Monday, September 16, 2024

NHỮNG MÙA TRUNG THU (DƯ THỊ DIỄM BUỒN)

 NHỮNG MÙA TRUNG THU

 


DTDB

 

Em ra đời mùa thu năm 1970, vào ngày rằm tháng tám Âm lịch. Đem

so với ngày dương lịch đúng y chang trong tờ giấy khai sanh của em. Mẹ

thường kể cho cả nhà nghe, vào những lúc vui vẻ, hạnh phúc hay là ngày

mừng sinh nhựt của em, mẹ thường bảo:

- Nằm trong nhà bảo sanh mẹ nghe tiếng hò, tiếng hát, tiếng reo vui

rộn rã của thiếu nhi cùng tiếng phèng la, tiếng chiên trống múa lân của đoàn

dâng cộ đèn mừng Tết Trung Thu, hay Tết Nhi Đồng của nước ta thuở đó,

vào thời Việt Nam Cộng Hòa. Theo lẽ mẹ đặt cho con cái tên là Thu, là

Nguyệt, là Hằng, là Nga, là Thu Nga, là Thu Hằng, là Nguyệt Thu hay Thu

Nguyệt… Mới đúng nghĩa với ngày sanh tháng đẻ của con gái mẹ. Nhưng

lần về thăm đâu hai tháng trước khi con chào đời, lúc ra đi, ba đưa cho mẹ

phong thư, bảo chừng nào làm khai sanh thì dở ra mà xem... Trong thư, ba

đã đặt cho con cái tên rồi!

Mẹ em chép miệng trầm ngâm một hồi, tiếp:

- Quê hương mình chinh chiến triền miên. Ba con theo đơn vị đóng

quân mãi ở miệt rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ… tận Cà Mau lận. Tội

nghiệp ba, biết khoảng giữa tháng đó đứa con đầu lòng chào đời, mà ông

hằng mong đợi nhưng vẫn không ở nhà được, để nghe “Con khóc oa, oa…

khi lọt lòng mẹ. Còn ông bà, họ hàng thì cười tươi vui mừng đón con…”

Em lớn khôn dần trong vòng tay mẹ, tình thương yêu vô bờ của hai

đấng sanh thành. Ba em làm lính chiến luôn xa nhà, cả trong những mùa

Trung Thu là ngày ra đời con gái cưng của mình, mà ông cũng ít khi có dịp

về nhà vui với vợ con...

Rồi mùa Trung Thu năm em vào học lớp Năm (lớp một) của trường

nữ Tiểu học Trưng Vương. Đó là ngôi trường nữ, hai tầng có vách tường,

mái ngói màu gạch tôm, khang trang nằm trên đường ông bà Nguyễn Trung

Long (Mỹ Tho). Đường nầy đi ra bến bắc Rạch Miễu qua sông có nhiều cồn

nhỏ, cồn lớn… cồn Ông Đạo Dừa, rồi đi về tỉnh Bến Tre...

Địa phận tỉnh Định Tường có Thành phố Mỹ Tho, nổi tiếng hiền hòa

nằm mơ màng trên nhánh của dòng sông Cửu Long… Mà những câu hò, câu

hát bình dân khen ngợi ở nhiều khía cạnh nào đó về thành phố thanh bình và

êm ả nầy: “Mỹ Tho đẹp lắm, đi tắm Cầu Dầu/ Anh hỏi em đang ở nơi đâu?

Để cha mẹ anh đến cau trầu cưới em…” Hoặc: “Mỹ Tho có kẹo hột điều/ Có

cô thôn nữ mỹ miều dễ thương/ Ai về Chợ Cũ, Trung Lương/ Hồng đào chín

mộng, có đường mạch nha/ Đêm thu đẹp ánh trăng ngà/ Mái chèo dưa đẩy

qua nhà thăm em…” Và miệng truyền miệng trong dân gian: “Đèn Sài Gòn

 

ngọn xanh ngọn đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu/ Anh về học lấy chữ nhu/

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ…”

Ở xứ mình, thường tiệm buôn bán trong các chợ, chủ nhà ở phía sau,

hoặc trên lầu, còn phía trước, mặt tiền thì bày hàng để buôn bán.

Mỗi năm, cứ vào cuối tháng sáu, đầu tháng bảy Âm lịch là thành phố

Mỹ Tho trong các cửa tiệm thấy rõ rệt màu sắc tươi vui rộn ràng. Bởi các

dãy phố tiệm ở chợ gần như đều trưng bày bán các loại bánh Trung Thu. Họ

còn treo bán đầy đủ các loại lồng đèn giấy màu sặc sỡ, có vẽ thêm hoa,

bướm hoặc những nét đặc biệt lên hình dáng mỗi thứ lồng đèn như: Đèn kéo

quân, đèn cá chép, đèn con rồng, đèn ngôi sao, đèn máy bay, đèn xe tăng,

thiết giáp, đèn tàu, đèn chuồn chuồn, đèn trái bí, đèn xếp…

Bánh trung thu thập cẩm có bốn trứng, ba trứng, hai trứng, một trứng

hột vịt muối để trong nhưn có lạp xưởng, thịt khô, vi cá… đó là những bánh

mặn. Còn bánh trung thu thập cẩm chay không có thịt và hột vịt, bánh nhưn

đậu đỏ, nhưn mứt… cùng bánh dẻo nhưn hột sen, nhưn đậu xanh…

Riêng em thích nhứt vẫn là bánh ông Địa. Chắc là bánh có hình dáng

như ông Địa trên bàn thờ nên gọị là bánh ông Địa? Trên đầu bánh có sợi chỉ

đỏ dài để xách trên tay, để đeo vào cổ. Bánh ông địa ăn ngọt, giòn thơm mùi

trái vị, ngũ vị hương, mùi quế… rất đặc biệt!

Trong dãy phố công chức ở ngã ba đường Nguyễn Trãi và đường ô.

bà Nguyễn Trung Long, có nhà của gia đình em. Vào tối mười ba, mười bốn,

rằm tháng tám là trẻ con đốt lồng đèn cầm tay chạy chơi quanh xóm. Nhà

nhà treo lồng đèn trong nhà ngoài ngõ, hương khói nhang, mùi bánh trung

thu thơm tho cúng ở bàn thờ Ông Thiên, cùng mùi trà Tàu, hoa, quả… thơm

lừng phảng phất trong gió thoảng bay.

Em vui vẻ tung tăng chạy nhảy, theo đuôi các bạn quanh quẩn trước

sân của năm bảy căn nhà quen biết gần bên, ở trong xóm chớ không dám đi

xa hơn. Vì mẹ đã căn dặn em từ mấy ngày trước:

- Tối con được đốt lồng đèn chơi trong vài nhà gần, để khi mẹ gọi thì

nghe mà lên tiếng… Không được đi xa, mẹ gọi không có tiếng trả lời của

con mẹ sẽ lo, thì sẽ có đòn nghe chưa...

Em vâng dạ nghe lời, vì không phải mẹ em không có lý do… Bởi gần

đây giặc giã càng sôi động… Đêm đêm Việt cộng thường pháo kích ầm ầm

vào thành phố… Đạn pháo vô tình tàn phá nhà cửa, thây phơi, máu đổ…

khiến sanh linh đồ thán, trời sầu, đất thảm. Và từ đó tuổi thơ em cũng sớm

nhuốm màu chinh chiến đau thương!

Đã hai mùa Trung Thu rồi, bận rộn ba em không về! Vì đoàn quân ba

em trấn giữ, chặn thù… khi ở Vị Thanh, Cờ Đỏ (một địa danh ở mền Tây),

khi Tịnh Biên, Đồng Tháp Mười nơi nổi tiếng “đỉa lội như bánh canh”. Còn

thường trực ở chỗ có “muỗi kêu như sáo thổi” và nhiều con vắt… Đó là

 

rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ (ở Cà Mau) Bởi ba em là lính chiến thuộc

Sư Đoàn 21/BB, còn có biệt danh nghe hay và oai hùng lắm là Sét Miền Tây

đó mà.

Hôm nay, vài ngày rằm tháng Tám “Mùa Trung Thu, Tết nhi đồng”

của chúng em. Khi trời nhá nhem chạng vạng thì phố xá đã lên đèn… Tiếng

hát vang vang rền vọng, tiếng chiên trống lân giục giã trên các nẻo đường

của thành phố, làm lòng dạ em nôn nao, náo nức, rồi em cũng nhãy lưng

tưng, hát líu lo bài ca về Trung Thu như mấy đứa nhỏ nhà kế bên…

Mấy đứa cùng xóm đến trước hàng rào nhà, rủ rê em nhập bọn đi dâng

cộ đèn, hoặc cầm đèn qua nhà chúng chơi. Nhưng nghe lời má dặn, và nhớ

ba khiến em muốn khóc quá! Em lắc đầu xua tay nguầy nguậy có ý bảo với

chúng là em không đi đâu.

Ba em đang dãi dầu ngoài trận tuyến! Với những người lính chiến như

ba thì làm sao có ngày lễ. Cho dù là lễ Tết hay phép thường niên cũng vậy, ít

khi được như ý… Ba em chợt đi, chợt đến bất ngờ ghé thăm nhà chớ không

hẹn trước khi nào sẽ trở về.

Đêm nay các nhà trong xóm đều đốt lồng đèn trước cửa. Hương trầm,

bánh, trái, hòa với mùi thơm của nước trà Quam Âm Kỳ Chưởng… Nhà nhà

ấm cúng mừng đón Trung Thu. Riêng nhà em lạnh lẽo vắng vẻ buồn tênh,

má không đốt đèn ở sân trước dù là đèn điện có bóng tròn nhỏ.

Chiều đi học về sau khi ăn cơm, má còn căn dặn em:

- Con ra sân đốt lồng đèn chơi một mình, đừng đi đâu nghe. Nhà

mình ba không về, nên đêm nay không có mừng Trung Thu. Ít bữa ba về

mình sẽ ăn Trung Thu muộn, nghe con…

Em cầm lồng đèn đi tới đi lui trong sân nhà với chú mèo tam thể,

“meo, meo…” tiếng kêu, quấn quít bên chân em. Gió hiu hiu mát rượi, đưa

đẩy cây lệ liễu hông nhà, làm những cành lá tha thướt lay động lồng bóng

trăng tròn in trên sân. Trăng thu đêm nay rực rỡ tỏa ánh sáng thanh thoát

xuống muôn loài trên trần thế, nhẹ nhàng êm ả...

Em nghe trẻ hàng xóm hát những bài Trung Thu: “…Đêm Trung Thu

em đốt đèn đi chơi… Em đốt đèn đi khắp phố phường… Đèn Ông Sao với

đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn trái bí…”

Và em còn nghe anh chị con nhỏ Bạch Nhạn nhà bên cạnh hát ca...

khiến em ganh tị thấy mắc ghét lắm! Em cũng biết hát vậy chớ bộ! Em liền

rống họng, cất tiếng hát lanh lảnh, vang vang... cố tình cho tụi nó ngán chơi:

“Hôm nay đêm rằm, rằm là rằm tháng Tám? Ông Trăng kia đã lên

cao rồi ông nhìn chúng em ông tủm tỉm cười! Ông Trăng ơi, nầy ông Trăng

ơi, xuống đây với chúng em cùng vui chơi! Ông Trăng ơi nầy ông Trăng ơi,

Xuống đây chúng ta cùng ca hát vang trời… Có chi nữa không? Có trống

ếch cà lùng tùng xèng… Có chi nữa không? Có bánh ngọt thơm phưng

phức… Có chi nữa không? Có những đèn Trung Thu ở miền Nam tự do, ấm

 

no hạnh phúc… ông Trăng ơi! Ông Trăng ơi, xuống đây với chúng em cùng

vui chơi… Xuống đây chúng ta cùng ca hát vang trời… ông Trăng ơi… nầy

ông Trăng ơi, ơi…”

Tiếng vỗ tay lớn và nhanh, làm em ngạc nhiên quá đỗi! Mèn ơi, ai mà

vỗ tay khen tặng em dữ vậy cà? Chắc chị anh mấy con nhỏ hàng xóm chớ

gì? Chớ tụi nó thì còn khuya à, chúng nó ganh tị chẳng thèm nghe em hát,

thiếu điều muốn bịt hai cái lỗ tai lại nữa kìa, chớ ở đó mà chúng vỗ tay khen

em hát bao giờ… Nhưng chao ôi, sừng sững lồng dưới ánh trăng rằm lộng

lẫy! Người lính chiến hiên ngang, oai phong đứng đó! Ông mặc bộ trây-di

màu cỏ úa, đầu đội nón sắt, và trên thắt lưng cây súng nhỏ… Giầy sô cao

ống bám bụi đường xa, mùi nắng cháy khen khét quen thuộc… ông trìu mến

nhìn em mỉm miệng cười, rồi hơi khum lưng xuống, đưa hai tay đón chờ

em…

Thảy cái lồng đèn dưới sân, em phóng tới ôm chầm thật chặt lấy ba.

Hôn tứ tung lên mặt, lên mũi, lên ngực, lên áo ba… Giọng em rộn ràng, vui

mừng và ơi ới gọi lớn:

- Mẹ ơi, mẹ ơi ba về! Ba về, ba về mẹ ơi…

Trong nhà nhanh chân bước ra tới hàng ba. Mẹ nhìn hai cha con em

nở nụ cười mà mắt hoen dòng lệ hạnh phúc! Thế là đèn điện nhà em được

thắp sáng! Lồng đèn treo hai bên cửa trước, sân sau được ba châm lửa đốt

đèn cầy. Ánh lửa dạ giấy màu, hồng, vàng, tím, xanh… tươi trẻ, vui mắt.

Trong nhà mẹ lúi húi nấu nước châm trà, cắt bánh trung thu… Em vui mừng

chạy qua mẹ, rồi chạy sang ba… Em ôm cổ ba, nói cười líu lo như con chim

chích chòe vào buổi bình minh nắng ấm…

Nhà em, những nhà trên trần thế được thắp sáng ánh trăng vàng thanh

thoát của đêm Trung thu.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam bị giặc cưỡng chiếm! Năm đó

trẻ con chúng em không có lễ Trung Thu! Ba em bị bắt tù cải tạo… nhà cửa

em trống trơn vì phải bán lần, bán hồi các đồ vật trong nhà… Rồi má em đi

bán chợ trời… Đó là kế sinh nhai duy nhứt của mẹ con em, và chắt chiu

dành dụm để dành đi thăm nuôi ba.

Những năm về sau, vào đêm rằm tháng tám không ai còn nghe tiếng

hát hò, trống múa lân của đoàn dâng cộ đèn nữa. Chợ búa không có bánh

trung thu bày bán tự do khắp nơi như xưa. Có chăng họ chỉ làm chui, bán

lén… vì đó là mặt hàng xa xí phẩm! Thành phố em ở nhà nhà xác xao, cửa

đóng then gày dưới trăng. Mặc dù ánh trăng thu vẫn sáng tỏ nhưng lòng em

sao cảm thấy dìu dịu hắt hiu buồn! Những đứa nhỏ hàng xóm sống gần nhà

em thưa dần, vì chúng theo gia đình về quê ngoại, quê nội, hoặc đi kinh tế

mới… Và em không có đèn lồng trái bí dễ xếp cất, dễ đốt mẹ mua cho như

những năm qua!

 

Sau bao nhiêu năm giặc chiếm miền Nam. Là bấy nhiêu năm ba em bị

giặc nhốt trong tù cải tạo! Hôm nay không định trước, mẹ dắt em đi thăm ba,

lại lọt đúng vào ngày rằm của mùa Trung Thu.

Mẹ con em vượt qua biết bao nhiêu chặng đường lồi lõm có khi đi

bằng xe hơi. Có lúc lội bộ, có lúc bằng xe tàu mo, đò chèo… Khi thì mẹ

gánh em ngồi trong thúng bên đầu gióng nầy, đầu gióng kia chất chồng đồ

ăn, áo quần cũ, thuốc men.

Mẹ và em đi từ một hai giờ khuya đến chiều tối ngày sau mới đến nơi!

Khi đến trại tù thì đã quá giờ thăm nuôi, mẹ con em và một vài bà khác cùng

cảnh ngộ cũng đi thăm nuôi chồng con. Những kẻ lỡ bước chúng em được

chủ vườn ở gần trại tù (cách mấy cây số) tốt bụng cho ngủ trong trại ruộng

của nhà họ.

Tối đó, mọi người lỡ đường vùi mình vào đống cỏ khô dưới nền đất

sét nứt nẻ, thiếp đi vì mệt mỏi… May mà cả đêm qua trời không mưa, nhưng

gió núi tê tái lạnh lùng rung cây lá, âm thanh nghe ào ào. Hai mẹ con em

nằm chèo queo một góc trong tại ruộng không vách, không phên. Em nhìn

trăng qua nhiều lỗ trống không trên mái chòi. Trăng rằm lên cao, càng lên

cao ánh trăng càng sáng vằng vặc. Sương khuya xuống mịt mù đỉnh núi và

chập chờn trên dải đồi mờ ảo xa xa. Tiếng côn trùng về đêm, hòa cùng tiếng

dế tỉ tê… Những con chim ăn đêm bay qua ẩn hiện mịt mờ, kêu oang oác

trên trời cao, cùng tiếng gió hú qua đồi làm xào xạc nhành cây lá chung

quanh, khiến em sợ hãi rúc vào lòng mẹ.

Để rồi sáng dậy ra mặt, tay, chân… người nào cũng đầy vết muỗi cắn.

Bầy muỗi đêm qua được ăn bữa giỗ no nê! Chúng thiệt là ác độc, nỡ đành

hút máu của những kẻ lỡ đường ngủ trong trại ruộng!

Mẹ em lồm cồm ngồi dậy khi nghe vẳng tiếng gà gáy trong xóm xa…

Bà sửa soạn lại túi nải chờ rạng đông đi vào trại tù thăm chồng. Bỗng bà

thấy hai bóng đen lù lù xuất hiện khi mờ khi tỏ trong màn sương sớm. Càng

lúc họ đến càng gần… mẹ em sợ quá gọi mấy người kia thức dậy, để cùng

đối phó nếu rủi gặp kẻ xấu, hoặc chuyện không may!

Họ càng đến gần trời cũng sáng thấy rõ hơn… Thì ra là hai người

thanh niên đi giỡ bẫy chim, chuột, gà rừng… Nói chuyện một hồi thì mấy bà

cùng mẹ con em vào nhà cha mẹ họ là chủ trại ruộng nầy để xin nước

uống…

Mẹ em nhớ lại đã bao nhiêu năm rồi, đây là lần đầu đi thăm nuôi

chồng. Biết ba đói khổ lắm mẹ liền cởi chiếc nhẫn cưới bằng vàng 18K đang

đeo trên ngón tay áp út ra. Đó là di vật sau cùng của ba tặng mẹ em trong

ngày đính hôn! Mẹ đem đổi lấy con gà giò (gà mới lớn nhổ lông xong, còn

hơn nắm tay) và lít gạo trắng của chủ nhà… Rồi mượn nồi niu của họ làm gà

rô ti và nấu nồi cơm còn nóng hổi đem cho ba em!

 

Bao nhiêu năm tù tội… Đến bây giờ vợ, chồng, con mới gặp lại nhau!

Má em khóc sướt mướt chẳng nói nên lời! Ba ôm em vào lòng nghẹn ngào

thổn thức… Ba trông thật tiều tụy, ông ốm gầy, tay chân lỏng thỏng, mặt

mày hốc hác, mắt hõm sâu, da đen chì, mét chẹt, nắng cháy nám đen… Chân

tay ghẻ chốc, thẹo vít chỗ lành, chỗ lở… Ba già quá nhiều! Nếu bất ngờ gặp

ngoài đường không ai nói, chắc em sẽ không nhận ra, và sẽ không tin tù

nhân đó chính là cha của mình! Em xót xa thương ba vô cùng, ôm chặt ba

nức nở khóc òa…

Gần hết giờ thăm nuôi, mẹ đưa cho ba tất cả đồ đem theo, trong đó có

con gà được chặt ra làm bốn và nồi cơm đầy… Ba em múc hết nồi cơm, cạo

lấy luôn cơm cháy, đưa nồi không còn dính một hột để chút nữa đây trên

đường về má em ghé trả lại người cho mượn. Ba lấy hai cục thịt gà (nửa

con) đưa cho má và em. Mắt u buồn và lệ hoen mi, ông nhẹ giọng bảo:

- Em và con đem theo ăn trên đường về. Chắc con và em đói khổ

lắm? Thôi mẹ con về đi, anh sẽ giữ gìn sức khỏe. Đường quá xa xôi, khó

khăn đừng… đừng có lên thăm nữa!

Mẹ em nước mắt dâng tròng, lật đật lấy gà để trở vào gói cho ba, mếu

máo nói:

- Ở nhà không gì vất vả cả, chỉ lo cho anh thôi. Anh đem gà vào ăn

đi. Mẹ con em tới bến xe sẽ mua ăn, thiếu gì đồ ăn họ bán…

Dáng ba thất thểu đi vào trại tù… Và cửa tù từ từ kéo đóng lại! Mẹ em

nát dạ tan lòng đứng nhìn theo, rồi lủi thủi dắt con ra về. Vừa đi bà vừa lau

dòng lệ đau thương lã chã chảy dài xuống má, còn em nước mắt cũng trào

tuôn… Đường về nhà em còn xa xôi lắm, lại gặp cơn nắng cháy, mưa sa!

Hai mẹ con không ai nói với ai lời nào, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của

mình… Trong đầu óc thơ ngây bé nhỏ của em lúc bấy giờ!

Ba em ngày xưa là sinh viên, bởi “Đất nước lâm nguy/ Thất phu hữu

trách” nên học nửa chừng thì vào quân ngũ. Ba em có giành dân lấn đất hay

cướp giựt của ai đâu! Vậy thì ba em có tội tình gì, phải chăng tội ông làm

bổn phận người trai trong thời loạn vì an nguy của gia đình và bảo toàn lãnh

thổ? Giờ đây họ bắt nhốt trong tù nơi xa xôi hiểm trở? Để ba em và đồng đội

đau không thuốc uống, đói không có ăn, lạnh không đủ ấm! Lại bị nhốt trong

vùng hoang dã đìu hiu đi cả ngày không thấy bóng người như thế nầy...

Đi gần đến tối mà mẹ con vẫn chưa đến nhà. Giờ đây em vừa khát và

mỏi mệt cả tứ chi, và đói bụng lắm! Mẹ chép miệng bảo:

- Ráng nhịn về nhà sẽ có đồ ăn, vì mẹ chỉ còn đủ tiền để đi xe thôi.

Lúc nãy mẹ định bới cơm cho ba, còn miếng cơm cháy mẹ con ăn cho đỡ dạ

trên đường về. Nhưng thấy ba vét sạch nồi cơm nên mẹ làm thinh! Tội

nghiệp ba ở trong tù đói khát nhọc nhằn lắm con ơi…

Nói đến đó, mẹ em nghẹn lời sụt sùi dòng lệ khổ! Về đến nhà, em

không sao ngủ được. Hoàn cảnh trại tù, ba em và đồng đội của ông bị hành

 

hạ đọa đày cứ lởn vởn trong đầu óc thơ dại của em. Từ đó nỗi hờn oán nhen

nhúm ngày càng lớn trong tâm hồn: “Em sẽ không bao giờ! Phải, không bao

giờ quên, và không bao giờ tha thứ cho những kẻ đã đày đọa ba, cùng

những đồng đội của ba em…”

Vào rằm tháng Tám năm sau, em thẫn thờ ngồi bên cửa sổ vò võ nhìn

bầu trời cao rộng, trong sáng ánh trăng thu! Và con mèo tam thể dễ thương

đó, vẫn cào, kéo lai quần em. Nó chạy nhảy tung tăng, kêu “meo, meo…”

giỡn trăng như để làm vui lòng cô chủ nhỏ. Thấy em buồn, má cũng chẳng

vui gì hơn! Một lúc sau, bà tìm ra cái lồng đèn trái bí mấy năm trước đã cũ

mèm, giấy dán đổi màu và bị chuột cắn tưa mấy lỗ. Nhớ lại lâu lắm rồi, em

đã cẩn thận nhét cái lồng đèn đó dưới chót, ở trong thùng tập vở, sách

truyện, và báo cũ của ba em.

Đã mấy mùa Trung Thu qua đi, ba em vẫn chưa được thả về. Em lơ là

nhìn cái lồng đèn nghe chừng xa lạ, mà cảm thấy lòng xao xác héo hắt buồn

loang! Làm sao em vui được khi ba em còn bị đày nơi rừng sâu Việt Bắc,

nơi nổi tiếng rừng thiêng, và nước độc! Nước độc đến nỗi, từ bờ suối bên

nầy, lội qua bờ suối bên kia thì lông chân bị rụng hết! Ở đó họ chỉ uống

được nước mưa... và có khi đi cả mấy tháng trời, cũng không thấy bóng sơn

nhân, hay lâm nhân…

Em lại càng xót xa đau buồn nhức nhối hơn! Mỗi khi nửa đêm trở

giấc, em nghe mẹ khóc lén, khóc thầm! Thế nhân dù có buồn vui! Nhưng

đêm nay trăng thu vẫn ngạo nghễ lên cao. Càng lên cao, trăng càng trải ánh

sáng ngà ngọc xuống muôn loài. Gió thu vẫn nhè nhẹ man mác và mây thu

vẫn bàng bạc bay bay về phương trời vô định... Những cánh chim đêm thu in

chập chờn trên không gian và hối hả bay đi… Chúng như ngầm hiểu nỗi

thống khổ đoạn trường của con người theo vận nước nổi trôi! Và cảm thông

trời miền Nam tự do ấm no đã không còn nữa… Ôi đến cả loài chim muông

mà còn biết buông tiếng kêu áo não, oán, hờn, trách, hận... đau thương!

Sau khi ba em được thả về, gia đình đùm túm theo thuyền chài vượt

biển Đông! Mười mấy ngày lênh đênh trên biển cả, gió dồn, sóng dập, đói

khát thảm thê. Tưởng chừng cả gia đình dìm dưới mồ huyệt lạnh của đại

dương rồi… Hành trình vượt biên trùng trùng hiểm nguy thừa chết thiếu

sống! Nhờ Ơn Trên, rồi gia đình em cũng trôi giạt vào Nam Dương

(Indonesia) quần đảo, với những thuyền nhân chung chuyến tàu, và những

chuyến tàu vượt biên khác...

Sống lang thang từ đảo nầy qua đảo khác: Pacikata, Terrempa, Ku Ku,

rồi Galang (Trung tâm tị nạn Cộng sản vùng Đông Nam Á) Tại trại tị nạn

Galang, nếp sống của người tị nạn Cộng sản có quy củ và khá hơn về nhiều

mặt. Nhứt là vấn đề y tế! Nơi đây có trường học dạy Anh văn, có nhà

 

thương, có nhà thờ, có chùa… Có văn phòng Cao ủy tị nạn làm việc, để

nhận người vào đệ tam Quốc Gia… Và nhiều tiệm buôn bán gia dụng nấu ăn

của dân bản xứ… dần dà có quán phở, quán hủ tíu, quán nhạc, quán cà-phê,

quán sinh tố…

Galang là một trong những hòn đảo đẹp của Nam Dương. Chùa được

cất trên đồi cao gần các dãy trại, để dân tị nạn dễ dàng chiêm ngưỡng và

cúng bái. Ngôi chùa khang trang có nhiều tượng phật cao lớn hơn người…

được tàu và trực thăng chở đến… Phí tổn của ngôi chùa nầy, nghe đâu do

các thương gia ở Nam Dương và Singapore góp gom để xây cất.

Sáng sớm và chiều tối nào em cũng theo ba má lên chùa. Vì trên chùa

gió mát, và đôi khi em được các sư cho trái cây hoặc bánh, kẹo… của bá

tánh đã cúng Phật. Ở đảo đói khát thấy mồ, em thèm đủ mọi thứ, hôm nào

được các sư cho đồ ăn dư của Phật thì em mừng húm! Em nghĩ bụng đồ ăn

thừa của Phật sẽ được phước đức (và má em cũng nói như vậy).

Phía sau chùa chừng hơn trăm thước cao, phóng tầm mắt nhìn, chúng

ta có thể thấy rõ bốn hướng của biển cả mênh mông vô bờ, vô tận… Và em

cảm thấy tâm hồn mình dạt dào hạnh phúc mỗi lần có dịp đứng bên ba má

em nhìn hoàng hôn xuống. Mặt trời chiều ráng màu đỏ nghệ có hình bầu dục

như quả trứng gà, treo lơ lửng trên nền trời nhiều mây có vân ngũ sắc ở

hướng tây. Nắng vàng trải trên mặt thủy triều của đại dương bao la xanh

ngát một màu, và ánh nắng lung linh chấp chóa lúc mây tạnh gió yên.

Vào những buổi sáng mờ sương, biển thanh thoát và hiền dịu vô

cùng… mặt nước lăn tăn gợn sóng theo từng đợt gió đùa… Nền trời trong

như ngọc, lác đác từng làn mây trắng mỏng như nằm bất động có pha những

sắc màu rực rỡ do những tia nắng bắn ra từ mặt trời cao ngạo vừa nhú lên ở

phương đông. Rồi sương mờ dần tan, chỉ trong chốc lác thôi… biển tịnh

yên, mặt biển xanh lơ, và vầng hồng rạng rỡ cho nắng ấm... gió the the man

mác lay nhẹ chòm lau, khóm đước hòa cùng lá thông reo dọc bờ biển tạo ra

âm thanh êm ấm dễ chịu vô cùng…

Hải âu xoãi cánh bàng bạc loang loáng trong ánh bình minh… “Chim

én không làm thành mùa xuân/ Nhưng có chim én mùa xuân thêm phần ý

nghĩa” Ở chốn hải đảo nầy, em xin nói lên thiển ý của mình rằng: “Nếu biển

không có cánh hải âu thì biển cả mất đi phần thi vị”.

Có hôm dưới mái hiên chùa, em phóng tầm mắt nhìn trời biển động!

Gió thổi vùn vụt, cây cối ngả nghiêng. Sấm ầm ầm, sét nổ giòn, những tia

chớp sáng lòe lên rồi phụt tắt! Mưa nặng hột tầm tã ào ào. Biển nộ cuồng

từng cột sóng dâng cao như muốn đảo lộn càn khôn! Thật dễ sợ cho sự nổi

trận lôi đình của Thủy Long Vương trong lòng biển cả(?) Em ngồi co ro,

chợt nhớ câu: “Đời không đau khổ đời vô vị/ Biển chẳng phong ba, biển

chẳng hùng”.

 

Thuở đó gần cuối năm 1979, đảo Galang có mấy chục ngàn người dân

tị nạn Cộng sản, đại đa số là từ miền Nam Việt Nam. Họ bôn đào khi miền

Nam bị Cộng sản và Việt cộng cưỡng chiếm! Nơi trại tị nạn, ba khéo tay làm

cho em cái lồng đèn trái bí bằng lon nhôm coca-cola, trong mùa Trung Thu

ở trên hải đảo Galang. Lon nhôm sau khi rửa sạch, lau khô, ba em kiên nhẫn

dùng nhiều cục đá có cạnh nhọn, bén… Ông đục từng đường dài, nhắm sao

cho ngay và đều… Ba ngồi cả ngày trời tẳn mẳn đục, chà cạnh cho hết

bén… Rồi nhẹ tay bóp cho những cọng lon nhôm cong (không gãy) mà ông

đã bỏ không biết bao nhiêu cái lon nhôm. Bị xuể tay, rướm máu mới làm

được một cái lồng đèn trái bí, tạm vừa ý cho con gái mình!

Chiều đến cầm lồng đèn trái bí ba làm cho, lòng em tươi vui phơi phới

như hoa nở mùa xuân. Lon ton theo bọn trẻ con (tị nạn) trên đảo đi dâng cộ

đèn vòng vòng trong các trại do những anh chị hướng dẫn... Ôi hải đảo phủ

ánh trăng thanh thoát giữa vùng mây nước, có tiếng sóng biển bủa rạt rào,

tiếng gió vi vu hòa cùng tiếng hát mừng Trung Thu vang dội, rền vọng ngút

trời xanh… Của những đứa trẻ đã cùng gia đình trốn chạy khỏi vùng Cộng

sản để đi tìm phương trời tự do…

Đêm Trung Thu đó, chúng em được ăn nhiều bánh kẹo, uống nước

trái cây thơm ngọt, từ các nhà hảo tâm của xứ người chở cả tàu, cả xe đến

tặng. Họ còn đem cho cả lồng đèn làm đủ kiểu hình thù các con vật… được

sơn phết, dán giấy, vẽ, tô đẹp đẽ, màu sắc rực rỡ, chói lộng hấp dẫn và

quyến rũ vô cùng… Nhưng em không nhận đâu, bởi ba đã làm cho em lồng

đèn trái bí bằng lon nhôm rồi. Em quý cái lồng đèn nầy hơn tất cả mọi lồng

đèn trên thế giới, trong mùa Trung Thu. Bởi cái lồng đèn trái bí bằng lon

coca làm thành đó, ngoài tốn nhiều công sức, còn là tâm ý và gói ghém cả

tình cha thương con của ba em…

Mùa Trung Thu ở trại tị nạn Cộng sản Galang, khắc ghi đậm nét trong

đời, và cho em niềm nhớ không nguôi… Nó sẽ làm hành trang em mang

theo trong ký ức trên khắp quãng đường lưu lạc.

Thời gian qua mau quá, mới đó mà đã mấy mươi năm ở xứ người. Ba

má vất vả nuôi dưỡng chăm lo cho con học hành đỗ đạt nên người. Ngày nay

em đã thành nhân, ông bà có cháu ngoại để bồng bế thương yêu, nuông

chiều. Dòng thời gian thắm thoát cứ trôi mãi trôi, nay ba má em đã ngoài

tám mươi! Ông bà ở tuổi “Bát thập cổ lai hy” Cái tuổi dễ bịnh hoạn, và gần

đất xa trời khiến em buồn đau thắm thía trong lòng, mỗi khi nghĩ đến!

Nhưng phải làm sao đây? Vì đó là định luật của tạo hóa, mà trót sanh ra làm

kiếp con người thì kẻ trước, người sau không một ai tránh khỏi!

Rồi ngày đó cũng đã đến, một mất mát lớn cho gia đình! Má em đã

qua đời! Giờ đây, đêm đêm em luôn nguyện cầu, xin Ơn Trên cho ba em ăn

ngon, ngủ khỏe. Và em cố gắng làm mọi thứ để ba được an ổn tâm hồn, vui

 

vẻ hạnh phúc trong thời gian ngắn ngủi của đời người còn lại bên cháu con!

Dẫu biết rằng, trong cuộc đời có đầy dẫy hỉ, nộ, ái, ố… thăng trầm, dâu bể,

phế hưng, nhứt là trên quê hương khốn khổ Việt Nam của em sau ngày Cộng

sản và Việt cộng chiếm đóng!

Giặc đã mang nền giáo dục (ở mọi khía cạnh, mọi phương diện) của

làn sóng đỏ từ ngoài Bắc tràn vào miền Nam. Hoàn cảnh xã hội miền Bắc

mấy mươi năm theo chế độ Cộng sản đã gây và ảnh hưởng tác hại mọi mặt

về tâm lý, văn hóa, xã hội nhập vào đời sống. Đã thấm nhuần, và ăn sâu

trong tâm hồn, trong máu huyết của con người từ trong gia đình, ra ngoài xã

hội người miền Bắc. Với những điều nghịch lý, giả nhân, giả nghĩa, lừa bịp,

dối gian, tính toán, tinh ma, ác hiểm… đã xẩy ra hàng ngày với cha con, anh

em, bạn bè, thì nói chi đến tình nghĩa xóm chòm, hay nặng nợ với ngọn rau

tấc đất, nước non…

Vì thế, những đổ vỡ của gia đình hiếu thảo con cái, tình nghĩa vợ

chồng nhan nhản xẩy ra hàng ngày trước mắt, và khắp nơi, không sao đếm

cho xuể! Khuôn ngọc thước vàng từ nghìn xưa ông cha ta để lại “Tề gia, trị

quốc, bình thiên hạ” dưới chế độ Cộng sản vô thần, giờ đây đã bị thui chột,

vô nghĩa hết rồi! Thì thử hỏi xã hội Việt Nam ngày nay làm sao không rối

bời, và quê hương đất nước Việt Nam làm sao không nát tan, không bị chia

năm xẻ bảy… Đó cũng chỉ vì lợi riêng của những kẻ cầm quyền hiến dâng,

bán đất, biển... cho ngoại bang!

Hôm nay là ngày rằm tháng Tám, đã vào chánh mùa Trung Thu. Em

đẩy ba ngồi trên xe lăn chầm chậm rẽ vào chợ (vì cả hai chân ba đều yếu).

Vùng gia đình em tạm cư, có rất nhiều chợ Á Đông. Cả tháng nay, tiệm nào

cũng bán đầy dẫy bánh trung thu. Bánh trung thu đủ loại ở địa phương, nội

địa sản xuất… và bánh từ các nước khác nhập vào. Bánh trung thu nằm phơi

phới trong các hộp vẽ hoa bướm màu sắc tươi trẻ rực rỡ. Các hộp đều có nắp

đậy bằng kiếng, nhìn thấy rõ bánh bên trong, gợi thèm cho khách vào ra chợ.

Em nghĩ, năm nay các bánh được làm từ nước Tàu Cộng, Việt Cộng

chắc hẳn ít ai dám rớ tới? Vì lợi ích riêng, họ không nghĩ đến sức khỏe của

người tiêu thụ, đã dùng quá nhiều hóa chất … Ăn vào dễ, lấy ra khó, sẽ hại

cho thân thể, và có khi còn chết người!

Ba em nhìn từng hộp bánh trong tủ kiếng. Ông lựa rồi chỉ tay, muốn

mua một hộp bánh Trung Thu có trứng, và lấy thêm hộp bánh dẻo nữa. Nhà

em ngoài ba, chỉ có hai vợ chồng em và hai đứa nhỏ (nhưng chúng không

thích bánh trung thu) Ai cũng sợ ngọt, nên chắc chắn sẽ ăn không hết… Chỉ

cần mua một hộp, hai bánh nầy, hai bánh kia đủ rồi. Nhưng em lấy cả hai

hộp bánh người bán đặt vào bao xách, máng trên xe cho ba vui lòng. Ba em

chỉ hai chiếc lồng đèn treo trên vách. Em nghĩ chắc ba mua cho hai cháu

 

ngoại… Trả tiền xong em định đẩy ba đi ra, nhưng ông chỉ thêm cái lồng

đèn trái bí, làm em ngạc nhiên nhìn ba?

Ông nhìn em mỉm cười, trìu mến:

- Ba mua lồng đèn trái bí cho con! Nhớ thuở con còn bé nhỏ thích

chơi đèn Trung Thu với đám trẻ con trong xóm. Năm đó đi lính xa, bất ngờ

được về thăm nhà trong đêm Trung Thu. Ba đứng sau lưng cả buổi mà con

không hay! Khi thấy ba, con phóng tới ôm chầm thật chặt như sợ ba vuột

mất... rồi con mừng rỡ, líu lo gọi mẹ báo tin ba về.

Mắt già nua trắng dã, ba em cảm động nghẹn lời! Ông tiếp:

- Ba mua bánh về cúng má, lúc sanh thời bả ưa bánh Trung Thu và

bánh dẻo lắm. Cho dù con gái ba bây giờ tuổi đời có lớn hay già đi nữa,

nhưng trong mắt ba lúc nào con cũng còn nhỏ bé! Còn tình thương con

trong lòng ba càng ngày càng lớn vô bờ, vô tận con ơi...

Em dang đôi tay ôm chầm lấy ba! Hôn lên trán ba em, mà mắt rưng

rưng dòng lệ kính yêu và hạnh phúc ngập cõi lòng! Em may mắn được sanh

ra trong miền Nam! Em diễm phúc được thừa hưởng rất nhiều, rất nhiều thứ

mà chỉ ở miền Nam tư do dưới Chánh thể Cộng Hòa mới có… Em đã nghe

được câu nói của ai đó, để riêng mình thẩm thấu và nghiệm thấy rằng: “Trên

cõi đời nhiều hệ lụy khổ ải nầy, có hai người đàn ông để cho em kính nể

và yêu thương nhứt. Đó là ba em và chồng em!”

Đường phố đã lên đèn, nhưng ánh trăng thu rực rỡ cao ngạo, thanh

thoát áp chế ánh đèn đường vàng võ. Cha con em dừng lại bên lề nhìn đoàn

múa lân dẫn đầu, các thiếu nhi dâng cộ đèn náo nhiệt đi qua. Trên đất nước

tự do, các em vô tư, thảnh thơi, mặt mày hớn hở nhịp nhàng cất tiếng hát

vang vang: “Đêm Trung Thu em đốt đèn đi chơi/ Em đốt đèn đi khắp phố

phường/ Đèn ông sao với đèn trái bí/ Đèn xe tăng với đèn cá chép…Em đốt

đèn đi khắp phố phường…”

 

California, Tệ xá Diễm Diễm Khánh An

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

Tuyển tập truyện ngắn “Xứ Lạ Tình Quê”

Email: dtdbuon@hotmail.com

No comments: