Cô ở đâu chuyển về chứ không phải người ở đây, nghe nói gốc gác
dân Lái Thiêu. Đẹp như tiên, tôi phải nói ngay như vậy. Chẳng biết có cường
điệu quá không hay bởi ngôi trường của tôi loang lổ xám xịt mà sự có mặt của cô
khiến nó sáng bừng rạng rỡ nên tôi có ấn tượng với cô giáo mới đến.
Tôi ngồi đầu bàn trên, tôi lén nhìn cô suốt. Tóc cô dài xõa che
nửa lưng, vài lọn nơi thái dương xoăn nhẹ. Buổi chiều tan học cô đạp xe thong
dong, vạt áo dài cô kéo lên cầm cùng với tay lái. Hôm thì cô mặc áo dài màu
ngà, hôm thì màu trắng giống như nữ sinh. Mặc áo dài trắng giống như nữ sinh
thì chỉ có cô là một và người ta thấy cô trẻ quá, đẹp quá. Những thằng có xe
đạp đua nhau gồng mình vọt qua rồi quay trở lại với hy vọng thấy cô mỉm cười.
Tưởng chỉ có tôi để ý đến cô ngờ đâu cả trường đều để ý. Những
thày giáo cao gầy hốc hác vì khói thuốc, những học sinh lớp trên vô duyên nhăn
nhở, chúng nhìn cô cách sỗ sàng rồi huýt sáo. Khỏi nói cũng biết tôi ghét mấy
thằng quỷ này và có nhắc đến chúng trong câu chuyện Duyên Thuở Hoa Niên của
tôi. Giờ ra chơi mấy thầy tìm cô tán gẫu, chúng tôi đá banh gần đấy, la hét
đuổi nhau và làm đủ thứ trò mèo hòng gây sự chú ý.
Trường của tôi, kề bên là Chi khu Phú Giáo cách nhau bởi hàng
rào kẽm gai. Một hôm tôi thấy cô giáo đứng bên cửa lớp nhìn về cuối con đường
nơi có toán lính hành quân trở về. Ai mà có máy chụp hình ghi lại khoảnh khắc
ấy thì tôi nghĩ đó là một tấm ảnh vô giá. Tôi lấy giấy bút hí hoáy vẽ nhưng
không sao thể hiện được ý muốn. Bạn tôi nhìn thấy hỏi: vẽ cô Vân phải không?
Tôi xấu hổ không thừa nhận. Có thằng ranh kia cứ ồn ào thế là bị cô đập quyển
sách lên đầu, nó giả bộ nhăn nhó gây trò cười cho cả lớp. Tôi cảm thấy trong
tiếng cười có pha chút ghen tị bởi ít nhất thì thằng ấy cũng đã được cô chiếu
cố. Một hôm tôi phát hiện cô có dấu sơ xuất, nói ra rất ngại. Tôi liều lĩnh xin
cô ra ngoài rồi bảo cho cô biết. Cám ơn em, thày trò với nhau em giúp cho cô là
đúng quá rồi. Mấy đứa ngồi gần thắc mắc hỏi việc gì vậy nhưng đời nào tôi kể.
Chẳng có bao nhiêu kỷ niệm. Một lần cô chở tôi về nhà vì thấy
tôi thường đi bộ. Tôi ngồi phía sau, bạn bè trố mắt nhìn còn tôi tỏ vẻ thản
nhiên nhưng kỳ thực quá đỗi hạnh phúc, niềm hạnh phúc lớn gấp nhiều so với việc
được cô mỉm cười hay gõ quyển sách lên đầu. Áo dài của cô gió thổi mơn man tay
tôi, chất lụa nhẹ và mát. Vài sợi tóc chạm vào mặt, gió đồng thơm hay hương tóc
mây tôi chẳng rõ, tôi không còn là tôi nữa, cô hỏi gì nói gì tôi không nhớ. Qua
một triền dốc. Qua con suối nhỏ. Qua hai lối rẽ. Tới nhà em rồi cô ạ, mời cô
vào nhà uống nước. Cô cười. Thôi để lần sau bây giờ cô về kẻo quên đường. Thú
thật là tôi nào muốn cô vào nhà, mái tranh ảm đạm kia với những nong nia phơi
phóng gì đấy ngoài sân chưa kịp cất đi, áo quần lam lũ vắt trên sợi dây trước
hiên sao xứng đón tiếp cô. Tôi chạy ù vào nhà. Mẹ tôi hỏi: ai chở mày vậy? Cô
giáo của con. Tôi trả lời mẹ tôi với niềm tự hào. Cô giáo của con. Tôi khoe với
mẹ coi như đấy là chiến tích thay cho phần thưởng mà nhiều năm đi học tôi chẳng
bao giờ có.
Nghỉ hè xong, chúng tôi trở lại lớp và cũng kỳ nghỉ hè ấy người
ta hoán đổi một số thày cô đi dạy nơi trường khác, trong đó có cô Vân. Thật lạ
lùng vì cô mới về chưa tròn năm. Qua ba tháng hè đằng đẵng nhận lớp xong không
ai nhắc đến cô nữa. Tôi thì buồn vô cùng, tất cả mọi thông tin tôi có được chỉ
là cô có gốc gác Lái Thiêu, miền đất tôi chưa bao giờ đến. Trường học này, thử
hỏi đếm được bao nhiêu người thân thiết với tôi vậy mà cô quan tâm tôi cách
riêng, cho tôi vài niềm vui và dù niềm vui đã qua rồi tôi vẫn còn ghi nhớ. Cô
Vân nhớ tôi không? Đi qua đời cô là cả ngàn học sinh, tôi có là gì mà cô nhớ
nhưng ít ra trong cuộc đời tôi đã gặp một người để số phận mỉm cười với tôi.
Trường của tôi xưa với những bóng cây cao chót vót, vết tích của
rừng già sót lại. Nhiều năm đi ngang tôi vẫn thấy nắng chiều ố vàng trên cỏ. Có
phải cỏ hoa và nắng của ngày trước đấy không? Tôi chạnh lòng và tim tôi như tan
vỡ, tôi không dám bước vào. Thì ra tôi vẫn còn yêu cô giáo, vẫn nhớ cô, một nỗi
nhớ nhung thuần khiết giống như giọt đêm qua sáng nay còn trong vắt đọng nơi
đầu cành.
Cô Vân. Cô Vân. Mây
bay về nơi đâu?
No comments:
Post a Comment