Sunday, May 4, 2025

TỪ THÁNG TƯ ĐEN ĐẾN LÒNG BIẾT ƠN ĐẤT NƯỚC HOA KỲ (LUẬT SƯ- NGUYỄN QUỐC LÂN)

 Từ Tháng Tư Đen Đến Lòng Biết Ơn Đất Nước Hoa Kỳ

                                        Luật Sư Nguyễn Quốc Lân
                                                               
Inline image

Đã 50 năm rồi. Saigon mất ngày 30 tháng 4 năm 1975 lúc tôi lên 10 tuổi. Khi hòa bình tưởng như đã trở lại trên quê hương sau nhiều thập niên chiến tranh, tôi ôm vào người một  lý tưởng xây dựng lại một đất nước bị tàn phá vì chiến tranh cho dầu những người chung quanh bị ruồng bắt vào các trại tù “cải tạo”, đầy đi vùng “kinh tế mới” hay đuổi ra khỏi nhà của chính họ, công việc hay trường học chỉ vì họ hay gia đình có liên hệ nào đó với chính quyền trước.

Trong những thực tế khắc nghiệt nhất dưới chế độ mới, tôi đoạt được giải nhất trong cuộc thi viết văn toàn tỉnh với bài luận văn lập luận rằng “Thắng người Mỹ hôm nay, chúng ta sẽ xây dựng đất nước 10 lần lớn hơn.” Nhưng vinh dự được thắng giải luận văn đó đã đưa tôi trở lại với một thực tế đổi đời dưới chế độ cộng sản. Giải thưởng đã được tước khỏi tay tôi chỉ vì bố tôi vẫn còn trong trại tù cải tạo. Cô giáo của tôi đã chống lại và suýt nữa bị đuổi việc.

Cũng thời gian đó, một vị thầy giáo khác của tôi, Thầy Nguyễn Bảo Trợ, bị đưa ra tòa xét xử trong phiên tòa được dựng lên ngay trong sân trường để răn đe những thành phần trí thức khác. Thầy bị buộc tội tham gia tổ chức kháng chiến để lật đổ chính quyền. Một cán bộ cộng sản đóng vai luật sư, nhưng người này chỉ toàn khuyên răng Thầy hãy nhận tội để được khoan hồng từ Đảng và nhân dân. Tới khi Thầy Trợ được phát biểu như là một bị cáo, Thầy chỉ dõng dạt nói rằng những gì Thầy làm không phải là tội phạm, nhưng chỉ là hành động yêu nước. Ngay lập tức, micro của Thầy bị cắt và Thầy bị đẩy vào một xe bít bùng đang đậu ngay bên cạnh sân khấu. Phiên tòa chấm dứt mà không có sự giải thích nào.

Hai sự việc này khởi động một quyết tâm trong tôi là phải làm điều gì đó cho quê hương để những bất công này không còn xảy ra nữa cho bất cứ ai. Một thời gian sau đó, tôi lên tàu vượt biên để trốn khỏi Việt Nam cùng với gia đình. Với lời từ biệt một người bạn, tôi trao lại một vài kỷ vật quí giá cùng với một mật hiệu mà tôi sẽ dùng khi tôi trở về để tham gia kháng chiến cho Việt Nam.

Cả gia đình tôi, kể cả mẹ và 7 anh em, lên một chiếc thuyền đi ra đại dương bao la mà không biết đi đâu ngoại trừ trốn khỏi Việt Nam. Tôi còn nhớ khi chiếc thuyền ra đến hải phận quốc tế, một người trên thuyền tuôn ra “Đụ má Hồ Chí Minh.” Lời phát biểu mạnh bạo đó cho tự do vẫn còn ấn tượng trong tôi cho tới ngày hôm nay.

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, tàu đã cạn dầu. Đến một lúc khủng hoảng, người anh của tôi, một sinh viên bị đuổi học khỏi trường đại học, quyết định tiếp tục trôi dạt với hy vọng được vớt bởi các thuyền bè đi qua thay vì trở lại Việt Nam. Tôi chứng kiến mẹ tôi chấp nhận vận mạng cùng với tất cả những người con trên chuyến tàu mà  không một biểu hiện trên sắc mặt.

Chỉ là một sự may mắn tình cờ trên biển cả mênh mông, chúng tôi gặp được một chiếc tàu nhỏ khác có người vượt biên nhưng có mang đầy dầu và nước. Chúng tôi rồi nhắm thẳng hướng Mã Lai và đến Trại Tỵ Nạn Pulau Bidong, và sau đó đến California năm 1980. Sau khi tốt nghiệp trung học và xin vào đại học, tôi rất kinh ngạc khi không ai hỏi tên bố mẹ hay họ đã làm gì trong nhiều năm qua cho tới khi tôi xin trợ cấp tài chánh để theo học đại học. Sau đó tôi tốt nghiệp đại học Luật Khoa tại Hastings College of Law. Lời hứa trở lại Việt Nam để chiến đấu chống lại chính quyền đã trở thành một ước nguyện phục vụ đất nước Hoa Kỳ với những gì trước mặt tôi.

Tôi bây giờ là một luật sư với hơn 34 năm và là một ủy viên giáo dục với hơn 22 năm, tôi đã tìm ra được ơn gọi để phục vụ nhiều thế hệ học sinh theo học trong học khu và cổ võ cho sự thành công của các em để xây dựng cuộc sống tốt hơn và thăng tiến cộng đồng của các em. Nếu còn ở lại Việt Nam, tôi có lẽ đã không được theo học trung học, vào đại học hay tìm được một công ăn việc làm chỉ vì gia đình tôi có lý lịch tù cải tạo. Vì lẽ đó, tôi mang một món nợ to lớn đối với đất nước Hoa Kỳ.

Tôi vẫn còn nhớ lời hứa của tôi với Đức Phật trong chuyến tàu vượt biên kinh hoàng đó, là nếu tôi sống sót, tôi sẽ dành phần đời phụ trội đó để làm những gì có thể làm được để trả lợi ân sủng được sống sót. Tôi đã nhận được cuộc sống mới tại Hoa Kỳ với nhiều ân sủng từ ngày Tháng Tư Đen đó 50 năm trước đây.

Lan Quoc Nguyen, Esq.

(714) 891-1901

No comments: