Ngày Giỗ Của BA Tôi
Khánh Lưu
–Ba
con vẫn còn mất tích mà!
Đó là cái lý của mẹ mỗi khi chị em tôi tính chuyện lập bàn thờ cho ba. Mẹ vẫn
hy vọng một ngày nào đó ba sẽ đột ngột quay về.
Lần cuối cùng ba về là tết năm Quý Mão nhưng chỉ ở nhà được mỗi ngày Mồng Một
là ba phải về đơn vị vì tình hình chiến sự ngày đó nóng lắm. Sau tết, tin từ
các mặt trận ngày một xấu. Tây nguyên thất thủ, Quảng Trị đánh lớn rồi thất
thủ, quân VNCH rút về Huế rồi co cụm tại Đà Nẵng. Tiếp đến là tin mất Tam Kỳ,
Nha Trang, cuối cùng là trận cầm cự đẫm máu Xuân Lộc rồi miền nam thất thủ hoàn
toàn.
Từng ấy ngày diễn ra chiến sự, mẹ tôi đứng ngồi không yên. Không đêm nào bà
trọn giấc, cứ thấp thỏm lo cho ba tôi giữa làn tên mũi đạn.
Tin
“Sài Gòn giải phóng” qua
radio, mẹ tôi thở phào:
-Vậy
là hoà bình rồi! Hết đánh nhau rồi! Ba con sẽ sớm trở về thôi.
Bà hy vọng sẽ một đêm có tiếng gõ cửa đánh thức để bà được ôm ba tôi khi ông
đột ngột xuất hiện. Rồi tiếng gõ đợi chờ cũng đến. Đêm đó nghe tiếng gõ, mẹ bật
dậy sung sướng: “Ba con về!”. Bà ào ra mở cửa. Bà và hai chị em tôi sững người.
Không phải ba mà là ba người cách mạng. Một người mặc đồ dân sự, hai người còn
lại mặc đồ bà ba mang súng.
Mẹ
tôi mời họ ngồi. Người cán bộ dân sự từ tốn:
-Tôi
đến hỏi tin tức anh nhà. Đã hơn một tháng vẫn chưa thấy anh ấy lên trình diện
chính quyền cách mạng.
Lúc
đầu mẹ tôi nghe sợ nhưng nghe người cán bộ nói mẹ cũng an lòng, bà đáp:
-Tôi
cũng mong anh ấy về hoặc tin tức về anh nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Khi nào
ảnh về tôi sẽ bảo ảnh nhanh lên trình diện. Gia đình cũng mong các anh giúp đỡ,
nếu có tin tức gì về chồng tôi xin báo cho gia đình tôi biết.
Họ đi ra, để lại niềm hy vọng cho mẹ tôi hết tính bằng ngày, chuyển qua tháng
rồi tính bằng năm. Ba tôi vẫn biền biệt.
Những ngày sau đó là những ngày khốn khổ. Gia đình tôi là gia đình nguỵ quân.
Mẹ tôi xoay xở đủ thứ để lo cho ba miệng ăn. Của cải rồi vật dụng trong nhà từ
dây chuyền, hoa tai sau đến quạt máy, bàn là… cái gì bán được mẹ cũng bán để lo
cho cuộc sống khốn khó của ba miệng ăn.
Chị em tôi đi học lại nhưng ba năm sau chị phải ở nhà cùng mẹ bươn chải, bán
bánh, bán xôi ở bến xe để có tiền lo cho cái ăn cái mặc và để nuôi tôi đi học.
Khổ quá, dù cật lực cũng không đủ ăn, chị tôi xin đi công nhân đường sắt. Mẹ
tôi thương con rướm nước mắt nhưng không còn đường nào khác. Tôi cũng muốn nghỉ
học để đi kiếm việc làm nhưng mẹ nhất quyết không cho. Mẹ buồn buồn: “Chị con
nghỉ học giữa chừng mẹ đau lòng lắm rồi, con mà nghỉ nữa, ba về mẹ ăn nói với
ba sao đây!”
Mẹ tôi vẫn hy vọng. Khắp trại cải tạo từ nam ra bắc, ai bà biết có người thân
cải tạo cũng nhờ hỏi tin tức về ba tôi. Bà vẫn đợi chờ, không có tin trong
nước, bà mong tin từ nước ngoài. Biết đâu ba tôi đã được định cư ở một quốc gia
nào đó.
Tôi tốt nghiệp cấp 3, định nộp đơn thi vào đại học nhưng đơn tôi đã bị gạt khi
chưa kịp đến “vòng gửi xe” vì lời nhận xét trong lý lịch: Cha: Đại uý, sĩ quan
ác ôn nguỵ.
Tôi
chán nản không thiết gì với tương lai giờ chỉ lo tìm việc gì kiếm được tiền
giúp mẹ.
Nghe ý định mở quán sửa xe đạp, mẹ tôi ủng hộ. Bà chắt bóp đồng tiền kiếm được
và vay mượn thêm mua cho tôi bộ đồ nghề. Nhà tôi mặt phố nên tôi làm quán sửa
xe ngay tại nhà.
Từ sửa xe đạp tôi mày mò tìm hiểu rồi sửa được xe máy honda. Tuy không khá mấy
nhưng cũng có được đồng tiền giúp mẹ. Năm năm sau chị tôi lấy chồng xa, mẹ tôi
cũng yếu dần vì gánh xôi trên vai mẹ. Một hôm mẹ về bảo tôi:
-Con
nè! Mẹ nghe ngoài bến xe họ nói là từ nay thi đại học họ bỏ xét lý lịch. Hay là
con nộp đơn thi thử.
Tôi
cười buồn:
–
Năm năm rồi, chữ thầy đã trả cho thầy, còn nhớ chi đâu mà thi hả mẹ!.
Mẹ
vẫn động viên:
-Con
từng là học sinh giỏi nhất trường mà! Con thử ôn lại hay đi học thêm, mẹ dành
dụm được ít tiền chắc cũng đủ cho con học.
Tôi tìm hiểu và đúng như mẹ nói. Trong công cuộc “mở cửa” nhà nước đã bước đầu
“mở trói”, bớt phân biệt thái độ chính trị, trước hết là cho thành phần con em
gia đình dính líu đến chế độ cũ được học đại học.
Tôi bỏ ra ba tháng ôn luyện kiến thức cơ bản, vốn gần như quên sạch. Sau đó
bằng đồng tiền tích cóp ít ỏi, tôi lùng mua các cuốn sách luyện thi đại học.
Tiền mẹ cho, tôi xin ghi tên học mấy khoá luyện thi đại học cấp tốc.
Đúng vậy, lần này làm lý lịch, phần chứng nhận của phường chỉ ghi: Lý lịch khai
đúng như hồ sơ tại địa phương. Tôi nộp hồ sơ thi vào đại học kinh tế.
Tôi đậu đại học. Mẹ tôi mừng phát khóc khi tôi đọc điểm thi trên giấy báo khá
cao để khoe mẹ.
Tôi vào trường đại học trong điều kiện cực kỳ khốn khó. Chị tôi không đủ sức lo
cho gia đình chị thì làm sao có thể giúp tôi. Đôi vai mẹ cũng không còn sức
nuôi tôi trên gánh xôi đi – về của mẹ. Tôi chống chọi với miếng ăn nơi thành
phố đã khó huống gì việc học. May mà trong cái khó ló cái khôn. Trường đại học
có một khoảnh đất hẹp, cỏ mọc giáp đường. Tôi lên ban giám hiệu trình bày hoàn
cảnh, xin được đặt tạm cái lều chỗ đó để làm quán sửa xe. Thông cảm hoàn cảnh
của tôi, nhà trường đồng ý. Vậy là tôi đã có cần câu cơm. Một buổi đi học, một
buổi tôi thay bộ đồ, làm anh thợ sửa xe bên cái quán tềnh toàng với cái tên rất
gợi: “Quán sửa xe Sinh viên”. Tôi sửa chủ yếu xe đạp cho sinh viên. Giá cả cũng
rất “sinh viên” vì ai cũng nghèo mà!
Qua gần 4 năm tôi bám trụ “cần câu cơm” để học và để mơ về tương lai của mình.
Có lẽ ở trường tôi là sinh viên nổi tiếng với 3 cái nhất: Sinh viên già nhất,
nghèo nhất và… giỏi nhất khoá.
Giữa học kỳ 1 năm cuối, trường có buổi hội thảo về thị trường Châu Âu. Diễn giả
là một tiến sĩ người Thuỵ Sĩ, Dr Moolie Hoods. Sinh viên tham dự phần lớn do
tính hiếu kỳ vì ngày đó khái niệm “kinh tế thị trường” còn lạ lẫm lắm, có lẽ
trừ tôi ra. Từ khi đọc được cuốn Economics: An Introductory Analysis của nhà
kinh tế học người Mỹ, Paul Samuelson, tôi hiểu rằng kiến thức kinh tế học được
ở nhà trường chỉ là hạt cát, nhiều khi những điều học từ giáo trình xem ra rất
phản quy luật. Do vậy được tham gia dự thính buổi hội thảo với tôi là cơ hội
quý giá nhất để hiểu biết thêm về nền kinh tế châu Âu tư bản.
Tôi chăm chú nghe ngài Hoods giới thiệu về kinh tế châu Âu trong giai đoạn tiền
hợp nhất thành EU và tương lai sắp tới mà cứ há hốc mồm. Tôi không cần nghe qua
phiên dịch, thậm chí người phiên dịch trong nhiều ngữ cảnh dịch rất tệ. Tiếng
Anh với tôi cũng không khó khăn gì vì từ hồi 5 tuổi, ba tôi đã gửi tôi vào
trường của hội Việt – Mỹ nên sau 7 năm, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thứ hai
của tôi rồi. Thời gian gần đây tôi thích tìm đọc các sách báo bằng tiếng Anh và
nghe đài nước ngoài nên vốn liếng Anh ngữ của tôi ngày được nâng cao.
Sau bài giới thiệu về nền kinh tế châu Âu, ngài Hoods
khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi để ông trao đổi, trả lời. Chỉ một vài sinh
viên đứng lên dè dặt đặt câu hỏi mà kiến thức chủ yếu không vượt qua được những
gì tiếp thu tại giảng đường.
Vẻ thất vọng thoáng hiện trên khuôn mặt ngài Hoods. Đợi
không còn ai hỏi nữa, tôi đứng dậy đặt câu hỏi bằng tiếng Anh. Mắt ông sáng lên
đầy thú vị vì chỉ có tôi là sinh viên trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh với
ông.
Diễn đàn trở nên hấp dẫn vì cuộc trao đổi và tranh luận
bằng tiếng Anh chỉ có tôi và ngài Hoods. Sinh viên chủ yếu ngồi nghe chứ phần
lớn không hiểu hết chúng tôi tranh luận về đề tài, nội dung gì, chỉ biết rằng
họ rất ngưỡng mộ mỗi khi tôi đối đáp bằng tiếng Anh và được ngài Hoods gật đầu
kèm với nụ cười.
Buổi chiều, khi tôi còn loay hoay trong bộ đồ dính đầy dầu
mỡ để sửa xe thì bỗng nghe tiếng gọi: “Hi!”. Tôi ngẩng lên thì ngài Hoods tay
cầm máy ảnh vừa nháy tôi một pô. Tôi đứng dậy chào, đưa tay bắt nhưng sực nhớ
tay mình đang nhem nhuốc, định rụt về thì ngài đã bắt tay tôi lắc mạnh, cười
tươi thân thiện: “No problem! you’re good!”. Tôi lấy chiếc ghế đòn, phủi bụi
mời ông ngồi. Ông đưa máy ảnh chụp “gara” tôi thêm vài kiểu nữa rồi ngồi xuống
ghế. Cứ tưởng sau buổi hội thảo khi sáng ông đã đi rồi. Ông bảo đoàn ông còn
buổi chiều làm việc với nhà trường về việc tài trợ học bổng tương lai. Người
phụ trách đoàn ông đang làm việc với ban giám hiệu, ông tranh thủ dạo chơi
quanh trường chụp mấy kiểu ảnh làm kỷ niệm và không ngờ gặp tôi nơi đây. Ông
hỏi tôi về gia đình, về tài chính học tập. Tôi kể sơ về hoàn cảnh của mình và
cười chỉ bộ đồ nghề sửa xe bảo là “nhà tài trợ tài chính” cho tôi suốt 4 năm
đại học. Ông cười, trong nụ cười chứa đầy thông cảm. Cuối buổi ông hỏi tôi là
có khi nào nghĩ đến du học nước ngoài không? Tôi lắc đầu bảo là tôi sống được
để học là nhờ cái “gara” này thì lấy tiền đâu mà ra nước ngoài. Chỉ mong học
xong có được việc làm là mừng lắm rồi.
Ông
chia tay tôi bằng nụ cười với ngón tay “number one” cùng với một lời khen:
“good!”
Một tháng sau, một người bạn học báo là tôi có thư
từ nước ngoài. Tôi mừng phát run, chạy lên văn phòng khoa. Cứ nghĩ là ba tôi ở
một nơi nào đó gửi về. Nhưng khi nhận thư, xem lại là thư ngài Hoods gửi cho
tôi. Tôi đọc thư. Dr Hoods kể rằng đã đọc qua học bạ của tôi, về nước ông đã
trao đổi với viện công nghệ danh tiến của Thuỵ Sĩ là ETH Zurich và xin cho tôi
được 1 suất học bổng toàn phần để làm luận án Master sau khi tôi tốt nghiệp đại
học. Kèm theo thư là các tài liệu giới thiệu về trường ETH Zurich cùng các mẫu
đơn và bản hướng dẫn về hồ sơ xin học bổng.
Dù
không phải thư của ba nhưng tôi mừng khôn xiết. Úp lá thư ngài Hoods vào ngực
tôi nhắm mắt cho cơn mơ vượt khỏi dải đất hình chữ S bay đến tận trời Âu.
Tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Theo hướng dẫn, tôi làm đơn và gửi cho
viện ETH Zurich rồi chờ đợi. Một tháng, hai tháng tôi đợi thư trả lời từ Thuỵ
Sĩ nhưng đến tháng thứ ba thì hy vọng trong tôi tắt lịm. Tôi lại quay về thực
tại là mơ ước được một chân nhân viên quèn ở bất kỳ công ty nào để có việc làm.
Trong cơn tuyệt vọng thì ngài Hoods như từ trên trời rơi xuống. Ngài quay lại
Việt Nam tìm tôi vì tin chắc có chuyện không hay nào đó xảy ra với tôi vì ngài
đã liên hệ với viện ETH Zuủich. Họ báo rằng đã gửi thư chấp nhận đến 2 lần
nhưng không thấy tôi liên hệ lại. Khoá học mới đã học 1 tháng nhưng không có
tên tôi nên ông quyết định sang tìm tôi. Khi biết tôi chưa nhận được bất cứ thư
nào, ông đã hiểu ra. Ông cầm tay tôi động viên: “Đừng từ bỏ hy vọng, anh bạn
trẻ! Tôi sẽ làm hết sức mình”.
Ông chia tay tôi bay ra làm việc và nhờ đại sứ quán Thuỵ Sĩ tại Hà Nội can
thiệp. Chưa đến một tuần, hai thư chấp nhận của viện ETH Zurich gửi các tháng
trước đã đến được với tôi.
Nửa
tháng sau tôi từ giã mẹ và chị, bay qua châu Âu bằng vé máy bay do ngài Hoods
tài trợ.
Năm sau, tôi đã xong luận án Master rồi được luôn học bổng toàn phần để lấy
bằng tiến sĩ về kinh tế tại viện ETH Zurich danh giá. Thời gian học tập tôi
luôn được sự giúp đỡ chân tình của Dr Hoods. Ông là ân nhân, là bạn và là đối
tác của tôi sau này. Ngày nhận bằng tiến sĩ, tôi không có mẹ bên cạnh để tri ân
nhưng tôi được hân hạnh có ngài Hoods thay mẹ trong buổi vinh dự trao bằng.
Ngài rất tự hào về tôi. Hôm sau, một tờ báo Thuỵ Sĩ với tít: From a bicycle
repair student to a doctor of the prestigious university. (Từ một sinh viên sửa
xe đạp đến tiến sĩ của một đại học danh tiếng)
Bài báo với hình tôi ngồi sửa xe mà Dr Hoods chụp năm xưa cùng với hình ảnh tôi
tươi cười nhận bằng tiến sĩ hôm qua chiếm hẳn một trang báo. Thì ra bài là của
Dr Hoods viết về tôi.
Từ
bài báo này, cùng với lời giới thiệu của Dr Hoods mà Viện Nghiên cứu chiến lược
kinh tế Đông Nam Á Thuỵ Sĩ (gọi tắt là IESSAS) mời tôi về làm việc.
Một năm sau, IESSAS mở văn phòng đại diện tại Việt Nam ngay trên thành phố quê
tôi,. Tôi được cơ hội trở về với quê hương cùng mẹ, cùng chị.
Tôi trở thành cầu nối giữa Việt Nam – Thuỵ Sĩ về quan hệ kinh tế. Các nhà đầu
tư Thuỵ Sĩ qua giới thiệu của tôi đã đầu tư rất nhiều dự án tại Việt Nam đặc
biệt là tại thành phố nơi tôi sống. Trường đại học kinh tế nơi tôi từng học,
qua mối quan hệ với Dr Hoods tôi đã tìm được nhiều suất học bổng sau đại học
cho các khoá sinh viên sau này.
Trên Facebook cá nhân, tôi đặt ảnh ba tôi làm avatar và hình nền là ảnh tôi
ngồi sửa xe năm xưa mà Dr Hoods chụp tặng tôi. Thỉnh thoảng mở facebook, tôi
lại được nhìn ba tôi cười. Nhìn chân dung thời trai trẻ trong bộ quân phục lính
dù mà tôi thầm ngưỡng mộ. Cám ơn ba, cuộc đời này con luôn tự hào được là con
trai của ba. Tôi nhìn hình nền để được nhắc nhở rằng: Dù hôm nay tôi có là tiến
sĩ danh giá thì quá khứ năm xưa, tôi đã từng là cậu sinh viên sửa xe đạp để tự
nuôi mình.
Một đêm, nghe messenger báo tin nhắn, tôi tỉnh thức, nhìn màn hình điện thoại,
có ai đó nhắn cho tôi:
-Xin
chào!
Tôi
nhắn lại: “Xin chào!”
Nhìn
nick name là John Le, tôi đoán là một Việt kiều. Người đó nhắn tiếp:
-Xin
lỗi, cháu có phải là con trai của đại uý Giang, Hoàng Thanh Giang, không?
Tôi bật dậy, tim đập dồn. Tôi nhìn avatar của người đang chat. Đó là người đàn
ông ở tuổi 70 trong quân phục lính dù, mũ đỏ giống quân phục ba tôi. Tôi đáp:
–
Dạ, đúng rồi, con là con trai của ba Giang. Bác biết ba con à?
–
Bác là trung uý Tá, Lê Văn Tá là đại đội phó của ba con.
Tôi
mừng rơn mà tim đập thình thịch.
–
Vậy bác có biết tin tức gì về ba con không?
Bác
không đáp mà hỏi lại:
–
Vậy từ đó đến nay con không có tin tức gì về ba à?
– Dạ
không, con và mẹ không biết ba còn hay mất.
Một
lát lâu bác nhắn lại: – Ba con mất rồi!
Dẫu biết câu trả lời sẽ không chút hy vọng nhưng lời chat của bác làm tôi không
khỏi bàng hoàng.
-Ba
con mất ở đâu? Khi nào? Bác biết không?
-Ba
con mất trên cầu Sài Gòn vào buổi sáng 30/4/1975.
Rồi bác kể: Sáng hôm đó đại đội ba tôi chỉ còn hơn 10 người. Vì bị truy kích
nên phải rút về cố thủ trên cầu Sài Gòn. Cuộc giao tranh ác liệt vẫn chưa dừng
lại. Quân số và súng đạn không thể đối chọi với quân giải phóng. Phải rút tiếp
thôi! Ba tôi cùng hai đồng đội bò lên phía trước thu hút hoả lực địch để toán
còn lại phía sau có cơ hội thoát lui. Khi trung uý Tá cùng các chiến hữu về
được bên trong cầu Sài Gòn thì hoả lực đã nổ tung khiến thân xác ba tôi cùng
hai chiến hữu của ông bị hất tung lên rồi rớt xuống sông. Khi trung uý Tá rút
về đến ngã tư Hàng Xanh thì trên loa truyền thanh, Dương Văn Minh đã tuyên bố
đầu hàng và yêu cầu các lực lượng quân đội VNCH bỏ súng.
Tôi ngồi úp mặt vào lòng hai bàn tay. Tưởng tượng lại phút
giây chiến đấu không cân sức nhưng bi hùng của ba tôi năm ấy trên cầu Sài Gòn
mà nước mắt giàn dụa. Bình tâm lại tôi gọi điện thoại cho mẹ. Mẹ tôi nghe máy
khi nghe tôi báo là đã có tin tức của ba. Câu đầu tiên mẹ hỏi là “ba con giờ
đâu rồi?” Tôi ngậm ngùi kể lại nội dung vừa chat với bác Tá. Mẹ tôi im lặng
nghe tôi kể, khi tôi nghe mẹ nấc lên trong điện thoại là mẹ tắt máy.
Ngày hôm sau mẹ điện thoại bảo là tôi đưa mẹ vào cầu Sài
Gòn được không? Tôi bảo được. Chiều hôm sau, theo chuyến bay, mẹ, chị và tôi
vào Tân Sơn Nhất rồi đón taxi đến cầu Sài Gòn.
Chúng tôi đi bộ dọc theo thành cầu mà mường tượng trận đánh
cuối cùng năm xưa. Cầu Sài Gòn người xe như mắc cửi. Dưới cầu, sông Sài Gòn
lượn lờ mang những mảng lục bình trôi về biển. Trong dòng nước bao la ấy, thân
xác, thịt da ba tôi cùng với bao người của hai chiến tuyến và những người dân
vô tội năm xưa, bao năm nay đã bị rửa trôi về cùng biển mặn. Chiến tranh đã lùi
xa nhưng nỗi đau vẫn còn ở lại với bao người trong đó có gia đình tôi. Mẹ thẩn
thờ nhìn những mảng lục bình trôi xuôi như cố tìm dáng hình ba tôi trong ấy.
Qua đến bên kia cầu, tìm được nơi, tôi thắp bó hương rồi trao nửa bó cho mẹ,
nửa còn lại chị em tôi chia ra cắm xung quanh. Mẹ tôi quỳ hướng về sông, lâm
râm khấn. Chắc trên trời ba tôi đã hiểu nỗi đau trong lời khấn của mẹ. Bà đã đi
gần nửa thế kỷ trong thân phận người vọng phu. Mẹ tôi cắm phần hương trên mô
cát gần đó để mặc cho làn khói bay xa. Tôi mong sao làn khói kia cuốn bớt nỗi
đau trong lòng mẹ. Hương tàn hơn nửa, tôi bảo mẹ:
-Thôi
mình về đi mẹ.
Mẹ
không quay lại, giọng buồn buồn:
-Hãy
để hương cháy thêm lát nữa đi con.
Hai chị em tôi lặng im, chắp tay đứng sau lưng mẹ, cứ để mẹ thì thầm từ tận đáy
lòng với ba tôi trong cõi hư vô. Nén hương cháy hết, tắt hẳn, mẹ mới quay lại
gật đầu: – Mình về thôi các con!
Vậy là gia đình tôi chọn 30/4 là ngày giỗ ba tôi. Hôm nay là ngày giỗ đầu tiên
của ba. Gia đình cũng vừa nhận được tin vui là bác Tá, chiến hữu của ba cũng về
dự giỗ. Bác bảo rằng đây là lần về Việt Nam đầu tiên kể từ ngày bác định cư ở
Mỹ. Trước khi đáp chuyến bay tiếp theo về thăm gia đình tôi, bác sẽ đến cầu Sài
Gòn thắp hương tưởng niệm ba tôi cùng đồng đội bỏ mình ngày đó. Hy vọng cuộc
tương phùng này, qua bác, gia đình tôi sẽ biết thật nhiều về đời binh nghiệp
của ba, đặc biệt là trong những ngày cuối của cuộc chiến.
Sáng nay tôi dậy sớm, sửa sang và dâng hoa bàn thờ ba trước khi đi dự buổi lễ
kỷ niệm ngày “Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước” do Uỷ ban nhân dân
thành phố mời. Vì tính chất trong quan hệ đối ngoại giữa cơ quan đại diện viện
nghiên cứu với cấp chính quyền sở tại mà tôi không thể không dự.
Buổi lễ diễn ra hết sức hoành tráng. Trước khi vị chủ tịch đọc diễn văn là các
màn trình diễn múa vui văn nghệ. Các bài ca đi cùng các vũ điệu tái hiện những
giây phút hào hùng của ngày chiến thắng năm xưa.
Vị chủ tịch lên đọc diễn văn kỷ niệm ngày chiến thắng. Các điệp khúc “Mỹ cút,
nguỵ nhào”, “Chiến thắng vinh quang dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng” gần nửa
thế kỷ được lặp lại trong giọng đọc đầy tự hào của vị chủ tịch. Trước khi kết
thúc buổi lễ, dàn đồng ca lên sân khấu hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày
vui đại thắng”. Tôi quay lại, chỉ có quan khách ngoại giao nước ngoài, kể cả
tôi là còn ngồi. Hầu hết hội trường đều đứng dậy hát theo trong nhịp vỗ tay tự
hào.
Khi người dẫn chương trình tuyên bố bế mạc, tôi đứng dậy. Vị chủ tịch thành phố
tiến đến tươi cười bắt tay tôi. Ông cám ơn tôi vì đã tham dự cùng với lời mời
trân trọng:
-Hôm
nay là kỷ niệm ngày chiến thắng, Uỷ ban có tổ chức buổi tiệc trưa long trọng,
xin mời anh đến dự.
Tôi
cười đáp lại: – Rất cám ơn lời mời của anh nhưng trưa nay tôi không thể.
-Anh
bận việc gì à? Vị chủ tịch hỏi lại, tôi rời bàn tay ông còn đang nắm chặt, trả
lời:
–
Hôm nay là ngày giỗ ba tôi.
Khánh
Lưu
No comments:
Post a Comment