Friday, October 16, 2015

HÀNH TRÌNH YÊU THƯƠNG (Quang Đặng)

(Xin bấm vào hình để xem lớn hơn; bấm vào những chữ đỏ để tham khảo, và bấm "Esc" để trở về nguyên trạng).
 
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh 
Sân trường đêm – Rụng xuống trái bàng đêm
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Ôi nỗi nhớ có bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi*

Sau khi viết Áo Dài Ơi, tôi nghĩ khó có cơ hội viết về đề tài trường lớp một lần nữa. Phần thì kỷ niệm ngày một hanh hao, phần thì bạn bè tứ tán khắp nơi muốn thu thập dữ liệu e cũng khó. Nhưng đúng là không nên nói trước điều gì. Sau cuộc điện thoại mời về họp khóa 67-74 ở trường Nguyễn Huệ của Kim Ánh, rồi theo dõi danh sách đăng ký dự họp đã vượt con số 30 của lớp 9A làm tôi thay đổi ý định. Lại  một lần nữa tôi viết về trường cũ hay không chừng sẽ còn nhiều lần nữa... 

Theo Nguyễn Đình Chiến (11C, Phó Ban Tổ Chức), cuộc họp mặt khóa 67-74 Nguyễn Huệ là ý tưởng ban đầu của hai bạn Huỳnh Bá Lân và Nguyễn Hữu Trọng (11B1), nảy sinh từ thực trạng đau lòng về mối quan hệ thầy trò dưới mái trường hiện nay. Một số không ít học trò coi rẻ rúng vai trò của người thầy và cũng có không ít “sư phụ” đã làm hoen ố hình ảnh của mình trong mắt “đệ tử”.  Xuất phát từ những trăn trở đó, mục đích của “đại hội” nhằm tôn vinh tất cả các Thầy Cô đã từng giảng dạy và mong muốn nêu tấm gương “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO” cho các thế hệ đàn em noi theo. Quả là một ý tưởng vô cùng tâm đắc. Đến tận bây giờ hình ảnh của các thầy cô trong mắt chúng tôi luôn được xem như các bậc cha mẹ. Không kính trọng và biết ơn sao được khi dưới sự dạy dỗ quí thầy cô, một vài bạn khóa chúng tôi đã có những thành công vang dội mang lại danh dự vẻ vang cho trường. Và dù thành công hay chỉ thành nhân, chúng tôi đều hãnh diện đã xuất thân từ một ngôi trường có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo mang tên Nguyễn Huệ.

Đại hội còn là cuộc hội ngộ lớn giữa thầy trò và bạn bè sau 40 năm xa cách. Ban tổ chức đã mời tất cả các thầy cô từng giảng dạy khóa 67-74 ở mãi tận Sài Gòn, Huế; đến nhà từng thầy còn sống hay đã mất ở Tuy Hòa để thăm viếng; hay tìm cho bằng được địa chỉ của những bạn đã lâu không tin tức. Tôi có nói đùa với Nguyễn Đình Chiến: “Bạn có thể thay biên tập viên Thu Uyên trong chương trình ‘Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly’ rồi đó!”  Rồi còn phải lo về tài chánh, đón tiếp các thầy cô, đặt làm biểu tượng, đặt tiệc…một số lượng lớn công việc mà ban tổ chức chỉ có mấy người.  Thú thật lúc đầu tôi có ý hoài nghi về kết quả của nó. Nhưng đến đầu tháng 4 thì Mỹ Hoa thông báo mọi sự đâu đã vào đó, chỉ còn chờ giờ G. Một lời khen rất chân thành đến ban tổ chức. Đó là kết quả của những chuyến ra vào liên tục giữa Nha Trang - Tuy Hòa của Trọng, Chiến. Là những giọt mồ hôi thầm lặng của Dũng 12C; và là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến sự đóng góp năng nổ của các bạn 9A: Kim Ánh, Hưởng, Hà, Mỹ Hoa.…Tin tức về đại hội cũng liên tục cập nhật, tạo thành một làn sóng háo hức trên facebook, email. Tất cả dường như đã sẵn sàng cho ngày hội “40 năm về thăm trường cũ” 25/5/2014. Bản thân tôi cũng không nằm ngoài sức hút đó. Cuộc hành trình sắp tới không chỉ giúp tôi gặp lại các thầy cô đáng kính, được cười thoải mái với 9A mà còn cung cấp cho bài viết của tôi kho tư liệu vô cùng quí giá là được tiếp xúc với rất nhiều người thật, việc thật.

24/5/2014
Rời Sài Gòn trên chuyến tàu 6h30 sáng. Trước khi tàu chạy tôi còn kịp thấy Trần Đình Anh (cùng học 10B1) vội vã đi về toa số 3. Một cảm giác ấm áp lan tỏa trong tôi, biết đâu còn có những cựu học sinh 67-74 Nguyễn Huệ khác đồng hành cùng chúng tôi trên con tàu đang hướng về miền Trung này? Ra khỏi ga Biên Hòa tàu bắt đầu tăng tốc; đang thiu thiu ngủ thì có điện thoại của Mỹ Hoa: “bà lên tàu chưa? Tới ga nào rồi?” Hết Mỹ Hoa tới Hồng A từ Tháp Chàm, Nha Trang rồi đến Ninh Hòa, đường nào cũng đầy ắp tiếng cười của tụi nó. Không thể lý giải được tình bạn lạ lẫm này: 40 năm không một khoảng cách. Hễ gặp nhau là cười nghiêng ngả, buồn thì điện thoại khóc cùng nhau. Đó là thứ tình cảm chỉ có được khi người ta có nhiều cái chung để chia sẻ, mà Nguyễn Huệ là một trong những cái chung lớn nhất.

Thầy Nguyễn Hữu Phước, thầy Phan Diệu, thầy Nguyễn Phi,
anh Quang chủ tịch hội CHS/ PY, hiệu trưởng sau 75 Phạm Hữu Sen,
thầy Nguyễn Lân, thầy Trần Đăng Tường, thầy Trương Xuân Huy.
Mãi suy nghĩ, tàu đã chui hầm lúc nào không hay biết. Chưa bao giờ tôi đếm được chính xác có bao nhiêu cái hầm phải băng qua trên đoạn đường từ Nha Trang về Tuy Hòa . Mỗi lần đi là mỗi lần mang tâm trạng khác nhau, chưa kịp đếm thì những mối bận tâm về chuyến đi đã vây bủa. Lần này cũng vậy, tôi quên bẵng con số hầm mình vừa đếm vì quá xúc động. Cú điện thoại lần gần nhất của Mỹ Hoa làm tôi rưng rưng muốn khóc: “Thầy Tín về không được!”  Thầy mới gọi điện thoại từ Huế hỏi tui: “Quang nó từ Sài Gòn ra chưa con?” 47 năm thầy vẫn chưa quên cô học trò nhỏ, còn học trò thì vô tình đến đỗi mới biết thầy đau nặng gần đây. Rồi cũng chính thầy là người viết email trước cho tôi khi đọc “Áo Dài Ơi”:  “Con chừ ra răng? Sướng, khổ thế nào nhớ cho thầy biết với”. Nếu là bạn, tôi biết bạn cũng sẽ khóc như tôi.

Một hình ảnh xúc động khác vừa xuất hiện trên màn hình iPad trước mặt: thầy Quát và chuyến viếng thăm của Chiến tại nhà thầy. Vẫn biết trước qui luật “sinh lão”…vì ngay chính mình cũng gần 60, nhưng tôi vẫn không thể hình dung nổi cụ ông 83 tuổi trong hình là thầy Quát. Lời tiên đoán sang sảng ngày nào về số phận của Thúy Kiều và Thúy Vân lớp 9A trong một tiết học “Truyện Kiều” của thầy tôi vẫn còn nhớ rõ. 40 mấy năm sau lời tiên đoán ấy đã thành sự thật, thương bạn truân chuyên, thương thầy già yếu quá thầy ơi! 

Tâm trạng tôi chỉ thấy khá hơn khi cánh đồng sen ở Hảo Sơn xuất hiện. Tàu đã ra khỏi đường hầm cuối cùng. Lúc này tàu dường như chạy nhanh hơn (hay là do tôi nôn nao nên cảm thấy thế),  những cánh đồng lúa xanh mát ở Hòa Xuân vụt qua như chớp mắt. Rồi cầu Đà Rằng, cầu ba nhịp và cuối cùng là cái bóng nâu đỏ muôn thuở của tháp Nhạn bị bỏ lại phía sau, tàu đã về đến ga Tuy Hòa.
Bụng đói meo chưa kịp ăn gì sau hơn 10 tiếng đồng hồ trên tàu, Mỹ Hoa rủ tôi ghé qua nhà hàng “Long Beach” cùng Dũng trở lại ga đón thầy Chạy. Trước khi đi tôi có dịp đến chào tất cả các thầy cô có mặt ở đây. Trong ánh sáng chập choạng của biển đêm, và dù đã quá lâu không gặp, tôi vẫn nhận ra Thầy Đống, cô Hòa, Thầy Lại, cô Anh Thư, cô Diệu Đoan, cô Diệu Ánh, cô Ngâu, cô Diện, thầy Lãnh, thầy Tường…dưới những mái tóc bạc trắng, những đôi mắt hằn nét thời gian vẫn là gương mặt quen thuộc các thầy cô mà tôi hằng yêu quí. 

6h30 tối chúng tôi vội trở lại ga cho kịp giờ đón thầy Chạy, không ngờ tàu trễ 7h30 mới đến. Lúc này trên sân ga có thêm Nghĩa, Thụ (11C). Cả bọn năm người chúng tôi cứ dõi mắt theo đường ray phía Bắc nơi đoàn tàu sẽ đến. Vừa đói, vừa mệt nhưng nhìn Dũng và Hoa tôi thấy cái mệt mỏi của mình chẳng thấm vào đâu. Các bạn phải có mặt ở sân ga từ lúc 6 giờ sáng để đón các thầy cô từ Sài Gòn ra, từ Huế vào. Sau đó còn đưa các thầy cô đi xem diện mạo mới của thành phố Tuy Hòa, tham quan sân bay Đông Tác mới, Núi Nhạn, khu du lịch Đồi Thơm, Bãi Xép…và còn cả núi công việc ngày mai của đại hội. Có tận mắt chứng kiến sự vất vả
mới thấy tấm lòng của các bạn dành cho thầy cô, bạn bè quá lớn. Cuối cùng thì tàu cũng đến. Thầy Chạy không được khỏe, chúng tôi đưa thầy về khách sạn và trở lại Long Beach.
Đêm tháng 5 biển không yên tĩnh như biển mùa Hè vốn phải thế. Sóng cứ từng đợt, từng đợt ầm ĩ xô bờ. Ngày mai đại hội, có con sóng nào trong lòng những người đã xa cách 40 năm?

25/5/2014

Sài Gòn – Tuy Hòa: đoạn đường dài hơn 500 cây số  với những phương tiện đi lại thuận tiện hiện nay thì không thể gọi là cách trở, nhưng áo cơm và những lo toan cứ kéo tôi đi xa mãi. Cũng có vài lần vội vã ra đi, vội vã trở về nhưng chưa bao giờ tôi trở về trường cũ. Trong số cựu học sinh trở lại Nguyễn Huệ sáng nay, chắc cũng có nhiều người giống tôi như thế. 

Sân trường được trang hoàng xứng tầm với một ngày hội lớn. Công tác tổ chức đã hoàn bị một cách tuyệt vời đúng như lời Mỹ Hoa nói. Tất cả đã chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ như: bảng tên đeo trước ngực, hoa vàng logo ngày hội 40 năm, chiếc cốc gốm sứ có cái nơ nâu nhỏ làm quà tặng…Nhưng theo tôi, ý nghĩa nhất vẫn thuộc về biểu tượng làm bằng đá có khắc 4 chữ  “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO” được các thầy cô và một số cựu học sinh trân trọng đặt trong phòng truyền thống của trường. Dưới anh linh của Quang Trung Nguyễn Huệ, thầy và trò từng dạy và học dưới ngôi trường mang tên người cũng đến dâng hương thành kính.

Đúng 8h30 sáng đại hội khai mạc. Sau phút mặc niệm để tưởng nhớ quí thầy cô và các bạn cựu học sinh 67-74 đã mất là bài phát biểu của trưởng ban tổ chức Nguyễn Hữu Trọng. Theo thiển ý của tôi, bài phát biểu của Trọng không chỉ là bảng báo cáo thành tích đơn thuần như trong các kỳ đại hội lớn nhỏ khác, mà đó là những lời gởi gắm chân tình đến thầy cô và các bạn. Hai chữ “chúng con” được Trọng sử dụng từ đầu đến cuối đầy xúc động. Chỉ có thương yêu thật lòng thì mới xưng hô như trong một gia đình như thế. Trọng cũng thay mặt chúng tôi bày tỏ nỗi ân hận vì đã quan tâm đến các thầy cô quá muộn màng. Và lời hứa sẽ thay phiên nhau thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc các thầy cô trong thời gian tới có lẽ là món quà lớn nhất trong những năm tháng cuối đời của các thầy cô. Với bạn bè, bài phát biểu của Trọng là những chia sẻ sâu sắc về thời cuộc, một trong những nguyên nhân tác động lớn về sự thành bại của lứa tuổi chúng tôi, và trên hết là lời kêu gọi cùng nhau chăm sóc thầy cô, tương thân tương ái đối với những bạn bè có cuộc sống khó khăn.
Lần lượt sau đó là bài phát biểu của thầy Nguyễn Phụng Lãnh, thầy Phan Long Côn, thầy Trần Viết Ngạc, thầy Lê Đức Kỳ hiệu trưởng hiện nay của trường và cuối cùng là của bạn Bùi Đức Phú (10B1).


Cô Đặng Thị Ngâu, cô Ngô Thị Anh Thư
Không khí của ngày hội chỉ thật sự bùng nổ khi phó ban tổ chức Nguyễn Đình Chiến tuyên bố: “Ngày xưa trong lớp học các bạn đã từng yêu ai mà chưa dám tỏ, thì đây chính là cơ hội tốt nhất để bày tỏ tình cảm của mình sau 40 năm”.  Những tràng pháo tay vang lên từ các ông già tóc bạc U60, từ những gương mặt qua thời thiếu nữ đã lâu của mấy bà nội, bà ngoại. Trong phút chốc tất cả như trẻ lại thuở 15, 16 tuổi. Tiếng cười, tiếng đùa nghịch vang khắp sân trường. Điện thoại di động, máy chụp hình, iPad hoạt động không ngừng nghỉ. Email, facebook, số điện thoại chuyền từ bàn tay đến bàn tay. Chưa bao giờ tôi thấy công nghệ thông tin hữu hiệu như thế. Kể từ hôm nay thầy trò, bè bạn sẽ không còn thất lạc, sẽ gặp gỡ hàng ngày trên những phương tiện thông tin hữu dụng này.
Bạn đã từng biết nắng tháng 5 của Tuy Hòa phải không? Nóng bỏng và gay gắt. Nhưng cái nóng đó không là gì so với sức nóng ngày một tăng cao của ngày hội ngộ. Thầy trò ôm chặt nhau: “cô ơi! Em nhớ cô”. Bạn bè nhận ra nhau: “Trời ơi! tao nhớ mày”. Tất cả đều không đè nén được cảm xúc của mình, hạnh phúc cứ thế vỡ òa và lan tỏa.
Thầy Trần Đăng Tường, thầy Nguyễn Lân, thầy Phạm Văn Hướng,
thầy giám thị Trần Bá Nhi, thầy Phản Bổ

Không khí càng nóng hơn bao giờ hết khi dàn họp ca ngẫu hứng của 9A xuất hiện. Trên sân khấu ca sĩ hát cứ hát, dưới sân khấu tim của phó ban tổ chức đập thình thịch sợ mấy “lão bà bà” bể dĩa. Đã vậy, hát xong các danh ca không tiếng tăm của thập niên 70 còn vẫy tay chào khán giả giống như ca sĩ thứ thiệt. Đúng là tinh thần của 9A: “Điếc không sợ súng!”.  Đó cũng là một tập thể gắn kết nhất mà tôi từng biết. Dù chỉ học cùng nhau 4 năm lớp 6,7,8,9 rồi sau đó chia ra 10A1, 10B1, 10C, nhưng có ai hỏi đến hồi học Nguyễn Huệ bạn học lớp nào? Tin tôi đi, tất cả sẽ trả lời giống nhau: học lớp 9A. Hình như kỷ niệm của những ngày cùng học, cùng chơi quá lớn. Lớn đến đỗi không một thành viên nào muốn tách khỏi “thương hiệu”9A. Sáng hôm nay cũng vậy, khi tất cả các lớp khác đều chụp hình lưu niệm cùng các thầy cô từ lớp 10 trở lên, riêng chúng tôi chụp hình năm lớp 9. Một thứ tình cảm “vàng ròng” mà chúng tôi đã cất giữ hơn 40 năm. 

Theo dự tính, buổi chiều ban tổ chức còn đến tận nhà những thầy cô đã mất đặt biểu tượng “Tôn Sư Trọng Đạo” và tặng quà cho gia đình. Nếu năm sau đại hội có tổ chức lần nữa, tôi tin rằng Trọng, Chiến, Dũng, Hưởng, Ánh, Hà, Mỹ Hoa … và một số bạn khác sẽ là những cái tên đầu tiên mà chúng tôi tín nhiệm. Các bạn đã tạo mọi cơ hội để  chúng tôi được trở về trường cũ, gặp lại thầy cô, bạn bè bao năm xa cách, sống lại những ngày tháng tươi đẹp nhất của mình.
Đại hội kết thúc dưới cái nắng gay gắt lên đến đỉnh điểm của Tuy Hòa mà bây giờ là cuối tháng 5, là lúc hoa phượng đã nở đỏ suốt con đường Hoàng Diệu trong cõi lòng lâng lâng vì ba tháng hè rong chơi trước mắt. 40 năm sau cảm giác đó biến mất, giờ tôi chỉ muốn nán lại sân trường thêm chút nữa. Dường như nếu bước thêm một bước ra khỏi cổng, tôi sẽ mất đi mãi mãi tuổi thơ của mình.  

26-27-28/5/2014
Tôi ở lại Tuy Hòa thêm ba ngày nữa. Sáng thì lang thang đâu đó với Hồng A, chiều đạp xe cùng Mỹ Hoa ra biển, tối thì ngồi ở Café Duy Vỵ với 9A. Có hôm 5h giờ sáng tôi đã ở trên Núi Nhạn, lòng yên bình khi từ trên cao nhìn xuống thành phố vẫn ngủ say. Dòng Sông Ba uốn khúc bên dưới tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, điều mà ngày còn nhỏ tôi chưa cảm nhận được. Nếu có dịp tham quan tháp Chàm Po-sha-nư ở Phan Thiết, bạn sẽ chạnh lòng khi nghĩ đến tháp Nhạn ở Tuy Hòa. Tháp Po-sha-nư gồm ba ngọn tháp không lớn lắm nằm chơ vơ trên một ngọn đồi cao cạnh lầu Ông Hoàng hoang phế. Không một bóng cây cối, quanh năm chỉ có cái nắng nóng như đổ lửa. Ấy vậy mà hàng ngày từng đoàn, từng đoàn xe đổ khách tham quan nườm nượp. Lý do: Phan Thiết rất gần Sài Gòn và đường giao thông thuận tiện. Tháp Nhạn ở Tuy Hòa có những cái hơn hẳn tháp Po-sha-nư. Tọa lạc hùng vĩ trên núi cao, quanh năm cây cối xanh tốt, cảnh quan tuyệt đẹp, nhưng rất tiếc vẫn còn ít người biết đến vì quá xa các thành phố lớn.
Tuy Hòa bây giờ không còn “đi dăm phút đã về chốn cũ”,  vài con đường mới mở nếu không có Mỹ Hoa đạp xe bên cạnh,
tôi đã đi lạc. Đường Hùng Vương với những biệt thự nằm im lìm dưới hàng phượng vỹ đỏ rực đẹp không thua gì khu Phú Mỹ Hưng hay khu Trung Sơn của Sài Gòn. Nhưng những cái mới đó như thuộc về một Tuy Hòa khác. Cũ kỹ, khắc sâu trong tim mới là Tuy Hòa của tôi. Gần 11 giờ đêm chúng tôi vẫn còn lang thang trên phố. Phố đã tắt đèn đi ngủ tự bao giờ. (Cũng giờ này đường Nguyễn Trãi Sài Gòn nơi tôi ở đang bắt đầu nhịp sống sôi động nhất trong ngày).  Ngã Năm với những lối nhỏ rẽ về Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ… vẫn còn đó. Và trời ạ! Ngang qua một căn nhà trên lưng chừng dốc của đường Trần Hưng Đạo, nhắm mắt lại tôi vẫn có thể hình dung được cây mận trái chín đỏ phía sau bếp, cây ngọc lan nằm sát cửa sổ, chuồng bồ câu với những tiếng gù gụ ngày mùa đông…Đêm đã quá khuya tôi vẫn chần chừ trên phố cũ. Tôi cố ý tìm mấy căn nhà cổ có bậc gỗ phải bước qua trước khi vào nhà nhưng chả thấy. Lối vào chùa Kim Long vẫn là con đường đất nhỏ. Không biết mấy bậc đá lên chùa có còn đó vì tất cả đã khuất sau hai ánh cổng khép lạnh lùng. Phố cũ, chùa Kim Long và nhiều cái cũ khác mới chính là Tuy Hòa của tôi, mãi mãi và không thể nào khác.

29/5/2014
Sáng nay tôi trở lại Sài Gòn. Taxi chạy khỏi khách sạn một lúc lâu ngoái lại vẫn thấy Mỹ Hoa đứng nhìn theo. Cám ơn Mỹ Hoa những ngày qua. Cám ơn tình bạn một thời và mãi mãi. Xe chạy chậm qua cầu Hùng Vương tiến về phía phi trường Đông Tác. Tuy có hơi nhỏ so với phi trường các tỉnh khác, phi trường Đông Tác hiện nay cũng rất hiện đại và tiện nghi. Đúng 9h máy bay cất cánh. Biển cả, núi non, đồng lúa, thành phố Tuy Hòa chỉ còn là một cái chấm nhỏ xíu phía bên dưới. Giữa mênh mông mây trời tôi thấy mình như một cánh chim thiên di, quanh năm mải miết những vùng trời xa lạ chờ một ngày nắng tháng 5 trở về tổ ấm của mình. Tại sao tháng 5 mà không là tháng khác, vì đó là giao ước của chúng tôi, những người con của mái ấm Nguyễn Huệ, mỗi năm một lần hẹn gặp nhau ở chốn quê nhà. Và những lần trở về đó tôi gọi là những cuộc :hành trình về với yêu thương.

Cô Nguyễn Khoa Diệu Ánh, cô Dương Thị Hoà, cô Nguyễn Khoa Diệu Đoan, thầy Trần Đăng Tường, cô Nguyễn Thị Diện, cô Đặng Thị Ngâu, cô Nguyễn Thị Hiền, thầy Lê Bá Lại, thầy Nguyễn Lân.

Anh Trần Xá (nhân viên VP), thầy Phan Diệu, thầy Lê Bá Lại, thầy Nguyễn Lân, thầy Phản Bổ, thầy Nguyễn Hữu Phước, thầy Trần Đăng Tường, thầy Đinh Văn Cận.

Thầy Nguyễn Đảm và học trò lớp Pháp văn
QUANG ĐẶNG

*Trích từ bài thơ “Chiếc lá đầu tiên” của Hoàng Nhuận Cầm.



No comments: