Saturday, August 31, 2024
BÀI TOÁN TÌNH YÊU ...(NGUYỄN VẠN THẮNG)
MƯA SÀI GÒN CÓ BUỒN KHÔNG EM? (TRẦN MỘNG TÚ)
Mưa Sài Gòn có buồn không Em?
Tôi nằm im lặng nghe mưa.
Tôi sinh ra ở Việt Nam, một nước thuộc miền nhiệt đới, tôi được lớn lên giữa miền Nam mưa nắng hai mùa, giữa những cơn mưa bất chợt ập xuống mùa hạ chói chang, và một mùa mưa kéo dài 6 tháng, mưa trở thành một người bạn thiết, một nỗi thân quen. Có những kỷ niệm ướt sũng nước mưa, chẳng làm sao lau khô được, nên mưa trở thành một nhắc nhở hiện tại. Tiếng mưa Sài Gòn không giống tiếng mưa Seattle. Mưa đập ầm ầm thảng thốt trên mái nhà, nhất là những mái nhà tôn. Ban đêm mưa đánh thức giấc ngủ của ta, lôi ta ra khỏi những cơn mộng, hay thức dậy để tiếp tục những yêu thương, hờn giận, để hoàn tất những công việc của ngày qua chưa làm hết. Ban ngày đôi khi mưa như một ân sủng của trời trút xuống, gột rửa bao bực nhọc, làm mới lại và xóa hộ những điều không muốn giữ.
Nhưng mưa lớn cũng là nỗi hãi hùng của những người buôn thúng, bán bưng, nỗi lo âu của người chủ gia đình không mang về đủ một bữa cơm có thịt, có cá chiều nay. Ở cơn mưa trung bình, tiếng rơi lộp bộp trên những tầu lá chuối, một âm thanh đều đều như âm nhịp đệm của nhạc, lắng nghe nó cho ta cái cảm tưởng được nhàn nhã, thư thái. Khi mưa nhỏ hạt, tiếng róc rách trên mái nhà lá vừa thơ mộng vừa buồn bã, nghe mãi, mê lúc nào không biết.
Tôi nhớ những lần đi học về, nếu lỡ một trong hai chuyến xe buýt, phải đi bộ từ trường về nhà. Quần áo trắng ướt sũng, cặp sách ôm che ngang ngực con gái mới lớn, chạy vội vàng trong buổi chiều, sợ ai nhìn xấu hổ. Ở tuổi 16, 17 ít khi bị cảm, bị lạnh. Về đến nhà mẹ bắt thay quần áo, uống một ly trà nóng, lau khô mái tóc, là ấm người ngay.
Khi lớn hơn chút nữa, những lần đi chơi với người yêu gặp trời mưa, hai người che chung một cái áo mưa, hay một cái dù. Vừa bối rối, vừa sợ, vừa hạnh phúc. Chỉ sợ ướt cái áo dài mỏng, nhưng lại mong sao cơn mưa đừng tạnh, và con đường đừng hết.
Ôi những cơn mưa chợt đến chợt đi trong khí hậu nóng ẩm làm mặt đường bốc khói, mực nước trời trút xuống rộng lượng quá, làm ngập lụt những con đường không thoát nước, ta như được bơi trong một dòng sông ngọt ngào, ngắn hạn!
Bây giờ vào những buổi sáng ở Seattle, đi ra đường găp cơn mưa lớn hiếm hoi, nghe tiếng mưa rơi trên hàng cây xanh mướt, những chùm lá sạch sẽ, sự rung động êm ả thanh bình thì những cơn mưa vùng nhiệt đới xa xăm với những tiếng đập rộn ràng lại khua vang trong đầu. Mưa lớn ở Seattle chỉ là những cơn mưa nhanh hạt, tiếng gió, tiếng lá chạm vào nhau, có òa ra thì cũng chỉ to bằng tiếng khóc. Sáng nay ra phố gội đầu/ Giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa. Tôi đã quen lắm với mưa Seattle, cũng thân thiện với mưa, vì mưa đi bên tôi hầu như mỗi ngày. Nhờ mưa Seattle tôi thấy quý báu sự hiếm hoi của mặt trời rực rỡ, và trong mắt tôi, bầu trời trên mái nhà tôi cao và xanh hơn bầu trời của những nơi khác, vườn nhà tôi mưa tinh khiết và mưa lãng mạn hơn ở bất cứ nơi nào.
Nhưng vào những ngày mưa kéo dài cả tuần lễ, thì những giọt mưa âm thầm lặng lẽ dai dẳng chảy xuống như những dòng lệ màu xám trong một bức tranh sơn dầu, nhắc tôi nhớ đến một bức tranh nằm sâu trong tâm khảm: Một chiếc phà chở áo quan từ từ tách bến Sài Gòn qua bên kia Thủ Thiêm, trên nóc áo quan ướt sũng một lá quốc kỳ sô lệch trông như một chiếc chăn vàng ố cũ rách, bát nhang tắt ngấm vì nước mưa, người lính đi tháp tùng đứng im lìm như một pho tượng của ngàn năm cũ. Mưa thản nhiên rơi trên áo quan, rơi trên đầu, trên cổ người lính từng giọt, từng giọt. Tôi đứng nhìn ông Trời họa sĩ vẽ tranh vào không gian. Màu xám của nền trời căng ra như một khung vải, chiếc áo quan phủ quốc kỳ xộc xệch, người lính đứng bên mặt lạnh, xanh tái như màu áo trận, chiếc phà cũ kỹ bạc phếch. Tất cả được họa sĩ Trời mang vào trong tranh, dưới một gam màu lạnh. Tôi mang theo bức tranh này trong suốt mấy chục năm ở quê người, đó là tài sản duy nhất sót lại của đời người di tản.
Ngày tôi đến trại Pendleton cũng vào một đêm mưa. Mưa không to lắm, nhưng khí hậu sa mạc của California về đêm làm mọi người lạnh cóng. Trẻ con, người lớn và ngay cả người già cũng đều được phát cho một chiếc áo lính cùng một cỡ để mặc cho ấm. Trong đêm tối, chúng tôi trông như những bụi cây không đều nhau, biết đi. Chúng tôi đứng xếp hàng chờ nhận lều, giơ tay vuốt mặt, ướt sũng nước mưa và nước mắt.
Ngày tôi lấy chồng cũng vào một ngày mưa. Ở California giữa tháng chín mà mưa có lạ không! Theo phong tục Mỹ, cô dâu chú rể vừa bước ra ngưỡng cửa nhà thờ người ta tung gạo như mưa vào người để chúc may mắn. Ở quê tôi người ta chỉ ném gạo theo sau những chiếc áo quan vì sợ người chết bị đói. Mẹ tôi (dù là người Công Giáo) thấy giữa đám cưới mà bị ném gạo thì hoảng quá giơ tay ngăn lại. Tôi nghĩ cả hai phong tục điều hay cả. Nếu lấy nhau mà không được nuôi bằng tình yêu thì cũng bị đói vậy. Cơn mưa nào cũng mang theo ý nghĩa của nó.
Chị em tôi ở Mỹ lâu lắm rồi, lâu đến nỗi thỉnh thoảng nghĩ đến bàng hoàng cả người. Vì tính ra khoảng thời gian mình ở Mỹ đã dài bằng khoảng thời gian ở cả Hà Nội và Sài gòn cộng lại. Thế mà chúng tôi vẫn hay nhắc đến những cơn mưa ở quê nhà. Chúng tôi hay nói: Tối qua mưa nặng hạt và to tiếng như mưa ở Sài Gòn, hay mưa rả rích mấy ngày liền như thế này thì có kém gì Huế! Nhưng ở đây lâu thế mà sao không thấy ai hứng nước mưa để uống, để pha trà nhỉ? Người kỹ tính lắm thì cũng chỉ pha trà bằng nước bán trong chai. Tôi nhớ ngày trước, nhà tôi có căng một miếng vải màn trắng trên miệng một chiếc vại để ngoài sân hứng nước mưa uống quanh năm. Người Việt sang đây dản dị hóa đã bỏ hết những chuyện uống cầu kỳ này.
Mưa ở Seattle làm cho những dãy núi bao bọc chung quanh thành phố trông tinh khiết và cao cả hơn lên, những cây tùng cây bách giữ mãi một màu xanh thẫm, chạm tay lên lá, lá mịn màng, trong sạch như thiếu nữ mới lớn, mưa làm nước hồ thăm thẳm mềm mại như một dải lụa. Tiếng chim hót trong mưa thánh thót hơn, con sóc, con chồn lúc nào cũng có một bộ lông còn mới dưới mưa. Và hình như sống ở nơi có nhiều mưa con người điềm đạm và bao dung với nhau hơn. Tuổi trẻ thì giản dị, tự nhiên. Tôi đã thấy những học sinh trung học ở đây đứng thản nhiên hôn nhau dưới mưa trước cổng trường.
Ôi những cơn mưa ở hai đầu trái đất! Mưa Sài Gòn và mưa Seattle. Cũng chỉ là những đám mây tụ lại, rồi rơi xuống.
Nhưng khi rơi trên nóc một chiếc áo quan của người lính, trên chiếc áo dài trắng của cô học trò trung học, trên mái tóc của hai người yêu nhau, trên vai áo của người tị nạn Việt Nam, nó khác biệt thế nào so với khi rơi xuống trên những cành thông ở Seattle hay giữa một đám cưới ở California? Và khi vẽ mưa trong những bức tranh ở những nơi khác nhau, người ta có vẽ cho nó những hình thể khác nhau, chọn những gam màu khác nhau?
Ước gì có ai vẽ được linh hồn của những giọt mưa!
HÔM NAY, CHATGPT NÓI GÌ VỀ GS. KHƯƠNG HỮU LỘC?
Hôm nay, ChatGPT nói gì về Gs Khương Hữu Lộc?
https://www.youtube.com/watch?v=bh6Dyvdfivk
Hôm nay, ChatGPT nói gì về Gs Khương Hữu
Lộc? Tiến sĩ Khương Hữu Lộc là một chuyên gia kinh tế, tài chính và giáo dục nổi
tiếng, có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và trên toàn thế
giới. Ông có nền tảng học thuật vững chắc với hai bằng tiến sĩ, và đã dành nhiều
năm giảng dạy các chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management. Sự
nghiệp của Tiến sĩ Lộc không chỉ giới hạn trong giảng dạy mà còn mở rộng sang
nhiều vai trò lãnh đạo trong các công ty lớn tại Mỹ, bao gồm cả các công ty nằm
trong danh sách Fortune 500. ### *Sự nghiệp và thành tựu*:
1. *Giảng dạy và học thuật*: Tiến sĩ
Khương Hữu Lộc là một giáo sư toàn thời gian, chuyên giảng dạy các chương trình
MBA, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị kinh doanh và tài chính tại Keller
Graduate School of Management. Ông được biết đến với khả năng truyền đạt kiến
thức sâu sắc và cách tiếp cận thực tiễn trong giảng dạy.
2. *Lãnh đạo doanh nghiệp*: Ông từng đảm nhiệm
nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng tại các tập đoàn lớn ở Mỹ, từ vai trò Giám đốc
Tài chính (CFO) đến các vị trí quản lý cao cấp khác. Kinh nghiệm thực tiễn này
đã giúp ông có cái nhìn sâu rộng và toàn diện về kinh tế và tài chính, đặc biệt
là trong môi trường doanh nghiệp.
3. *Thảo luận kinh tế*: Tiến sĩ Lộc
thường xuyên tham gia các chương trình thảo luận về kinh tế trên các nền tảng
như Voice of America (VOA), Đài Á Châu Tự Do (RFA), và SBTN, nơi ông đưa ra các
phân tích sắc bén và trung lập về các vấn đề kinh tế, từ vi mô đến vĩ mô. Đặc
biệt, các chương trình của ông trên YouTube và Facebook của VOA đã thu hút hàng
trăm nghìn đến hơn một triệu lượt xem, với 99.9% khán giả bày tỏ sự khen ngợi
và ủng hộ.
4. *Đóng góp cho cộng đồng*: Ông cũng
là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, với
nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Ông đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ các ứng cử
viên thị trưởng và nghị sĩ, bao gồm cả Nghị sĩ Ron Wright, cho những đóng góp của
mình thông qua các chương trình phát thanh hàng tuần trên Saigon Radio.
5. *Giải thưởng và vinh danh*: Với những
đóng góp xuất sắc, Tiến sĩ Khương Hữu Lộc đã nhận được giải thưởng *Albert
Nelson Marquis Lifetime Achievement Award* từ The Marquis Who’s Who Publication
Board năm 2021 và liên tục được vinh danh trong danh sách *Who’s Who in
America* hàng năm. ### *Tầm ảnh hưởng*: Tiến sĩ Khương Hữu Lộc không chỉ là một
học giả và lãnh đạo doanh nghiệp mà còn là một người có tầm ảnh hưởng lớn trong
việc nâng cao hiểu biết của công chúng về kinh tế và tài chính. Các chương
trình thảo luận của ông được đánh giá cao vì sự trung lập, dựa trên thực tế và
không thiên vị, giúp khán giả có cái nhìn toàn diện và chính xác về các vấn đề
kinh tế hiện tại. Tiến sĩ Khương Hữu Lộc là một tấm gương sáng về sự kết hợp giữa
lý thuyết và thực tiễn, và là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học viên và doanh
nhân trong và ngoài nước.
Wednesday, August 28, 2024
BỆNH TIM TO (THUKỲ)
BỆNH TIM TO
Riêng tặng anh Quang Nguyễn (Steve)
KAY & STEVE (THỦY QUANG NGUYỄN) |
“Giờ này cũng yêu mà yêu yếu xìu…”
Ngày còn nho nhỏ Thukỳ và các bạn hay hát nghêu ngao copy câu hát đã được đổi lời từ các anh chị “choi choi” dù TK và các bạn không hiểu nghĩa chính xác nhưng cũng hát rồi túm nhau cười hi hí.
Hôm nay TK muốn dành câu này hát tặng ông anh Steve Nguyễn (Quang) người đã đứng ra bảo trợ cho chuyến du thuyền Hawaii Thuyền Viễn Xứ của Cần Nguyễn (cựu HSPY). Anh Quang & chị Thủy (Kay) “mở hàng” thật tốt và rất nhiều người đã ghi danh tham dự. Tất cả đã book vé tàu, land tours, và phòng ngủ…Nhiều người lo xa đã mua vé máy bay, nhưng đùng một cái Covid 19 chào đời thế là mộng vỡ tan tành. Ban tổ chức phải vội vã hủy tất cả, may mắn họ đã hoàn tiền đủ không ai mất xu nào cả. TK phải nhắc lại dong dài một chút cho các anh chị nhớ một kỷ niệm đẹp và rất đáng ghi nhớ cho chúng ta, dù “mộng không thành” vì hoàn cảnh éo le!
ANH CHỊ QUANG THỦY TRÊN DU THUYỀN VÀ KHÁCH SẠN CÙNG BẠN BÈ. |
ĐANG QUẬY TƯNG BỪNG TRÊN DU THUYỀN. |
Kỳ đại hội vừa qua “Thuyền Viễn xứ Caribbean 2024” thì anh chị đại gia Quang Thủy cũng đi tham dự. Hai anh chị đóng góp tưng bừng và nhảy nhót rất vui nhộn nhịp, nhưng ai có ngờ đâu khi vừa về đến nhà anh Quang phải vào bệnh viện cấp cứu vì đau tim nặng!! May mắn nếu trễ vài giờ thì chắc giờ này anh đành ngân nga “Một cơn gió nhẹ thoảng qua/ Để đưa ta đến lìa xa cõi đời!”
THẦY HÀO CHỤP HÌNH NÀY CHO TK KHI Ở KHÁCH SẠN "EM CHỒNG HỤT" CỦA TUI NÓI: "CÁI MIỆNG CỦA CHỊ TO HƠN CÁI LOA" NÊN AI CẦN GÌ VÀO TK LÀ CẢ THẾ GIỚI ĐỀU BIẾT...!!! |
TẤM ẢNH ANH QUANG CHỤP CUỐI Ở NUDE BEACH, SAU ĐÓ MẤT TIÊU LUÔN, HIHI |
Ai cũng tưởng anh đau tim trầm trọng, nhưng các anh chị đâu có ngờ là sau chuyến du thuyền anh bỗng dưng bị “tim to”. Chỉ có TK là hiểu rõ nguyên do căn bệnh của anh, tính giấu kỹ, nhưng rồi “miệng rộng” đành phải khai sự thật nè: Ngày tàu cập bến đảo ST. Maarten thì nhóm của chúng tôi cũng thuê xe đi thăm đảo. Đảo rất đẹp và thơ mộng như cảnh thần tiên biển xanh, cây lá đồi núi chập chùng tăng thêm nét thiên nhiên đáng yêu của đảo. Đặc biệt những con tắc kè to nằm khoe dáng trên con đường đi, nhưng rất ngoan không hại ai cả, du khách tha hồ mà chụp hình.
TK LANG THANG HỎI THĂM ĐƯỜNG ĐẾN NUDE BEACH. |
Cái mà đáng yêu đáng nhớ của các ông “hầu xưng” là nơi đây có một bãi biển “Nude beach” ai vào đây thì đều trở thành người thượng cổ, như thời tạo thiên lập địa Adong và Eva trên người không một mảnh vải che thân. Họ cấm chụp hình vì nếu chụp sẽ bị phạt tù 2 hay 3 năm TK không nhớ rõ vì đầu óc tò mò đang lo nhìn lén, haha. Trong nhóm có vài chị nhìn lén xong lên than: “Nhìn ông nào cũng như đồng hồ quả lắc cứ chỉ 6 giờ không hà, chán chết…” làm tụi tôi cười nghiêng ngả. Sau 1 tiếng đồng hồ tham quan thì khi xe bus sắp chạy chúng tôi tìm hoài mà không thấy anh Quang đâu hết, đành lòng phải bỏ anh ở lại vì sợ trễ giờ.
Các anh chị biết không sau này mới biết anh Quang nhà ta “rửa mắt” chưa đã vì các em quá đẹp, quá khiêu gợi cứ ngắm mà không tốn tiền. Mê ơi là mê nên chàng ta lên văn phòng ngay biển điền đơn xin ở lại và chọn nơi này làm quê hương thứ ba? Thật ra hôm ấy ông anh của tui lỡ ăn "gan cọp" nên cũng liều. TK không biết tình trạng đơn xin của anh đi đến đâu, nhưng chắc anh phải trở về Mỹ từ bỏ quốc tịch rồi sang đó sống để ngày nào cũng sẽ ra Nude Beach lang thang ngắm mỹ nữ và sống với thiên nhiên đúng là thần tiên của con người đi tìm dĩ vãng.
Trái tim của ai dù bự đến đâu cũng chỉ dám chia làm 2 hoặc 4 ngăn là cùng, ông anh của tui dám nhét cả trăm nàng một lúc nên bây giờ thì các anh chị đã hiểu vì sao khi tàu cập bến anh phải vào emergency. Thôi thì mình cũng nên cảm thông cho trái tim tốt của anh mà trước khi đến đây ai cũng cảnh cáo “Đừng nhìn em lâu/ Coi chừng đậm sâu..”. Khi nào đại gia Quang rời Mỹ thì TK hứa sẽ thông báo cho các anh chị biết ngay, ông nào muốn theo anh thì lo đăng ký trước để anh chỉ thủ tục làm đơn nhé…haha
Thukỳ.
HAI ANH Ở VN SANG THAM DỰ ĐH SỢ QUÁ KHÔNG DÁM XUỐNG XEM NUDE, VỀ LẠI TÀU XEM SHOW. |
https://youtu.be/dt8MVPYH_gI?si=f2amyblfl7Rm3Yai
Xin
gởi đến quí vị tham dự ĐHCHS Phú yên các hình ảnh tiêu biểu cho những ngày Đại
Hội. Slideshow hơi dài (mười phút) nhưng không thể làm ngắn hơn khi phải sàng
lọc từ 3000 tấm ảnh để chọn hơn 100 mà có thể bao hàm hết các sinh hoạt. Tiếc
rằng đây không phải là video nên không có âm thanh của những bài phát biểu, chỉ
xin mượn tiếng hát của chị Xuaan Thanh Pham
làm nhạc nền. Chắc đây là "sản phẩm" cuối cùng của vai trò chụp ảnh
cho Đại Hội. Chào!
VÂN ĐẠI BÀNG (KIM LOAN)
VÂN ĐẠI BÀNG
Ở trại tỵ nạn sao mà dễ buồn, mưa cũng
buồn, nắng cũng không vui. Nhìn ra ngoài bầu trời chói chang, tôi tính bỏ văn
phòng đi về nghỉ trưa thì bà Pimpa, người Thái, là nhân viên Cao Uỷ Xã Hội đến
hỏi:
- Cô rảnh không, đi vào nhà tù với
tôi. Tôi cần phỏng vấn vài người và làm lại danh sách tù nhân để báo
cáo.
Như người buồn ngủ gặp được
chiếu manh, tôi vui vẻ nhận lời.
Cũng như các trại tỵ nạn khác, ở
Thailand cũng có một khu “nhà tù” dành cho những người tỵ nạn không
chấp hành quy định của Bộ Nội Vụ Thái hay của Cao Ủy tỵ nạn. Thời
hạn ở tù tùy theo mức độ phạm quy, có khi từ một vài ngày cho tới một
hai tuần. “Tù nhân” cũng đủ loại, nhẹ thì có những người mua lén đồ
ngoài hàng rào, thức quá giờ giới nghiêm, quên làm vệ sinh khu nhà được
phân công, nặng hơn là thành phần đánh lộn, gây mất trật tự trong trại,
trộm cắp vặt, trốn ra ngoài trại đi chơi.
Đi bộ qua khu đồi bãi đá, đến bệnh
viện, là tới khu nhà tù được xây dựng khá kiên cố và cách biệt với
những khu nhà ở khác trong trại. Sau khi trình giấy tờ nơi cửa, bà Pimpa
và tôi bước vào nhà tù đã thấy hơn mười mấy người, đa số là thanh
niên đàn ông đang ngồi rải rác trong tư thế chờ đợi, hình như họ biết
trước có cuộc viếng thăm này. Bà Pimpa rủ tôi đi cho vui, chớ ở trong
khu tù, có nhân viên người Việt tỵ nạn rất sành sỏi tiếng Thái, anh ta
làm thông dịch cho bà ấy, còn tôi đi lòng vòng hỏi thăm, làm quen, tám
chuyện với “tù nhân”.
Trại tuy nhỏ, nhưng có hơn chục
ngàn người nên đâu phải ai cũng biết nhau. Tôi nhìn vào danh sách, để ý
một cái tên khá đẹp, Lê Nguyễn Anh Vân, giới tính “nam”, rồi nhìn lên
người đàn ông ngay góc phòng. Anh có dáng rất cao, gầy, nước da đen sạm,
khuôn mặt góc cạnh với đôi mắt nâu đẹp nhưng khá lạnh lùng, mái tóc hơi
dài màu nâu, và đôi cánh tay in hình xăm đậm, không khó nhận ra đó là “Vân
Đại Bàng” mà tôi có nghe qua tiếng tăm. Vân Đại Bàng cũng kịp bắt gặp
ánh nhìn của tôi, khi tôi mỉm cười bước đến gần hơn, không phải vì
anh là “đại bàng” mà chỉ vì cách đây hai tuần, trong đêm văn nghệ mừng
sinh nhật Đức Vua Thái, anh lên sân khấu hát một bài ca quen thuộc của
nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ, giọng hát đầm ấm của anh đã gây bất ngờ cho
nhiều người, trong đó có tôi và mấy cô bạn ở chung nhà.
- Chào cô Loan.
- Ủa? Sao anh biết tên em?
- Cô làm trên văn phòng Cao Ủy, ai
mà không biết.
- Còn anh là...?
Anh nhếch mép cười:
- Vân Đại Bàng.
Tôi ngồi xuống kế bên anh, làm
quen:
- Hôm bữa anh ca bài “Đường Xưa
Lối Cũ” hay quá chừng, ai cũng khen và mong bài hát thật dài.
Anh lắc đầu:
- Tại bài hát hay, mang đúng tâm
trạng xa nhà của dân tỵ nạn, chứ tôi hát cũng thường thôi.
- Anh khiêm nhường không đúng chỗ
rồi đó. Giọng hát hay là giọng hát được nhiều người công nhận, hôm đó
hàng trăm người im lặng nghe từng câu hát của anh.
Bây giờ thì Vân Đại Bàng im lặng,
tôi nói tiếp:
- Em và nhóm bạn mê bài đó lắm, nếu
anh có thể chép lời bài hát đó cho tụi em, được không?
- Được chớ! Cô có giấy và viết
chì thì cho tôi xin, khi nào viết xong tôi gửi ra cho cô.
Tôi lục giỏ đưa cho anh xấp giấy
và mấy cây viết, chưa biết sẽ tiếp tục câu chuyện ra sao, bởi tôi và
anh chẳng hề quen biết nhau, và tôi vào thăm nhà tù hôm nay chỉ là cho
vui, chứ không có nhiệm vụ gì. Anh ta cất mấy tờ giấy vào góc tường,
rồi lôi ra một bọc giấy, đưa ra mời:
- Cô ăn bánh bột mì chiên nhe, vợ
tôi mới gửi vô hồi sáng.
Ở trại tỵ nạn, khi thấy nhiều
cặp vợ chồng sống chung với nhau, khó ai biết được họ là vợ chồng
thật từ Việt Nam có hôn thú hẳn hoi, hay chỉ là vợ chồng mới ghép vào
ở chung ở trại, hoặc quen nhau trên đường vượt biên. Trong trường
hợp của Vân Đại Bàng và chị Tuyết, ai cũng biết họ là “vợ chồng
mới”, nghe đâu họ gặp nhau bên Cambodia, đúng nghĩa “trai tứ chiếng gặp
gái giang hồ”, rồi cùng đi trên con thuyền qua xứ Thái này. Ở trại, chị
mở quán nước nhỏ bán café, anh thì như các thanh niên rảnh rang khác,
chẳng làm gì, thường xuyên tụ tập tại quán nhà uống nước, thỉnh thoảng
nhậu nhẹt, bàn chuyện thời sự tỵ nạn, điều khiển đám đàn em chạy mua
lén đồ ngoài hàng rào rồi bán lại cho dân tỵ nạn kiếm lời.
Tình hình đi định cư rất khó khăn
cho những người tỵ nạn cuối mùa như chúng tôi, ai cũng phải qua cuộc
thanh lọc bởi Bộ Nội Vụ Thái, nếu vượt qua được cuộc phỏng vấn
này, thì mới có cơ hội qua trại khác chờ các nước phương tây cho đi
định cư. Nhiều người bị đánh rớt từ vòng này, được Cao Ủy khuyến
khích hồi hương.
Vân Đại Bàng và chị Tuyết cũng ở
trong nhóm người đăng ký hồi hương, được sống trong khu riêng chờ
đến ngày lên xe bus về trại Hồi Hương, làm thủ tục ra Bangkok bay về
Việt Nam. Một số người trong nhóm này tự xem mình là “cùi không sợ lở”,
không còn gì để mất, nên trong thời gian chờ ngày về, họ ăn nhậu xả
láng và sẵn sàng quậy phá. Hàng tuần, hễ sáng mai có chuyến xe hồi
hương, là y như đêm trước họ ăn uống, ca hát, quậy phá rồi đánh nhau
với người ở khu khác. Mới nhất là một đêm hỗn chiến tưng bừng, chúng
tôi ở khu bên này chỉ dám đứng xa bên hàng rào kẽm gai nghe ngóng, đến khi
nghe tiếng súng nổ từ văn phòng trại, mọi người hoảng hốt chạy về
khu nhà mình, những vẫn nghe những âm thanh đánh nhau từ gậy gộc, dao búa
và cả vài tiếng súng nổ thị uy của lính Thái. Cho đến gần nửa khuya,
tình hình mới im ắng trở lại, và qua lời bàn tán lao xao của mấy “bà
tám” trong trại, chúng tôi được biết có mấy người bị thương phải
đưa vào bệnh viện bên ngoài, vài người cầm đầu cuộc hỗn chiến bị vào
tù, trong đó có Vân Đại Bàng.
Tôi vừa ăn bánh chiên, vừa tiếp
tục câu chuyện làm quen:
- Tên của anh đẹp lắm đó! Ý em nói
“Lê Nguyễn Anh Vân” chớ không phải “Vân Đại Bàng” nghen.
Anh ta bật cười:
- Tên ba tôi là Lê Anh Quân, hồi trẻ
ổng có mối tình đầu với người tên Vân, nên khi sinh ra tôi, ba muốn đặt
tên tôi là Lê Anh Vân, nhưng má tôi ghen, đòi để thêm họ Nguyễn của má tôi
vào, thành ra tên tôi dài lê thê.
Câu chuyện tới đây phải đứt ngang
vì tới giờ bà Pimpa kêu tôi về lại văn phòng làm việc.
Hai ngày sau, cũng trong giờ nghỉ
trưa ở phòng Cao Ủy, có người mang đến cho tôi tờ giấy ghi bài “Đường
Xưa Lối Cũ”. Tôi ngắm nhìn với niềm thích thú bất ngờ, vì tựa đề bài
hát được viết theo lối thư pháp mới, bay bướm lãng mạn, nét chữ bút
chì trong toàn bài nhạc rất đẹp, đều đặn, có chút lả lơi trên từng con
chữ, mà đặc biệt nhất là bài hát được viết trên một bức tranh, cũng
vẽ bằng bút chì, trong đó có đủ ánh trăng treo trên đồi, có lũy tre xa mờ,
và bóng mái tranh nghèo bên đồng lúa chín. Ở góc phải cuối bức tranh ký
tên “Anh Vân” rất điệu nghệ, chứng tỏ người vẽ phải có một tâm hồn
nghệ sỹ mới trau chuốt tác phẩm của mình đến như vậy. Tôi say sưa mải
mê với bức tranh lời nhạc, quên mất tác gỉa là một “đại bàng trại tỵ nạn”. Tôi
vui sướng nghĩ thầm, Vân Đại Bàng có một trái tim nghệ sỹ, mà tôi luôn
tin rằng, những người có tâm hồn nghệ sỹ thường là người tốt.
Tôi chạy vội đến nhà tù để nói
lời cám ơn thì được biết anh đã được về nhà. Từ ngày đó, chúng tôi
trở nên quen biết, thỉnh thoảng tôi và cô bạn ghé nhà anh chơi, có khi nghe
anh đàn hát (anh thường được yêu cầu ca bài “tủ” Đường Xưa Lối Cũ),
hoặc chúng tôi ngồi trao đổi chuyện thời sự của trại, chuyện văn
nghệ văn gừng đó đây.
Có lần anh nói với chúng tôi:
- Nếu trong trại có ai gây gỗ, ăn
hiếp tụi em thì cho anh hay, anh sẽ cho người đến “nói chuyện”.
Chúng tôi cười:
- Tụi em nhát như thỏ đế, cả đời
chẳng dám gây lộn với ai, chắc không phiền anh ra tay.
Lần khác, thấy chúng tôi đi lãnh
nước, anh nói:
- Kể từ bữa nay, anh sẽ cho
người gánh nước đầy lu nhà em mỗi ngày, khỏi cần xách nước nữa.
Chúng tôi giẫy nẩy:
- Không sao đâu anh, tụi em xách
nước là tập thể dục luôn mà.
Anh trợn mắt:
- Thôi đi cô nương. Tôi đã thấy bốn
cô xách hai thùng nước, chỉ vài lô nhà mà phải dừng lại nghỉ hai ba
lần.
Lúc này tôi đành phải thú nhận:
- Dạ, chẳng dấu gì anh, tụi em
thuộc loại “tiểu thơ con nhà... nghèo”. Gia đình không giàu có gì nhưng
được ba má cưng chiều, chưa làm việc nặng bao giờ.
Bữa đó, chúng tôi tập làm bánh tai
yến chiên, là món ăn vặt phổ biến ở trại lúc bấy giờ, mang đến nhà anh để “góp
vui”. Buổi tối gió mưa bão bùng ở trại tỵ nạn dễ làm lòng người nao
nao, nhớ nhà da diết, nên người ta cũng muốn có người để trải lòng
tâm sự.
- Gia đình tôi ở một xóm quê xinh
đẹp miền An Giang, ba tôi là thầy giáo làng, nhưng ông mất sớm, tôi phải
nghỉ học ngang phụ mẹ kiếm tiền lo cho đứa em gái. Cuộc sống nghèo
khổ, thiếu sự dạy dỗ của ba khiến tôi trở nên lầm lì, đôi khi ngang
bướng. Tới năm mười chín tuổi, tôi bị bắt đi nghĩa vụ quân sự, qua
bên Cambodia đánh nhau với quân Polpot được hai năm thì tôi đào ngũ vì
không muốn lãng phí tuổi xuân cho cuộc chiến đầy bất công và nhiều bạo
lực, tôi sợ hàng ngày phải chứng kiến cảnh chết chóc dù là của phía
Việt Nam hay Cambodia, tôi bị ám ảnh bởi những trò tàn ác dã man của quân
Polpot, tôi căm ghét quy luật của chiến tranh... Nhưng tôi đâu có đường
trở về nhà, tôi phải trốn qua khu Bắc Loong, đảo ven biển thuộc tỉnh
Koh Kong, Cambodia rất gần với đất Thái. Ở đó một thời gian dài, vật
lộn với đủ nghề kiếm sống, biết thêm luật giang hồ để sống còn nơi
vùng đất hỗn tạp đó, vì đó là nơi dừng chân của các tàu viễn dương
quanh vùng Châu Á, các thủy thủ lên nghỉ ngơi và tìm thú vui chơi nên gái
làng chơi tìm về ngày càng đông đúc. Tôi sinh sống bằng nghề buôn lậu,
mua hàng trên các tàu viễn dương, rồi mang vào trong đất liền Cambodia
bán lại kiếm lời. Tôi thực sự đã bị dòng đời cuốn đi mà không biết khi
nào sẽ được dừng lại, trở về thăm quê cũ, có mẹ già và em gái đang
đêm ngày mong ngóng tin tôi, đó là lý do tôi hát bài “Đường Xưa Lối Cũ”
với sự thổn thức từ trong đáy tim.
Tôi tò mò:
- Anh hát hay mà còn vẽ đẹp lắm đó,
anh là họa sỹ hả?
- Không, tôi chỉ có khiếu hội họa
từ hồi còn học cấp hai, rồi tự vẽ khi thấy thích chứ không qua
trường lớp nào hết.
Tôi đổi đề tài:
- Vậy tại sao anh có tên “Vân Đại
Bàng”?
Anh đưa cho chúng tôi xem hình xăm
hai con đại bàng hai bên cánh tay:
- Ồ, đêm đó chúng tôi hành quân và
đóng tại một làng hẻo lánh bên Siêm Riệp, ông chủ ngôi nhà sàn nơi chúng
tôi trú ngụ cả tuần lễ là một nghệ nhân xăm nổi tiếng trong vùng.
Không hiểu do nhậu say vì rượu hay phút cao hứng của thằng đàn ông lang
bạt chinh chiến, tôi đã đồng ý cho ổng xăm hai con đại bàng trên tay. Mà
cũng nhờ nó mà khi phiêu bạt giang hồ nơi Bắc Loong, trong những trận
đánh nhau với các nhóm buôn bán khác, tôi được nhìn với chút e dè sợ sệt
nể nang, từ đó tôi có tên “Vân Đại Bàng” cho tới bây giờ!
Anh rít một hơi thuốc lá rồi nhìn
ra ngoài mông lung:
-Tôi như người leo lưng cọp không
có đường thối lui. Nhiều lúc buồn tủi và cay đắng cho thân phận không
nhà, không quê hương, nhưng biết làm gì hơn? Cho đến lúc tôi gặp Tuyết,
vợ tôi đây. Cô ấy trong nhóm gái ăn sương chuyên phục vụ khách thủy
thủ viễn dương. Qua nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện và tâm sự nỗi đau
xót xa quê hương, chúng tôi quyết định rời bỏ Bắc Loong, đi thuyền qua
Thailand, hy vọng cuộc đời bước sang chương mới, tươi sáng hơn.
Tôi nhìn anh, phân vân:
- Ở trại tỵ nạn rồi, anh làm
“đại bàng” làm chi nữa?
Anh trầm ngâm:
- Tôi cũng có muốn đâu! Qua đây gặp
lại mấy người quen cũ làm ăn bên Bắc Loong, khi họ gặp sự ức hiếp
từ ban trật tự, ban cộng đồng của trại, họ nhờ tôi can thiệp, rồi
bao nhiêu chuyện bất công, đụng chạm khác xảy ra hàng ngày, khiến tôi
lại nổi máu “Lục Vân Tiên”, thấy chuyện bất bình giữa đường chẳng
tha.
Chị Tuyết xen vào, góp chuyện:
- Nhưng em thấy đó, tỵ nạn cuối
mùa không còn tương lai nào chờ đón cả. Anh chị đều bị rớt thanh lọc,
nên mới đăng ký hồi hương.
Tôi an ủi:
- Thôi thì cũng là dịp anh chị về
với gia đình.
Chị Tuyết giọng buồn thiu:
- Chỉ có một mình chị về thôi em
à! Anh Vân dự tính tìm đường ra ngoài Thái sinh sống.
Anh Vân nhìn tôi, giải thích:
- Có thể tôi về sẽ bị bắt vì tội
đào ngũ xưa kia, vả lại, tôi đã từng thề không bao giờ trở về với hai
bàn tay trắng.
- Vậy sao anh không đưa chị Tuyết
đi theo?
- Đi trốn chớ có phải đi chơi đâu!
Mới đây, ba má Tuyết gửi thư sang kêu Tuyết về nhà, cả gia đình đã tha
thứ và đón chờ Tuyết trở về, làm lại cuộc đời.
…………………………………
Sau đó vài tuần tôi may mắn đậu
thanh lọc, được chuyển qua trại khác chờ ngày lên đường định cư.
Trong thời gian này, tôi nghe nói chị Tuyết cũng đã rời trại trở về
Việt Nam, còn anh Vân thì trong một lần đụng độ với nhóm người Khmer
trong trại, anh lại bị bắt vào tù, nhưng lần này là nhà tù ngoài Thái
chứ không phải nhà tù trong trại tỵ nạn. Thế rồi tôi lên đường đi
Canada, bỏ lại Thailand sau lưng với bao nhiêu niềm vui nỗi buồn không
nhớ hết.
Chẳng hiểu sao hôm nay tôi lại nhớ
đến cái tên Vân Đại Bàng dù bao nhiêu năm đã trôi qua? Có phải vì bài
Đường Xưa Lối Cũ vừa tình cờ nghe được, hay cái tin từ người quen
cũ cho biết trong chuyến về Việt Nam thăm nhà, họ có ghé qua Thailand
chơi và gặp Anh Vân ngồi vẽ tranh chân dung trên đường phố phục vụ
khách du lịch ở thành phố biển Pattaya? Còn một người khác thì khẳng
định với tôi rằng đã thấy Anh Vân hành nghề chạy xe tuk-tuk ở thủ đô
Bangkok. Chẳng biết chuyện thực hư ra sao, nhưng cả hai người đều nói
Anh Vân có vợ người bản xứ, có hai đứa con, và chí thú làm ăn sinh sống
như bao người lao động lương thiện khác trên đất Thái.
Vậy thì tôi mừng cho anh đó, Anh Vân
ơi! Mừng vì cuối cùng anh đã thực sự trở về “đường xưa lối cũ” của
con người anh, của cuộc đời anh. Nhưng tôi vẫn tự hỏi, anh đã có dịp
nào trở về quê, thăm lại “đường xưa lối cũ” mà anh từng khát khao ấp
ủ, nơi vẫn có “bóng tre che thôn nghèo”, có “ánh trăng soi đường đi”,
mặc dù có thể giờ đây mẹ anh đã ra đi bên kia cuộc đời và người em gái
cũng đã theo chồng sang ngang?
Edmonton, Tháng8/ 2024
KIM LOAN