Sunday, September 20, 2015

NHỮNG GÓC KHUẤT TRONG LỊCH SỬ VN (3)

NGUYỄN MINH HỰU
Bài 5 &6

(5 of 8)  Thành Đồ Bàn và cuộc diệt vong bi thảm của dân tộc và quốc gia  Chiêm Thành
NgMHuu

Dạo đó có nhiều người Chiêm Thành (mà chúng tôi gọi họ là người Hời, giống như Chế Lan Viên trong tập thơ "Điêu Tàn" của ông, ông cũng dùng chữ  “dân Hời” chứ không thấy nói chữ “dân Chiêm”: Nỗi buồn thương, nhớ tiếc giống dân Hời !” (Điêu Tàn - 1937), đa số họ là đàn bà, họ đội trên đầu một cái gùi đan bằng mây; cái gùi nằm yên trên đỉnh đầu của họ, họ đi rất thong dong, không cần đưa hai tay lên đỡ mà cái gùi không hề rơi xuống. Người ta nói họ từ Phan Rang ra, mục đích của họ là tìm kho vàng mà tổ tiên của họ đã chôn giấu khi thành Đồ Bàn bị quân Đại Việt tiêu diệt. Không biết có đúng hay không, nhưng trong dân gian đồn đại rằng ban ngày họ ngồi tại các chợ để bán thuốc Nam chữa bệnh và bán những chiếc vòng đeo tay làm bằng đồng; ban đêm họ dọ dẫm theo bản đồ để tìm lại chỗ chôn giấu vàng của người xưa. Cũng vì lời đồn đại tai quái này mà nghe nói có nhiều người Chàm (Chiêm Thành) bị cướp cái gùi, nhưng rồi chỉ thấy trong đó toàn thuốc Nam và những chiếc vòng đeo tay làm bằng đồng, chứ chẳng có vàng bạc chi cả. 

Việc người Chàm đi đào vàng chỉ là những lời đồn đại vô căn cứ. Vì nếu như có thật, thì họ làm sao thoát được sự theo dõi của dân địa phương nơi đó? Nếu như họ đào ra vàng thì làm sao họ có thể thoát được bàn tay kẻ cướp? Ấy là chưa nói trong đêm tối làm sao họ tìm được chỗ ghi trên bản đồ, nếu có; vì sau 500 năm vật đổi sao dời, mọi cảnh quan đều thay đổi cả, làm sao mà họ có thể tìm được vàng mà khỏi bị kẻ cướp; chúng ắt phải theo dõi, rình rập họ. Do đó, những lời đồn đại ấy đều phi lý và còn đem lại cái hại cho họ nữa. Họ chỉ cực khổ mưu sinh khi vượt bao nhiêu đường xa từ Phan Rang ra các tỉnh ngoài Trung để bán các loại rễ cây và củ do họ kiếm được trên rừng vùng Phan Rang để làm thuốc Nam chữa bệnh và những chiếc vòng đeo tay làm bằng đồng mà thôi. Quá tội nghiệp!!! 
  
Thành Đồ Bàn cách thành phố Quy Nhơn 20 cây số, thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, quận An Nhơn tỉnh Bình Định. Thành cổ nguyên thủy chỉ còn một mảng nền gạch rêu phong; khuôn viên còn mấy đoạn tường đá ong, cỏ lấp bìm leo và vài ngọn tháp Chàm ở khuôn viên bên ngoài (như tháp Cánh Tiên). 
  
Những di tích kiến trúc khác mà ta thấy trong mấy tấm hình dưới đây đều là kiến trúc mới xây trong thời Tây Sơn, khi Nguyễn Nhạc xưng Vương và đóng đô tại thành này rồi đổi tên là Hoàng Đế Thành vào năm 1776. Nguyễn Nhạc cho xây thành Hoàng Đế lên trên khuôn viên của thành Đồ Bàn đã bị đập phá tan hoang trong những thế kỷ trước, là lúc thành này thất thủ trước đạo binh của vua Lê Thánh Tôn thân chinh Nam phạt năm 1471.

Rồi đến khi vua Gia Long diệt xong Tây Sơn, một lần nữa thành này bị tàn phá thảm thương bởi triều đại Gia Long nhằm xóa dấu vết Tây Sơn tại tỉnh Bình Định, khiến cho Hoàng Đế Thành cũng chịu chung số phận của thành Đồ Bàn vì cái đầu óc hẹp hòi đố kỵ của người Việt mà bao nhiêu di tích lịch sử đã bị phá nát tiêu tan.
  
Di tích Chiêm Thành còn sót lại (tượng con voi):

Thành Đồ Bàn còn lại chút nền đất rêu phong với một vách tường bằng đá tổ ong (hàng rào bên phải là kiến trúc mới dựng lên sau này):
   
Tháp Cánh Tiên (đã được trùng tu sau này, góc cạnh sắc nét, với những chi tiết nhỏ hơn bàn tay được tạo dựng trở lại, làm mất đi cái nét rêu phong hoang phế rất cần cho một di tích lịch sử. Đó là sự thiển cận của kẻ ra lệnh trùng tu di tích lịch sử. Nếu là của Việt Nam thì chắc chắn Giác Đấu Trường La Mã đã được xây mới toàn vẹn trở lại rồi

(theo cao trào trùng tu di tích thì còn đâu là di tích lịch sử nữa):     
   
Di tích Hoàng Đế Thành:
Nguyễn Nhạc cho xây hồi năm 1776 ngay trên khuôn viên của thành Đồ Bàn: (Có nhiều người chụp hình những kiến trúc này rồi bảo rằng đó là di tích của thành Đồ Bàn):

Trong thời Bắc Thuộc Lần Thứ Nhất (sau khi nhà Hán của Lưu Bang diệt nhà Triệu (của Triệu Đà trên đất Nam Việt), và nhiều thế kỷ trước cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng) thì nước Chiêm Thành (lúc ấy ta gọi họ là nước Lâm Ấp) đã có quân lực hùng mạnh rồi, thường hay sang đánh phá ở biên giới và vùng Thanh Hoá của Giao Chỉ Quận. Đến thời Đinh Bộ Lĩnh nước ta đã bắt đầu giao tranh với nước Lâm Ấp nhiều lần. Đến thời Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành nối nghiệp nhà Đinh sau khi Đinh Bộ Lĩnh và con là Đinh Liễn bị Đỗ Thích ám sát) thì Vua Lê Đại Hành đích thân đem binh Đại Cồ Việt vào đánh Lâm Ấp thẳng vào tới Quảng Nam phá vỡ kinh đô của Lâm Ấp (Chiêm Thành) tại đó vào năm 982. Vua quan Lâm Ấp bỏ kinh đô ở Quảng Nam chạy vào Bình Định và xây dựng Thành Đồ Bàn làm kinh đô mới tại đây từ năm 982.
   
Rồi trong các triều đại tiếp theo (Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê) nước Đại Việt luôn luôn có chiến tranh với Chiêm Thành. Lúc bấy giờ nước ta đã chiếm đất vào đến Quảng Nam rồi. Đặc biệt trong thời nhà Trần, có lần vua Chiêm là Chế Bồng Nga đem quân ra đánh tới kinh đô Thăng Long của ta. Rồi vua Trần Duệ Tông đích thân Nam chinh nhưng đã bị Chế Bồng Nga đánh bại, vua Trần Duệ Tông bị giết.
     
Đến năm 1470 vua Lê Thánh Tôn (nhà Hậu Lê) thân chinh Nam phạt đã phá vỡ phòng tuyến của thành Đồ Bàn và tàn phá kinh đô này ngày 2 tháng 3 năm 1471. Vua tôi Chiêm Thành phải chạy vào Phú Yên.
    
Rồi cuộc Nam tiến của nước Đại Việt cứ tiếp diễn qua các triều đại. Đến thời chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) thì Chiêm Thành chỉ còn lại vùng Phan Rang, Phan Rí.
   
Và rồi nước Chiêm Thành hoàn toàn bị xóa sổ trong thời vua Minh Mạng, vào năm 1832.
   
Dân tộc ta, tiền nhân ta đã quá tàn ác, đã tiêu diệt trọn vẹn một dân tộc, một quốc gia láng giềng thay vì giúp họ tồn tại.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

(6 of 8) Đức Thánh Trần vì nước quên thù nhà. Đó là thù gì?
 NgMHuu
    
Bài nầy đưa ra một đoạn tóm tắt về sự kiện Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã vì đất nước mà quên thù nhà, không chịu thực hiện lời hứa của Ngài khi thân phụ của Ngài lâm chung đã trăn trối với Ngài.
  
Tại sao lại có lời trăn trối ấy, và đây là chi tiết của vấn đề [tham kho theo "Phả Tộc Trần" tại thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa, do Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc (*) biên soạn (tham kho cho phần mở đầu) và Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên (cho các phần sau)].

Trần Thủ Độ (1194 – 1264) Cướp Ngôi Nhà Lý

Theo "Phả Tộc Trần", tại thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa, do Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc biên soạn, thì Trần Thủ Độ là con duy nhất của Trần Thủ Huy, một tướng giỏi đời vua Lý Anh Tông, nên được nhà vua gả công chúa Lý Đoan Nghi làm vợ. Công chúa Lý Đoan Nghi là con của vua Lý Anh Tông với bà thần phi Bùi Chiêu Dương, nên Trần Thủ Độ là cháu ngoại vua Lý Anh Tông, là con của Phò-mã Trần Thủ Huy và Công chúa Đoan Nghi (con vua Lý Anh Tông).
    
Trần Thủ Độ làm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ rồi Thái Sư nắm trọn binh quyền dưới hai triều vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Huệ TôngLý Chiêu Hoàng của Vương Quốc Đại Việt, nhưng lại là kẻ cướp ngôi nhà Lý (bên ngoại của ông ta) rồi thẳng tay sát hại và tiêu diệt Hoàng Gia nhà Lý; ông đã ép buộc cậu ruột của mình là cựu hoàng Lý Huệ Tông phải tự sát !!! Trần Thủ Độ quả thật là một kẻ lòng lang dạ sói, tán tận lương tâm.
      
Điểm lạ là khi soán ngôi nhà Lý cũng như khi nhà Trần đã nắm quyền, Trần Thủ Độ luôn luôn là kẻ nắm trọn mọi quyền hành trong tay, nhưng ông ta lại không lên làm vua, mà lại lập người cháu trong dòng họ Trần của mình (con của Trần Thừa), chứ không phải con của mình, lên làm vua, tức là Trần Cảnh hiệu là Trần Thái Tông năm 1225. Lịch sử không ghi rõ lý do vì sao Trần Thủ Độ không chịu nhảy lên làm vua mà lại trao cho người khác không phải là con ruột của mình.
    
Vì sức khỏe suy sụp và vì chịu không nổi sự lộng quyền của Thái Sư Trần Thủ Độ, Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái mình là Lý Chiêu Hoàng (mới 6 tuổi), rồi vào chùa đi tu.
   
Trần Thủ Độ âm mưu đưa cháu họ của mình là Trần Cảnh mới 8 tuổi cưới Lý Chiêu Hoàng (mới 6 tuổi) rồi Độ ép buộc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông năm 1225.

     
Mối hận thù của Trần Liễu với em là Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông)
        
Trần Liễu là thân phụ của Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trần Liễu là anh ruột của Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông do Trần Thủ Độ dựng lên từ năm 1225).
       
Năm 1237, khi đó vợ chồng Trần Thái Tông và Chiêu Thánh hoàng hậu chưa có con nối dõi tông đường, do hoàng tử Trần Trịnh mới sinh đã chết. Triều đình lo ngại hậu vận nhà Trần có thể bị mất ngôi vua như nhà Lý do không có con trai nối dõi, nên ngôi vua từ nhà Lý rơi vào tay nhà Trần.  Khi đó công chúa Thuận Thiên, vợ của Trần Liễu, đã có thai ba tháng. Trần Thủ Độ ra lệnh lập công chúa Thuận Thiên (vợ của Trần Liễu) làm hoàng hậu Thuận Thiên (làm vợ Trần Thái Tông) và giáng Chiêu Thánh làm công chúa. Vì thế, Trần Liễu đem quân bản bộ ra sông Cái làm loạn. Điều này làm cho vua Trần Thái Tông khó xử và ông đã bỏ kinh đô lên núi Yên Tử toan đi tu. Trần Thủ Độ phải đích thân lên núi mời, cộng với lời khuyên của sư Phù Vân, vua mới quay lại kinh đô.
        
Nửa tháng sau, Trần Liễu thế cô. Vì không đủ sức chống lại quân triều đình và để thoát khỏi cái chết, Trần Liễu nghĩ tới vua Trần Thái Tông, người em hết mực yêu thương mình, vì chỉ có Trần Thái Tông mới có thể cứu ông trong lúc này. Trần Liễu đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá, đến chỗ vua xin hàng. Trần Thủ Độ định chém Trần Liễu, nhưng vua Trần Thái Tông đã lấy thân mình che đỡ cho Trần Liễu nên Thủ Độ không làm gì được. Sau đó vua lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang cho Trần Liễu làm ấp thang mộc. Vì tên đất được phong, mà Trần Liễu có tên hiệu là Yên Sinh Vương (An Sinh Vương). 
       
Tuy nhiên, Trần Liễu vẫn ôm hận trong lòng và trước khi mất (1251) có dặn lại con trai là Trần Quốc Tuấn phải tìm cách đoạt lấy ngai vàng (“Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”). Trần Quốc Tuấn đã nhận lời cha, nhưng sau này ông đã không thực hiện lời trối trăn này mà lại xả thân phò vua diệt giặc Nguyên-Mông.
       
Cái nguyên nhân sâu xa đưa đến mối thù của Trần Liễu với người em của mình, thù cho đến lúc nhắm mắt vẫn còn trăn trối. Lý do là vì dù Trần Liễu cũng biết rằng chuyện bà Thuận Thiên về làm vợ vua Trần Thái Tông, những người trong cuộc đều là nạn nhân của sự xếp đặt của Thái Sư Quốc Phụ Trần Thủ Độ, kể cả Trần Liễu lẫn Trần Thái Tông đều là nạn nhân. Vua Trần Thái Tông phản đối kịch liệt, nửa đêm cùng với hai cận thần là Trần Thiêm và Trần Khuê Kình trốn khỏi kinh thành lên núi Yên Tử. Chính vua đã phản đối bằng hành động bỏ cả kinh thành lẫn ngôi vua lên núi Yên Tử với ý định đi tu. Hơn nữa, sau khi Trần Liễu dấy quân chống lại triều đình, chính vua Trần Thái Tông đã đưa mình ra che chở cho ông để khỏi bị Trần Thủ Độ giết, rồi sau đó hai anh em đã tha thứ cho nhau. Vậy tại sao Trần Liễu muốn con mình cướp ngôi vua để trả thù?
      Để tình cảm anh em có được như xưa, phải chăng Trần Thái Tông đã hứa với anh mình rằng, cho dù Trần Thủ Độ có bắt vợ của anh làm vợ mình, ở trong cung ông vẫn giữ khoảng cách giữa chị dâu và em chồng? Có lẽ Trần Thái Tông đã hứa với Trần Liễu là sẽ không phạm tới thân thể của chị dâu nên Trần Liễu mới hứa sẽ tha thứ và bỏ qua cho vua Trần Thái Tông chăng?
      
Thế nhưng sau khi hoàng hậu Thuận Thiên sinh Trần Quốc Khang, đứa con mà bà mang thai trước với Trần Liễu, thì bà tiếp tục đẻ thêm những người con khác với vua Trần Thái Tông như Trần Hoảng (sau này kế nghiệp vua cha Thái Tông, đó là Trần Thánh Tông), Trần Quang Khải, Trần Nhật Vĩnh, và Trần Ích Tắc. Có thể đây là nguyên nhân chính làm cho Trần Liễu vẫn còn hận em mình cho đến chết vì ông cho rằng cái lỗi này không còn là lỗi của Trần Thủ Độ nữa mà là do đứa em trai mình, tức vua Trần Thái Tông đã không giữ được khoảng cách chị dâu với em chồng như đã hứa với Trần Liễu.
 - - - - - - - - - - - - - - - -
(*) Đôi dòng vắn tắt về Trần Ích Tắc: Trần Ích Tắc là con út của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh).  Trần Ích Tắc phản bội triều đình, chạy theo quân Nguyên và được nhà Nguyên phong vương (là Chiêu Quốc Vương) và sống lưu vong tại Trung Hoa (tại thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa). Tuy là một kẻ tội đồ của dân tộc Đại Việt, nhưng ông ấy là một học giả, một sử gia lừng lẫy đời nhà Trần, là một người học rộng, văn hay chữ tốt, thông minh, hiếu học, tinh thông kinh sử nên ganh tị với người anh cả là Trần Hoảng đã được vua cha Trần Thái Tông chọn lựa nối ngôi (tức là Trần Thánh Tông), ông Tắc bèn đem cả vợ con chạy theo giặc Nguyên Mông để mong được giặc đặt để lên làm vua bù nhìn. Ông được Hốt Tất Liệt (vua Mông Cổ nhà Nguyên) phong ông làm "Chiêu Quốc Vương". Ông sống lưu vong tại Trung Hoa cho đến khi mất lúc 76 tuổi vì quân Nguyên Mông sau 3 lần tấn công Đại Việt đều bị đại bại nên mộng làm vua bù nhìn của Trần Ích Tắc không thành.

* * * * * * * * * * * * * * * * * * *

No comments: