Monday, November 16, 2015

ĐÀI LOAN SẼ CÓ NỮ TỔNG THỐNG (Giáo Sư Phạm Đình Lân)


Năm 1949 Cộng Sản Trung Hoa chiếm lục địa. Quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng của thống chế Tưởng Giới Thạch (Chiang Kaishek) rút ra đảo Đài Loan (Taiwan). Đảo nầy mang quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc (ROC: Republic of China) với cờ Thanh Thiên Bạch Nhật và độc đảng cầm quyền: Quốc Dân Đảng (Guomintang). Năm 1971 Trung Hoa Dân Quốc không còn là đại diện của Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc. Từ đó bất cứ quốc gia nào thiết lập bang giao với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đều phải chấp nhận chỉ có một nước Trung Hoa mà thôi. Từ năm 1971 về sau, mặc dù quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc vẫn còn, đảo quốc nầy có lãnh thổ, chánh phủ, quốc kỳ, quốc ca, đảng chánh trị có quá khứ chánh trị lâu đời ở Á Châu và một nền kinh tế kinh tế ổn định trên thế giới. Nhưng mỗi khi tham dự Thế Vận Hội, lực sĩ Đài Loan không cầm cờ Thanh Thiên Bạch Nhật và bảng hiệu Trung Hoa Dân Quốc mà chỉ được giới thiệu là phái đoàn Đài Loan.



Tưởng Giới Thạch
Người bản địa Đài Loan lại muốn dùng danh xưng Đài Loan, thậm chí có nhiều nhà chánh trị gốc Đài Loan muốn Đài Loan là một đảo quốc độc lập. Trung Quốc rất ghét tổng thống Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) hay Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) vì hai vị tổng thống nầy có khuynh hướng biến đảo Đài Loan thành một xứ độc lập không có liên hệ gì với Trung Hoa. Lý Đăng Huy học ở Nhật và Hoa Kỳ. Ông sinh ra trên đảo Đài Loan khi đảo nầy đặt dưới sự cai trị của Nhật Bản theo tinh thần hiệp ước Shimonoseki năm 1895. Anh của ông là quân nhân trong quân đội Nhật hoàng, từ trần trong đệ nhị thế chiến và được thờ trong đền Thần Giáo Yasukuni ở Nhật. Thỉnh thoảng ông sang Nhật như để thăm viếng hương hồn của anh ông trong đền Yasukuni.



Từ năm 1950 đến 2016 các tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc đều là nam giới:

·        Tưởng Giới Thạch (1950 – 1975)

·        Nghiêm Gia Cam (Yen Chia-kan) (1975 – 1978)

·        Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo) (con của tổng thống Tưởng Giới Thạch) (1978 – 1988)

·        Lý Đăng Huy (1988 – 2000)

·        Trần Thủy Biển (2000 – 2008)

·        Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) (2008 – 1016)

Từ năm 1950 đến 1996 các tổng thống đều do Quốc Hội bầu lên trong nhiệm kỳ 6 năm. Bắt đầu từ năm 1996 tổng thống do dân trực tiếp bầu lên trong nhiệm kỳ 4 năm. Lý Đăng Huy là vị tổng thống Đài Loan đầu tiên do dân trực tiếp bầu lên trong nhiệm kỳ 1996 – 2000. Ȏng là tổng thống được Quốc Hội bầu từ năm 1988 đến 1996.



Các vị tổng thống Tưởng Giới Thạch, Nghiêm Gia Cam, Tưởng Kinh Quốc, Lý Đăng Huy, Mã Anh Cửu đều là đảng viên cao cấp của Quốc Dân Đảng (Kuomintang/Guomindang). Ngoại trừ ông Lý Đăng Huy, các vị còn lại đều là người Hoa sinh trên lục địa. Sinh quán của Lý Đăng Huy là Đài Loan.



Trần Thủy Biển
Tổng thống Trần Thủy Biển là người Đài Loan và không phải là đảng viên Quốc Dân Đảng. Ȏng thuộc đảng Dân Chủ Tiến Bộ. Trần Thủy Biển là vị tổng thống Đài Loan bị chánh quyền Cộng Sản trên lục địa thâm thù vì ông chủ trương Đài Loan độc lập,  nghĩa là không chấp nhận nguyên tắc Trung Hoa Một Nước của Bắc Kinh (Beijing). Khi Mã Anh Cửu vừa nhậm chức tổng thống, Trần Thủy Biển bị bắt, còng tay, hạ nhục trước công chúng và bị xử tù chung thân về tội tham nhũng! Mã Anh Cửu hành sự như vậy vì Trần Thủy Biển là lãnh tụ đảng Dân Chủ Tiến Bộ, cạnh tranh ráo riết với Quốc Dân Đảng (Kuomintang). Quốc Dân Đảng tán đồng nguyên tắc Trung Hoa Một Nước của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa nên hành động trên của tổng thống Mã Anh Cửu nhằm mục đích làm hài lòng giới lãnh đạo Bắc Kinh. 



Tổng thống Mã có khuynh hướng thân thiện và gần gũi với Bắc Kinh nhiều hơn. Ông xem công thức một quốc gia hai hệ thống của Hồng Kông (Hong Kong) là một nguyên tắc tốt cho Đài Loan. Phong Trào Hướng Dương bùng dậy trên đảo Đài Loan chống đường lối của Mã Anh Cửu và thỏa ước thương mại với Bắc Kinh năm 2014. Sinh viên biểu tình bạo động. Cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Hong Kong năm 2014 cho thấy công thức một quốc gia hai hệ thống bị Bắc Kinh trắng trợn chà đạp. Người Hong Kong được hưởng mọi quyền tự do dưới sự cai trị của người Anh. Người Đài Loan vừa mới thoát chế độ độc đảng trị Quốc Dân Đảng trong vòng 30 năm nên không cảm thấy “sung sướng” “hồi đầu” với “quê hương” để hưởng chế độ độc đảng trị Cộng Sản miên trường và ngột ngạt gấp ngàn lần chế độc độc đảng Quốc Dân Đảng mà họ gặp trong quá khứ. Dân chúng Đài Loan phô bày ý nguyện của họ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2014. Quốc Dân Đảng đại bại trong cuộc bầu cử nầy. Họ mất 9 ghế thị trưởng quan trọng trên đảo, kể cả thị trưởng thủ đô Đài Bắc (Taipei). Ở Đài Loan các thị trưởng Đài Bắc đều có triển vọng trở thành tổng thống như Lý Đăng Huy, Trần Thủy Biển và Mã Anh Cửu chẳng hạn. Vì sự thất bại của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử năm 2014, ông Mã Anh Cửu từ chức chủ tịch đảng.



Á Châu là lục địa nơi tục đa thê được phổ biến và vai trò của phụ nữ trong xã hội bị giảm thiểu tối đa. Thế nhưng bà Bandaranaike của đảo Ceylon (Sri Lanka) là vị nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới sau khi chồng bà bị một nhà sư ám sát chết năm 1959. Trong những năm gần đây Phi Luật Tân có nữ tổng thống Aquino, Đại Hàn có nữ tổng thống Park Geun-hye, Bangladesh có nữ thủ tướng Sheikh Hasina, Thái Lan có nữ thủ tướng Yingluck, v.v… Sự tham gia của phụ nữ trên chính trường Á Châu gia tăng rõ rệt. Tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp ở Đông Á được ghi nhận như sau: 


Quốc gia: 
 Tỷ lệ:
Đài Loan
30%
Đại Hàn
16%
Nhật Bản
13%

Trong kỳ bầu cử tổng thống vào đầu năm 2016 ở Đài Loan có hai ứng cử viên phụ nữ được Quốc Dân Đảng và đảng Dân Chủ Tiến bộ đề cử ra tranh chức vụ tổng thống cho nhiệm kỳ 2016 – 2020. Dù vị nào đắc cử, Đài Loan cũng có nữ tổng thống đầu tiên.

Quốc Dân Đảng đề cử bà Hồng Tú Trụ (Hung Hsiu-chu).

Đảng Dân Chủ Tiến Bộ đề cử bà Thái Anh Văn (Tsai Ying-wen).


Sau đây là bảng đối chiếu vè tiểu sử của hai nữ ứng cử viên tổng thống Đài Loan năm 2016

 


 

Hồng Tú Trụ
Thái Anh Văn
Sinh năm 1948 tại Tân Đài Bắc, Đài Loan

Sinh năm 1956 tại Phòng Sơn,Đài Loan

Học lực:
Đại Học Văn Hóa Trung Hoa (1970)
MA Đại Học Missouri (HK- 1991)



Học lực:
Cử nhân Luật Khoa (Taiwan-(1978)
MA Luật, Đại Học Cornell (HK- 1980)
PhD Luật, London School of Economics (1984)

Nghề nghiệp: dạy Trung Học

Nghề nghiệp: dạy luật ở đại học

Hoạt động chánh trị:

Dân biểu (1990- 2015)
Phó chủ tịch Quốc Dân Đảng (2012-)
Xử lý tổng bí thơ QDD (2014)
Hoạt động chánh trị:

Cố vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (Tổng thống Lee Teng- hui),
Chủ tịch Hội Đồng Lục Địa Vụ (2000- 04)
Phó thủ tướng (2006- 07)
Ứng cử viên tổng thống (2012)
Chủ tịch đảng Dân Chủ Tiến Bộ (2014).


Thái Anh Văn trẻ hơn Hồng Tú Trụ 8 tuổi nhưng có học vị cao hơn và có những chức vụ quan trọng trong chánh phủ và trong đảng Dân Chủ Tiến Bộ.


Bắc Kinh theo dõi cuộc bầu cử nầy một cách nghiêm chỉnh. Họ ủng hộ Quốc Dân Đảng và thù ghét chủ trương và đường lối của đảng Dân Chủ Tiến Bộ. Tây Tạng muốn tự trị còn không được, có đâu Bắc Kinh để yên cho Đài Loan độc lập theo ước muốn của đảng Dân Chủ Tiến Bộ.



Dưới nhãn quan của Bắc Kinh, Hồng Tú Trụ phản ảnh đường lối của Mã Anh Cửu thuận lợi cho Trung Quốc hơn. Cha của nữ ứng cử viên Hồng Tú Trụ,  Hồng Thái Tử (Hung Zi-yu), là nạn nhân của Khủng Bố Trắng do công an Quốc Dân Đảng (QĐD) gây ra  năm 1950. Gia đình của ông Hồng bị công an đến khám xét hạch hỏi ngày lẫn đêm vì bị tình nghi dính líu đến tổ chức chống chánh phủ QĐD dẫn đến cuộc thảm sát 228 (ngày 28-02-1947 khi chánh quyền QĐD chưa bị Cộng Sản lật đổ phải chạy ra đảo Đài Loan) khi viên tổng giám đốc công ty đường, nơi thân sinh của Hồng Tú Trụ làm việc bị phát giác là một đảng viên Cộng Sản Trung Hoa.  Hồng Tú Trụ là một đảng viên QĐD tả khuynh hướng về lục địa. Bà lấy bằng MA ở đại học Missouri, bây giờ là đại học Truman, tên vị tổng thống Hoa Kỳ thuộc đảng Dân Chủ, đã chứng kiến sự sụp đổ của chánh quyền QĐD do Thống Chế Tưởng Giới Thạch đứng đấu.



Nữ ứng cử viên đảng Dân Chủ Tiến Bộ là Thái Anh Văn từng được tổng thống Lý Đăng Huy (QĐD) rồi Trần Thủy Biển trọng dụng. Dù là đảng viên cao cấp của QĐD, Lý Đăng Huy nghiêng về Nhật và Hoa Kỳ hơn là lục địa Trung Hoa. Chắc chắn nữ ứng cử viên Thái Anh Văn có khuynh hướng thân Tây Phương và Nhật Bản hơn là sự “hồi đầu” về “tổ quốc” đang ca tụng chế độ độc tài đảng trị. Bà Thái Anh Văn học Đại Học Cornell ở Hoa Kỳ và London School of Economics ở Anh. Khả năng trí thức và Anh ngữ của bà rất cao. Năm 2012 bà được đảng Dân Chủ Tiến Bộ đề cử ra tranh cử đương đầu với Mã Anh Cửu của QĐD. Bà thất cử vì dân chúng Đài Loan lo ngại nếu bà đắc cử và tuyên bố Đài Loan độc lập  thì Trung Quốc sẽ tấn công để chiếm lấy Đài Loan bằng võ lực!! Sau khi được đảng Dân Chủ Tiến Bộ đề cử, tháng 5 năm 2015 bà  Thái Anh Văn thăm viếng Hoa Kỳ. Bà được mời nói chuyện ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies – CSIS), dự yến tiệc do Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện tổ chức và tiếp xúc với vài nghị sĩ đảng Cộng Hòa và cựu thứ trưởng Ngoại Giao Richard Amitage.




Bắc Kinh không ngừng đe dọa Đài Loan. Họ khuyên đảng Dân Chủ Tiến Bộ tránh xa Phong Trào Độc Lập Đài Loan. Đại sứ Trung Quốc ở Washington D.C. là Thôi Thiên Khải (Cui Tian-kai) nói rằng ứng cử viên tổng thống Đài Loan phải được sự chuẩn nhận của toàn dân Trung Quốc! Lời tuyên bố nầy như lời nhắn nhủ đối với Hoa Kỳ, một lời đe dọa đối với đảng Dân Chủ Tiến Bộ và toàn dân Đài Loan. Trung Quốc từng tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích Tây Thái Bình Dương trải dài từ Việt Nam, Phi Luật Tân xuống Mã Lai, Brunei và Nam Dương gần 3 triệu km2 thì việc họ xem Đài Loan thuộc chủ quyền của họ không khó khăn gì khi họ đã mạnh về kinh tế lẫn quân sự sau 30 năm thực thi Bốn Hiện Đại Hóa do Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) vạch ra.


Cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan năm 2016 không quan trọng vì sự hiện diện của hai nữ ứng cử viên. Nó đo lường thái độ của người Đài Loan đối với người Trung Quốc.



Thái Anh Văn sẽ điều chỉnh thái độ đối với lục địa để tránh chiến tranh với Trung Quốc khả dĩ giúp cho bà đắc cử nhưng cũng không thể chấp nhận Đài Loan và lục địa là một nước một cách dễ dàng được.


Về phương diện nhân văn Đài Loan và Ukraine có những điểm giống nhau: người Đài Loan là người Hakka, Phúc Kiến (Fujian) từ lục địa Trung Hoa đến định cư và pha chủng với người bản địa trên đảo. Người Ukraine với người Nga đều cùng giống Slav, tôn giáo, tiếng nói và chữ viết hao hao như nhau. Nhưng UkraineUkraine và Nga là Nga, hai quốc gia minh bạch.



Đài Loan chưa dám tuyến bố độc lập nhưng họ cố duy trì nguyên trạng đã có từ năm 1949 đến giờ. Tự ái của những nhà lãnh đạo Cộng Sản thương tổn ít nhiều sau khi Hong Kong, Ma Cao trở thành lãnh thổ của Trung Quốc nhưng đảo Đài Loan vẫn còn là một thách thức đáng kể đối với Bắc Kinh.

Ai bỏ phiếu ở Đài Loan năm 2016? Trung Quốc? Dân chúng Đài Loan?

Trung Quốc bỏ phiếu bằng sự hù dọa võ lực, tập trung quân đội dọc theo duyên hải để dân chúng Đài Loan hoảng sợ để bỏ phiếu cho ứng cử viên có đường lối thân Trung Quốc như đã xảy ra năm 2012 khi Thái Anh Văn (DCTB) ra tranh cử đối đầu với Mã Anh Cửu (QĐD). Bề ngoài cuộc bỏ phiếu có vẻ tự do, dân chủ. Thực tế cử tri bỏ phiếu dưới áp lực của dàn pháo đe dọa chiến tranh từ lục địa. Lần nầy nữ ứng cử viên Thái Anh Văn có thể không chọc giận Bắc Kinh bằng chủ trương Đài Loan độc lập để tránh sự đe dọa chiến tranh gây hoảng hốt cho cử tri. Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2016 trở thành cuộc trưng cầu dân ý giữa hai khuynh hướng chánh trị khác nhau trên đảo Đài Loan:



1.     Khuynh hướng thân Trung Quốc của của Quốc Dân Đảng với nguyên tắc Trung Hoa Một Nước.

2.     Khuynh hướng thân Tây Phương và Nhật Bản. Đài Loan giao thương với lục địa nhưng không xem đó là mẫu quốc. Họ kéo dài hiện trạng của Đài Loan càng lâu càng tốt cho đến khi thời cơ thuận lợi thì biến đảo nầy thành một đảo quốc độc lập.


Trung Quốc có thể dùng võ lực để tấn công Đài Loan nếu khuynh hướng thứ hai thắng cử không?


Điều nầy tùy thuộc sự lượng sức và lượng định tình hình của Trung Quốc xem sức đề kháng của Đài Loan như thế nào? Phản ứng của Nhật Bản và Hoa Kỳ ra sao? Không phải vô cớ mà Cộng Sản Trung Hoa chiếm lấy lục địa dễ dàng lại không thể đánh chiếm Đài Loan từ năm 1949 đến nay. Vào giữa tháng 7 năm 2015 Hạ Viện Nhật Bản biểu quyết cho phép quân đội Nhật được quyền tự vệ khi bị tấn công và đưa quân ra ngoài nước Nhật giúp đỡ cho quốc gia đồng minh bị quốc gia thứ ba tấn công. Vai trò quân sự của Nhật ở Tây Thái Bình Dương từ Đông Bắc Á xuông Đông Nam Á trở nên rõ rệt.

Về phương diện ngoại giao Đài Loan không có quan hệ ngoại giao với Nhật. Đài Loan không được xem là quốc gia mặc dù có chánh phủ dân bầu, hiến pháp, quốc hiệu (Trung Hoa Dân Quốc), quốc kỳ (cờ Thanh Thiên Bạch Nhật), quốc ca, có trên 25 triệu dân, một lãnh thổ rộng 36.000 km2 và được trên 20 quốc gia công nhận.



Về phương diện địa lý và lịch sử Đài Loan có liên hệ gắn bó với Nhật. Nói rõ hơn, Nhật xem Đài Loan là phần đất bộ thuộc của họ từ năm 1895 đến 1945 sau khi Trung Hoa nhường đảo nầy cho Nhật theo tinh thần hiệp ước Shimonoseki. Nhật Bản là đồng minh Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Úc Đại Lợi. Đài Loan có được họ xem là đồng minh không? Vấn đề Đài Loan trở thành vấn đề sinh tồn của Nhật Bản nếu đảo nầy bị Trung Quốc chiếm giữ bằng võ lực. An ninh Nhật Bản bị đe dọa nặng nề. Kinh tế Nhật bị bóp nghẹt vì không có sinh lộ hàng hải.


Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

No comments: