TIỄN BIỆT NGƯỜI GÓA PHỤ TRUNG KIÊN : Bà goá phụ
đại tá Hồ ngọc Cẩn mất sáng ngày 30/8/2024
Các Niên Trưởng Đồng Đế cho biết Bà Hồ Ngọc
Cẩn , nhủ danh Nguyễn Thị Cảnh vừa ra đi sáng hôm nay 30 / O8/ 2024 tại
Stevenson Ranch , Nam California Hoa Kỳ . Nguyện Cầu Linh Hồn Bà sớm về nước
Trời hưởng Nhan Thánh Chúa và bình an trong chốn Thiên Đàng . Amen !
Đ/tá Hồ Ngọc Cẩn - Người vợ
lính ở Thủ Đức
Mùa
xuân năm 1959 . Họ đạo Thủ Đức có đám cưới nhà quê . Cô dâu Nguyễn Thị Cảnh mỗi
tuần giúp lễ và công tác thiện nguyện cho nhà Thờ . Chú rể là anh Trung sĩ
huấn luyện viên của trường bộ binh Thủ Đức .
Cha
làm phép hôn phối . Họ Đạo tham dự và chúc mừng . Bên nhà gái theo đạo từ thuở
xa xưa . Bên nhà trai cũng là gia đình Thiên Chúa Giáo . Cô gái quê ở Thủ Đức ,
18 tuổi còn ở với mẹ . Cậu trai 20 tuổi xa nhà từ lâu . Cha cậu là Hạ sĩ quan ,
gửi con vào Thiếu sinh quân Gia Định từ lúc 13 tuổi . Khi trưởng thành , anh
Thiếu sinh quân nhập ngũ . Đi lính năm 1956 . Mấy năm sau đeo lon Trung sĩ .
Quê
anh ở Rạch Giá , làng Vĩnh Thanh Long , sau này là vùng Chương Thiện . Ngày đám
cưới , ông già từ quê lên đại diện nhà trai . Đứng trước bàn thờ , Cha xứ hỏi
rằng anh Quân nhân này có nhận cô gái làm vợ không . Chú rể đáp thưa có . Cha
hỏi cô gái có nhận anh Trung sĩ này làm chồng , no đói có nhau , gian khổ có
nhau ? Cô gái Thủ Đức vui mừng thưa có . Anh Trung sĩ Rạch Giá phục vụ trường
bộ binh , đi lễ nhà thờ gặp cô gái xóm đạo Thủ Đức nên kết nghĩa vợ chồng . Cô
gái thề trước nhà Chúa , có cả họ Đạo chứng kiến .
Cô đã
giữ trọn đời làm vợ người lính . Từ vợ Trung sĩ trại gia binh cho đến phu nhân
Đại tá trong dinh Tỉnh trưởng . Cô theo chồng đi khắp 4 phương suốt 16 năm
chinh chiến , để rồi 30 tháng 4 năm 1975 trở thành vợ người tử tội .
Cô
đem con trở về Thủ Đức lánh nạn chờ ngày chồng bị xử bắn . Dù thăng cấp , dù
thắng hay bại , dù sống hay chết , chồng cô vẫn là người anh hùng . Cô mãi mãi
vẫn là người vợ lính . Anh lính đầu đời chinh phu của cô , lúc lấy nhau đeo lon
Trung sĩ và khi ra đi đeo lon Đại tá . Thủy chung cô vẫn sống đời vợ lính .
Chồng của cô là Đại tá Hồ Ngọc Cẩn .
Hiện nay cô vợ lính gốc Thủ Đức , sau khi
tìm đường vượt biên , đem con trai duy nhứt qua Bidong , Mã Lai rồi vào Mỹ sống
ở Nam Cali . Cô may thuê , bán quán nuôi con . Con trai lập gia đình có 2 cháu
. Người vợ lính năm xưa từ 1975 đến nay , ở vậy thờ chồng , đã trở thành bà nội
ở chung một nhà với con cháu . Suốt đời vẫn nghèo , nghèo từ Trung sĩ mà nghèo
lên Đại tá . Nghèo từ Thủ Đức mà nghèo qua Chương Thiện . Nghèo từ Việt Nam mà
đem theo cái nghèo qua Mỹ . Bởi vì suốt đời chỉ là người vợ lính .
Một đời chinh chiến .
Chuyện người chồng .
Hồ
Ngọc Cẩn sinh ngày 24 tháng 3 năm 1938 . Xuất thân Thiếu sinh quân Gia Định ,
rồi nhập ngũ và lên cấp Trung sĩ , huấn luyện viên vũ khí tại trường Bộ binh .
Sau khi lập gia đình có 1 con thì anh Trung sĩ tìm cách tiến thân , xin vào học
lớp Sĩ quan đặc biệt tại Đồng Đế . Từ anh sinh viên sĩ quan Đồng Đế 1960 cho
đến 15 năm sau , Hồ Ngọc Cẩn trở thành Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng
Chương Thiện , hầu hết cấp bậc đều lên tại mặt trận . Ông đã từng mang màu áo
của Biệt động quân và các sư đoàn Bộ binh . Huy chương và chiến công nhiều vô
kể .
Suốt
một đời chinh chiến từ Trung đội trưởng lên đến Trung đoàn trưởng , Hồ ngọc Cẩn
tung hoành khắp Hậu giang và Tiền giang . Năm 1972 ông Thiệu cho lệnh toàn thể
sư đoàn 21 từ miền Tây lên tiếp tay cho quân đoàn III , giải tỏa An Lộc . Lại
cho lệnh tăng cường thêm 1 Trung đoàn của Sư đoàn 9 . Tư lệnh quân khu , ông
Trưởng nói với ông Lạc sư đoàn 9 đưa 1 Trung đoàn nào coi cho được .
Trung
tá Hồ ngọc Cẩn dẫn Trung đoàn 15 lên đường . Trung đoàn ông Cẩn phối hợp cùng
nhảy dù đánh dọc đường 13 tiến vào An Lộc . Anh Đại úy đại đội trưởng của Trung
đoàn , suốt mấy tuần giằng co với địch trước phòng tuyến của Tướng Hưng , Tư
lệnh An Lộc , nhưng chưa vào được . Lính hai bên chết đều chôn tại chỗ . Thiết
vận xa M113 của ta còn phải lùi lại phía sau . Chỉ có bộ binh của Trung đoàn 15
nằm chịu trận ở tiền tuyến . Anh sĩ quan kể lại , chợt thấy có một M113 của ta
gầm gừ đi tới .
-À ,
tay này ngon .
Chợt
thấy một ông xếp từ thiết vận xa bước ra , phóng tới phòng tuyến của đại đội .
Nhìn ra ông Trung đoàn trưởng Hồ Ngọc Cẩn . Ông quan sát trận địa rồi hô quân
tiến vào . Cùng với tiền đạo của Nhảy dù , Trung đoàn 15 bắt tay với lính phòng
thủ An Lộc . Sau khi Bình Long trở thành Bình Long Anh Dũng , ông Thiệu hứa cho
mỗi người lên 1 cấp .
Trung
tá Hồ Ngọc Cẩn ngoài 30 tuổi đeo lon Đại tá , trở về trong vinh quang tại bản
doanh Sa Đéc . Rồi ông được đưa về làm Tiểu khu trưởng Chương Thiện . Vùng đất
này là sinh quán của ông ngày xưa . Cho đến 30 tháng 4-1975 Sài Gòn đã đầu hàng
, nhưng Chương Thiện chưa nhận được lệnh Cần Thơ , nên Chương Thiện chưa chịu
hàng .
Chiều 29 sang 30 tháng 4 , Tiểu khu trưởng
vẫn còn bay trực thăng chỉ huy . Khi radio Sài Gòn tiếp vận về tin buông súng ,
các đơn vị bên ta rã ngũ . Lính tráng từ Tiểu khu và dinh Tỉnh trưởng tan hàng
, Đại tá Tiểu khu trưởng Hồ Ngọc Cẩn bị lính cộng sản vây quanh khi còn ngồi
trên xe Jeep với vũ khí , quân phục cấp bậc đầy đủ . Câu chuyện về giờ phút
cuối cùng của người chồng , đã được người vợ kể lại cho chúng tôi . Thực là một
kỷ niệm hết sức bi thảm .
Giây phút cuối của Chương Thiện ,
Bà
Cẩn với âm hưởng của miền quê Thủ Đức kể lại qua điện thoại . Cô Cảnh nói rằng
suốt cuộc đời chưa ai hỏi thăm người thiếu phụ Thủ Đức về một thời để yêu và
một thời để chết . Bà nói :
“ Kể
lại cho bác rõ , những ngày cuối cùng nhà em vẫn hành quân . Đánh nhau ngay
trong Tiểu khu . Anh Cẩn vẫn còn bay hành quân . Nhà bị pháo kích . Tuy gọi là
dinh Tỉnh trưởng nhưng cũng chỉ là ngôi nhà thường . Chiều 30 tháng 4 mẹ con em
theo các chú lính chạy ra ngoài . Đi lẫn vào dân . Ở Chương Thiện không ai biết
em là vợ Tỉnh trưởng . Ai cũng tưởng là vợ lính . Từ xa ngó lại mẹ con em thấy
anh Cẩn bị chúng bắt giải đi . Bà con kéo mẹ con em tìm đường chạy về Cần Thơ .
Chú lính nói rằng bà không đem con chạy đi chúng nó bắt thì khổ . Em dẫn thằng
con nhỏ chạy bộ . Mẹ con vừa đi vừa khóc . Hình ảnh cuối cùng thằng con hơn 10
tuổi nhìn thấy bố ngồi trên xe Jeep , Việt cộng cầm súng vây quanh . Bước xuống
xe , anh không chống cự , không dùng dằng , không nói năng . Đưa mắt nhìn về
phía dân ở xa , giơ tay phất nhẹ . Như một dấu hiệu mơ hồ cho vợ con . Chạy đi
. Đó là hình ảnh cuối cùng đã gần 40 năm qua .
Từ đó
đến nay mẹ con không bao giờ gặp lại . Thân nhân bên anh Cẩn , mẹ và các chị
giữ không cho em và con trai ra mặt . Sợ bị bắt . Được tin anh ra tòa nhận án
tử hình . Rồi tin anh bị xử bắn . Thời gian anh bị giam , gia đình bên anh có
đi tiếp tế nhưng không thấy mặt . Chỉ giao tiếp tế cho công an rồi về . Hôm anh
bị bắn ở sân vận động Cần Thơ , gia đình cũng không ai được báo tin riêng ,
nhưng tất cả dân Tây Đô đều biết . Mỗi nhà được loan báo gửi một người đi coi .
Bà chị họ đi xem thằng em bị bắn . Chị kể lại là không khí im lặng . Từ xa ,
nhìn qua nước mắt và nín thở . Chị thấy chú Cẩn mặc quần áo thường dân tỏ ý
không cần bịt mắt . Nhưng bọn cộng sản vẫn bịt mắt . Bác hỏi em , bà chị có kể
lại rõ ràng ngày xử bắn 14 tháng 8 năm 1975 .
Mỗi
lần nói đến là chị em lại khóc , nên cũng không có gì mà kể lại . Chúng bịt
miệng , bịt mắt nên anh Cẩn đâu có nói năng gì . Suốt cuộc đời đi đánh nhau anh
vẫn lầm lì như vậy . Vẫn lầm lì chịu bị bắt , không giơ tay đầu hàng , không
khai báo , không nói năng gì cho đến chết . Anh làm Trung đội trưởng , Đại đội
trưởng , Tiểu đoàn trưởng , Trung đoàn trưởng rồi đến Tiểu khu trưởng . Báo chí
, anh em nói gì thì nói , anh Cẩn chả nói gì hết . Bác hỏi em là mồ mả ra sao .
Em và con về nhà mẹ ở Thủ Đức . Gia đình không cho em ra mặt . Bà chị và mẹ anh
Cẩn đi xin xác không được . Chúng đem chôn ở phía sau Trung tâm nhập ngũ Cần
Thơ . Mấy năm sau mới xin được đem về Rạch Giá .
Rồi
đến khi khu này bị giải tỏa , nên lại hỏa thiêu đem tro cốt về nhà ông chú bên
Long Xuyên . Ngày nay , em nói để bác mừng là sau khi vượt biên qua Mỹ em đã
đưa di hài anh Cẩn qua bên này . Anh Cẩn bây giờ cũng đoàn tụ bên Mỹ với gia
đình . “
“ Cô
đi năm nào ”, tôi hỏi bà Cẩn .
“ Mẹ
con em ở Thủ Đức ba năm sau 1975 . Đến 1978 thì vượt biên qua Pulo Bidong . Ở
trại 8 tháng thì bà con bảo trợ qua Mỹ . Qua bên này mình chả biết ai , không
ai biết mình . Cũng như bao nhiêu thuyền nhơn , mẹ con ở với nhau . Em đi làm
nghề may , rồi đi bán quán cho tiệm Mỹ . Bây giờ cháu trai duy nhứt của anh Cẩn
đã có gia đình sinh được 2 con .”
Chuyện
đời người vợ lính thời chinh chiến với kết thúc bi thảm và anh hùng , tôi nghe
kể lại thấy lòng xót xa lắng đọng .Tôi bèn quay qua hỏi chị Cẩn sang đề tài
khác . “ Nãy giờ nói toàn chuyện buồn , cô nhớ lại xem suốt đời từ đám cưới cho
tới năm 1975 , cô có những kỷ niệm nào vui không .”
Bà
Cẩn ngừng lại suy nghĩ .
“ Em
thấy năm nào tháng nào cũng vậy thôi . Toàn lo việc nhà , nội trợ nuôi con .
Anh Cẩn đi đâu thì mẹ con cũng đi theo . Từ Trại gia binh đến cư xá Sĩ quan .
Chúng em không có nhà riêng , không có xe hơi , không có xe gắn máy . Từ Sa Đéc
, Trung đoàn 15 qua đến Tiểu khu Chương Thiện , toàn là ở trại lính ”.
Tôi
hỏi tiếp :
“ Cô
có đi dự tiệc tùng , mừng lên lon , thăng cấp , dạ hội gì không ?”.
“
Không , em chả có đi đâu . Ở Chương Thiện em cũng không đi chợ . Dân chúng cũng
không biết em là ai . Mua bán gì em về Cần Thơ , đông người , cũng chả ai biết
em là ai . Em cũng không có nhà cửa nên cũng không mua sắm đồ đạc . Lương nhà
binh cũng chẳng có là bao . Em cũng không ăn diện nên chẳng có nhiều quần áo .
Năm
1972 ở An Lộc về , anh Cẩn mang lon Đại tá , không biết nghĩ sao anh nói với em
, vợ chồng chụp được một tấm hình kỷ niệm . Đây là tấm hình gần như duy nhứt .
Xin bác dùng tấm hình này của nhà em mà để lên tấm bia lịch sử ”.
Tôi
nói rằng , tấm hình của cô và anh Cẩn rõ ràng và đẹp lắm . Hoàng Mộng Thu có
đưa cho tôi xem . Chúng tôi sẽ dùng hình này . Nhưng tôi vẫn gặng hỏi : “ Thế
bao nhiêu lần anh thăng cấp cô có dự lễ gắn lon không ?”.
” Em
đâu có biết . Chỉ thấy anh Cẩn đi về đeo lon mới rồi cười cười . Cũng có thể
gọi là những giây phút hạnh phúc của đời nhà binh ”.
“ Thế
cô chú ở Thủ Đức có khi nào đi chơi Vũng Tàu tắm biển không ?”.
Bà
Cẩn thật thà nói rằng :
“ Khi
anh Cẩn học ở Đồng Đế thì em và con có ra thăm Nha Trang nên thấy biển . Còn
chưa bao giờ được đi với anh Cẩn ra Vũng Tàu . Sau này đến khi vượt biên thì mẹ
con em mới thấy biển Vũng Tàu…”
Trong
số một triệu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa , dường như Sĩ quan , anh nào cũng có
1 lần đi với vợ con hay người yêu trên bãi biển Vũng Tàu . Chỉ có hàng binh sĩ
, chỉ những người lính là chưa có dịp . Hồ Ngọc Cẩn ở Rạch Giá suốt đời chưa
đem vợ đi Vũng Tàu . Vì vậy chị Cẩn suốt đời vẫn chỉ là vợ lính .
Trong
quân đội , dù là Tướng tá hay Sĩ quan , anh nào mà chả có thời làm lính . Sau
đó mới làm quan . Chỉ riêng cô Nguyễn thị Cảnh , hiền thê Đại tá Hồ Ngọc Cẩn là
người đóng vai vợ lính suốt đời . Những ngày vui nhất của chị là thời gian được
làm vợ anh Trung sĩ hiền lành của trường bộ binh Thủ Đức .
Ngày đó đã xa rồi hơn nửa thế kỷ , ở bên kia
địa cầu , trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú , có vợ chồng anh lính trẻ mỗi sáng Chúa
nhựt cầm tay nhau để đi lễ nhà thờ .
Tác
giả : Giao Chỉ , San Jos
Từ fb anh Hai Robert
1 comment:
Đọc mà không cầm nước mắt, cầu xin linh hồn bà sớm về nước Chúa & đoàn tụ với chồng trên thiên đàng. Một người vợ quá tuyệt vời, dễ thương qu1a sức.
Post a Comment