Monday, October 19, 2015

NHỮNG GÓC KHUẤT TRONG LỊCH SỬ VN (5)



NGUYỄN MINH HỰU
Bài Số 9
Người đàn bà độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam (có thể là cả thế giới, tự cổ chí kim) có địa vị cao trọng nhất trong 6 triều vua liên tục.

Những tin tức thời sự, y học và khoa học hiện thời đã có rất nhiều trên internet và emails từ bạn hữu bốn phương chuyển tiếp về hàng ngày nên tôi không đi vào lãnh vực ấy. Hôm nay tôi muốn trình bày đến quý bạn đọc về một người đàn bà đặc biệt, có một không hai trong lịch sử Việt Nam, mà ít người biết đến, đã từng có địa vị cao trọng nhất trong 6 triều vua liên tục.

Dương Hoàng Hậu (minh họa)
Đó là bà Dương thị. Các bộ sử Việt chính thống đều không có ghi tên riêng của Bà là gì mà chỉ ghi họ của Bà mà thôi, và trịnh trọng gọi Bà là Dương Hoàng Hậu hoặc Dương Thái Hậu. Sau này có bài viết và tuồng cải lương gọi bà là Thái Hậu Dương Vân Nga. Tôi không biết cái tên "Vân Nga" này lấy từ sử liệu nào nên không rõ là đúng hay sai, do đó tôi chỉ gọi Bà là Hoàng Hậu hay Thái Hậu Dương thị mà thôi.

1. Bà là Hoàng Hậu dưới triều Ngô Xương Văn:

Sau khi Ngô Quyền băng hà năm 944 (hưởng thọ 47 tuổi, làm vua được 6 năm), Dương Tam Kha cướp ngôi, tự lập mình làm vua, xưng Dương Bình Vương. Ngô Xương Ngập con trưởng của Ngô Quyền chạy về nhà một hào trưởng ở làng Trà Hương, Hải Dương. Từ khi Dương Tam Kha lấy ngôi của nhà Ngô, nhiều nơi không chịu thần phục. Một số thủ lĩnh nổi lên chống đối tạo thành loạn sứ quân.
Ngô Quyền (hình minh họa)

Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn (là con thứ của Ngô Quyền) đi đánh Thái Bình. Ngô Xương Văn dẫn quân quay lại lật đổ Dương Tam Kha. Xương Văn không giết Tam Kha, chỉ giáng xuống làm Chương Dương công. Năm ấy (950), Ngô Xương Văn tự xưng làm Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Xương Văn cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập về cùng làm vua, là Thiên Sách Vương. Lúc đó cùng tồn tại hai vua Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương. Sử sách gọi là Hậu Ngô Vương. Trong hai vị vua đồng triều này thì Ngô Xương Văn được dân chúng ái mộ nhất do bản tính khiêm cung và nhân ái của Ông. Hoàng hậu dưới trướng của Ngô Xương Văn lúc bấy giờ là bà Dương thị. Bà là người có học, có mưu lược đã giúp nhiều cho chồng. Vào thời đó vì tài ba quản trị đất nước của hai ông (Ngô xương Ngập và Ngô Xương Văn) không bằng vua cha Ngô Quyền nên thế nước đi vào chỗ loạn ly. Đó là thời kỳ Thập Nhị Sứ Quân kéo dài hơn 20 năm (944-968) kể từ khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô.

2. Bà cũng là Hoàng Hậu dưới triều Đinh Tiên Hoàng:

Đinh Bộ Lĩnh (minh họa)
Sau 20 năm loạn lạc do cuộc tranh bá đồ vương giữa 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh là người toàn thắng, dẹp tan 11 sứ quân kia, trong đó có Ngô Xương Văn. Năm Mậu Thìn 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Đinh Tiên Hoàng cho xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ.

Vì lý do chính trị, để chiêu dụ tàn quân và phe phái của Ngô Xương Văn, Đinh Tiên Hoàng sắc phong Hoàng Hậu cho bà Dương thị (Hoàng Hậu dưới triều Ngô Xương Văn) với danh hiệu Đại Thắng Minh Hoàng Hậu, năm 968.

3. Bà cũng là Hoàng Thái Hậu dưới triều Đinh Toàn:

Năm Kỷ Mão 979, Đinh Bộ Lĩnh cùng con trai Đinh Liễn bị viên hoạn quan Đỗ Thích ám sát. Đinh Toàn , con của Dương Hoàng Hậu, con trai còn lại của Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi. Hoàng Hậu  Dương thị trở thành Hoàng Thái Hậu.

Vì Đinh Toàn chỉ mới 6 tuổi nên mọi quyền bính đều nằm trong tay Hoàng Thái Hậu Dương thị. Bà là người tài trí và quyền biến nên đã lèo lái được Đại Cồ Việt trong thời điểm khó khăn này.

4. Bà cũng là Hoàng Hậu dưới triều vua Lê Đại Hành:

Năm sau, năm 980, nhà Tống Trung Hoa cử đại binh sang đánh Đại Cồ Việt nhằm thiết lập lại nền đô hộ bị mất từ ngày đại thắng của Ngô Quyền.

Biết mình không đủ tài thao lược để thống lãnh quân binh chống lại
Lê Đại Hành (minh họa)
đại quân nhà Tống trong lúc vua thì mới 6 tuổi nên Hoàng Thái Hậu Dương thị cùng quần thần bàn với nhau và nhường ngôi vua cho Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn. Lê Hoàn lên ngôi lấy hiệu là Lê Đại Hành, đích thân thống lãnh binh bị, đánh tan quân nhà Tống.

Nhớ ơn người đã trao ngôi vương cho mình, Lê Đại Hành tấn phong Hoàng Thái Hậu Dương thị làm Hoàng Hậu và nuôi dưỡng Đinh Toàn như là con ruột của mình, sống trong triều đình Tiền Lê 20 năm. Năm Tân Sửu 1001, trong dịp cùng vua Lê Đại Hành đi dẹp loạn Cử Long thuộc vùng Cầm Thuỷ, Thanh Hoá, Đinh Toàn bị trúng tên, mất năm 27 tuổi.

Hoàng  Hậu Dương thị mất năm 1000, cùng năm với con trưởng của Lê Hoàn là Lê Long Thâu. Hoàng  Hậu Dương thị được thờ cùng với vua Lê Đại Hành tại đền thờ của Ông tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.

5. Bà cũng là Nhạc Mẫu của vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn):

Công chúa Lê Phất Ngân là con của Hoàng Hậu Dương thị với vua Lê Đại Hành. Khi đến tuổi trưởng thành, vua Lê Đại Hành  đã gả công chúa Lê Phất Ngân cho Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Lý Công Uẩn.

Ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý (1000) tại tại kinh đô Hoa Lư, công chúa Phất Ngân hạ sinh Lý Phật Mã (khi Lý Công Uẩn vẫn còn là phò mã trong triều nhà Tiền Lê).

Khi vua Lê Đại Hành mất (năm 1005), sau 8 tháng tranh dành giữa các hoàng tử, thái tử Lê Long Việt lên ngôi lấy hiệu là Lê Trung Tông. 3 ngày sau thì bị người em cùng cha cùng mẹ là Lê Long Đĩnh sai người giết anh mình rồi cướp ngôi vua. Lê Long Đĩnh khi lâm triều thì nằm chứ không ngồi được nên người đời gọi ông là Lê Ngọa Triều. Ông làm vua được 4 năm từ 1005 đến 1009 thì mất ở tuổi 24.

Sau khi Long Đĩnh mất (1009), triều đình nhà Tiền Lê tôn vinh Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Lý Công Uẩn (là phò mã của vua Lê Đại Hành và Hoàng Hậu Dương thị) lên ngôi, tức là Lý Thái Tổ, lập ra nhà Lý.  Lúc này công chúa Phất Ngân trở thành một trong số những hoàng hậu của vua Lý Thái Tổ.  Tức là bà Dương thị (lúc bấy giờ đã quá cố) trở thành Nhạc Mẫu của vua Lý Thái Tổ.

6. Bà cũng là Bà Ngoại của vua Lý Thái Tông:

Năm 1028 Lý Thái Tổ mất, để lại di chiếu truyền ngôi cho con trưởng là thái tử Lý Phật Mã. Thái tử lên ngôi (tức Lý Thái Tông).  Ông đã tôn phong mẹ mình (con của vua Lê Đại Hành và Hoàng Hậu Dương thị) làm Linh Hiển Thái Hậu.  Như vậy bà Dương thị cũng là Bà Ngoại của vua Lý Thái Tông, vị vua thứ nhì của triều nhà Lý.


Sách tham khảo:
  • Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (do Quốc Sử Quán triều Nguyễn soạn thảo)
  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư  (Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên)
  • Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim)
  • Hoàng Xuân Hãn tuyển tập (Hoàng Xuân Hãn)
  • Phả Hệ họ Ngô Việt Nam (Ngô Đức Thắng)
  • Nhìn Lại Lịch S(Lã Duy Lan, Phan Duy Kha và Đinh Công Vĩ)

No comments: