Friday, June 17, 2016

TRẢ NỢ (Thukỳ)

Tặng những người cha ngày Từ Phụ (Father's Day)
(Xin bấm vào những chữ đỏ để đọc tham khảo)





Người ta thường ví von rằng “ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà”.  Nhưng ở Mỹ này, thà bị cháy nhà hơn dọn nhà; vì nếu chẳng may nhà mình bị hỏa hoạn, thì công ty bảo hiểm sẽ xây lại cho mình một căn nhà mới, chứ nếu phải “dọn nhà” thì “thà chết sướng hơn!” Thế nhưng, để những đứa con của mình khỏi bị “ô nhiễm” vì môi trường chung quanh, tôi cũng đã bắt chước Mạnh Mẫu dọn nhà, rời bỏ Boston, nơi tôi từng lập nghiệp từ khi sang Mỹ, để lại một món nợ mà tôi hứa với một người bạn là sẽ trả.

Vào lễ Father’s Day, ngoài món nợ ân tình, vợ chồng tôi còn khệ nệ mang theo những món quà nhỏ từ Florida đến một viện dưỡng lão ở Boston để thăm bác Đức, và để trả món nợ ân tình nói trên.  

Vừa nhìn thấy chúng tôi, gương mặt nhăn nheo của bác tươi hẳn lên trong nụ cười rưng rưng nước mắt.  Tôi chạy đến ôm lấy bác, khóc nức nở như đứa trẻ lên ba.  Hai bác cháu ôm nhau, và tôi biết bác đang vui mừng như được ôm Lan, đứa con gái đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, và cũng là người mà tôi phải trả nợ theo lời hứa, lòng ngậm ngùi ngân nga: 
Lá vàng còn ở trên cây,
Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời.
Đang cắt trái cây cho bác Đức, bỗng tôi nhìn thấy cô y tá đẩy một người đàn ông có nét mặt quen quen vào chiếc giường trống bên cạnh. Trí nhớ ông xã tôi còn tốt nên ảnh nhận ngay ra người quen:
- Bác Dương.
Tôi mở to đôi mắt nhìn vào người đàn ông trên chiếc xe lăn, khuôn mặt vẫn còn những nét phong trần với đôi mắt xa xăm như đang xem một cuốn phim dĩ vãng.

****

Nhà tôi và nhà bác Dương sát bên nhau ở thành phố Boston. Những lúc làm vườn gần hàng rào, tôi nghe mấy đứa con gọi bác trai là “Cậu” và bác gái là “Mợ”; hỏi ra mới biết ở miền Bắc có vùng gọi cha, mẹ là “cậu, mợ” hoặc “thầy, u”…như trong Nam gọi “tía, má” hay “bố, mẹ”.





 (Nhà Thukỳ ở Boston mặt tiền và hậu, khoe tí nhen)



Nếu ngày xưa tôi thường thích nghe bài hát “ước gì nhà mình chung vách”, thì bây giờ là “cực hình” khi phải chung hàng rào với một gia đình mà con cái coi cha mẹ còn hơn…kẻ thù; vì khu vực khá yên tĩnh, nên không có chuyện “anh nói em nghe”, “con cái nói bố mẹ nghe”, mà cả hàng xóm…nghe!

Dù những đứa trẻ không đến nỗi cho bố mẹ chúng ăn cơm bằng gáo dừa; nhưng những lời chúng mắng chửi những người sanh ra mình còn tàn nhẫn hơn là cho họ ăn bằng... bát mẻ!

Ngoài việc đay nghiến về cách ăn mặc, đi đứng…của bố mẹ mình, những đứa “khuyển tử” này còn lôi những chuyện xưa ra để hành hạ bố mẹ mình, như nhắc lại những kỷ luật mà bố mẹ chúng áp đặt khi chúng còn nhỏ.  Hành động vô lương tâm của chúng làm tôi liên tưởng đến những màn đấu tố cha mẹ ở miền Bắc vào đầu thập niên 1950.

Những lúc chúng vắng nhà, tôi ra vườn hỏi thăm hai bác mới biết bác rất đông con, trai gái đầy đủ, và 2 bác đã nhọc công nuôi dưỡng mang chúng sang đây.  Người con cả đã lấy vợ ở riêng, thỉnh thoảng về thăm. Người con trưởng này trước mặt làm ra vẻ tử tế với hai bác, nhưng sau lưng, hắn là một người nham hiểm.  Hắn âm thầm xúi dục những đứa em sách nhiễu bố mẹ mình; còn người con dâu thì miệng lưỡi ngọt ngào, nhưng trong bụng là một rừng dao găm-mã tấu, đâm bị thóc, thọc bị gạo, gây chia sẽ bất hòa giữa anh em và cha mẹ, với mục đích làm cho bố mẹ không chịu nổi sẽ vào viện dưỡng lão để chúng chia nhau căn nhà mà bố mẹ đã gầy công dựng nên.

Vì sợ những lời chửi mắng bố mẹ của những người con trong gia đình bác Dương mà tôi bàn với ông xã là bằng mọi cách phải dọn nhà đi nơi khác, sợ những đứa con của tôi bị tiêm nhiễm bởi thói hư tật xấu của những đứa con hàng xóm. 


Bác Dương kể rằng sau khi bác gái qua đời,  những đứa con gởi bác vào viện dưỡng lão rồi bán nhà chia nhau; và vì chia không đều nên bây giờ huynh đệ cũng tan hàng, chẳng thèm nhìn nhau.  Bác nói từ khi vào đây đến giờ đã gần 2 năm, nhưng chưa đứa nào vào thăm bác.

Tôi ôm bác Dương vào lòng mà hai hàng lệ chảy dài.  Sau khi tặng quà cho bác Đức và bác Dương, chúng tôi giã từ 2 bác mà lòng ngậm ngùi quyến luyến.

Theo lời hứa, năm nay, một tuần lễ trước ngày Từ Phụ (Father’s Day),  chúng tôi sẽ bay về thăm lại Boston, lo cho mấy căn nhà còn  ở trển, và chủ tâm thăm lại hai người cha trên 80 tuổi với hai nỗi buồn và hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng một nỗi cô đơn là không có đứa con nào viếng thăm… nhưng cái đau nhất là cả hai đều nhớ đến con cái và dĩ vãng, ngồi kể nhau nghe kỷ niệm của từng đứa con mà họ yêu quý.  Đúng là nước mắt chảy xuôi.

Những lần nhớ về hai người đàn ông cô độc, tôi lại không quên câu chuyện ông phú hộ cho những người nghèo vay tiền; và vì nợ nần chồng chất, họ đã không thể nào trả được.   Biết mình sắp chết, phú hộ cho người gọi những con nợ đến rồi nói với họ là ông xóa hết nợ nần của họ.  

Quá cảm động con nợ thứ nhất thưa rằng kiếp sau ông nguyện làm con trâu để cầy bừa trả nợ cho ông;  con nợ thứ nhì nói sẽ đầu thai làm con chó giữ nhà cho ông.  Nhưng người thứ ba nói rằng nếu được đầu thai, ông nguyện sẽ làm…cha ông phú hộ.

Thấy mặt người hấp hối có vẻ bất bình và giận giữ, con nợ thứ 3 cắt nghĩa rằng, cho dù làm thân khuyển mã để đền nợ cho ông cũng không thể nào xứng đáng; vì thế ông chỉ nguyện được làm cha của ông.  Ông giải thích rằng, trong cương vị người cha, ngoài việc thức khuya dậy sớm để lo cho con, lại còn lo từng miếng ăn giấc ngủ, thay tã lót, dạy dỗ cho con nên người, thương yêu, dùm bọc cho đến khi lìa đời.  Thực sự làm cha đâu có sướng, đó chỉ vì là muốn TRẢ NỢ cho ông mà thôi.

Navarre Jun 6, 2016
Happy Father’s Day.
Thukỳ.


No comments: