Năm nào cũng vậy, cứ
đến ngày lễ Tạ Ơn, sau khi đi nhà thờ, tôi liền phóng xe một hơi đến đường 50,
ở tận East-San Diego. Tới căn nhà nhỏ cổ kính, có đám bìm bịp xác xơ thả ngọn
phủ kín mái sau, tôi mới tấp vào lề, tắt máy xe, rồi buồn bã ngó vào căn nhà mà
trầm ngâm nhớ đến những người ơn, bây giờ đã biệt tăm, không biết chừng nào mới
gặp lại.
Tháng Chín năm 1993,
gia đình tôi qua Mỹ theo diện HO. Những ngày đầu tiên ở San Diego, trong căn
apartment rộng rãi đầy đủ tiện nghi, gia đình tôi có cảm giác như vừa đến một
xứ sở thần tiên nào đó. Vài ngày sau, một bà Mỹ già đến gõ cửa. Bà tự nhiên
tiến đến bắt tay chúng tôi và ôm từng người một vào lòng.
- Sao? Các con thế
nào? Có khỏe không?
Tôi ngơ ngáo như người
từ cung trăng vừa rớt xuống. Bà già Mỹ nào đây? Bà đi lộn nhà? Bà nhìn lầm
người chăng? Tại sao bà tự nhiên quá cỡ thợ mộc, và thân thiết với mình quá đột ngột như đã từng quen
biết với nhau từ lúc nào? Vợ tôi cũng hoảng lên, chạy vội đến bên tôi, nói nhỏ:
- Ông ơi! Ông phải
cảnh giác nha! Không chừng ở đây cũng giống như ở Sài Gòn. Người ta lường gạt
nhau ghê lắm!
Bà Mỹ già vẫn nhoẻn
miệng cười với chúng tôi. Bà âu yếm xoa đầu thằng con tôi, và chầm chậm nói:
- Sao? Các con thế
nào? Các con không biết nói tiếng Anh à? Good or no good?
Tôi lạnh nhạt nhìn Bà:
- Bà có lầm ai với
chúng tôi không? Chúng tôi vừa mới đến đây, từ Việt Nam.
- Đúng rồi. Các con
gồm ba người. Có phải các con tên này không?
Bà móc trong túi ra tờ
giấy, lật lên, đưa tôi coi:
- Tên các con này!
Đây, đúng không?
Tên của chúng tôi thật
rồi. Trong giấy, người ta còn ghi rõ địa chỉ và số phòng apartment của chúng
tôi nữa. Tôi chưa kịp rõ nguồn cơn, bà già Mỹ đã tiếp lời:
- Mẹ ở cơ quan thiện
nguyện, có nhiệm vụ giúp đỡ các con . Mẹ tên là Maurice. Còn con, tên là “en”
phải không?
Mẹ Maurice tự nhiên
quá, thân mật quá, khiến tôi gọi trả lại bà la “mom” chẳng chút ngượng ngùng.
- Con xin lỗi Mẹ. Mẹ
tới thăm chúng con, vậy mà chúng con vô tình không biết. Tên con là AN, không
phải đọc là EN, Mẹ ạ!
Bà xuýt xoa quay qua
vợ và thằng con tôi:
- Còn cô này và thằng
này? Cái tên cũng khó kêu quá!
- Vợ con tên là
T…U…Y…E…T…Còn thằng con tên là C…U…O…N…G…
Mẹ Maurice vừa cười
vừa lắc đầu. Bà đọc tới đọc lui, vẫn lọng cọng, vẫn không thể gọi tên vợ và
thằng con tôi một cách chính xác. Cuối cùng, Mẹ dắt tôi ra xe, mang vào nhà lỉnh
kỉnh những túi xách. Mẹ vui vẻ bày từng món lên chiếc thảm màu vàng rực.
- Đây là bình trà và
sáu cái tách dễ thương. Đây là lô dĩa chén cho các con dùng bữa. đây là chậu
rửa rau, bình pha cà phê, máy xay sinh tố, máy xay thịt. Còn cái này là nồi nấu
cơm, nồi hầm thịt, chảo chiên trứng…
Vợ tôi trố mắt nhìn
từng cái. Nàng rất đỗi vui mừng vì được làm chủ những vật dụng mà từ trước tới
giờ nàng chưa bao giờ chạm tay tới.
- Con rất cám ơn Mẹ.
Mẹ đã tặng các con những vật dụng quí giá. Khi xài chúng, chắc con sẽ luôn nhớ
đến Mẹ.
- Mẹ không cần các con
nhớ Mẹ đâu. Mẹ muốn phần nào hàn gắn lại vết thương mà thời gian qua chính phủ
Mỹ đã bạc đãi các con trong chiến tranh Việt Nam.
Tôi cảm động đến rưng rưng nước mắt. Mẹ Maurice đã làm tôi nhớ lại chiến trường, nhớ đến đồng đội. Tội nghiệp cho tuổi trẻ chúng tôi, vừa lớn lên, xếp bỏ bút nghiên để hiến thân bảo vệ đất nước. Và đau đớn thay, chúng tôi bị bức tử, bị lùa vào ngục tù một cách tức tưởi.
- Bây giờ Mẹ có việc
phải đi ngay. Ngày mai hai đứa con của Mẹ: thằng David và con Ann sẽ đến đây
dẫn các con đi chợ. Chào các con nha! Chúc các con một ngày tốt đẹp.
Tôi đưa Mẹ Maurice ra
cổng. Nhìn dáng Mẹ tất bật, vội vã– tôi chợt nhớ đến Mẹ tôi ở Việt Nam. Ôi! Những bà Mẹ, dù khác giống nòi, khác
màu da…đều có chung một tấm lòng giống nhau – một tấm lòng bao dung, độ lượng…
cao như núi non, rộng như biển cả.
Đúng như lời Mẹ
Maurice hứa, trưa hôm sau, có hai vợ chồng trẻ người Mỹ đến gõ cửa phòng tôi.
- Chào ông bà. Xin
giới thiệu tôi là David, còn vợ tôi là Ann. Chúng tôi đến đây để đưa ông bà đi
chợ. Mời ông bà ra xe.
Ann đưa vợ tôi vào một
ngôi chợ Mỹ. Còn David chở tôi đi lòng vòng. Hắn tắp xe vào những khu có cộng
đồng người Việt sinh hoạt, giới thiệu với tôi từng chi tiết. Trò chuyện một
lát, hắn và tôi thân thiện nhau ngay.
- Mày có thích ra biên
giới Mễ nhìn cho biết không?
Tôi ngập ngừng, ngần
ngại:
- Ở gần đây không? Xa
thì thôi. Sợ làm phiền mày.
- Gần đây. San Diego
sát với biên giới Mễ mà. Mày chưa coi bản đồ sao?
David chạy một hơi đến
biên giới. Hắn lái xe giỏi thật! Hắn xàng qua lách lại điêu luyện như tên nài
chơi ngựa trong trường đua. Cuối cùng, hắn dừng lại trên một đỉnh cao.
- Nhìn kìa! Mày có
thấy border/biên giới phía tay phải không? Bên kia là Mễ. Mày sẽ có dịp qua đó
du lịch, khi mày cầm thẻ xanh trong tay.
Tôi nhìn border phía
trước. Border chỉ là một cánh cổng rộng cho sự ra vào hợp pháp giữa hai bên. Mù
mờ tít xa là nước Mễ bao la. Cũng những cụm mây xám sà xuống với hàng loạt dãy
núi kéo dài.
David đưa tôi về
Apartment cũng vừa lúc Ann và vợ tôi xách lỉnh kỉnh những túi thức ăn vào nhà.
Vợ tôi không giấu được nỗi vui mừng, cứ cười toe toét:
- Gần năm chục đồng
thức ăn đó anh ạ! Mình không dám mua nhiều, nhưng chị Ann cứ bảo: lấy đi, lấy
đi! Chị sẽ trả tiền cho. Mình ngại quá anh à!
Từ đấy, gia đình tôi
và gia đình Mẹ Maurice gắn liền với nhau như bóng với hình. Cuối tuần, David
lái chiếc truck đến nhà gọi tôi đi làm công tác thiện nguyện. Công tác chỉ vỏn
vẹn vài tiếng đồng hồ. Chúng tôi thường đến giúp đỡ những người già neo đơn. Đôi
khi giúp họ ăn uống. Đôi khi dọn dẹp rác rến trong garage. Đôi khi cắt cỏ xung
quanh nhà. Đôi khi di chuyển một món đồ nào đó qua nơi khác… Lần đi nào, Mẹ
Maurice cũng dành cho tôi một phần ăn to tổ bố.
Và sau chuyến công
tác, Mẹ luôn thân thiện đặt vào túi tôi những tờ giấy bạc mười đồng.
Một hôm, David lù lù
tới, trao tận tay tôi một chiếc xe đạp mới toanh, và một tấm giấy của Mẹ
Maurice:
“Certificate chứng nhận chiếc xe đạp này của AN do Mẹ Maurice thân tặng.”
“Certificate chứng nhận chiếc xe đạp này của AN do Mẹ Maurice thân tặng.”
Trước khi về, David
còn nhấn mạnh:
- Mẹ có dặn, mày nhớ
đạp xe đến thăm Mẹ vào mỗi ngày cuối tuần.
Nghe lời Mẹ, cứ mỗi
cuối tuần, tôi đạp xe từ đường 43 đến đường 50 thăm Mẹ. Mẹ ở với vợ chồng David
trong một ngôi nhà nhỏ nhắn, nhưng rất xinh xắn. Tôi thích những hàng cây xung
quanh nhà, David trồng đủ loại, từ cam, quít, chanh… đến nho, lê, táo.
Buổi sáng, Mẹ Maurice
thường ngồi uống cà phê với Ann nơi chiếc bàn bằng đá, dưới bóng mát của tàng
cam xum xuê trái. Lúc nào Mẹ cũng để dành cho tôi một phần hot dog với tách cà phê sóng sánh hương vị. Mẹ luôn xem tôi như
một người con trong gia đình. Tôi cũng vậy. Tôi tự nhiên như anh em với David
từ lâu, tôi cần cù bầu từng nhánh cam, chiết từ cành quít cho David trồng thêm
trên phần đất trống xung quanh nhà. Nhìn những nhánh cây mọc rễ trắng xóa trong
bầu, Mẹ Maurice thích chí cười ha hả:
- Thằng này giỏi thật!
Vậy mà thằng David không biết cứ xách tiền đi mua từng cây về trồng. Nhờ con,
bây giờ Mẹ chỉ cần chiết nhánh, rồi chờ ngày bén rễ đem xuống đất vun phân tưới
nước. Vừa tiết kiệm tiền, vừa tiết kiệm công. Hay quá!
Ngày qua ngày, tám
tháng trợ cấp của chính phủ Mỹ vùn vụt trôi qua. Tôi chưa kịp có ý định tìm
việc làm thì Mẹ Maurice đã nhắc David:
- Thằng An sắp hết trợ
cấp. Ngày mai con dắt nó xin việc làm đi!
David nheo mắt, ngó
tôi từ đầu tới chân:
- Ê, ở Việt Nam mày
làm nghề gì?
Tôi cười hề hề, rồi
đưa ngón tay trỏ lên, cong lại:
- Bóp cò.
- Trời đất! Mày đùa
hay nói thật, thằng quỷ?
Mẹ Maurice chêm vào:
- Thì nó đi lính, ngày
xưa…
David nhảy chồm lên,
hớn hở:
- Vậy, tao có job cho
mày rồi.
- Job gì?
- Security.
Ngày mai, sáng sớm,
chưa kịp nhâm nhi ly cà phê đầu ngày, tôi đã thấy chiếc truck của David sà ngay
cổng apartment. Hắn tức tốc bốc tôi lên xe, chạy một mạch đến các hãng security
nằm trong vùng San Diego. Đi tới đâu, khi nhìn bộ vó chưa đầy 48kg của tôi, ai
ai cũng lắc đầu từ chối. Tức quá, David nổi khí xung thiên, vừa chỉ vào người
tôi, vừa lớn tiếng với ông Mỹ, chỉ huy toán security:
- Ê! Mấy ông đừng coi
thường thằng này nha! Nó chuyên môn bóp cò ở xứ nó đó. Ê! Nó là sĩ quan chỉ huy, thâm niên công vụ… Mấy
ông biết không?
Toán security lao
nhao, tên chỉ huy phải chạy đến gần David, xuống nước nhỏ:
- Khi nào opening job,
tôi hứa, tôi sẽ gọi điện thoại cho ông.
David lôi tôi phóng
lên xe, trước khi rồ máy chạy, hắn còn nói vói theo tên chỉ huy:
- Ê! Hứa giữ lời nha!
Tao chờ điện thoại tụi bây đó.
Mẹ Maurice buồn rầu
khi nghe David kể lại chuyện tìm job của tôi. Mẹ cũng rưng rưng nước mắt khi
nhìn lại thân thể gầy gò ốm nhách ốm nhom của tôi.
- Con phải uống sữa,
ăn thịt bò hàng ngày… để có da có thịt một chút. Có sức khoẻ, con mới làm việc
được.
Nghe lời Mẹ dặn, sau
vài tuần tẩm bổ, tôi đã lên cân vù vù. Và kế đó, tôi cũng đã tìm được việc làm
ở một hãng golf. Mặc dù đồng lương giới hạn, nhưng công việc bận rộn liên miên.
Tôi làm overtime lu bù. Có khi làm luôn cả ngày chủ nhật.
Lần đầu tiên là nhân
viên một hãng xưởng, nên tôi rất thích thú và đam mê công việc, vì vậy một thời
gian dài tôi đã không đến viếng thăm Mẹ Maurice. Có lẽ vì bặt tin tôi, nên ngày
chủ nhật hôm đó, Mẹ Maurice lọ mọ đến tìm tôi. Trời ơi! Mẹ Maurice đây sao? Một
bà già Mỹ yếu ớt, chống gậy liêu xiêu gõ cửa apartment.
- Mẹ ơi! Làm sao Mẹ ra
nông nỗi này hỡi Mẹ?
- Mẹ bị stroke con ạ!
Mẹ đến thăm con lần này, rồi Mẹ sẽ về New York, gần gũi với đứa con gái của Mẹ.
- Chuyện gì đã xảy ra
cho Mẹ?
- Không. Chẳng có
chuyện gì hết. Mẹ muốn đi thăm con gái.
Tôi ôm Mẹ Maurice vào
lòng, và chợt nghĩ đến những nỗi đau âm thầm mà những người Mẹ đã một mình gánh
chịu. Sự hy sinh vô bờ bến đó chỉ có trong trái tim, trong tấm lòng người Mẹ.
Mẹ Maurice và Mẹ ruột của tôi giống nhau ở điểm này.
Thời gian dài sau nữa,
tôi hoàn toàn mất liên lạc với Mẹ Maurice, David và cả Ann. Rồi một hôm, trong
lòng tôi bỗng xốn xang bức rức, như có linh tính báo về điềm xấu nào đó, tôi
vội xách xe chạy lên đường 50. Căn nhà xinh xắn vẫn còn đây. Những hàng cây xum
xuê trái vẫn dày đặc bóng mát. Cái bàn đá vẫn ở chỗ cũ. Những nhánh cây do bàn
tay tôi chiết cho David giờ đã mơn mởn xanh, phơi phới đón gió chiều. Chỉ có
căn nhà là đổi chủ.
Người ra tiếp tôi là
một ông Mễ bụng phệ. Ông ta cho tôi biết David và Ann đã ly dị nhau, và họ đồng
ý bán căn nhà này lại cho ông. Còn bà Maurice mất rồi, hình như bà mất lúc đang
ở New York thăm con gái. Tôi xin phép hỏi thêm vài câu nữa, nhưng ông ta lắc đầu và khép cánh cửa
lại.
Như có ai cầm dao đâm
thấu tim gan mình, tôi lảo đảo ra xe, gục mặt vào tay lái, thổn thức từng cơn.
Trời ơi! Tôi đã vô ơn với Mẹ Maurice. Tôi đã bội nghĩa với David và Ann. Niềm
hối hận này, không biết bao giờ mới xoa dịu được.
Thưa Mẹ Maurice,
Hôm nay, con viết bài này như nén nhang kính dâng lên Mẹ, như ngàn lời tạ lỗi
cùng Mẹ, và rất mong Mẹ rộng lượng thứ tha cho đứa con nuôi vô ơn và bạc nghĩa
này.
Cho tới bây giờ, tôi
vẫn chưa gặp lại David và Ann. Chẳng biết họ đã nối lại tình xưa hay mỗi người
mỗi nơi với cảnh ngộ khác nhau?
Và mùa lễ Tạ Ơn nào
cũng vậy, tôi luôn phóng xe đến đây với chai rượu trong tay, cố gắng xóa đi nỗi
buồn khi tưởng nhớ.
Phạm Hồng Ân
No comments:
Post a Comment