đầu giường phía sau buồng ngủ lục lọi hồi lâu rồi lôi ra một chiếc kèn loe bóng loáng; sau đó, từ tốn quay trở lại, leo lên phản, hai chân xấp bàn, sửa soạn lệ bộ, khi tư thế đã hoàn toàn thẳng thớm mới trịnh trọng đưa chiếc kèn lên miệng thổi; tức thì một tràng âm thanh thê thiết trổi lên, khi thì dịu dàng uyển chuyển, có lúc lại bi tráng trầm hùng như có một đạo quân đang rầm rập phi mình trên lưng ngựa, ầm ào chiến đấu khiến tôi sững người, đứng như trời trồng, mê mẩn lắng nghe chẳng rời nửa bước. Hỗng biết tự bao giờ, bà con chòm xóm kéo tới lớp trong lớp ngoài say mê theo dõi. Cao hứng, ông thổi luôn một mạch bốn năm bài mới nghỉ.

Sự phát hiện này làm tôi nổi lên một đam mê bức thiết; vậy là suốt ngày hôm sau cứ lẽo đẽo theo sát đít nội, nằn nì ông dạy cho mình thổi kèn. Sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ, ông thủng thỉnh đứng dậy bước ra vườn cắt một ống đu đủ, múc tô nước thật đầy để ngay trước mặt tôi, bảo:
-Muốn sử dụng chiếc kèn loe này để thổi cho tròn một bài nhạc thì cháu phải biết lấy hơi vòng từ mũi xuống miệng suốt từ đầu tới cuối không được ngắt khúc giữa chừng. Bây giờ cháu hãy quan sát ông làm nhé!
Nói xong, ông từ từ đút ống đu đủ vào tô nước rồi phùng mang thổi. Lạ thay, hơn phút rưỡi trôi qua mà bọt nước trong tô vẫn liên tục sủi lên đều đặn không ngưng nghỉ.Đưa ống đu đủ cho tôi, ông nghiêm nghị nhìn và bảo:
-Cháu hãy bắt đầu đi, khi nào được như ông thì mới thực hành trên chiếc kèn loe này được.
Suốt một tuần khổ nhọc vật lộn với ống đu đủ cùng tô nước vẫn không sao làm được như nội, tôi thất vọng quá chừng. Thấy cháu buồn, ông dịu dàng an ủi:
-Không phải bất cứ điều gì mình muốn làm là được ngay đâu. “Có công mài sắt, có ngày nên kim” cháu ạ. Thôi, để đó rồi hạ hồi phân giải, bây giờ ông cháu mình chơi món khác đi.
Chiều hôm sau, ông cho tôi thay đồ mới rồi cả hai dẫn nhau lội bộ cả chục cây số lên tận xã trên, tìm nhà người quen, kiếm cho được cây trúc già vàng ngàu rỗng ruột, đem về, phơi nắng mấy ngày vừa đủ khô. Thêm một buổi lấy que sắt nung nóng dùi lỗ và chuốt gọt, đánh bóng nữa là hai ông cháu có trên tay mỗi người một ống sáo bóng rạnh.

Dưới ánh trăng thượng tuần còn mờ nhạt chưa đủ soi rõ mặt người vào tối mùa hè oi ả đêm ấy… Nội và tôi trải chiếu giữa chiếc sân đất trước nhà, say mê luyện tập bài sáo đầu tiên: “U liêu xề cống liêu”. Ông xướng lên và tôi đọc theo: U xang u, liêu cống liêu xề. Cống liêu cống, xê xàng xự xàng xê... Quá nửa đêm một chút thì tôi đã hoàn thành xong bài sáo nhập môn "Kim tiền-Lưu thủy". Từ đấy, tôi quên phéng luôn chiếc kèn loe với tô nước đầy, sôi tràn bọt sóng.

… Năm tháng đi qua, dòng đời đẩy đưa làm cho tôi mỗi lúc càng xa ngái làng quê có người ông yêu dấu. Tôi đã trải qua không biết bao thăng trầm chìm nổi, nếm đủ cả đắng cay lẫn cả ngọt bùi; nhưng những năm tháng đáng nhớ nhất trong đời tôi vẫn là những tháng ngày êm ả bên người ông yêu dấu. Tôi đã từng làm người thổi sáo rong, đi bán sáo dạo, nay ở đầu đường, mai ở cuối chợ, chủ nhật thì với một túi sáo đầy lưng, đem tiếng sáo mua vui kiếm tiền độ nhật. Rồi một ngày, tôi chợt nhớ ra cái nguyên tắc mà nội đã truyền thụ hồi xưa khi làm ống sáo ban đầu. Tôi mày mò nghiên cứu, chế ra đủ các loại sáo ngang, sáo dọc, ống địch, ống thiều…

Bây giờ tôi đã có một cơ ngơi nho nhỏ bán đầy đủ các loại nhạc cụ dân tộc do công xưởng tại gia làm ra: “Cháu ơi! Đừng bao giờ nản lòng. Cháu phải biết ước mơ, và điều quan trọng là cháu phải có quyết tâm thực hiện ước mơ đó". Tôi đã làm theo lời khuyên của nội và đã có chút thành đạt trong cuộc sống. Đó cũng là nhờ may mắn được bảo bọc trong chiếc nôi đầu đời có vòng tay bao dung chăm chút của nội, quyện hòa với những huyền thoại ngọt ngào bên Dòng Sông Thơ Trẻ…

LỚN MÃI TRONG LỜI MẸ RU (Xuân Mai)

LỚN MÃI TRONG LỜI MẸ RU
Image result for mẹ ru con




Trong làng giếng nước còn trong
Cây đa bóng mát dòng sông con đò
Ruộng đồng lúa chín vàng tơ
Hương thơm bát ngát cánh cò lượn bay


Con mương ruộng cả ao đầy
Bồ nông cái vạc bóng cây ngô đồng
Mẹ tôi tay gánh tay gồng
Bờ vai trĩu nặng áo sồng sờn vai


Trên đê bước nhỏ đường dài
Nón mê quày quải sớm mai nhọc nhằn
Tảo tần quang gánh chạy quanh
Mồ hôi nhỏ giọt đồng lần kiếm cơm


Mẹ già nuôi lấy đàn con
Thân cò lặn lội gió sương miệt mài
Ru con say giấc mộng dài
Võng đưa kẽo kẹt trăng ngoài mái hiên


Tiếng chày giã gạo trong đêm
Nỉ non tiếng dế bên thềm râm ran
Canh khuya ngắm mảnh trăng tàn
Đèn khêu hai ngọn mênh mang nỗi sầu


Mẹ hiền trong cánh áo nâu
Chắt chiu mũi chỉ đường khâu đã nhiều
Đường quê bóng mẹ liêu xiêu
Cây đa bến nước cánh diều lửng lơ


Con sông ruộng lúa đôi bờ
Nắng mưa quày quải bốn mùa gió sương
Cây hoa gạo đỏ bên đường
Tình quê da diết sầu thương chín chiều


Mẹ ơi con mẹ đã yêu
Lời ru của Mẹ ngầm vào thịt sương
Quạt nồng hơi ấm tình thương
Bao la lòng mẹ nuôi con nên người


Ru hời trong tiếng à ơi
Mẹ ru con ngủ cho đời thênh thang
Trăm năm xoay giấc mộng vàng
Lời ru của mẹ âm vang trong lòng


Xuân Mai


LÊN ĐỈNH FANSIPAN (Mai Tâm)





TÔI TẬP YOGA (Tuyết Vân)

Tôi tập Yoga


Tuyết Vân

Tôi có gắng đi tập yoga ba lần trong tuần cho đáng với lệ phí tôi đã trả. Đi mà không thấy hứng khởi chút nào vì tôi vốn dĩ không chịu nổi yoga. Nó chậm làm sao. Nhưng đã bỏ tiền ra rồi mà không tận dụng thì cũng khờ quá.  Thời khoá biểu tập cũng thích hợp với thời gian của tôi. Thôi cũng không có lý do gì phải bỏ lớp cả.
Cũng như tất cả những học sinh trong lần đầu tới lớp tôi có hơi chút ngại ngần với buổi đi tập đầu tiên của mình. Tôi lựa chiếc quần jean stretch với chiếc áo T-shirt và đôi giày bata (sneakers). Mình có nên ăn cơm tối trước hay không? Nếu ăn thì sợ bị tức hông trong khi tập nhưng không ăn thì sợ phải bị đói. Tôi vốn xấu tính đói và cũng không muốn ăn quá trễ. Thôi cứ ăn trước đi. Tới tập rồi hẵn hay.
Vào giờ này bãi đậu xe tương đối không đầy lắm. Tôi có thói quen lúc nào đi đâu cũng tới sớm một chút cho dễ kiếm chổ đậu xe. Đã có nhiều người tới, người nhắm mắt tịnh tâm, người text, người nói chuyện. Tôi lấy chiếc chiếu và lựa chỗ ngồi sau hết. Nhớ khi còn đi học, lúc nào tôi cũng ngồi bàn đầu. Thường thì học sinh dở hay lựa bàn sau. Hôm nay tôi là học sinh dở đó.  Nhìn chung quanh thấy ai cũng mặc quần áo yoga. Bây giờ người ta làm nhiều màu sắc thật dễ thương chứ không hẵn là chiếc quần màu đen như trước đây. Áo thì hai lớp ngắn dài mix với nhau. Nhìn tôi chắc ai cũng phải biết tôi đi yoga lần đầu đây.
Người dạy yoga là một anh thanh niên trẻ với mái tóc dài và cột gọn kiểu đuôi gà (pony tail). Tôi ngồi sau lại nghe tiếng Anh không rõ hết nên cứ ú a ú ớ không biết anh bảo làm gì. Cuối cùng tôi cứ nhìn động tác của những người xung quanh và bắc chước làm theo. Hôm nay tôi mới biết bên Yoga cũng có những động tác theo hình tượng con vật như con mèo, con chó, hay con bò. Thì ra nó cũng tương tự như bên Taichi cũng đi theo những hình thể của động vật. Con người bắt chước con vật để dưỡng sinh. Khi người giảng viên hướng dẫn đến thế ngồi chồm hổm (squatting, Garlang pose) thì có nhiều tiếng rên, có cả tiếng cười khúc khích nữa. Đối với người mình thì ngồi chồm hổm dể làm. Ngồi chồm hổm để lặt rau, rửa rau, gói bánh chưng, bánh tét. Người Mỹ hình như không biết thế ngồi nầy. Đang tập bỗng dưng có một học viện ngã ngửa ra  làm cả lớp cười òa. Khi học xong ai cũng bảo nhờ có cái cười đó mà tự nhiên thấy relax lắm.
Bữa học đầu tiên đã qua, tôi mừng quá vì có cảm giác như mình vừa qua một cuộc thi. Thấy yoga chậm vậy chớ tập xong cũng toát mồ hôi. Ngày hôm sau tôi đi shopping kiếm mua cho mình chiếc quần yoga. Lúc nào cũng vậy, theo Murphy's Law, khi mình không cần nó thì nó hiện ra đầy dẫy, đến khi cần thì tìm không ra được. Mãi thật lâu tôi mới kiếm được chiếc quần vừa ý. Chiếc quần không chật lắm. Tôi thuộc tiếp người xưa, bận quần chật thấy kỳ cục lắm. Lưng quần lại đưa lên cao. Khi cuối xuống cho dù chiếc áo bị kéo lên cũng không thấy lưng được. Trên internet không biết bao nhiêu là hình chọc cười những người bận quần yoga chật khi đang tập.
Hai ngày sau tôi trở lại lớp với chút tự tin hơn. Vẫn ngồi dưới hàng cuối nhưng có cảm giác mình thuộc về nhóm này. Hôm nay hướng dẫn viên là một người khác và cách tập cũng khó hơn. Tôi lúng ta lúng túng nhìn qua lại để theo cách tập. Lúc thấy người ta gập người làm theo hình chú V ngược (downward facing dog) tôi vội vã làm theo. Mái tóc ngắn phủ ngược che cả mặt. Để biết chắc mình đang làm đúng tôi đưa mặt quay sang liếc nhìn bên phải thì cũng vừa đúng lúc người học viện nam cũng quay sang liếc nhìn tôi. À, thì ra anh này cũng đang học lóm như mình. Tôi thật buồn cười với ý nghĩ này. Núi cao lại có núi cao hơn. Người mới thì cũng có người mới hơn nữa.  Bài hôm nay khó hơn nhưng rồi cũng xong. Cái khỏe của Yoga là bạn cứ tập theo cơ thể của bạn cho phép. Không cong người xuống tới bàn chân thì cong người xuống tới đầu gối cũng được. 
Hai hôm sau tôi đi kiếm cho mình cái head band để tóm tóc lại cho gọn. Tóc tôi không dài để cột lên được nhưng cũng không ngắn theo kiểu demi-garcon. Tóc chỉ vừa đến tai. Mỗi khi cuối xuống tóc che cả mặt rất bất tiện. Tiện thể tôi kiểm mua cái chiếu yoga. Ở gym họ có nhiều chiếu yoga lắm nhưng nếu có riêng cho mình một cái vẫn hay hơn. À, cũng nên mua một cái khăn nhỏ để lau mồ hôi nữa. Tất cả những trang bị cho lớp học yoga của tôi không tới năm chục đô. Tôi đi yoga vào ngày thứ Ba và thứ Năm, để dành cái weekend cho gia đình. Những học viên đến đủ các lứa tuổi và đa số là đàn bà. Tới đây là để tìm cho mình một sự bình yên trong tâm hồn và thể chất.
Lớp học hôm nay tương đối nhiều người. Tôi vẫn ngồi hàng chót. Đã năm phút hơn nhưng người giảng viên vẫn chưa đến. Nhiều học sinh tự động tập những động tác cơ bản. Người khác vẫn ngồi nói chuyện hoặc text trên phone. Thình lình cánh cửa mở ra và người nhân viên làm việc ở gym thông báo với chúng tôi là cô giảng viên bị tai nạn trên xa lộ. Cô không sao, chỉ có chiếc xe bị hư hại nhiều. Chúng tôi nhìn với nhau ngạc nhiên trong sự khó tin được. Có một chút sâu lắng trong mỗi chúng tôi với lời cảm ơn rằng cô đã không sao. Trong mấy phút hoang mang đó, một học sinh tình nguyện để hướng dẫn chương trình. Chúng tôi hoan hỉ đón nhận lời đề nghị của anh.
Bài học diễn ra nhẹ nhàng, đều đặn. Không có tiếng nhạc chúng tôi nghe rõ từng hơi thở của nhau. Sau gần một tiếng đồng hồ bài học yoga chấm dứt. Không ai bảo với nhau mọi người cùng vỗ tay. Vỗ tay vì cảm ơn anh giảng viên tình nguyện; vỗ tay vì trong hoàn cảnh như vậy chúng tôi cũng đã làm xong bài học hôm nay. Anh giảng viên yêu cầu chúng tôi hãy cầu nguyện cho cô được mau trở lại bình thường.
Trong không khí buổi yoga hôm nay có lãng đãng tình người mà đôi khi với những bận rộn, lao xao của cuộc sống chúng ta không thấy được.

Tuyết Vân


MUỘN MÀNG (Huỳnh Xuân Sơn)

Muộn Màng...


Gọi đò những muốn đò thưa
Nào đâu ai muốn gió lùa vọng vang
Dòng sông chiều đổ sóng vàng
Đuổi nhau xa mãi...Đò sang ngại ngần


“Câu hò mái đẩy” Xa dần
Xưa đò cập bến tần ngần không sang
Để rồi duyên buộc thuyền nan
Mỏng manh nhẹ lướt theo làn sóng reo


Xuôi dòng “mát mái tay chèo”
Gặp khi nước cả thuyền neo bến người
Tơ hồng sao buộc chẻ đôi?
Dập dềnh từ đó nổi trôi xa nguồn


Chiều nay bến vắng sông buồn
Gọi đò nghe tiếng lòng buông rã rời
Thời gian vẫn lặng lẽ trôi
Làm sao níu lại...
Đò ơi!
Muộn màng!
Huỳnh Xuân Sơn.

Sài Gòn Xuân 2016

TÌNH YÊU MÙA HẠ (Diệu Lam)

TÌNH YÊU MÙA HẠ


Xin bấm vào hình dưới để thưởng thức một nhạc phẩm của Diệu Lam mang tựa đề “TÌNH YÊU MÙA HẠ” qua tiếng hát của Tâm Thư và được hòa âm bởi Đặng Vương Quân







TÌNH BẠN THẮM NỒNG (Thukỳ)


TÌNH BẠN THẮM NỒNG.

(Xin open album dười xem thêm hình đẹp, vì nặng quá không thể để nhiều được, sorry)
Căn nhà của Ken và Tuyết Hương trên đồi thơ mộng tại Los.


Tuyết Hương & Ken (gia chủ)



Ken đạp xích lô, haha mà giàu đến thế?! (khg có khách chở vợ đi chơi)
Làm sao tôi quên được cái ngày cuối khi chia tay vợ chồng Tuyết Hương với cõi lòng nặng như những chiếc vali mà Ken khệ nệ bỏ lên xe, rồi quay nhìn tôi và T. Hương còn ráng chụp mấy tấm ảnh sau cùng trước khi chia tay nhau trong bịn rịn:
Mai chị về em gửi gì không?
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong.
(“Kẻ Ở”, Quang Dũng)
Xuống xe tôi ôm T. Hương, rồi ôm lấy Ken.  Người tôi vốn dĩ mau nước mắt; nên dù cố dằn, vẫn không ngăn được dòng lệ tuôn ra như hồi con bé.  Thôi thì để cảm xúc của mình chảy theo, thay lời cám ơn vợ chồng nhỏ bạn; không nói nên lời, nhưng cả 3 đều rung cảm như nhau.

Nhớ ngày tồi đến phi trường, (thứ Năn ngày 22 tháng 2/2018) hai vợ chồng vui vẻ ra đón, dù máy bay bị trễ hơn 1 tiếng, phải vội về nhà để còn kịp dự tiệc tân niên của hội Nha Trang.
Hội Nha Trang với anh chị Ngô Phấn, Anna Thái & BS Phong

Tân Niên Phú Yên(ban hợp ca 14 con mèo)


Tân Niên Đức Trí với bao khuôn mặt thân yêu
Chưa có “bà già’ nào ham vui như tôi.  Dù phải ngồi phi cơ từ Navarre đến Dallas đợi cả tiếng đồng hồ rồi mới đến Cali trong gần một ngày trời mà không chợp mắt; và vừa đến nơi, chỉ kịp thay quần áo là đi dự tiệc liền, chắc chắn mặt mày tôi bơ phờ mệt mỏi, nhưng khi đến nơi gặp bao nhiêu người quen, trong đó có anh chị Ngô Phấn-Hồng Tố Phương, anh chị BS Trương Phong, người đẹp Anna Thái, và nhiều người quen khác, nhưng rất tiếc Thukỳ không nhớ hết tên: “bệnh già” xin lỗi nhé.  

Cái máu “ham dzui” nó bừng lên; và thay gì mệt,  tôi lại wậy từng bừng hoa lá, khi vui cũng không thấy đói, chỉ biết cười đùa thỏa thích.  Gần 2 giớ sáng mới về đến nhà (4 giờ sáng Navarre) quá giấc thật là khó ngủ.

Nhà cô bạn T. Hương đẹp như gia chủ vậy, căn nhà  nằm trên đồi cao thơ mộng dễ thương, khu sang trọng ở Los Angeles,  vườn rộng và nên thơ. Tôi mê quá sức chỉ muốn ngắm cảnh ở thung lủng thành phố về đêm thay vì ngủ, rất tiếc không biết làm thơ để tả cảnh trữ tình thơ mộng này.
Người đẹp Anna Thái đãi ở nhà hàng "Summer Roll"





Tuyết Hương, Tố Tuyết, Tố Phương, Anna Thái, Chị Khánh, Thukỳ & hai chàng Ngô Phấn & và anh Khánh Nguyễn.
Sáng hôm sau lại cũng chương trình dài cho ngày hôm đó, Anna Thái mời đãi ở nhà hàng “Summer Roll”;  cô nàng thấy Thukỳ, anh chị Ngô Phấn, Tố Tuyết, T. Hương và Ken  đói bụng nên kêu đủ món: bánh bèo, bún bò Huế, nem cuốn...quá nhiều món thật ngon và ăn mệt nghỉ.  Tình cảm của Anna đối với tụi này thật dễ thương và thân ái, Anna rất tốt với bạn bè, ai cũng yêu mến, lúc nào cô nàng cũng nở nụ cười tươi vui, thân thiện, đúng là đẹp cả người lẫn nết.  Đang ăn thì anh Khánh và BX đến; bận quá nên Thukỳ cũng không có dịp đi với anh chị, chỉ biết ôm nhau mừng rỡ và lại hẹn một dịp khác sẽ đến với anh chị sau.

Sáu đó Anna và T. Hương dẫn mấy chị em đi China Town mua áo xường xám cho Thukỳ để kịp buổi tối dự tiệc Tân Niên Đức Trí.

Tối nào cũng về trễ, nhưng sáng ra Ken cũng lo dậy sớm chở T. Hương và Thukỳ đi Phước Lộc Thọ để mua áo dài “cách tân” cho kịp tiệc Tân Niên Phú Yên vào buổi trưa thứ Bảy.



Sinh Nhật cháu gái của Tuyết Hương





Đại gia đình Tuyết Hương & Thukỳ được welcome là member mới, hihi
Ngày Chúa Nhật buổi trưa dự tiệc sinh nhật của cháu T. Hương, khá đông và vui vẻ, trong dịp này Thukỳ có dịp gặp hết người nhà của T. Hương, ai ai cũng thân thiện chào đón Thukỳ như một thành viên trong gia đình, thật cảm động.
Băng Đức Trí wậy nhất San Jose 



Hy vọng hổng "sập" cầu tháng nhà Tuyết Hương (vì chưa ăn)



Những người đẹp toàn là ca sĩ (trừ giọng mèo kêu của Thukỳ)
Buổi tối T. Hương đã mời hết bạn bè đến nhà để đãi tiệc.  Ngoài anh chị BS Phong, anh chị Ngô Phấn, Anna Thái, vài anh chị trong GĐ Tuyết Hương cùng thêm nhóm “wậy” Đức Trí đến từ San Jose mà thukỳ đã gặp hồi năm ngoái cũng tại nơi này, giờ nghe gặp lại là sợ muốn chết rồi các nàng ơi, đúng là các nàng này đã cho Thukỳ sống lại thời “nhất quỷ nhì ma”.

Nếu kể từng chi tiết của những ngày bên nhau tại nhà cô bạn T. Hương thì chắc đọc 3 ngày không hết, Thukỳ chỉ ghi vắn tắt những diễn biến, tình cảm nồng nàng sâu đậm mà vợ chồng T. Hương đã dành cho, nói cám ơn thì quá khách sáo, chỉ biết giữ mãi trong tâm hồn những tình cảm đậm sâu, và ghi nhớ mãi mãi, nhớ những ly cafe buổi sáng Ken pha thật ngon ngọt đậm đà như tình nghĩa chị em thân ái, hình như chưa có cafe nào ngon như cafe ở nhà Ken.

Hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau một ngày thật gần nơi bờ biển Navarre một lần nữa để vui đùa thỏa thích và hồn nhiên, Thukỳ chỉ biết khắc ghi vào hồn cho đến ngàn sau.  Cám ơn TÌNH BẠN THẮM NỒNG của Ken,T. Hương và Anna Thái  mãi mãi.

Thukỳ.
*** Xin bấm vào web chữ đỏ để xem thêm hình ảnh thật đẹp:


(Tình bạn Thắm Nồng)


(Xuân Đồng Hương PY)

(Tân Niên Đức Trí)



MẸ LẤY CHỒNG (Vũ Thị Huyền Trang)


MẸ LẤY CHỒNG
Vũ Thị Huyền Trang
Từ độ trong năm đã thấy mẹ nói gióng “sau tết mẹ lấy chồng”. Tưởng chỉ đùa vậy thôi hóa ra mẹ lấy thật. Nhẹ hều như chuyện chẳng có gì to tát. Như là mẹ qua sông đi chợ, như ba lô quần áo kia chỉ đủ để mẹ đi thăm bạn bè cũ vài ngày. Trước hôm theo chồng mẹ quét tước cửa nhà tinh tươm, hái nốt đợt chè xuân, lót sẵn ổ rơm cho mấy con gà mái.

Cây mai trước nhà vừa trổ nụ vừa rực vàng thay áo, chiều nào lá cũng tức tưởi rơi. Mẹ không nhớ đã nhặt nó ở đâu về trồng, không phải mai miền Nam cũng chẳng phải giống mai tứ quý. Giống mai gì kì lạ, năm nào cũng đỏng đảnh nở hoa sau tết, vàng rực một màu trong nền lá non đỏ lịm. Mẹ tiếc mãi hoa không kịp nở, nên trước lúc ngồi sau xe người ta trôi đi mẹ đã hái vài nụ mai nhét vội trong ba lô quần áo. Tôi đứng đó nhìn theo, trong cổ họng vẫn còn vị tanh của canh cá nấu khế vườn nhà. Bữa cơm đạm bạc tiễn mẹ về nhà chồng chỉ có rổ rau má, canh cá và đĩa tép khô. Thịt thà mẹ không ham, mấy thứ đó lúc nào muốn chả có. Lấy chồng về phố, mẹ chưa gì đã thấy thương mình những ngày tháng xa quê…

Mẹ lấy chồng lần này là lần thứ tư. Cả bốn lần tôi đều có may mắn được hiện diện trong ngày trọng đại. Lần thứ nhất tôi hân hoan núp sau lớp áo lụa trắng đã ngả vàng trong đám cưới bố mẹ mình. Mẹ lúc nào cũng ôm khư khư cái nón để che đi bụng bầu sáu tháng trước hàng trăm con mắt tò mò. Nhưng bố không thích thế, bố bảo “đừng có che mắt con, để con có thể chứng kiến ngày hạnh phúc”. Vài người xoa đầu tôi, mẹ ngượng nghịu nép sau lưng bố. Chiếc áo vừa vặn thời xuân sắc bỗng nhiên thành ngắn quá, tôi nằm trong bụng mẹ đội vạt áo nhấp nhô hếch ngược. Cỗ cưới ngày đó chỉ có cau trầu, bánh kẹo và nước chè đặc sánh. Hôm đầu tiên về nhà chồng mẹ ra sân quét hoa xoan rơi rụng, mắt ngó ra ngõ dài len lén lau nước mắt. Đứng trên đồi nhà nội có thể trông thấy cây cau nhà ngoại, lấy chồng gần vậy mà mẹ cứ như xa cách nghìn trùng. Đấy là tôi nghe nội kể lại chứ ngày đó tôi nào đâu đã biết gì. Cả cái chết của bố năm tôi tròn sáu tuổi giờ cũng không còn lưu lại chút kí ức nào. Ngoài hình ảnh hôm đưa tang bố, mẹ mặc chiếc áo lụa ngả vàng trong ngày cưới, đầu đội khăn tang trắng đến lạnh lòng. Thế là… mẹ tôi qua một đời chồng.

Lần thứ hai ngày mẹ lấy chồng tôi còn mải chạy theo đám bạn ra đầu ngõ chia tiền bán sắt vụn. Vài cánh tay níu tôi lại, lôi xềnh xệch về nhà nội. Người ta bảo “mẹ mày sắp lấy chồng giàu cần quái gì mấy đồng sắt vụn”. Tôi bật khóc hu hu chẳng phải vì mẹ sắp đi xa mà chỉ vì thấy lũ bạn đã cầm tiền chạy mất. Cỗ cưới mẹ lần đó rõ tươm tất, người đến ăn cỗ còn mang túi nilon lấy phần về. Tôi đứng nép ở góc nhà ngó mẹ diện váy cưới ren trắng đứng bẽn lẽn bên người đàn ông của mình. Mẹ làm nữ chính trong buổi tiệc, vui vẻ ban phát từng cái gật đầu, từng nụ cười với người xung quanh. Thỉnh thoảng như chợt nhớ ra mình còn có một đứa con nên mẹ đưa mắt dõi tìm tôi. Mối liên hệ giữa tôi và mẹ lúc đó chỉ là những cái vẫy tay. Tôi khi đó mười tuổi bỗng nhiên thấy mẹ xa lạ quá nên không dám lại gần. Chiếc váy cưới biến mẹ thành một người khác, đẹp rạng rỡ như một điều kì diệu. Người đàn ông của mẹ có chiếc mũi diều hâu, ông vừa cười vừa hít vào khìn khịt. Ông bốc cho tôi một nắm kẹo xanh đỏ, xoa đầu tôi vài cái. Rồi thản nhiên đón mẹ tôi đi. Tôi ở lại với nội không khóc nhớ mẹ cũng chẳng thèm tức giận mỗi khi bị tụi bạn trêu. Chỉ là mẹ đi lấy chồng. Chỉ là mẹ không còn ngủ cùng tôi mỗi tối.

Lần thứ ba mẹ đi lấy chồng tôi đã thành thiếu nữ. Bữa đó người ta cứ tưởng nhầm tôi là cô dâu. Mẹ mặc áo dài trắng, da xanh xao, lốm đốm tàn nhang nổi trên khuôn mặt gầy. Tôi lôi mẹ vào buồng mang son phấn của mình ra điểm tô cho nữ chính. Mẹ sờ lên má tôi, vuốt tóc tôi. Hình như mẹ nuối tiếc thời son sắc một thời trong bóng hình tôi tươi trẻ. Mắt môi mẹ đượm một màu buồn nhưng thỉnh thoảng vẫn bẽn lẽn cười hạnh phúc. Chú rể đầu lơ thơ vài sợi bạc, lóng ngóng thắp hương vái gia tiên. Lúc đứng chụp chung bức ảnh kỉ niệm không hiểu sao tôi thương hoài những ngón chân của dượng. Bàn chân lội ruộng vàng khè đang cố co lại giấu trong đôi dép xăng đan chật chội. Dượng mặc chiếc áo bộ đội đã bạc màu, gấu quần vải căng đầy bọng cát. Nội khi đó đã nằm liệt giường nên không còn đủ sức ngắm đứa con dâu thêm một lần tái giá theo chồng. Ông mất khi bố tôi còn nhỏ, mấy chục năm trời nội ở vậy nuôi con. Lần trước tiễn mẹ đi nội ra ngõ ngóng theo lén lau nước mắt. Lúc nghe tin người ta đánh đuổi mẹ ra đường nội lại lật đật tàu xe đi đón con về. Mẹ có qua mấy lần đò cũng vẫn là con dâu của nội. Nội lẫn đã lâu nên hôm thấy mẹ về nhà chồng nội níu tôi lại hỏi pháo ở đâu nổ giòn giã vậy? Xứ của mình bây giờ bói đâu ra tiếng pháo. Nội ơi…

Thiên hạ vẫn thường hay thương vay khóc mướn. Họ thương hại giùm tôi cái kiếp cây cỏ lay lắt sống. Nhưng tôi đâu có buồn cũng chẳng hề trách mẹ. Người đàn bà nào cũng có quyền hạnh phúc. Mà mẹ tôi lại là người tha thiết kiếm tìm hạnh phúc, điều đó có gì sai? Tôi phải cám ơn mẹ vì bà chưa bao giờ coi tôi là gánh nặng cản đường. Điều ấy khiến tôi mang ơn mẹ theo một cách khác, nhẹ nhàng và không vướng bận hay day dứt. Mẹ chắc cũng đã nghe đủ lời cay nghiệt từ miệng lưỡi thế gian. Họ nói thứ đàn bà quạ mổ bỏ con theo giai không biết bao nhiêu bận. Thứ đàn bà bất hiếu mới không ở vậy phụng dưỡng mẹ chồng. Bao nhiêu cay đắng mẹ giữ trong lòng, ngạo nghễ đáp lại đời bằng nụ cười trong ngày cưới. Hôm nội mất mẹ không về kịp. Tim đã ngừng đập nhưng mắt nội vẫn còn ngóng đợi, cho đến khi những ngón tay của mẹ chạm vào nội mới thật sự thanh thản đi về cõi khác. Bởi nội hiểu không ai thương nội nhiều như mẹ. Từng ấy năm chịu bao phận làm dâu, nhưng trong lòng mẹ nội vẫn là bến bờ bình yên nhất. Mẹ chắt chiu từng đồng quà tấm bánh, từng manh áo ấm, từng viên thuốc bổ gửi về biếu nội. Những lần mẹ về thăm ngắn ngủi bữa cơm nào cũng bùi ngùi ba thế hệ. Mẹ như đã sống cho cả phần đời của nội. Cái phần đời cam chịu đầy giằng níu đã không một lần dám sống vì mình.

Sau cuộc hôn nhân lần ba tôi cứ nghĩ mẹ sẽ chẳng bao giờ lên xe hoa lần nữa. Quá tam ba bận là cùng.
Mẹ giờ như dòng sông cạn đáy mỏi mệt sau một đời người miên miết chảy. Từng cuộc hôn nhân tan vỡ, mẹ trở về nhà lầm lũi sống.. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi mẹ dành cho tôi tuyệt đối. Mẹ thường ngỡ ngàng khi thấy tôi lớn nhanh quá. Mẹ đã chăm sóc tôi nhảy cóc từng giai đoạn. Thỉnh thoảng mẹ biến mất với cuộc hôn nhân của mình vài năm trời. Khi mẹ trở lại tôi như đã lột xác thành con người khác. Kí ức về tôi trong lòng mẹ sẽ có vài khoảng trắng. Như cuộn phim bị mất vài đoạn hay, như cuốn sách bỗng nhiên thấy nhiều trang không một kí tự nào. Sau mỗi lần mẹ làm cô dâu thì trong đầu tôi cũng là khoảng trắng. Tôi chẳng thể hình dung nổi mẹ đã sống ra sao ngoài nghe những lời đồn đại chật ních cả tai. Những khoảng trắng đó chẳng thể nào bù đắp nhưng tôi quen có nó trong đời. Như là quen bỗng một ngày nào đó mẹ lấy chồng. Kể cả khi mẹ đã bước sang tuổi sáu mươi.

Trước hôm theo người đàn ông thứ tư về phố, mẹ gõ cửa phòng sang ngủ cùng tôi. Tôi ba mươi, hiểu đến từng tiếng trở mình của mẹ. Nửa đêm nghe mưa xuân rớt lạnh ngoài cửa sổ, mẹ thở dài hỏi:
– Có phải vì mẹ mà con không chịu lấy chồng?
– Con ở lại để canh mai nở. Lỡ mẹ có về…
Câu “lỡ mẹ có về” chìm nghỉm trong cuống họng giữa những tiếng mưa ngày càng nặng hạt táp vào mái tôn lộp bộp. Tôi khác mẹ ở chỗ luôn hoài nghi về hạnh phúc, nói đúng hơn đó là cảm giác bất an.. Tôi không biết có đủ can đảm như mẹ để đứng lên sau nhiều đổ vỡ. Cũng không biết còn có ai đón tôi trở về trong cơn đau đớn tột cùng của một kẻ thất bại. Ai cũng cần một bến bờ và hình như tôi đã quen với việc chờ đợi mẹ. Dù sự chờ đợi ấy luôn bọc trong cái vẻ hững hờ, bình thản nhất. Như nhiều năm về trước đón mẹ ở ngõ trong bộ quần áo lấm lem bùn đất tôi khẽ nhoẻn cười. Mẹ trải qua cuộc hôn nhân thứ hai với bao nhiêu biến cố thăng trầm nhưng với tôi mẹ như chỉ vừa đi chợ về. Như thể cuộc hội ngộ ấy không phải sau sáu năm xa cách. Nhìn mặt mẹ đầy vết thâm tím, mắt sưng mọng, trên tay là chiếc ba lô đựng hành lí nhẹ tênh ngày mẹ theo chồng. Tôi giấu cái nhói lòng bằng vẻ mặt hồn nhiên nhất, vờ cúi xuống vơ nắm lá mai nhóm bếp.

Tôi giục “cơm sẽ chín nhanh thôi, mẹ đi tắm luôn đi”. Rồi chúng tôi ăn cơm hệt như những ngày chưa xa cách. Tôi kể những câu chuyện vụn vặt và tuyệt nhiên không bao giờ hỏi về những vết thương trên thân thể hay trong lòng mẹ. Trên con đường kiếm tìm hạnh phúc mẹ vẫn như đứa trẻ tập đi bị vấp ngã nhiều lần. Cách tốt nhất là để tự mẹ xoay xở đứng lên còn hơn là để nỗi đau đó vỡ òa trong sự thương xót của người thân.
Sau đời chồng thứ ba mẹ trở về nhà héo tàn như lá úa. Tôi lúc đó cũng vừa kịp trải qua mối tình đầu ba năm hò hẹn. Đã thôi tránh nhìn vào mắt mẹ, đã thương xót nhau quá đỗi đàn bà. Dượng mất sau một vụ tai nạn xe hơi, nhà cửa ông bà để lại anh em dượng tranh nhau xâu xé. Trên đầu mẹ là vành tang trắng, trong ba lô xách về có thêm di ảnh dượng. Mẹ đốt hương trầm cho bố tôi, ngẩn ngơ ngồi khóc. Ở góc nhà lập thêm một bàn thờ, thờ dượng. Có đốt khói hương ở nơi này dượng cũng không về được nhưng tôi nghĩ chắc lòng mẹ sẽ thanh thản, nên làm. Nhiều ngày dài chúng tôi trò chuyện với nhau bằng lặng câm. Tôi không biết làm gì hơn ngoài nấu cho mẹ những bữa cơm, quanh quẩn vườn nhà chờ nghe gọi “con ơi…”. Nhiều mùa mai rụng lá, rồi mai trổ nụ bừng hoa đã đi qua. Và tim mẹ cũng đã vui trở lại.

Tôi mong sao lần này là lần cuối mẹ làm cô dâu. Dẫu chẳng có hoa cưới cầm tay, hoa trắng cài đầu mẹ vẫn cứ là cô dâu đẹp nhất. Vẫn bẽn lẽn như lần đầu làm cô dâu của bố. Dù lúc ngồi đằng sau xe người đàn ông ấy tôi thấy rõ tuổi xế chiều của mẹ. Mười tuổi tôi đã biết gập đồ cho mẹ về nhà chồng. Trong hành lí lần này của mẹ tôi lén bỏ vào vài hộp thuốc hoạt huyết, thuốc bổ mắt, thuốc trợ tim. Chiếc kính lão cũng là món đồ không thể thiếu. Người đàn ông thứ tư của mẹ cũng từng trải qua một đời vợ. Những cong vênh khớp lại với nhau có đôi khi vừa vặn. Hạnh phúc cuối đời ngậm ngùi đến từng cái nắm níu tay nhau. Tôi ngồi dưới gốc mai nhìn theo chiếc xe máy đang trôi dần xuống dốc. Nhìn cho đến khi cô dâu, chú rể chỉ còn là chấm nhỏ lấp lánh ánh hoàng hôn vàng như một bông mai. Thì tôi đứng dậy cầm chổi vun đống lá cuối mùa mai thay áo. Rồi một ngày nào đó tôi cũng sẽ lấy chồng. Không còn ai sống trong ngôi nhà này để canh mai nở…