Trên Đỉnh Quê Hương
Nhất-Phương
Đó là khoảng thời gian xốn xang, đau đớn, oằn
oại nhất; là khoảng thời gian bắt đầu cho những tháng ngày tôi không
còn thấy mẹ trên cõi đời này nữa…
Bằng sự vội vàng, nhanh chóng chưa từng có, tôi lấy vé
phi cơ để bay về phương Đông, trở lại nơi tôi đã đứt ruột quay lưng từ bỏ mấy
chục năm về trước.
Thời gian lúc ấy, Mẹ đã rất an nhiên trong giấc ngủ cuối
cùng của một kiếp Người; còn tôi chỉ mới bắt đầu học cách thương đau cho quãng
đời còn sót lại.
Đêm đó, của ngày-tháng-năm 2003… tôi ngồi ủ rũ như tượng
đá trong lòng chiếc máy bay mà các nhân viên phi hành nói quá rành ngôn ngữ Việt:
-Kính thưa quý khách, chúng ta đang bay vào không phận
Việt-Nam…
Tự nhiên tôi cảm thấy sóng lưng mình lạnh buốt, và ngàn
giọt nước mắt rơi vỡ im lìm lúc nào tôi cũng không hay. Tôi đã đang được âm thầm có mặt trên đỉnh quê
hương của chính mình để khóc.
Tôi bỗng ngập ngừng tự hỏi, dù biết không ai có thể trả
lời:
-Những người đoạt quyền bên dưới có chấp nhận “sự trở lại”
bất đắt dĩ này không, cho dù mình vẫn còn nói quá rành Ngôn-Ngữ-Mẹ?
Tôi quay nhìn người nữ tiếp viên hãy còn khá trẻ, khá
xinh xắn dễ thương đang mang một chút thức ăn cuối cùng cho chuyến bay sắp về
nơi bến đậu. Em tươi cười, thân thiện
nói với tôi:
-Trông cô xanh xao mệt mỏi quá. Cô không ngủ được suốt cuộc hành trình hay
sao vậy, thưa cô?
-Cảm ơn em, tôi ngủ được chớ, chỉ có trái tim “nó” làm
reo, nên cứ thao thức một mình.
Cô bỗng nhìn tôi với ánh mắt mơ huyền hình dấu hỏi rồi
lặng lẽ quay đi.
Tại sao mình lại cất công trả lời nhập nhằng không dứt
khoát như vậy chớ? Trái tim tôi thức để làm gì trong suốt hơn mười mấy giờ
bay?...
Từ lúc ngồi yên trong lòng ghế, tâm tư tôi quay quắt với
quá khứ của một thời đáng nhớ. Một quá
khứ khá bình thường như mọi người khi đã được vui sống quãng đời tự do tự tại
trên đất nước của chính mình. Nhưng những
ngày tang thương ấy, tất cả dân chúng bên này bờ của dòng sông ô nhục đều nổi
tiếng hết mà, đúng vậy không?! Nổi tiếng
đến giặc phải sợ gom nhốt vào tù nhỏ. Nổi
tiếng đến độ phải âm thầm cỡi sóng ra đi.
Bằng mọi phương tiện có thể, những tâm hồn yêu chuộng Tự Do đã cố gắng
tháo chạy khỏi cảnh Thiên Đường Kinh Dị.
Bây giờ vì mẹ, tôi nén lòng quay lại nơi quá thân quen
mà vô cùng lạ lẫm. Nơi tôi chưa muốn bước
vào, dù biết rành đó mới chính là quê nhà thiêng liêng yêu dấu nhất. Liệu có bất trắc gì không? Thời gian này, tuy họ đã tỏ ra hòa hoãn với đối
phương vì màu xanh tươi mát của đồng đô la Mỹ, khiến mùi Tham Nhũng ngày càng nồng
nàn quyến rũ hơn, vượt xa thương hiệu nước hoa Chanel của Âu châu lâu lắm rồi. Thôi yên tâm đi nghen, mình đang cỡi mây, chắc
sẽ bình yên hơn cỡi sóng.
Nhìn lại trang phục, tôi chợt nhận ra mình là một “việt
kiều” kỳ cục nhất. Tóc cột cao đuôi gà,
mặt mộc xanh xao, áo quần màu tang giản dị, không hành lý… Tôi về nước với trái tim tan nát, đồng hành
cùng năm loại trái cây quý hiếm, đặc sản tươi ngon của các siêu cường để dâng
kính mẹ tôi.
Trôi theo dòng người, tôi bước vào phòng chờ để nhận
Landing Visa và xuất trình giấy tờ cần thiết, theo lời dặn khá kỹ càng của nhân
viên phòng bán vé ở Bolsa:
-Xin anh cho nhập cảnh…
Người thượng úy (hay thượng tá gì đó tôi không còn nhớ
rõ), cúi xuống xấp giấy tờ, rồi ngước lên chăm bẩm nhìn tôi… Lời nói rít qua kẻ răng úa vàng, giống như được
thấm nhuộm bằng hơi của thuốc lá Marlboro tư bản:
-Chị chưa được phép về Việt Nam trong lúc này đâu nhé.
Tưởng mình nghe lầm vì mệt, tôi ôn tồn hỏi lại:
-Xin anh coi kỹ giùm.
Tôi có tất cả giấy tờ cần thiết để vào Việt-Nam thưa anh.
-Chị ở nước ngoài lâu quá nên nghe không hiểu rành tiếng
Việt nhỉ? Tôi không cho phép chị nhập cảnh,
nghe rõ chưa?
Trong một phần
ngàn tỷ thời lượng, trái tim tôi đã thật
sự ngừng đập. Tôi cảm nhận như có bàn tay
vô hình của ai đó đang cố ý bóp nghẹt hai cánh phổi khiến tôi không thở được. Tôi vội bấu lấy cạnh bàn, nơi người thượng úy
đang lạnh lùng, khinh khỉnh nhìn tôi.
-Tại sao chớ? Tôi có đầy đủ những gì một người ngoài nước
cần có để vào VN, nên anh kh…
-Tôi nói không là không. Không cần giải thích. Chị tránh ra cho chúng tôi làm việc.
Trở lại chiếc ghế mà từ đó tôi đã đứng lên, tôi bắt đầu
bình tỉnh đôi chút để nhận biết tình trạng bất ổn mà mình cần kiên trì, cố gắng
để vượt qua, và tự nhủ lòng, bằng mọi giá
phải vào được ngôi nhà tuổi thơ, hầu có thể ngắm nhìn khuôn mặt dấu yêu
của mẹ lần sau cuối.
Lúc này, dường như khách trên cùng chuyến bay đã được
cho ra gần hết. Vài người khách ngoại quốc,
có lẽ cũng đã gặp rắc rối điều gì, đang thấp thỏm ngồi chờ để quay trở về bản xứ.
Lặng lẽ ngắm nhìn anh thượng úy làm việc, tôi lẩm bẩm
thì thầm với mẹ:
-Thưa mẹ, con phải vào được nhà mình đêm nay để nắm bàn
tay mẹ. Mẹ chờ con nhe mẹ.
Xuống phi cơ khoảng 10 giờ tối, lúc bấy giờ đã sắp đến
nửa đêm. Khi người khách cuối cùng của
chuyến bay ra khỏi cổng, tôi tiến tới trước mặt anh thượng úy:
-Anh muốn gì nơi tôi xin cho biết. Mẹ tôi vừa qua đời. Tôi về tiễn đưa bà, không phải đi du lịch
đâu. Anh làm ơn nghen.
Nhìn nét mặt hắn có vẻ dìu dịu đôi chút, tôi mừng thầm
nói tiếp:
-Anh xem kỹ passport giùm nghen anh, đây là lần đầu
tiên tôi trở lại Việt-Nam. Thật lòng“báo cáo anh”, nếu mẹ tôi chưa mãn phần,
tôi cũng chưa trở lại để làm anh khó xử... (đúng
ra tôi chỉ muốn nói “tôi cũng chưa thèm trở lại để khỏi bị anh làm khó dễ).
Bỗng hắn đứng bậc dậy, chỉ tay vào bảng tên đang mang
trên ngực áo:
-Chị có đọc thấy gì đây không vậy? Ai thèm làm anh em với
mấy người.
Trong một phần
ngàn tỷ thời lượng, tôi bỗng nhập tâm trở
lại bản tính bẩm sinh, ẩn trong tinh thần con dân nước Việt, nên không còn biết
sợ hãi là gì khi bị chèn ép đến chân tường:
À, thì ra anh muốn tôi gọi anh bằng cấp bực, phải không
anh “thượng úy”? Nhưng sao anh thượng úy mau quên quá vậy?! Lúc mới tiến chiếm SAIGON, các anh muốn dân chúng gọi lính miền Bắc bằng
“anh, em”- Bắc-Nam thống nhất một nhà”.
Chỉ có “lính Thiệu” tham quyền tham chức mới gọi nhau bằng cấp bậc, thượng
úy lỡ quên mau quá vậy sao?
-Chị nói đủ chưa?
Bây giờ chị muốn gì mà dài dòng lan man khiêu khích thế nhỉ?
-Ông không có bất cứ điều gì đáng để tôi muốn cả. Tôi chỉ muốn về thăm mẹ tôi thôi. Nếu được vậy,
tôi cảm ơn thượng úy nhiều vô số kể. Nói
thiệt nghen, khi biết ông cho phép gọi là Thượng Úy, tôi bỗng cảm thấy gần gũi
với ông hơn, với SÀIGON cũ của tôi nhiều lắm.
Mẹ tôi đã mãn phần, nhưng tôi biết bà còn nắm nuối mong chờ được gặp lại
đứa con ly hương lần cuối. Đây là số điện
thoại ngôi nhà tôi sẽ về, thượng úy có thể gọi để kiểm chứng “hiện trường”…
Thấy hắn lặng im như đang thưởng thức được tôn vinh bằng
cấp bậc, tôi vội vàng đưa hắn một dãy những con số điện thoại ở VN 84-9-623-18…
-Thôi được rồi, bây giờ chị ngồi xuống, viết đơn xin về
nước, tôi sẽ cho chị ra cổng.
“Xin về nước à? Trở lại tôi còn chưa muốn, còn lâu mới
xin về”. Tuy thầm nghĩ như vậy, nhưng
tôi mừng lắm, vì biết hắn sắp cho tôi vô.
(Luật lệ gì đâu, hắn chỉ muốn tỏ ra có quyền có uy hà hiếp “thứ Việt Kiều”
không thèm đút lót như tôi).
-Thưa thượng úy, tôi xuất thân là dân xứ dừa, ít được học
hành, tay cứng như rể dừa nên viết chữ tung tăng cua bò bởi không thường cầm viết. Viết đơn là viết gì vậy? Ông đọc tôi sẽ viết theo y chang, làm ơn đi
nghen ông? Như vậy sẽ nhanh gọn, và để tôi khỏi bị ông cằn nhằn xỉ vả nữa, tội
nghiệp mà ông ơi.
Chắc mặt mày tôi thảm não lắm nên hắn lại chăm bẫm nhìn
tôi. Cái nhìn khiến tôi thật sự sợ hãi
và tự nhủ, hắn còn muốn hành hạ mình đến khi nào nữa đây?! Tôi bắt đầu nghĩ đến những bàn tay nắm chặt;
những lời căn dặn chí tình của các bạn ở Mỹ trước lúc lên đường:
-Có gì bất ổn, nhớ gọi ra nghen. Cộng Đồng của mình bên này sẽ tìm mọi cách để
tiếp tay giải quyết…
Bỗng như có phép lạ, hắn mở passport của tôi ra, ngắm
nghía tấm hình tới lui một lần nữa, rồi lẫm bẫm:
-Mặt mày sáng sủa coi cũng tạm được ai ngờ lại dốt chữ,
rõ chán. Thôi được rồi, một đồng chí của
tôi sẽ giúp chị viết đơn. Nhưng phải
nghiêm túc làm việc cho nhanh gọn đấy nhé.
Tôi thầm gọi mẹ.
Mẹ ơi, chắc mẹ phù hộ nên nghe hắn nói con dốt mà con vui lắm, con hạnh
phúc lắm. Mẹ biết mà, phải không mẹ? Con
của mẹ nhất quyết phải về nhà gặp cho được mẹ chớ không đành chịu thua.
Cầm tờ giấy và cây viết họ đưa, tay tôi run vì mừng;
tay tôi run rẫy hơn vì niềm đau, vì nỗi nhục khi đặt nét bút đầu tiên lên mảnh
đất quê nhà mang tên Tân Sơn Nhất của VNCH dấu yêu thời dân còn làm chủ câu “Cộng-Hòa-Xã-Hội-Chủ-Nghĩa-Việt-Nam,
Độc-Lập Tự-Do Hạnh-Phúc”… Ngoài Cha Mẹ,
Thầy Cô, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi phải viết theo hướng dẫn của
“người anh em ngồi ngay trước mặt mà ngàn trùng xa”. Xem ra, tuổi đời của hắn còn nhỏ hơn cả tuổi
con tôi nữa trời ạ!
Tôi chính thức được vào Việt Nam tiễn biệt mẹ tôi, gần
4 giờ sáng của ngày hôm sau. Thời gian cho phép chỉ nửa tháng phù du quý báu nhất
trong đời.
Sài-Gòn chốn cũ trước mắt tôi đang phủ trọn vẹn một màu
tang. Tang đất nước, tang chiến sĩ, tang
bạn hữu, mà lại còn đang cưu mang thêm màu tang hiền-mẫu. Nửa tháng để lo đưa bà về nằm trong nghĩa
trang gia đình ở thôn làng Bến-Tre. Nhìn
chiếc ghe nhỏ xíu chở ngôi nhà cuối cùng của mẹ trôi êm trên khúc sông Vàm Ba lạc,
con đứt từng khúc ruột mẹ ơi. Dòng sông
quê hương ngày nào mẹ con mình đã bì bõm ngụp lặn theo con nước lớn ròng đượm đầy
phù sa nơi quê ngoại. Đôi lúc Mẹ ngồi
nghỉ mệt trên bờ, luôn miệng khuyến khích con tập bơi cho giỏi:
-Con ở miền sông nước mà không biết bơi, lêu lêu mắc cở
à nghen con gái…
Bây giờ mẹ bay
quá xa rồi, ai là người thay thế mẹ để khuyến khích, để tập luyện con bơi ra khỏi
từ trường miệt thị khi phải cố hết sức để bơi tới nhà từ trên đỉnh quê hương?
Mười ngày nhanh chóng trôi qua. Từ tờ mờ sáng đến tối khuya, nhìn tới nhìn
lui sắp xếp các phương tiện cho cuộc lên đường của mẹ đều đã được thực hiện
tương đối chu toàn. Vào ngày thứ mười
hai, tôi quyết định rời khỏi Việt Nam.
Dòng họ và gia đình anh chị em lưu giữ mãi, nhưng tôi không muốn làm
theo sự áp đặt của tên gác cửa chết tiệt ấy nữa. Tôi đã tạm lo xong cuộc hành trình cho mẹ. Bây giờ đến cuộc hành trình của riêng tôi, do
tôi quyết định. Thuở ấy, chốn ấy, những
con người như thế ấy, làm sao giữ được lòng người ở lại lâu hơn được nữa.
Tôi lấy vé “cỡi mây” trở về ngôi nhà dấu yêu bên Mỹ. Hành lý mang ra chỉ vỏn vẹn một tượng Phật
Thích Ca tạc bằng đá Non Nước trắng, và một tượng Phật Bà Quán Thế Âm chạm trỗ
bằng gỗ nâu, được đánh quang dầu bóng loáng tuyệt vời. Nghệ nhân của Việt Nam mình, từ nào đến giờ nổi
tiếng khéo tay. Non Nước và Gỗ Rừng, tôi
rất muốn mang theo.
Tôi trình giấy tờ, đặt thùng báu vật qua máy scan và
nhanh chóng được cho qua cổng, sẵn sàng bay khỏi quê hương. Nhìn bao quát chung quanh phòng chờ đợi, hình
như có điều gì đó làm tôi xót xa. Trái
tim tôi lại trở chứng, muốn “làm reo” lần nữa cho đở buồn ở phút cuối này
chăng?
Bước ra khỏi ghế, tiến đến trước mặt người nhân viên đã
rất nhã nhặn khi cầm pastport của tôi khi nãy, tôi đưa cho em tờ tiền năm đô la
Mỹ cuối cùng còn sót lại trong túi (tôi cũng còn chẵn .75 xu nữa), và nói với
em:
-Cô tặng em nè, đem về mua bánh kẹo cho con, hoặc muốn
làm gì tùy ý. Cô chỉ có bấy nhiêu thôi,
nhưng đây là tấm lòng của cô…
Người nhân viên chưa vội cầm tiền, chưng hửng nhìn tôi,
như thể em đã nghe lầm một điều “dị hụ” mà ở vị trí làm việc em đang ngồi, có
thể, chưa từng xảy ra trước đó. Tôi mới
loáng thoáng nghe lời cảm ơn nhỏ nhẹ của em thì một giọng nói lạnh lùng khác đã
vang lên từ phía sau lưng:
-Mời cô đến phòng hải quan để đóng thuế.
Cũng cùng lúc ấy, tiếng loa “léo nhéo” gọi mời, tất cả
hành khách hãy tuần tự bước vào lòng con chim sắt, chuẩn bị lên đường.
Trong một phần
ngàn tỷ thời lượng, trái tim tôi lại đập
trống liên hồi. Trời ạ, chuyện gì xảy ra
nữa đây hỡi Thượng Đế??!.
Những người làm việc ở phòng Hải Quan lúc đó, mặt mũi
hãy còn non choẹt, chắc thuộc gia đình COCH.
Hẳn là như thế.
-Các chú muốn tôi đóng kiểu thuế gì?
-Tại sao chị dám mang đồ quốc cấm ra khỏi nước?
-Đồ quốc cấm là thứ gì chú nói rõ và nhanh dùm một chút, đến giờ tôi phải
lên máy bay rồi.
-Một bức tượng bằng đồng đen.
-Ở đâu?
-Đang nằm trong chiếc Samsonite của chị đây chứ đâu.
Hắn nhìn tôi chăm bẩm đầy khiêu khích, giống hệt ánh
nhìn của tên thượng úy mười hai ngày trước, như để áp đảo tinh thần của kẻ tội
đồ. Tôi đâu có tội gì để bị gọi là phạm
mà phải sợ.
Nhưng tôi rất sợ bị trễ chuyến bay. Tôi
không muốn dằn co với chúng nữa. Cầm
chìa khóa, tôi mở vội chiếc va li có tượng Phật, đang được chúng để trước mặt,
đẩy mạnh về phía tên trưởng nhóm:
Đây là tượng đồng đen của Xã-Hội-Chủ-Nghĩa
các chú sao?
Nhìn nét mặt của hắn lúc ấy, tôi bỗng nhớ đến lời chọc
ghẹo của mẹ tôi:
-Lêu lêu mắc cở à nghen…
Có lẽ quê quá mất khôn, ngập ngừng một chút, hắn nói tiếp:
-Mặc dù là tượng đá trắng, chị cũng phải đóng thuế xuất
khẩu.
Sợ trễ chuyến bay, tôi thành thật
đề nghị:
-Tôi còn chẳn .75 xu nếu chú muốn lấy, còn không chịu,
vui lòng trả tiền lại vì tôi phải đi rồi…
Vừa nói, tôi vừa nhẹ nhàng đặt vội tấm hóa đơn có in rõ
số tiền tôi trả ở gian hàng bách hóa, đậm chữ Export Center màu đỏ chói chang
nhức mắt, như màu “độc lập tự do” lúc tôi viết tờ đơn; có luôn hàng chữ nhỏ
“không cần đóng thuế“ bên góc trái mảnh giấy úa vàng như lá chết tàn Thu.
Loa phóng thanh lại vang rền, lần này gọi thẳng tên
tôi:
-Mời bà…
Thấy không sơ múi được gì, lại nghe loa gọi dồn dập,
tên trưởng nhóm đành vội nói:
-Thôi chị đi đi. Lần đầu chúng tôi
tha. Lần sau nên biết điều một chút nhé.
Tôi vui vẻ trả lời trước lúc… lưu luyến chia tay:
-Cảm ơn các chú tha tội. Nếu có lần
sau, tôi sẽ ráng giữ lại chút ít tiền lẻ, đủ để mua vui từ các chú. Tôi xin hứa chắc mà.
Mười hai ngày ở
cuộc “trở lại quê nhà” của tôi đầy bất trắc, bất hạnh và bất như ý. “Con nhỏ” chậm ăn chậm nói, bị cuốn vào môi
trường phải dạn ăn dạn nói để sinh tồn.
Lòng tôi đầy tiếc nuối những ngôn từ lịch sự, ngọt ngào êm ái nên dùng cẩn
trọng mỗi lần trao đổi với tha nhân. Mẹ
ơi, Thầy Cô ơi, con đã bị “gần mực thì đen” rồi… Bấy giờ, một lần nữa, tôi đang từ từ rời khỏi
vòm trời Quê Mẹ. Tình Mẹ thương con đứt
từng đoạn ruột bao nhiêu thì giờ con xa Mẹ, ruột con cũng đoài đoạn rệu rã từng
chùm như thế ấy, bởi con đang dần xa cả hai bà Mẹ dấu yêu cùng một lúc, các Mẹ
của con ơi!
Bên ngoài cửa kính phi cơ, mây âm thầm bay như luân vũ,
vô ưu… huyền hoặc bay. Tôi buồn. Trong tôi chất ngất nỗi buồn, dạt dào hắt hiu
ở từng thời điểm. Nhớ lúc muốn chạy đến
ngắm ngôi trường GIA-LONG Xưa rồi bất chợt đổi ý vì thấy thấp thoáng đám nam
sinh ở đó. Không biết tìm ai quen để hỏi
về cây mít già bên hông trường, cạnh phòng bà Hiệu Trưởng, vẫn tươi tốt như xưa
hay đã mất gốc luôn rồi?
Còn biết bao nhiêu chuyện buồn bất định, lẫn khuất
trong từng ngõ ngách tâm tư của con người đang trên đường ly xứ. Tôi bỗng nhớ đến các nhân vật trong tác phẩm
của nữ sĩ Quỳnh Dao- Hải Âu Phi Xứ, nhớ các trang Nhật Ký của cô bé Anne
Frank. Tôi cũng hồi tưởng về cuộc đời của
các nhân vật trong Dr. Zhivago, cuốn phim tôi ngồi xem đi xem lại nhiều lần ở
Rex. Thôi nhé cánh chim ly xứ, bay đi bay đi, bay về khung trời Tự Do của mi
đi.
Sau khi đổi chuyến bay ở Seoul, tôi chợp mắt được đôi
chút, bình yên được đôi chút. Trái tim
tôi mĩm cười thoải mái trong giấc ngủ liu riu, không làm reo nữa, vì Nó biết,
Nó sắp sửa được trở về nhà.
Xuống phi trường Los Angeles, có hai lối đi ra. Với chiếc Samsonite nhỏ xíu, tôi thông thả đi
vào ngõ hành lý không cần khám xét. Người
nhân viên gát cổng, thoáng nhìn tôi khi ông mở passport:
-You stayed only twelve days in Vietnam?
-Yes, Sir.
-How come?
That’s your homeland.
-It’s very hard to explain, Sir. The Commumist Government allowed me to stay
only for fifteen days. But after I had
done all the things that I needed to do, I wanted to leave as soon as possible.
Therefore, I only stayed there for twelve days, Sir.
Người nhân viên Hải Quan Mỹ, mập, lùn với ánh nhìn khá phúc hậu ấy, như một
người anh lớn, đã dang rộng đôi cánh tay hộ pháp, ôm chầm lấy tôi, vỗ nhè nhẹ
lên đôi vai gầy yếu, mũn mĩm cười theo lời nói khe khẽ bên tai:
-Welcome HOME,
Sweetie Pie.
Trong một phần
ngàn tỷ thời lượng, những giọt nước mắt
tủi thân òa vỡ, cùng với trái tim nhảy múa vũ điệu Tango mượt mà nhất, lòng thầm
cảm ơn mảnh đất đang chấp nhận sự trở về của tôi; cảm ơn nhiều lần nhiều “vòng tay giữ trọn ân
tình” của người nhân viên Hợp-Chủng-Quốc.
Trên freeway dài ngót 30 miles, từ phi trường LAX Tom Bradley của thành
phố Thiên-Thần về lại ngôi nhà ấm áp, những giọt nước mắt cứ tự nhiên tuôn tràn
tưới lên con đường hạnh phúc, sướt mướt thấm đẫm cả hai bên bờ biển Thái Bình của
quê hương, cùng tên nhưng trót lỡ đã không cùng Chính Kiến.
Trái khôn khép nép bên nguồn cội
Nhánh lá vàng ươm nỗi nhọc nhằn
Nhựa bỗng cạn khô, buồn mất nước
Đất nằm trăn trở tới trăm năm.
Nhất-Phương
*Nhạc Phẩm Vòng Tay Giữ Trọn Ân
Tình của NS Đỗ Kim Bảng & Y Vân