Monday, October 31, 2016

ĐÊM SÂU (Đặng Kim Côn)




Đêm Sâu
                           
 
Người đàn ông quay lưng lại nhìn theo tay một nhân viên soát vé ở cổng vào võ đài, cách đó chừng năm, bảy mét, giữa đám khán giả chờ vào cổng, hoặc đang mua vé, hoặc đang đứng tốp năm tốp ba nói chuyện. Một thiếu nữ đứng khoanh tay dán mắt vào người giữ cổng và ông.
Người đàn ông trên dưới bốn mươi, mặc bộ Âu phục màu trắng - sắc phục trọng tài trên võ đài - tiến về phía cô gái:
-Xin lỗi, có phải tôi là người cô định tìm không?
Cô gái chừng hai ba, hai bốn tuổi, mở to đôi mắt nhìn người đàn ông, chừng như để xác định là đúng người nàng muốn tìm, rồi dè dặt lên tiếng:
-Chú không nhận ra cháu?
Người đàn ông khựng lại mấy giây, khuôn mặt khả ái ấy, nụ cười xa xôi ấy, và nhất là đôi mắt biết nói, mà ai gặp qua một lần thì thật khó mà không nằm mộng:
-Ồ, mấy tháng trước trên xe đò? Cô ở đây?
-Chú đâu cần vào sớm làm gì phải không? Ði uống nước với cháu nhé. Không phải là mấy tháng trước mà là hơn 3 tháng rồi, cháu cứ nghĩ không gặp chú nữa. Cô quay lưng, ông bước theo. Cô nói tiếp:
-Tình cờ đọc tên chú trên mấy tấm bích chương quảng cáo võ đài, cháu chợt hiểu ra tại sao hôm nọ chú khéo léo thế.
Một chút tự hào, nhưng cũng không khỏi lúng túng, người đàn ông ra vẻ khiêm tốn:
-Khéo gì đâu - may mắn thôi đó mà. Không ấy mình có thể đứng chơi ở đây nói chuyện, khỏi vào quán nước đi, nhạc nhiếc ồn ào lắm.
Cô gái có vẻ như bước nhanh hơn:
-Ở đây người ta cũng đông đảo vậy, hay là mình dạo một lát đi, còn sớm mà phải không chú?
Người đàn ông không trả lời câu hỏi, đôi chân cũng nhanh theo cô gái:
-Cô cũng sẽ vào xem đấu chứ?
-Cháu có định vào tìm chú nếu không gặp ở đây, bây giờ thì không biết. Ðánh lộn ghê quá.
-Chú muốn cô xem, lâu lâu đánh lộn có công an canh gác bảo vệ, bỏ qua cũng uổng.
Dường như cô gái thấy không có nhiều thời gian, nên không muốn bỏ trống một giây phút yên lặng nào:
-Dạ, tính sau, nhưng mà, chút xíu nữa quên, chú bảo hôm nọ may mắn, cháu không nghĩ vậy đâu, cái gì cũng nhịp nhàng hết, chú đỡ cho cháu mấy cú đấm, lách qua lách lại có chút xíu mà thằng ăn cắp ngã xuống sàn xe, đồng bọn của nó cũng bị hành khách tóm giao công an, bây giờ cháu mới hiểu mấy hành khách đó là đệ tử của chú.
Cái không khí nhộn nhịp ồn ào của trước cổng võ đài đã ở khá xa sau lưng họ. Con đường xâm xẫm tối, yên ả như hai chiếc bóng quấn quít dưới chân, trăng rất sáng trên đầu mấy ngọn tre xa xa như cố dẫn hai chiếc bóng đi xa hơn vào bóng đêm yên ả.
Ông giải thích:
-Cái may mắn thứ nhất là thói quen cảnh giác trong quân đội của chú ngày trước, ngay khi bọn chúng bước lên xe với những lời lẽ giang hồ chú đã cảm thấy bất ổn. Khi chúng xưng là bộ đội từng vào sinh ra tử hết chiến trường B đến chiến trường K chú đã xác quyết thêm một phần. Cái may mắn thứ hai là thời học sinh chú đã từng lăn lóc với mấy đám bụi đời, chú khá rành mấy môn chơi của họ, trong đó có môn bài ba lá mà cô đã thấy, chúng dùng để dụ những hành khách tham lam nhẹ dạ trên xe, mà cũng lại thu hút sự chú ý của những người khác, khiến cho họ chểnh mảng mất cảnh giác cho đồng bọn của chúng ra tay. Chú giả vờ thích thú với mấy con bài, cô thấy là có nhiều người nín thở lo lắng cho chú khi thấy chúng bám lấy chú…
Cô gái ngắt lời :
-Ý chú là dụ cho họ không còn cơ hội lừa gạt người khác?
-Cám ơn đã hiểu đúng.
     Cô gái vẫn thắc mắc:
-Thế thì còn thời gian đâu mà chú thấy kịp cái túi xách của cháu bị chúng lấy cắp?
-Chú đã bảo là cái tên bài ba lá gây sự chú ý cho mọi người, tạo sự mất đề phòng để đồng bọn của chúng dễ thao túng. Nếu cái đôi mắt ngơ ngác ngây thơ của cô trở thành mục tiêu của chúng, thì những cặp mắt láo liên của chúng cũng không thoát ra khỏi sự canh chừng của chú; may nữa là xe chạy nhanh, chúng chưa kịp phóng xuống xe thì chú đã kịp gọi cô.
-Cháu sợ đến muốn ngất xỉu, cháu chẳng biết làm gì khác hơn là nhoài theo chụp áo hắn; may chú không kịp đứng dậy, hắn đục cháu phù mặt. Cho cháu nghe tiếp nghe tiếp, chú!
-Thì chú cũng đang muốn cô tin những may mắn đã xảy ra, như ngay lúc nó đấm cô, thì chú là người thứ ba giống như trọng tài bên ngoài hai võ sĩ, chú chỉ cần xô nhẹ cánh tay nó qua bên kia là cô thoát khỏi quả đấm của nó, và khi nó đang chúi về phía trước, bình thường chỉ cần vấp cái chân của cô nó cũng ngã, đằng này chú đã tạt mạnh vào chân nó ra phía sau thì nó không ngã mới là không bình thường, vả lại chú cũng dựa hơi mấy đứa học trò, vừa thấy chú nhổm dậy, năm đứa nó đã bám cứng cái đám lưu manh ấy rồi.
Cô gái nói nhỏ, cứ như là câu chuyện mới vừa xảy ra:
-Tạ ơn Trời Phật đã cho cháu gặp chú.
Ông đưa tay choàng qua lưng cô, bóp cánh tay nàng nhè nhẹ:
-Ðừng nói quá chú quê.
Một thoáng bối rối, nhưng cô gái kịp trấn tỉnh. Một cảm giác yên bình trong vòng tay che chở của người đàn ông có võ, đứng tuổi,
-Cháu nói thật mà, cháu thường đi chùa, cháu tin là Trời Phật đã giúp cháu.
-Cô được phù hộ những gì rồi?
-Thì không bị mất cái túi tiền là một.
-Có một nghĩa là có hai?
-Dạ, chú đoán thử.
-Không bị thằng ăn cắp đục phù mặt.
Cô ấp úng:
-Ư, ư ...Không phải đâu.
-Chịu.
-Cháu cầu được gặp lại chú.
Vẻ thành thật và hiền lành của cô gái làm ông không lấy làm ngạc nhiên, nhưng vẫn hỏi như một lời trách yêu:
-Làm gì? Quan trọng đến vậy sao?
-Dạ, nói một lời cám ơn.
-Khổ quá, cô làm chú áy náy. À, mà sao cô biết tên chú?
-Thì hôm nọ ở công an lập biên bản ấy, có tên chú là nhân chứng mà. Chú đi rồi thì cháu cũng gặp rắc rối ở công an. Họ khó dễ, tiền đâu lắm thế, cháu nói đi nói lại là tiền thuế của trạm công tác cháu chuyển về phòng, họ cũng không chịu. Mấy tên ăn cắp thì có vẻ “phe ta” với họ lắm. Mình là nạn nhân thì ngược lại họ coi như tội phạm. Giấy tờ chứng từ gì cũng không giá trị đối với họ. Cuối cùng cháu phải nhắn cơ quan ra nhận về.
Ông pha trò, một cách nửa đùa nửa thật:
-Biết đâu thu nhập chính của họ là lương bọn kia trả? May cô là cán bộ thuế, cô có đọc “Tiếng kêu con chim gõ kiến” không? Chính họ viết đấy. Cái cô gái đi buôn bán bị vào công an một đêm... sáng ra chỉ còn là cái xác, bị đổ thừa tự tử...
Ông siết nhẹ vai cô, họ cùng nhau ngồi xuống thành cầu của một con mương nhỏ, nhìn dòng nước lấp lánh dưới vầng trăng.
-Cám ơn Trời Phật. May có chú, chứ không, không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong bóng tối của những phòng giam.
-Ðủ rồi, cô cứ đưa chú lên tận cung trăng.
Hình như con đường từ cổng võ đài đến con mương này là đủ kết thúc một đoạn đường ngập ngừng xa lạ, cái mong mỏi nhiệt thành từ người này đã thấm đẫm qua người kia, họ thấy không còn khoảng cách nào giữa họ, cả hai cũng trở nên dạn dĩ, cô gái chợt thấy mình lớn lên:
-Không dám đâu, trên đó có chị Hằng, nguy hiểm!
-Vậy thôi mình trở xuống đi. Mà dưới này thì cũng có một chị Hằng, có nguy hiểm không?
-Chị Hằng này ăn chay tháng bốn ngày mà. Chị Hằng đang thèm nghe nói chuyện. Mấy giờ bắt đầu đấu vậy chú?
-Sớm nhất cũng phải 8 giờ rưỡi.
-Chú có phải đưa học trò vào võ đài không?
-Mấy đứa nó có giấy vào cổng. Chúng đi đấu cốt yếu là đi chơi, mỗi nơi có thêm một vài quen biết, kỷ niệm. Ðể cho chúng tự nhiên vui hơn, đi đâu dắt tụi nó theo đó thì cũng ra vẻ ông thầy, nhưng mà sẽ không ai thoải mái hết.
-Chú tâm lý quá, với lại ông thầy cũng có mục của ông thầy, phải không?
-Làm ơn, đừng giàu tưởng tượng quá.
-Phải hay không thôi mà?
-Phải thì sao mà không thì sao?
-Sao tính sau, còn bây giờ, phải hay không?
-Bây giờ thì phải, còn cách đây 30 phút thì không.
-Không dám đâu.
-Nếu phải, thì sao chú đã vào sàn đài chi sớm vậy?
-Biết đâu lại chẳng có mục gì trong đó. Chú học võ từ bao giờ mà trở thành võ sư vậy?
-Chú không có học võ. Bố Chú là võ sư có nhiều học trò. Chú từ bé đến lớn ốm yếu èo uột, lại phải vào lính, xa nhà nên không được bố truyền nghề. Ði tù về buồn quá, gặp lúc võ đài đang ăn khách, nhà nước thường tổ chức võ đài gây quĩ, chú tập bậy bạ cho mấy đứa cháu tham gia, sẵn tên tuổi của bố chú, sẵn có chút vốn liếng từ bé, quen thấy bố dạy đệ tử, chú đọc thêm sách vở, vậy là ra một cái võ đường.
-Ông bố chú?
-Ông cụ mất ngay những ngày đầu 75.
-Sao thế chú?
-Bị “cách mạng” xử tử.
Cô gần như dựa hẳn vào người ông.
-Ồ, cháu xin lỗi đã nhắc chuyện buồn. Họ không làm khó dễ chú sao?
-Lúc đầu chú cũng sợ. Tên chú đã nằm trong tất cả các hồ sơ đen của công an, chính quyền họ theo dõi chú từng ngày, có khi cả ban đêm, chú bỗng nảy ra sáng kiến, quần chúng hóa cái tên của chú, nghĩa là trở nên một nghệ sĩ của sân khấu giống như mình chui thẳng vào trung tâm bão để tránh bão.
-Không trở ngại gì hết?
-Có, chú đi làm ruộng ở một điểm kinh tế mới của xã chú, cách đó gần hai chục cây số, nơi đó điểm trưởng, an ninh đều là người của chế độ cũ, chú dạy mỗi ngày một tiếng đồng hồ trong nhà ông điểm trưởng bà con nhà chú, sau một tháng, được tin có võ đài ở một thành phố lớn, chú vào đó gặp một số võ sư trong ban tổ chức là bạn của bố chú ngày trước, xin tham gia không đòi hỏi tiền thù lao gì cả, họ rất mừng vì có được một võ đường ở xa, mà lại được bỏ túi các tiêu chuẩn đáng lẽ phải trả cho chú, vậy là họ cho chú một hợp đồng đóng dấu thể dục thể thao tỉnh đàng hoàng. Và cũng nhờ giấy này mà nửa tháng sau đó, công an huyện đột xuất  lên kiểm tra điểm, nghe báo cáo sao đó, đã xộc thẳng đến nhà ông điểm trưởng bắt chú còng tay dẫn ra ủy ban xã. Suốt một đêm, họ bắt chú nằm ngửa trên một cái băng dài, thòng chân tay xuống dưới đất trói chụm tay chân lại, và dặn dò đám du kích xã “canh phòng cẩn thận, nó là võ sư, trung úy ngụy, nó tháo dây được là nó giựt súng bắn chết hết đó” Cô không tưởng tượng được đêm đó chú bị đau nhức ra sao. Sáng hôm sau lấy lời khai, họ buộc tội chú lập tổ chức chống phá chính quyền. chú đưa tờ giấy cho họ xem, và trình bày võ thuật đang là một phong trào rất được chính quyền quan tâm, đem lại doanh thu rất lớn cho nhà nước. Mấy tay công an trẻ măng, gọi chú bằng mày, “mày thần thánh gì dám nói dạy con người ta hai tháng đi đấu đài? Giết người à?” Chú chứng minh tôi mới từ trại “cải tạo” về chưa quá hai tháng, và làm ruộng ở đây chưa quá tháng rưỡi, sẽ cũng chính những đứa học trò này, hai tuần nữa đi thi đấu. Rất may họ là những công an mới, hung hăng nhưng dốt nát, thấy con dấu đỏ lòm là giật mình, sợ đụng chạm cấp trên, nhất là cơ quan đó thuộc tỉnh. Họ bắt chú làm thủ tục, tự khai, kiểm điểm, cam đoan rồi thả.
Cô nghiêng đầu lên vai ông, hai tay cô ôm lấy cánh tay ông:
-Dạy có khó không chú?
-Dạy đánh lộn thôi ấy mà, hồi trước bố chú dạy võ ta, bài bản, quyền thảo, thập bát ban võ nghệ thì khó, còn võ tự do hiện nay - người ta vẫn bắt gọi là võ dân tộc cổ truyền, người ta muốn tránh hai chữ tự do, chứ nó chẳng còn chút cổ truyền nào - thì chủ yếu là đánh, cho tới nay thì nhiều võ sư vẫn dạy một hai năm mới cho học trò lên đài, học trò chú chỉ trên dưới hai tháng là có thể cho lên đài,  dĩ nhiên mới ra trận thì mình cũng dè dặt lựa đối thủ vừa sức chúng.
-Làm sao biết hết được
-Trong nghề, lại gặp nhau hoài phải biết thôi cô, đôi khi cũng lầm, nhưng ít. Được cái là học trò chú không được phép từ chối bất kỳ cao thủ nào khi Ông Thầy bảo chúng bắt tay nhận lời xếp cặp của ban tổ chức.
-Giết người.
-Còn không mau Mô Phật?
-Cháu sẽ cầu nguyện cho chú. Ồ quên, chú chưa nói kết quả các trận đấu đầu tiên sau lần bị công an bắt.
-Một thắng, hai thua, một hòa, quan trọng là chú không tránh né bất kỳ võ sĩ nào cùng hạng cân, mà ban tổ chức muốn xếp cặp với võ sĩ của chú, nhờ lì vậy mà nhiều năm liền sau đó tên tuổi võ đường chú rất được các ban tổ chức trong và ngoài tỉnh thích mời tham dự, chú tổ chức phòng tập ngay tại nhà chú, môn sinh mỗi ngày một đông, tên chú thay vì để theo dõi đã trở thành tên của đám đông, của sự ngưỡng mộ.
-Và đi đến đâu cũng được các em săn đón?
-Không có em đâu, cháu gái thì có.
Chỉ cần nghiêng mặt nhẹ một chút là mũi ông đụng phải đầu cô, ông hôn nhẹ lên mái tóc thoang thoảng mùi thơm dầu gội, tay ôm vai cô vỗ nhè nhẹ.
-Mấy cháu có làm phiền chú không?
-Không có “mấy”, một thôi.
-Có không?
-Có đây.
-…
-Buồn hay vui?
        -Run.
        -Mình trở lại đi, xa quá rồi.
        Nàng mơ màng:
        -Trở lại đâu, từ đầu? hôm qua? ba tháng trước?
        -Trở lại đài, kẻo trễ.
        Họ quay trở ra con đường nhựa dẫn đến võ đài, đường chợt sáng chợt tối bởi những chiếc xe thỉnh thoảng vụt qua. Vầng trăng như mờ dần đi và người trên đường càng lúc càng nhộn nhịp hơn, vầng trăng mà dường như chỉ sáng khi chỉ có hai người, còn bây giờ ánh đèn điện trong sân võ đài và tiếng ồn ào của khán giả đã bắt họ phải để vầng trăng tiếc nuối của họ bơ vơ sóng sánh dưới con mương .
        Sắp đến giờ thi đấu nhưng khán giả bên ngoài vẫn còn khá đông, khi họ sắp bước vào cổng, một người đàn bà đứng ở đó tự bao giờ. Cô bé lính quýnh không kịp buông tay ông ra:
        -Mẹ, mẹ cũng xem võ đài?
        Người mẹ, đẹp, chừng ba lăm ba sáu gì đó, mở to đôi mắt nhìn ông thật nhanh rồi không kịp giấu vẻ hốt hoảng giận dữ, chỉ tay về phía chiếc gắn máy dựng cạnh đó:
        -Về nhà mẹ có chuyện nói với con.
        Bà vội vã lên xe rồ máy, cô bé bước đến bên mẹ:
        -Mẹ về trước, con lấy xe về ngay.
        Người mẹ vùng vằng dậm số, chiếc xe vọt ra đường. Như chưa kịp sang số, đột nhiên chiếc xe lăn quay ra, tiếng máy rú mạnh lên rồi im bặt. Cô bé và ông chạy ùa tới, ông vội vã đỡ chiếc xe đang nằm đè lên người đàn bà, giao xe cho cô bé hối:
        -Nổ máy đi
        May là máy xe vẫn còn nổ được, ông đỡ người bà mềm èo ngồi lên xe, bảo cô bé lái xe đi bệnh viện cách đó chừng 500 mét, đủ để máu từ người bà thấm ướt một bên áo quần ông, sau khi đưa bà vào phòng cấp cứu, bác sĩ khám qua, thấy bà đã tỉnh táo trả lời được các câu hỏi của bác sĩ, ông bảo cô bé:
        -Chú có mấy độ phải làm trọng tài và giám định, chú cần báo cáo ban tổ chức để họ bố trí người khác, chú sẽ trở ra ngay, cô trông nom mẹ.
        -Dạ, chú lấy xe  mẹ cháu đi đi.
 
[]
 
        Bà mẹ của cô gái nằm quay mặt vào vách khóc rưng rức. Ông rón rén đến đứng khoanh tay bên giường. Không lẽ cứ như vậy mãi, ông tìm lời cắt đứt cái không khí im lặng nặng nề:
        -Sao không nằm bệnh viện mà lại đòi về?
        Bà chống tay ngồi dậy, ông vội vàng giữ cho bà nằm yên.
        -Nằm nghỉ đi, không được khỏe mà, đau lắm không?
       -Ðau, đau lắm, chắc chưa bao giờ đau đến vậy. Tôi đâu có nợ gì với ông phải không? Chốt hộ tôi cánh cửa phòng.
        Ông riu ríu quay lại kéo chốt cửa rồi từ từ bước lại ngồi xuống giường bà:
        -Ðỡ chút nào không? sao mà rủi quá vậy?
        -Rủi? Có thật là ông không biết suýt nữa ông đã giết chết tôi sao? xe thì lao mạnh, mà đầu óc mắt mũi đột ngột tối sầm lại, chắc là vấp phải cục đá, bác sĩ họ muốn theo dõi sọ não, nhưng tôi biết ông sẽ tới, ở bệnh viện không tiện, ông và con nhỏ quan hệ thế nào?
        -Mới hôm nay, một khán giả ái mộ, như bà ngày xưa, cứ đọc lén nhựt ký người ta rồi bóng gió vẩn vơ.
        -Lạc đề rồi, ông không thấy nó hiền lành tội nghiệp lắm sao. Như một nữ tu, cứ bảo là tiền căn tiền kiếp gì ấy muốn xuất gia. Ông có tin hậu quả cũng từ ông không?
        -Vớ vẩn.
        -Người chẳng biết tình yêu là gì thì sao hiểu được.
        -Nói rõ đi.
        -Cũng vô ích thôi, mấy chục năm sau cái đầu vẫn còn lãng đãng như người cõi trên. Không phải tại ông thì tôi đâu phải lấy một người chồng mà tôi đã sớm biết sẽ không kéo dài được bao lâu, không phải tại ông thì thằng chồng đã không ăn chơi sa đọa, nghiện ngập rồi đổ thừa tại ghen tuông, đưa ra tòa ly dị để cho con bé ôm cái mặc cảm tủi hổ, đơn độc. Có thật là ông cũng không biết tôi đến sân vận động tìm ông không? Ồ, quần áo ông bẩn quá không thay cho tôi nhờ, bộ muốn làm khổ nhục kế?
        -Làm ơn. Nói như phim Hồng Kông. Sao lại ở nơi này?
        -Ði kinh tế mới, lén lút đi buôn chuyến, đỡ đỡ chạy về mua nhà ở đây.
        Bà thở dài, nói tiếp:
        -Sau 75, có còn ai biết ai ở đâu nữa. Ði cải tạo, chết, về quê, đi kinh tế mới, vượt biên, tan tác hết. Mấy địa chỉ, mấy ngôi nhà quen, mới mấy tuần trước mình còn lui tới, đột nhiên có những cái bảng đỏ tổ bố trước nhà, thành cơ quan, thành trụ sở gì gì đó, mà gia chủ thì đi đâu, ở đâu chẳng ai biết, có khi cũng chẳng dám biết. Phải vật lộn với 21 kí gạo trả công mỗi tháng,  21 kí gạo cho tất cả mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, ông ở trong trại ông không hiểu đâu. Không làm thì không thể mua được gạo. Suốt mấy năm trời, ai còn  sức đâu mà đi tìm một cách vô vọng, một người mà ngay cả trước 75, người ta chỉ biết có đơn vị.
        -Tôi có đòi hỏi gì đâu, bà nghĩ ở tù sướng lắm sao?
        -Cùng lắm thì cũng là ở tù. Ði làm, rồi ăn, có đói một chút cũng còn có miếng ăn, ở ngoài nhiều người muốn làm cũng chẳng có gì làm, chết đói, chết bệnh, chết lạnh, la lết xin ăn nhan nhản ngoài đường, lúc khác hẵng cãi đến chuyện đó, bây giờ tôi hỏi ông, ông có tin là con bé hiền lành nhút nhát tội nghiệp lắm không?
        -Còn yếu đuối nữa, tôi nghĩ là phải có người hiểu cô ấy, an ủi cô.
        -Làm ơn, ông thấy tôi chưa đủ khổ sao? Một gia đình thế ấy, con bé khoanh mình trong vỏ ốc mặc cảm, buồn chán.
        -Tôi đã thấy nhỏ vui.
        -Vui như con thỏ nhảy nhót trước ánh đèn của một gã thợ săn.
        -Nói nghe kinh quá, ở đâu có mấy câu cải lương đó vậy?
        -Học được từ nhật ký của một gã người yêu ba xạo .
        -Dấm dẳng kiểu đó bảo nó không xạo
        -Chịu là xạo rồi phải không?
        -Mệt bà quá, nhưng tôi chỉ nghĩ tôi sẽ giúp con thỏ tươi tắn yêu đời, trở lại với khu rừng cỏ xanh non bình yên.
        -Trở lại hay loanh quanh chết lạc trong rừng? Tôi van ông, tôi đã biết cái rừng cỏ xanh non ấy rồi. Không cần biết mục đích, ý nghĩa gì hết, nếu nó đã có gì trong lòng, nó sẽ buồn một chút rồi thôi, hơn là nó cứ đi hoài không tới cái rừng cỏ xanh non mà nó nghĩ là nó đã thấy.
        -Bà không nghĩ tôi tệ quá vậy chứ? nhất khi bà lấy chồng tôi cũng còn bơ vơ mà, phải không?
        -Hay quá nhỉ? Ông đừng làm điên tiết tôi lên, tại sao thì ông đã hiểu rồi, không phải ông đã hả hê lắm khi thấy con rối trong tay ông hoàn thành cái vai của nó?
        Ông đặt bàn tay lên vai bà, vỗ nhẹ, vừa tưới nước vừa châm dầu:
        -Hạ hỏa đi, đừng hung dữ nữa, chúng ta đã không còn là mình của ngày xưa nữa, một thế giới khác, một hoàn cảnh khác, cứ trách nhau thì biết bao giờ mới hết chuyện để trách. Tóm lại bà muốn sao thì sao đi, đừng được ăn được nói đổ tội cho tôi, được không? Nếu chúng tay gặp lại nhau sớm ...
        Bà gỡ bàn tay ông ra khỏi vai, nhưng cánh tay ông thì lại nằm yên trong hai bàn tay của bà, với mấy giọt nước mắt ngập ngừng trên má, bà nhỏ giọng:
        -Em chết mất. Em muốn điên lên nữa quá, em mà hung dữ được với ông thì ông đâu có quay em như con quay thế này.
        Ông bối rối hỏi một câu ngớ ngẩn:
        -Bà định tìm tôi có việc gì không?
        -Việc gì lúc đó quên rồi, có nhớ thì bây giờ cũng khác. Bây giờ thì chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nữa, đúng không?
        Một chút im lặng và ông gật đầu.
        Nước mắt bà trào ra giàn giụa, ôm chặt cánh tay ông đưa lên miệng cắn nhẹ.
        -Ðau không?
        Ông lắc đầu, bà lại cắn mạnh hơn, thật mạnh. Ông ráng chịu:
        -Nữa đi. Ăn thịt luôn cũng được.
        -Em cũng muốn vậy. Ông ác quá. Ông còn ở đây bao lâu?
        -Tôi không muốn ở lại đây nữa đâu, lát nữa trở lại đài giải quyết mấy đồng bạc xong là tôi ra đón xe về.
        -Con nhỏ có biết em với ông thế nào không?
        -Tôi đã không nói gì, còn bà đã bảo với nó thế nào thì tôi không hiểu.
        -Em chỉ nói là mẹ cần nói chuyện với chú, nó nghĩ là em sẽ phiền trách chuyện ông quen nó và yêu cầu ông nên xa nó.
        -Bà nghĩ có hậu quả gì không?
        -Em đã nói là nếu có gì trong lòng nó, nó sẽ buồn, sẽ oán trách em, rồi sẽ hiểu, rồi sẽ quên. Nhưng như vậy  tốt hơn. Ông nhận là đã có gì rồi phải không?
        -Không .
        -Ông đi đi
        Nhưng hai tay của bà vẫn chưa rời cánh tay ông
 
   Đặng Kim Côn              
                         1988



No comments: