Lễ tiễn cựu phu nhân PTT Nguyễn Cao Kỳ ‘Về Cõi Thiên Thu’
Quốc Dũng & Nhất Anh/Người Việt
Quốc Dũng & Nhất Anh/Người Việt
“Thật sự chúng ta không nên buồn mà nên cảm thấy an ủi và nhẹ nhàng vì mẹ của tôi đã sống một cuộc sống rất đáng sống. Tôi không thể nói về những kỷ niệm với mẹ được, bởi vì tôi có cảm tưởng có những nỗi đau quá lớn. Hiện tôi có cảm giác đang dán một băng keo rất lớn trên trái tim của mình, nếu chỉ cần hít ra một tí thì tôi sẽ rất khó thở.” MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, con gái của bà và vị phó tổng thống, nói.
Cô nói tiếp: “Trước nay, ai cũng nói tại sao tôi lúc nào cũng cười, không biết khi nào khóc hay buồn. Thật sự tôi cười được suốt và ít khi buồn vì bao giờ cũng có mẹ bên cạnh, nên không bao giờ cảm thấy cô đơn. Nhưng cho tới bây giờ, đây là lần đầu tiên cảm thấy hụt hẫng. Nhưng tôi hứa với mẹ: ‘Mẹ đừng lo, con rất mạnh dạn và con sẽ tiếp tục mạnh dạn để lo cho hai cháu của bà.’”
“Mất mẹ rồi đời vĩnh viễn đơn côi”
Sau khi chủ trì nghi thức mai táng cho bà Đặng Tuyết Mai, Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, đệ nhất phó chủ tịch nội vụ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ kiêm viện chủ chùa Bát Nhã, Santa Ana, nói: “Kỳ Duyên kể với tôi khi cô nhớ lại những lần đi làm về, đang ngủ ngon giấc thì thấy bàn tay run run của mẹ kêu cô dậy để ăn chén yến. Vậy đó, mẹ mang bệnh nặng kinh khủng mà không bao giờ quên con được. Dù Kỳ Duyên đã lớn như thế đó, mẹ vẫn thương cô vô cùng tận.”
“Cho nên dù chúng ta có lớn mấy nhưng tình thương của mẹ, của cha vẫn coi chúng ta còn nhỏ bé. Hôm nay ngày cuối cùng để Kỳ Duyên và gia đình bên mẹ, bao nhiêu nỗi niềm cay đắng xót xa yêu thương mẹ vô cùng tận nhưng đâu còn dịp nào để chăm sóc mẹ. Nếu có chăng, mong rằng tất cả anh chị em nhớ lại những gì mẹ đã dặn, đã dạy khi còn sinh tiền,” hòa thượng căn dặn.
Rồi hòa thượng nhắn gửi: “Tôi nhớ một nhà thơ vì quá yêu thương cha, quá yêu thương mẹ đã viết: ‘Mẹ nhắm mắt, đời con không còn nữa/Dù niềm vui thật nhỏ bé trong đời/… Có những lúc mẹ giận hờn trách mắng/Nhưng trong lòng lệ mẹ vẫn thầm rơi/… Trời đang ấm sao hồn con buốt giá/Mất mẹ rồi đời vĩnh viễn đơn côi/Con thèm quá, thèm được nghe mẹ mắng/Nhưng hết rồi những ngày tháng yên vui/Từ mộ lạnh mẹ có nghe con khóc/Khóc hôm nay rồi vĩnh viễn sau này.’”
Về sự ra đi của bà Mai, ông Bùi Xuân Hiến, phu quân của bà, kể: “Trong ngày người vợ thân yêu của tôi ngã bệnh, căn bệnh chỉ là khó thở, có đôi lúc ngộp thở phải dùng ống dưỡng khí. Đây là đôi lời mộc mạc mà trong lúc thương cảm quá, tôi làm bài thơ này: ‘Bằng buồng phổi tôi em hãy thở/Biết bao lần ta đã hôn đắm đuối/Chẳng phải sao, ta đã cùng chung hơi thở?’”
“Hôm nay không thấy nhiều những giọt lệ, bởi chúng ta khóc nhưng nước mắt để trong lòng, thể theo tâm nguyện của vợ tôi. Tôi lại nhớ những câu thơ của bạn tôi là Tô Thùy Yên đã đọc trước linh cữu: ‘Thiết tha thế, xót xa là thế/Tình tự nào không xé thịt da.’ Chúng ta cùng thương yêu một người nào đó mà khi mất đi thì chẳng khác gì máu thịt của chúng ta bị xẻ chia,” ông chia sẻ.
“Lát nữa đây chúng tôi sẽ đưa Tuyết Mai đi. Nàng ra đi rất thanh thản, nhẹ nhàng. Nàng đã rũ bỏ hết những u buồn, ưu phiền. Hành trang của nàng có thể nặng nhất là trái tim của tôi. Trái tim của tôi lát nữa sẽ bỏ vào quan tài mang theo xuống tận mồ với nàng. Tôi còn lại một nửa hồn sẽ sống chờ cho đến ngày đi theo nàng,” ông tâm sự.
“Mẹ đã tạo ra một chuẩn mực mà tôi muốn học”
Luật Sư Trịnh Hội, nghĩa tử của người quá cố, chia sẻ: “Tôi gặp mẹ Mai lần đầu tiên vào khoảng đầu thập niên 2000, lúc tôi mới quen cô con gái độc nhất của mẹ. Hôm ấy trời đã khuya và tôi chỉ ghé vào nhà chào hỏi thăm mẹ vài câu trước khi về lại Philippines nơi tôi sinh sống. Tôi vẫn còn nhớ lúc ấy tôi khá lo lắng và hồi hộp. Bởi ‘bác Mai’ lúc ấy không chỉ là mẹ của bạn gái mình mà từ nhỏ tôi đã đọc, nghe và biết rất nhiều điều về bà. Về chuyện tình của mẹ với bố Kỳ. Về lý do tại sao mẹ được cho là văn minh, quý phái. Và dĩ nhiên là về sắc đẹp nổi tiếng của mẹ.”
“Nhưng thật lòng, ấn tượng đầu tiên của tôi lại không phải là sắc đẹp của mẹ. Có lẽ vì lúc ấy mẹ đã không còn trẻ như lúc mới về làm vợ bố. Lúc ấy tôi cũng chưa có dịp tiếp xúc nhiều với mẹ để có thể cho là mẹ văn minh, quý phái đến dường nào. Điều làm cho tôi ấn tượng nhất, nhớ nhất mãi cho đến ngày hôm nay đó là sự hòa đồng, thân thiện ở mẹ. Mẹ hỏi tôi muốn uống gì không và tự tay đi lấy nước cho tôi uống trước khi ân cần hỏi thăm sức khỏe cũng như công việc tị nạn của tôi lúc ấy ở Philippines,” ông kể.
“Mẹ đã không nói gì đến mẹ, càng không chưa bao giờ tôi thấy mẹ muốn chứng tỏ với bất kỳ ai rằng mẹ là một ai đó, từng là một bà tướng hay một mệnh phụ phu nhân đã gặp quen biết bao lãnh tụ, vua chúa. Đối với tất cả mọi người, già cũng như trẻ, mẹ luôn nhã nhặn, ân cần và gần gũi bất kể họ thuộc thành phần nào và đến từ đâu. Đây có lẽ là lý do tại sao có khá nhiều người được mẹ nhận làm con nuôi, từ bạn bè của con ruột cho đến vợ hoặc chồng của năm người con kế. Đối với mẹ, hình như con rể cũ hay con dâu mới không quan trọng cho lắm. Mẹ vẫn đối xử như ngày nào nếu không muốn nói là còn gần nhau hơn. Tôi là một thí dụ điển hình,” ông kể tiếp.
Ông kể tiếp: “Còn nhớ cách đây chỉ vài tuần, mặc dù mẹ đang rất mệt mỏi nằm trên giường bệnh trong nhà thương nhưng lúc tôi vào thăm mẹ vẫn bảo là cho mẹ góp $200 vào quỹ của VOICE để giúp những nạn nhân của lũ lụt ở miền Trung. Tôi thương mẹ cũng vì thế. Sẽ nhớ mãi về mẹ cũng bởi thế. Nhất là lúc tôi và con gái mẹ quyết định chia tay. Có lẽ mẹ là người buồn nhất, thất vọng nhất, và khóc nhiều nhất.”
“Đường thênh thang tôi vào cõi thiên thu”
Và rồi, tất cả mọi người dự tang lễ đều nín lặng khi nghe ca sĩ Khánh Hà cất giọng hát bài “Đời Đá Vàng,” của nhạc sĩ Vũ Thành An, một trong những bài hát mà bà Đặng Tuyết Mai yêu thích. “Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu/Ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau/Ước vọng ngày thơ ấu chưa xin được chút nào/Suốt đời còn ước ao khát vọng còn cấu cào…”
Ca sĩ Khánh Hà chia sẻ: “Hôm nay mất cô là tôi mất đi một người hâm mộ rất trung thành từ lúc tôi mới ra cuốn băng cassette đầu tiên. Cô đã ủng hộ bằng cách mua rất nhiều để tặng bạn bè. Đó là điều tôi rất nhớ cô. Và trong những chương trình ca nhạc thì cô hay ngồi dưới và luôn kêu tôi hát bài ‘Đời Đá Vàng.’ Và một điều mà, đi đám tang ai tôi cũng sợ, nhưng đám tang cô thì tôi không có cảm giác sợ…”
Lúc sinh thời, bà đặc biệt yêu thích hai giọng ca Khánh Hà và Tuấn Ngọc. Chính vì vậy, tang lễ của bà, ca sĩ Tuấn Ngọc hát bài “Phôi Pha” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để chia tay bà lần cuối: “Ôi phù du/Từng tuổi xuân đã già/Một ngày kia đến bờ/Đời người như gió qua…”
Tiễn biệt bà, cả hai danh ca cùng hát bài “Time To Say Goodbye” để tiễn bà về cõi thiên thu.
Có lẽ điều mà mọi người sẽ không bao giờ quên ở bà, một người được gọi có khi là chị Mai, cô Mai, bác Mai, hay đối với nhiều người là mẹ Mai, mà theo nhiều người, đó chính là sự quý phái nhưng rất gần gũi, sang trọng nhưng rất thân thiện ở bà.
Theo nhiều người cho biết, đến cuối cuộc đời, điều bà sợ nhất vẫn là làm phiền người khác, chứ không phải là cái chết, bởi vì bà là một Phật tử thường ngày tụng kinh biết đây chỉ là cõi vô thường. “Mai tôi đi không còn ai trông đợi/Đường thênh thang tôi vào cõi thiên thu,” là những dòng thơ cuối trong bài “Về Cõi Thiên Thu” do bà sáng tác.
Bà Đặng Tuyết Mai qua đời ngày 21 Tháng Mười Hai, tại bệnh viện Hoag, Newport Beach, California, hưởng thọ 75 tuổi.
Theo đoạn phim do gia đình chiếu tại tang lễ, bà Mai sinh ra tại Hà Nội và mất cha từ sớm. Bà cùng gia đình di cư vào Nam trước khi đất nước chia đôi vào năm 1954. Thoạt đầu gia đình bà định cư ở Đà Lạt, sau đó chuyển về Nha Trang nơi mẹ bà có cơ sở buôn bán. Cho đến thập niên 1960, khi bà học xong, bà được tuyển vào làm một trong những nữ tiếp viên hàng không đầu tiên của hãng Hàng Không Việt Nam. Đây là một công việc mà bà từng bảo bà rất yêu thích trước khi quyết định lấy Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ vào năm 1964.
Vài ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975, bà cùng gia đình sang Mỹ định cư, thoạt đầu ở Virginia, rồi Louisiana, trước khi dọn hẳn về California.
Năm 1989, ông bà ly dị, bà lập gia đình với ông Bùi Xuân Hiến. Đây cũng là thời gian mà bà nói là thật sự tìm lại được chính mình.
Riêng ông Kỳ lập gia đình với một người khác. Năm 2011, ông qua đời tại Kuala Lumpur, Malaysia.