Friday, June 10, 2016

"ANTEN" ĐẠI ÚY BÙI ĐÌNH THI (Trần Yên Hòa)





 NHÂN DUYÊN NGHIỆP QUẢ


Kính thưa quý Thầy Cô & các anh chị,

Thukỳ thường nghe câu: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”  nhưng biết bao người trên cõi đời này đã vì một chút lợi danh đã làm nhiều điều gian ác, vu khống trái với lương tâm họ vẫn làm, may mắn chúng ta ở Mỹ nên họ không làm gì được vì có luật pháp bảo vệ, dù vậy chuyện “ném đá dấu tay” làm những việc tồi tệ cũng không thiếu, bằng chứng, nhân chứng là việc tối cần để luật pháp trừng trị khi đến thời điểm.

Đọc xong bài viết về “Anten” Đại Úy Bùi Đình Thi, Thukỳ xin mượn để tâm tình vài hàng về những người tù cải tạo, một số ít đã quên đi luật “nhân quả” giữa thiện và ác, nếu có thể h cứ đạp lên anh em mà sống, họ quên rằng có lưới trời.

Ông xã Thukỳ đi cải tạo gần 10 năm và đã từng ở trại tù Thanh Phong ngoài Bắc (gần trại Đầm Đùn cũ) cũng có “anten” và vì quá gầy còm ốm yếu, nên hình như mỗi đêm sau khi lao động về anh đều bị tên VTA “anten” (nhạc s) đưa ra kiểm điểm vì không bao giờ đạt được chỉ tiêu lao động….

Nghe anh kể có một điều là khi bị kiểm điểm người đó phải nhận tội thì anh em mới được tan hàng đi ngủ, vì sợ anh em mệt mỏi lao động cả ngày mà phải ngồi lâu,  nên OX Thukỳ cùng những anh bị kiểm điểm đều nhận tội cho xong.  Nhưng bị áp bức và tức vì chính đồng bạn tù làm tội tố cáo nhau chứ không phải là VC, nên ông xã Thukỳ đề nghị bảo anh VTA, xin VC xử bắn anh, vì tội quá gầy không làm đủ tiêu chuẩn, phần vì đói làm không xong khi bị cắt khẩu phần….

Thukỳ xin kể một tí để quý Thầy Cô trước khi đọc bài “anten” này sẽ thấy sự tàn nhẫn giữa bạn bè, đồng loại với nhau.  Thiết nghĩ khi sang Mỹ sẽ không còn những bộ mặt đó, nhưng thật ra “chó đen giữ mực” ở đâu cũng không thể tránh khỏi loại gian manh này. 

Kính chuyển đến quý Thầy Cô và các anh chị bài đọc thật hay về kiếp “nhân quả” gieo gió gặt bão, qua bài đọc “Anten” Đại Úy Bùi Đình Thi.

Trân trọng,
  Thukỳ. 

*********
 Cuối tuần và có lẽ cũng là lúc sắp sửa đến... lúc chuẩn bị cho việc chấm dứt, mãn kiếp phù sinh, kết thúc cuộc đời vô thường nơi cõi thế gian trầm luân đầy tục luỵ nầy. Đã từng trải qua: "Biết bao cảnh ngộ bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"! Cũng như: "Anh hùng tử, khí hùng bất tử", hoặc: "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng"!

 Không dám luận bàn chi sâu xa đến khía cạnh đức Nhân ái. Trong lãnh vực tâm linh thiêng liêng, vốn vô cùng rắc rối phức tạp nơi bất cứ phạm vi của một tôn giáo nào cả. Mà A29026 chỉ muốn đốt lên một ít nén trầm, để mong qua đó tìm lại đôi chút mùi hương xưa củ. Ở những ngày tháng ê chề trong quãng đời trong quá khứ nhọc nhằn, gian nan và chứa chan tủi nhục. Ở thân phận của kẻ chiến bại đển tự bản thân ta cố gắng đấu tranh giữa ranh giới mâu thuẩn, đối cực khác biệt lớn lao của hai sự Thiện &'Ác.

 Để rồi bất chợt thấy tâm tư mình bổng ngậm ngùi chua xót, thấm thía nảo nề về ý nghĩa của luật Nhân Quả. Theo như triết lý của nhà Phật đại từ bi, là: "Ân oán nên cởi, chứ không nên thắt" (nhưng lại rất khó thực hiện nơi một con người bình thường). Như qua sự chiêm nghiệm về trường hợp của nhân vật Bùi Đình Thi trong quá khứ đã qua !!!

A29026

   
                           


Trích theo trong bài:

"Tại tòa án San Pedro, chúng ta cũng biết nguyên đơn là Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, một người chuyên tranh đấu cho nhân quyền, cũng là giám đốc Boat People SOS có trụ sở nd tại Virgina, đã tố cáo các hành vi của ông Thi với Sở Di Trú Hoa Kỳ
....
Trong hàng nghìn trại tù của cộng sản trên đất nước, không phải chỉ riêng ở Thanh Cẩm mới có tù vượt trại. Tại Hoàng Liên Sơn, Đại Úy Trần Văn Cả đã vượt trại ba lần, lần thứ ba với những người tù hào kiệt như Lê Bá Tường (BK Dù), Đặng Quốc Trụ (K.20 Đà Lạt), Vương Mộng Long (BĐQ Biên Phòng), dù bị bọn coi tù đánh đập tàn nhẫn họ đã trở về nguyên vẹn hình hài, vì may mắn trong những trại này không có ai là Bùi Đình Thi, người cùng chiến tuyến làm “trật tự-thi đua.”
....
Cuối cùng rồi thì người tốt kẻ xấu, người ngay kẻ gian cũng phải ra đi, nhưng không phải cái chết nào cũng giống cái chết nào, thiên đàng, địa ngục không ở cùng một nơi."

Hết trích.

       
                               
                                         

                                                                   Chữ Tâm
1- Tù Gian /anten Bùi Đình Thi

Hoàng Hải Thuỷ

Đêm rạng sáng ngày 2 Tháng 5, 1979, 5 người tù chính trị vượt ngục ở Trại Tù Thanh Cẩm, Bắc Việt Cộng. Đó là các ông: Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, Giáo sư Nguyễn Sĩ Thuyên, Thiếu Tá Đặng Văn Tiếp, Đại Tá Trịnh Tiếu, ông Lâm Thành Văn. Hai ông Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Sĩ Thuyên là nhân vật chính trị của Quốc Gia Việt Nam CH, hai ông Đặng Văn Tiếp, Trịnh Tiếu là sĩ quan Quân Lực Việt Nam CH, ông Lâm Thanh Văn là công dân Quốc Gia Việt Nam CH, bị bắt vì tham gia tổ chức Phục Quốc. Năm tù nhân chính trị liều mạng tìm cái sống trong cái chết. Các ông thất bại ngay trong bước đầu của cuộc vượt ngục: bị giam trong khu gọi là “kiên giam”, trong đêm năm ông khoét được tường phòng giam chui ra ngoài, nhưng hai ông Trịnh Tiếu, Lâm Thành Văn quá yếu sức, không vượt được bức tường bao quanh trại. Ba ông Đặng Văn Tiếp, Nguyễn Sĩ Thuyên, Nguyễn Hữu Lễ thoát ra đến dòng sông gần trại thì trời sáng, ba ông phải nấp trong một hốc đá bên bờ sông. Bọn cai tù đuổi theo, bắt được ba ông, chúng đánh ba ông tàn bạo, ác liệt ngay tại bờ sông. Nhưng tên hành hạ các ông, tên đánh chết, giết chết hai ông trong số năm ông lại là một anh tù cũng như các ông. Anh tù khốn kiếp này tên là Bùi Đình Thi, nguyên Đại úy Quân Lực Quốc Gia Việt Nam CH. Vào tù, Bùi Đình Thi tự nguyện làm “trật tự viên” giúp bọn cai tù giữ “trật tự” trong trại.

Những ngày như lá, tháng như mây… 1979… 1992… Mười mấy năm sau năm hai tù nhân chính trị Đặng Văn Tiếp, Lâm Thành Văn bị tên tù gian Bùi Đình Thi đánh chết và bỏ đói đến chết ở trại tù cộng sản Thanh Cẩm… Sống sót trở về từ trại tù Bắc Việt Cộng, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ sang sống ở New Zealand. Ông viết về cuộc vượt ngục Thanh Cẩm của các bạn tù của ông và ông, ông kể rõ tên Bùi Đình Thi đã đánh chết Thiếu Tá Đặng Văn Tiếp, làm chết ông Lâm Thành Văn. Tên tù gian Bùi Đình Thi đi Hát Ô sang Cali. Tháng Tám năm 2003 có tin nhà đương cục Hoa Kỳ đã mở cuộc điều tra về vụ Bùi Đình Thi, đã thấy Bùi Đình Thi có tội, đã bắt giam y và làm thủ tục tống xuất y về Việt Nam. Lý do tống xuất: những người can tội làm hại đến nhân quyền của những người khác không được sống ở Hoa Kỳ.

Bài viết của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã được công bố nhiều lần trên nhiều báo Việt ngữ ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn còn nhiều người Việt chưa được biết rõ nội vụ. Thêm nữa nhiều vị độc giả ở Canada, ở Úc, chưa có dịp đọc bài viết của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, nên chưa được biết rõ về nguyên do chính phủ Hoa Kỳ trục xuất một người Việt tên là Bùi Đình Thi, tôi trích đăng vài đoạn trong bài viết của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ như sau:
Một trường hợp của Lương Tâm.
Người viết: Linh mục Nguyễn Hữu Lễ.

Bùi Đình Thi và Trương văn Phát, mỗi anh một bên nắm hai cổ tay tôi, kéo lê về trại, lưng và mông tôi lết trên mặt đường đá cục, đau đớn không chịu được, nhưng biết làm gì hơn? Chúng kéo tôi thẳng vô sân trại, vất nằm ngửa trên nền xi-măng của hội trường.

Nằm yên một chốc, tôi mê đi không còn biết gì nữa. Chẳng biết mê man như thế bao lâu vì lúc đó tôi đã mất hết ý niệm về thời gian. Lúc chợt tỉnh lại, tôi mở mắt ra, thấy Bùi Đình Thi đang cầm sô nước lạnh giội lên mặt tôi. Vưà thấy tôi tỉnh lại, anh ta vội đặt cái sô xuống và nhanh như con hổ sợ con mồi vuột chạy mất, nhảy chồm lên, hai tay kéo một cánh tay tôi kéo thẳng lên, đồng thời dùng gót chân đạp một cách điên cuồng vào ngực, vào bụng tôi, miệng anh ta sùi bọt mép, nghiến răng trợn mắt nói như muốn hụt hơi: “Đ.m. mày Lễ, ăn cơm không muốn mày muốn ăn cứt, mày muốn chết tao cho mày chết!”

Lúc ấy nằm ngửa nhìn lên, tôi bắt gặp cặp mắt của Bùi Đình Thi, một hình ảnh mà tôi còn cảm thấy kinh hãi cho đến giờ này: một cặp mắt đỏ ngầu như máu, hai tròng con mắt lồ lộ ra ngoài như mắt của một người treo cổ tự tử mà vì bổn phận có lần tôi đã chứng kiến. Chưa bao giờ và tôi nghĩ là cũng chẳng bao giờ, tôi thấy cặp mắt của ai như mắt Bùi Đình Thi lúc đó. Đánh đập chán chê anh ta bỏ tôi nằm yên. Sau này tôi mới biết anh ta bỏ tôi để quay sang “thăm” hai anh Đặng Văn Tiếp và Nguyễn Sĩ Thuyên đang nằm gần đó. Tôi lại đi vào cơn hôn mê một lần nữa. Khi tỉnh lại, tôi thấy Bùi Đình Thi đang cầm hai chân tôi kéo lê lên các bậc thang đúc bằng xi-măng từ sân hội trường sang khu kiên giam. Lưng và đầu tôi va mạnh vào những bậc thang (12 bậc), làm tôi bừng tỉnh lại và nhờ đó tôi mới chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khác: Cảnh “Đại úy” Bùi Đình Thi giết chết Thiếu Tá Đặng Văn Tiếp.

Bùi Đình Thi kéo tôi vào lại buồng cũ, nơi mà chúng tôi vừa khoét tường vượt ngục đêm qua. Chắc chắn một điều là Bùi Đình Thi tưởng tôi đã chết rồi nên mới lôi đầu tôi vào phòng trước, đặt tôi nằm quay mặt nhìn ra sân, nhờ thế tôi nhìn thấy tội ác tày trời của anh ta. Nếu biết tôi còn sống, có lẽ Bùi Đình Thi đã ban cho tôi một vài “cú ân huệ” rồi!
Vừa quẳng tôi vô buồng, Bùi Đình Thi vội quay trở ra cửa khu kiên giam, đẩy mạnh anh Tiếp vào. Từ lúc thâý anh Tiếp bị đánh ở bờ sông cho đến lúc đó là bao lâu tôi cũng không thể đoán được vì trí nhớ của tôi lúc ấy bị rối loạn. Anh bị đòn nhiều ít thế nào tôi cũng chẳng hay. Tôi chỉ biết lúc đó trông anh còn có vẻ khá hơn tôi, tuy dáng anh trông tả tơi nhưng anh còn đi đứng được. Tôi nghe có cả tiếng phụ nữ, chắc là vợ con cán bộ nghe tin cũng đã chạy tới xem cảnh hành hạ tù vượt ngục. Tôi không biết ai đã quật anh Tiếp ngã xuống, nhưng tôi thấy rõ Bùi Đình Thi, và chỉ có một mình Bùi Đình Thi mà thôi, nhẩy chồm tới cầm tay anh Tiếp kéo lên, rồi dùng gót chân dậm một cách điên cuồng lên ngực, lên bụng anh giữa tiếng chửi bới và cổ võ của một lũ cán bộ.

Nằm nhìn cảnh ấy, tôi biết là anh Tiếp không thể chịu nổi những cú đòn hiểm độc này của Bùi Đình Thi. Không rõ Bùi Đình Thi hành hạ anh Tiếp trong bao lâu cho tới khi tôi nghe tiếng anh kêu lên thật to…: “Con chết…, Mẹ ơi..!” Đó là câu nói cuối cùng của đời anh!

Mấy ngày sau tôi được biết hai anh Trịnh Tiếu và Lâm Thành Văn cũng bị đánh đập tả tơi và đang bị cùm chân trong nhà kỷ luật cũ, còn được gọi là “Nhà Đen” (vì mái nhà lợp bằng thứ giấy nhựa mầu đen.)

Trước khi chúng tôi vượt ngục, trại cho tù ăn sắn thường xuyên, nhưng anh Lâm Thành Văn, vì đau dạ dầy, vẫn được ăn cháo với muối, nhờ vậy từ khi có kế hoạch vuợt ngục chúng tôi đã để dành được một ít muối, phòng lúc ra rừng có muối mà ăn. Tới ngày vượt ngục, chúng tôi gom góp được non bát muối. Bùi Đình Thi đã xét thấy số muối đó trong túi của tôi khi tôi bị bắt lại. Đây chính là nguyên nhân cái chết của anh Lâm Thành Văn. Sau khi anh Văn bị cùm chân, Bùi Đình Thi không cho anh Văn ăn cháo nữa, mặc dầu tiêu chuẩn của trại vẫn còn. Khi cháo cho tù được mang tới khu kỷ luật, Bùi Đình Thi đá bát cháo của anh Văn đi, bắt anh Văn ăn khoai hay ăn sắn, những thứ mà anh Văn không thể nào nuốt được. Bữa ăn nào anh Văn cũng kêu van, năn nỉ, nhưng Bùi Đình Thi trả lời một cách dứt khoát: “Cho ăn cháo để chúng mày lấy muối trốn trại à? Không ăn sắn được thì chết!”

Anh Trịnh Tiếu kể lại rằng trong suốt mấy ngày đó anh Văn không có gì để ăn, anh chỉ uống nước cầm hơi. Sáng sớm hôm đó, anh Văn nhờ anh Tiếu đỡ anh ngồi lên. Với một chân trong cùm, chân kia co lại, anh ngồi gục đầu trên hai cánh tay khoanh trên đầu gối. Anh ngồi yên trong tư thế này như anh vẫn thường ngồi thường ngày.
Rồi anh Tiếu thấy anh Văn gục mạnh xuống và không gượng dậy được nữa, anh vội đỡ anh Văn lên nhưng người anh Văn đã mềm nhũn…

Không nhân danh bất cứ cái gì cả, tôi, người viết những dòng này, một công dân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà, tôi nói việc vạch tội bọn có tội giết người là đúng, việc đuổi cổ tên tù gian Bùi Đình Thi về sống với bọn đảng viên cộng sản Việt Nam là việc phải làm. Đây không phải là việc trả thù, đây là việc mà người Việt Nam nào cũng phải làm. Ta không làm việc này vì chúng ta, chúng ta làm vì những người anh em của chúng ta đã chết vì sự tàn ác của bọn đảng viên cộng sản.

Vạch tội những tên mặt người, dạ thú như tên tù gian Bùi Đình Thi cũng là việc vạch tội bọn đảng viên đảng cộng sản Việt Nam. Tội ác của chúng đã cao như núi, đã dài như sông, nước biển đông, biển tây, biển bắc, biển nam rửa ngàn năm không sạch tội chúng, nhưng vì tội ác của chúng làm với dân tộc chúng ta lớn quá, nặng quá, ác độc quá, rùng rợn quá, chúng ta vẫn cứ phải vạch tội chúng. Chúng ta phải vạch tội chúng bây giờ và mai đây chúng ta vẫn phải vạch tội chúng sau khi chúng bị nhân dân ta nhổ vào mặt, bợp tai, đá đít, đuổi đi, như bọn đảng viên anh em của chúng ở những nước Hung, Tiệp, Ba Lan, Lỗ.. đã bị nhân dân Hung, Tiệp, Ba Lan, Lỗ… nhổ vào mặt, bợp tai, đá đít…! Chúng ta phải làm cho con cháu chúng ta biết những tội ác của bọn Việt Cộng, chúng ta có bổn phận phải làm việc đó. Vì những người Việt Nam đã chết thê thảm trong ngục tù ác quỉ cộng sản, chúng ta phải vạch tội bọn cộng sản!

Tôi không sướng khoái gì với việc tên tù gian Bùi Đình Thi bị tống ra khỏi Hoa Kỳ, tôi thấy nhục, tôi thấy buồn. Nhưng tôi vẫn thấy việc vạch mặt những tên bợ đít bọn Việt Cộng, những tên tù làm hại bạn tù để mưu lợi riêng, là việc phải làm. Chúng ta phải làm việc vạch mặt ấy vì những người anh em ta đã chết vì cộng sản. Nếu bị cho là người nhỏ nhen, tôi nhận tôi là người bụng dạ nhỏ nhen. Nếu bị trách phạt “Sao ngươi không biết tha thứ?”, tôi xin thưa:
— Xin Ngài thương! Con không có quyền tha thứ. Tha thứ hay không là quyền của những anh em con đã chết vì sự tàn ác của chúng nó!


2- Bùi Đình Thi, giữa đường trở lại quê hương
Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi người tù “cải tạo” đầu tiên đặt chân đến Mỹ, và từ đó đến nay, ngay cả những đứa cháu nội ngoại của những người tù chính trị năm xưa cũng đã tốt nghiệp đại học, cái tên Bùi Đình Thi hầu như đã trôi vào quên lãng, không còn ai nhắc nhở đến. Nhưng vào những năm đầu của thập niên 1990, cộng đồng Việt Nam, nhất là những cựu viên chức VNCH, những người đã trải qua những giai đoạn tù đày dưới chế độ Cộng Sản với mỹ danh là trại cải tạo, đều lưu ý theo dõi bản án của người tù “thi đua” trong trại tù Thanh Cẩm với tội hành hạ bạn tù, đã bị tòa án di trú San Pedro, California, công bố lệnh trục xuất về Việt Nam vào cuối Tháng Tư, 2004. Trong khi chờ thỏa hiệp của hai chính phủ Việt Nam và Hoa kỳ, ông Bùi Đình Thi bị đưa đến trại giam của cơ quan di trú trên đảo Quần Đảo Marshall (Republic of the Marshall Islands) và sống tại đây cho đến khi ông qua đời. Tôi độ chừng, Bùi Đình Thi mất vào khoảng năm 2006 hay 2007, vào thời điểm Hoa Kỳ và Việt Nam chưa có Thỏa Hiệp Trục Xuất, được hai bên ký kết vào ngày 22 Tháng Giêng, 2008. Khoảng năm 2006 tình cờ có đến nhà sách Tú Quỳnh ở Bolsa, tôi thấy một gói sách sắp được gửi đi cho người đặt mua là Bùi Đình Thi, đó là thời gian ông được đưa ra đảo Marshalls.

Bùi Đình Thi qua đời lúc nào không ai hay biết, có lẽ chỉ gia đình ông mới được thông báo mà thôi! Ngay cả ông Alan E. Fowler, bộ trưởng Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Marshalls Islands, cũng trả lời bà Hà Giang báo Người Việt một câu vô trách nhiệm: “Tôi không rõ ông qua đời lúc nào.”
Tin Bùi Đình Thi qua đời đã dấy lại một dư luận lên án Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, một nạn nhân của sự tàn bạo mất hết tính người của Bùi Đình Thi, người đã đánh chết hai người bạn tù thân thiết của ông ngay trước mắt ông. Khoảng năm 1993, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ từ New Zealand đã viết những loạt hồi ký đăng trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ kể lại những chuyện đã xẩy ra trong trại tù “cải tạo” Thanh Cẩm ở Bắc Việt, khi Bùi Đình Thi là tên “thi đua“ cho trại, lạm dụng quyền hành hay được bọn cai tù làm lơ, để cho y tra tấn và đánh đến chết những người vượt trại, trong đó có cựu Dân Biểu Đặng Văn Tiếp, và một tù nhân khác tên là Lâm Thành Văn, và sau đó để cho ông Văn chết đói. Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ là một nạn nhân còn sống sót sau những trận đòn điên cuồng, khát máu của Bùi Đình Thi và ông thề “Tôi Phải Sống” như nhan đề tập hồi ký của ông, để trả món nợ máu này.

Nhưng sau đó, khi sang Hoa Kỳ, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ đã đến thăm gia đình Bùi Đình Thi, tỏ ý tha thứ cho Thi và chụp hình chung thân mật với gia đình Thi. Liệu chúng ta đã chịu cảnh tra tấn, đánh đập tàn nhẫn bởi một tên coi tù độc ác như vậy, chúng ta có làm được một hành động như Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ không? Và còn những cái chết oan khuất của những người bạn tù khác, ai trả mạng sống cho họ? Trước khi chúng ta đòi hỏi sự bác ái, tha thứ, xã hội cần phải có sự công bằng. Bùi Đình Thi đã giết người dưới sự che chở của cộng sản, lại được lên một chuyến tàu với những nạn nhân khổ đau của cộng sản, thế gian này đâu còn lẽ công bằng!

Tại tòa án San Pedro, chúng ta cũng biết nguyên đơn là Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, một người chuyên tranh đấu cho nhân quyền, cũng là giám đốc Boat People SOS có trụ sở tại Virgina, đã tố cáo các hành vi của ông Thi với Sở Di Trú Hoa Kỳ và Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ chỉ là một trong những nhân chứng của vụ án. Liệu chúng ta có thể nói ngược lại những gì đã xẩy ra trong trại Thanh Cẩm để làm nhẹ tội cho một người có những hành động như Bùi Đình Thi hay không? Phải là một người tù trong trại tập trung của Việt Cộng, trải qua những ngày khốn khổ, đói rét và nhất là dưới sự đối xử tàn bạo của bọn cai tù và với sự tiếp tay hà khắc của bọn “thi đua,” “đội trưởng,” bọn “cáo mượn lốt hùm,” đánh đập, chèn ép khiến để những bạn tù của chúng ta phải tự tử, mới hiểu biết những gì chúng ta đã được nghe tường thuật lại từ địa ngục Thanh Cẩm. Nhưng không có trại tù nào xẩy ra việc “thi đua” đánh bạn tù đến chết như trường hợp Bùi Đình Thi và cuối cùng nạn nhân cũng như thủ phạm cũng mang nhãn hiệu “tị nạn” đến Hoa Kỳ như nhau. Chúng ta không thể chê trách gì Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ. Có những phiên tòa mà cha mẹ nạn nhân bị giết chết xin tòa giảm án cho thủ phạm, nhưng cũng có những phiên tòa gia đình nạn nhân đòi bản án tử hình. Gia đình chúng ta có hứng chịu nỗi đau khổ oan khuất như gia đình cựu Dân Biểu Đặng Văn Tiếp và Giáo Sư Lâm Thành Văn chưa? Sau khi ra tù, Bùi Đình Thi và chúng ta đều được định cư tại Mỹ, sống cuộc đời tự do no ấm, thì các nạn nhân chỉ còn là những nắm xương lạnh lẽo trong những nấm mồ xiêu lạc trên đất Bắc, vậy chúng ta đi đòi hỏi công bằng bác ái cho ai trên trái đất này?

Trong hàng nghìn trại tù của cộng sản trên đất nước, không phải chỉ riêng ở Thanh Cẩm mới có tù vượt trại. Tại Hoàng Liên Sơn, Đại Úy Trần Văn Cả đã vượt trại ba lần, lần thứ ba với những người tù hào kiệt như Lê Bá Tường (BK Dù), Đặng Quốc Trụ (K.20 Đà Lạt), Vương Mộng Long (BĐQ Biên Phòng), dù bị bọn coi tù đánh đập tàn nhẫn họ đã trở về nguyên vẹn hình hài, vì may mắn trong những trại này không có ai là Bùi Đình Thi, người cùng chiến tuyến làm “trật tự-thi đua.” Vậy thì chúng ta đừng lấy chuyện gói muối, sợi dây để “đổ tội” cho những người này hay người khác. Những ai chưa chịu cảnh tù đày, khốn khổ và sống trong tột cùng địa ngục, xin đừng rao giảng nhân nghĩa, bác ái và dạy người khác phải thương yêu, tha thứ.

Khi nghe tin Bùi Đình Thi sẽ bị tống xuất về Việt Nam và gia đình không can dự, nhiều ý kiến cho rằng đáng lẽ gia đình Bùi Đình Thi cũng phải liên lụy vì chính chiếc vé nhập cảnh gian dối của Thi đã đưa toàn gia đình đến Mỹ bất hợp pháp, chính ở điểm này chúng ta mới thấy nước Mỹ nhân đạo dường nào. Mặt khác, trong khi chúng ta có bao nhiêu người tù “cải tạo” năm xưa hăm hở trở lại thăm Việt Nam, thì việc Bùi Đình Thi “bị” trả về Việt Nam với một “hậu cứ” tám đứa con ở Mỹ, đâu còn là một hình phạt.

Tuy vậy, mọi việc không xẩy ra như gia đình Bùi Đình Thi mong muốn và như chúng ta đã tưởng. Trong một “trại tập trung” của cơ quan di trú Mỹ, thì cũng là một trại tù, trên một hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương, giữa đường từ Hawaii đến Úc, trong một quốc gia xa lạ mà hầu hết chúng ta mới nghe tên lần đầu, Republic of the Marshall, Bùi Đình Thi đã không về tới được quê hương, đành chết ngậm ngùi, trong nỗi tuyệt vọng như người tù Papillon trên hoang đảo ngày nào.

Nhân vật phải gánh chịu nhiều nỗi đau nhất trong tấn thảm kịch này chính là chị Bùi Đình Thi, người vợ tù đã bao năm nuôi con, tiếp tế cho chồng, cuối cùng phải sống trong sự tủi nhục, khép kín, xa lánh cộng đồng vì búa rìu dư luận bởi những hành động của chồng.

Cuối cùng rồi thì người tốt kẻ xấu, người ngay kẻ gian cũng phải ra đi, nhưng không phải cái chết nào cũng giống cái chết nào, thiên đàng, địa ngục không ở cùng một nơi.
Huy Phương

Song Nhị

NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM


3- Bùi Đình Thi
Chiêm nghiệm nhân duyên nghiệp quả



        Tôi đọc được bản tin trên Internet về một sự việc chỉ mới xẩy ra chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Bản tin đó có tiêu đề và nội dung như sau:

- ICE Bắt Ông Bùi Đình Thi Vì Đánh Chết 1 Tù Cải Tạo Ở VN.
- Cơ Quan ICE Đang Làm Thủ Tục Trục Xuất Ông Thi Về Lại Việt Nam.

LOS ANGELES – [Bản tin này dịch theo thông báo của ICE (US Bureau of Immigration and Customs Enforcement) – tên mới của INS].
“Một người Việt Nam từng làm “kỷ luật” trong một trại cải tạo sau khi Cuộc Chiến VN kết thúc, đã bị bắt hôm thứ sáu 8-8-2003 bởi các viên chức Sở Kiểm Soát Di Trú và Thuế Quan (ICE).
Tấm hình chụp năm 1996, tại tư gia ông Bùi Đình Thi, do gia đình ông cung cấp cho nhật báo Orange County Register năm 2003. Từ trái: Bà Connie Đinh, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, người làm chứng chống lại ông Thi. Người đứng giữa là ông Bùi Đình Thi. (Nguoi Viet Online)
Bùi Đình Thi, 61 tuổi, người gian lận để xin vào Mỹ với tư cách tị nạn năm 1994 và đã chuyển sang thường trú nhân sau đó 2 năm, bị cáo buộc là đã bỏ đói, đánh đập và tra tấn các bạn tù trong thời kỳ 3 năm, gây ra ít nhất 2 người chết.

Các nhân viên ICE đã bắt ông Bùi Đình Thi tại căn chung cư Garden Grove sáng thứ sáu. Bị cáo buộc là vi phạm Luật Di Trú và Quốc Tịch vì đã ra lệnh, kích động, trợ giúp hay tham dự trong việc truy bức người khác, ông Bùi sẽ bị ICE giam mà không cho tại ngoại, chờ tiến trình trục xuất hồi hương.

“Nhằm vào các cá nhân từng khủng bố chính đồng hương của họ và bây giờ đang tìm an toàn và ẩn tích tại Mỹ là một ưu tiên cho ICE và Bộ Nội An,” - theo lời Loraine Brown, Quyền Trưởng phòng thám tử đặc biệt ICE tại Los Angeles. “Chúng ta sẽ không để cho nước Mỹ trở thành nơi an toàn cho những ai từng phạm tội chống con người.”

Sau khi Sài Gòn sụp đổ, vào tháng 4-1975, ông Bùi, một cựu đại úy trong quân đội VNCH, bị đưa vào trại cải tạo Thanh Cẩm nơi dành cho tù chính trị và tôn giáo. Trong tù, ông làm trật tự viên và ăng-ten cho cai tù. Với nhiệm vụ này, ông bị cáo buộc đã đánh 3 tù nhân, một trong ba người sau đó đã chết vì vết thương. Bùi cũng bị cáo buộc đã gay gắt hạn chế khẩu phần lương thực, làm một tù nhân chết đói, và cấm các tù nhân khác làm các nghi lễ tôn giáo.”

THỰC HƯ VỤ ÁN

Đọc bản tin trên đây, mối cảm xúc đầu tiên chợt nhói lên trong tôi là hình ảnh của gia đình Bùi Đình Thi. Tôi cảm nhận và hình dung nỗi đau buồn của một người đàn bà, một người vợ và những đứa con, hoàn toàn vô tội bỗng đâu phải chuốc lấy một nỗi bất hạnh giữa đời.

Bỗng nhiên tôi cũng liên tưởng đến những cuộc săn lùng các tay tội phạm Đức Quốc Xã trong các thập niên 50s, 60s, và 70s, cho tới nay, dù đã hàng chục năm sau, tưởng như kẻ lẩn trốn đã ẩn náu an toàn ở các vùng Bắc Phi, Nam Mỹ. Nhưng tình báo, thám tử Do Thái đã tìm ra tung tích, thực hiện những màn bắt cóc như trong các hoạt cảnh phim ảnh, đem về Israel, đưa ra ánh sáng công lý. Các tội phạm chiến tranh Đức Quốc Xã còn lẩn trốn hiện vẫn đang bị theo dõi truy tìm.

Kể từ ngày chế độ miền Nam VN sụp đổ đến “biến cố” Bùi Đình Thi bị cơ quan ICE bắt giam, làm thủ tục trục xuất hồi hương đã xuýt xoát 30 năm. Chính xác là 28 năm 3 tháng 10 ngày. Thời gian đủ để một em bé (con gái một người bạn của tôi – chết tại trại tù Vĩnh Phú) chào đời ba ngày trước khi bố vào trại tù cải tạo, nay đã là một thiếu phụ có gia đình, vẫn thường muốn được nghe kể lại về người thân của mình, về thời trai trẻ của người cha, về những từng trải, chịu đựng trong các trại tù cải tạo và về cái chết của người bố... Khoảng thời gian đó cũng bằng khoảng thời gian mà các tay tội phạm Đức Quốc Xã bị truy bắt và đưa ra tòa.

Hình như ở trường hợp này, thời gian không phải là liều thuốc để “xoa dịu những vết thương lòng”. Đọc xong bản tin, tôi cứ bần thần mãi, nhiều ý nghĩ, tình cảm, nhiều hồi tưởng từ ký ức hằn lên, hiện về chập chờn, ám ảnh.

Tôi cũng trải qua ba ngàn ngày đêm trong “Đại Học Máu” (Hồi ký của Hà Thúc Sinh), được nếm đủ mùi vị; được chứng kiến nhiều tấn tuồng bi hài, thiện ác; được biết mặt, biết tên nhiều con người, nhiều bản diện, nhiều tâm địa: hào sảng, khẳng khái, cương nghị, trí dũng, bên cạnh những ti tiện, hèn nhát, ích kỷ, nhẫn tâm, thô bạo...

Tôi không ở chung trại với anh Bùi Đình Thi nên không quen biết, không được chứng kiến cái cá biệt ở con người này. Tôi chỉ được đọc trên báo chí, được nghe những người bạn từng chung trại với đương sự kể lại những gì mà các bạn ấy quả quyết là trung thực. Ở đời cái lẽ ghét ưa thật là thường tình. “Khi thương trái ấu cũng tròn, ghét nhau trái bồ hòn cũng méo”.
Nhưng dù là tình cảm có bị chi phối bởi cái lẽ ghét ưa thế nào đi nữa thì sự thật vẫn là sự thật, chân lý chỉ có một. Đọc báo tôi thấy phía lên tiếng bào chữa, bênh vực cho Bùi Đình Thi có những người làm chứng trước tòa như các ông Võ Bình, Nguyễn Văn Lợi, Mai Văn An, Nguyễn Huyến. Viết bài trên báo có Hà Kim Âu. Ông này từng trải 22 năm tù, 27 tháng biệt giam qua nhiều trại giam khét tiếng như Cổng Trời, Quyết Tiến, Thanh Lâm... tận núi rừng heo hút sát biên giới Việt Hoa. Tôi cũng có thân nhân cùng có trên 20 năm lao cải, từng ở các trại này.

Trong bài viết trước đây của ông Hà Kim Âu, lập luận của ông cho rằng Bùi Đình Thi không hề đánh đập các tù nhân Đặng Văn Tiếp, Trịnh Tiếu, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, chỉ có bọn công an cộng sản phạm tội ác đánh chết Dân biểu Tiếp... Bài của Ông Hà Kim Âu viết cách đây mấy năm, tôi không còn nhớ hết, và cũng không nhớ hai ông này có ở chung trại với nhau, hoặc có quen biết nhau không?

Trong chỗ riêng tư, tôi có mấy người bạn (13 năm tù) cùng chung trại Thanh Cẩm với Bùi Đình Thi. Tôi hỏi chuyện nhiều lần một người bạn tôi – xin nghe anh Nguyễn Đức Tồn:

- “Xin Anh cho tôi biết cụ thể và trung thực việc Bùi Đình Thi làm trật tự, đối xử tàn bạo với anh em tù ở Thanh Cẩm có thật không? Anh ở cùng trại, có mặt lúc đó.”

- “Việc đó thì ai mà không biết”. Anh Tồn trả lời và tôi hỏi tiếp:

- “Thế thì có thật Bùi Đình Thi đánh cha Lễ và đánh chết Đặng Văn Tiếp không?”

Người bạn tôi trả lời chậm rãi mà quả quyết:

– “Khi Ông Tiếp bị bắt dẫn về, cả trại biết. Những người trốn trại bị công an bắt được dẫn về giao cho Trật tự, cả trại đều biết. Trước khi giao cho trật tự, thì các nạn nhân đã bị đám công an đánh nhừ tử rồi, sau đó trật tự bồi tiếp những cú đấm đá, đạp vào ngực vào bả sườn nên có ai mà chịu nổi. Anh Tiếp chết trong trường hợp đó. Những người tù này bị nắm hai chân kéo ngược những bậc tam cấp từ đầu trại lên nhà Kỷ luật trên cao, đầu đập xuống đá có tiếng kêu “lộp cộp”, những ai nằm trong các phòng dọc theo dãy tam cấp đều nghe hết...”.

Anh bạn nói tiếp:

- “Tôi không thấy tận mắt những trận roi đòn từ tay Bùi Đình Thi ập xuống anh Tiếp, cha Lễ, nhưng mọi người ở Thanh Cẩm đều biết là do Bùi Đình Thi. Hơn nữa cha Lễ là nạn nhân trực tiếp, cha là nhân chứng sống mà, Tôi có gặp cha Lễ mấy lần tại San Jose. ...”

Chi tiết Bùi Đình Thi nắm hai chân nạn nhân kéo ngược các bậc tam cấp trùng hợp với bài báo của ông Tú Gàn mà tôi được đọc. Cũng có một cựu tù ở Thanh Cẩm, tác giả của một tập truyện tù “Chuyện Nổi Trôi” (Cội Nguồn xb 2006) cho rằng: - “Bảo Bùi Đình Thi đánh chết anh Tiếp là không đúng”.

Lại có lần tôi gặp Đại tá Trịnh Tiếu trong một buổi sinh hoạt sách báo ở Sacramento, ông nói với tôi:

- “Đây này, anh coi, cái xương sườn của tôi bị đánh gãy một khúc bằng hai lóng tay, tuy đã lành nhưng không liền lại được, nay còn đeo lủng lẳng đây này”.

Lúc tôi gặp trông ông hơi yếu nhưng vẫn hoạt bát tươi tỉnh. Song chưa đầy năm sau ông qua đời.

Tôi nhắc lại đây một vài chi tiết tôi được nghe tận tai, không có ý bênh vực hay cáo buộc, vì sự việc coi như đã rồi, hồ sơ đã đóng, một “trang đời” đã khép lại, ít nhất với cá nhân Bùi Đình Thi. Bây giờ có bênh hay buộc thì sự việc cũng không còn lật ngược trở lại được nữa. Hơn nữa tôi vẫn tin vào sự điều tra kỹ lưỡng và phán xét vô tư của luật pháp Hoa Kỳ. Họ chẳng có thành kiến gì với bị cáo.

Khi đọc xong bản tin, tôi liền viết lại cảm xúc của mình. Tôi viết, vì tôi có cảm tưởng tâm trí tôi như “bất an”, như vết thương ung mủ trở lại, như những khổ đau, nhức nhối, tủi nhục của những năm tháng kia hiện về, nhất là, hơn lúc nào hết, tôi lại chiêm nghiệm được cái lẽ đạo (nói theo Nguyễn Thùy), cái chân lý nhân quả, nghiệp báo mà đạo đức nhân cách con người được dạy dỗ từ bao đời, từng là mẫu mực lễ giáo của văn hóa Việt Nam đã nói:
“Tích thiện phùng thiện. Tích ác phùng ác. Thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Cao phi viễn tẩu giả nan tàng.” (Làm nhiều việc tốt sẽ gặp điều tốt; Làm nhiều việc ác sẽ gặp điều ác; Thiện hay ác trước sau gì cũng sẽ gặp; Dù có cao bay xa chạy cũng khó mà thoát được).

Theo thuyết nhà Phật, theo luật Nhân Quả, có người gieo nhân lành từ kiếp trước mà mãi tới kiếp sau mới được hưởng quả lành; do đó có người hiện tại ăn ở hiền lành thì lại bị đói khổ, hoạn nạn, bị áp bức. Kẻ độc ác, gian manh thì lại được giàu có, uy quyền. Người lương thiện thì chết yểu, kẻ hung tàn lại sống lâu. Nghiệp quả hay Nhân Duyên Quả Báo có lúc hiển hiện nhãn tiền vì tính cách to tát, hệ trọng; Hoặc do nhân tốt, ví như hạt lúa gặp được duyên lành là nước và đất mà thành “hạt ngọc”. Có những cái “nhân” hung tợn quá thì cái “quả” hiển hiện nhãn tiền.

Tôi cứ bâng khuâng mãi về cảnh ngộ của vợ con Bùi Đình Thi. Thế là lại cảnh chia lìa cha con, chồng vợ. Người đàn bà kia đã chịu đựng bao nhiêu năm chờ chồng trong lao tù cải tạo, những tưởng sau giông bão, cuộc đời đã tìm được chốn yên thân, nào ngờ lại “tai bay vạ gió”, lại xa cách, lại đớn đau, tủi nhục.... Tôi đem cảm nghĩ này nói ra, có người nói lại với tôi hãy so sánh với nỗi đau đớn và cảnh ngộ của vợ con dân biểu Đặng Văn Tiếp, của ông Lâm Thành Văn khi nghe tin chồng, cha mình đã bỏ xác nơi bìa rừng Thanh Hóa.

Tôi cảm thông sâu xa nỗi đau này của các bà vợ. Ôi, những người vợ, những bà mẹ Việt Nam! Còn nỗi đau nào hơn nỗi đớn đau này.

Tôi nhớ tại trại Lam Sơn Thanh Hóa, một buổi trưa (khoảng tháng 6 -1979) đoàn tù trên đường đi lao động về, gặp ba bốn người vợ từ trong Nam ra thăm nuôi chồng, một anh trong đoàn tù nhận ra có một người là vợ của một tù “ăng ten” (antenne), khi đi ngang qua người đàn bà này, anh ta lớn tiếng, nói lời nhắn gửi: - “Chị (X) ơi, chị nói với chồng chị thôi đừng làm ăng-ten, đừng làm chó săn nữa. Đừng hãm hại anh em nữa. Tội nghiệp chúng tôi lắm!”

Người đàn bà đánh rơi cái giỏ xách trên tay, ôm mặt òa lên khóc. Tôi còn hình dung được cả đoạn đường, cả cái nắng mùa hè buổi trưa Thanh Hóa hôm đó. Tôi được nghe, được chứng kiến cảnh bi thương đó, nhưng thú thật sao lúc ấy tôi không cảm thấy xúc động như bây giờ, sau 24 năm ngồi hồi tưởng lại nhân lúc nghĩ về cảnh ngộ của Connie Đinh (bà Bùi Đình Thi), nghĩ về cái nghiệp quả mà con người vì mù quáng, vì sân si đã gieo nên bao nỗi thương tâm.

Sau 25 năm, tính từ ngày 30-7-1988 khi phái đoàn Hoa Kỳ do ông Robert Funseth ký với Cộng Sản Hà Nội bản thỏa hiệp thả hết tù cải tạo, các đợt HO lần lượt đến bến bờ Tự do, những thương tích tàn phế thể chất đã dần dà lành lặn, nhưng những “vết thương lòng”, những nhức nhối tâm can thì khó mà mờ nhạt được. Tôi không bao giờ chủ trương ân oán, hận thù, nhưng nỗi đau tinh thần thì không thể khuây nguôi, nhất là những khi bị khơi gợi lại.
Nhiều lần ở Mỹ tôi gặp lại mấy tay “antenne”, mấy tay sai cai tù từng quắc mắt, sừng sổ với anh em giờ này thấy nét mặt họ sượng sùng, cặp môi gượng cười méo xệch, đáng thương; đôi mắt long lanh chứa đầy tròng trắng nạt nộ hung hăng ngày nào, bây giờ hơi cúi xuống, có chút gian xảo hơn là ân hận, tự nhiên tôi thấy lòng thương hại pha lẫn đắng cay. Những người này thường tránh né chỗ đông người, ít dám đi đâu. Cũng là nhân quả! Không muốn thấy mặt nhau nhưng lại gặp nhau luôn.

Con người nhân hậu là con người không lấy hận thù làm điều vay trả. Tôi không có ý phanh phui một cá nhân nào, cũng chẳng hay ho gì khơi lại một quá khứ tủi buồn chung của một vận mệnh chung.

Trong bản tin trên đây, tôi chú ý đến một chi tiết khác được Bộ Nội An Hoa Kỳ minh định khá rõ ràng, theo lời Loraine Brown, quyền Trưởng Phòng Thám Tử Đặc Biệt ICE tại Los Angeles: [“Nhằm vào các cá nhân từng khủng bố chính đồng hương của họ và bây giờ đang tìm an toàn và ẩn tích tại Mỹ là một ưu tiên cho ICE và Bộ Nội An. Chúng ta sẽ không để cho Mỹ trở thành nơi an toàn cho những ai từng phạm tội chống con người.”]

Sau bản án dành cho Bùi Đình Thi, một số cựu tù trại Lam Sơn Thanh Hóa, cư ngụ ở Nam California họp nhau đề nghị ký kiến nghị gửi ông Nguyễn Đình Thắng tố cáo người tù Trưởng Ban Thi đua trại C Lam Sơn về hành vi đối xử khắc nghiệt đối với bạn tù, cưỡng bách tù lao động những ngày cuối tuần, theo dõi và báo cáo mọi hành vi của người tù với ban giám thị trại...
Tôi và anh Lê Đình Khôi ở Bắc Cali, với anh Phạm Hữu Đàm ở Nam Cali nhận được đề nghị này. Chúng tôi thảo luận với nhau, trường hợp người tù trưởng ban thi đua này tuy đứng về phía công an, kiềm chế, theo dõi, và đặt ra những biện pháp cưỡng chế tập thể tù cải tạo, nhưng chưa có hành vi phạm tội trầm trọng như Bùi Đình Thi nên chúng tôi không ký tên; và đồng ý sẵn sàng ra làm chứng mọi sự thật, nếu nội vụ được đưa ra tòa. Chúng tôi đã đồng ý với nhau hãy để quá khứ chìm khuất theo dòng thời gian, hãy khép lại một giai đoạn, và hãy tha thứ. Cũng mừng, vụ này êm luôn.


BÙI ĐÌNH THI
TRƯỚC VÀNH MÓNG NGỰA

Trong số báo ra ngày 22-8-2003 tuần báo Việt Mercury phát hành tại San Jose đưa tin: “RA TÒA VÌ BỊ CÁO BUỘC GÂY TỘI ÁC VỚI BẠN TÙ Ở VIỆT NAM” với nội dung:
“Lần đầu tiên trong lịch sử tị nạn Việt Nam, ông Bùi Đình Thi, một cựu Đại Úy trong QL/VNCH phải ra trước một tòa án tại San Pedro, Nam Cali để trả lời về cáo buộc của một số đông bạn tù khi họ nói rằng những năm sau ngày 30 tháng Tư 1975, ông đã có hành vi tiếp tay với nhóm cai tù để hành hạ và đánh chết một tù nhân. Phiên tòa điều trần đã được thiết lập hôm 14 tháng Tám, trong đó các đại diện luật pháp nghe những nhân chứng kể lại chuyện cũ của ông Thi tại trại tù Thanh Cẩm, miền Bắc Việt Nam.

Những lời khai của ông Thi và các nhân chứng trước tòa sẽ được coi là bằng chứng để chính phủ Hoa Kỳ có thể đi tới quyết định xem có nên trục xuất ông Bùi Đình Thi hay không... Sở Di Trú Liên Bang đã tổ chức một cuộc phỏng vấn các nhân chứng khác vào ngày 13 tháng Tám để các cựu tù nhân ở chính trại Thanh Cẩm trình bày về vai trò của trật tự viên, cách tổ chức trại tù Thanh Cẩm và nhất là về con người và hành vi của Bùi Đình Thi...”
Bài báo viết tiếp:

“Trước vụ việc này, dư luận trong giới cựu tù nhân chính trị tại Quận Cam rất sôi nổi, nhưng suy nghĩ không đồng nhất. Theo bài báo thì nhiều người không có ý kiến vì họ không ở trại Thanh Cẩm, có người hồ nghi về lời tố cáo hành vi của Bùi Đình Thi và muốn Sở Di Trú mở cuộc điều tra rộng rãi hơn”.

Ông Thi đến Mỹ năm 1994, đã bị thu hồi thẻ xanh vào năm 2002. Bị bắt giam ngày 8 tháng Tám, 2003. Theo luật của Sở Di trú Hoa Kỳ, bất cứ ai đã ra lệnh, xúi giục, tiếp tay hay dự phần vào sự bách hại người khác cũng đều không được phép di cư đến sống ở Mỹ.

Việc Bùi Đình Thi bị trục xuất đến nay đã ngã ngũ. Trong vụ án này, tôi nghĩ các cựu tù chính trị không vì lý do gì để “vu oan giá họa” cho người khác, cũng không vì tình cảm riêng tư hay vì những lý do khác lại chối tội cho Bùi Đình Thi. Những người có thẩm quyền để cáo buộc, là những nhân chứng có mặt tại Thanh Cẩm lúc vụ việc xẩy ra cũng như suốt thời gian Bùi Đình Thi làm trật tự, nhất là các nhân chứng là nạn nhân còn sống sót. Nhân chứng đáng tin cậy là Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, Đại tá Trịnh Tiếu, Giáo sư Nguyễn Sỹ Thuyên và những cựu tù có mặt tại trại Thanh Cẩm lúc đó.

Vụ án đã kết thúc tại Tòa án Sở Di Trú San Petro (California) sau bảy tháng xét xử - từ phiên tòa ngày 22. 9. 2003 đến phiên tòa ngày 27. 4. 2004. Bùi Đình Thi bị truy tố 15 tội danh. Bản cáo trạng có đoạn:

“Sau khi Sài Gòn sụp đổ vào tháng 4-1975, Bùi Đình Thi, một cựu Đại úy trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, bị đưa vào trại Thanh Cẩm, nơi giam giữ các tù chính trị và tôn giáo. Trong tù, ông làm trật tự viên và ăng-ten cho cai tù. Với nhiệm vụ này, ông bị cáo buộc đã đánh ba tù nhân, một trong những người đó, sau đó đã chết vì vết thương. Bùi cũng bị cáo buộc đã gay gắt hạn chế khẩu phần lương thực, làm một tù nhân chết đói, và cấm các tù nhân khác làm các nghi lễ tôn giáo...” [Chấm Dứt Một Bi Kịch. Tú Gàn, Thời Báo thứ bảy, Chủ nhật 8, 9-5-2004]

Bản án về tội trạng Bùi Đình Thi dài 88 trang. Bà Chánh án D.D. Sitgraves đã đọc từ 8 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều mới xong. Tòa tuyên bố Bùi Đình Thi có phạm các tội bị cáo buộc, và vi phạm công ước quốc tế chống lại sự tra tấn. Tòa ra lệnh trục xuất Bùi Đình Thi trở về Việt Nam. Cấm Bùi Đình Thi không được tự ý hồi hương mà phải theo thủ tục trục xuất luật định.

Vợ và con Bùi Đình Thi đã nhập quốc tịch Mỹ nên lệnh trục xuất Bùi Đình Thi không ảnh hưởng tới họ. Bùi Đình Thi có hai người con gái đã có gia đình đang ở Việt Nam.

Luật sư bào chữa cho BĐT, ông Louis Piscopo cho báo chí biết gia đình BĐT không kháng án quyết định trục xuất. [bài đd ở trên]


NỖI ĐAU ĐỚN TỦI NHỤC CỦA MỘT NGƯỜI VỢ

Bản án đã được phán quyết. Số phận Bùi Đình Thi đã được luật pháp Hoa Kỳ và luật Nhân quả (Cause and Effects) định đoạt. Nhưng căn duyên cộng nghiệp (co-karma) đã an bài một gánh nặng lên gia đình vợ con nhà họ Bùi. Bà connie Đinh, vợ BĐT cũng như bao nàng Tô Thị miền Nam đã “bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về”. Những tưởng sau mười năm cách biệt chia ly, thân cò lặn lội nuôi bảy đứa con, ngày đoàn tụ bà sẽ được bù đắp những năm tháng mưa nắng tảo tần, phòng không chiếc bóng ấy, nào ngờ...!!
Để câu chuyện có đoạn kết, xin ghi lại bài báo của tác giả Võ Xương sau đây: Vợ ông Bùi Đình Thi - Connie Đinh: “Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng” -

“Bà Connie Đinh, bắt đầu câu chuyện của mình cùng với những giọt nước mắt lăn dài trên gò má:

“Kể từ khi nhà tôi bị bắt đến nay, tôi không sao ngủ được, ăn được gì hết. Nếu cứ thế này, tôi không thể sống nổi.”

Tâm sự của bà vợ tù cải tạo Bùi Đình Thi, người đang bị câu lưu tại nhà giam San Petro vì tội đánh đập và làm chết bạn tù vào năm 1979 tại trại tù Thanh Cẩm, Việt Nam.

Câu chuyện của bà Connie không phải là câu chuyện dự thi truyện ngắn, hay ký sự về quãng đời đã qua được nhật báo Viễn Đông đang tổ chức rất sôi nổi, mà đây là những mong mỏi gần như vô vọng của người vợ biết số phận của chồng mình sẽ được cán cân công lý định đoạt vào ngày 27 tháng 4 tới đây. Quyết định đó, kéo theo số phận của người vợ và 7 người con của bà.

Khi người chồng bị còng tay vào một buổi trưa cách đây hai năm, hình ảnh bà Connie có thể nhớ lại, tưởng lại là cuộc chia tay với chồng khi ông đi “cải tạo” trong thời gian trước. Cố nhiên nỗi đau hôm nay đau đớn hơn, tủi nhục hơn và lẻ loi hơn xưa gấp bội. Bà kể:

“Kể từ khi đặt chân đến Mỹ năm 1994, tôi đã nghe phong phanh người ta nói cho biết cha Nguyễn Hữu Lễ đã gởi thư, nói trên đài về trường hợp đánh đập bạn tù dã man của chồng tôi. Nhưng tôi không tin. Anh ấy không thể nào là người như vậy. Vì đối với tôi và các con, anh không bao giờ có một hành vi gì thô bạo hết. Còn nói chuyện trong trại tù, anh có đánh đập ai khác vì hoàn cảnh, tôi cũng không thể nào hiểu được chồng tôi lại đang tay giết người!”

Nỗi lo sợ kể từ ngày đó đã âm ỉ trong lòng, mang theo cả gia đình đến chỗ làm, trong bữa ăn, trong giấc ngủ. Bà Connie cho biết, nỗi sợ hãi nhất là mỗi dịp đến ngày tưởng niệm 30 tháng Tư, thì không năm nào mà người ta lại không lôi “Chuyện Bùi Đình Thi giết người” lên trên các làn sóng phát thanh vào ban đêm để bình luận, hay lên án. “Người quen của tôi cứ mỗi lần nghe thấy thế, lại gọi cho tôi bảo “mở đài ra mà nghe họ... chửi chồng bà kìa”. Mỗi lần như vậy, tôi như khủng hoảng tinh thần. Cả gia đình hầu như sống trong cái án treo lơ lửng trên đầu.

Cho đến khi linh mục Nguyễn Hữu Lễ liên lạc và đến thăm gia đình bà vào năm 1996, thì cơn ác mộng tưởng là có thể tháo gỡ được, hóa ra lại là sự thật hôm nay. Nếu nói hình ảnh nhân từ của vị linh mục đến với gia đình bà hôm đó, người đã ban phép lành, đã nắm tay với chồng bà và vỗ về:

- “Thôi bỏ qua nghe ông Thi, cả hai chúng ta già rồi, lớn rồi, quên đi... Chìa khóa buộc tội hay kết tội anh nằm trong tay tôi. Nhưng tôi nói tôi tha, anh yên tâm. Dù cho phải ra tòa làm chứng cho anh khỏi tội, tôi cũng sẽ làm...”. Đối ngược lại với hình ảnh nhân chứng Nguyễn Hữu Lễ hùng hồn buộc tội phạm nhân Bùi Đình Thi trước tòa hồi đầu tháng 3 vừa qua, thì bà Connie chỉ còn chắp tay nhìn lên mẫu tượng Chúa trên bàn thờ để thở dài.

Bà Connie còn nhớ lời chồng bà nói với linh mục Lễ: “Cha chơi con một vố đau quá”, ý nói việc vị linh mục này đã đi khắp nơi, phát tán thư lên án, đứng trước bục giảng lễ để nói về lòng yêu thương tha thứ nhưng đồng thời cũng kể lại chi tiết, sống động những kỷ niệm kinh hoàng cũ của ông về thời gian ở tù, về hình phạt sau khi vượt ngục và những mẩu chuyện khác có liên quan đến ông Bùi Đình Thi cho tất cả mọi người nghe.

“Tôi không hiểu cha có thực sự tha cho chúng tôi không, khi ngài miệng nói với chúng tôi như vậy, mà hành động thì ngược lại?” Cho đến khi cuốn bút ký “Tôi phải sống” của cha Lễ ra đời vào tháng vào tháng 9 năm 2003, cùng thời điểm các phiên xử vụ án Bùi Đình Thi gây ra sôi nổi trong cộng đồng Việt tại quận Cam cũng như khắp nơi, thì nỗi đau của người vợ cũng từ đó nhân lên gấp bội.

Chưa đến ngày xét xử chính thức. Vợ con ông Bùi Đình Thi đang chuẩn bị tinh thần và thể chất để vượt qua những gay go mới của phán quyết từ tòa án. Khi đi thăm ông ở trại giam, bà vẫn khuyên chồng vững lòng tin nơi thượng đế. “Biết đâu Chúa sẽ làm phép lạ, sẽ thay lòng đổi dạ tất cả mọi người, để mọi chuyện cũ xếp lại, cho mọi người chỉ còn biết thương yêu nhau, đừng lôi nhau ra hành hạ nữa. Cái gì qua, cái gì mất thì đã xong rồi, dù có thế nào, chúng tôi cũng biết làm sao hơn được? Xin đừng đem chuyện cũ ra thành cái cớ để trục lợi, để trả mối thù cá nhân... xin hãy thương lấy chúng tôi, vợ con vô tội.”

Trong 10 năm qua, cuộc sống tuy phập phồng lo sợ, nhưng gia đình bà vẫn phải đối diện với thực tế cơm áo. Một vài người con lớn đi làm, có người cũng đã lập gia đình, mong sao cho mọi chuyện nhờ “một phép lạ” nào đó xảy ra trong buổi xử, để câu chuyện xếp lại, gia đình bà Connie được sống ở Mỹ trong tự do.

-“Đó là ước mơ duy nhất, mãnh liệt nhất của chúng tôi bây giờ. Hàng ngày tôi vẫn luôn luôn cầu xin Chúa... Cầu xin nhiệt thành hơn bao giờ hết để ngài ngó nhìn, trông nom chúng tôi. Nhà tôi vẫn một mực kêu oan về mình. Nỗi oan ức này mà mang theo khắp nơi, ở nơi này, ở kiếp này cho đến đời con đời cháu thì làm sao con chịu nổi Chúa ơi?”

Tiếng nấc của người vợ tù nghe thê thiết như tiếng kinh cầu hồn cho ai đó, liệu có làm lay động thánh thần?

NHÂN CÁCH LÀM NGƯỜI

Nhân vụ truy tố tội phạm Chống Nhân Loại trong nhà tù cộng sản tại trại tù Thanh Cẩm, tội ác bị phanh phui và bị cáo được đưa ra công lý, tôi muốn ghi lại những gì tôi nhìn thấy về nhân cách làm người ở những trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc mà tôi từng đi qua, với những năm tháng, những cảnh ngộ mà tôi từng chịu đựng, những con người và những “nhân dáng” mà tôi từng chứng kiến, thậm chí từng “cọ xát” với những đau đớn, dày vò từ tinh thần đến thể chất.
Tôi mong muốn mọi người chưa biết, hoặc chỉ được nghe kể lại loáng thoáng đâu đó với những lời “bình luận” theo cảm tính, phải biết được sự thật từ những người mắt thấy tai nghe để sự thật về những cảnh sống nghiệt ngã, khủng khiếp trong các trại tù cải tạo, không trở thành một thứ huyền thoại, “truyền thuyết” mù mờ sau này.

Thời đoạn biến cố 30 tháng Tư 1975 là một phần trọng đại trong dọc dài lịch sử dân tộc. Biến cố đó có thể ghi thành hàng pho sách lớn, thành những bộ phim giá trị, thay vì những hồi ký, những tập thơ, những truyện dài, truyện ngắn tản mạn. Với ba triệu người Việt Quốc Gia, người Việt miền Nam định cư ở hải ngoại từ hơn một phần tư thế kỷ qua; với hàng trăm văn nghệ sĩ, trí thức, khoa bảng sao chưa có ai, chưa có nhóm nào làm được một tác phẩm lớn, đồng bộ? Để mặc đám phản chiến Mỹ toa rập với kẻ thắng cuộc bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử, biến lịch sử thành một pho truyện giả tưởng, mạ lỵ chính nghĩa để phục vụ mưu đồ chính trị của họ?

Đời người rất ngắn ngủi, mọi chủ nghĩa, mọi thể chế, mọi vương triều đều phải sụp đổ, phải cáo chung. Không một thành trì địa vị, ngôi báu, bá vương nào tồn tại mãi với thời gian. Lịch sử đã chứng kiến những kết cuộc bi thảm của biết bao triều đại, và hậu thế từng hết lời nguyền rủa những kẻ độc tài, tham vọng, dù họ đã thành tro bụi: Tần Thủy Hoàng, Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông…. phải đến lượt Hồ Chí Minh.

Từ sau ngày 30. 4. 1975, đất nước thống nhất trong mối chia rẽ vô cùng thâm hận. Trước tình trạng suy đồi thảm hại của cả nước, khi cả đất nước ngoi ngóp trong đói nghèo cùng kiệt, có một luận điệu nói rằng “nếu ‘bác’ còn sống thì tình trạng không đến nỗi như thế này”. Luận điệu đó được thẩm nhập vào cả trong các trại tù cải tạo. Năm 1978, tại trại tù Lam Sơn, Thanh Hóa, một tù cải tạo nguyên là “Sứ Thần Ngoại Giao” của VNCH từ Mỹ trở về công tác tháng 3-75, sau tháng Tư kẹt lại vô tù; trong một buổi cuốc đất trồng sắn, anh ta đã nói với tôi nguyên văn câu nói tôn vinh “Bác” mà tôi đã từng nghe ở Sài Gòn, trước khi “trình diện học tập”. Khi nghe anh ta nói “Nếu Bác Hồ còn, anh em ta không phải chịu cảnh này đâu”. Tôi sửng sốt đến nổi nóng với anh: - “Nếu anh nói lại câu đó lần nữa tôi sẽ trở cán cuốc phang vào đầu anh”. Anh ta lập luận bào chữa. Tôi nói với anh về sự nông nổi, hời hợt, thiếu nhận thức chính trị của anh. Cuộc trao đổi đó không làm chúng tôi xa cách thêm. Năm 1989, trước khi sang Mỹ, anh ta có ghé thăm tôi.

Chúng tôi được chuyển từ Quảng Ninh (dưới bí số hộp thư 15A TD63/QN - Quảng Ninh) về Thanh Hóa (bí số 50A TD63/05 - Thanh Hóa) trước khi Đặng Tiểu Bình chuẩn bị “dạy cho đàn em cộng sản Việt Nam một bài học”. Về tới Trại 5, là trại Lý Bá Sơ của Việt Minh, được thiết lập từ hồi Pháp thuộc, là nơi tù đi không có ngày về. Đúng là danh bất hư truyền.

Có thể nói thời gian hơn hai năm ở Quảng Ninh, là thời gian đám tù chúng tôi được đối xử nhẹ nhàng nhất so với các trại tù khác. Đám công an có vẻ lễ độ, không hống hách, không hằn học; không có ai bị nạt nộ, không có nhà kỷ luật, không có xà lim. Chế độ ăn uống hình như có tiêu chuẩn được quy định. Thậm chí có trường hợp khiến một số người cho rằng: họ (CS) đang muốn lấy lòng tù với ý đồ gì đây. Có lần một công an đứng khoanh tay trước một đội tù tập họp giữa sân nói chuyện với tù như là để tâm sự:

-“Trong đời tôi, không bao giờ tôi nghĩ được đứng trước các anh để nói chuyện trong hoàn cảnh như thế này. Chúng tôi chỉ biết làm việc theo chỉ thị ở trên giao. Chúng tôi giúp được các anh những gì tôi sẽ giúp, mong các anh được sớm trở về với gia đình”.

Tại một buồng giam khác, anh quản giáo gom tiền “lưu ký” của tù ra Cẩm Phả mua bia hơi chở về cho cả buồng uống, sau đó nghe nói bị Ban Giám Thị trại “kiểm điểm”. Tại buồng giam tôi ở, một nữ công an đem một chai nước mắm đến cho cả buồng. Người này đứng giữa sân nói chuyện với một số anh em tù. Chị lên tiếng như để hỏi và cũng như vừa xác định một điều tất yếu: “Chắc các anh nhớ nhà, nhớ vợ con lắm phải không”. Nói xong, người nữ công an im lặng một lúc, hai hàng nước mắt chảy lăn tròn trên đôi gó má.

Một công an vào buồng giam nhìn mấy chục ống loong Guigoz sáng loáng sắp thành dãy của tù đựng nước uống, rồi chỉ tay vào mấy cái bình đựng nước XHCN, đã thành thật phát biểu với chúng tôi: - “Cứ chỉ nhìn những thứ này là biết, cần gì phải nói ai hơn ai thua”.

Cũng có một số công an chứng tỏ “quyền uy” với tù chính trị miền Nam:

- “Các anh về sớm hay muộn là do chúng tôi đây. Ông Đồng, ông Duẩn không biết các anh là ai đâu”.

Câu nói nghe ra cũng lọt tai, nhưng cuối năm 1988 hàng loạt tù cải tạo được thả về sau khi Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Robert Funseth ký với Hà Nội thỏa thuận thả hết tù cải tạo và cho đi định cư ở nước ngoài thì chính “ông Đồng, ông Duẩn” cũng không biết chúng tôi là ai, ở đâu. Quyết định đó không do từ anh công an kia và cũng không do “ông Đồng, ông Duẩn”, mà việc gì đến, phải đến!


ĐOẠN KẾT MỘT ĐỊNH MỆNH

Sau các phiên tòa xét xử kéo dài trong bảy tháng, vụ án kết thúc ngày 27. 4. 2004. Tòa Án Di Trú San Pedro công bố lệnh trục xuất ô. Bùi Đình Thi về Việt Nam. Từ sau đó, mọi người không biết ông Thi được đưa đi đâu? Đã bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ hay còn ở tù tại Mỹ? Thời điểm đó giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chưa có Thỏa Hiệp Trục Xuất. Việt Nam từ chối không cho ông Thi nhập cảnh. Mãi cho tới ngày 22 tháng 1 - 2008 Thỏa Hiệp Trục Xuất mới được hai bên Việt-Mỹ ký kết và có hiệu lực 60 ngày sau, nhưng lúc này ông Thi đã rời nước Mỹ từ ba năm trước.

Vụ án ông Bùi Đình Thi dần dà đi vào quên lãng. Mãi tới 7 năm sau nhật báo Người Việt loan tin Bộ Nội Vụ tại thủ đô Majuro, Republic of the Marshall Islands, xác nhận với Người Việt là ông Bùi Đình Thi đã qua đời tại Marshall Islands, một đảo quốc của người Micronesia, nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, phía Bắc Nauru và Biribati, phía đông Liên Bang Microsesia, phía Nam đảo Wake, thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ.

Theo bài viết: “Marshall Islands Helps Out US with Vietnamese Deportee”, đăng trên website http://www.yokwe.com/, một tờ báo mạng của đảo quốc này, thì ông Bùi Đình Thi được đưa sang Marshall Islands vào đầu tháng 11 năm 2005, trong khuôn khổ của “Compact of Free Association” (Thỏa ước Liên kết Tự do) ký kết giữa Hoa Kỳ và Marshall Islands năm 1986.
"Ông Bùi Đinh Thi đã sống ở Marshall Islands trong một thời gian vài năm, nhưng chưa bao giờ bị giam cầm, và đã qua đời không rõ vào lúc nào". Đó là lời xác nhận của ông Alan E. Fowler, Bộ Nội Vụ tại thủ đô Majuro, Republic of the Marshall Islands.

Song Nhị


4- Tù cải tạo, đi H.O, ra tòa ở Mỹ, ở tù, chết trên đảo xa

Kính chào bà,
Xin lỗi đã chậm trễ trong việc phúc đáp thư bà hỏi về tình trạng của ông Bùi Ðình Thi.
Nỗ lực tìm ra người còn nhớ đến ông Thi thật ra rất khó khăn. Ông Bùi Ðinh Thi đã sống ở Marshall Islands trong một thời gian vài năm, nhưng chưa bao giờ bị giam cầm, và đã qua đời. Tôi không rõ ông qua đời lúc nào. Tất cả những gì tôi có thể xác định với bà trong lúc này là ông Bùi Ðình Thi đã sống trên quần đảo này, và nay đã tạ thế.

Alan E. Fowler
Bộ Nội Vụ
Thủ Ðô Majuro
Republic of the Marshall Islands


Bằng email với nội dung trên, ông Alan E. Fowler, viên chức làm việc tại văn phòng Ðặc Trách Biển Ðảo, thuộc Bộ Nội Vụ, nước Cộng Hòa Quần Ðảo Marshall (Republic of the Marshall Islands) xác nhận với nhật báo Người Việt, rằng ông Bùi Ðình Thi đã qua đời.
                             Tấm hình chụp năm 1996, tại tư gia ông Bùi Ðình Thi, do gia đình ông cung cấp cho nhật báo OCRegister năm 2003. Từ trái: Bà Bùi Ðình Thi, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, người làm chứng chống lại ông Thi. Người đứng giữa là ông Bùi Ðình Thi.

“Vụ Bùi Ðình Thi”

Người đàn ông có tên Bùi Ðình Thi từng bị Tòa Án Di Trú San Pedro ở California công bố lệnh trục xuất về Việt Nam vào cuối tháng 4, năm 2004. Nhưng sau đó, không ai biết ông trôi dạt về đâu, và nhiều nguồn tin nói rằng trên thực tế ông không phải về Việt Nam. Sở dĩ mọi người thắc mắc không biết ông Thi được đưa đi đâu sau khi bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ là vì thời điểm đó giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chưa có Thỏa Hiệp Trục Xuất, vì thế Việt Nam có quyền từ chối không cho ông Thi nhập cảnh (Thỏa Hiệp Trục Xuất được hai bên ký kết vào ngày 22 tháng 1 năm 2008, và có hiệu lực 60 ngày sau).

Ông Bùi Ðình Thi là ai, và tại sao lại bị trục xuất?

Bùi Ðình Thi là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, sinh năm 1943, bị cáo buộc phạm tội tra tấn và giết tù nhân chính trị trong thời gian bị tù ở trại tù Thanh Cẩm ở Việt Nam sau 1975, nơi ông Thi cũng là một tù nhân. Nhiều cựu tù nhân Thanh Cẩm tố cáo ông Thi hoạt động như “tay chân” cho các giám thị cai tù từ năm 1978 đến năm 1981.

Sau khi được ra tù, ông Thi cùng gia đình đến Mỹ, theo diện H.O., và định cư tại Garden Grove, CA, USA, từ năm 1994. Ở đây gia đình ông sống âm thầm, ít giao du với cộng đồng trong một thời gian được khoảng ba, bốn năm.

Thế nhưng những gì xảy ra tại trại tù Thanh Cẩm, ở miền Bắc Việt Nam, bắt đầu đuổi kịp ông. Các nhân chứng, đa số là quân dân cán chính của VNCH, sau 1975 trở thành tù nhân chính trị và tôn giáo, bị giam cùng với ông dần dà lên tiếng tố cáo những hành vi của ông trong tù.

Ông Thi bị cáo buộc đã đánh Thiếu Tá Ðặng Văn Tiếp, nguyên dân biểu Quốc Hội VNCH, đến chết, sau khi ông Tiếp tìm cách vượt ngục. Ông Thi cũng bị tố cáo đánh một tù nhân khác tên là Lâm Thành Văn, và sau đó để cho ông Văn chết đói.

Ðặc biệt, một người tù tìm cách vượt ngục khác, là Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, cũng lên tiếng rằng ông bị ông Bùi Ðình Thi đánh đập dã man trong tù, và kể lại chi tiết những hành động này trong cuốn hồi ký có tên “Tôi Phải Sống.”

Một đoạn trong hồi ký viết: “Lúc ấy nằm ngửa nhìn lên, tôi bắt gặp cặp mắt của Bùi Ðình Thi, một hình ảnh mà tôi còn cảm thấy kinh hãi cho đến giờ này: một cặp mắt đỏ ngầu như máu, hai tròng con mắt lồ lộ ra ngoài như mắt của một người treo cổ tự tử mà vì bổn phận có lần tôi đã chứng kiến. Chưa bao giờ và tôi nghĩ là cũng chẳng bao giờ, tôi thấy cặp mắt của ai như mắt Bùi Ðình Thi lúc đó. Ðánh đập chán chê anh ta bỏ tôi nằm yên. Sau này tôi mới biết anh ta bỏ tôi để quay sang ‘thăm’ hai anh Ðặng Văn Tiếp và Nguyễn Sĩ Thuyên đang nằm gần đó. Tôi lại đi vào cơn hôn mê một lần nữa. Khi tỉnh lại, tôi thấy Bùi Ðình Thi đang cầm hai chân tôi kéo lê lên các bậc thang đúc bằng xi-măng từ sân hội trường sang khu kiên giam. Lưng và đầu tôi va mạnh vào những bậc thang (12 bậc), làm tôi bừng tỉnh lại và nhờ đó tôi mới chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khác: Cảnh ‘Ðại úy’ Bùi Ðình Thi giết chết Thiếu Tá Ðặng Văn Tiếp.”

Vào năm 1997, sau khi hồi ký “Tôi Phải Sống” ra mắt tại hải ngoại, làn sóng cáo buộc ông Thi về tội tra tấn dâng cao qua những bài viết lưu truyền trên mạng lưới toàn cầu.

Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, một người chuyên tranh đấu cho nhân quyền, cũng là Giám đốc BPSOS trụ sở tại Virgina, sau khi đọc cuốn “Tôi Phải Sống” và những bài viết trên mạng, tìm cách kiểm chứng câu chuyện với nhiều cựu tù cải tạo khác ở trại Thanh Cẩm rồi quyết định tố cáo các hành vi của ông Thi với Sở Di Trú Hoa Kỳ.

Trong cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2001 của nhà chức trách Hoa Kỳ, nhiều cựu tù cải tạo đứng ra làm nhân chứng về các hành động mà người ta cáo buộc rằng ông Bùi Ðình Thi đã làm trong lúc ở trong trại tù Thanh Cẩm.

Tháng 8 năm 2003 ông Bùi Ðình Thi bị Sở Di Trú Hoa Kỳ khởi tố.

Vào cuối tháng 4, năm 2004, ông Bùi Ðình Thi bị kết án, và thẩm phán D.D. Sitgraves thuộc tòa án liên bang Hoa Kỳ ra lệnh trục xuất khỏi Mỹ, tuyên bố rằng ông Thi “vi phạm luật di trú Hoa Kỳ.”

Công tố viên John Salter, thuộc cơ quan Chấp Pháp Di Dân và Hải Quan, phát biểu sau khi tòa án công bố phán quyết đối với ông Bùi Ðình Thi, rằng các luật sư của ông đã tốn hàng trăm giờ đồng hồ để truy tố ông Thi, và rằng“chúng tôi sẽ không đứng yên và để Hoa Kỳ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ đã phạm trọng tội đối với loài người.”

Vụ án Bùi Ðình Thi khiến giới truyền thông cả địa phương lẫn quốc tế, cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ, sôi nổi một thời.

Trong bài “Tòa Án Mỹ Xử Xong Vụ Bùi Ðình Thi,” đăng ngày 6 tháng 5, 2004, BBC đưa tin: “Lần đầu tiên, Hoa Kỳ trục xuất một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa vì các cáo buộc phạm tội tra tấn và giết tù nhân chính trị trong trại cải tạo ở Việt Nam sau 1975.”

Cùng ngày đó, đài VOA, trong bài “Ông Bùi Ðình Thi sẽ không kháng án quyết định trục xuất của Hoa Kỳ,” cho biết luật sư của gia đình ông Thi quyết định không kháng cáo, và nói với tờ Los Angeles Times rằng gia đình ông “cảm thấy không muốn phí thời giờ và tiền bạc” vào việc kháng án, mà “chỉ muốn cho mọi chuyện qua đi.”

Marshall Islands

Thấm thoát đã 7 năm!

Vụ án ông Bùi Ðình Thi dần dà đi vào quên lãng. Ngoại trừ gia đình ông, ít ai biết chính xác ông Bùi Ðình Thi rời Hoa Kỳ từ bao giờ.

Cho đến cách đây không lâu, tin ông Thi qua đời được người ta truyền tai nhau. Không ai biết chính xác ông qua đời bao giờ, ở đâu.

Phóng viên nhật báo NV tìm đến vài chung cư mà theo một số người cho biết từng là nơi ở cũ của gia đình ông. Vẫn biệt tăm.

Sau nhiều điện thoại lẫn emails cho Sở Kiểm Soát Di Trú và Thuế Quan (ICE), Bộ Ngoại Giao, Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Marshall Islands, cuối cùng, Người Việt nhận được lời xác nhận từ Bộ Nội Vụ Republic of the Marshall Islands, tại thủ đô Majuro, là ông Bùi Ðình Thi qua đời.

Marshall Islands, tên chính thức là Republic of the Marshall Islands, là một đảo quốc của người Micronesia, nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, phía Bắc Nauru và Biribati, phía Ðông Liên Bang Microsesia, phía Nam đảo Wake, thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ.

Theo bài viết có tên “Marshall Islands Helps Out US with Vietnamese Deportee”, đăng trên websitewww.yokwe.com, một tờ báo mạng của đảo quốc này, thì ông Bùi Ðình Thi được đưa sang Marshall Islands vào đầu tháng 11 năm 2005, trong khuôn khổ của “Compact of Free Association” (Thỏa ước Liên kết Tự do) ký kết giữa Hoa Kỳ và Marshall Islands năm 1986, đánh dấu một tương quan mới giữa Hoa Kỳ và Marshall Islands, qua đó, Marshall Islands có một chính phủ tự trị, nhưng nhận trợ giúp của Hoa Kỳ, và dành quyền kiểm soát quân sự cho Hoa Kỳ.

Ông Thi sở dĩ đã cư ngụ ở Marshall Islands cho đến ngày qua đời vì Việt Nam không chấp nhận cho ông nhập cảnh.

Người cũ nói gì?

Tiếp xúc với phóng viên qua email, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ cho biết ông “đã biết tin,” và với tư cách một linh mục, ông luôn cầu nguyện cho ông Bùi Ðình Thi, và tin tưởng rằng thời gian ở đảo Marshall, ông Thi “có thì gìờ suy nghĩ về những gì mình đã làm và ăn năn sám hối.”

Linh Mục Lễ, một nạn nhân của ông Bùi Ðình Thi trong thời gian ở trại Thanh Cẩm, từng gây tranh cãi khi ra tòa làm chứng chống lại ông Thi sau khi nói lời tha thứ ông này.

Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ nói sẽ “dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn người quá cố,” và “tiếp tục cầu nguyện cho một con người, về mặt này hay mặt khác, đã để lại trong lòng tôi một kỷ niệm trong thời gian tôi đi tù Cộng Sản.”

Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, giám đốc BPSOS, phát biểu: “Buồn cho một người đã ra đi, mạng sống con người rất quý, bất kỳ người đó là ai và đã làm gì.”

Ông Ðỗ Tăng Bí, một cựu tù khác, từng ở trại Thanh Cẩm, cho biết các anh em cựu tù Thanh Cẩm vẫn sinh hoạt với nhau, “riêng ông Bùi Ðình Thi thì vì hoàn cảnh riêng không sinh hoạt được.”

“Riêng tôi vẫn xem ông Thi như một bạn tù, mặc dù có biết đến dư luận này kia về ông ta. Từng chia sẻ từng miếng cơm nên tin anh ta chết, tất nhiên tôi cũng ngậm ngùi.”

Nhà báo Lữ Giang, một người từng có nhiều bài viết về vụ án Bùi Ðình Thi, nói với Người Việt, rằng chính ông cũng là một cựu tù bị giam cầm tại trại Thanh Cẩm, và “đã chứng kiến tận mắt sự tàn bạo của ông Bùi Ðình Thi.”

Nhà báo Lữ Giang phát biểu: “Ông Thi kể ra thì cũng tệ quá, cho nên qua đây không dám gặp ai cả. Tôi hồi đó không là nạn nhân của ông Thi, tuy nhiên những điều mà ông hành hạ người khác thì tôi có chứng kiến hết. Nghe tin ông chết thì thấy cũng thường thôi, vì hai bên không liên lạc gì.”

Trong khi đó, ông Phạm Phú Minh, một cựu tù khác ở trại Thanh Cẩm, tác giả bài viết “Một số suy nghĩ nhân vụ Bùi Ðình Thi,” trong đó ông tìm cách lý giải rằng “hiện tượng Bùi Ðình Thi” là vì hoàn cảnh khắc nghiệt của các trại tù Cộng Sản, cho biết ông thấy “bùi ngùi” khi biết ông Thi qua đời, “vì đó là người cùng cảnh ngộ” với ông trong cảnh tù đày sau 1975.

Ông nói: “Mặc dù anh ấy có phạm một số lỗi lầm trong cách đối xử với anh em cùng tù, nhưng cuối cùng anh ấy cũng đã trả giá cho các việc mình làm, và sự kiện anh Thi qua đời trong khi còn đang ở tù xa gia đình người thân thì cũng là việc đáng thương. Tôi mong sẽ quên hết mọi chuyện đen tối trong quá khứ, và cầu chúc anh Thi được thảnh thơi ở cảnh giới bên kia.”

BVN-TH




5- Ông Bùi Đình Thi đã qua đời

T.Vấn

Ngày cuối cùng của tháng 8, tôi đọc được cái tin ông Bùi Đình Thi qua đời. Trong giới HO, cái tên của ông không xa lạ gì, thậm chí còn quen thuộc không thua gì tên của một vị cựu VNCH vừa mới qua đời. Đọc cái tin với một thóang bùi ngùi cho số phần của ông với những điều không may. Không may vừa vì vận mệnh đất nước mà ông không thể thóat khỏi, vừa vì những hệ lụy do chính ông chủ động lựa chọn, mà những bí ẩn đằng sau sự lựa chọn ấy nay đã theo ông xuống dưới đáy mồ. Gia đình ông thì vì mặc cảm, đã cùng bảo nhau im tiếng, thậm chí cố tìm cách ẩn mặt , giấu tên giữa nước Mỹ mênh mông.

Khi ngồi xuống bàn viết cho những dòng ghi chép này, tôi vẫn còn băn khoăn tự hỏi mình: Liệu cái chết của ông có đáng được nhắc đến, trong khi bao cái chết của những con người có lựa chọn tốt hơn cho đời mình, cho xã hội, cho cộng đồng vẫn mỗi ngày chìm trong sự quên lãng của dòng sống bất tận? Liệu có công bằng không khi những kẻ làm điều không tốt cho đồng lọai, cho đồng cảnh (ngộ) lại luôn được nhắc đến, kể cả khi họ nằm xuống, còn những người lúc nào cũng ra sức góp phần mình cho những hòai vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở ngày mai cho đồng lọai, cho đồng cảnh, cho đồng bào cho đất nước thì cứ mãi bị bỏ mặc trong quên lãng?

Cùng lúc, một ý tưởng khác trong tôi xuất hiện, tìm cách “biện minh cho sự quan tâm quá mức“ đến cái chết của ông Bùi Đình Thi, kẻ đã được một nhà văn “ưu ái” đặt cho cái danh hiệu Tù Gian.

Mới tháng trước, cái chết của ông NCK đã làm tốn khá nhiều “điện “ (giấy mực – chúng ta đang sống trong thời kỳ ngự trị của thế giới ảo nên khái niệm về “giấy mực“ đã được thay bằng khái niệm về “điện“). Tại sao thế?

Thiết tưởng không cần nhắc lại những gì ông NCK đã làm lúc sinh thời (sau biến cố 1975) ở đây để khiến cái tên của ông được “ưu ái“ khắp nơi, kể cả khi ông chết. Theo tôi, người ta nhắc đến cái chết của ông trước hết là vì những “tác động có tính cách lịch sử trong một giai đọan có quá nhiều điều cần được nói đến, mổ xẻ, tranh cãi“ mà những hành vi, lời nói của ông đã tạo nên. Chứ chẳng phải vì “thương tiếc“ một con người, dù vì tình đồng lọai, nhiều kẻ vẫn giấu kín trong lòng nỗi ngậm ngùi cho thân phận con người và mường tượng ra một viễn ảnh không xa lắm trong tương lai sẽ lại tới phiên của mình.

Có lẽ, theo tôi, cái chết của ông Bùi Đình Thi – nếu có được nhiều người, nhiều nơi nhắc tới – cũng mang ý nghĩa tương tự như cái chết của vị cựu VNCH nói đến ở trên. Với những cựu tù nhân của các trại cải tạo mọc lên như nấm sau mưa trải suốt nước Việt Nam từ Nam chí Bắc sau biến cố 1975 thì trường hợp của “tù gian“ Bùi Đình Thi là biểu trưng cho một đọan đời không bao giờ phai nhòa trong trí óc, trong tâm hồn và trong thể xác của họ. Và, đọan đời ấy, với nhiều người, ở nhiều nơi khác nhau, không phải chỉ có một Bùi Đình Thi, tuy mức độ “tội ác“ có khác nhau, hoặc nhẹ hơn, hoặc tinh vi hơn. Nhưng chỉ có một Bùi Đình Thi phải ra trước công luận trả lời cho những hành vi của mình đối với đồng lọai, đồng cảnh. Vì thế, khó lòng mà không có “một chút suy nghĩ nào đó“ khi nghe tin ông qua đời.

Cũng như vị cựu VNCH vừa nằm xuống, rồi đây cái tên của ông Bùi Đình Thi hẳn cũng sẽ một “chỗ đứng“ trong lịch sử, trong những ghi chép về một đọan đời oan nghiệt bao gồm kẻ tốt người xấu, kẻ hèn người hùng, và những sự kiện đọc để chiêm ngưỡng hay đọc để phỉ nhổ, đọc để cảm hòai hay đọc để nén tiếng thở dài v..v...

Ngày 1 tháng 9 năm 2011



Những Tên Mang Mác Sĩ Quan/QLVNCN Nhưng Thật Hèn Hạ !!!

TRẦN YÊN HÒA



(viết về những tên "ăn ten"  khác như Bùi Đình Thi)

Tôi tới phòng phòng tập thể dục có thể nói là hằng ngày. Mỗi ngày không tới là tôi cảm thấy bức rức, khó chịu. Đó là một thói quen từ mười năm nay. Tới để chạy bộ trên máy ba mươi phút, vừa chạy vừa đọc sách hay xem TV, hay ngằm mấy em Mỹ, Mễ, Việt, Đại Hàn...khoe thân thể. Các bà các cô vào phòng tập thể dục cũng là dịp để khoe thân thể một cách hợp pháp. Trong phòng tập có hồ bơi, có phòng spa, phòng tắm hơi, phòng xông hơi. Các bà, các cô mặc sức khoe thân hình, xấu đẹp «tùy người đối diện». Nào áo tắm hai mảnh khoe bờ vai tròn lẵng và cả tấm thân trần mượt mà.  Có bà tuổi cũng gần năm, sáu bó, nhưng cũng bikini hai mảnh, nhìn đến rợn người. Hãy tưởng tượng cái thân hình béo phì bị co thắt bởi bộ áo quần tắm chật chội, trông như đòn bánh tét bị bó quá chặt. Những cũng có những em mười tám đôi mươi, thân hình thon thả gợi cảm không chê vào đâu được. Tuy nhiên, dù xấu, dù đẹp, thế nào đi nữa thì tôi cũng cám ơn những vóc dáng đó. Nhờ nó, tôi đi tập khá đều đặn.

Nơi đây là nơi tập trung đủ hạng người trong xã hội, từ luật sư, bác sĩ, học giả, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ, học sinh, du học sinh, thợ neo, sinh viên, sư ông, linh mục, mục sư, giáo sư...đủ cả, nên câu chuyện cũng «tả pín lù». Vào đây con người thật bình đẳng, không còn nghèo, giàu, sang, hèn. Ai khi đi tắm cũng ở truồng, hay khi vào xông hơi, chỉ còn trơ cái quần xà lỏn hay cái «sịp», thì cái hào nhoáng, cái bảnh choẹ, hãnh tiến, từ nghề nghiệp ngoài đời cũng trở thành vô nghĩa...

Buổi chiều khoảng từ 4 giờ, thường là đông người tập nhất, tại vì  lúc này các hãng, xưởng tan tầm, nên công nhân tấp vào đây, trước khi về nhà. Vào «xã xú bắp» trên máy chạy bộ, trong hồ bơi, trong phòng spa, cho khoẻ thêm được chút nào tốt chút đó, để đối diện với cuộc sống bù đầu trong công việc. Công nhân vào tập, bơi, spa, xông hơi thì huyên thuyên đủ mọi chuyện, nào là thằng supervor Hùng hồi hôm vợ cho ra ngủ sofa hay sao mà hôm nay vào hãng trông mặt ngầu dữ, sắc thái sát khí đằng đằng. Thằng litđơ «Sáu bọ chét» la hét tùm lum, nó la lối, hãy làm nhanh tay lên, phải làm đủ chỉ tiêu...như là đang sống trong trại tù cải tạo cộng sản. Tổ cha nó chớ, toàn người Việt «đì» người Việt thôi, chứ mấy thằng Mỹ cũng đàng hoàng lắm.» Đó là ý kiến của bà Hiền , một công nhân làm assembly trong một hãng điện tử.

Đám HO sồn sồn thì thường ngồi chung quanh phòng spa hay quanh hồ nước nóng. Mấy ông ngồi ngâm chưn hay ngâm thân thể, cho vòi nước đấm vào lưng, vào bụng, cũng mê tơi. Chuyện mấy ông HO sồn sồn cũng chỉ xoay quanh ba chuyện quốc gia, cộng sản, chuyện đánh giặc hồi còn chiến tranh và chuyện tù cải tạo. Chuyện tù cải tạo của mấy ông là chuyện dài, kể hoài cũng không bao giờ dứt.

Nhờ thế, tôi là người chỉ đi tù trong Nam, không đi tù ở Bắc, mà tôi cũng thấy được cảnh khổ của tù nhân ngoài bắc ra sao. Nhất là các tù nhân ờ trại Hoàng Liên Sơn hay trại Vĩnh Phú. Cuộc tù tội trâu ngựa làm những người tù ghi ở quả tim mình những vết hằn rướm máu, không thể nào quên. Cho nên gọi đây là pho truyện dài hay là truyện sử ca ngàn người viết cũng không ngoa, không sai chạy chút nào.

Một hôm tôi vô tập sớm, buổi trưa, sau khi đã chạy bộ ba mươi phút, tôi vô xông hơi và ngồi trên hồ nước nóng, thả chân xuống nước cho nước đánh vào chân cũng nghe khoái tỉ. Độ này tôi thấy hay đau nhức đôi chân, hay tê tê dưới lườn bàn chân nên tôi hay đến ngồi đây để cho nước ấm dội vào.

Buổi trưa nên khu spa hơi vắng, chỉ có đối diện tôi một người đàn ông không quen mặt. Có lẽ ông này mới vào phòng tập thể dục hay sao? Nơi đây biết bao người đã đến rồi đi. Hệ thống tập thể dục này có cả toàn thế giới, ghi danh ở đây nhưng có thể tập ở bất cứ chi nhánh nào. Còn chuyện đến rồi «đi» của mấy ông sồn sồn, ông già, cũng là chuyện thường, họ có thể ngã quỵ ở nhà hoặc ở đâu đó, rồi được gia đình an táng, mà người quen ở khu thể dục này không thấy mặt nhiều tháng, là biết có thể là họ đã «đi đong».

Ông sồn sồn ngồi đàng kia cũng đang thả chân xuống hồ nước nóng ngâm chân. Mắt ông lim dim như thả hết tâm hồn vào cái khoái cảm, khi những tia nước nóng bắn mạnh vào chân. Tôi tôn trọng ông dù buồn miệng nhưng không dám hỏi. Tôi cũng đang ngồi lan man, lim dim như ông.

Tự dưng ông mở mắt ra, rồi hỏi tôi:

-         Anh tập ở đây lâu chưa?

-         Cũng mười năm rổi.

-         Lâu dữ hén.

-         Ừ, thì lâu, từ ngày khu tập thể dục này còn ở bên kia, sau này đổi sang bên đây, mới có hồ bơi, hồ nước nóng...

-         Thế à, tôi vào đây mấy ngày, hồi trước tôi tập bên Balỳ.

-         Sao anh không tập bên đó nữa?

    - Bên đó 11 giờ đêm đã đóng cửa nên tôi thấy không tiện, nhiều đêm ngủ không được tôi muốn vào đây, có khi mười hai, một giờ sáng, tôi cũng vào.

Tôi thấy ông sồn sồn này nói cũng là chuyện lạ, nhìn kỷ ông, dáng dấp ông còn khoẻ mạnh, chỉ mái tóc hơi bạc lác đác, thân hình tương đối còn cứng cáp, tuy nhiên nét mệt mỏi như đọng lại trên khuôn mặt.

Tôi nghĩ có lẽ ông sồn sồn này có tâm sự buồn sao đây mà muốn vô tập thể dục những lúc vắng người, nhất là đêm hôm khuya khoắc khi mọi người đều an giấc. Như để phá vỡ suy nghĩ của tôi, ông tiếp:

- Tôi độ rày sao khó ngủ dữ, mà ban đêm khó ngủ là một nổi khổ, nên tôi thường vào đây, tắm hơi, xông hơi, ngồi spa này, về là nằm xuống ngủ êm đến sáng, khỏi nghĩ ngợi viễn vông.

Tôi trả lời ông:

- Tôi rất may là không mất ngủ, có lẽ cũng nhờ hằng ngày đi tập thể dục nên tôi đến lên giường là ngủ ngay.

Ông sồn sồn lại nhắm mắt, cả thân hình ông chìm trong nước chỉ chừa lại cái đầu. Bọt nước bắn vào mặt ông, ông cũng mặc. Ông ngồi im như tận hưởng những cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng từ nước dội vào người. Tôi cũng thường thích những cảm giác như thế.

Ngày hôm sau tôi cũng đi vào giờ trưa. Tự nhiên tôi thích ông sồn sồn này. Ông có cái gì đó rất riêng tỏa ra mà tôi không hiểu được, có lẽ là một nỗi u uất nào đó, mà ông giữ kín trong lòng.

Buổi trưa khu tập thể dục thường vắng. Tôi đến thì ông sồn sồn đã ngâm nước xong, ông đứng lên ra chiếc ghế dài kê gần đó ngồi.

Tôi mon men lại hỏi:

-         Hôm nay anh đi sớm?

-         À, sớm chút, tôi thích đi giờ này vì vắng.

-         Tôi cũng vậy.

Tôi bước xuống hồ nước, nước nóng khiến tôi rùng mình. Tôi rà chân đến chỗ có vòi nước dội mạnh nhất và ngồi xuống.

Ông sồn sồn đột nhiên hỏi:

- Hồi trước anh có đi lính không?

Tôi đáp ngay:

- Có chứ, lớp tuổi mình sao tránh khỏi. Đi sĩ quan, sau đi tù cũng sáu năm mới qua được đây đó chứ.

- Thế à, anh ở trại nào, có ra Bắc không?

- Không, tôi ở trong Nam. Anh có đi tù không?

- Có chớ, tôi “bọ tam” nên gần mười niên. Ra tận bắc.

- Ồ, vậy anh cũng đi HO.

- Không, tôi đi Ô Đi Ghe.

- Anh vượt biên?

- Vượt biên thừa sống thiếu chết. May mà đến nơi chứ không cũng bỏ mạng ngoài biển khơi cho cá ăn rồi.

Chỉ như vậy mà tôi khoái ông sồn sồn. Ông Thịnh. Có lúc tôi thấy ông cô đơn quá đổi, có lúc ông vui vẻ không cùng. Thế nên tôi hay la cà nói chuyện với ông riết rồi thành thân.

Khi toán tụi tôi lên tàu đi Bắc, gồm những tay có máu mặt, dân Võ Bị, dân CTCT chiếm đa số, phần đông nắm đại đội trưởng trở lên, hay an ninh quân đội, cảnh sát, Phượng Hoàng.

Phải nói là cái tàu chở chúng tôi đi bắc là tàu chở súc vật. Đám tù nằm ngồi la liệt lúc nhúc như những thây ma, sống dỡ chết dỡ. Thật là khốn nạn không thể tưởng tượng được. Nhưng sự sinh tồn của con người cũng thật lạ lùng, có những cái tưởng mình không vượt qua được mà mình cũng vượt qua. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng cập bến và lên bờ. Những chiếc molotova cũ kỹ ì ạch chở tôi đến trại Hoàng Liên Sơn.

Khi vào trại, bọn tôi có 4 đứa họp làm một toán, chúng tôi ăn cơm chung với nhau, thề quyết không bỏ nhau, dù có chuyện gì xảy ra, thằng Cường, nhảy dù, Chiến, Thủy Quân Lục Chiến, Thịnh là tôi, Biệt động quân, và Tuấn, sư đoàn bộ binh. Trước đó ở trong Nam, chúng tôi đã nằm gần nhau, “ca cóng” cùng nhau, ăn uống cùng nhau nên trở nên thân thiết. Khi chuyển ra bắc vào trại Hoàng Liên Sơn, may mắn là chúng tôi lại cùng ở chung đội, ba thằng kia nằm đầu dãy lán, tôi nằm đàng phía trong, nhưng chúng tôi vẫn ăn cơm chung, dù lúc đó cơm tù chẳng có gì, nhưng ngồi nhai mấy miếng cơm hẩm với nước muối, mà có những thằng bạn cùng mình nói chuyện thì cũng đỡ buồn. Khi vào trại Hoàng Liên Sơn, tôi thấy đời mình đến đây đã là ngày tàn, không biết bao giờ thoát khỏi khu rừng núi thâm sơn cùng cốc này. Nơi khỉ ho cò gáy mà ngày còn ngồi học lớp nhất bậc tiểu học, tôi đã biết rặng Hoàng Liên Sơn là núi cao nhất VN và  ngọn Păng Xi Păng cũng là ngọn núi cao nhất nước. Bọn CS đem chúng tôi nhốt vào nơi đây chắc chắn là chúng tôi sẽ phơi xương nơi chốn này, không có một ngày về với gia đình.

Chúng tôi vào rừng đón tre, đón gỗ lập thành lán trại. Tù tự lập nhà tù nhốt mình là thượng sách, thằng nào lên cai trị cũng lấy phương châm này là kim chỉ nam, tù cai quản tù, mà CS dùng một danh từ là “hệ thống tự quản”, trên có Ban Thi Đua, do một tên tù tổ sư, có nghề “cong lưng”, làm tay sai, la hét anh em, dưới sự chỉ bảo của bọn quản giáo. Những tên Trưởng Ban Thi Đua qua các trại tôi biết, những tên này hồi trước cũng một thời hò hét với lính lác, cấp bậc có thể là trung tá, thiếu tá, đại uý, đủ cả. Bọn cai tù cũng có nghề coi tướng, thấy tay nào có tính lăng xăng, nịnh bợ, kiếm điểm, là bọn nó nối kết ngay, trước là cho làm ăn teng, báo cáo vài chuyện vặt vãnh, sau nâng lên cho làm trong tổ tự quản, khỏi đi lao động tại hiện trường, được ăn cơm no, thỉnh thoảng lại được bọn cai tù cho vài cọng rau, củ khoai, gọi là bồi dưỡng, là bọn nó mừng húm lên, quyết chí làm tay sai, ra sức đàn áp anh em tù bên dưới.

Bọn tôi bốn người, cùng ăn cơm chung, ai đi lao động tại hiện trường kiếm được nắm lá giang, hay cải tau bay thì mang về nấu lên cho có chút rau tươi, chia nhau mà húp nước. Cũng có thể đó là những ngày hạnh phúc của bọn tù chúng tôi.

Một hôm, bốn chúng tôi đang ngồi nhai mấy miếng bo bo, vừa nói chuyện, thì ở đâu, tay Biển cùng lán, xăm xăm lại:

- Mấy “toa” nói chuyện gì mà vui quá vậy, cho tôi mượn ống điếu hút ké một điếu thuốc lào thử coi.

Thuốc lào là môn giải trí độc nhất vô nhị ở đây, một năm qua, không có thuốc lá, thuốc rê, vì chúng tôi chưa được gia đình thăm và tiếp tế lần nào, nên chỉ một số ít người còn chút tiền đem theo, nhờ mấy tay vệ binh mua cho thuốc lào, nên thuốc lào còn quý hơn vàng. Tay Biển sà tới, xởi lởi lấy trong túi áo bọc ny lông có chứa một bịch thuốc lào. Chúng tôi ai cũng sáng mắt lên, trước tiên Biển làm một điếu, hít đầy buồng phổi và thở ra một cách khoái trá, đến các bạn tôi, rồi tôi, ai cũng được hít “chùa” đến phê, một bi thuốc lào cở bự, thiệt khoái không sao kể siết.

Biển vừa nằm lim dim đôi mắt, vừa kể lễ:

- Tôi là Navy lieutenent colonel, hồi tháng 4 bảy lăm, tôi chỉ huy chiếc tàu đi từ Nha Trang ra Đà Nẵng để yểm trợ cho quân đoàn 1 tái chiếm Đà Nẵng, không ngờ theo lệnh Mỹ, “tông tông” nhà ta bỏ Ban Mê Thuột, rồi bỏ vùng 2, lúc đó tôi ra đi dễ dàng, nhưng mình là sĩ quan chỉ huy, mình không thể bỏ chiến hữu của mình lại được, cuối cùng tôi lên bờ nên bị kẹt lại, mẹ kiếp!.

Thật ra chuyện Biển nói với chúng tôi, tôi cũng nghe nhiều lần rồi, đi đâu, tay này cũng oang oang cái lỗ miệng về cái back round của mình, cái back round đó thì mỗi người mỗi vẻ, dĩ nhiên khi còn quyền hành trong tay, tôi cầm quân trong binh chủng “cọp ba đầu rằn”, tôi cũng hách xì xằng lắm chớ bộ, nếu mà quân đội một mực chiến đấu thì chưa chắc ai thắng ai. Chúng tôi bỏ súng là do lệnh trên, điều này ai cũng biết vậy, nên nay đành phải “ngậm một mối căm hờn bên củi sắt.”

Biển đổi giọng, nói tiếp:

- Mấy “toi” cho tớ ngồi ăn cơm chung với nhé, đàng kia, bọn nó hổn quá, tớ chịu không nỗi. Ăn chung trò chuyện cho vui cửa vui nhà mà. Có gì đâu.

Thiệt ra, chúng tôi nghĩ, bọn tôi bốn tên là vừa, nhiều quá gây ồn ào, mà tên Biển này nghe anh em tù cũng lao xao bàn tán là một tay hay bốc phét, lại mỗi khi gặp “quản giáo” hay “vệ binh” thì y một điều “thưa cán bộ”, hai điều “thưa cán bộ”, nên đám tù không ưa. Nhưng mà chúng tôi đã mắc quai “mấy bi thuốc lào” của tên Biển, nên biết ăn làm sao nói làm sao bây giờ. Chúng tôi đành ậm ự cho qua.

Thế là từ đó, cứ mỗi lần chia cơm xong, thì tên Biển mang qua ngồi với chúng tôi, chúng tôi cũng chỉ coi gã như một bạn đồng tù.

Qua mùa đông u ám của năm bảy sáu, mùa xuân hé mở với chúng tôi một mùa xuân tươi rói của đất trời, nhưng khi nhìn đi nhìn lại, chúng tôi vẫn thấy không có một hứa hẹn của ngày về. Điều mà trên thông cáo, ai cũng nghĩ là chúng tôi đi học tập chỉ một tháng thôi. Chuyện “thăm thẳm chiều trôi” này làm nãn lòng anh em chiến hữu đồng tù không ít. Ai cũng có hoàn cảnh riêng, ai cũng lo cho ngày về của mình xa tít vời vợi, còn vợ dai con thơ ở nhà ra sao đây?

Một hôm, Cường “dù” nói nhỏ với tôi:

- Tau phải dọt thôi, không thể chôn vùi đời trai mãi ở đây được, trước sau gì tau cũng tìm cách dọt, mày có tính “đi” cùng tau không?

Thật ra, nhìn quang cảnh trại tù với rừng núi mênh mông bạt ngàn tôi quá ngại, nên tôi nói nhỏ với Cường “dù”.

- Tau thấy bọn nó nhốt mình ở đây thâm sơn cùng cốc quá, biết  đường đâu mà đi.

Cường cương quyết:

- Bắt đầu từ bây giờ, tau quyết chí phải dọt khỏi nơi này. Vợ con tau đang đói ở nhà, tau chịu không nỗi nữa. Chuyện này tau chỉ nói riêng với nhóm mình thôi, tụi bay đừng hé môi cho ai biết nhé.

Tôi gật đầu.

Có lẽ, trong bốn đứa còn lại, Cường “dù” cũng nói riêng cho từng đứa, nên tôi thấy sau đó thằng nào cũng tỏ ra nhấp nhỏm, ăn miếng cơm hẩm trong miệng cũng cố nhai cho thật lâu để khỏi phải nhìn thằng kia. Chúng tôi im lặng sống trong lúc Cường “dù” cũng im lặng lo cho cuộc vượt thoát của mình.

Thằng Biển, sau đó một tháng, nó rời bỏ nhóm, về lại bên kia, nó nói, bây giờ nó muốn ăn một mình để ngẫm nghĩ sự đời. Nó đi rồi, tụi tôi lại thong thả hơn, vui vẻ hơn, nói năng khỏi phải giữ mồm, giữ miệng. Có tin đồn râm rang, nó hay lên nhà của mấy tay quản giáo một mình. Nó lên làm gì ai mà biết, tuy nhiên anh em cũng chỉ bàn ra bàn vào, vậy thôi.

Hôm Cường “dọt” là một đêm khuya, khu trại tù Hoàng Liên Sơn sương mù phủ dày đặc, đưa bàn tay sát mắt mà không thấy. Hôm đó tình cờ sao buổi chiều có thằng Biển qua ngồi hút thuốc lào. Cường thì thầm vào tai bốn đứa:

- Tối nay tau dọt, một chết, một tự do. Tau có chết bọn mày có về nhớ báo cho vợ con tau biết.

Biển rít xong điếu thuốc lào rồi đứng dậy ra về.

Đêm xuống mịt mùng tối đen bao quanh khu trại tù Hoàng Liên Sơn.

Tôi nằm lơ mơ cầu nguyện cho bạn mình vướt thoát, rồi ngủ quên đi lúc nào không hay, đến khi đâu nửa khuya, nghe ầm vang lên tiếng nổ của những lọat đạn AK, chúng tôi mới giựt mình tỉnh giấc.

Chúng tôi bị đánh thức cả lán trại. Cường dù bị bắn gục ngay khi vướt qua hàng rào. Cường dù là một sĩ quan chỉ huy, một đại đội trưởng dù nỗi tiếng, tại sao anh bị bắn ngay từ phút đầu vượt trại. Tôi nghĩ, có bị bắt, hay bị bắn, ít ra cũng ra khỏi nơi này, ngoài kia núi rừng thâm u, chứ ở đây, đã biết giờ giấc lịch trình của vệ binh canh gác, Cường dù đâu có dại để bị bắn ngay từ đầu như vậy.

Tụi tôi sau cái chết của Cường dù, đã bị bọn quản giáo kêu lên kêu xuống biết bao nhiêu lần. Tuy nhiên, riết rồi chúng tôi cũng thoát. Thằng Biển sau đó được anh em chuyền tai là một tên “ăn teng hạng nặng”, nó đã báo cho quản giáo biết bao nhiêu chuyện của anh em trong lán. Sau vụ Cường dù bị bắn, Biển được chuyển lên trên khung gác nhà máy điện, nên sau cái tên Biển “hói”, Biển “an teng”, nó còn có tên Biển “điện”.

Chúng tôi trở về sau gần mười năm ở tù, quyết chí trả thù cho Cường dù, một chiến sĩ quân lực VNCH xuất sắc và kiên cường đã bị thằng “ăn teng mạt hạng” Biển “hói” báo cáo khi vượt trại. Nhưng tin tức của thằng Biển ra trại ở đâu vẫn biệt vô âm tín.

Qua đây chúng tôi lần mò tìm tin tức thằng Biển, nhưng nó cũng vô tăm vô tích. Chúng tôi ba thằng bạn đồng tù cũ đã lên lịch, thông báo với những anh em khác cố tìm cho ra tung tích thằng chó đẻ. Khi nghe thoáng đâu nó cũng được qua Mỹ, không giám ở khu người Việt đông, có anh em H.O đông, nó trốn như chạch ở đâu bên PA, rồi cũng thay đổi hình tích nhân dạng liên tiếp.

Nghĩ đến Cường dù gục ngã trước làn đạn đạn của thằng vệ binh Việt cộng, do thằng Biển báo cáo, chúng tôi tức sôi gan lên, muốn băm vằm nó ra từng mảnh.

Sau cái chết của Cường dù một tháng, thằng sáu Đờn, quản giáo, lên giọng dạy bảo, lên lớp đám tù: Các anh muốn về sớm không. Các anh còn tinh thần phản động quá lắm mà, các anh đừng hòng vượt thoát ra khỏi nơi này, cái chết của thằng Cường là một tấm gương tày líp, các anh hãy phản tỉnh lại đi, về đoàn tụ với gia đình sớm hay muộn là tự các anh thôi. Như anh Biển, cấp bực hơn các anh, vậy mà ảnh là người gương mẫu, học tập tốt lao động tốt, các anh hãy lấy anh Biển làm gương.

Thế đó, thằng Biển chó đẻ, nó đã giết thằng Cường dù, bạn thân nhất của tôi, của Chiến, của Tuấn, những thằng ăn cơm chung suốt mấy năm, làm sao không đau lòng và uất hận cho được. Khi ở  tù, nói sợ thì ai cũng sợ cái uy lực của bọn Việt cộng đè xuống đầu mình, gia đình mình, nhưng khi nỗi căm phẫn đã lên đến đến tột đỉnh, nói “lên gân” một chút là chúng tôi sẽ “biến đau thương thành hành động”.

Sau khi qua Mỹ, chúng tôi đã mua mỗi đứa một khẩu súng, thủ sẳn trên xe, hễ gặp mặt “thằng chó đẻ” đó bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào là chúng tôi sẽ “bùm” ngay. Thằng Chiến, thằng Tuấn và tôi đồng lòng như vậy. Tôi biết luật pháp nước Mỹ này không chấp nhận điều này, chúng tôi có thể bị tử hình hoặc chung thân, gia đình chúng tôi sẽ khổ sở trăm bề, nhưng tôi nghĩ đến đôi mắt trợn trừng không khép đươc của thằng Cường “dù” khi bị bọn cai tù bắn gục, tôi không thể nhẫn nhục được. Thằng Chiến thủy quân lục chiến, trong một cuộc nhậu, nó đã cầm khẩu súng lên rồi tuyên bố một câu xanh rờn:

- Tìm được thằng cho đẻ, tau sẽ xử nó thế này, kê khẩu súng này vào ngay cái trán hói của nó, cái trán hói chứa chất bên trong cái não bộ, vận hành toan tính cách hãm hại anh em tù, tạo phải “đoành” một phát vào trúng trung tâm não bộ của nó, cho văng tung toé óc não của nó ra, thì tau mới hả giận.  Thằng Tuấn đại đội trưởng bộ binh thì nói:

- Tau dùng khầu súng này nhắm vào cái miệng tham ăn, tham nói, tham báo cáo hãm hại anh em, viên đạn sẽ xé toạt cái miệng nó ra, cho nó hết thời ăn cứt.

Còn tôi thì trong lúc ngà ngà say, cơn giận thằng chó đẻ hãm hại bạn tù này cũng lên cực độ, tôi nói:

- Tau sẽ kê súng ngay hạ bộ thằng cho đẻ, bắn tanh bành nó ra, để nó về chầu diêm vương hết thời làm điếm đực, làm chỉ điểm.

Thế mà thằng Biển chó đẻ vẫn biệt vô âm tín.

Nghe chuyện kể của ông sồn sồn tôi cũng nổi da gà, chuyện “ăn teng” trong tù cũng là chuyện dài nhiều tập, tôi cũng nghe nói nhiều người có tiếng tăm của chế độ cũ, khi vào tù cũng cam tâm làm “ăn teng” mạt hạng cho bọn quản giáo, vệ binh, để được chút ưu tiên. Tuy nhiên chuyện báo cáo cho bọn cai tù biết ngày giờ của người bạn mình vượt trại, để bạn mình bị bắn chết gục ngay dưới hàng rào kẽm gai, cũng là một điều không thể tha thứ. Nợ máu phải trả bằng máu là chuyện đương nhiên, là đúng. Nghĩ vậy, tôi hỏi tiếp ông Thịnh:

- Vậy cuối cùng, đến nay nhóm bọn anh có tìm ra tông tích thằng “ăn teng chó đẻ” đó không?

Ông Thịnh mỉm cười, nụ cười ông trở nên hiền hòa vô kể:

- Không, à mà có. Suốt mười mấy năm tụi tôi mai phục, tìm kiếm tông tích nó, đến độ cây súng tôi bỏ trong thùng xe bị hoen rỉ đi. Thằng chó đẻ vẫn biệt vô âm tín. Sau nhiều  năm cư ngụ ở vùng tây bắc, tôi quyết chí đưa gia đình về CA, vì tôi nghe thằng chó đẻ đã dời về ở đây. Bỗng một hôm, vào buổi sáng, tôi đọc trên một tờ báo Việt ngữ, thấy ở Las Vegas, tiểu bang Nevada, có tin một tai nạn xe hơi khủng khiếp, làm chết một người đàn ông và một người đàn bà. Xem kỹ tin này thì biết, chính người đàn ông chết đó là thằng Biển “ăn teng”, Biển “điện”. Nó từ PA về Cali, vì sợ quá nên trốn chui trốn nhũi, vợ bỏ nên nó tấp vào con mẹ chủ chợ cá ở Bolsa, con mẹ này hay lên đài ban đêm chữi bới đủ thứ. Thằng Biển “cặp” con mẹ này nhắm vào cái chợ con mẹ có hùn hạp làm ăn, nào ngờ cái chợ đang đà phá sản. Hai tên này buồn tình hay sao mà sa vào trò đỏ đen ở Las Vegas. Không biết làm sao, có phải là oan hồn của Cường “dù” nhập vào, để trả thù món nợ chết oan năm xưa hay không, mà thằng Biển lái xe chạy quá tốc độ, khiến xe đâm phải vào cột đèn, làm 2 đứa chết không toàn  thây.

“Thằng chó đẻ” chết đã hai năm rồi. Ba tụi tôi họp nhau lại nhậu một bữa đã đời, để ăn mừng chiến thắng, cũng mừng may mắn là tay chúng tôi chưa nhúng vào máu. Sau đó chúng tôi quẳng súng xuống biển, coi như ông trời đã thay tụi tôi “tính sổ” thằng cho đẻ.

Suy cho cùng, cái gì cũng có nhân quả của nó hết, phải không ông?

Trần Yên Hòa

No comments: