Friday, October 7, 2016

CHÂN TÌNH (TRUE LOVE)

VỚI LỜI BÀN CỦA LỘC VŨ


Vào một buổi sáng bận rộn ở bệnh viện, khoảng 8 giờ, một cụ ông ngoài 80 đến gặp bác sĩ để tháo chỉ khâu vết thương ở ngón tay cái. Ông nói rằng ông sẽ vội phải đi ngay sau khi hẹn gặp bác sĩ lúc 9 giờ. Tôi nhận ra dáng vội vả của ông và mời ông ngồi chờ vì ít nhất cũng phải hơn một tiếng nữa mới có bác sĩ khám cho ông.

Tôi thấy ông cứ ngó đồng hồ đeo tay và tỏ vẻ bồn chồn nên tôi quyết định sẽ khám vết thương của ông vì lúc đó tôi không bận khám bệnh nhân nào khác. Khi khám vết thương, tôi thấy nó đã lành nên bảo một bác sĩ khác lấy dụng cụ y khoa cần thiết để tháo chỉ khâu ra rồi băng bó vết thương lại cho ông.

Trong khi ăn sóc vết thương cho ông, chúng tôi bắt đầu chuyện vãn với nhau. Tôi hỏi ông có muốn lấy hẹn với một bác sĩ khác sáng nay trong khi ông quá vội như vậy không. Ông trả lời là không vì ông cần phải đi tới viện dưỡng lão để ăn sáng với bà vợ ông.

Tôi hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của vợ ông. Ông bảo tôi rằng bà vợ ông đã phải vào viện dưỡng lão vì bà bị bệnh mất trí nhớ Alzheimer. Tôi hỏi ông rằng bà vợ ông có bực mình khi ông đến  trễ không. Ông trả lời rằng bà không còn biết ông là ai. Bà không còn nhận ra ông từ năm năm nay rồi.

Tôi ngạc nhiên và hỏi ông: “Vậy ông cứ đến thăm bà mỗi sáng dù bà không biết ông là ai à?”.
Ông phát mạnh vào tay tôi và mỉm cười nói: “Bà nhà tôi không biết tôi, nhưng tôi vẫn biết bà là ai chứ”.

Tôi đã phải nén nhỏ lệ khi tiễn ông ra về, vừa sờ vào vết bầm trên cánh tay vừa nghĩ thầm: “Đó mới là thứ tình yêu mà tôi mong ước trong đời”. (Phỏng dịch "True Love")

Tình yêu chân thật không phải là yêu vẻ đẹp hào nhóang bên ngoài, cũng không phải là yêu vẻ lãng mạn tình tứ của người mình yêu, mà là chấp nhận thương đau và chấp nhận hy sinh cho người mình yêu.

Yêu thật là chấp nhận tất cả những gì người yêu đang có, đã có, sẽ có, và sẽ không còn có nữa.


Trong tất cả những chuyện khôi hài và chuyện tiếu lâm gửi đến bằng điện thư, thỉnh thoảng cũng có vài chuyện mang một thông điệp quan trọng. Chuyện này là một trong số đó. Tôi muốn chia sẻ với tất cả các bạn thế thôi.

À, nhân tiện, an bình là biết nhìn ngắm hoàng hôn xuống và biết ai để cám ơn.

Người hạnh phúc nhất không nhất thiết phải có mọi thứ tốt nhất mà chính là người làm cho mọi thứ họ có trở nên tốt nhất.


Lời Bàn của người viết:

Đọc câu chuyện về tình yêu chân thật trên đây, tôi cảm thấy xúc động về mối chân tình mà ông cụ 80 tuổi dành cho vợ bị bệnh lú lẫn. Trong đọan cuối của câu chuyện, tác giả đã định nghĩa về tình yêu chân thật và câu định nghĩa này đã đánh động tâm hồn tôi:

“Tình yêu chân thật không phải là yêu vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài, cũng không phải là yêu vẻ lãng mạn tình tứ của người mình yêu, mà là chấp nhận thương đau và chấp nhận hy sinh cho người mình yêu. Yêu thật là chấp nhận tất cả những gì người yêu đang có, đã có, sẽ có, và sẽ không còn có nữa”.

Qủa vậy, lúc còn trẻ còn đẹp thì người ta dễ yêu nhau và thề non hẹn biển sẽ chung thủy với nhau cho đến đầu bạc răng long. Nhưng rồi khi về gìa, nay đau mai yếu, tính tình lẩm cẩm, nói trước quên sau, ông nói gà thì bà nói vịt. Lúc đó có khi chỉ nhìn thấy mặt nhau cũng thấy bực mình thì khó mà chịu đựng được nhau chứ nói chi đến thủy chung như ông gìa 80 tuổi hàng ngày vào ăn sáng với vợ lú lẫn trong viện dưỡng lão trong suốt 5 năm trường.

Câu chuyện này làm tôi liên tưởng đến trường hợp thủy chung của một người tôi quen mà tôi tạm gọi là anh Đê, và đặt tựa đề cho câu chuyện là “Tình Nghĩa Vợ Chống”.

Tình Nghĩa Vợ Chồng



Cách đây khỏang 8 năm, vợ đau nặng không thể tự săn sóc cho mình được, anh Đê xin về hưu non, ở nhà chăm sóc cho vợ. Bệnh tình của chị vợ càng ngày càng trở nên trầm trọng. Lúc đầu, chị đi không vững, anh phải dìu chi đi. Có một hôm, đi lễ Chúa Nhật xong, tôi thấy anh đang nắm tay dắt chị đi ra khỏi nhà thờ, tôi buột miệng chọc: “Ông bà nắm tay nhau dung dăng dung dẻ trông tình tứ ra phết!” Lúc đó, anh Đê cười xòa trả lời: “Có dung dăng dung dẻ gì đâu! Nhà tôi bị yếu chân, đi không vững nên tôi phải dìu mà”. Tôi biết mình lỡ lời nên vội vàng xin lỗi.

Rồi một hôm có dịp đến nhà anh Đê ăn cơm, tôi thấy anh phải đút cho chị ăn vì tay chị cũng yếu, không cầm nổi chén cơm. Sau đó khỏang một năm, tôi thấy anh đẩy chị đi lễ bằng xe lăn vì chân chị quá yếu, đứng không vững, còn tay của anh cũng không còn đủ khỏe để dìu chị đi như trước.

Rồi khỏang hai năm nay, chị phải nằm liệt giường và anh là người duy nhất chăm sóc cho chị suốt ngày đêm vì các con đã có gia đình hoặc ở riêng, chỉ cuối tuần mới ghé sang giúp bố mà thôi. Nhìn hòan cảnh của anh, tôi rất tội nghiệp nhưng không biết giúp đỡ bạn mình bằng cách nào, nên thỉnh thỏang ghé thăm và thấy anh làm hết mọi chuyện, từ việc nấu nướng, đút cơm cho chị ăn, lo vệ sinh cho chị, cho chị uống thuốc. Tôi hỏi sao không mướn người giúp, anh trả lời rằng “Có mướn nhưng chỉ đủ sức mướn theo từng giờ khi phải đi ra ngòai đi chợ hoặc khi cảm thấy qúa mệt mỏi, và nhất là lúc phải thay tấm vải trải giường vì tay yếu nên cần có người phụ khiêng chị ra salon thì mới thay khăn giường được”. Tôi và mấy người bạn thỉnh thỏang rủ nhau đến thăm chị và mang theo thức ăn để ăn chung với anh cho anh được xả hơi đôi chút.

Tôi còn nhớ, một hôm cùng với nhóm bạn bè đến ăn nhậu với anh tại nhà, ai cũng khen anh chịu đựng qúa giỏi nên tôi bạo gan hỏi anh: “Tại sao anh có thể chăm sóc chị tận tâm như vậy ròng rã nhiều năm mà không thấy anh than phiền điều gì cả?” Anh trầm ngâm giây lát rồi trả lời: “Thú thật với các anh chị, sau một thời gian dài nhà tôi lâm bệnh nặng, phải nằm liệt giường, nói năng ú ớ, tôi phải một mình săn sóc ngày đêm, mất ngủ, tâm thần sa sút đến nỗi giận quá mắng chửi cả con cháu. Nhưng sau đó, nghĩ lại, đứa nào cũng phải đi làm và săn sóc cho gia đình nó thì làm sao tụi nó giúp mình được, nên chỉ biết cầu nguyện, nếu chẳng may mà mình cũng ngã bệnh nữa thì ai săn sóc cho vợ đây! Tôi tự nhủ như vậy và cảm thấy tâm hồn bình an trở lại. Đôi khi nhà tôi tỉnh, mở mắt nhìn tôi đang đút cơm cho nàng ăn như muốn nói lời cám ơn mà không thốt lên lời mà chỉ biết nắm chặt tay tôi. Lúc đó tôi cảm thấy xót thương cho vợ đến ứa nước mắt và mọi cực nhọc đều tan biến. Có lúc tôi chợt nghĩ nếu Chúa cho tôi chọn: hoặc phải săn sóc vợ vất vả như hiện nay hoặc bị bệnh nằm liệt giường để cho vợ chăm sóc thì tôi chọn cách nào? Khi nghĩ vậy, tôi thà chọn săn sóc vợ như hiện nay dù có cực nhọc mấy đi nữa tôi cũng chịu”.

Các đây khỏang vài tháng, có một lần tụi tôi đến thăm, thấy mặt anh xuống sắc, tâm thần có vẻ bất an, dáng người tiều tụy,  nên hỏi anh xem tụi tôi có thể giúp gì được không vì dạo này tụi tôi cũng đã về hưu và có nhiều giớ rảnh rỗi, nhưng anh chỉ xin cầu nguyện cho anh có đủ sức khỏe lo cho chị là đủ rồi, và yêu cầu tụi tôi khi nào rảnh đến lai rai với anh để anh bớt căng thẳng là quý rồi. Anh tâm sự rằng hồi trước, khi còn trẻ, vợ lo cho anh đủ thứ thì bầy giờ vợ đau, đến lượt anh phải lo lại cho vợ, tình nghĩa vợ chồng mà!. Vì tình nghĩa vợ chồng và vì niềm tin tôn giáo, anh phó thác mọi sự khó khăn và vất vả cho Chúa “để đền tội ở đời này hơn là phải đền tội đời sau”, anh thường nói với tụi tôi như vậy. Riêng vợ chồng tôi, sau mỗi lần đi hành hương "Năm Thánh Lòng Thương Xót" ở một nhà thờ trong vùng Little Saigon, trên đường về, thường ghé thăm anh chị, và cầu xin cho anh có sức khỏe để lo cho chị đến nơi đến chốn.

Đối với trường hợp của anh Đê, tôi nghiệm thấy qủa thực: “Yêu là chấp nhận thương đau và chấp nhận hy sinh cho người mình yêu, là chấp nhận tất cả những gì người yêu đang có, đã có, sẽ có, và sẽ không còn có nữa”.

Lộc Vũ

No comments: