BA CỦA CÁC CON TÔI
Hôm bữa, trong nhóm văn thơ của chị em
phụ nữ mí nhau, có một chị được mọi người khen ngợi vì mối tình đầu là tình
cuối của chị với anh xã . Câu chuyện tình thật đẹp, anh chị yêu nhau thời thanh
xuân tươi trẻ thì Miền Nam rơi vào cảnh nước mất nhà tan, anh đi “cải tạo” vì
tội gia nhập nhóm “tàn quân phản động” mưu toan lật đổ chính quyền “xã hội chủ
nghĩa” . Chị đi thăm người yêu, được anh tặng những chiếc vòng chiếc lược bằng
nhôm mà hầu như chàng “cải tạo” nào cũng biết làm . Kỷ vật đó chị vẫn giữ đến
ngày nay, anh chị vẫn sống trong hạnh phúc dạt dào, anh vẫn chải tóc cho chị
như câu ước năm xưa anh khắc vào trong một chiếc lược.
Không màu mè hoa lá cành, không phô
diễn, anh chị thực sự là một đôi đúng nghĩa “trăm năm hạnh phúc đến răng long
đầu bạc”. Tôi có hỏi chị:
- Chị
ơi, chị hãy kể một tất xấu của anh, để em bớt ... ghanh tị, được không chị ?
Chị bảo, ối giời, kể ra thì nhiều lắm
cưng ơi!
Đúng vậy, đời này chẳng có con người
nào hoàn hảo, mà cũng chẳng có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo, ai cũng có những
điểm tốt điểm xấu, miễn sao điểm tốt nhiều hơn điểm xấu, thì coi như ... hôn
nhân thành công . Câu này đã có ai nói chưa nà, nếu chưa, thì coi như tôi là
người ... phát mình ra, nghen!
Vậy là tôi an tâm, kể chuyện tốt của
anh xã mình cho bà con nghe chơi, theo đúng như lời dạy của ông bà mình “tốt
khoe xấu che”. Dại gì vạch áo cho người xem lưng.
Hồi mới quen nhau, tôi nũng nịu cảnh
báo trước với chàng:
- Thú
thiệt với anh, em chả biết bếp núc nấu nướng gì đâu, chỉ có tình yêu của em
dành cho anh thôi. Vậy anh có chịu cưới em không?
Chàng chân thành:
- Đối
với anh, chuyện ăn uống không phải là vấn đề quan trọng trong cuộc sống . Sau
1975 cả dân Miền Nam phải ăn khoai sắn, đến khi qua trại tỵ nạn Mã Lai, cơm Cao
Ủy cho gì ăn nấy, nên anh cũng quen rồi .
Nói xong, chàng cười:
- Anh
dễ nuôi lắm, thịt thà cá mắm, miễn là nấu chin, anh đều ăn được hết á!
Khi chuẩn bị cưới, bà chị Cả bên Mỹ
chép cho tôi hướng dẫn các món ăn thông thường cho bữa cơm . Lúc ấy chưa có
email, iphone, điện thoại cầm tay, chỉ có phone nhà, nên ngoài việc gửi tờ giấy
các món ăn qua bưu điện, chị cũng phone chỉ cách nấu, dù khả năng bếp núc của
chị cũng ... như tôi, chỉ khác là chị đã lập gia đình từ lâu, có “kinh nghiệm”
nấu nướng nhiều hơn tôi:
- Nè,
thứ hai thì rau luộc, thịt kho, thứ ba lại luộc rau kho cá, thứ tư đổi món canh
bí và trứng chiên cà chua, thứ năm canh khoai tây cà rốt hầm sườn heo và món
mặn là tàu hũ chiên xả, thứ sáu đùi gà cánh gà chiên ăn với rau sống dưa leo,
thứ bảy tôm rim mặn và canh rau.
- Còn
chúa nhật thì sao?
Bà chị...bối rối:
- Chúa
nhật... kiếm cớ đi ăn ngoài nhà hàng, hoặc về nhà má chồng ăn ké, vậy là khỏe
re.
Thời gian đầu, menu của bà chị là cứu
cánh đắc lực của tôi, nhưng ăn hoài cũng ngán, tôi lại học hỏi bạn bè xung
quanh mỗi khi đến nhà họ chơi, ghi công thức xuống cuốn sổ tay nấu ăn, nên được
biết thêm vài món khác, rồi lại ngán, chưa thể moi móc đâu ra những “bài bản”
mới vì “gia tài” của bà chị và tôi cũng ngang ngửa nhau rồi. ( Lỗi này... tại
má, ngày xưa má tôi thương yêu chiều chuộng con, bếp núc má đảm đang làm hết,
tự tay lo cho chồng con những bữa ăn ngon).
Tôi chợt nhớ hồi ở trại tỵ nạn
Thailand, nhóm chúng tôi thỉnh thoảng luộc trứng, rồi luộc bắp cải, dằm quả cà
chua vào nồi canh rau, trứng dằm nước mắm ớt, đơn giản mà ngon thần sầu, nhất
là khi bụng đói, hết sạch cả nồi cơm. Tôi liền áp dụng ngay, nhưng có thêm
miếng thịt ba rọi luộc, tưởng là món ăn cứu đói dã chiến, nhưng không ngờ, khi
ngoài trời tuyết rơi lạnh lẽo, bên trong nhà ăn chén cơm nóng, trứng bổ đôi và
thịt luộc xắt mỏng, ngâm trong chén nước mắm cay cay đậm đà, rồi tô canh rau
thơm mùi tiêu, hành ngò đang bốc khói nghi ngút, anh xã vừa ăn vừa khen tấm
tắc, bảo món này... lạ mà ngon! Được lời như cởi tấm lòng, tôi cho món này vào
menu thường xuyên, nhanh gọn, ngon bổ rẻ, có đủ hết. Nhằm bữa nọ, bà má chồng
ghé qua chơi, khi vợ chồng tôi đang ăn tối, thấy chồng tôi thưởng thức món
“lạ mà ngon” của vợ, bà trố mắt nhạc nhiên, rồi cười cười, hỏi tôi:
- Ủa,
con có bí kíp gì vậy, chớ hồi đó, có lần đi làm về trễ, trời có bão tuyết, làm
biếng ghé chợ, nên về nhà má làm món này là nó biểu món gì mà kỳ cục quá, rồi
vừa ăn vừa xem tivi chẳng hào hứng chút nào .
Tôi ra vẻ bí mật:
- Ai
biểu má cưng chiều ảnh quá nên ảnh hư.
Bà má chồng cũng nhẹ nhàng, hình như
có chút mỉa mai, hờn mát:
- Cưng
chiều gì đâu, tại cả ngày mọi người đi học, đi làm, thì bữa cơm chiều cũng cần
phải tươm tất đủ chất chớ.
Tôi ngó lơ, không lẽ khai thật với má
chồng rằng tài nghệ nấu ăn của con chỉ cỡ đó, anh không ăn thì nhịn đói sao.
Không cần phải nói qua lại chi cho mệt. Hờn mát là chuyện của các bà má chồng,
quan tâm hay không là chuyện của các nàng dâu.
Trở lại chuyện bếp núc của tôi, theo
thời gian thì cũng có tiến bộ. Khi sinh con, chúng chập chững đi học, tôi cũng
chịu khó tìm tòi, làm các món đơn giản cho chúng ăn sáng, nào pancakes, nào
muffins, nào biscuits, mặc dù lắm lúc cũng bị chúng chê không ngon như ngoài
tiệm.
Rồi sự xuất hiện của Youtube quá tuyệt
vời, giúp đỡ cho rất nhiều cô nhiều bà nội trợ tay ngang được mày mò làm nhiều
món đòi hỏi sự khéo léo, phức tạp, công phu, trong đó có tôi và bà chị bên Mỹ
kia. Hai chị em cùng... mừng húm.
Nhưng dẫu sao, có bột mới gột được hồ,
có tích mới dịch được tuồng, nên một người vụng về, không có khiếu bếp núc như
tôi, thì Youtube chẳng phải là cây đũa thần hóa phép, cho tôi có đôi hia vạn
dặm, bỗng chốc trở thành đầu bếp giỏi giang được. Ngoài vài món may mắn, như
phở, hủ tíu, bún riêu, nấu mãi cũng thành quen tay, khá lên chút đỉnh, còn cơ
bản, các món khác, kể cả các món ăn cơm thường ngày, tôi vẫn chỉ dừng lại ở mức
tàm tạm chấp nhận được, hên xui, ngon dở tùy hứng và tùy tâm trạng mỗi ngày.
Bởi thế, có lúc có một món nào đó,
chính tôi khi ăn cũng công nhận là... không hề ngon. Chờ cả nhà ăn xong, thức
ăn còn dư bỏ thì thương vương thì tội, buổi tối rình khi anh xã đã lên lầu vào
phòng đi ngủ, tôi âm thầm ở dưới bếp pack lunch bag cho chàng mang đi làm, và
dĩ nhiên cũng pack cho tôi nữa. Ăn tại giờ break ở chỗ làm thường là lúc bụng
đã đói, nên chắc chắn sẽ không bị bỏ bứa hoặc nghe lời than vãn. Để cho chàng
khỏi... thất vọng khi mở hộp lunch ra ăn, tôi đính kèm theo một sticky note có
viết vài chữ rất ngọt ngào: “Tụi mình cùng nhau... thanh toán món này cho hết
nghen anh! Love!” kèm theo khuôn mặt cười. Lần đầu trôi qua trót lọt, những lần
sau như thế, khi cần “giải quyết” những thức ăn tồn đọng, tôi lại pack lunch
cho chàng, không cần viết dài dòng trên note nữa, mà chỉ đơn giản một dấu hiệu
mặt cười, có khi còn bonus thêm chữ “enjoy” để trong ngoặc kép hẳn hoi.
Chị bạn làm chung từng nói với tôi:
- Em
may mắn có chồng dễ ăn dễ tính, gặp chồng chị thì mơ đi nhé!
Tôi biết chồng chị, vừa gia trưởng vừa
khó tính. Vợ nấu ăn giỏi, món Bún Bò Huế ngon có tiếng, mà bữa nào chị lỡ tay
luộc bún mềm quá hay chưa đủ độ mềm như ý anh thì nhất quyết không đụng đũa, vợ
phải đi luộc rổ bún khác. Có lẽ tại chị nấu ăn ngon quá nên chồng chị cũng
đòi hỏi cao. Với tôi, chồng biết điều, chấp nhận “số phận” là thế.
Giờ đây, bước vào tuổi trung niên sồn
sồn, tôi hạn chế làm các món thịt đỏ, mà ưu ái thịt gà. Hôm tuần rồi nhân dịp
Costco bán gà on sale, tôi khuân về một thùng, cả tuần quanh quẩn gà kho xả, gà
kho gừng, cháo gà, canh gà hầm rau củ, gà nướng, gà chiên ... Cuối cùng chồng
tôi cũng phải e dè, lên tiếng:
- Em
à, em ăn gà hoài, em có ngán chưa?
Tôi... thông cảm:
- Ngán rồi, bởi vậy bữa nay
cuối tuần em đã mua một ký bánh cuốn, kèm chả lụa, bánh cống cho chúng ta đổi
món nè.
Rồi tôi tiếp luôn:
- Thôi
từ nay, anh và em ráng kiêng khem mấy ngày trong tuần, để weekend sẽ được đi ăn
tiệm, hoặc order về nhà, nghen anh!?
Dĩ nhiên là chàng gật đầu chấp thuận
không có ý kiến ý cò gì khác. Ngày cuối tuần Fathers Day sắp tới, tôi sẽ đãi
chàng và cả nhà một bữa tại nhà hàng Steak nổi tiếng của thành phố, để cám ơn
chàng, ba của các con tôi, suốt 30 năm qua, không những đã chịu đựng tôi với
tính khí “sáng nắng chiều mưa”, mà còn chịu đựng cả khả năng nội trợ cũng ...
lên xuống thất thường không kém gì cái tính nết “ba rọi” kia của tôi.
Chàng đã giữ đúng lời hứa như thuở ban
đầu, chuyện ăn uống không quan trọng, em nấu gì, miễn là nấu chín, anh cũng
thấy ... ngon.
Edmonton Fathers Day 2024,
KIM LOAN
No comments:
Post a Comment