VỀ CHỮ "LÍP BA GA” CỦA NGƯỜI NAM KỲ XƯA...!
●Đinh Trực
Thế hệ của tôi, của ông bà tôi trong gia tộc khi diễn tả
cái gì "không giới hạn" thường nói là "Líp ba ga luôn!”
Thí dụ nhậu xỉn, nhậu bung nóc, mát trời ông địa thì kêu là
"Nhậu líp ba ga", mua sắm tràn trề, đụng gì mua nấy kêu là "Mua
líp ba ga".
"Líp ba ga” là phiên âm của tiếng Pháp “libre bagage”,
trong đó “libre” có nghĩa là: Miễn phí, tự do và “bagage” có nghĩa là hành lý.
Thuật ngữ này có liên quan tới xe đò Lục Tỉnh thời xưa.
Như chúng ta biết người Nam Kỳ xổ tiếng Pháp rất nhiều .
Ông tài kế kêu là :
-Sốp phơ-(chauffeur), sốp phơ ôm cái bánh lái kêu là ôm vô
lăng (volant).
Trên xe có anh lơ xe. Lơ xe từ tiếng Pháp là :
-Contrôleur là “người soát vé”.
Người Nam Kỳ nhớ chữ leur và biến thành "lơ xe"
tức là người phụ xe đò.
Khi khách lên xe, anh lơ sẽ dộng vô thành xe nói lớn :
"Bà con cô bác ngồi ngay ngắn, xe chuẩn bị đề pa.”
Đề pa tiếng Pháp là départ có nghĩa là khởi hành, rồ máy xe
chạy.
*Vậy “Líp ba ga” là gì...?
Nó là thuật ngữ để ám chỉ đi xe đò mà mang vác hành lý cồng
kềnh, xe đò chở hàng chất đầy mui.
Xe đò Lục Tỉnh một thời vừa chở khách vừa chở hàng hóa, chở
luôn gà vịt, xe cộ, hình ảnh chất đầy mui xe đẩy người là “chuyện thường
ngày..!”.
Khi tôi về Sài Gòn học, mỗi tuần leo xe đò, cái xe đạp chất
trên nóc xe, khi tới bến xe thì bà chủ xe tính thêm chút đỉnh tiền ba ga
(bagage) chiếc xe đạp, bả chủ xe đò đứng chờ sẵn ngay cái chỗ lên xuống, miệng
thì tía lia:
“Cho con tiền baga mỗi xe 2000 đồng đi !”
Người Nam Kỳ còn xài chữ "ba ga" trong chiếc xe
đạp, cái yên xe kêu là ba ga, chính xác là “porte bagages”, kêu riết thành ba
ga là yên xe.
Có một thời “kép” nói với “đào”:
-Em ngồi lên ba ga anh chở về...!
Từ đó, Líp ba ga thành một từ xài khắp xã hội Miền Nam, có
ý chỉ hành động “xả láng sáng về sớm...!” tự do, thoải mái, “tới luôn bác
tài..!”,...
Hôm nay vợ về nhà ngoại... Vậy là ông chồng tha hồ ngủ líp
ba ga, ăn líp ba ga, chơi líp ba ga và nhậu líp ba ga..!
●Đinh Trực sưu tầm
Share Lại Người Lính Già TQLC
No comments:
Post a Comment