Saturday, October 3, 2015

NHỮNG GÓC KHUẤT TRONG LỊCH SỬ VN (4)

NGUYỄN MINH HỰU
Bài 7 & 8

(7 of 8) Tỉnh Quảng Bình: Vùng quê hương của chứng tích lịch sử
NgMHuu

Tỉnh Quảng Bình vùng quê hương "nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá" lại là một tỉnh có rất nhiều điểm đặc biệt như sau.

Tỉnh Quảng Bình là sinh quán của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cũng là sinh quán của hai cựu tướng Võ Nguyên Giáp và Đỗ Mậu, Thượng Tọa Thích Trí Quang và Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ, là những nhân vật được hầu hết mọi người biết đến dù với lòng ngưỡng phục hay sự thù ghét, tùy quan điểm của từng người.
   
Quảng Bình là mảnh đất đau khổ của nắng hạn mùa hè, mưa dầm, lụt lội, bão táp kinh hoàng vào mùa đông hàng năm.
  


Quảng Bình lại là chiến địa trong suốt hơn 45 năm Trịnh-Nguyễn phân tranh với núi xương sông máu do tham vọng của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài muốn tiêu diệt gia tộc chúa Nguyễn ở Đàng Trong để thâu tóm giang sơn về một mối. Đánh nhau suốt 45 năm từ 1627 đến năm 1672.  Khởi đầu từ lúc chúa Trịnh Tráng (con của chúa Trịnh Tùng) đem quân vào Nam đánh chúa Nguyễn Phúc Nguyên (con của chúa Nguyễn Hoàng) năm 1627. Sau 45 năm đánh nhau bất phân thắng bại, hai bên cùng lấy sông Gianh trong tỉnh Quảng Bình làm biên cương phân chia đất nước (năm 1672).

Đây sông Gianh, đây biên cương thống khổ
Đây sa trường, đây nấm mộ trời Nam
Đây dòng sông ,dòng máu VIỆT còn loang
Đây cổ mộ, xương tàn xưa chất đống
Sông còn đây , hận phân ly nòi giống
Máu còn đây cơn ác mộng tương tàn
Và còn đây hồn dân VIỆT thác oan
Bao thế hệ, chưa tan niềm uất hận

. . . . . . . . . . .
(Trích "HẬN SÔNG GIANH", tác giả Đằng Phương).
  
Đây sông Gianh, đây biên cương thống khổ
Đây sa trường ,đây nấm mộ trời Nam:



(Nguồn ảnh: Internet)
   
Muốn biết về cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn, mời xem Quyển II Chương III và IV trong Việt Nam Sử Lược của cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim.
   
Phía Bắc của tỉnh Quảng Bình là dãy Hoành Sơn phân cách với tỉnh Hà Tĩnh.
"Hoành Sơn nhất đái (một dãy) vạn đại dung thân" là lời khuyên của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi Nguyễn Hoàng đến thỉnh ý đề đi trấn thủ đất Thuận Hóa mong thoát được sự hãm hại của người anh rể là Trịnh Kiểm đang thao túng quyền hành nhà Lê và đã giết chết anh của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Uông sau khi cha của Nguyễn Hoàng là Khai Quốc Công Thần của nhà Hậu Lê trung hưng (là Nguyễn Kim) bị một hàng tướng của nhà Mạc đánh thuốc độc chết.

Băng qua rặng Hoành Sơn là Đèo Ngang:
  
".....Xe hơi đã tới Đèo Ngang
Ấy qua Hà Tĩnh đường sang Quảng Bình
Danh sơn gặp khách hữu tình
Đèo Ngang ơi hỡi là mình với ta ....."

(Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)
   
hay:
"Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa ....."

(Bà Huyện Thanh Quang)
   
Dãy Hoành Sơn và Đèo Ngang (Nguồn ảnh: Internet):

Xe hơi đã tới Đèo Ngang
Ấy qua Hà Tĩnh đường sang Quảng Bình:



Quảng Bình còn có nhiều danh lam thắng cảnh lừng danh thế giới: Với nhiều động thạch nhũ kỳ vỹ trong vùng núi Phong Nha Kẻ Bàng thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, như Động Thiên Đường, Động Sơn Đoòng, v.v... là những kỳ quan thiên nhiên của thế giới. (Nguồn ảnh: Internet):


       
* * * * * * * * * * * * * * *

(8 of 8)  Bên Lề Lịch Sử __Bài thơ "Tha La Xóm Đạo"
NgMHuu
     
Lời ca khúc “Tha La Xóm Đạo” của Dzũng Chinh (1964) dựa theo bài thơ cùng tên của Vũ Anh Khanh (1950) và audio clips (ca sĩ Hương  Lan, Giao Linh & Hoàng Oanh) trong Link dưới đây.  Có vài chữ viết sai trong bản lời ca trong website này (như "Cười rung rung râu trắng" mà lời bài hát (lyrics) thì ghi là "Cười run run dấu trắng";  "cởi trả áo" mà ghi là "cời ra áo";  "Tha La buồn tiếng kiếm" mà ghi là "Tha La buồn tiên kiếp", v.v...).  Link vào nhạc khúc được trình bày tại các "Play" icons  ở bên dưới phần lời ca:


Bài thơ "Tha La Xóm Đạo" của Thi Sĩ (cũng là Văn Sĩ) Vũ Anh Khanh (viết năm 1950) hầu như không được quần chúng biết tới mãi cho đến năm 1964 khi Nhạc Sĩ Dzũng Chinh (tại Miền Nam) sáng tác ca khúc "Tha La Xóm Đạo" dựa trên bài thơ này. Cũng giống như Thi Sĩ Nguyễn Tất Nhiên (NTN) nếu không có Nhạc Sĩ Phạm Duy phổ nhạc nhiều bài thơ của NTN thì có thể tên tuổi của Thi Sĩ này đã có rất ít người biết tới. Điều này cũng giống như nhà thơ Hữu Loan với bài "Màu Tím Hoa Sim" nếu các Nhạc Sĩ Miền Nam không phổ nhạc bài thơ ấy của ông. Những điều này cho thấy âm nhạc có sức truyền tải mãnh liệt vào tâm hồn và dư luận quảng đại quần chúng Miền Nam, vượt rất xa thơ, văn và hội họa.

Bối cảnh Lịch Sử của bài thơ này
Xứ Đạo  Tha La thuộc ấp An Hội, Xã An Hòa nằm trong quận Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh.

Đi từ Sài-Gòn theo Quốc Lộ 1 (đường Lê Văn Duyệt nối dài, tên đường hồi trước 30 tháng  4, 1975) đến Hóc Môn rồi vượt Củ Chi và đến quận Trảng Bàng. Từ Trảng Bàng theo một con đường đất đỏ mà hai bên đường là các thửa ruộng, rẫy chen lẫn với các nhà dân là đường dẫn vào họ đạo Tha La. Đây là một xóm đạo được tổ chức khá ngăn nắp và qui củ, nhà cửa khang trang, quây quần chung quanh ngôi thánh đường. Trải qua bao thăng trầm của chiến tranh tàn phá, nhà thờ đã được trùng tu lại. Cho tới năm 1967 thì việc sửa sang được hoàn tất. Chánh toà nằm giữa với tường gạch bao quanh, với sân rộng lót đá, với trường học và nhiều cơ sở phụ thuộc bên cạnh những vườn trái cây với nhiều "trái ngọt cây lành". Đây là một xóm đạo bình thường như bao nhiêu xóm đạo khác nhưng lại vụt nổi danh khắp nước sau ca khúc ấy của Nhạc Sĩ Dzũng Chinh hồi năm 1964. Rất nhiều người tò mò muốn tìm hiểu tại sao lại có bài ca này.  Nguyên thủy Tha La tên gốc từ chữ Schla của người Khmer, có nghĩa là cái trại hoặc nơi nghỉ mát, rồi không biết từ khi nào người Việt đọc “Schla” thành “Tha La”, và địa danh nầy tồn tại cho tới bây giờ.

Từ thời vua Minh Mạng với chỉ dụ cấm đạo, người dân theo đạo Chúa trốn chạy vào đây, tập trung tại vùng này và thành lập họ đạo Tha La để thờ phụng Thiên Chúa, vượt ra ngoài tai mắt của triều đình Huế.

Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ năm 1863, xóm đạo này được người Pháp giúp đỡ và chấn hưng. Dân chúng theo đạo Chúa quy tụ về đây đông hơn, nhà thờ được trùng tu quy mô hơn để chính thức thành họ đạo Tha La, đi song hành với nhiều tôn giáo khác tại địa phương Tây Ninh.

Khi Phong Trào Cần Vương chống Pháp do vua Hàm Nghi thảo hịch vào năm 1885, nhiều tác giả cho biết Tha La xóm đạo, dù được người Pháp dành nhiều ưu ái, đã noi theo tiếng gọi quê hương để gia nhập phong trào Văn Thân của Chí Sĩ Phan Đình Phùng để chống lại Pháp. Rất đông đảo thanh niên của xóm đạo này đã lên đường tòng quân cho phong trào Văn Thân, dù rằng khẩu hiệu của phong trào này là "Bình Tây Sát Tả". Thanh niên xóm đạo Tha La đã ra đi, quên mình, hy sinh cho đại cuộc cứu nước, đã chết thảm trước mũi súng của lính Pháp, đã bỏ ngoài tai chuyện bên lề chủ trương của đảng Văn Thân.

Có tác giả lại cho rằng “chúng ta không có đủ tài liệu để biết Tha La có tham gia phong trào Cần Vương và Văn Thân chống Pháp hay không, nhưng chắc chắn vào mùa Thu năm 1945, thanh niên Tha La, nhất là thành phần trí thức, đã tích cực tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp ở đất Nam Kỳ. Và chính thời điểm nầy, nhà thơ Vũ Anh Khanh cũng gia nhập đi theo phong trào kháng chiến.”

Đến năm 1950 khi ghé thăm Tha La, nhà thơ Vũ Anh Khanh đã làm bài thơ này, trong đó có những câu cho thấy rằng người Tha La đã đặt tình yêu quê hương tổ quốc lên trên hết.

Thế rồi, bẵng đi nhiều năm sau một thời gian dài ngủ yên, Tha La lại trở mình thức giấc. Đầu Xuân 1974, tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở biển Đông giữa các quốc gia liên quan trong khu vực lúc bấy giờ nổ ra, cái tên Tha La sống trở lại, vì một người con của Tha La đã ra đi. Tha La đã hiến dâng một người con ưu tú, tài hoa, một vị anh hùng, một chiến sĩ can trường, bất khuất đã hiên ngang xả thân quyết tâm chiến đấu với giặc xâm lăng để bảo vệ non sông trên hải đảo Hoàng-Sa trong một trận thư hùng. Ông đã oanh liệt chiến đấu cho đến giây phút cuối cùng, đã anh dũng hi sinh đền nợ nước: Ngụy-văn-Thà, cố Hải-Quân Trung-Tá, Hạm Trưởng Nhựt-Tảo HQ10. Ông sinh trưởng tại Tha La và là học sinh trường Trung Học Trảng-Bàng, Tây-Ninh.

Vài hàng về tác giả bài thơ Tha La Xóm Đạo

Thi Sĩ/Văn Sĩ Vũ Anh Khanh tên thật là Võ Văn Khanh, sinh năm 1926 tại Mũi Né, quận Hải Long, tỉnh Bình Thuận. Vũ Anh Khanh chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Tác phẩm của ông gồm những truyện dài như “Nửa Bồ Xương Khô”,”Bạc Xíu Lìn”, “Cây Ná Trắc” và các truyện ngắn như “Bên Kia Sông”, “Một Đêm Trăng”, “Ngũ Tử Tư”, “Sông Máu”, “Đầm Ô Rô”.  Ông còn sáng tác một số bài thơ, trong đó có bài “Chiến Sĩ Hành” và bài “Tha La Xóm Đạo”.

Sau Hiệp Định Genève năm 1954 , Vũ Anh Khanh tập kết ra Bắc, nhưng về sau ông lại trốn vào Vĩnh Linh rồi bơi qua sông Bến Hải để về lại Miền Nam, nhưng ông đã bị bộ đội Bắc Việt khám phá, đã dùng tên tẩm độc bắn ông chết khi ông bắt đầu bơi qua sông (họ không dùng súng để khỏi vi phạm Hiệp Định Genève). Lúc ấy là vào năm 1956, lúc đó ông mới 30 tuổi.

Cố Hải Quân Trung Tá Ngụy Văn Thà sinh trưởng tại Tha La Xóm Đạo và là cựu học sinh trường Trung Học Trảng Bàng, Tây Ninh. Một lần nữa Tha La Xóm Đạo lại tiễn đưa một người con ưu tú, oai hùng nữa đã ra đi đem xương máu đền nợ non sông cùng với 73 chiến hữu thuộc cấp trong trận thư hùng với HQ Trung Cộng xâm lăng trong trận hải chiến Hoàng Sa vào mùa xuân năm 1974 khi ông là Hạm Trưởng của Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10 của Hải Quân VNCH. 


Nguyên văn bài thơ "Tha La Xóm Đạo của Vũ Anh Khanh

Tha La xóm đạo
Vũ Anh Khanh

Đây Tha La xóm đạo, 
Có trái ngọt, cây lành. 
Tôi về thăm một dạo, 
Giữa mùa nắng vàng hanh, 
Ngậm ngùi, Tha La bảo: 
- Đây rừng xanh, rừng xanh, 
Bụi đùn quanh ngõ vắng, 
Khói đùn quanh nóc tranh, 
Gió đùn quanh mây trắng, 
Và lửa loạn xây thành. 

Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi 
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưng 

Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng. 
Có trái ngọt, cây lành im bóng lá, 
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ 
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ! 
Về chi đây! Khách hỡi! Có ai chờ? 
Ai đưa đón?
Xin thưa, tôi lạc bước!

Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, đưa đón tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài trên vệ cỏ.
Nghìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nhìn hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng
Tha La hỏi: - Khách buồn nơi đây vắng?
- Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!

- Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn.
Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít,
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:
- Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh
- Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Đây mênh mông xóm đạo với rừng già
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch.
Gặp cụ già đang ngắm gió bâng khuâng
Đang đón mây xa... Khách bỗng ngại ngần:
- Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
Nhẹ bảo chàng: "Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!

Người nước Việt ra đi vì nước Việt
Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi, đau đất nước lầm than".

***

Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng
Ngày hiu quạnh. ờ...Ơ...Hơ... Tiếng hát,
Buồn như gió lượn, lạnh dài đôi khúc nhạc.
Tiếng hát rằng:
Tha La hận quốc thù,
Tha La buồn tiếng kiếm.
Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh
ờ... Ơ... Hơ... Có một đám Chiên lành
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy
Quỳ cạnh Chúa, đám Chiên lành run rẩy:
- Lạy đức Thánh Cha!
Lạy đức Thánh Mẹ!
Lạy đức Thánh Thần
Chúng con xin về cõi tục để làm dân...

Rồi... cởi trả áo tu,
Rồi... xếp kinh cầu nguyện
Rồi... nhẹ bước trở về trần...
Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!
Người hãy ngừng chân,
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ
Trời Tha La vần vũ đám mây tang,
Vui gì đâu mà tâm sự?
Buồn làm chi cho bẽ bàng!
ờ... Ơ... Hơ...ờ... ơ Hơ... Tiếng hát;
Rung lành lạnh, ngân trầm đôi khúc nhạc,
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người viễn khách quá đi thôi!

***

Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay...
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
- Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tha La dâng ngàn hoa gạo
Và suối mát rừng xanh
Xem đám Chiên hiền thương áo trắng
Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh...


No comments: