Thursday, June 30, 2022

MỘNG (CM)

 


MỘNG

tặng Thanh-Thanh

 

Em đến thăm anh lúc nửa chiều,

Nắng vàng nhạt nhạt, gió hiu hiu;

Tre nghiêng trước ngõ như chào đón,

Hoa rắc hàng hiên, lá rải lều .

 

Nhà anh vắng quá, gọi không ai;

Em đoán anh đang chép soạn bài .

Rón rén vô phòng em nói bỡn:

-- Ô kià, thi sĩ nhớ nhung ai ?

 

Nhưng không! anh ngủ giữa chiều mơ,

Sách gối, bên tay giấy mấy tờ,

Và bút chì lăn bên lọ mực...

Biết rồi: anh ngủ giữa hương thơ .

 

Em đến bên bàn lục vở anh

Viết bừa dăm chữ lên bià xanh,

Bảo rằng em ghé thăm anh đó;

Ðang giấc thần tiên, thức chẳng đành.

 

Gió thổi bên hiên rụng lá vàng,

Lá rơi làm dậy cả không gian;

Giật mình em tỉnh -- À ra mộng

Ðã dẫn em đi vạn dặm đàng.

 

Em cách xa anh vạn dặm trường,

Làm sao gặp được? nhớ nhung vương.

Em mong anh cũng luôn luôn mộng,

Ðể gặp nhau và đỡ nhớ thương!

 

Nhưng, khốn chưa! vừa ra khỏi mơ

Bỗng thương không bến, nhớ không bờ.

Tháng ngày cách biệt người yêu dấu,

Buồn nhớ trông anh luống thẫn thờ...

 

C.M.

(đăng trên “Việt Nam Phụ Nữ”, Huế, 1948)

 

Tám Mươi Năm Làm Thơ

 


KHẢ NĂNG VIỆT NAM THAY TRUNG QUỐC LÀM CÔNG XƯỞNG CỦA THẾ GIỚI ĐẾN ĐÂU (KHƯƠNG HỮU LỘC)

 

Khả năng Việt Nam thay Trung Quốc làm công xưởng của thế giới đến đâu?

Thanh Trúc
2022.06.29

 

 Hình minh họa: Công nhân làm việc trong nhà máy Maxport ở Hà Nội hôm 21/9/2021


Khả năng Việt Nam thay Trung Quốc làm công xưởng của thế giới đến đâu?

Một bài báo trên Business Standard mới đây viết rằng ‘Việt Nam có khả năng thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới trong tương lai.

Nguyên nhân, theo mạng Business Standard, khi dịch bệnh tái phát mạnh tại các trung tâm sản xuất của Trung Quốc như  Quảng Đông và Thượng Hải thì chuỗi cung ứng từ đất nước này ra thế giới bị gián đoạn.

Trong khi đó, số liệu từ Việt Nam cho thấy kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,03% trong Quý 1 năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 4,8% trong cùng kỳ so với Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, cho rằng đúng là nền kinh tế VN trong Quí 1 có nhiều điểm sáng nhưng cũng có nhiều nỗi lo, đó là vấn đề giá xăng dầu tăng cao:

Nhiều chuỗi logistics bị ảnh hưởng hết,giá hàng hóa, giá thực phẩm đều tăng hết. Ngoài ra còn vấn đề lụt lội gây ách tắc  giao thông chưa khắc phục được.”

“Về tăng trưởng thì đó là sự dịch chuyển của thế giới. Chúng ta thấy Ấn Độ cũng tẩy chay Trung Quốc, nước Úc bây giờ cũng tẩy chay Trung Quốc, rồi một số tập đoàn lớn của Mỹ cũng có kế hoạch rời TQ sang VN... Lượng đầu tư FDI cũng có xu hướng tăng trưởng lên. Đời sống có những cái khó khăn nhưng xét về mặt kinh tế thì cũng có nhiều cái phấn khởi.”

“Bên cạnh đó còn có vấn đề về khắc phục tham nhũng làm cho một số các Bộ, Ngành  có dấu hiệu chững lại, tạm đình chỉ lại để xác minh để điều tra. Những yếu tố đó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển thuận lợi cho kinh tế. TPHCM có nhiều quan chức bị ảnh hưởng do những quyết định trong quá khứ, làm những quan chức khác cũng dè dặt hết… Nghĩa là về vấn đề nhân sự đang phải có quá trình chỉnh đốn lại. Hy vọng chỉnh đốn xong và nó thực sự lành mạnh thì phát triển mới thực sự tốt”.

Những biện pháp như vừa nói thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy Nhà nước và hàng ngũ cán bộ công chức Chính phủ, vì thế một số công việc bị ách tắc trước mắt là tình trạng có thể hiểu được. Thế nhưng bù lại, TS Trần Quang Thắng phân tích tiếp, Việt Nam có được những điều có thể đáp ứng mong mỏi thay thế TQ làm công xưởng của thế giới trong tương lai gần:

“Việt Nam có nhiều điểm sáng về xuất khẩu, các thị trường nước ngoài cũng sẵn sàng ưu ái VN hơn, ngay cả tập đoàn Apple cũng dự định vào làm ăn ở Việt Nam.”

“Bài toán bây giờ là phải chú trọng đến sự phát triển hài hòa giữa công và tư, cũng như sự cam kết rất nghiêm túc về cải cách hành chánh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển. Vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền phải được đẩy mạnh trong thời gian tới”.

Theo thẩm định của mạng Business Standard, vào khi thế giới đặt câu hỏi làm sao bớt ràng buộc vào Trung Quốc về logistics cũng như chuỗi cung ứng nhiều mặt hàng thiết yếu. Việt Nam được nhiều nước chú ý đến nhờ  khả năng chống chọi dịch bệnh, cơ hội nhà đất lớn hơn trong lúc giá công nhân và giá chi  phí vận hành nhà máy hay kho bãi tương đối rẻ hơn.

Và để trở thành công xưởng của thế giới trong tương lai gần, bài toán thứ hai, mà VN nói đến từ lâu nhưng chưa hoàn chỉnh, là nguồn nhân lực và lao động. Theo viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM Trần Quang Thắng, giá nhân công ở VN hiện vẫn còn rất thấp so với TQ:

“Để nâng cao tay nghề thì phải có đầu tư. Đầu tư ở đây là tạo môi trường làm việc,nâng cao công cụ máy móc thiết bị, mở rộng hợp tác nước ngoài để có những công xưởng đào tạo công nhân, tức là góp phần hỗ trợ đào tạo cho công nhân VN”

“Ở đây tính chuyên nghiệp phải là thế mạnh, chúng ta  gọi thế mạnh đó như là thương hiệu của một quốc gia, bao gồm văn hóa, công nghệ đặc sắc, kỹ năng chuyên nghiệp của người lao động, tạo được sự tín nhiệm và tin tưởng từ khách hàng.”

“Những cái đó đóng góp vào bề ngầm của tảng băng, chứ còn giá nhân công rẻ chỉ là bề nổi của tảng băng thôi. Nhân công rẻ mà để thất thoát, làm không có hiệu suất thì chắc chắn không ai chọn Việt Nam. Cho nên đó là bài toán mà Việt Nam phải cân nhắc, tạo điều kiện cho công nhân ổn định cuộc sống và có mọi điều kiện để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Người Việt Nam chắc chắn là thông minh, nhưng môi trường ứng xử và môi trường văn hóa phải điều chỉnh lại để có thể bắt nhịp chung với cộng đồng chuyên nghiệp của thế giới”.

Hình minh họa: Công nhân làm việc ở nhà máy Maxport ở Hà Nội hôm 21/9/2021. AFP

Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, Giám đốc tài chính CFO cho một số tập đoàn lớn ở Hoa Kỳ, hiện đang giảng dạy chương trình MBA thạc sĩ quản trị và kinh doanh cho một số đại học Mỹ, đưa ra cái nhìn ông cho là nghiêm túc và thực tiễn hơn.

Theo ông, dù như kinh tế Việt Nam quí đầu 2022 tăng trưởng 5,03% tức hơn cùng kỳ 2021, và hơn cả Trung Quốc với 4,8% trong cùng thời gian, nhưng đây chỉ là những số liệu có tính giai đoạn, tạm thời do ảnh hưởng dịch bệnh, lại càng không thể dựa vào đó để cho rằng một đất nước 100 triệu dân có thể thay thế một quốc gia 1,4 tỷ dân trong vai trò công xưởng của thế giới một ngày gần đây:

“Việt Nam sau thời kỳ Hà Nội, Sài Gòn và các vùng phụ cận đủ thứ bị đóng của thì con số hoàn toàn khác vì lúc đó kinh tế bị tê liệt. Nhờ sự cứu vãn của Hoa Kỳ và Âu Châu và nhờ Việt Nam chích ngừa rất chuẩn, nhưng so sánh quí 1 của hai quốc gia là không đúng vì Bắc Kinh, Thượng Hải rồi Quảng Đông của Trung Quốc bị Omicron hoành hành nhiều hơn, cho nên kinh tế của họ chỉ tăng 4,8 so với VN là 5,03%. Cái này chỉ là tạm thời thôi, đó là điểm thứ nhất.”

“Điểm thứ nhì, khi nói Việt Nam làm chuỗi cung ứng sản xuất cho thế giới thay thế Trung Quốc thì ít lắm 10 hay 20 năm nữa cũng chưa được. Chúng ta nên nhớ dân số Việt Nam là 100 triệu người, còn dân số Trung Quốc 1,4 tỷ người, là 14, 15 lần cao hơn Việt Nam. Mặc dù sau khi bị ‘thương chiến’ với Hoa Kỳ, bị vạch rõ là một quốc gia ăn cắp công nghệ, xâm chiếm thị trường, lũng đoạn tiền tệ… nhưng nên nhớ chuỗi cung từ một quốc gia 1,4 tỷ người với hạ tầng cơ sở, hệ thống chuyên chở cho tới hệ thống sub-contractor (thầu phụ) đều đi theo dây chuyền”.

Trong khi đó, kinh tế gia giải thích tiếp, Việt Nam với  lãnh thổ nhỏ hơn, hạ tầng cơ sở và hệ thống vận chuyển yếu kém hơn, thì một quốc gia 100 triệu người mà thế chỗ một quốc gia 1,4 tỷ người là điều không thực tế:

 “Nếu nói Ấn Độ và Việt Nam là hai xứ chuyển hướng để thay thế Trung Quốc thì thực tế hơn. Việt Nam có ưu điểm là trong 100 triệu dân thì trên 60% là người dưới 40 tuổi. Khuyết điểm của Trung Quốc là dân số mất cân bằng và bị lão hóa. Đã có tiên đoán trong vòng 10 đến 15 năm nữa trên 60% người TQ là trên 60 tuổi.”

“So với các nước Đông Nam Á và Trung Quốc thì số người Việt Nam đi học cán sự hay đại học rất nhiều. Về đường ngắn thì  7 - 10 năm nữa Việt Nam và Ấn Độ mới có thể thay thế Trung Quốc"

Tóm lại, chuyện Việt Nam có thể thay Trung Quốc làm công xưởng cho thế giới không thể xảy ra một sớm một chiều. Có chăng là, tiến sĩ Khương Hữu Lộc khẳng định tiếp,  một nước có dân số ngang ngửa Trung Quốc như Ấn Độ đi cùng với Việt Nam thì may ra:

 “Việt Nam có thể lấy đi từ Trung Quốc 10, 15 hay 20% như đã thấy như Apple, Samsung và bao nhiêu hãng xưởng khác đã rời Trung Quốc.”

 “Công nhân Việt Nam có tài năng, lương công nhân Việt Nam rẻ so với Trung Quốc, nhưng nên nhớ chúng ta chỉ có 100 triệu so với dân số 1,4 đã mọc rể từ hệ thống đường xá, chuỗi cung cho đến tất cả. Giá sản phẩm Trung Quốc lại rẻ dù không tốt, nhưng lâu dần người ta thành ‘nghiện’ không rời những đồ rẻ đó được”.

 Đó là lý do Việt Nam chỉ nên hy vọng một ngày nào đó có thể thay thế mươi, mười lăm phần trăm chuỗi cung ứng cho thế giới chứ không thể thay thế toàn bộ công xưởng của thế giới đã bén rễ ăn sâu trong tâm thức và cuộc sống của một Trung Quốc  đông dân luôn khát  công ăn việc làm, là kết luận của  tiến sĩ Khương Hữu Lộc.   

Wednesday, June 29, 2022

LỚI NÓI DỐI CỦA CHA (CHẨM TÁ NHÂN)

 

LỚI NÓI DỐI CỦA CHA

Gia đình nghèo, mẹ cha lớn tuổi
Mới cưới nhau, không hỏi, không xin.
Suốt cuộc đời bẩy nổi ba chìm,
Tần tảo nuôi bầy con bốn đứa.
Cuộc sống là một chuỗi gian khổ.
Thường cơm rau, ba bữa lót lòng.
Nhà ven sông, nhưng cá cũng không.
Vì cha yếu, mẹ thường bệnh hoạn.
Có cá ăn, kể là thịnh soạn.
Nhưng luôn luôn tôi nhận thấy rằng
Cha chỉ dành ăn đầu và xương.
Tôi thắc mắc hỏi ông sao vậy.
Cha nghiêm nghị, nói như răn dậy:
"Cha già rồi, thường thấy nhức đầu.
Các Cụ dậy hễ đau ở đâu
Thì cứ ăn thật nhiều thứ đó.
Cha lại còn bị đau xương nữa.
Nên xương, đầu phải cố mà ăn.
Cốt là để bồi dưỡng bản thân!"
Chúng tôi nghe, đinh ninh là thật.
Năm mẹ con chia nhau phần thịt,
Còn xương, đầu dồn hết cho cha.
Một đôi lúc tôi cũng nghi ngờ,
Phân vân hỏi, thì cha cười bảo:
"Lúc trước đây, khi Cha còn nhỏ,
Nội cho ăn thịt đã đời luôn,
Đến bây giờ còn ớn tởn thần!
Khi các con lớn khôn sẽ hiểu!"
Rồi sau này qua thời niên thiếu,
Anh em tôi có thể thay cha
Mò cua, bắt cá, lội sông hồ.
Cuộc sống đỡ vất vơ, vất vưởng.
Cha cũng có thịt ăn thỉnh thoảng,
Nhưng vẫn dành từng mảng xương, đầu.
Có lẽ muốn chứng tỏ trước sau
Ông không hề tào lao, nói dối.
Tháng ngày qua, vật dời, sao đổi,
Cha ra đi, về cõi vĩnh hằng.
Còn phần tôi, theo với tháng năm
Đã ổn định, không giầu sang lắm,
Cũng gọi là dư dả, êm ấm.
Vợ con hiền, thảo, chẳng thua ai.
Những bữa ăn, thỉnh thoảng đôi ngày
Có món cá, vợ tôi sửa soạn.
Tôi nhớ lại những ngày cay đắng
Dặn vợ giữ những mảng đầu, xương
Cho riêng tôi. Nàng rất cảm thông
Nên đầu, xương xẻ riêng một chỗ.
Con gái tôi, ngạc nhiên, hỏi bố:
"Sao Bố ăn lạ thế, Bố ơi?"
Tôi mỉm cười: "Bố lớn tuổi rồi
Đầu thường đau, xương hay nhức nhối!
Ăn đầu, xương tốt thôi, con gái!
Sẽ giúp Bố khỏe lại mấy hồi!"
Nói vậy rồi, nhớ đến cha tôi,
Nước mắt bỗng tuôn rơi trên má!

CHẨM TÁ NHÂN
(phóng tác)
06/03/2014


ĐỊNH NGHĨA VỀ CÁC KIỂU HÔN.

 

 

Định nghĩa về các kiểu hôn

😂💏💋😂💏💋😂

 

Hôn người nào đó gọi là hôn nhân

Hôn con vật nào đó gọi là hôn thú

Hôn vợ gọi là hôn thê

Hôn chồng gọi là hôn phu

Mơ hôn được người nào đó gọi là hôn ước

Mới hôn xong gọi là tân hôn

Hôn thêm cái nữa gọi là tái hôn

Hôn hai cái một lượt gọi là song hôn

Đang hôn nửa chừng bị xô ra gọi là ly hôn

Hôn trộm được ai đó thì gọi là thành hôn

Đang hôn bị dính mép gọi là đính hôn

Vừa hôn vừa quỳ lạy gọi là hôn lễ

Mê một người nào đó và hôn gọi là hôn mê

Hôn cây rong tảo biển gọi là tảo hôn

Hôn 7 người một lúc gọi là thất hôn.

Từ chối hôn gọi là từ hôn

Đứng trên cầu hôn nhau gọi là cầu hôn

 

Sưu tầm


LỤY ĐÀN BÀ (ĐỖ DUY NGỌC)

 


LỤY ĐÀN BÀ

                                                                                                       Truyện về thằng bạn thân / Không bước qua số phận                                                                  

        

Đỗ Duy Ngọc

 

Tôi và Nam là đôi bạn thân. Thân lắm. Hai đứa tôi học chung lớp từ Tiểu học, lên đến Trung học rồi Đại học. Đúng ra Nam thi vào Kỹ sư Phú Thọ nhưng vì thích gắn bó với tôi nên cũng ghi danh học Văn khoa cùng tôi dù Nam không có khiếu văn chương là mấy. Nhà tôi ở đầu dãy cư xá, nhà Nam ở cuối cư xá. Đó là cư xá dành cho sĩ quan ở đường Bắc Hải nên mọi người gọi luôn là cư xá Bắc Hải, có người gọi là cư xá sĩ quan Chí Hoà. Bố tôi là Trung tá làm việc ở Bộ Tổng tham mưu quân đội, bố Nam là Thiếu tá Quân cụ, chuyên cung cấp vũ khí, đạn dược và nhiều trang bị khác cho quân nhân. Gia đình tôi và Nam đều là dân Bắc di cư năm 1954 lại là gia đình quân nhân nên khá thân nhau. Bố Nam người gầy, rất hiền và vui vẻ, gặp ai trong cư xá cũng chào hỏi thân tình, ai cần chi cũng giúp tận tình.

 

Ông còn là một cư sĩ Phật giáo, ăn chay trường. Mẹ Nam là một phụ nữ đẹp, rất đẹp lại có dáng dấp rất quý phái, xuất thân từ gia đình trâm anh thế phiệt, là dược sĩ, làm cho một viện bào chế lớn ở Sài Gòn nên cũng hơi kiêu kỳ một chút. Nam đẹp trai giống mẹ và hiền lành giống bố. Hắn có dáng dấp và khuôn mặt như diễn viên Alain Delon, một tài tử nổi tiếng của Pháp thời đấy. Nam học giỏi lại rất thân thiện với bạn bè. Trong lớp học, hắn luôn tìm cách giúp đỡ mọi người, không bao giờ từ chối những yêu cầu của bất cứ ai, miễn là trong khả năng của Nam. Học chung với hắn lâu năm, tôi để ý là trong lớp có bạn nào khó khăn trong đời sống, hắn tìm cách giúp ngay, không quần áo, sách vở thì tiền bạc. Hắn tặng một cách kín đáo, tế nhị nên người khác không ai hay. Dưới mắt tôi Nam là một người tốt, quá tốt. Vừa học giỏi lại ngoan hiền nên Thầy Cô nào cũng quý hắn lắm. Chắc là ảnh hưởng lối giáo dục và tính cách tu hành của cha.

Hồi đấy, tôi có lần dạy kèm cho con chiêm tinh gia Huỳnh Liên, nhà ở đường Phan Thanh Giản. Ông này lúc đó nổi tiếng lắm, đến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn phải tin những lời của ông. Một hôm tôi và Nam đến thăm ông, không biết lần đó ông hứng tình chi mà bảo hai thằng ngồi cho ông bói một quẻ. Tôi thì ông bảo chỉ làng nhàng, thuận lợi, không có chi trúc trắc, chỉ có điều như cái tuổi Canh nên canh cô mồ quả, già sống một mình. Đến Nam thì ông cứ ngồi nhìn Nam mãi, hết nhìn mặt đến cầm tay, lại bảo Nam vén tóc nhìn tai, nhìn gáy. Cuối cùng ông phán một câu : 

     - Cậu này rồi sẽ luỵ đàn bà, sẽ khổ vì đàn bà. 

Tôi muốn bật cười mà không dám. Đẹp trai con nhà giàu như Nam, tướng ngon như tài tử như Nam mà bảo luỵ và bị khổ vì đàn bà thì ai tin được. Đàn bà, con gái khổ vì hắn thì có. Thế rồi cũng quên đi, chẳng có thằng nào nhắc đến.


Mà kể cũng lạ, suốt mấy năm sinh viên, Nam chẳng hề yêu ai dù có rất nhiều cô gái theo hắn. Nhiều khi tôi nghĩ hay là hắn đồng tính, chỉ thích đàn ông. Nhưng chắc chắn là không phải thế, bởi nhiều khi bạn bè rủ đi chơi gái, hắn cũng hăm hở và làm tròn nghĩa vụ như bất cứ thằng đàn ông nào. Chỉ có điều khác là lần nào nó cũng cho thêm tiền các cô gái và cư xử rất đẹp với các cô ấy. Đến đâu hắn cũng được khen là người chơi đẹp và thanh nhã, lịch sự như một quý ông.

Năm 1972, tốt nghiệp đại học lại là lúc chiến tranh dữ dội hơn, tất cả sinh viên tới tuổi đều bị động viên, Nam đi vào quân trường Thủ Đức khoá 72. Tôi thi vào một cơ quan chính phủ nên được hoãn dịch. Ra trường, Nam chọn binh chủng nhảy dù trước sự ngạc nhiên của mọi người. Hiền như hắn mà sao lại làm sĩ quan nhảy dù được nhỉ ? Hơn nữa bố hắn cũng chạy cho hắn về một đơn vị tiếp liệu cùng ngành quân cụ như ông, khỏi ra mặt trận. Nhưng Nam không bằng lòng, một mực về nhảy dù cho được. Và ngược với suy nghĩ của mọi người, hắn đánh giặc ra trò, lính lác thương hắn lắm vì hắn cũng xem lính như anh em một nhà. Lính hắn thằng nào tử trận hắn cũng về tận gia đình, giúp đỡ tiền bạc, lo lắng tận tình vợ con lính nên ai cũng quý. Nhưng mãi cũng chưa có vợ. Nhiều khi tôi nghĩ hay là hắn băn khoăn câu nói của ông Huỳnh Liên nên hắn sợ không dám lập gia đình. Cũng có lần tôi hỏi hắn về chuyện này, hắn bảo đời lính, hòn tên mũi đạn biết đâu mà tránh, lấy vợ rồi lỡ có chuyện gì chỉ khổ cho người ta. Nhưng rồi cuối cùng tôi phát hiện ra hắn yêu Ngọc Lan, em gái tôi. Chẳng là tôi có cô em gái nhỏ hơn tôi hai tuổi, đang học Luật. Ngọc Lan đẹp, thuỳ mị, nết na và rất hiền lành. Hai đứa này mà lấy nhau chắc hợp. Nhiều lần hành quân về, Nam cùng tôi và Ngọc Lan đi chơi với nhau. Hôm thì đi ra Rex xem phim, bữa thì ra Thanh Thế, Givral ngồi cà phê, ăn kem. Khi phát hiện ra hai đứa có tình ý với nhau, tôi hay tìm cách từ chối để Nam và Ngọc Lan có dịp ngồi riêng tâm sự. Nhưng một thời gian khá dài, hình như tình cảm của hai người chẳng đi đến đâu. Tôi thấy Ngọc Lan buồn, rất buồn. Tôi tra hỏi mãi thì em chỉ khóc mà không nói. Một hôm, có lẽ là không thể im lặng mãi được, Ngọc Lan mới bảo với tôi rằng Nam bảo rất yêu Ngọc Lan, nhưng không thể cưới vì ra chiến trường biết chết giờ nào mà gây khổ đau cho người mình yêu. Nói thế nào Nam cũng không lay chuyển. Không kết cuộc được thì đành chia tay. Đành vậy. Hơn năm sau, khi lấy xong cử nhân Luật, em gái tôi lấy chồng.  Chồng em là sĩ quan không quân lái trực thăng, cũng đẹp trai chẳng khác gì Nam nhưng tánh tình thì hơi cộc cằn và ăn chơi cũng dữ.


Tháng 4 năm 75, Nam từ trại Hoàng Hoa Thám chạy về chỗ nhà trọ của tôi ở đường Trương Minh Giảng, từ lúc đi làm, có lương, tôi xin phép bố mẹ thuê nhà ở riêng cho tiện. Nam trông bơ phờ, quần áo chẳng có chi ngoài chiếc quần đùi và cái áo ba lỗ. Hắn bảo cởi bỏ lại ở ngoài đường rồi. Hắn ngồi một lát rồi ôm mặt khóc hu hu. Tôi cũng chẳng biết nói gì với hắn vì tôi cũng đang rối tinh, chưa biết phải tính sao đây nữa. Hai thằng rú xe về cư xá Bắc Hải, mọi người trong cư xá cũng đang nháo nhào lo sợ. Đã có nhiều nhà khoá cửa ra đi. Bố mẹ tôi cũng chẳng biết làm gì, ngồi thở dài thườn thượt. Gia đình tôi cũng có giấy của Toà Đại sứ Mỹ lên danh sách di tản, nhưng bố mẹ tôi không đành để bà ngoại ở lại, bà đã quá già cho một cuộc hành trình sẽ chẳng biết về đâu. Ngọc Lan cùng chồng leo lên trực thăng bay ra biển từ tối hôm qua. Bố mẹ thấy tôi về cũng mừng. Bên nhà Nam cũng thế, Bố Nam cũng kẹt cụ bố ông, tuổi cũng đã già, không đi được, đành cả nhà ôm nhau ở lại, chờ chuyện chi tới cũng đành.

Rồi bố tôi, bố Nam và cả Nam bị kêu đi trình diện học tập cải tạo. Tiếp đó gia đình tôi cũng như gia đình Nam và nhiều nhà khác trong cư xá đều bị cưỡng chế ra khỏi nhà và có lệnh đi kinh tế mới. Cũng may tôi được lưu dung, làm việc tại chỗ cũ với những người chủ mới nên tránh được vụ đẩy đi kinh tế mới.

Nam học ở Suối máu, Long Khánh. Thời gian đầu bố tôi và bố Nam cùng bị tập trung một chỗ nhưng thời gian sau thì bị chuyển ra Bắc. Trong cuộc hành trình trên chiếc tàu lênh đênh ngoài biển, bố Nam không đi tới nơi, ông đã chết trên tàu, xác đành quăng xuống biển. Bố tôi bị bảy năm trong trại cải tạo, di chuyển từ Lạng Sơn đến Hà Nam Ninh rồi Yên Bái.
Khó khăn lắm, mẹ con tôi chỉ đi thăm bố được bốn lần, mỗi lần thấy thân hình còm cõi của bố, mẹ tôi chỉ biết khóc và tôi thì lòng như lửa đốt. Bố tôi đi cải tạo một năm thì bà ngoại tôi mất, ba năm sau đến lượt mẹ tôi qua đời trong lúc ngủ, chắc tại buồn nhớ bố tôi. Mẹ của Nam cũng được làm tiếp ở viện bào chế đã đổi tên, nhưng rồi nghe thiên hạ xì xào là bà đang cặp kè với tay phó giám đốc. Mà thật sự là cũng chẳng phải cặp kè gì nữa mà đã trở thành vợ chồng, hiện ở trong một biệt thự ở quận nhất sau khi ông nội của Nam đã mất. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, tan hoang cả, thay đổi cả, phận người lắm éo le. Tôi chỉ còn một mình, chắc đúng như ông thầy bói nói năm xưa, canh cô mồ quả. Nhiều người rủ tôi vượt biên, tôi còn bố trong trại, sao đành nỡ ra đi. Với lại tiền vàng lúc đó có đâu mà đi được.

Cải tạo được hơn hai năm thì Nam được về, chức trung uý thì tội ác không nhiều nên về sớm. Hơn nữa bản tính hiền lành, giúp nhiều anh em đồng cảnh ngộ, lao động tốt, không có thái độ chống đối gì nên Nam cũng được ưu tiên. Hắn giận mẹ, không thèm tìm gặp, cắt đứt luôn tình mẹ con. Không nghề nghiệp, hắn làm nghề đạp xích lô. Tôi với hắn thuê một cái phòng nhỏ trong căn nhà xập xệ ở gần kênh Nhiêu Lộc, sống qua ngày.

Đùng một cái, hắn báo tin sắp lấy vợ, vợ hắn làm nghề đổi đô la ở đường Nguyễn Huệ. Trong quá trình chở đi, chở về hàng ngày mà thành vợ chồng. Đó là một cô gái đẹp nhưng có vẻ từng trải. Hỏi Nam về lai lịch của vợ, hắn chẳng biết gì, gặp nhau, quen nhau, yêu nhau thì về sống với nhau thế thôi. Hai vợ chồng khắng khít, thương yêu nhau lắm. Nam nghe lời vợ, bỏ nghề chạy xích lô, vợ hắn nhờ quen biết chi đó xin cho hắn làm công nhân. Hai vợ chồng sáng chở nhau đi, chiều chở nhau về trông rất là hạnh phúc. Nam thuê một căn lầu khá khang trang ở đường Công Lý, hai vợ chồng làm ăn có vẻ khấm khá, cũng mừng cho hắn. Tôi làm việc thêm được mấy năm rồi cũng bị cho nghỉ, đành xin làm việc chữa mô rát cho một nhà in nhờ có bằng cử nhân Văn khoa chế độ cũ. Mỗi đứa đều có công việc riêng, đời sống riêng nên chỉ thỉnh thoảng gặp nhau, chẳng gần nhau như trước.

Hai năm sau, một bữa Nam tìm đến tôi, mặt buồn như đưa đám, hỏi gì cũng chẳng trả lời. Rồi hắn rủ tôi đi uống rượu. Trời đất quỷ thần ơi, thằng này từ xưa đến nay có biết rượu chè là gì đâu. Ngay cả thời hắn cầm súng trong binh chủng nhảy dù, hắn cũng không uống rượu bia, sống như nhà tu. Bây giờ lại rủ tôi đi uống rượu, chắc chắn là hắn phải có tâm sự gì ghê lắm đây. Hai thằng ra vỉa hè ngoài chợ Phú Nhuận, hắn gọi rượu, tôi kêu mồi. Ngồi uống cả buổi chiều cho đến khi nhập nhoạng tối. Hắn say khướt, giọng lè nhè. Nhìn khuôn mặt càng đỏ càng đẹp của hắn, tôi mới hỏi nguyên do. Lúc đầu hắn lặng im, rồi nâng ly uống một ngụm, hắn nói. Hắn kể hôm nay xí nghiệp cúp điện được về sớm. Hắn về nhà định chở vợ ra bờ sông Thanh Đa ngồi chơi. Ai dè vừa vào cửa hắn nhìn thấy vợ hắn đang làm tình với người đàn ông lạ. Tôi chồm lên bảo thế thì vào vạch mặt chúng nó, làm một trận cho chúng biết mặt chứ. Hắn cúi mặt bảo làm thế để làm gì, dù sao thì chúng nó đã ngủ với nhau, đã làm tình với nhau, coi như gương vỡ rồi, hốt lại được chăng? Làm rùm beng chỉ xấu mặt nhau thôi. Tôi bảo mày lại tốt kiểu tào lao rồi, uýnh một trận rồi ra sao thì ra chứ, sao mà hiền quá vậy? Hắn cười méo mó nói để làm gì chứ. Thế là hắn bỏ vợ mà đi. Hắn ở với tôi mấy ngày rồi đi mất biệt. Mấy hôm sau vợ hắn đến kiếm tôi, bảo anh Nam bỏ đi đâu mất cả tuần nay. Tôi giả vờ hỏi vợ chồng em có gây gỗ gì không? Cô nàng bảo không, vợ chồng em vẫn yêu thương, hạnh phúc lắm mà. Tôi tự nhủ trong bụng con mẹ này kinh thật, đã ngủ với nhân tình mà miệng còn xoen xoét yêu đương với hạnh phúc. Lòng dạ đàn bà khó hiểu thật. Tôi cười nhếch mép mà bảo rằng Nam chẳng thấy ghé đây, cô tìm xem chỗ khác đi, mà tôi nghĩ cũng chẳng nên tìm kiếm làm chi, hắn bỏ đi chắc có lý do gì đấy, nhiều khi cô biết mà cô không nói đấy thôi.

Mấy năm rồi tôi không gặp Nam. Ngày tôi lấy vợ, cố đi tìm hắn mà cũng không tìm được. Đám cưới tôi đơn giản, chỉ có mấy người bạn cùng cơ quan cùng dự. Bố tôi sống bảy năm trong tù rồi cũng chết trong trại cải tạo, thỉnh thoảng tôi cũng nhận thư và quà của em Ngọc Lan gởi về từ Mỹ. Vợ chồng em đã ly dị, giờ em sống một mình ở San Jose, đi làm cho một hãng phần mềm ở đấy, sống cũng khá sung túc, cũng không có đứa con nào. Tôi cứ băn khoăn về Nam, người bạn thân nhất của tôi, giờ không biết trôi giạt phương nào, sống chết ra sao ? Đúng lúc không ngờ nhất, Nam lại tìm đến tôi dù tôi đã đổi địa chỉ vì mua được một căn nhà nhỏ trong hẻm cũng ở đường Công Lý. Hắn mời tôi đi ăn đám cưới hắn, hắn bảo lúc trước hắn lấy vợ chẳng cưới hỏi gì, cũng tội nghiệp cho đời con gái người ta. Bây giờ lấy vợ thì nên cưới hỏi cho đàng hoàng. Hắn nhìn mập mạp, hàng râu mép càng tôn lên nét đẹp vốn có của hắn. Nhìn hắn chẳng khác gì diễn viên điện ảnh. Tôi mừng cho hắn. Đám cưới hắn đầy đủ lễ nghi, chỉ thiếu cha mẹ chú rể, tôi làm rể phụ cho hắn, vui lắm. Vợ hắn người Huế, là cô giáo dạy Văn trường trung học khá lớn trong thành phố. Cô ấy ăn nói nhỏ nhẹ, đằm thắm, thuỳ mị, dễ thương khác hẳn nhan sắc rực rỡ của người vợ trước. Tôi tin hắn sẽ hạnh phúc dài lâu. Năm sau thì vợ hắn sinh cho hắn thằng con trai. Hắn mừng lắm, thằng bé đẹp như thiên thần, đẹp trai hơn cả hắn. Hắn bảo tôi làm cha đỡ đầu cho con hắn. Tôi thấy hắn hạnh phúc và đôi mắt, nụ cười của vợ hắn cũng thể hiện điều đó.


Thế mà, chưa được năm năm, một hôm hắn lại tìm tôi, hốt hoảng báo tin vợ hắn đã ôm con bỏ đi đâu mất rồi, hắn tìm khắp nơi không thấy. Đến trường vợ hắn dạy thi trường cho hắn biết vợ hắn làm đơn xin nghỉ dạy rồi. Hắn cuống quýt, hắn buồn đau, hắn nhớ con, hắn thương vợ mà chẳng biết tìm đâu. Tôi với hắn chở nhau đi cả tuần đến những địa điểm mà hắn nghi vợ hắn đến. Nhưng bặt vô âm tín. Tôi cùng hắn mua vé máy bay ra Huế, tìm đến nhà cha mẹ vợ hắn, người nhà vợ hắn cũng ngơ ngác như hắn, chẳng biết cô ấy đi đâu. Hắn không ăn, không ngủ, người gầy rạc đi, râu ria mọc tua tủa, áo quần xộc xệch, suốt ngày lang thang ngoài đường như kẻ điên. Tôi lo cho hắn lắm, khuyên nhủ hắn mãi và hứa sẽ tìm cho ra tông tích của vợ con hắn. Hắn nhớ con, đêm đêm nằm khóc trong lặng lẽ. Vợ trước hắn bỏ đi, vợ sau bỏ hắn đi. Đời hắn cũng quái thật. Lần nào nó cũng đau như dao khứa trong lòng. Lần này nó càng đau hơn vì có đứa con, hắn nhớ con lắm, hắn khóc vì con hơn là vì vợ. Đau buồn làm hắn đổ gục, phải vào nằm bệnh viện cả tháng trời. Bác sĩ bảo hắn bị tâm bệnh chứ tim gan phèo phổi hắn rất tốt, chẳng bệnh tật chi. Bác sĩ cũng bảo nếu như không giải quyết được tâm bệnh, hắn sẽ bị tâm thần và đưa đến điên loạn. Tôi cũng bất lực, không biết giải quyết cách nào ngoài những lời khuyên bảo sáo mòn.

Một lần đi Long Thành thăm một người bạn đi tu ở Thiền viện Thường Chiếu. Lúc về trời bỗng nổi cơn mưa lớn, chúng tôi đành phải vào núp mưa trong một ngôi chùa nhỏ ven đường. Cơn mưa kéo dài, tôi lang thang vào trong và ngạc nhiên khi lại gặp cô vợ người Huế của Nam đang ở đây. Lúc đầu cô ấy né không muốn gặp, gặp rồi lại không muốn nói chuyện. Cô ấy bảo cô chưa xuất gia nhưng đang tu học ở đây, tháng tới sẽ xuống tóc và thành ni cô ở ngôi chùa này. Trời vẫn mưa mãi và tôi cũng nói hết những đau đớn, những nỗi khổ sở của Nam khi không tìm thấy vợ và con. Tôi cũng kể cho cô nghe hiện trạng của Nam bây giờ, sẽ điên nếu không chữa lành nỗi đau trong lòng anh ấy. Đến đó thì cô khóc, cô bảo với tôi là anh Nam là người tốt, quá tốt nên cô ấy không thể tiếp tục sống với anh được nữa vì cô đã lừa dối anh ấy, đã một lần ngủ với người tình cũ khi người ấy từ Mỹ trở về du lịch Việt Nam. Cô ấy đã không giữ được lòng ngã vào người tình cũ, cô hối hận, cô thấy mình không còn xứng đáng với con người quá tốt như anh ấy. Cô cũng đã nhiều lần muốn nói hết cho anh ấy biết để xin tha thứ nhưng cô không dám, cô không nỡ khiến anh ấy đau đớn vì bị phản bội. Cho nên cô đành chọn cách ra đi. Tôi hỏi đứa bé giờ ở đâu? Cô ấy càng khóc nhiều hơn, nước mắt tràn cả mặt. Cô nức nở mãi mới thốt lên được: cháu mất rồi, anh ạ. Rồi lại khóc. Tôi hoảng hốt hỏi tới, tại sao vậy, làm sao mất. Cô bảo cách đây một năm, cũng tại chùa này, cháu ra hồ chơi rồi bị chết đuối. Khi vớt lên thì cháu đã chết rồi. Bởi vậy cô ấy cũng sẽ ở chùa này cho đến già, đến chết để mong vẫn được gần con, để mỗi đêm tưởng tượng ra dáng hình con đang nô đùa cùng mẹ. Cô bảo thôi thì duyên phận của cô và Nam đã hết, đừng báo cho anh Nam biết cô ấy ở đây, đừng cho anh Nam tìm đến làm gì. Nhờ anh cố khuyên nhủ anh ấy, giúp anh ấy chóng khuây khoả để lành bệnh. Còn đời cô xem như đã chết rồi.

Tôi đi về lúc trời đã tối, cơn mưa cũng đã nhẹ hạt, tự nhủ có nên nói cho Nam biết không, có cho Nam tin con anh đã chết không? Lòng tôi rối như tơ vò. Cũng may sau hôm đó Nam cũng ít gặp tôi. Mỗi lần gặp hắn vẫn lầm lì, không nói, không cười, mặt lạnh như tiền, hàm răng cắn chặt và uống rượu như nước lã. Hắn luôn say khướt, khuyên mãi mà vẫn uống, hắn bảo uống để khỏi nhớ. Và rồi đến một ngày, Nam đi mất biệt, không một lời từ giã. Tôi tìm khắp bệnh viện, những nơi hắn thường tới, những chỗ hắn thường ngồi uống rượu, tất cả không có một manh mối nào. Căn nhà của vợ chồng hắn, đã bán từ lâu nhưng tôi cũng vào hỏi hàng xóm xem hắn có về đấy lần nào không, nhưng ai cũng lắc đầu. Hắn ít bạn, toàn bạn rượu, hỏi thì họ cũng chẳng biết gì. Tôi đành buông tay, đầu hàng với số phận biết tìm hắn nơi đâu, biết đâu nẻo đất, phương trời?

Thời gian chẳng đợi ai, tháng ngày cứ vùn vụt trôi đi. Vợ tôi qua đời sau cơn bạo bệnh khi chưa đến lúc gọi là già. Tôi có hai đứa con, cũng đã học ra trường, đã có công ăn việc làm để sống, đã có gia đình riêng. Tôi một mình lủi thủi trong căn nhà vắng. Mỗi chiều đốt nén nhang trên bàn thờ tôi cũng thường khấn nhớ về Nam, thằng bạn thân nhất đời tôi không biết giờ thế nào ? Còn sống hay đã chết ?


Rồi tôi nhận được thư Ngọc Lan, em báo cho tôi biết vừa gặp Nam ở San Jose, Nam nhắc anh hoài mà không viết thư cho anh vì đã làm phiền anh nhiều quá lại không biết địa chỉ mới của anh vì anh đã đổi nhà. Em có đưa địa chỉ cho anh và Nam hứa sẽ viết thư liên lạc với anh.
Tôi mừng lắm, mừng mà nước mắt cứ tuôn, mừng vì bạn còn sống, mừng vì bạn đã qua được cơn u uất, mừng vì bạn đã có một môi trường sống khác để có thể xoá nhoà những nỗi đau của quá khứ. Từ đó, tôi và Nam cứ viết thư cho nhau. Nam kể trong những ngày bế tắc, Nam đã về Bà Rịa làm nghề cá và rồi có một chuyến vượt biên, Nam đi theo đến được đảo rồi qua Mỹ nhờ ngày xưa là sĩ quan nhảy dù của quân đội chế độ cũ, Nam bảo gặp được Ngọc Lan, Nam mừng lắm vì ở xứ người gặp được người thân là điều quý giá vô cùng. Thời gian sau nữa, tôi lại nhận được thiệp cưới cùng lời xin phép của Nam được cưới Ngọc Lan. Tôi vui. Cuối cùng, hai đứa cũng đến được với nhau. Hai đứa là tình đầu của nhau, mong cũng là tình cuối của hai người. Hai con người cô đơn trên đất khách giờ đây được hạnh phúc bên nhau, còn gì vui hơn. Thằng bạn thân lấy em gái mình sau những đổ vỡ của cuộc đời, sau những phũ phàng, có phải đó là duyên phận trải qua những thử thách.

Họ sống hạnh phúc với nhau được bảy năm, không có con nhưng căn nhà tràn ngập tiếng cười. Đến năm thứ bảy thì Ngọc Lan bị ung thư, y học không cứu được và qua đời trên tay Nam, mặt Nam đầy nước mắt. Tôi biết Nam đau khổ vô cùng, có lẽ còn đau nhiều hơn hai lần trước. Tôi thương cho người em gái vắn số nhưng không qua đó được để tiễn em làn cuối cùng. Tôi nghe tin mà sững sờ. Đến lúc này thì tôi tin lời của ông Huỳnh Liên, đời Nam đau khổ và luỵ vì đàn bà, đời tôi tuổi già cô quạnh. Buồn quá là buồn.

Giờ đây Nam đã về hẳn Việt Nam, sống cùng tôi. Chiều chiều hai thằng ngồi bên bờ kè nhìn nước chảy. Nước trôi về đâu ? Chẳng biết. Nhìn mây bay, hỏi mây về đâu ? Chẳng hay. Hỏi mình sẽ về đâu trong mốt mai, không ai trả lời. Có nhiều người cứ bảo hai ông này còn ngon quá, sao không kiếm mỗi người một bà cho vui tuổi già ? Hai thằng nhìn nhau cười, nghĩ trong lòng cái số đã thế thì chịu số cho rồi, vẫy vùng làm chi nữa cho khổ người, khổ ta.

 

               8.6.2021

                    DODUYNGOC

Tuesday, June 28, 2022

GHEN TRĂNG (HÀ QUẾ LINH) & THƠ HỌA.

 


GHEN TRĂNG

 

Hôm nay mùng một trăng đi vắng,

Có lẽ vào chùa viếng các Tăng.

Bỏ mặc van nài khô cổ họng,

Chẳng màng gào thét mỏi môi răng!

Rằm về hớn hở trăng tươi sáng,

Cầu phước hồng ân sắc đẹp tăng.

Hiu hắt Cuội già ôm nuối tiếc,

Ghen Hằng bận giỡn với sao băng?!

HÀ-QUẾ-LINH

 

HỌA: TRĂNG ĐÂU VẮNG

 

Mùng một đêm buồn thiếu vắng trăng,

Xa xa tiếng mỏ cạnh chư tăng.

Khàn khàn giọng đọc kinh khô họng,

Lốc cốc mỏ lùa tiếng mỏi răng.

Nhớ quá đêm rằm in dáng nguyệt,

Nhìn nay mây thoáng bóng tung tăng.

Cuội già ôm gốc đâu không thấy!

Có phải đang đùa ôm ánh băng?

 

HỒ NGUYỄN (22-6-2022)


HOA HẬU PHI PHI TẠ RỰC RỠ ĐĂNG QUANG NAIL QUEEN 2022 (ĐẰNG GIAO)

 

Hoa Hậu Phi Phi Tạ rực rỡ đăng quang Nail Queen 2022

June 27, 2022

 

Đằng-Giao

GARDEN GROVE, California (NV) – Nail Queen 2022, cuộc thi hoa hậu ngành nail được trực tiếp truyền hình trên đài SBTN trong hai ngày Thứ Bảy, 25 và Chủ Nhật, 26 Tháng Sáu với mục đích vinh danh những người làm việc trong ngành nail vốn làm đẹp cho người, cho đời.

 

Hoa Hậu Phi Phi Tạ trong giây phút đăng quang Nail Queen 2022. (Hình: Đài truyền hình SBTN)

Sau những phút giây căng thẳng đợi chờ, ba người đẹp ngành nail đi vào “lịch sử Nail Queen” là Phi Phi Tạ đoạt giải Hoa Hậu; Diệp Nhi, Á Hậu 1 và Tiffany Nguyễn, Á Hậu 2.

Ngoài ra, Hoa Hậu Phi Phi Tạ còn được trao giải duyên dáng, trang phục và ăn ảnh trong lúc Á Hậu Tiffany Nguyễn đoạt giải thân thiện.

Nhận thức rằng người có nhan sắc và tài năng đều hiện diện trong mọi lãnh vực, ban tổ chức cuộc thi quyết định phải tìm ra những đóa hoa thầm lặng quý báu và nay giới thiệu trước công chúng.

Bà Kim Nhung, trưởng ban tổ chức cuộc thi, nói: “Mục đích của chúng tôi là đề cao vẻ đẹp của những phụ nữ làm việc trong ngành nail, một ngành có rất đông người gốc Việt chúng ta.”

 

Ba người đẹp đi vào “lịch sử Nail Queen”: Phi Phi Tạ (Hoa Hậu), Diệp Nhi (Á Hậu 1) và Tiffany Nguyễn (Á Hậu 2). (Hình: Đài truyền hình SBTN)

Bà thêm: “Đây là lần đầu tiên một cuộc thi như thế này được tổ chức. Đúng ra chúng tôi phải làm từ lâu rồi.”

Các thí sinh đã trải qua nhiều tâm trạng, lúc vui, lúc buồn và có lúc căng thẳng vì thử thách.

Cả hoa hậu và hai á hậu, trước khi được tổng kết số điểm, đã phải trả lời câu hỏi cuối cùng là chức hoa hậu Nail Queen có ý nghĩa gì và các cô sẽ làm gì khi đoạt giải.

 

Hoa Hậu Nail Queen 2022 Phi Phi Tạ. (Hình: Đài truyền hình SBTN)

Phi Phi Tạ trả lời: “Em sẽ mang hình ảnh người thợ nail ra thế giới và em sẽ phải sống lành mạnh, lương thiện và đạo đức để giúp đỡ người khác.”

Diệp Nhi nói: “Em rất tự hào làm việc trong ngành nail và muốn cho mọi người cùng tự tin vào nghề của mình.”

Tiffany Nguyễn đáp: “Nếu là hoa hậu, em sẽ có một diễn đàn để nói về tình trạng sức khỏe và môi sinh của thợ nail.”

 

CEO Thái Trần của Nails Of America & Milano (trái) và MC Giáng Ngọc (phải), đại diện cho công ty Shureihi, hai nhà tài trợ trao vương miện cho Hoa Hậu Phi Phi Tạ. (Hình: Đài truyền hình SBTN)

Tài sắc vẹn toàn

Để lọt vào vòng bán kết, các người đẹp đã phải trải qua các cuộc thi tay nghề với những thử thách gay go như thiết kế hình con chim cánh cụt trên móng tay theo một đề bài và thiết kế tự do theo một đề bài khác trong thời gian một tiếng.

Trong chín người đẹp vượt trội ở vòng bán kết thì tám là người gốc Việt, trừ thí sinh mang số 2 là Sofia Alvarado là người gốc Mexico.

 

CEO Lộc Dương của công ty DND Gel (thứ hai từ trái, hàng trước) cùng trao vương miện cho Á Hậu 2 Tiffany Nguyễn. (Hình: Đài truyền hình SBTN)

Tám thí sinh còn lại là Phi Phi Tạ (số 1), Diệp Nhi (số 3), Ngô Thúy Hằng (số 5), Tiffany Nguyễn (số 6), Nguyễn Thái Linh (số 7), Yến Hồ (số 8), Tiffany Sy ( số 9) và Vũ Hạnh Mỹ Thương (số 10).

Thí sinh Sofia Alvarado đã được khán giả bầu chọn là Hoa Hậu Nail Queen 2022.

Ngoài ra, về giải tài năng chuyên môn, cô Sofia còn được Sendwave, một dịch vụ chuyển tiển, trao giải trị giá $3,500 và thí sinh Nguyễn Thái Linh được DND Gel, công ty sản phẩm nail, trao giải trị giá $5,000.

 

Ban Tổ Chức, các nhà tài trợ, ban giám khảo cùng các thí sinh đoạt giải. (Hình: Đài truyền hình SBTN)

Các giám khảo của cuộc thi Nail Queen 2022 là tài tử Kiều Chinh, MC Diệu Quyên, ông Lộc Dương, giám đốc DND Gel, ông Thái Trần, giám đốc Nails of America và Milano Nail Spa, MC Giáng Ngọc, đại diện Shureihi, ca sĩ Nguyên Khang và ông Marty Flaherty, cựu quản lý mỹ phẩm Revlon.

Bà Kim Nhung cho biết các giải thưởng chính của cuộc thi là giải hoa hậu trị bằng hiện kim là $10,000 cho hoa hậu, $6,000 cho á hậu 1 và $4000 á hậu 2.

Ngoài ra còn có 10 giải an ủi, mỗi giải là một mặt dây chuyền hột xoàn trị giá $1,500 và nhiều quà tặng giá trị từ các cơ sở thương mại bảo trợ.

 

Nhạc Sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc SBTN, phát biểu trong lúc ban tổ chức chuẩn bị công bố 5 thí sinh lọt vào “top 5”. (Hình: Đài truyền hình SBTN)

Nail, ngành của người gốc Việt

Theo thông tin ban tổ chức thu thập được, hiện thời có 374,000 người có môn bài hành nghề nail mà trong đó, hơn 50% là người gốc Việt.

Ban tổ chức nhận thấy giới làm nail đã đóng góp rất nhiều cho Hoa Kỳ dưới mọi hình thức. Họ đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế và họ cũng đã nuôi dạy những thế hệ kế tiếp gồm nhiều dân cử, bác sĩ, kỹ sư, luật sư và những người có công đóng góp về văn hóa cũng như nghệ thuật.

Với truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây,” trong chương trình, hai MC Jimmy Nhựt Hà và Thùy Dương có nhắc đến bà Tippi Hedren và bà Dusty Coot là hai người có công đầu trong việc giới thiệu ngành nail cho người Việt tại Hoa Kỳ hồi 1975.

 

Hoa hậu và hai á hậu Nail Queen 2022. (Hình: Đài truyền hình SBTN)

Nữ tài tử Kiều Chinh chia sẻ với nhật báo Người Việt rằng bà rất vinh dự được giúp bà Hedren, người được mệnh danh là “Godmother” của ngành nail cho người Việt Nam.

Bà Kiều Chinh nói: “Hồi đó tôi phụ bà Tippi thông dịch cho 20 cô Việt Nam đầu tiên học nail. Trong số này, cò người biết chút ít tiếng Anh nhưng bà Tippy vẫn muốn nhờ tôi cho chắc. Tôi rất vinh dự dược góp phần trong sự phát triển của kỹ nghệ nail to lớn này.”

Đặc biệt, không thể không nhắc tới ba nhà tài trợ lớn nhất của cuộc thi là DND Gel, Shureihi và Nails Of America & Milano.

Cuộc thi hoa hậu Queen Nail 2022 là cuộc thi đầu tiên ca ngợi nét đẹp của giới làm nail đầu tiên tại Mỹ và ban tổ chức mong cuộc thi này mở đầu cho một các cuộc thi hàng năm kế tiếp. [kn]