Thursday, September 12, 2024

NGỒI TÙ OAN GẦN 10 NĂM- ĐƯỢC BỒI THƯỜNG 50 TRIỆU ĐÔ (THEO-AP)

 

Ngồi tù oan gần 10 năm _ được bồi thường 50 triệu đô

 



Phán quyết đồng loạt của bồi thẩm đoàn hôm 9/9 dành cho ông Marcel Brown, 34 tuổi, ở Oak Park, được đưa ra sau phiên tòa kéo dài hai tuần, tờ Chicago Tribune đưa tin, trích dẫn hồ sơ tòa án liên bang.

 

Ông Brown bị bắt lúc 18 tuổi và bị kết án 35 năm tù sau khi bị kết tội là đồng phạm trong vụ giết Paris Jackson 19 tuổi vào năm 2008 tại khu phố Galewood của Chicago.

 

Ông Brown được thả khỏi tù vào tháng 7 năm 2018. Vụ án hình sự chống lại ông đã bị hủy bỏ sau lời khai của mẹ ông và một luật sư do mẹ ông thuê, cả hai đều bị ngăn cản không cho nói chuyện với ông vào đêm ông bị bắt.

 

Ông Brown đã được trao giấy chứng nhận vô tội vào năm 2019, theo đơn kiện của ông, trong đó nêu tên các bị đơn là thành phố Chicago, một nhóm cảnh sát Chicago, một phụ tá chưởng lý của Quận Cook và Quận Cook.

 

Vụ kiện của ông Brown cáo buộc các bị đơn vi phạm các quyền hiến định của ông và cố ý truy tố ông. Đơn kiện cũng cho rằng các bị đơn cố ý gây ra đau khổ về mặt tinh thần cho ông khi họ ngăn cản ông nói chuyện với luật sư và buộc ông phải thú nhận sai sự thật sau hơn một ngày thẩm vấn mà sau này được phát hiện là bất hợp pháp.

 

Trong quyết định vào ngày 9/9, bồi thẩm đoàn chia số tiền bồi thường thành 10 triệu đô la cho việc giam giữ ông Brown trước khi xét xử và 40 triệu đô la cho giai đoạn sau khi kết án, theo hồ sơ tòa án. Hồ sơ tòa án cho thấy bồi thẩm đoàn cũng ra lệnh cho một trong những thám tử trong vụ án phải trả cho ông Brown 50.000 đô la tiền bồi thường thiệt hại trừng phạt.

 

Ông Brown đã tươi cười rạng rỡ tối ngày 9/9 khi phát biểu với các phóng viên bên ngoài Tòa án Liên bang Dirksen ở trung tâm thành phố Chicago sau phán quyết.

 

“Công lý cuối cùng đã được thực thi cho tôi và gia đình tôi ngày hôm nay”, ông Brown nói. “Chúng tôi biết ơn vì có được ngày hôm nay. Cảm ơn bồi thẩm đoàn”.

 


Luật sư Locke Bowman của công ty luật Loevy & Loevy cho biết phán quyết này sẽ đóng vai trò như một “lời cảnh tỉnh” đối với các nhà lãnh đạo thành phố “rằng đã đến lúc kiểm soát cách Sở Cảnh sát Chicago tiến hành thẩm vấn”.

 

Một phát ngôn viên của sở luật Chicago tối ngày 9/9 cho biết rằng thành phố đang xem xét lại phán quyết và đánh giá các lựa chọn của mình.

 

 

 

AP

NGƯỜI DÂN MIỀN BẮC: "BÃO YAGI MẠNH CHƯA TỪNG THẤY"

 

Tuesday, September 10, 2024

Người dân miền Bắc: “Bão Yagi mạnh chưa từng thấy”

 


Bão Yagi, mà Việt Nam gọi là bão số 3, đã đổ bộ vịnh Bắc Bộ và miền bắc Việt Nam vào thứ Bảy ngày 7/9 với sức gió lên đến gần 150km/h ở vùng tâm bão là Hải Phòng-Quảng Ninh và đạt trên 100km/h khi đến thủ đô Hà Nội, theo các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Thiệt hại lớn


BM
Gió bão đã quật đổ nhiều cây xanh lớn, thậm chí có cả cây cổ thụ ở các đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long.., làm tốc mái, bay mái tôn, vỡ cửa kính hàng trăm ngàn ngôi nhà. Trong khi đó, mưa lớn làm ngập lụt nhiều tuyến đường, khiến nước sông dâng cao tràn bờ nhấn chìm các khu dân cư. Ở một số tỉnh miền núi, sạt lở đất do mưa lớn đã chôn vùi người dân trong khi có người bị nước lũ cuốn trôi, theo tường thuật của truyền thông trong nước.

Đến sáng ngày 9/9, nước lũ cuồn cuộn trên sông Hồng đã kéo đổ một trụ cầu làm sập hai nhịp chính cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ. Khi cầu sập, trên cầu có một số ô tô và xe máy đang lưu thông, theo Tuổi Trẻ.

Tại thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Thái Nguyên, nhiều phường, xã ven sông Cầu bị ngập sâu và bị cô lập, người dân phải leo lên mái nhà chờ cứu hộ.

BM
BM

Tính đến 17h ngày 9/9 con số thương vong là 71 người chết và mất tích, theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai được báo Lao Động dẫn lại. Đó là chưa kể 8 người mất tích trên cầu Phong Châu và 16 người trên một chiếc xe khách bị cuốn trôi ở tỉnh Lào Cai, cũng theo tờ báo này.

Các nạn nhân tử vong và mất tích do bão, bị lũ cuốn hay do bị sạt lở đất chôn vùi, trải dài khắp các tỉnh thành từ ven biển cho đến trung du và miền núi, bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang…

Về thiệt hại vật chất, đã có 1 triệu hecta rừng bị gãy đổ, trong đó Hạ Long bị gãy đổ 90% còn Hà Nội là 10%, toàn bộ nhà thấp tầng ở các địa phương bão quét qua bị tốc mái, 100.000 hecta lúa bị ngập trong đó có đến 30.000 hectare bị mất trắng, VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Hồng Hiệp, thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tại cuộc họp sáng 9/9 với các tổ chức cứu trợ quốc tế và đại sứ quán các nước. Đó là còn chưa kể đến số lượng gia súc, hoa màu, cây ăn quả và lồng bè nuôi thủy sản bị mất trong bão.

Chiều ngày 9/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì họp Bộ Chính trị để bàn cách khắc phục thiệt hại của cơn bão, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ cho biết, trong lúc chính quyền Việt Nam cũng đã kêu gọi quốc tế cứu trợ.

‘Sau bão vất vả’

BM
BM
BM
Từ Hải Phòng, chủ một quán ăn ở phường Đông Hải, quận Hải An, cho biết gia đình ông đang tất bật dọn dẹp, lau chùi lại quán sau bão để có thể mở cửa trở lại.

Ông cho biết quán của ông trong bão đã bị tốc mái ‘theo từng mảng’ và ‘bay từ nhà nọ sang nhà kia’ khiến ông ‘muốn thót tim’.

“Mái nhà tốc hết. Xung quanh hàng xóm đều bị tốc hết,” người chủ quán Lá chỉ nêu tên là Long nói  và cho biết chi phí sửa chữa quán của ông có thể lên đến ‘cả trăm triệu’.

Theo lời ông Long thì đây là trận bão ‘lịch sử’ mà ông mô tả là ‘to nhất từ trước đến giờ’. Ông cho biết cây cối trong thành phố ‘100% ngã đổ hết, trong đó có cả cổ thụ mấy chục năm như xà cừ’.

BM
BM
Khi được hỏi về tình hình cuộc sống sau bão, ông trả lời: “Vất vả lắm. Điện nước đã mất 3, 4 ngày nay rồi. Đường phố cây cối đổ đầy, ngồn ngang. Nói chung cuộc sống vất vả lắm.”

Hiện giờ một số công sở bị tốc mái, bị hư hại vẫn đang sửa chữa và một số trường học vẫn đang dọn dẹp nên công nhân viên vẫn chưa đi làm và học sinh vẫn chưa đi học trở lại, cũng theo lời người chủ quán ăn này. Trong khi đó, hàng hóa nhu yếu phẩm ‘khan hiếm hơn’ và ‘một tuần nữa mới trở lại bình thường’.

“Bây giờ sinh hoạt cả thành phố ô tô đâu cũng tắc, người ta gọi xe suốt ngày đêm,” ông cho biết.

Từ thành phố Thái Nguyên, ông Chiến, chủ tiệm sửa xe gắn máy Văn Chiến trên đường Hoàng Văn Thụ, nói  chỉ trong hai ngày từ ngày 8/9 đến nay nước sông Cầu đã ‘dâng rất cao, nhiều vùng ngập lụt rất sâu’.

“Mưa thì gần như không có mưa, không đáng kể. Nhưng toàn nước miền ngược chảy về nhiều,” ông Chiến nói và cho biết lần đầu tiên ông thấy nước sông Cầu dâng cao vượt các mốc lịch sử vào các năm 1986 và 2001.

BM
Theo lời ông thì người dân trong vùng ngập đã bị cắt hoàn toàn điện nước trong khi nhiều người bị mắc kẹt không ra khỏi vùng lũ được. Về đi lại thì từ Thái Nguyên đi về xuôi xuống các tỉnh đồng bằng ‘thì vẫn được’, nhưng đi ngược lên các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Bắc Cạn thì ‘bị tắc không đi được’.

Ông kể bên ngoài ‘hối hả đi cứu trợ’ và ‘tàu, thuyền, ca nô đi cứu trợ rất nhiều để đưa lương thực, thực phẩm đến cho người dân bị mắc kẹt’.

Hiện giờ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, học sinh dù vừa mới khai giảng năm học mới đã nghỉ học còn công nhân viên chức cũng nghỉ làm, cũng theo lời người chủ tiệm sửa xe này.

Tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chủ tiệm bánh mì Thắng Lợi ở phường Hà Tu cho VOA biết nhà ông chỉ một hư hại nhẹ do mái tôn bị tốc trong cơn bão mà ông mô tả là ‘to nhất mà tôi chứng kiến từ bé đến giờ’.

BM
Bên cạnh cây cối ngã đổ vẫn còn chưa đốn xong, người chủ tiệm bánh mì không cho biết danh tính này nói bão còn quật đổ rất nhiều cột điện mà ‘không biết bao giờ mới khắc phục được’.

“Chưa có điện thì chưa làm được gì cả. Tất cả đều ngưng hoạt động. Mất điện là chịu chết,” ông nói. (9:30)

Còn tại Hà Nội, người dân ở đây cũng cho biết trong ký ức của họ, họ chưa từng thấy có cơn bão nào mạnh như bão Yagi.

Bà Nguyễn Thị Chiên, chủ cửa hàng hoa quả ở số 46 Hàng Gai ngay giữa phố cổ, cho biết nhà bà nằm trong một dãy 4 căn nhà bị gió bão làm nghiêng sang một bên, bây giờ đã bị chính quyền niêm phong không cho ra vào vì sợ nguy sập đổ.

BM
BM
“Chắc là phải xây lại thôi chứ không thể khắc phục được,” bà Chiên nói và cho biết hậu quả lớn nhất của bão ở Hà Nội là ‘mất cây xanh’.

“Tôi từ bé đến lớn, những người già tính đến nay đã 70 tuổi người ta bảo là chưa thấy trận bão nào để lại hậu quả mà cây xanh của Hà Nội, những cây sưa, những cây đa cổ thụ của ngày xưa gần như bị bật gốc siêu nhiều,” bà nói.

Về cuộc sống tại Hà Nội, bà cho biết giữa phố cổ không hề có chuyện khan hiếm nhu yếu phẩm và chính quyền đã tranh thủ ngày chủ nhật để dọn dẹp lại sau bão nên đến thứ hai ‘mọi thứ gần như đã trở lại bình thường’.

“Hôm qua di chuyển còn khó khăn, nhưng đến hôm nào phường nào phường nấy đã huy động tất cả mọi người từ công an, bộ đội, sinh viên tình nguyện, dân thường để dọn dẹp cho xong.”


Wednesday, September 11, 2024

BỨC TRANH KHÔNG VẼ (NHẤT PHƯƠNG)

 




Bức Tranh Không Vẽ

 

Màu đời nhen nhúm nên tranh

Chẳng cần giá vẽ cũng thành nợ duyên

Lùa mây gom hứng niềm riêng,

Lênh đênh biển nhớ, nhấn chìm vần thương

 

Tô thêm vài nét hoang đường

Bâng khuâng trải cảnh vô thường...ngã nghiêng

Tìm đâu những giấc mộng hiền

Tơ vò trăm mối, triền miên mạch sầu

 

Mộng vàng vương vãi vườn ngâu

Mênh mông tô điểm vòng cầu lung linh

Trăng lu yên dấu phận mình,

dưới khung trời cũ, hữu hình vô tâm

 

Tranh khôn chọn chỗ riêng nằm

Đồi hoang gió lộng âm thầm mong ai

Dài thêm đôi cánh tình bay,

rời xa những đóa tàn phai cuối mùa

 

Đêm lạnh ôm ngón tay thừa

Sương lam rơi rớt lưa thưa một mình

Thương ai ngóng đợi bình minh,

Chờ đời nhen nhúm ẩn mình nên tranh.

 

Nhất-Phương

ĐƯỜNG VỀ CẦN THƠ (NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG)

 


    ĐƯỜNG VỀ CẦN THƠ.

 

Bao nhiêu năm tôi đã xa Cần Thơ,

Nếu có về, tôi về trong qúa khứ,

Sài Gòn - Cần Thơ những hình ảnh cũ,

Lòng người viễn xứ còn nhớ còn thương.

 

Trên quốc lộ một tôi qua Long An,

Thư viện tỉnh Long An to đẹp đẽ,

Xe đò đông người cửa không che gío,

Gío Long An theo tôi đến Mỹ Tho.

                  

Xe ngừng bên này sông để qua phà,

Giòng sông Tiền mênh mông màu nước đục,

Đất phù sa Trung Lương mùa mận ngọt,

Mận Trung Lương, ổi xá lỵ trúng mùa.

 

Chào bắc Mỹ Thuận tôi bước lên bờ,

Ai đến Sa Đéc? Ai về Trà Vinh?

 Ai đi Cần Thơ? Ai ghé Vĩnh Long?

 Để giòng Mê Kông bâng khuâng sóng gọi.

 

Đường về miền Tây vườn quê tiếp nối,

Thêm một lần qua phà: bắc Cần Thơ,

Những cụm lục bình sóng nước nhấp nhô,

Thuyền ai trôi hững hờ trên sông Hậu.

 

Người và xe chen nhau lên phà vội,

Tiếng rao hàng, tiếng mời mọc bán mua,

Huyện Bình Minh, Vĩnh Long ở bên kia,                     .

Sang bên này Cần Thơ gần gũi qúa.

 

Xuống bắc Cần Thơ người đông kẻ lạ,

Ai về Châu Đốc. Ai đi Long Xuyên?

Ai thăm Rạch Gía. Ai đến Hà Tiên?

Để giòng Mê Kông thương chia mấy nhánh

 

Cam bắc Cần Thơ người ta rao bán,

Gọi  “một chục” mà “ một chục mười lăm”,

Như tấm lòng hào phóng người miền Nam,

Cam  bắc Cần Thơ vừa ngon vừa rẻ.

 

Tôi biết ngày nay Cần Thơ khác lạ,

Đã thay đổi nhiều từ thuở tôi đi,

Cầu treo Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ,

 Bắc qua sông Tiền, bắc qua sông Hậu.

 

 Hai chuyến phà xưa không còn xuôi ngược,

 Mà lòng tôi còn xuôi ngược chuyến phà,

 Khi nghĩ về người và đất Cần Thơ,

 Tôi trót yêu vẻ nhà quê đơn giản.

 

    Nguyễn Thị Thanh Dương.

      ( Dec. 2012)

TRUNG THU KỂ CHUYỆN (KIM LOAN)

 


TRUNG THU KỂ CHUYỆN

Nước Mỹ, người Mỹ không có tết Trung Thu, dù họ có rất nhiều các lễ hội khác, nhưng người Mỹ gốc Việt ở các quốc gia phương Tây tự do như Canada, Châu Âu, Úc Châu...hàng năm đều rộn ràng tổ chức Trung Thu cho các thế hệ con cháu nhằm duy trì và gìn giữ những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nơi hải ngoại.

Cách đây vài năm, nhân dịp đi thăm gia đình ở thành phố Arlington tiểu bangTexas bên Mỹ vào đúng mùa Trung Thu, tôi thấy các chợ Việt Nam tại đây bày bán nhiều loại bánh Trung Thu do chính người Việt sản xuất tại các thành phố đông người Việt như Dallas, Houston và California bên cạnh bánh Trung Thu nhập từ Taiwan, Mã Lai, China. Mặc dù Trung Thu chỉ phổ biến ở một số nước Châu Á như China, Korea, Singapore, Taiwan, Việt Nam, Japan cửa hàng Costco cũng nhạy bén nhập về các loại bánh trung thu, bánh pía. Người Việt mình tha hồ có nhiều lựa chọn. Bánh Trung Thu "Made in China" từ lâu vốn mang tiếng làm ăn gian dối trở thành lép vế hẳn đi. Cứ sau mỗi mùa Trung Thu những hộp bánh ế phần nhiều là hàng China, chợ đã phải hạ giá on sale buy 1get 1 free.

Chợ Costco Mỹ thật...dễ thương, luôn làm vừa lòng khách hàng người Việt, nghe nói Costco ở Nam California còn bán bánh chưng mỗi dịp tết Nguyên Đán. Coi bộ bánh chưng, bánh trung thu khó chinh phục người Mỹ, thị trường Mỹ so với  phở, chả giò của Việt Nam. Món chả giò mặn và chả giò chay cũng đã chễm chệ nằm trong tủ kính chợ Costco bấy lâu nay, thật vui và.hãnh diện. ( Chợ Costco ở Canada, hoặc ít nhất là Costco nơi tôi ở, chưa bán các loại hàng này, có lẽ do mỗi manager có quan niệm và suy nghĩ khác nhau).

Tôi đã được chứng kiến đêm văn nghệ ca múa hát Trung Thu tại Asia Time Square trong khu chợ Việt, Arlington, Texas. Từ chiều, các bậc cha mẹ đưa các con em tấp nập đổ vào chỗ parking. Đứa trẻ nào cũng áo dài khăn đóng, các bé trai bé gái tay cầm lồng đèn, chạy nhảy tung tăng quanh khu vực khán đài, các gian hàng vui chơi và bán thức ăn nhộn nhịp tiếng nhạc hòa cùng tiếng cười nói đông vui.

Cũng giống như mùa Tết Nguyên Đán, hễ mỗi lần nhìn đám con nít (trong đó có các con tôi khi chúng còn bé) xúng xính áo dài đón Tết Trung Thu, tôi thường nhìn xa xăm thở dài, chép miệng: 

 - Tự dưng thấy thương tụi nhỏ quá chừng. Hồi đó bên quê nhà, Tết vui lắm, Trung Thu vui lắm, bên đây dù sao cũng chưa bằng.

 

 Vì nơi đây chúng ta nhiều khi đón Tết không đúng ngày, phải chờ weekend. Thời gian ngắn ngủi, lại thiếu cả cái không khí, cái đất trời, cái hương vị, nào phải cứ ăn bánh tét bánh chưng là Tết, ăn bánh nướng bánh dẻo là Trung Thu? Nói chung là tổng thể mọi thứ kết hợp lại, như đêm Trung Thu phải chơi dưới ánh trăng tròn, rước đèn khắp xóm, chớ đâu phải vòng vòng trong khu shopping dưới ánh... đèn màu như bên đây, hỏi sao không tội cho đám nhỏ!?

Và tội cho chúng nữa là không biết thưởng thức bánh trung thu, bánh nướng, bánh dẻo ngon thế nào, có đứa chỉ ăn thử một miếng nhất định không ăn miếng thứ hai, có đứa thì nguây nguẩy từ chối vì không biết và không thích ăn cái bánh này. Thành ra bánh trung thu cho thiếu nhi mà ở hải ngoại toàn dành cho... người lớn. Người lớn ăn bánh vì cảm được cái ngon của bánh, vì mùi vị kỷ niệm từ thời ấu thơ, còn con nít được tụ tập mặc quần áo đẹp và rước đèn theo tiếng trống tiếng nhạc là chúng vui rồi.

Hổm rày trên bầu trời đã lấp ló bóng trăng to đẹp, gần như tròn tria. Tôi nhìn qua khung cửa sổ sau nhà, cảm xúc:

- Trăng tròn quá, lại sắp đến Trung Thu rồi ư?

Chồng tôi vội vàng lên tiếng trước khi nhanh chân bước lên lầu:

-     Em lại chuẩn bị lập lại cái điệp khúc “hồi đó”, anh nghe cả trăm lần, ngán lắm rồi nghen!

Tôi mơ màng trả lời dù biết rằng chẳng ai nghe:

-     Ừa, nhưng lần này “hồi đó” không phải ở Việt Nam mà ở trại tỵ nạn, anh ơi!

Đó là Tết Trung Thu đầu tiên ở trại tỵ nạn Thailand. Thực ra, cuộc sống ở trại ngày nào cũng như ngày nào, nhất là trong “trại cấm” dành cho những người đến trại sau ngày Cao Ủy tuyên bố đóng cửa, ngày dài lê thê, tương lai chưa biết ra sao, có ai để ý cái Tết của trẻ con.

Nhưng may nhờ có Chùa và Nhà Thờ, các Cha các Sư  xin phép Ban An Ninh Trại, rồi cho người ra ngoài chợ Lào chợ Thái, mua đầy đủ tre, giấy bóng kiếng, sơn màu, cọ, dây kẽm... để làm những chiếc đèn Trung Thu. Từ một vài tuần trước, sân Chùa sân Nhà Thờ bắt đầu rộn ràng những người ngồi vót tre, cắt giấy, làm nao lòng người tha hương, và không khí trong trại thêm sinh động, hứng khởi hơn thường ngày .

Nhóm chúng tôi bốn nàng: tôi làm thiện nguyện ở post office, một nàng làm cô giáo Tiếng Việt, còn hai nàng kia ở nhà phụ trách cơm nước và chiều tối sinh hoạt trong Ca Đoàn Nhà Thờ. Mấy bữa gần kề Trung Thu, hai nàng ấy có mặt hầu như cả ngày ngoài Nhà Thờ, tôi và nàng cô giáo đi làm về phải ăn mì gói trộn cơm nguội, nhưng mà vui, vì ăn xong cũng chạy ra ngoài đó tán dóc, ăn bánh kẹo, phụ mấy chuyện lặt vặt linh tinh... trừ cơm cũng no ngang.

Theo chương trình, vào ngày Trung Thu, sau giờ lễ tại Chùa và Nhà Thờ, các em thiếu nhi có mặt (bất kể tôn giáo) đều được phát một chiếc lồng đèn và vài chiếc bánh kẹo (lúc ấy trại chưa có người làm bánh Trung Thu). Nàng cô giáo trong nhóm nổi hứng đề nghị chúng tôi làm bữa tiệc “Đón Trăng Rằm” tại nhà, kêu đám học trò nhỏ đến cùng chung vui .

Cả đám hào hứng đồng ý, chúng tôi sẽ nấu một nồi chè đậu xanh bột báng nước dừa, mua thêm vài bịch bánh kẹo, đậu phộng da cá và vài bình nước Coca Cola. Khi tan lễ các em sẽ kéo về nhà chúng tôi, quay quần ăn uống, ca hát, chơi trò chơi tập thể, rồi sau đó là phần vui nhất của đêm trăng tròn: rước đèn Trung Thu. Chúng tôi sẽ dẫn các em rước đèn vòng quanh các lô nhà, các con đường của trại, vừa đi vừa hát:

“Tết Trung Thu em đốt đèn đi chơi/ Em đốt đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca dưới ánh trăng rằm/ tùng dinh dinh tắc tùng dính dính ...”

Dù ở trại, hổng phải “phố phường” của xóm cũ quê xưa bên bờ đại dương, nhưng ai cấm các em được “vui sướng với đèn trong tay” và “múa ca dưới ánh trăng rằm” trại tỵ nạn?

Đúng 6 giò 30 chiều, các trò nhí lục tục kéo đến, mỗi đứa trên tay một lồng đèn đủ màu xanh đỏ tím vàng, chúng tôi cũng vui lây với sự hồn nhiên của chúng. Bỗng trời bên ngoài bắt đầu chuyển sang âm u, gió mạnh. Chuyện gì vậy cà, chả lẽ lại là mưa đúng đêm Trung Thu như nhiều lần khi tôi còn ở Việt Nam, dù mùa mưa Ngâu đã trôi qua? Câu hỏi chưa kịp trả lời thì mưa lộp bộp trút xuống, hối hả như kìm nén cả ngày giờ mới được bung xả. Cả cô lẫn trò ngơ ngác, nhìn những hạt mưa nặng nề bên ngoài mái lá.

Tôi bâng quơ nhớ về Trung Thu năm trước, có xa xôi gì lắm đâu, lúc ấy tôi còn đi dạy học, cùng với các thầy cô giáo trẻ trong trường, hẹn nhau sau buổi dạy chạy ra Nhà Văn Hóa Thanh Niên xem ca nhạc mừng Trung Thu. Vừa xong tiết dạy, trời đầy mây xám báo hiệu sẽ có mưa, nhưng với lòng hăng say tuổi trẻ, hơn nữa ngày hôm sau là cuối tuần không phải bận rộn với giáo án, với trường lớp, chúng tôi vẫn lên đường, sáu bảy chiếc xe đạp, chuyện trò rôm rả mặc kệ ông trời đang hăm dọa với vài tiếng sấm sét dạo đầu. Khi chúng tôi đến tụ điểm ca nhạc, những hạt mưa lớn, nhỏ rủ nhau ào xuống, trắng xóa cả trời đất, chúng tôi cũng kịp gửi xe, chạy vào hội trường an toàn.

Hai tiếng sau, tan đêm nhạc, chúng tôi trở ra thì ôi thôi, mưa không còn lớn nhưng vẫn rả rích, đoạn đường trước mặt ngập nước lênh láng, qua nửa chiếc bánh xe đạp. Đành bỏ tiết mục ăn đêm, chúng tôi phải về nhà, có mấy cô mang theo áo mưa, nhưng nước vướng chân vướng xe, nên các cô cởi bỏ áo mưa, cả đám hì hục lội nước dắt xe qua những khúc ngập lụt, khúc nào không ngập thì lại leo lên xe, cho mau về khu Gò Vấp ngoại ô thân yêu. Tới nhà, tôi ướt như chuột lột, sau khi thay quần áo khô ráo sạch sẽ, ngồi ăn cơm, mưa vẫn tí tách trên mái tôn nhà bếp, tôi lặng lẽ vừa nhai cơm vừa ngẫu hứng “xào” thơ Hàn Mặc Tử:

Sao anh không về thăm xóm cũ
Nhìn nước vừa lên, nước vẫn lên
Nhà em thấp thoáng nơi đầu hẻm
Mái ướt che ngang cột bóng đèn

Gió theo lối gió, mưa kệ mưa
Dòng nước thành sông, chẳng như xưa
Thuyền giấy chúng mình trôi lờ lững
Giờ đây lênh láng, lội mút mùa

Mơ khách về chơi, khách về chơi
Áo em ướt quá làm sao phơi
Ở đây mưa đến mang ngập lụt
Ai biết vì ai, ơi hỡi trời!

Tiếng ồn của lũ trẻ đưa tôi về thực tại trại tỵ nạn, mưa càng nặng hạt hơn, không biết khi nào sẽ ngưng, mà đợi đến lúc ấy thì “sau cơn mưa trời lại... tối thui”, nên chúng tôi cho các em ăn tiệc ngay. Các lồng đèn được thắp nến, treo quanh nhà, tạo nên một không gian lung linh, kỳ ảo, và rất lãng mạn. Căn nhà tỵ nạn tưng bừng bởi tiếng ăn uống, hát ca, trò chơi tập thể hòa với tiếng mưa, tiếng sấm sét rền vang.

Tiệc tàn nhưng mưa chưa tàn, còn mưa lâm râm, gió rít nhiều hơn. Thương lũ nhỏ không được ngắm “chị Hằng” nhưng phải ra về vì sắp đến 10 giờ giới nghiêm. Tụi nó nhốn nháo tạm biệt các cô, mấy đứa bước ra trước bỗng quay lại hét lên:

-    Cô ơi, ma!! Em mới thấy ma!!

Tôi nhanh nhẩu trấn an:

-     Bậy nà, ma cỏ gì ở đây chớ?

Nói xong, tôi khựng lại, vì ai ở trại cũng biết chuyện trước đây có nhiều lính bộ đội Việt Nam đào ngũ từ chiến trường Cambodia chạy sang trại Thailand tỵ nạn, bị Cao Ủy từ chối không cho đi định cư vì nghi ngờ lý lịch “bộ đội”, các người lính này đã thất vọng, thắt cổ tự tử, hoặc những trường hợp đau bệnh chết oan uổng. Người ta rỉ tai nhau, vào lúc đêm khuya, nhất là những đêm mưa gió bão bùng, vẫn có những bóng ma lởn vởn, thực hư ra sao tôi không biết, chỉ biết giờ đây chúng tôi nhìn nhau run như cầy sấy. Vừa lúc ấy, một đứa khác xuất hiện ngay cửa:

-     Hổng có ma cô ơi, hổng có ma, mà là... người ta.

-     Là sao?

-      Dạ, là một chú mặc áo mưa, cầm cây dù, đứng ngay bên hông nhà, chú đưa con bịch trái cây, biểu đem vô đây.

-       Chú đó là ai, tên gì, có nói bịch trái cây này cho ai không?

Thằng nhỏ gãi đầu:

-      Dạ, con... quên hỏi!

Chúng tôi liền chạy ra cửa, chỉ kịp thấy một dáng người, che cây dù đen, rảo bước trong làn mưa nơi cuối con đường, dưới ánh đèn hắt hiu y như trong bài hát nào đó “người đi ngoài sương gió, đêm mưa ngoại ô buồn”, thương ghê nơi!

Còn lại bốn đứa chúng tôi, cùng tự hỏi và tự trả lời, chắc là chàng nào đó muốn đến thăm nàng nào đó, nhưng vì mưa quá lớn và vì có lũ trẻ trong nhà, nên ngại vào chăng? Mà chàng đó là ai? Trong bốn đứa, nàng Quyên đã có người yêu là anh Trinh, hồi nãy anh ấy cũng có mặt ăn tiệc Trung Thu và cũng mới ra về trước đó không lâu, vậy thì là ai, và muốn thăm nàng nào?

Là một đồng nghiệp post office của tôi ư? Không phải, vì mấy anh ấy nghịch như “quỷ sứ”, đã đến đây thì ngại gì mà không bước vào? Cũng có thể là một chàng nào đó thường lên bưu điện lãnh thư rồi làm... cây si của tôi? Ủa, biết đâu đó lại là chàng trong ca đoàn nhà thờ tương tư nàng ca đoàn, và còn mấy thầy giáo trường Việt Ngữ nữa chi, nàng cô giáo nhóm tôi  xinh xắn lắm đấy. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn không thể đoán ra là ai, để còn cám ơn hoặc muốn trả lại cho đúng người.

Nàng Quyên bỗng la lên:

-      Hay người ấy là... ma?

Cùng lúc ánh chớp lập lòe ngoài cửa, chúng tôi rú lên, nhưng kịp lấy lại bình tĩnh, bật cười với câu đùa “vô duyên” của nàng Quyên, rồi mở bịch trái cây ra xem, là những chùm nho căng mọng cùng mấy trái táo đỏ thơm ngát, ngọt ngào.

Ôi, bất kể người ấy là ai, chúng tôi sẽ phải... ăn hết mớ trái cây này, chớ biết làm sao.

Và đêm Trung Thu năm ấy, nơi trại tỵ nạn, có ba cô nàng đi vào giấc ngủ trong tiếng mưa đêm êm ái và cõi lòng xao xuyến bâng khuâng.

Edmonton, Trung Thu 2023

KIM LOAN