AI BẢO CHĂN TRÂU LÀ KHỔ?
Ngay từ khi vừa chịu chức linh mục ngài đã viết cuốn lịch sử Việt Nam Giáo Sử- tác phẩm đầu tiên về lịch sử GHCG Việt Nam từ ban đầu cho đến giữa thế kỷ XX.
Tôi gặp ngài lần đầu ở Thái Hà dịp tết năm 1988 khi ngài vừa được trả tự do sau 13 năm trong ngục tù cộng sản. Vì Thái Hà là nơi ngài đã sống 7 năm khi còn làm thầy trước năm 1954, nên ngài cùng với cha Ngô Đình Thỏa và Đinh Ngọc Quế đã ở lại đây ăn tết với cha Vũ Ngọc Bích và tôi gần 1 tháng, trước khi về Sài Gòn.
Năm sau -1989- tôi được cha Vũ Ngọc Bích gửi vào tu viện DCCT Sài Gòn ở đường Kỳ Đồng. Thế là chúng tôi lại có dịp chung sống với nhau. Bấy giờ công an cấm những người như ngài và tôi- không có hộ khẩu- ngủ qua đêm tại tu viện. Vì thế khoảng 8 mỗi tối tôi chở ngài về chỗ ngủ nhờ ở nhà 1 giáo dân và khoảng 4g45 sáng khi tôi đi qua chỗ ngài ở thì lại chở ngài đến tu viện.
Trong mấy năm ở chung tại tu viện Kỳ Đồng, ngài kể cho tôi nghe nhiều chuyện đau khổ trong tù trong đó cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Tôi nhớ mỗi lần kết thúc một câu chuyện ngài lại nói: “Đó là chuyện tôi sẽ viết khi đáp máy bay xuống phi trường Washington!”
Ngài đã viết thật. Năm 1991 ngài sang Hoa Kỳ theo diện HO và năm 1994 ngài đã xuất bản cuốn hồi ký có tựa đề là “AKA và Thập Giá. Ai thắng ai?”viết về 13 năm sống trong ngục tù cộng sản và gửi về VN tặng tôi một bản. Nhân dịp 30 tháng 4 tôi xin trích vài trang kể về hai "tai nạn" khi ngài đi chăn trâu lúc ở tù.
***
(....) Chúng tôi chia tay nhau mà lòng đầy phấn khởi, và cũng vì phấn khởi mà tôi leo lên lưng trâu cỡi, tôi vừa cỡi trâu vừa nghêu ngao ca bài của Phạm Duy:
Tôi vừa ca đến đây thì tôi nghe tiếng quen quen:
- Tụt, tụt, anh tụt khỏi lưng trâu ngay lập tức.
Tôi nhận ra tiếng của cán bộ quản giáo của tôi. Tôi lanh lẹ cầm đuôi trâu tụt xuống khỏi lưng nó. Cũng lúc ấy cán bộ xông tới gần tôi, tôi nghĩ là ông ta muốn đánh tôi, tôi nói:
- Yêu cầu cán bộ đứng xa tôi 3 mét.
Sở dĩ tôi nói như vậy vì trong nội quy của nhà tù, tôi không được đứng gần cán bộ 3 mét.
Ông cán bộ đăm đăm nhìn tôi như muốn ăn sống tôi làm tôi nhớ lời trong thánh vịnh:
- Anh có biết anh là gì không?
- Thưa cán bộ tôi là Phan Phát Huồn.
- Phan Phát Huồn là cái thớ gì? Anh là tư sản là tanh hội là xấu xa, anh biết chưa?
Tôi không trả lời cho câu hỏi ấy. Ông cán bộ hỏi tôi tiếp:
- Anh có biết con trâu này là gì không?
- Thưa cán bộ có, về mặt sinh vật học con trâu này là một con vật có 4 chân thuộc loài có vú.
Nghe tôi nói có vẻ lạ tai, ông ta trợn đôi mắt tròn xoe rồi ông ta khạc nước bọt lên trên nền đất tỏ vẻ bất mãn:
- Cà chớn, ai lại không biết con trâu này có 4 chân thuộc loài có vú, cha cố gì mà ăn nói tục tĩu, điều mà anh cần phải nhớ, phải ghi lòng tạc dạ: con trâu này là một con trâu xã hội chủ nghĩa, và anh là tư bản chủ nghĩa, vậy mà anh dám đưa cái đít thối tha tư bản chủ nghĩa của anh, ngồi lên trên, cà lên trên lưng của con trâu xã hội chủ nghĩa. Láo.
Cán bộ nói câu ấy với tất cả tấm lòng thành của một cán bộ cộng sản lúc ông ta tưởng rằng lý thuyết của ông ta bị xúc phạm.
- Vậy bây giờ anh hãy tự xử lấy.
- Thưa cán bộ tôi chẳng biết phải tự xử làm sao cả.
- Học tập như anh quá kém, làm sao lên lớp được, anh đem trâu xuống suối tắm, giải tỏa cho lưng nó sạch mùi xú uế.
- Thưa cán bộ sáng hôm nay đài khí tượng cho biết tại Yên Bái là 5 độ C, đem trâu xuống suối tắm thì cả trâu lẫn người sẽ đều bị bệnh. Vậy tôi xin cán bộ cho phép tôi lấy lá khô xung quanh đây chùi lưng trâu với mục đích giải tỏa cho lưng trâu sạch mùi xú uế.
Cán bộ suy nghĩ chốc lát rồi trả lời ngắn gọn:
- Được!
Thế rồi tôi hái lá khô chùi lưng trâu, vừa chùi vừa cười thầm trong bụng về cái công tác kỳ cục này. Sau đó tôi lại tiếp tục nghề chăn trâu của tôi. Một hôm cán bộ đến gần tôi và nói rằng:
- Anh Huồn, anh biết là sắp đến ngày quốc khánh mồng 2/9 không? Anh lựa con trâu nào coi được, trao cho nhà bếp làm thịt cho trại viên ăn.
Tôi lựa một con thật béo tốt và tôi để trong trí tôi, không cho ai hay biết. Tôi lựa một con thật béo là cốt ý cho anh em bồi dưỡng chứ không phải để mừng ngày 2/9 vì ngày ấy đối với tôi là một ngày toàn dân bắt đầu làm thân trâu ngựa để phục vụ cho một chế độ độc tài, độc đảng, độc ác.
Sáng mồng 2/9 tôi vào chuồng trâu để đưa con trâu tôi đã chọn trao cho nhà bếp làm thịt, thì nó nhìn tôi và tràn trụa nước mắt, thấy vậy tôi về trại cáo bệnh và tôi xin bác sĩ cho tôi nghỉ ngày hôm ấy, như thế tôi tránh được việc dẫn trâu đến lò sát sinh vì tôi không muốn chứng kiến cái cảnh đau thương dù là của một con vật.
Chiều đến chúng tôi được một bữa cơm thịnh soạn với thịt trâu, anh NSX linh mục tuyên úy Quân khu 3, bạn đồng nghiệp của tôi, nằm khít bên cạnh tôi, là người bạn giúp đỡ tôi trong suốt thời kỳ tôi đau ốm, chúng tôi cùng ngồi ăn chung với nhau suốt thời kỳ ở Yên Bái. Hôm ấy ăn món thịt trâu xong, tôi để xương vào đĩa định đem đi đổ thì anh NSX không cho và anh lấy hết đĩa xương ấy ngồi mút thật ngon lành, rồi một buổi chiều kia anh NSX đưa tôi lên bệnh xá nhận thuốc bổ của gia đình anh gởi và bắt tôi uống, có lẽ đó là cách anh trả xương trâu lại cho tôi! Anh em chúng tôi ở với nhau thật tình như thế đấy.
Lâu lâu các linh mục BĐH và mục sư ĐVL cũng ghé thăm tôi, và một hôm các anh đề nghị với tôi, tổ chức đại hội trâu, thật là một ý kiến tuyệt vời. Đến ngày ấn định chúng tôi cùng kéo nhau lên đỉnh núi cầu nguyện, để đàn trâu ăn cỏ dưới chân núi. Đứng trước cảnh trời bao la, một màu xanh biếc, chúng tôi cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm thư thái, và quên hết tất cả những nỗi lo âu, phiền toái của cuộc sống ở chốn nhà tù việt cộng âm u. Thế rồi không ai bảo ai, chúng tôi cất tiếng hát:
Chính lúc đó một tiếng từ trong bụi quát ra:
- Làm gì có Chúa mà gần các anh, chính tôi, tôi đây, cán bộ nhân lực, cán bộ an ninh, tôi gần các anh đây, tôi bắt quả tang các anh bỏ giờ lao động, tập họp bất hợp pháp để hát những bài nhạc vàng, những bài dâm ô. Các anh xuống núi, lùa trâu về trại.
Anh Hiểu quay lui nói với tôi:
- Làm gì mà không chịu ngó trước ngó sau!!
- Lỡ rồi biết sao được.
Lúc xuống núi tôi nhìn quanh quẩn nhưng không thấy đàn trâu của chúng tôi đâu cả, tôi đâm lo, người xưa nói thật đúng: Họa vô đơn chí, nhưng may cho tôi, tôi thấy được dấu chân trâu và tôi lần mò đi theo lối chân ấy, lúc tôi tới cuối ruộng mía, tôi thấy đàn trâu đang bị buộc ở đấy, bỗng trong ruộng mía một cụ già xông ra, tay cầm bó mía, vừa chạy vừa chửi:
- Mẹ kiếp nhà mày, chúng mày cho trâu ăn mía nhà ông. Ông phang cho vỡ sọ bây giờ.
Ông vừa chửi vừa chạy nhanh về phía tôi, vấp phải một hòn đá ông ngã lăn quay ra, miệng cạp phải đất, bó mía rơi khỏi tay ông nhưng miệng ông vẫn nói: “Ông phang vỡ sọ nhà mày”.
Tôi chạy tới đỡ ông dậy, ông hơi trầy gối, tôi lấy thuốc đỏ trong túi tôi xức cho ông, vì khi chúng tôi đi lao động chúng tôi luôn mang theo thuốc đỏ và thuốc trị rắn cắn, đồng thời tôi xin ông cho tôi chuộc lại bầy trâu. Bây giờ ông không còn hung hăng nữa, ông chấp nhận đối thoại, ông hỏi tôi:
- Anh có gì mà chuộc?
- Cháu có áo tây gi.
- Áo tây gi là áo gì?
- Là áo chúng cháu đang mặc đây.
Ông nhìn chúng tôi một chốc rồi ông nói:
- Được, các anh trao cho tôi.
Chúng tôi cởi áo chúng tôi ra, xót xa như bị lột da vậy, vì đây là một gia tài đối với tù nhân như chúng tôi. Ông nhận lấy áo chúng tôi, xem đi xem lại rồi bảo tôi:
- Cả quần của các anh nữa.
Chúng tôi dành phải tụt quần trao cho ông, nhưng riêng đối với tôi, tôi còn một chiếc quần đùi, mà quần đùi của tôi chỉ còn khả năng che phía đằng trước. Lấy xong bộ đồ tây gi của 3 anh em chúng tôi, ông nhìn tôi và nói:
- Áo lót của anh nữa!
Biết làm sao bây giờ, tôi cũng phải chiều lòng ông cởi chiếc áo lót duy nhất của tôi cho ông, sau đó thì ông đăm đăm nhìn tôi rồi ông hỏi tôi:
- Anh là công giáo à?
- Vâng cháu là công giáo và còn hơn thế nữa.
- Hơn thế nữa nghĩa là gì?
- Cháu là linh mục.
- Cháu là linh mục?
Nói câu ấy xong, tôi thấy một sự thay đổi rõ rệt trên nét mặt, đôi mắt ông trở nên đỏ ngầu, ông chấp hai tay lại và ông van nài tôi:
- Lạy cha, xin cha tha tội cho con, thưa cha thật tình là con không biết, lúc cha cởi áo thun ra, con thấy cha đeo thánh giá, con chỉ nghĩ rằng cha là một giáo hữu thường, con đâu có ngờ là linh mục.
Rồi ông gọi thằng con ông:
- Tuấn, mày đem nồi khoai ra đây cho tao.
Ông cụ già chẳng những hoàn lại cả bầy trâu cho chúng tôi, mà còn biếu chúng tôi một nồi khoai nóng hổi, thảo nào các em thường hát: Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ!
Phan Phát Huồn
No comments:
Post a Comment