Monday, October 19, 2015

QUA BIỂN DÂU (Giáo Sư Hoàng Thế Hào)



Kính thưa quý Thầy Cô & các anh chị,

Váo khoảng 1970 sân trường Nguyễn Huệ lại xuất hiện vài Giáo Sư mới rất trẻ, làm xôn xao đám học trò.

Các Cô giáo thì đẹp vô cùng làm bao nhiêu chàng nam sinh mới lớn cứ mộng mơ và tìm đọc cho được "Vòng Tay Học Trò", dù chỉ để mơ tưởng.

Còn những nàng má đỏ môi hồng thì chịu khó soi mình thật kỹ khi đến trường và lo học thật chăm để khỏi bị "quê" với những Thầy giáo mới.  Rồi các cô cũng bắt đầu xây mộng theo câu “châm ngôn” thời bấy giờ “yêu Thầy mới được làm Cô”.  Tuổi lãng mạn của học trò chắc ai cũng đã “qua cầu mới hay”.

Trong số những giáo sư mới có một Thầy vừa trẻ, vừa đẹp trai, cao ráo, rất nghệ sĩ, đàn giỏi hát hay, nói giọng Bắc Sài Gòn nghe ngọt ngào chết cả lỗ tai.... Cái ông Thầy này đã làm bao trái tim "non" lúc đó nhức nhối không ngủ yên, và mắt cứ mơ màng như người mộng du...Ông Thầy quái ác này đã làm bao nhiêu cô điêu đứng trong số đó có con nhỏ bạn xinh xắn của tui, bị "thất tình." Chắng biết Thầy có biết hay không?

Sau khi nói chuyện qua phone với thầy, tôi nhớ ra ngay người mà đã làm bạn tui đau khổ, nên  kỳ này quyết trả thù giùm cho bạn...

Kính thưa quý Thầy Cô và các anh chị, người đó  không ai khác, chính là Thầy Hoàng Thế Hào, tác giả của bài “Qua Biển Dâu”, xin được giới thiệu đến quý thầy cô và các anh một truyện ngắn rất dễ thương nhắc lại tuổi học trò như một tâm tình gởi gấm riêng ai hổng biết, xin mời cùng đọc đọc để phỏng đoán.

Trân trọng,
Thukỳ.



      Qua Biển Dâu
                                              Giáo Sư Hoàng Thế Hào.

Lâu lắm thầy mới truy bài một lần,  vì thầy tin rằng không có nhiều đứa học trò trong lớp dám không thuộc bài.  Thầy mở sổ ra, lăm lăm cây bút chì, chuẩn bị đánh dấu những tên thầy sẽ gọi.
Theo kinh nghiệm của anh, thầy gọi bỏ cách năm đứa một.  Nếu hôm nay đứa số một bị gọi đầu tiên, thì đứa mang số năm sẽ bị gọi kế tiếp, rồi đến đứa số mười, cho tới  hết sổ.  Nếu hôm khác, đứa mang số hai bị gọi trước thì đứa số sáu, số mười một bị gọi sau, không bao giờ sai.
Tên anh nằm giữa danh sách, anh biết tên anh mang số mấy, nên lúc ở nhà chỉ học sơ sơ, khi nào thấy nguy cơ đã gần kề mới lật vở ra học kỹ.  Bí mật này anh chẳng dại gì mà tiết lộ, lỡ có đứa lên méc thầy thì đúng là “làm ơn mắc nạn”.
Thường thì  cả lớp đứa nào cũng lật vở ra đọc rào rào như tằm ăn lên, nhưng đứa nào cũng còn tin rằng thầy chừa mình ra, nên học kiểu đó không có kết quả.  Thầy cũng biết như vây nên không thèm cấm.
 
Lâm Ngọc Thủy, tức thằng Thủy lộ, đứng sẵn nơi cửa lớp.  Nó luôn luôn mặc một cái áo blouson xanh khá bẩn, tay cầm cây roi mây dài có hơn một thước.  Đứa nào không thuộc bài thì tự giác ra cửa nằm dài và Thủy lộ thẳng tay vụt những roi quắn đít.  Thủy lộ chỉ có một con mắt lành, con mắt bên kia đục lờ như cùi nhãn càng làm khuôn mặt có nước da xam xám trở nên dữ tợn - thầy thật là người biết chọn mặt gởi “roi”.  Những đứa nào ngày thường gọi nó là Thủy lộ, khi “lâm sàng”, nó sẽ nghiến răng gia tăng công lực gấp hai.  Thầy chỉ cho nó đánh có một roi thôi, nhưng một roi của nó tuần sau vẫn chưa mất dấu.  Anh không những thường gọi nó là Thủy lộ mà còn gọi nó là thằng “un oeil”.  Nhân bài học Pháp văn thầy giảng deux yeux là hai con mắt, một con mắt là un oeil.  Anh nghe khoái quá, liền quay xuống nó làm lé mắt chọc cười.  Nó giận run lên mà chưa có dịp.  Nếu hôm nào anh không thuộc bài thì chắc lết về bàn không nổi đâu!
Để cho  công bình, bao giờ  cuối cùng thầy cũng gọi Thủy lộ lên trả bài.  Nó biết thân nên lúc nào cũng thuộc.  Có một lần nó tắc tị không trôi, nó tự động ra cửa lớp nằm dài.  Thầy gọi con Sum lên đánh nó ba roi.  Con Sum nhỏ nhất lớp, vừa đánh vừa nhe răng ra cười; roi đòn nhẹ hìu như phủi bụi, làm trong lớp đứa con trai nào cũng bất bình.  Nhưng được cái là bị con gái đánh đòn thì có cái đau khác, mà không chừng còn đau hơn thường.  Lần này thầy cũng lại biết chọn mặt gửi “roi”.
Phải chi thầy để cho Thu Hà, Mỹ Lan hay Túy làm công việc đao phủ đó thay Thủy lộ, thì anh sẽ tình nguyện không thuộc bài dài dài.
Anh chưa thấy đứa con gái nào bị đòn.  Tụi con gái nhát đòn lắm nên chăm chỉ học, không thuộc làu thì cũng không đến nỗi bí xị.
Ngồi bên cạnh anh là thằng Đỗ Thuận.  Có hôm nó bảo, nó biết coi bói.  Anh nói: “Vậy coi cho tao đi.”
Nó bảo: “Chỉ biết coi có một thứ là tình duyên thôi.  Nếu ở trong lớp mình mày thương con nào thì tao coi liền,”  nó lại nói: “Coi dễ ợt à.  Chỉ cần viết tên mình ở trên, tên con nhỏ đó ở dưới.  Những chữ nào giống nhau thì gạch bỏ, còn lại mấy chữ thì đếm số.  Có bốn quẻ:  số một là Lỡ, số hai là Bạn, số ba là Tình, số bốn là Thù.”
Như một viên chức xã ấp, Đỗ Thuận giải thích: “Lỡ là lỡ làng đó.  Thương người ta mà không chịu nói, nẩu mang trầu cau tới hốt mất tiêu, quẻ đó xấu hung lắm.  Bạn thì chỉ là bạn như tao với mày mà thôi.  Quẻ tốt nhất là Tình, nên vợ nên chồng, suốt đời ăn ở với nhau tới đầu bạc răng long.  Còn Thù thì dễ hiểu quá, thế nào cũng đánh lộn, đổ máu lỗ đầu.  Vậy thì chỉ có quẻ số ba là tốt nhất.”
Anh xé ngay một tờ giấy vở, viết ba chữ in tên anh ở trên, rồi viết ba chữ TUY ở dưới.  Ngắm nghiá một hồi, anh bảo nó: Có chữ nào giống nhau đâu mà đòi gạch bỏ.  Nó ghé mắt vô xem: “Như vậy là có tới sáu chữ, thì cứ đếm tới bốn rồi trở lại từ đầu.  Có sáu chữ là quẻ số hai.  Mày với nó chỉ là bạn thôi, kiếm con khác bỏ tên vô đi . Anh không chịu, chê nó bói dở ẹc.
Bỗng có một bàn tay lẹ như chớp, lòn qua vai dựt mất tờ giấy.  Tiếp theo là tiếng hô rất lớn: “Thưa thầy trò Thuận với trò Hảo chơi bói tình duyên.”
Thầy ngưng chấm bài, trễ kiếng ngó xuống làm hai đứa xanh mặt.
-Hả ? Cái gì bói tình duyên?
-Thưa thầy, trò Thuận bói tình duyên cho trò Hảo với trò Túy.
Rồi Thủy lộ te te mang tờ giấy có hai cái tên lên bàn thầy làm tang vật.  Nó ưỡn ngực giải thích tường tận hết mọi điều nó đã nghe từ thằng thầy tướng Đỗ Thuận nói hồi nãy.  Cả lớp bụm miệng cười.  Thằng đao phủ chắc mẩm kỳ này nó đập anh nát đít.  Nhưng may mắn quá, thầy cũng cười cười  chỉ tay ra cửa:
-Hai đứa, mỗi đứa một bên, quỳ cho tới giờ về.
Cha mẹ ơi!  Còn mấy bài nữa nào là ám tả, Việt sử, vẽ trang trí.  Chưa bao giờ anh lại mong ông cai trường đập ba hồi trống đến thế!
Quỳ như vậy quê một cục mà đau đầu gối lắm.  Nếu thằng Thủy lộ dòm chỗ khác, thì anh ngồi lên hai gót chân; rồi anh lại quỳ thẳng lên khi con mắt duy nhất của nó đáo về.  Anh sợ nó thưa với thầy là anh quỳ ngồi.  Cái tội không thi hành lệnh phạt nghiêm chỉnh có thể đưa tới một hình phạt khác thê thảm hơn.
Chỉ tội nghiệp cho thầy tướng Đỗ Thuận.  Nó vốn già từ bé và loắt choắt như khỉ con.  Mặt nó rầu rầu, quỳ xuống coi lại càng thảm!  Nó từng nói với anh, nó thương con Kim Ly học lớp dưới.  Chết mẹ chưa, lát nữa giờ ra chơi người đẹp của nó tay cầm gói đậu phọng hay là chùm mía ghim sẽ ưỡn ẹo đi qua đi lại trên hành lang này.  Phải chi anh đừng chọc ghẹo thằng Thủy lộ thì đâu có hại bạn như thế!

…Lâu lâu anh liếc nhìn em.  Tóc em hồi đó dài lắm, hung hung đỏ, chảy xuống vai che cả má.  Bên trong mái tóc ấy hai mắt em long lanh nhìn anh, môi cười chúm chím …
Bây giờ tóc còn dài, mắt môi còn đẹp thế không?  Bên kia Thái Bình Dương có tiếng Túy thở dài:
-Không anh à.  Dáng em tuy vẫn còn thanh nhưng tóc vừa bạc vừa thưa, môi em nhăn nhúm, còn trong túi lúc nào cũng có hai ba cái kiếng mắt.  Anh Đỗ Thuận làm xây dựng cũng đã nghỉ hưu.  Anh ấy bói vậy mà đúng chứ không dở đâu.  Họ nên vợ nên chồng, còn hai đứa mình suốt đời chỉ là bạn thôi.




No comments: