Thursday, September 26, 2019

MỘT CHUYẾN ĐI (THIÊN TRÚC)


Một Chuyến Đi
Thiên Trúc.

Đã 8 ngày kể từ hôm chia tay tại Red Lion Hotel sau chuyến du thuyền đi Alaska thế mà tâm trí như cứ ngỡ mới hôm qua. Tình Thầy trò và tình bằng hữu cứ lưu lại những cảm xúc không quên. Quý anh chị trong Ban Tổ Chức Đại Hội này đã hy sinh rất nhiều công sức, thì giờ và tiền túi của riêng mình trong suốt quá trình tổ chức Đại Hội từ lúc khởi đầu bàn thảo cho tới ngày hoàn tất chuyến đi và ngay cả sau đó nữa chỉ cho một mục đích duy nhất là đem niềm vui đến cho quý Thầy Cô và tất cả đồng môn, đồng hương tham dự Đại Hội.

Tôi gặp lại hai Thầy của tôi. Mới ngày nào tôi là một đứa nhóc tì mười ba, mười bốn tuổi học với hai Thầy mà bây giờ mình đã vượt qua cái tuổi "nhân sinh thất thập cổ lai hy" rồi thì Thầy tôi làm sao còn đẹp trai, phong độ như hồi 58 năm về trước được. Tôi ôm Thầy Nguyễn Khoa Đằng và Thầy Lê Văn Nhạc trong hôm gặp quý Thầy tại hotel trước hôm đi Seattle Bus Tour. Hai Thầy đã cao tuổi nhưng khuôn mặt, tiếng cười và giọng nói toát ra tình thân thương với thằng học trò cũ. Còn hai cô Phu Nhân Phương và Mai Hương thì dành nhiều thương mến cho bà xã của tôi, và cho tiếng hát của bã,  khiến hai đứa tụi tôi hết sức xúc động.

Thế rồi con tàu khi hải hành vào những lúc trời còn sáng tôi thích đứng trên deck 17 để nhìn biển rộng bao la mà nhớ những ngày hải hồ của tôi trước 30 tháng 4, 1975. Nhìn sóng nước êm đềm hai bên du thuyền khổng lồ này mà hồi tưởng những chuyến hải hành đầy sóng gió của mùa biển động mà tôi đã trải qua nhiều mùa đông nối tiếp nhau khi mũi tàu lặn hụp dưới hàng ngàn đợt sóng dữ, hụp xuống rồi trồi lên cao và hụp trở xuống, liên tục, hoặc sóng to đánh ngang vào mạn sườn tàu khiến con tàu lắc ngang là lúc khủng khiếp nhất cho người hải hành nào không chịu nổi bệnh say sóng. Ói không còn gì trong bụng, ói ra mật xanh, người lã ra, muốn quỵ xuống mà vẫn phải bám vách tàu sắt để làm tròn phận sự cho ca hải hành đêm kéo dài 8 tiếng (3 ca hải hành cho mỗi 24 tiếng). Và kẻ hải hồ cay đắng ngâm câu thơ "Ôi biển cả giờ đây ta mới biết, mộng hải hồ đã giết chết một đời trai!!!".

Trong những lần đi xuống thăm các danh thắng trên đất liền (Shore Excursions), lần làm tôi suy nghĩ nhiều nhất là lần đến Ketchikan, Alaska hôm 02 tháng 9, 2019. Đây là một khu phố rất nhỏ nên không có gì đáng để được ghi nhớ ngoại trừ khi nhìn xuống một giòng (dòng) suối đang có nhiều ngàn con cá hồi (salmon) đang vượt suối rất cao đầy đá gập ghềnh để lên đến thượng nguồn nơi xuất phát dòng suối để đẻ trứng mà nghĩ đến số phận gian truân và khổ đau của loài vật này mà tạo hóa đã quá bất công khi tạo ra cái sinh vật hiền lành và đáng thương ấy phải chịu tất cả những cay đắng và nghiệt ngã trong suốt cuộc đời của chúng. Gần 90 phần trăm số lượng được sinh ra của chúng đã lọt vào bao tử của hàng trăm ngàn loài động vật săn mồi (cá mập, cá voi killing whales, hải cẩu, gấu) và loài nguy hiểm nhất sẽ gây ra sự diệt chủng của cá hồi ngoài hoang dã, chúng bắt hàng triệu triệu con không phải vì bụng chúng đói mà vì lòng chúng tham, đó là con người. Đó là chưa nói tới những đập thủy điện nhan nhản khắp nơi do con người làm ra đã chặn đường lên của loài cá này trước khi chúng có thể rẽ vào những con suối. Chúng không thể lội ngược dòng tại các luồng nước của đập thủy điện vì giòng chảy cực mạnh. Thế là chúng cứ phóng lên theo bản năng bẩm sinh do tạo hóa nghiệt ngã "lập trình" cho chúng và chúng va đầu vào tường xi-măng của đập thủy điện mà chết trước khi cái ước nguyện được chết sau khi đẻ trứng và thụ tinh để duy trì nòi giống được công thành. Số may mắn ít ỏi thoát chết trước nanh vuốt của hàng trăm ngàn động vật sát thủ và bàn tay săn bắt của con người bơi đến được nơi để đẻ trứng và con đực làm nhiệm vụ thụ tinh cho trứng rồi thì tất cả cùng chết vì kiệt sức, thân thể rã rời vì quá cực khổ và không ăn gì sau cả tháng trời vượt dòng suối từ biển để lên đến thượng nguồn.
Những nghiên cứu khoa học cho thấy một con cá hồi từ lúc nở ra trên thượng nguồn, sống tại những vùng nước ngọt của dòng suối trong một thời gian rồi theo dòng suối bơi xuống biển, sống tại đó cho tới ngày cùng nhau vượt sông, vượt suối lên đến thượng nguồn và còn sống sót để sinh đẻ rồi chết vì kiệt sức thì tổng cộng trung bình mỗi con đã bơi gần 2000 miles tức gần 3218 km trong cuộc đời của nó.

Pic1 here

Lần Shore Excursion thứ nhì mà tôi ghi nhớ, đó là lần đến The Butchart Gardens tại Brentwood Bay, British Columbia, Canada vào hôm 06 tháng 9, 2019. Đây là thắng cảnh nổi tiếng nhất của Canada sau Niagara Falls. Hằng năm nơi đây tiếp đón hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đến viếng thăm. Cảnh hoa, cỏ và cây xanh tại đó đẹp ra sao thì ai đến đó cũng đã biết rồi hoặc ai chưa đến thì tìm trên Youtube với tiêu đề để tìm là "Butchart Gardens" thì sẽ thấy rất nhiều clips phô diễn những hình ảnh cực đẹp của vườn hoa nổi tiếng này. Rất tiếc là chúng ta đến đó vào tháng 9, đã hết mùa hoa hồng rồi chứ nếu đến vào tháng 6 hay 7 thì sẽ có dịp chiêm ngưỡng hàng triệu đóa hoa hồng đủ màu sắc cực đẹp, là loài hoa then chốt trong vườn hoa này.

Pic 2 here

Cuộc vui nào rồi cũng tới lúc chia tay. Mỗi chúng ta còn giữ lại trong tâm trí những hình ảnh thân thương và tươi đẹp nhất.
Khi chúng ta bước vào một nghĩa trang với cả ngàn nấm mộ san sát bên nhau, tất cả mọi người bên dưới lòng đất đều bình đẳng, nghĩa là đều không có gì để mang theo. Không tiền bạc, không của cải, không danh vọng, không nhà cửa , không xe, tàu. Làm sao chúng ta đánh giá được ông A hơn ông B ở chỗ nào? ẤY LÀ LÚC CÒN SỐNG THÌ ÔNG A CÓ NHIỀU NGÀY VUI HƠN ÔNG B.


Thiên Trúc.

No comments: