Monday, October 26, 2015

BI KỊCH CỦA NƯỚC (Gíao Sư Hoàng Thế Hào)




Kính thưa quý Thầy Cô & các anh chị,

Ngoài cầm, kỳ, thi, họa...(chắc cả tửu nữa), Giáo Sư Hoàng Thế Hào còn có tài viết văn.

Dưới ngòi bút của một nhân chứng, Thầy Hào đã thuật lại một câu chuyện trung thực rất thương tâm xảy ra tại Tuy Hoà, Phú Yên, trong khoảng thời gian Thầy còn độc thân và dạy học ở đây.  
Mời quý thầy cô và các anh chị đọc truyện ngắn "Bi Kịch Của Nước" để  nhớ lại những tháng ngày lụt lội tại thành phố thân yêu của chúng ta.  Chữ Nước có hai ý nghĩa ,cho nên bi kịch của một người cũng là bi kịch của một dân tộc cuốn đi trong cái cuồng lưu bi kịch loài người .
Trân trọng giới thiệu,
Thukỳ.


BI KỊCH CỦA NƯỚC
Giáo Sư Hoàng Thế Hào

Gió ở đây cũng lạ, thổi liền hơi một tháng trời, rồi thôi. Cái gió ấy thấy vậy mà hiền, nhiều lắm là thổi bay mấy đụn rơm, tốc ít mái nhà tranh lợp sơ sài. Đó là gió Nam, cái gió nổi tiếng. Nhưng từ nhiều hôm rồi, gió không thổi kiểu đó nữa: nó chạy đuổi từng đợt trên các ngọn dừa, hú lên giữa thinh không, thô bạo bẻ những cành cây quăng xuống đường rồi im bặt. Nó trốn đâu mất tiêu được một lúc rồi lại rào rào xuất hiện như quỷ như ma. Hết gió tới mưa. Mưa thì không đột kích kiểu gió, nó âm thầm rỉ rả, kiên nhẫn nhu mì tuôn xuống những sợi chỉ trắng từ trời.
Em nhớ ra rồi: năm lớp nhất con Hải ngồi cạnh em làm luận văn đã tả cảnh mưa y hệt như thế. Thầy Ngôn cho nó bảy điểm và đọc bài luận mưa rơi của nó cho cả lớp nghe. Bây giờ con Hải đâu, có ngồi nhìn mưa rơi như em không? Thầy Ngôn đi quân dịch từ buổi ấy, không biết trôi giạt vùng chiến thuật nào. Một lần thầy về phố, súng trên vai, bước đều nhịp trong đoàn quân, em với con Hải chạy theo níu áo. Thầy nhìn em cười, buồn buồn, nguợng nghịu. Thầy không trắng trẻo sạch sẽ như hồi dạy học, nhưng em nhớ lắm cái mùi nồng nồng ngai ngái rất đàn ông của đoàn quân ấy...Mưa vẫn rơi, nhớ hai người thôi em lại buồn.

Còn anh nữa - gọi bằng anh được rồi mà – anh cũng kể cho em chuyện mưa rơi, nhưng là mưa rơi trong tranh vẽ: Cũng hồi học lớp nhất, thầy bảo hôm nay vẽ tự do, trò nào thích gì vẽ nấy. Anh khoái quá: sau một hồi suy nghĩ, anh thọc ngón tay vô lọ mực tím rồi bôi kín tờ giấy vẽ một màu tím đậm; đợi cho mực khô, anh lấy cây viết chì có một đầu gôm và bắt đầu chà trên tờ giấy vẽ những vệt ngắn dài.  Mực tím theo gôm bung ra và những vệt trắng xuất hiện, nghiêng nghiêng, lả lướt. Thế là anh có bức tranh mưa đêm tuyệt đẹp. Anh mau chóng đem tranh lên nộp thầy kiếm điểm, không quên nhắc thầy đây là bức Mưa đêm. Thầy nheo mắt ngắm nghía bức tranh tuyệt vời của anh, rồi lại nhìn anh từ đầu đến chân, xong thầy bảo anh xòe cái bàn tay dính đầy mực tím ra; thầy lấy cái thước dài khẻ lên cái bàn tay tài hoa ấy hai cái đau điếng về tội ở dơ. Hôm ấy em cười ngất khi nghe anh kể chuyện, nhưng hôm nay em không cười, em tội nghiệp cho anh, người nghệ sĩ nhỏ không may mắn ấy. Em cũng tội nghiệp cho nền giáo dục nước mình. Thôi em đi đây, mưa buồn thế này làm gì học bài cho vô.
​Em bắt đầu đi dưới những cây sầu đông ủ rũ, gục đầu chịu đựng mưa, sấm và chớp. Những giọt mưa to rơi qua kẽ lá lộp bộp trên chiếc áo mưa trắng của em. Cả thành phố nhỏ nhoi, âm thầm đờ đẫn, đã buồn nay càng rũ liệt trong màn mưa đùng đục ngầu ngầu. Đi qua tiệm con Huê, nhà sách nó đóng cửa rồi, giờ này ai đi mua sách. Huê ơi, xinh đẹp thế ngồi đó ngày nào chẳng có các chàng vô tiệm vờ mua sách! Nhớ đấy, chừng nào có lấy chồng thì phải chọn anh chàng ham đọc sách thật sự nghe cưng. Đi thêm đoạn đường nữa, lá bàng ướt nhẹp rơi rụng dưới chân em, những cái lá to bản cứng cáp như đầu dũng sĩ chẳng thà gãy gục dưới chân em chứ không rũ xuống trước quân thù mưa mị như những cây lá khác. Trường em trồng cây dương, đường phố lại có cây bàng, em thích lắm cả hai loại cây đó, không có chúng nó thì thành phố này buồn chết được dưới mưa dầm.

Bên kia đường là nhà con Hòa. Em qua bên ấy rung cửa sắt rầm rầm gọi nó. Mãi em nó mới chạy ra. Con Hòa đưa em lên gác. Căn gác nhỏ ấm cúng, gọn gàng của một tiểu thư con nhà giàu có khác. Em thích lên đây lắm, không hẳn vì con Hòa dễ thương mà vì từ cái cửa sổ này có thể nhìn qua nhà trọ của anh, khá gần, chỉ vài chục thước. Con Hòa nói, trước khi ổng tới, chỗ đó có anh chảng biên tập viên cảnh sát tên Ngọc ở chung ông thầy Dung dạy trường Bồ Đề. Anh chàng Ngọc vô duyên, cứ bắt hai tay lại làm tù và thổi qua phòng tao. Hắn thổi to và rõ lắm nghe như tiếng gọi “Hòa ơi Hòa” có tức không? Em hỏi thế bây giờ ổng thầy có bắc loa gọi mày không? Con Hòa cười, chưa nghe, tao đang đợi.

Giờ này làm gì thấy anh. Các cửa đều đóng kín. Chỉ có cây trứng cá đang vùi dập trong gió mưa và bụi hoa vàng âu sầu thê thiết.. Giờ này anh đang làm gì? đang ngủ hay đàn hát, hay biên thư cho cô Nguyệt của anh? Tuần trước, con Nhan bạn học cũ làm ở bưu điện cảnh giác em chớ có gởi hết hồn cho anh. Nó đã thấy nhiều thư của hai người qua lại. Nó bảo có muốn một cái nó ăn cắp cho đọc. Em bảo đừng làm vậy, nếu người ta biết, mày bị đuổi sở. Nó xì em, nó bảo em là đồ chết nhát. Nó đã bóc một cái ra xem. Có cả hình nữa. Nó nói mày mở quán Cỏ May, cô Nguyệt cũng mở quán Suối Mơ ở trong sân trường trung học Phú Khương -  Tây Ninh. Hình chụp cô Nguyệt xinh đẹp mà điệu lắm đang đi thăm quán Suối Mơ, có ba con học trò bự theo hộ tống. Em nghe mà điếng hồn.


Hồi trước đọc văn thấy người ta hay tả cảnh một người buồn bã đi trong mưa. Bây giờ em mới hiểu, có phải mưa làm cho ta thêm buồn, hay mưa là bạn đồng hành an ủi ta trong nỗi buồn thê thảm này không? Có thật mưa dầm đang làm ướt trái tim em? Em tên là Hương nhưng ở nhà gọi em là Ngọc. Trận mưa ghê gớm này không thể vùi lấp Hương Ngọc được đâu!

Ở nhà Hoà được một lát em lại muốn đi. Em rủ Hòa đi nhưng nó lắc đầu. Ừ, mà tội vạ gì nó phải đi trong mưa gió như em đây. Em đi về phía bờ sông. Mới chừng một tiếng ngồi chơi ở nhà Hòa mà bây giờ nước đã lên tới mắt cá chân. Sao em thấy thành phố vắng lặng quá vậy! Họ đâu cả rồi, họ sợ mưa, sợ lụt ư? Bây giờ đâu còn tí mưa nào, chỉ là giông gió nổi lên. Bầu trời xám và thấp và gió tới nỗi em tưởng cây cao cũng phải uốn mình, lòn lướt. Em lạnh rồi, tay đang nổi gai. Mọi người đâu, cả thành phố đang hóa đá ư! Nhưng không phải, xa xa mé trước người ta đang đứng xem lũ nhiều lắm. Em không đến gần họ, em đứng chỗ bụi mía của nhà ai đó. Bây giờ nước đã ngập gần đầu gối, bên kia sông nào thấy được bến bờ. Ngoc Lãng , Hiếu Xương, Đông Tác chìm trong nước mất rồi! Lúc này chỉ nghe âm vọng tiếng của dòng sông. Một thứ âm thanh hỗn loạn, cuồng điên; em cứ nghĩ rằng đó là tiếng động tạo ra bởi hàng ngàn con voi trận đang vùng lên tấn công quân thù. Em chỉ nghĩ thế thôi, chứ thật ra có bao giờ được trông thấy một con voi đang chạy! Em căng mắt ra nhìn mãi cũng không thấy cây cầu đâu nữa, cây cầu dài hai cây số mà chẳng thấy được khúc nào! Em vẫn mơ có ngày anh chở em đi trên cầu đó bằng chiếc Honda PC của em. Nếu là buổi chiều mình sẽ nhìn trăng mọc lên từ biển. Nếu là buổi sáng anh sẽ chạy thẳng qua quận Hiếu Xương, hai bên đường hôm ấy có thể là mùa gặt, anh sẽ được xem người ta bồng về nhà những hạt lúa vàng, còn em sẽ được ướp trong hương lúa chín. Ôi, sợ lũ cuốn mất cây cầu của em rồi!
Lẫn trong dòng nước điên cuồng ấy, nhiều thân cây, mảnh ván và nhiều vật dụng, mền chiếu áo quần thường tắp vào bờ bụi ở hai bên sông. Bỗng em thấy cái đám đông đang xem lụt ấy nhốn nháo chuyển động; kẻ chạy ngang, người bước dọc, tay chân múa may chỉ trỏ náo loạn. Em nhìn theo thấy một mái nhà tranh đang bị cuốn phăng phăng theo dòng lũ. Trên mái nhà có hai người! một mẹ một con. Mẹ ôm con một tay, còn một tay bấu cái đòn tay mái nhà. Tuy họ khá gần, nhưng em vẫn không nhìn được rõ. Có lẽ nỗi sợ hãi, sự mỏi mê hoảng hốt đã biến dạng mặt họ. Họ giống như hai cục đá xanh, im lìm không biết nói, chẳng biết kêu cứu nữa. Mà kêu cứu cái gì đây. Dòng lũ mênh mông hung bạo này thì có thuyền đò nào dám bơi ra cứu chứ. Chỉ còn trực thăng may ra làm được việc này, nhưng trực thăng mắc hành quân, tải thương, cứu nguy những đồn bót hẻo lánh mà mỗi khi mùa mưa đến Cộng quân mới nỗ lực đánh phá. Hai người sẽ trôi thẳng ra biển, nếu từ đây tới biển mái nhà còn tốt không bị va chạm vào cái gì làm cho vỡ vụn ra. Đây là đoạn cuối của một bi kịch, mọi người đều nằm trong một đại bi kịch, hẳn nhiên cũng có em trong đó. Mỗi lần làm công tác cứu lụt cho đồng bào, em được nghe kể không biết bao nhiêu là bi kịch; để em kể cho có đầu có đuôi:

Nửa đêm, chị thấy ướt cánh tay. Tưởng Cu anh đái dầm, chị quơ tay tìm nó, nhưng chị thấy tay mình như đang vỗ một thau nước. Nước nhiều quá đã mấp mé giường chiếu. Hoảng hồn chị ngồi bật dậy, kéo mền, kéo mùng tìm hai đứa con thơ. Tạ ơn trời Phật, tụi nó còn ngủ say. Chị thả chân xuống nước như mọi khi định lần tìm đôi guốc, nhưng làm gì còn guốc nữa, nó trôi mất rồi. Chị đứng thẳng lên, run rẩy lần mò tới cái bàn nước quơ tay tìm hộp diêm đốt cây đèn dầu. Chính lúc chị đụng tay vào hộp diêm cũng là lúc ngón tay đẩy hộp diêm ra mé bàn rồi rơi tòm xuống nước. Thôi rồi, chị lạnh toát người vì sự mất mát nhỏ bé ấy. Đêm không trăng cũng chẳng có sao, trời đang mưa nhỏ, tất cả tối đen, cái tối tăm rợn người mà chị tưởng như mình đã hoàn toàn mất thị giác. Ngày nhỏ theo cha mẹ chạy giặc, cũng một đêm tối đen, lần mò trong nghĩa địa, đạp cả lên mồ mả, nhưng hồi đó cái sợ chưa đánh động tâm trí chị như bây giờ. Bây giờ, ngay lúc này thì chị đã biết mình sợ cái gì rồi. Không phải bóng tối, mà chính là nó: dòng nước lũ điên cuồng ấy. Vài năm nó lại tàn phá mảnh đất chị đang ở, hoa mầu chị đang có, và nhất là căn nhà mà hai vợ chồng chị đã khổ công dựng nên. Chị lần về giường ngủ kéo hai đứa con đứng dậy. Cu anh tỉnh liền nhưng chị biết con bé Thơm còn ngủ, nó đứng không vững ngã người vào chị ngủ tiếp. Chị vội ôm cả hai đứa con dò dẫm mang để trên bàn nước. Con bé Thơm giờ đã tỉnh ngủ càng ôm cứng lấy chị và cả hai đứa bắt đầu  khóc váng lên, những tiếng khóc hoảng hốt không bình thường. Chị cũng leo lên bàn ngồi ôm chúng. Cũng may cái bàn nước không nhỏ, lưng chị lại được dựa vào bàn thờ.

Hai năm trước cũng có lụt, nhưng nước lên buổi trưa, năm đó chị chưa đẻ con Thơm, chồng chị lại có nhà. Anh cởi áo ra, cánh tay gân guốc, bộ ngực rám nắng vạm vỡ ấy lo toan mọi thứ, chị chỉ việc ôm con ngồi thu lu trên bàn. Nước lên cao hơn anh lại mang thêm cho chị cái ghế. Còn anh vùn vụt như thoi bảo vệ căn nhà, còn chạy qua mấy nhà quanh đây giúp họ nữa. Trông miệng anh cười tươi, trông mắt anh long lanh, chị thật tin tưởng nào còn biết sợ.

Nhưng năm nay lụt anh không có nhà, anh đang hành quân. Lụt lại xẩy ra lúc nửa đêm tắt đèn. Chị không phải là người đàn bà yếu đuối, nhưng làm sao bằng anh được. Năm nay chị lại có thêm con bé Thơm. Nghĩ tới con, chị xiết chặt thêm hai đứa bé, môi chị đụng vào má con Thơm và chị ngửi thấy một mùi thơm tinh khiết từ cái miệng thơ ngây đang vào thời u ơ tập nói. Yên lặng quá, hai đứa bé cũng sợ nên đã nín khóc. Trong đêm chị không trông thấy mắt chúng mở to cũng như chị, tai chúng căng ra nghe các tiếng động quanh nhà. Hình như có vài con thú rừng đang sục sạo, lâu lâu lại húc vào tường ván mỏng, thở phì phò, óc ách. Chị nghĩ thế thôi, chứ làm gì có thú rừng nào đi quanh nhà được. Đó là nước lũ. Năm nay, sức nước có vẻ mạnh lắm khác hẳn những lần trước. Chị bắt đầu lo dòng nước có thể ủi sập tổ ấm nhỏ bé mà anh và chị đã khổ công dựng lên từ chính bàn tay lao động cần mẫn của mình. Tường làm bằng gỗ thông, từng miếng nho nhỏ nhẹ tênh vì là những gỗ thùng đạn, thùng bom được anh chắp vá rất khéo. Có nhiều chữ in trên trên một số miếng ván đó; cũng không sao, chị định bụng khi nào có sơn sẽ phết lại hết cho đồng màu. Mái nhà lợp tranh, nhưng là một mái tranh rất dày, có đến hơn gang tay chị. Nhớ những ngày xưa anh với chị cùng đi cắt tranh lợp nhà. Lúc đi chị ngồi sau lưng anh, nhưng lúc về hai đứa cùng đi bộ, vì hai bên xe đạp giờ là những bó tranh khổng lồ. Anh khỏe như vậy mà không bao giờ anh cắt tranh lại chị. Bó tranh của anh có cố gắng lắm mới hơn nửa bó của chị thôi. Anh bảo đàn bà thường có quyết tâm cao, lì đòn hơn đàn ông. Nhưng chị biết anh thua chị vì anh không thể ngồi chồm hổm lâu hơn chị được. Đàn ông làm việc đứng giỏi hơn làm ngồi. Cánh đồng tranh ngút ngàn chỉ lo không đủ sức chứ nào lo hết tranh; và chị còn dư sức để bứt luôn một mớ rễ tranh mập mạp trắng phau về nấu nước uống. Nhưng ngày ấy êm đềm quá. Anh chị ngồi bên nhau kết tranh thành từng miếng lớn nhờ những nẹp tre. Có lúc khát, anh ra sau nhà lấy câu liêm móc vài trái dừa xiêm; cây dừa xiêm không cao hơn nóc nhà, cong cong mập lù, trĩu nặng những quả. Lẹ tay anh phạt vài nhát, cái sọ dừa trắng bóc hiện ra, anh rắc vào một tí muối, miệng cười tươi hai tay kê vào miệng chị. Còn gì đẹp hơn cảnh vợ chồng quê làm lụng bên nhau. Rồi anh leo lên cao, chị đưa những tấm tranh đã đánh, anh buộc chặt vào những đòn tay thẳng tắp bằng những mối lạt. Hết lớp này đến lớp khác. Thiếu tranh họ lại đi cắt thêm. Cuối cùng họ có một cái nhà vén khéo, thân thương.

Thế mà bây giờ dòng lũ hoang dại vô tâm vô tình ấy đang lăm le phá tan cái nhà của chị; nó tính đuổi chị ra khỏi mảnh đất thân yêu. Rồi chị với con trú vào đâu?
Bỗng có tiếng heo kêu, chị chợt nhớ đến con Nham, con Đốm chị nuôi trong chuồng sau nhà. Giờ này nước lũ đang tấn công chúng. Chị nghĩ thầm hai con heo của chị đã lớn bộn, nếu chúng gác hai chân trước lên những thanh ngang của chuồng, chắc chưa nguy hiểm. Nhưng chỉ lát nữa thôi nước sẽ dâng cao và chúng sẽ bị chết ngộp. Heo là giống bơi giỏi mà chị không ngờ. Có lần đi ngang một bến sông, chị thấy một người đàn ông bơi sau một con heo bự; người này vừa bơi theo vừa thúc đẩy nó bơi đúng hướng. Đúng là heo biết bơi mà còn lội giỏi không ngờ. Nhưng nếu chỉ bơi ở trong chuồng thì chỉ một lát sau là chúng không đủ sức kéo dài được. Sức người có hạn, heo cũng vậy thôi. Chị phải cứu chúng vì chị thương chúng lắm chứ không hẳn chúng là cái gia tài của chị. Mới ngày nào mang chúng về nuôi, hai con heo thật dễ thương như những con heo bằng đất mà ngày nhỏ chị hay bỏ tiền để dành. Một con được đặt tên Nham, một con tên Đốm. Mấy ngày đầu làm gì đã có chuồng, chị đóng xuống đất một cái cọc, hai sợi dây buộc chân hai chú heo con vào cọc ấy. Hai đứa chỉ đi quanh quẩn. Nhưng rồi chị phát hiện những vết lở nơi chỗ buộc dây nên phải làm gấp cái chuồng. Làm nhà thì lớn lao và khó, nhưng làm cái chuồng heo nho nhỏ thì chị đủ sức làm. Mãi rồi chuồng heo cũng phải xong, có cả một mái rơm che mưa nắng. Ngày ngày chị đổ thức ăn vào máng và rất siêng tắm cho heo mỗi khi chúng nóng nực la làng. Vậy mà một vài tiếng nữa thôi, cái công lao lẫn tình thương của chị bị nhận chìm dưới nước. Không, không, chị phải cứu chúng, chúng sẽ bơi đi, may ra tìm được cái gò cao nào đó chúng sẽ sống sót. Rồi nước rút, chị sẽ tìm lại chúng về. Quanh đây bà con tốt cả, có mất đi đâu mà sợ.

Chị muốn ôm cả hai đứa con đi ra chuồng heo sau nhà. Bây giờ là lúc chị phải tính toán. Chuồng heo cách nhà chừng hai chục thước, nhưng ôm cả hai đứa con đi thì tay nào mở cửa chuồng? Thế rồi chị quyết định chỉ ẵm con Thơm, vừa nhỏ vừa nhẹ. Cu anh ở yên trên bàn là được. Có lọt xuống nước thì cũng còn cao hơn nước, chưa đáng sợ. Chị dỗ dành Cu anh; nó cũng thương Đốm thương Nham và nó chịu.
Một tay bồng con Thơm, chị lần lách ra cửa rồi theo vách mà ra sau nhà. Giờ chị đang dò dẫm bước xuống nền nhà. Một cái giật mình làm chị lạng quạng, chút xíu nữa nhúng nước đứa con. Chị không ngờ nền nhà cao quá! Nước đã ngập đến quá rốn. Quay lại cũng khó, thôi thì đành liều. Theo tiếng heo kêu chị thận trọng từng bước một, bàn chân cong lên,chị bấm ngón chân vào đất đã mềm. Chị cảm nhận được ngay cái nguy hiểm tột cùng, vì nước lũ chảy rất mạnh đang có ý định dở chân chị lên. Nếu lũ dở được hai chân một lúc thì đúng là chị sẽ bị cuốn đi. Can đảm lên, chị nhủ thầm sắp tới rồi...

Khi tay đụng chuồng heo chị mới hoàn hồn, Nham và Đốm không biết có trông rõ trong đêm không, nhưng chị sờ được hai cái mũi đã ở gần bên chị. Thận trọng chị mở cổng chuồng bằng một tay. Cổng chuồng cũng chỉ là những thanh ngang, chị kéo dễ dàng, nhưng những thanh ngang nằm dưới chị phải khó nhọc lừa đẩy bằng một chân. Xong rồi! chị thở ra, có vậy thôi mà chị sợ muốn rụng tim, Bây giờ từ từ mò về.

 Nhưng chị ngẩn người ra, thôi chết rồi, hướng nhà ở đâu? Trời vẫn tối đen như mực. Bàng hoàng một lát chị nhủ lòng phải bình tĩnh. Có vậy mà cũng hết hồn. Chị đang đứng trước cửa chuồng heo, cứ thẳng cửa chuồng là đụng sau nhà, dễ quá mà. Chị lại thận trọng bước đi. Đúng rồi, hồi nãy dòng nước lũ đẩy ngang chị từ bên trái, bâu giờ đi ngược về thì dòng nước lũ đẩy bên phải. Chị yên tâm cong bàn chân xuống bấm vào đất. Lần về này dễ hơn, chị bước được nhanh hơn.
Sắp tới rồi, được quá nửa đường rồi đấy. Đúng cái lúc chị dở một chân lên bước tới thì mặt chị đập thật mạnh vào một vật cản cứng như một bức tường, một khối đá. Tâm trạng hoảng hốt vừa ngủ yên nay bừng thức. Chị lập tức bị hổng chân và ngã ngửa ra sau, dĩ nhiên bé Thơm văng khỏi tay chị. Trong cơn thảng thốt chị bị uống một ngụm nước to, nhưng một bản năng khác khiến chị lập tức vùng dậy phóng người theo dòng nước lũ. Hình như chị đã tóm được bàn chân bé Thơm, rồi chị lại bị trượt chân vuột mất. Lúc này chị như hổ cái điên cuồng vùng vẫy trong dòng nước. Trong tiếng gió vi vu, tiếng mưa rả rích có tiếng gào của chị khan khan ma quái.

Một phút đã trôi qua, lúc này tỉnh hồn, chị biết đứa con gái bụ bẫm xinh đẹp của chị đã chết rồi. Không còn cách nào, không còn một hy vọng nào được bế con trên tay nữa. Không bao giờ được cho con bú nữa, không bao giờ được nắm tay con dẫn tới trường như chị vẫn mơ. Chị nhớ ra rồi, ôi dòng lũ cay nghiệt, ôi cây dừa xiêm chết bằm, thân cây cong cong đưa ra, ở trên trĩu nặng những quả lại có ngày tàn sát đứa bé thơ ngây của chị. Hình như chị lại gào trong gió mưa. Ôi! không phải tiếng chị, ai gào đó, không phải tiếng người. Rồi bất chợt chị ngưng lại, hai tay bỏ thõng trong nước, đầu tóc rũ rượi, chị lắng tai nghe. Bé Thơm còn sống sao? may quá hả trời! Nó bám vào được cái gì rồi chăng? nó đang kêu khóc, nó đang ở đâu bây giờ? làm sao tìm nó trong tối đen này? – Thơm ơi con ở đâu? khóc to lên đi, khóc to lên...! Chị vận hết sức vào phổi gọi nhiều lần. Tiếng khóc càng rõ hơn. Thôi chị nhầm rồi! Đúng là tiếng Cu anh. Nó nghe chị kêu gào nên sợ quá khóc theo. Ồ, chị chưa mất hết con. Dòng lũ khốn nạn kia, mày mới chỉ giết được có một đứa thôi. Theo tiếng khóc của Cu anh chị lần mò về nhà. Lúc này chị đã cách nhà khá xa. Nếu nó không khóc lên, có lẽ chị chưa tỉnh hồn, còn lăn lộn với dòng nước; tới một lúc nào đó, mệt mỏi lẫn tuyệt vọng chị cũng sẽ bị nước cuốn trôi. Không, dòng nước chết đâm kia mày không thể giết được tao, giết được một đứa bé nào nữa đâu. Chị lấy lại sức lực xăm xăm lội về.

Nước bây giờ đã lên gần tới mặt bàn. Chị trèo lên bàn ngồi ôm Cu anh thở dốc. Còn cái bàn thờ sau lưng, chị rên rỉ : Cha mẹ ông bà tổ tiên ơi! cứu con với!
Bốn giờ sáng hôm sau, trời đã hửng sáng, mưa đã bớt. Chị và Cu anh ngồi được trên mái nhà. Mái nhà thấp, không dốc lắm nên họ không phải dùng sức nhiều để bám víu vào. Nhìn xuống cái lỗ hổng mái nhà mà chị đã dùng bàn tay bé nhỏ vạch ra được, chị không khỏi rùng mình. Bây giờ nước đã ngập quá bàn thờ. Hình ảnh ông bà cha mẹ đã chìm trong nước. Cái bát nhang rất to, chị đã phải thả xuống để lấy chỗ ngồi. Trong lúc trèo lên bàn thờ, một chân đèn to bằng đồng đã ngã xuống nước, nhưng may còn một cái và nhờ chân đèn này chị đã húc thủng mái nhà; một mái nhà rất dầy, tuy bằng tranh nhưng được kết rất kỹ với các hom tre.

Trời đã sáng rõ hơn. Chị nằm bẹp trên mái nhà, một tay bám víu, một tay ôm con như một phản xạ tự nhiên,nhưng mắt đã thất thần, gân cốt đã cứng, không còn cảm giác mệt mỏi nữa. Đứa con cũng vậy; có lẽ họ đã chết quá nửa người rồi.
Chung quanh chị dòng nước chảy hung bạo hơn. Mái nhà cứ từng nhịp đong đưa. Không biết nước còn lên cao bao nhiêu nữa, không biết cái nhà chống cự được tới lúc nào! Nhà bác Năm, nhà cô Bái đâu rồi, mà ngay cả cái nhà lớn hơn nhà chị là nhà ông Cửu Tân cũng biến mất. Nửa tìếng đồng hồ sau, chị cảm nhận một sự uốn mình, một sự sụp  lở nhè nhẹ của căn nhà. Rồi chung quanh chị dòng lũ không trôi nữa, hình như nó đứng lại? Làm gì có chuyện đó nhỉ? Chị không thấy nó chảy nữa chẳng qua là căn nhà thân yêu của chị bắt đầu trôi theo dòng nước.

Truyện xưa kể lại rằng: Trong các lần xử trảm theo lối lăng trỉ, nghĩa là đánh một hồi trống thì cắt một miếng thịt của tội nhân, đao phủ phải cắt làm sao cho tội nhân càng lâu chết mới được thưởng; nhiều đao phủ cắt giỏi, hàng trăm nhát tội nhân mới chết. Nhiều tội nhân kiên cường, không kêu la đau đớn, mặt vẫn bình thản, cốt để chứng tỏ cái dũng khí, sự quật cường hầu chọc tức kẻ xử tử họ; nhưng đến khi bị cắt bộ phận truyền giống của đàn ông thì sự thất vọng não nề đã khiến họ không còn bình tĩnh mà gào lên một tiếng thê thảm. Chị cũng vậy thôi: từ hồi tối đến giờ dòng lũ đã cắt chị bao nhiêu miếng thịt , lúc biết được căn nhà của chị bị bứng gốc trôi tuột theo lũ, dù tim chị tưởng đã hóa đá, chị cũng hét lên một tiếng rụng rời “anh Nghĩa ơi”. Đó là tiếng nói cuối cùng của chị mà dòng lũ nghe được sáng nay.

Vậy đó... em kể xong rồi. Các nạn nhân của con sông Ba thường kể với em giống như vậy, không khác nhau là bao, em chỉ nói lại trung thực. Chắc anh sẽ hỏi em còn người chồng, trung sĩ Nghĩa lúc bấy giờ ra sao? Sao không kể nốt cho thêm phần thê thảm của một bi kịch! Anh là lính trận, anh biết hết rồi em kể làm chi nhiều. Đại khái trung sĩ Nghĩa lúc đó ở một chỗ khác; tiểu đoàn anh, một đơn vị thiện chiến của trung đoàn 47 đang tử thủ một vùng đồi chẳng hạn. Các anh đã đào các giao thông hào hình chữ Z thật kỹ, các anh đã móc hàm ếch thật sâu. Trời cũng mưa, nước ngập khỏi mắt cá chân. Các anh lội bì bõm trong chiến hào lạnh lẽo. Mặt các anh xạm lại, tái ngắt vì mưa gió, vì thiếu ăn, vì mất ngủ. Rồi cũng lại tiền pháo hậu xung lấy mười đánh một! Cái trò dã man coi mạng thanh niên như cỏ rác, học được của bọn Tầu Cộng. Họ ôm súng chạy đen chân đồi, miệng hô giết.. giết.. giết..rờn rợn âm ba. Anh Nghĩa can đảm kia cùng các bạn sẽ đứng thẳng người lên bắn trả kịch liệt. Xác địch ngã xuống như rơm. Các bạn anh kẻ bay đầu người lũng bụng đang quằn quại trong vũng máu. Thôi thì cha con, anh em, bạn bè, kẻ Bắc người Nam, hôm nay chung cuộc tử sinh.  Có thể anh chiến thắng, xác địch mặc kaki vàng hay xanh lá phủ kín xạ trường. Nhưng cũng có thể đơn vị bị địch tràn ngập. Các anh sẽ chiến đấu tới người lính cuối cùng trước lũ âm binh. Khi quân ta tái chiếm ngọn đồi, họ tìm thấy xác trung sĩ Nghĩa vùi trong chiến hào, mắt mở lớn, tay còn nắm chặt cán lưỡi lê.

Cứ cho là anh chiến thắng trở về tìm lại vợ hiền con thơ đi: Nền nhà yêu dấu nay chỉ còn vài cây cột, anh sẽ đứng tần ngần ở đó trong gió chiều hoang lộng mà thương với nhớ...  Có đúng không?

Thôi em về đây. Nước đã cao lắm rồi, thế mà em vẫn còn cố nhìn mái nhà và mẹ con chị Nghĩa giờ đã nhỏ như hạt mè, nhô lên hụp xuống ở phía xa xa cuối trời.

Đúng lúc em định quay về thì có cái gì vương vướng sau nhượng chân. Em quay lại nhìn kỹ rồi đỡ vật đó lên. Đó là cái đàn guitar nằm ngửa, chìm gần hết trong nước. Đàn trông còn tốt, chỉ có lưng thùng bị bung keo ra. Chính vì vậy mà sáu sợi dây đàn nhô lên rất cao, kéo cần và đầu đàn nghiêng nghiêng, giống như một người nằm ngửa nhưng ngỏng cổ cố nhìn bàn chân mình. Em thích lắm, nhưng đàn ơi mày tìm lộn chủ rồi: em có biết đàn địch ca hát gì đâu. Phải chi nó đến gõ cửa nhà anh thì đúng biết mấy. Ừ phải đấy, nó không biết gõ thì em gõ cho nó  cũng được chứ sao!
​Em mang đàn về, hai tay ôm chum chủm. Nó ướt nhẹp, nước đã thấm sâu chất gỗ, em nghĩ chỉ một hai giờ nữa thì nó rã tan beng. May mà nó trông thấy em, cứ quấn lấy chân em mới lạ lùng. Bây giờ em phải lội ỳ ạch, vì nước đã quá đầu gối. Em không biết cây đàn này từ xa trôi tới, hay là của ai gần đây, để không kỹ bị nước dâng lên hớt trôi mất. Em cũng sợ phải trả lại nếu ai đó chạy ra nhận bừa. Em cởi nút áo mưa nhét vội cây đàn vào trong. Đàn thì to, áo mưa thì chật, kín kín hở hở,em lúng túng như đồ ăn trộm. Đi qua Air Vietnam, phải quay mặt ra đường. Em sợ thằng Bình trong đó nó nhận ra em, nó sẽ hỏi vọng ra trêu ghẹo: Chị Hương đi đâu đấy? có phải chị định đi nhảy sông không? để Bình méc với thầy. May quá không có thằng Bình.

Qua tiệm ăn nhà má thằng Túc, em càng bối rối hơn. Thằng này đệ tử ruột của anh, nó trông thấy cây đàn thì mắt nó sáng hơn đèn xe hơi, nó giựt lấy đàn em , nó mang tuốt qua cho anh thì bể quá . Lối vào nhà anh rất rộng; ngang trường Bồ Đề, có quán cóc bà Đương chận đầu ngõ. Chỗ này rất thấp, nếu em đi vào sẽ lội nước ngang bụng. Thế là em đi vòng ngõ sau, ngõ có lót gạch và rất cao. Tới chân cầu thang, em bước lên vài bậc, đầu cúi thật thấp, em sợ con Hòa nó trông thấy lại đi nói tùm lum. Em để cây đàn ở chỗ ô vuông, cái chỗ cầu thang quẹo góc, hiện giờ còn cách xa mặt nước. Đàn ơi, nằm chơi đây đừng đi đâu nghe! lát nữa ông chủ mới xuống tìm, ổng thấy là cưng sẽ được chữa thương tích, được chăm sóc và được ca hát mệt nghỉ! Bỗng cái đàn co giật một cái nhẹ, dây đàn hơi rung khe khẽ, hay nó trả lời em là nó rất đồng ý. Có lẽ là em đặt xuống chưa êm , chứ đàn nào biết nghe biết nói .

Anh ơi, có phải khi người ta buồn, người ta đi coi những cảnh buồn hơn, đau đớn hơn để bớt buồn? Em kể những chuyện đau đớn của gia đình chị Nghĩa ấy để vơi nỗi buồn trong em? Còn một cách khác, có phải khi người ta buồn, người ta cũng đi xem những tên hề diễu cợt để được vui hơn? vì nỗi buồn là âm bản của niềm vui mà. Những tên hề cười cái gì ? Cười bọn hà tiện, cười bọn ngu xuẩn, cười người xấu xí, cười người khờ khạo, cười người bị tình phụ, cười tất cả mọi thứ và có khi cười cả những tên hề...Xem rồi, đêm về ngẫm nghĩ, thấy họ cười mình đấy. Bởi mình cũng có đầy đủ cái đáng cười. Vậy thôi em chẳng muốn đem các niềm đau mà kể nữa đâu. Em cũng không muốn làm những tên hề tàn nhẫn vô tâm. Cần gì xem bi hài kịch, cứ tìm trong ta đủ hết !

Nhưng em bớt buồn rồi. Nỗi buổn trong em có thấm tháp vảo đâu với chuyện tình buồn cùa gia đình chị Nghĩa . Mai em sẽ lên gặp ông phó tỉnh, thầy hiệu trưởng. Em sẽ phát động một chương trình cứu trợ. Chính quyền và bọn em còn giúp được dân chút chút, chứ Giải Phóng thì chưa thấy bao giờ, khỏi nhờ. Em cho anh cây đàn này. Anh giỏi lắm, khéo tay lắm mà, sửa lại nó đi. So dây nắn phím, hát cho em nghe bài tình ca bất tử, dâng đời khúc hát thanh xuân, và hãy yêu nhau hơn.   

                        

No comments: